Mọi người đều biết rằng vụ nổ lò phản ứng hạt nhân số 4 tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl xảy ra ngày 26 tháng Tư năm 1986 là một thảm hoạ khủng khiếp nhất do con người gây ra, nhưng không ai có thể biết được con số chính xác những nạn nhân của thảm hoạ này bởi vì sau hai mươi năm xảy ra thảm hoạ, người ta vẫn tiếp tục đưa ra những con số thống kê mới khiến chúng ta giật mình. Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới WHO đưa ra vào năm 1998 thì số người bị nhiễm phóng xạ từ thảm hoạ này là 72 nghìn người, nhưng theo công bố của tổ chức Hoà bình xanh đưa ra vào năm 2005 thì số người mắc bệnh ung thư do thảm hoạ Chernobyl là không dưới 270 000 trường hợp. Càng sửng sốt hơn khi đầu năm 2006 Bộ Y tế Ukraina thông báo hơn 2,4 triệu người Ukraina trong đó có 480 nghìn trẻ em bị ảnh hưởng sức khoẻ do thảm hoạ Chernobyl.
Hơn ai hết trẻ em là những nạn nhân thiệt thòi nhất của thảm hoạ. Trên toàn châu Âu có tới mười nghìn trường hợp trẻ sinh ra đã bị dị dạng do các bà mẹ bị nhiễm phóng xạ từ Chernobyl khi mang thai. Các trường hợp ung thư tuyến giáp, ung thư máu và các rối loạn chức năng khác phổ biến ở trẻ bị nhiễm phóng xạ. Phải chịu đau đớn ngay từ khi chào đời, mỗi ngày với các em là một cuộc vật lộn đầy gam go để giành sự sống.
Adi Roche biết rằng thế giới không thể mang lại cho các em nhỏ ấy tương lai tươi đẹp như các em đáng được hưởng, nhưng bà biết mỗi người đều có thể làm gì đó để xoa dịu nỗi đau cho các em. Ý tưởng thành lập một dự án giúp đỡ trẻ em nạn nhân của Chernobyl đã đến với bà. Được thành lập vào năm 1991, dự án vì trẻ em nạn nhân Chernobyl của Adi Roche đã nỗ lực huy động các nguồn hỗ trợ để thực hiện các chương trình nhân đạo thiết thực. Dự án đã đưa 16 chương trình hỗ trợ nhân đạo trị giá hơn 50 triệu đô la tới các vùng chịu ảnh hưởng của thảm hoạ Chernobyl. Năm 1994 đoàn công tác nhân đạo của dự án đã trực tiếp đến các vùng bị nhiễm phóng xạ nặng nhất triển khai các chương trình cung cấp thuốc men, trang thiết bị y tế, trang bị kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho gia đình các nạn nhân v.v… Năm 1995 chương trình “Phẫu thuật hy vọng” của dự án bắt đầu triển khai. Đoàn công tác nhân đạo của dự án đã tới các nước Belarus, Ukraine, Nga đưa hơn 12 000 em nhỏ ở các vùng bị nhiễm phóng xạ nặng tới Anh và Ireland. Các em được phẫu thuật miễn phí, được hưởng điều kiện y tế tiên tiến, được sống trong các trung tâm với điều kiện chăm sóc đặc biệt hoặc trong các gia đình người Ireland.
Song song với các hoạt động hỗ trợ nhân đạo khắc phục thảm hoạ, Adi Roche đã nỗ lực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của thế giới về thảm hoạ Chernobyl. Bà tham gia nhiều diễn đàn quốc tế về thảm hoạ Chernobyl. Tại các diễn đàn đó những tài liệu do Adi Roche công bố và các kinh nghiệm hoạt động nhân tạo mà bà chia sẻ luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cử toạ. Bộ phim tài liệu đầu tiên bằng tiếng Anh về thảm hoạ Chernobyl mang tên “Sống với Chernobyl- gió đen, đất trắng” do Adi Roche tham gia thực hiện, được chiếu trên các đài truyền hình trên khắp thế giới, đã góp phần giúp các công dân sống trên hành tinh đặc biệt là những người đứng đầu các quốc gia có dịp chia sẻ sự cảm thông với các nạn nhân của thảm hoạ Chernobyl, đồng thời ý thức rõ hơn về tác động hai mặt của việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng hạt nhân.
Adi Roche đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý cho những hoạt động nhân đạo của bà. Ở quê hương Ireland của bà, Adi Roche được bầu là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất. Còn đối với người dân của những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm hoạ Chernobyl như Belarus và Ukraine, Adi Roche được coi như một công dân thực thụ của họ, một người anh hùng, một ân nhân.
Các nhà nghiên cứu cho biết phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl có thể ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ của con người trong giai đoạn dài từ 20 đến 60 năm. Như vậy có nghĩa là với quyết tâm xoa dịu nỗi đau của những trẻ em là nạn nhân của Chernobyl, Adi Roche và những đồng sự của bà vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước.