Anh tự coi mình như quan tòa.
Và anh bắt đầu tự xét xử.
Anh công nhận rằng anh không phải là một kẻ vô tội bị xử oan. Anh tự thú nhận đã trót làm một việc cùng quẫn đáng chê trách. Anh mà ngửa tay xin chiếc bánh kia thì chưa hẳn người ta không cho. Dù sao đi nữa, tốt hơn là phải dằn lòng mà chờ cho bánh, hoặc do lao động mà có, hoặc con người ta thương hại mà cho, còn nói: “đói ăn vụng túng làm càn” thì không phải là một lý sự cứng đến không bẻ lại được. Bởi vì trước hết thực sự vì đói làm chết thì cũng hiếm có; sau nữa, về bản chất con người ta lại có thể chịu đựng rất lâu và rất nhiều mọi thứ đau khổ về tinh thần và thể chất mà không chết, cái ấy không biết là một cái may hay là một cái rủi. Cho nên phải biết nhẫn nại. Nhẫn nại thì tốt hơn, tốt cho cả lũ trẻ thơ kia nữa. Chứ dám đem sức vóc yếu ớt của mình mà hùng hổ tóm lấy cổ cả một xã hội và tưởng rằng có thể thoát khỏi cảnh đói rét bằng trộm cắp, thì thật là một hành động điên cuồng. Nói gì thì nói chứ cái cửa để ra khỏi đói rét mà cũng dẫn vào ô nhục thì rõ là cái cửa tồi. Tóm lại, anh có sai lầm thật.
Rồi anh tự hỏi: phải chăng chỉ có mình gây ra cho mình kiếp sống oan nghiệt này?
Trước hết, một người lao động như anh mà phải thất nghiệp, một người siêng năng như anh mà phải đói khát thì phải đó là một hiện tượng nghiêm trọng không? Sau nữa, đã mắc lỗi lầm mà biết thú nhận, thì trừng trị như thế có độc ác và quá đáng không? Có phải như thế là trong việc trừng phạt, luật pháp có đi quá trớn hơn là kẻ phạm tội quá trớn khi lầm lỗi không? Có phải cán cân công lý đã quá nghiêng về phía bắt đền tội không? Xử phạt nặng như thế có phải là để kẻ phạm tội chuộc tội không? Hay là lại đưa đến kết quả đảo ngược vai trò, biến cái sai lầm của kẻ phạm tội ra cái sai lầm của con người trấn áp, biến thủ phạm thành nạn nhân, biến con nợ thành chủ nợ và cuối cùng đem công lý đặt về bên kẻ đã xâm phạm vào công lý? Phải chăng hình phạt ấy, cái hình phạt liên tiếp gia nặng thêm vì các lần toan vượt ngục, cuối cùng chỉ là một thứ ức hiếp của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, một tội ác của xã hội đối với cá nhân, một tội ác hàng ngày tái diễn và kéo dài đến mười chín năm trời?
Anh tự hỏi xã hội sao lại có quyền bắt con người phải chịu đựng, một mặt là cái thói không phòng xa phi lý, một mặt là cái lối đề phòng quá tàn nhẫn của nó? Sao lại có quyền ép một người xấu số vào cái thế hiểm, giữa một cái thiếu và một cái thừa, thiếu việc làm và thừa hình phạt? Đối với những phần tử vì rủi ro mà chịu thiệt thòi nhất trong sự phân phối của cải, đáng lẽ họ phải được chiếu cố nhất, lại đối xử với họ như thế có phải là quá đáng không?
Các câu hỏi ấy đặt ra và giải quyết xong, anh xét xử và lên án xã hội.
Xã hội trở thành mối căm thù của anh.
Anh cho xã hội phải chịu trách nhiệm về số phận anh đang chịu và định bụng một ngày kia sẽ hỏi tội nó. Anh nhận định việc anh làm thiệt hại cho người ta chẳng bắc đồng cân được với cái việc người ta làm thiệt hại cho anh. Và anh kết luận rằng, cái án của anh, thật ra không phải là oan uổng nhưng rõ ràng là bất công.
