Sinh năm 1963 tại Scotland, quê hương của những đỉnh núi mù sương, Alison luôn ấp ủ mơ ước trở thành nhà leo núi giỏi nhất thế giới. Cô bắt đầu tham gia vào cộng đồng những người leo núi từ khi còn rất trẻ và không được chú ý nhiều cho tới năm 1988 khi cô tham gia đoàn leo núi chinh phục phía bắc ngọn Eiger thuộc dãy Alps trong lúc đang mang thai tháng thứ sáu. Rồi một mình cô chinh phục tất cả những ngọn núi thuộc phía bắc của dãy núi cao nhất châu Âu này. Cũng giống như những nhà leo núi khác, Alison không cưỡng nổi sự cuốn hút của những đỉnh núi chọc trời ở Nepal. Cô đã chinh phục đỉnh Ama Dablam cao 6812 mét. Và mục tiêu tiếp theo của cô tất nhiên là đỉnh Everest.
Năm 1994 ở tuổi ba mươi hai cô bắt đầu chinh phục Everest, nhưng khi leo được tới độ cao 8332 mét, gió tuyết đe doạ làm chân tay cô tê cứng khiến cô buộc phải quay xuống. Năm 1995, cô lập kế hoạch chinh phục ba đỉnh núi cao nhất thế giới Everest, K2, Kanchenjunga. Riêng với Everest, cô dự định sẽ thực hiện cuộc chinh phục một mình, không sử dụng sự trợ giúp của người bản địa cũng không sử dụng bình oxy. Cho tới thời điểm đó chỉ có nhà leo núi Reinhold Messner đã từng thực hiện thành công một chuyến leo núi như thế. Cô có mặt tại dãy Himalaya vào đầu tháng Tư. Ngày 11 tháng Tư, cô tới được trại chính ở độ cao 5199,9 mét. Cô buộc phải leo lên đỉnh theo mặt bắc hiểm trở bởi những đường dốc phía dưới hầu như đều có tuyết phủ. Cuối cùng vào 12 giờ 08 phút giờ địa phương ngày 13 tháng Năm, Alison đã đặt chân lên đỉnh Everest cao 8847,7 mét. Từ trên đỉnh núi cao nhất thế giới, cô liên lạc với trại chính và thông qua trại chính gửi cho hai con nhỏ của cô bức fax mang dòng chữ: “Mẹ đang đứng trên nóc nhà thế giới và mẹ yêu các con rất nhiều”. Vào thời điểm đó cô là người phụ nữ đầu tiên leo lên đỉnh Everest mà không cần sự trợ giúp của bình oxy.
Từ đỉnh Everest trở về, Alison chỉ nghỉ ngơi chưa đầy một tháng. Vào tháng Sáu năm 1995 cô đến tập trung cùng đoàn leo núi người Mĩ chuẩn bị cho chuyến leo núi chinh phục đỉnh K2. Nằm ở Pakistan, K2 là đỉnh núi cao thứ hai thế giới nhưng là thách thức lớn nhất đối với những nhà leo núi bởi nó hiểm trở hơn Everest. Có nhiều nhà thám hiểm đã phải đầu hàng trên đường chinh phục đỉnh núi này. Điển hình là chuyến chinh phục K2 vào mùa hè năm 1986 của chín đoàn thám hiểm đại diện cho mười quốc gia. Trong chuyến chinh phục này, có hai mươi bảy người đã lên được tới đỉnh K2 nhưng đã có tới 13 người phải bỏ mạng.
Trước ngày 13 tháng Tám, Alison và những nhà leo núi người Mĩ đã tới được trại số 4 trên đỉnh K2, một trại nằm ở độ cao 7600 mét so với mực nước biển và tập hợp với một đội thám hiểm gồm những nhà leo núi người New Zealand và Canada. Trong bốn ngày liền thời tiết rất ủng hộ đoàn các nhà leo núi và vào sáng sớm ngày Chủ nhật 13 tháng Tám đoàn leo núi gồm Alison, Slater, Grant, Lakes, Hillary, và năm nhà leo núi người Tây Ban Nha chia thành các nhóm nhỏ bắt đầu thực hiện chặng leo được dự tính kéo dài mười hai giờ tới đỉnh K2; những nhà thám hiểm người Tây Ban Nha leo theo mặt phía Nam, nhóm của Alison lao theo ngọn Abruzzi. Họ không biết rằng Peter Hillary, con trai của nhà thám hiểm đầu tiên chinh phục Everest, đã quyết định bỏ cuộc khi nhận thấy thời tiết đang có dấu hiệu xấu đi.
Vào 6 giờ chiều ngày hôm đó trại chính nhận được liên lạc qua radio cho biết nhóm của Alison đã lên tới đỉnh K2. Và kể từ đó trở đi những người ở trại chính không bắt được liên lạc với những người đã chinh phục được đỉnh K2. Những người có mặt trên núi kể lại rằng có một cơn giông lớn với sức gió khoảng 160km/giờ đã hoành hành dữ dội tại vùng núi K2. Người ta đã nhìn thấy có người rơi xuống khỏi vách núi. Alison và sáu nhà leo núi khác đã chết như thế nào không ai biết chính xác. Tuy nhiên Fitcher, người đã từng chinh phục K2 thành công và là người có mặt tại trại chính vào thời điểm đó, cho rằng họ đã rơi khỏi vách núi trên đường xuống các trại bên dưới. Cũng theo Fitcher, trong số bảy người đó chỉ có Lakes đã cố gắng xuống được tới trại số 2 nhưng cuối cùng đã chết ở đó.
Thảm kịch xảy ra với Alison Hargreaves vào ngày Chủ nhật ấy đã khiến báo chí trên thế giới nhắc đến cô nhiều hơn bao giờ hết. Người ta đã từng đặt ra câu hỏi rằng liệu một người phụ nữ bỏ con nhỏ ở nhà để lao vào những chuyến leo núi đầy nguy hiểm như vậy có nên chăng? Có lẽ đọc những dòng nhật ký của cô người ta sẽ thông cảm với cô hơn. Cô đã viết: "Tôi vừa muốn có con, vừa muốn K2... Tôi cảm thấy bị níu kéo từ cả hai phía. Có thể các con tôi sẽ vui hơn nếu tôi ở bên chúng nhiều hơn. Nhưng có lẽ chinh phục được K2 sẽ giúp mang đến cho các con tôi một tương lai tốt đẹp hơn". Liệu chúng ta có thể phán xét hay chỉ có thể cảm phục Alison Hargreaves khi mà tôi, bạn và hàng tỉ người sống trên hành tinh này từng mơ ước được một lần được đặt chân lên đỉnh núi cao nhất thế giới nhưng không có cơ hội hoặc không đủ khả năng thực hiện điều đó, trong khi với Alison Hargreaves việc chinh phục những đỉnh núi cao hàng nghìn mét lại là việc mà cô cảm thấy tự tin nhất?