Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Julia Morgan

Docsach24.com 

Năm 1896, Julia Morgan, cô gái hai sáu tuổi người San Francisco, nữ kĩ sư duy nhất vừa tốt nghiệp đại học California, nghe tin đồn trường mĩ thuật danh tiếng Ecole des Beaux ở Paris có thể tiếp nhận sinh viên nữ. Thế là cô háo hức lên đường tới nước Pháp.

Trường Ecole des Beaux chưa từng có tiền lệ nhận các sinh viên nữ vì vậy Julia Morgan bị từ chối. May mắn thay nhờ có sự giới thiệu của một nhân vật có tên tuổi trong ngành mĩ thuật, đặc biệt là Jean Louis Pascal, người giành giải Grand Prix năm 1866 và là người phụ trách một xưởng điêu khắc nổi tiếng, lãnh đạo trường Ecole des Beaux mới lưu ý tới cô. Họ nói rằng sẽ nhận cô vào học với điều kiện cô phải vượt qua kì thi tuyển sinh.

Cô gái đến từ nước Mĩ Julia Morgan đã xuất sắc vượt qua kì thi. Một thành tích đầy thuyết phục, đưa cô vào giảng đường của trường Ecole des Beaux. Tuy nhiên, cô chỉ được nhận vào lớp Nhị.

Trong hai năm học Julia được tuyên dương 17 lần, được nhận hai huy chương vàng cho thành tích về toán học, kiến trúc và thiết kế. Tháng Tám năm 1900 cô được chuyển lên lớp Nhất. Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật ở lớp Nhất, Julia chỉ có thể theo học thêm hai năm bởi lúc đó, cô đã quá tuổi được chấp nhận tại trường Ecole des Beaux. Julia Morgan ra trường và bắt đầu làm việc như một kiến trúc sư thực thụ.

Năm 1903 Julia trở về Mĩ và cộng tác với kiến trúc sư nổi tiếng John Galen Howard trong một loạt các dự án lớn như dự án thiết kế nhà hát Hearst Greek, tòa nhà Hearst Mining. Một năm sau bà mở văn phòng riêng ở San Francisco và mau chóng được giới mĩ thuật chú ý với dự án thiết kế tháp chuông Mills College ở Oakland. Bà cũng nhận thiết kế các công trình xây dựng cho nhiều khách hàng ở khu Piedmont, Claremont and Berkeley. Trận động đất lớn xảy ra ở San Francisco vào năm 1906 đã san phẳng văn phòng của bà, nhưng lại mang lại cho bà vô số công việc trong thời gian sau đó.

Năm 1919, Julia Morgan được trùm tư bản William Randolph Hearst chọn làm kiến trúc sư thiết kế lâu đài Hearst. Nhà tư bản này muốn xây dựng tòa lâu đài trên một đỉnh đồi hướng ra cảng San Simeon để tưởng nhớ người mẹ của mình và ông muốn tòa lâu đài phải là một công trình kiến trúc kết hợp tất cả tinh hoa kiến trúc mà ông ưa thích trong cả cuộc đời. Julia Morgan đã phải làm việc miệt mài trong suốt hai mươi năm với dự án này và mặc dù vào cuối những năm 30 tình hình tài chính của William Randolph Hearst xấu đi khiến cho việc xây dựng không đáp ứng được 100% thiết kế, tòa lâu đài Hearst vẫn là một công trình kiến trúc nổi tiếng. Cùng với việc thiết kế lâu đài Hearst, Julia đã thiết kế hơn mười công trình kiến trúc khác cho Hearst như quần thể kiến trúc Wyntoon, một ngôi làng được xây dựng trên một khu vực rộng 50.000 ha bên bờ sông McCloud, hay khu nhà nghỉ dành cho người đi săn mang tên Jolon nằm cách lâu đài Hearst ba mươi dặm.

Ngoài các công trình kiến trúc liên quan đến William Randolph Hearst, Julia Morgan cũng nổi tiếng với những công trình kiến trúc tôn giáo. Tiêu biểu cho những công trình đó phải kể đến nhà thờ thánh John ở Berkeley, nhà thờ mang tên Chapel of Chimes ở Oakland, nhà thờ Lakeside Baptist.

Đa số các thiết kế của Julia Morgan mang đậm phong cách kiến trúc Địa Trung Hải phóng khoáng. Bà ưa sử dụng ngói màu để trang trí mái cho các công trình và thường chọn màu trắng cho các bức tường khiến cho các công trình bà thiết kế luôn mang vẻ trang nhã, duyên dáng và dễ hòa hợp với cảnh quan.

Morgan đã sống 85 năm của đời mình với phần lớn thời gian dành cho những bản thiết kế các công trình kiến trúc. Không biết trong lúc thực hiện các thiết kế ấy bà có tham vọng đại diện phái yếu của thời mình lập nên một tượng đài trong lĩnh vực kiến trúc hay không, song thực tế đã chứng minh những công trình do bà thiết kế là những công trình để đời. Các công trình ấy tồn tại vượt thời gian để người ta mãi nhắc đến người đã sáng tạo ra chúng.