Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Amy Biehl

Docsach24.com

Thông minh và chăm chỉ là hai ưu điểm giúp Amy Biehl trở thành sinh viên ưu tú của trường đại học Stanford nổi tiếng. Luận văn tốt nghiệp của cô được giáo sư hướng dẫn xếp vào 10% những luận văn xuất sắc nhất. Theo học ngành khoa học chính trị, Amy không chọn nghiên cứu về bất cứ quốc gia nào khác mà lại chọn Nam Phi, một đất nước mà cô tin rằng nếu xoá bỏ được nạn phân biệt chủng tộc (Apartheid) sẽ trở thành một quốc gia đầy tiềm năng của lục địa đen.

Năm 1993, trường đại học Stanford và đại học Western Cape của Nam Phi thực hiện một chương trình trao đổi nghiên cứu sinh. Amy Biehl quyết định đến mảnh đất mà cô quan tâm mặc dù cô biết rằng với 27000 vụ giết người mỗi năm chủ yếu do phân biệt chủng tộc, Nam Phi đã trở thành nơi nguy hiểm nhất thế giới. Không phải Amy không lường trước được những rủi ro mà cô có thể sẽ gặp phải, nhưng cô muốn cùng người dân Nam Phi đấu tranh cho một nước Nam Phi mới không còn nạn phân biệt chủng tộc.

Tại trường đại học Western Cape, Amy tiếp tục các chương trình nghiên cứu chính trị sau đại học của cô. Cô dành nhiều thời gian tham gia công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đầu tiên dành cho mọi chủng tộc ở Nam Phi. Sau cuộc bầu cử này người da đen chiếm đa số sẽ dành quyền điều hành đất nước. Họ sẽ thoát khỏi cảnh bị phân biệt đối xử, sẽ có đất đai, sẽ được học hành. Amy đến gặp những người da đen ghi tên họ vào danh sách cử tri. Mười tháng của nghiên cứu sinh không phải là nhiều, vì vậy cô cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp cộng đồng người da đen tiến gần đến quyền lợi của họ.

Ngày 25 tháng Tám năm 1993, ba ngày trước khi lên đường về Mĩ để tiếp tục chương trình nghiên cứu tại đại học Rutger, Amy lái xe đưa ba người bạn da đen của cô qua Guguletu, khu phụ cận của Cape Town. Xe của họ đang chạy thì gặp phải một nhóm quá khích. Đó là những người thuộc phe chính trị của người da đen PAC vừa mới đổ ra đường sau một cuộc hội họp. Đám người vừa gào hét vừa thi nhau ném gạch, đá vào xe của Amy. Amy buộc phải cho xe dừng lại. Cô bị ném gạch trúng đầu và chảy máu rất nhiều. Cô cố chạy qua đường tìm cách thoát khỏi những kẻ quá khích nhưng đám người ấy đã vây lấy cô đấm đá tới tấp. Những người bạn của Amy cố nói cho những người da đen biết Amy là đồng chí của họ, cô ngăn cản họ nhưng đã quá muộn. Những kẻ quá khích đã dùng dao đâm trúng tim Amy. Phải vất vả lắm các bạn của Amy mới đưa được cô vào xe và lái tới đồn cảnh sát gần nhất. Amy trút hơi thở cuối cùng tại đó.

Thảm kịch xảy ra với Amy không phải là chuyện quá bất thường ở Nam Phi vào thời điểm đó. Không ít nhóm người da đen đã lấy bạo lực làm phương tiện cảnh tỉnh chính phủ cầm quyền, làm vũ khí chống phân biệt chủng tộc và rất nhiều vụ việc cho thấy hành động của họ đi đến chỗ cực đoan và man rợ. Một tháng trước khi Amy bị giết, một nhóm ủng hộ PAC đã tấn công một nhà thờ của người da trắng, ném lựu đạn và xả súng trường vào đám đông giết chết mười một người và làm bị thương bốn mươi tám người khác. Vì đất đai thuộc sở hữu của người da trắng nên các vụ giết chủ đất xảy ra như cơm bữa. Những người da trắng lái xe trên đường không dám dừng xe khi có người đi xin nhờ và thà vượt đèn đỏ còn hơn dừng lại để rồi chẳng may trở thành nạn nhân của khủng bố. "Mỗi người da trắng, một phát đạn", "Giết bọn Bua, giết chủ đất" là những khẩu hiệu được các nhóm quá khích hô vang và không ai có thể biết trước được kiểu bạo lực nào sẽ kèm theo các khẩu hiệu đó.

Amy Biehl nằm trong số không ít người da trắng là nạn nhân của sự căm hận từ người da đen, song cái chết của cô không vô nghĩa. Đã có ý nghĩa cay đắng rằng Amy chết để những người da đen như những kẻ giết cô đứng lên điều hành những người da trắng thuộc chủng tộc của cô. Nhưng hầu hết những người theo dõi tình hình Nam Phi cho rằng cái chết của Amy đã góp phần tạo ra nhận thức sâu sắc về một đất nước Nam Phi tự do. Từ chỗ đứng trước nguy cơ của mộc cuộc chiến tranh chủng tộc người Nam Phi đã quyết tâm hướng tới hoà hợp dân tộc. "Như vậy là đủ lắm rồi", nhà hoạt động xã hội Rolene Miller, sau cái chết của Amy đã kêu gọi người dân chấm dứt bạo lực bằng những lời ngắn gọn. Chính những kẻ hành hung Amy, những kẻ thừa nhận hành động vì động cơ chính trị, cũng tin rằng cái chết của Amy sẽ giúp chấm dứt chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi.

Cảm động và ý nghĩa không kém, cái chết của Amy đã tạo nên triết lý mới về lòng vị tha và sự hoà giải. Sau khi Amy chết, bố mẹ cô và ba người con còn lại của họ đã đến Nam Phi. Tại phiên toà xét xử bốn thanh niên da đen trực tiếp gây nên cái chết của con gái mình, họ có thể phản đối mức án phạt mười tám năm tù mà toà án đưa ra, nhưng họ đã không làm vậy. Họ dành nhiều thời gian ở Guguletu và thường xuyên đi qua chỗ con gái họ bị giết. Lần nào đi qua chỗ ấy họ cũng nghĩ tới Amy và cảnh cô bị người da đen đánh đập. Họ cố xác định xem họ có thù hận mảnh đất này và những con người của nó hay không. Nhưng khi họ tận mắt chứng kiến điều kiện sống của những thanh niên da đen trong các lều trại tồi tàn, họ biết vì sao người da đen lại làm vậy. Hơn thế, họ hiểu Amy đến Nam Phi để hàn gắn chứ không phải gây thêm hố sâu ngăn cách giữa người da đen và người da trắng.

Để tưởng nhớ Amy và để tiếp tục lí tưởng của cô, bố mẹ Amy đã lập ra một quĩ nhân đạo mang tên Amy Biehl. Quĩ này thực hiện mười lăm chương trình giáo dục ở Guguletu. Cho tới nay quĩ này đã hoạt động được hơn mười năm. Đã có tới 8000 trẻ em Nam Phi được hưởng lợi từ các chương trình này. Bố mẹ của Amy đã dành rất nhiều tâm sức cho các chương trình này, thời gian họ ở Nam Phi thậm chí nhiều thời gian họ ở quê hương họ. Mẹ của Amy đã bỏ hẳn công việc của mình ở Mĩ để có thể tập trung vào các chương trình nhân đạo tại Nam Phi.

Chủ nghĩa Apartheid sụp đổ và hơn ai hết bốn thanh niên bị kết tội giết Amy là những người đầu tiên được hưởng thành quả của nó. Họ được thả tự do sau bốn năm chịu án. Ân hận vì những gì mình đã gây ra, Easy Nofemela và Ntobeko Peni, hai trong số bốn người đó đã tìm cách liên lạc với gia đình của Amy qua trung gian. Bố mẹ của Amy đã không hề đắn đo khi quyết định cho phép họ gặp mặt. Không những cho những kẻ đã giết con mình cơ hội nói chuyện, mà họ còn giúp đỡ hai người này làm lại cuộc đời. Hiện nay Easy Nofemela và Ntobeko Peni đang làm việc trong một công ty xây dựng do bố mẹ Amy thành lập. Bạn có thể hỏi tại sao họ làm được như vậy. Câu trả lời không đến nỗi khó hiểu: Mơ ước của Amy là một nước Nam Phi mới dân chủ và phát triển. Bố mẹ của cô tin rằng hai người da đen ấy có thể góp phần biến ước mơ của con gái họ thành hiện thực.