Giận dữ thì có thể mất trí và vô lý. Người ta có thể nổi nóng sai. Nhưng khi người ta căm phẫn thì xét cho cùng người ta đã nắm lẽ phải ở chỗ nào đấy. Giăng VanGiăng cảm thấy căm phẫn.
Vả lại, xã hội chỉ làm hại. Luôn luôn anh thấy xã hội chỉ có một bộ mặt giận dữ là hình án. Bộ mặt ấy nó luôn luôn giương ra cho những kẻ nó đem ra trừng trị! Còn mọi người chung quanh thì họ động đến anh là chỉ để giày vò. Mỗi lần tiếp xúc với họ là một vố đau đớn. Từ nhỏ đến giờ, anh chưa từng biết một lời nói thân mật, một cái nhìn thương mến, kể cả đến của mẹ và chị trong nhà cũng thế. Hết đau khổ này đến đau khổ khác, dần dần anh tin quyết rằng đời là một cuộc chiến tranh và trong cuộc chiến tranh ấy, anh là kẻ chiến bại. Anh chỉ còn một thứ vũ khí là lòng căm thù. Anh quyết chí mài giũa nó thật sắc trong tù để khi ra thì đem theo.
Ở nhà tù Tulông có một lớp học do một số tu sĩ mở để dạy những điều thường thức cho trong tù ai có chí thì học. Anh cũng ở trong số người có chí ấy. Bốn mươi tuổi anh mới vỡ lòng đi học, học đọc, học viết, học tính. Anh nghiệm rằng học để mở mang trí não tức là rèn luyện thêm cho lòng căm hờn của mình. Có những trường hợp, học thức và ánh sáng lại nối giáo cho cái ác.
Nói ra thật là buồn! Sau khi lên án cái xã hội đã làm anh đau khổ, anh xét xử đến trời vì trời đã sinh ra cái xã hội kia.
Và anh cũng lên án trời nốt.
Ấy, mười chín năm giam cầm và đày đọa, linh hồn anh vừa cao lên vừa rơi xuống thấp là như thế! Ánh sáng lọt vào được bên này thì bóng tối cũng lấn đến.
Như ta đã thấy bản chất Giăng VanGiăng không phải xấu. Khi mới vào tù, anh vẫn còn là con người tốt. Lên án xong xã hội, anh thấy mình trở thành độc ác và lên án đến cả trời thì anh thấy mình trở thành vô đạo.
Đến đây khó mà không suy nghĩ một lát.
Bản chất con người có thể thay đổi tất và hẳn như vậy chăng? Con người Chúa sinh ra lương thiện thì xã hội lại có thể làm cho độc ác chăng? Có thể nào tâm hồn lại bị số phận uốn nắn lại từ đầu chí cuối và trở nên xấu xa, khi gặp số phận xấu xa? Có thể nào trái tim lại biến dạng xấu xí và mắc phải những tật nan y do sức ép của một tai họa quá to, như cột sống bị gò dưới một vòm nhà quá thấp? Có chăng trong tâm hồn của con người, nói chung, trong tâm hồn của Giăng VanGiăng nói riêng, một tia lửa đầu tiên, một yếu tố thiêng liêng, ở thế giới này thì không sao hủy hoại được, còn ở thế giới bên kia thì bất tử. Tia lửa ấy, yếu tố ấy, điều thiện có thể nuôi lớn lên, thổi đượm, thắp sáng, đốt cháy bùng lên và làm tỏa ánh sáng rực rỡ ra chung quanh và điều dữ không đời nào có thể hoàn toàn dập tắt được?
Thật là những vấn đề nghiêm trọng và bí hiểm. Riêng vấn đề cuối cùng, thì bất kỳ nhà sinh lý học nào chắc cũng phải trả lời không mà chẳng cần ngập ngừng gì cả, nếu đã nhìn thấy ở Tulông, vào giờ nghỉ, đồng thời cũng là giờ mơ màng của anh, chính Giăng VanGiăng ngồi trên tay quay của một tời đứng nào đó, tay vòng trước ngực, một đầu dây xích nhét vào trong túi để nó khỏi kéo lê. Những lúc ấy, anh tù khổ sai mặt mày ảm đạm, nghiêm nghị, tính yên lặng và tư lự ấy, con người bị pháp luật hất ra ngoài xã hội ấy, nhìn con người với cặp mắt giận dữ, con người bị đày đọa của xã hội văn minh ấy nhìn trời một cách nghiêm khắc.
Nói cho đúng và chúng tôi cũng không muốn giấu làm gì, nhà sinh lý học biết quan sát chắc cũng thấy ở đó một nỗi khốn khổ không còn cứu vãn được, ông ta cũng có thể thương xót cho con bệnh mà pháp luật đã làm nên nông nỗi, những chắc hẳn là không hề thử nghĩ đến việc cứu chữa. Trong tâm hồn này có những thương tích gì thì ông ta có hé thấy cũng làm lơ; và giống như Đăngtơ đứng trước cửa địa ngục, ông ta chắc cũng xóa khỏi cuộc đời ấy cái chữ mà ngón tay Chúa đã ghi trên trán mọi người: Hy vọng!
Trạng thái ấy của tâm hồn Giăng VanGiăng, chúng tôi đã thử đem ra phân tích. Không biết nó đã rõ với anh chưa, như chúng tôi đã cố làm cho nó rõ với độc giả sách này? Tất cả những nhân tố làm nên nỗi khổ tinh thần của anh, không biết anh có thấy rõ khi nó đã hình thành và trước đó đã thấy rõ nó khi nó đang hình thành không? Con người cục cằn và vô học ấy có nhận ra được rành rọt các ý nghĩ nối tiếp nhau trong tâm trí mình và từng bước đưa mình đến những cảnh tượng thảm sâu, nó đã trở thành, từ bao nhiêu năm nay, chân trời bên trong của trí óc? Anh có biết chăng tất cả những gì xảy ra trong người anh và tất cả những gì đang xảy ra cựa quậy trong đó? Những điều ấy, quả là chúng tôi không dám nói: và chính là chúng tôi cũng không tin. Trong Giăng VanGiăng, ngu tối còn nhiều quá, đến nỗi, trải qua nhiều tai ương là thế, mà không phải không thật hiểu anh đang cảm thấy điều gì. Anh sống trong tối tăm, anh đau khổ trong tối tăm, anh thù ghét trong tối tăm, có thể nói là anh thù ghét cái gì ở đằng trước anh. Anh quen sống trong bóng đêm ấy, dò dẫm như một người mù và như một kẻ đang mơ. Tuy nhiên, từng lúc, do từ ngoài đến hay tự bản thân gây ra, anh rùng mình giận dữ, đau nhói lên bội phần. Một ánh chớp mờ nhạt thoáng qua thắp sáng cả tâm hồn anh, làm cho những vực sâu kỳ quái và hình dáng tối đen của số phận, hiện ra đột ngột khắp nơi chung quanh anh, đàng trước cũng như đàng sau, trong một ánh sáng vô cùng thê thảm.
Ánh chớp biến đi, bóng tối lại ập xuống, anh đang ở đâu đây? Anh không biết nữa.
Cái lối trừng phạt, trong đó nổi bật sự tàn nhẫn, nghĩa là điều làm cho người ta đần độn đi, chỉ đưa đến kết quả tệ hại là biến dần dần con người thành thú rừng có khi thành thú dữ. Bao nhiêu lần Giăng VanGiăng cố vượt ngục đi vượt ngục lại, đủ chứng tỏ cái tác hại lạ lùng của pháp luật đối với tâm hồn con người. Mà có dịp anh sẽ còn thực hiện nữa việc vượt ngục vô ích và điên cuồng ấy, chứ cũng không cần nghĩ đến có thành công hay không, cũng không cần nhớ đến có những kinh nghiệm đau đớn của lần trước. Như con chó sói thấy chuồng mở, anh lồng lộn chạy đi. Bản năng bảo: “trốn đi!”. Nếu suy tính thì lương tri đã ngăn: “ở lại!”. Nhưng, trước sự cám dỗ quá mạnh, lý trí đã bay mất và chỉ còn có bản năng. Chỉ có con thú dữ trong người anh hành động. Và đến khi bị bắt lại, các hình phạt nghiêm khắc mới chỉ làm cho nó thêm hung tợn.
Có một chi tiết không bỏ sót là sức anh rất khỏe, trong tù không ai bì kịp. Lúc làm việc nặng, như dòng dây cáp, quay tời, anh làm khỏe bằng bốn người. Có lúc anh kê vai nhấc bổng hay lấy lưng đỡ những vật nặng hàng mấy tạ và khi cần thì thay thế cả cái dụng cụ gọi là cái kích, ngày xưa gọi là cái oóc gơi, nhân đó có phố tên Môngoócgơi gần chợ lớn Paris. Bạn bè gọi đùa anh là thằng Giăng Kích. Có lần người ta đang chữa cái bao lơn nhà thị sảnh Tulông thì cái cột trụ đá chạm kiểu Puygiê rời ra và xuýt đổ. Giăng VanGiăng có mặt ở đấy vội lấy vai đỡ chiếc cột, nhờ thế mà thợ kịp đến chống lại.
Anh khỏe đã như thế, anh nhanh nhẹn mềm dẻo lại còn hơn. Có những người tù thường xuyên nghĩ đến vượt ngục, đã phối hợp sức mạnh với sự nhanh nhẹn đến mức một khoa học thực sự, khoa học về gân cốt. Những con người muôn đời ước muốn có cái cánh như con ruồi, con chim ấy, ngày ngày họ vẫn đem ra tập dượt cả một nghệ thuật huyền bí về leo trèo. Leo theo chiều thẳng đứng, chân bám vào những nơi chỉ thấy hơi gợn một tí, thường chỉ là trò chơi đối với Giăng VanGiăng. Chỉ có một góc tường mà lấy gâm lưng và bắp chân, dùng khuỷu tay, gót chân bíu vào những chỗ vôi đá ráp rỗ, là anh trèo lên đến gác ba như một trò quỉ thuật. Có khi anh cứ leo như thế lên đến tận nóc ngục.
Anh ít nói, không cười. Cả năm họa chăng chỉ một hai lần có cảm xúc gì thật mãnh liệt mới làm anh bật lên tiếng cười, cái ghê rợn phảng phất như của ma quỉ. Trông anh lúc nào cũng có vẻ đang nhìn một cái gì ghê rợn.
Đúng là tâm trí anh đang bận.
Qua những nhận xét không lành mạnh của một bản chất dở dang không phát triển và của một đầu óc lẩn quẩn, anh cảm thấy mơ hồ như có một vật gì cổ quái đang đè lên người mình. Anh đang bò giữa vùng tranh tối tranh sáng ấy và mỗi bận ngoái cổ lại, thử vươn tầm mắt lên cao, anh lại vừa hoảng sợ vừa căm giận mà thấy tầng tầng lớp lớp đáng sợ nào là sự vật, nào là luật pháp, thành kiến, nào là người và việc, tất cả đều dựng sững, chồng chất đến tận mây xanh, chỗ lồi chỗ lõm một cách ghê rợn, tất cả đều mơ hồ không rõ đường nét, những khối to như núi làm anh hốt hoảng. Thật ra đó chỉ là cái tháp kỳ diệu mà chúng ta gọi là văn minh. Đây đó trong cái mớ lúc nhúc, dị hình ấy, lúc thì sát ngay bên cạnh, lúc thì ở tận nơi xa không với tới, anh lại nhìn thấy một nhóm, một chi tiết nào đó sáng bật lên. Đó là tên lính gác ngục với chiếc dùi cui, hoặc tên sen đầm với chiếc kiếm dài, rồi lại là ông giám mục mũ cao và tận chót vót, như trong ánh hào quang chói lọi, hoàng đế mũ áo chỉnh tề, rực rỡ. Anh có cảm tưởng là mọi thứ huy hoàng xa xôi kia, không những không xua tan đêm tối mà còn làm cho nó thê lương và mù mịt thêm. Pháp luật, thành kiến, sự việc, con người, đồ vật, tất cả những thứ đó, đi đi lại lại trên đầu anh, theo sự vận động phức tạp và bí ẩn của văn minh mà Chúa điều khiển lấy; tất cả bước đi và chà đạp lên người anh, độc ác mà bình thản, lạnh lùng mà ác liệt, không sao tả nổi. Như bị rơi xuống cảnh cùng cực nhất trên đời, như bị đày xuống tầng sâu nhất của địa ngục để không còn mắt mà nhìn nữa, những kẻ bị pháp luật đày đọa đều cảm thấy đè nặng lên đầu mình tất cả sức nặng của cái xã hội loài người, nó quả thật vô cùng to lớn đối với ai đứng ngoài mà nhìn và đối với người bị nó đè lên thì lại vô cùng kinh khủng.
Giăng VanGiăng suy tưởng trong tình trạng như thế. Sự suy tưởng của anh có thể có tính chất như thế nào?
Giá như hạt gạo trong cối xay mà biết suy nghĩ thì chắc nó sẽ nghĩ như anh đang nghĩ.
Tất cả những cái đó, những hiện thực đầy bóng ma, những bóng mà đầy hiện thực ấy, dần dần đã tạo nên trong anh một tâm trạng khó tả.
Đôi khi, đang làm lao dịch, anh dừng tay suy nghĩ. Tâm trí anh vừa già dặn vừa rối loạn hơn xưa, bỗng vùng lên tức tối. Tất cả cái gì đã xảy ra đến cho anh đều vô nghĩa, tất cả sự vật chung quanh anh đều phi lý. Anh tự nhủ: Thật chẳng khác gì chiêm bao. Anh nhìn tên gác ngục cách anh mấy bước, trông nó như một bóng ma; đột nhiên bóng ma nện anh một dùi cui.
Đối với anh, thiên nhiên trước mắt hình như không có nữa. Không có mặt trời, không có ngày hè đẹp, không có bầu trời rực rỡ, không có buổi sớm mai tháng tư mát dịu, nói như thế tưởng cũng đúng với anh thôi! Ở trong anh chỉ nhờ nhờ, một thứ ánh sáng xó buồng.
Cuối cùng để tóm tắt những gì có thể tóm tắt được trong tất cả những điều đã kể ra trên kia và nêu thành kết luận cụ thể, chúng ta chỉ cần nhận định rằng, sau mười chín năm “hun đúc” trong tù, Giăng VanGiăng, cái anh thợ xén cây hiền lành ở Phavơrôn, sau là tên trọng phạm đáng sợ ở Tulông, đã trở thành kẻ có gan làm hai thứ việc xấu xa: một là những manh động đột nhiên, mù quáng, không suy nghĩ, hoàn toàn do bản năng sai khiến, như là để trả thù cho những đau khổ đã đày đọa mình; hai là có những hành động xấu xa nghiêm trọng, có đắn đo cân nhắc, có trù tính, dựa vào những ý nghĩ sai lầm mà đau khổ vừa qua đã gieo vào đầu óc mình. Những việc trù tính của anh thường qua ba giai đoạn liên tiếp: lý luận, quyết tâm và kiên trì, ba việc mà chỉ những tay can trường mới làm nổi. Sự bất bình thường xuyên, nỗi chua xót trong lòng, niềm uất ức sâu xa vì các thứ bất công phải cam chịu và sự phản ứng đối với cả những người tốt, người vô tội hay người công minh, đều là động cơ của anh. Mỗi lần anh suy nghĩ, anh đều xuất phát từ lòng căm thù luật pháp của loài người và cuối cùng rồi cũng lại quay về đích đó. Nếu không có cái gì may mắn ngăn lại thì rồi có lúc, lòng căm thù ấy sẽ biến ra lòng căm thù xã hội, căm thù loài người, căm thù cả tạo hóa và thể hiện ra thành cái ý muốn mơ hồ, dai dẳng và tàn bạo là làm hại, bất luận ai, quí hồ đó là một sinh vật. Xem đó thì biết, không phải là không căn cứ mà giấy thông hành của Giăng VanGiăng lại cho anh là người rất nguy hiểm.
Năm này qua năm khác, tâm hồn ấy khô héo dần, chậm chậm nhưng không gì ngăn nổi. Tim khô nên mắt cũng khô. Lúc ra khỏi nhà tù, tính ra suốt mười chín năm trời, anh chưa hề rỏ một giọt nước mắt.