Joe Flom chính là sáng lập viên còn sống cuối cùng “góp tên” trong hãng luật Skadden, Arps, Slate, Meagher và Flom . Ông có một góc làm việc trên tầng chóp của tòa nhà Condé Nast ở Manhattan. Ông thấp và hơi gù. Đầu to, tai lớn với dái tai dài, đôi mắt nhỏ màu xanh ẩn sau mắt kính kiểu phi công to quá khổ. Giờ thì ông khá gầy, nhưng trong những tháng ngày huy hoàng, ông rất bệ vệ. Ông lụt tụt khi bước đi. Ông đứng sững khi suy nghĩ. Ông lầm bầm khi trò chuyện, và khi ông bước xuống khu sảnh của Skadden, Arps, những cuộc đối thoại chỉ còn là lào phào im lặng.
Flom sinh trưởng tại vùng phụ cận Borough Park của Brooklyn, đúng trong thời kỳ Đại khủng hoảng . Cha mẹ ông là dân nhập cư Do Thái đến từ Đông Âu. Cha ông − Isadore vốn là người tổ chức nghiệp đoàn trong ngành may mặc, sau chuyển sang công việc may đệm vai cho trang phục nữ. Mẹ ông thì nhận đồ trang trí thủ công về làm thêm tại nhà. Họ nghèo túng thảm thương. Khi Joe lớn, hầu như năm nào gia đình ông cũng chuyển nhà, vì thời bấy giờ, theo thông lệ chủ nhà sẽ cho người thuê mới miễn phí một tháng tiền nhà, điều rất quan trọng đối với gia đình Flom.
Lớn lên, Flom dự tuyển vào trường trung học công lập Townsend Harris danh giá, một trường mà trong bốn mươi năm tồn tại đã sản sinh ra ba người giành giải Nobel, sáu người đoạt giải Pulitzer, một thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, chưa kể đến George Gershwin và cả Jonas Salk, nhà sáng chế vaccine bại liệt. Flom được tuyển vào trường. Mẹ Flom cho cậu mười xu để ăn điểm tâm mỗi sáng − ba chiếc bánh rán, nước cam và cà phê tại cửa hiệu Nedick's. Sau giờ học, Flom làm thêm việc đẩy xe cút kít tại khu may mặc. Ông trải qua hai năm học ca đêm tại Trường City ở khu thượng Manhattan, làm việc quần quật cả ngày để trang trải cuộc sống, đăng ký gia nhập quân đội, hoàn thành nghĩa vụ rồi ứng tuyển vào Trường Luật Harvard.
“Tôi đã ước mơ được vào ngành luật từ hồi mới sáu tuổi,” Flom nói. Chưa có một tấm bằng nào trong bảng thành tích nhưng trường Harvard vẫn đồng ý nhận ông. “Tại sao ư? Tôi đã viết cho họ một bức thư thuyết phục họ rằng tôi chính là câu trả lời tuyệt hảo ”. Cách Flom giải thích sự việc, với lối nói vắn tắt đặc trưng đã thuyết phục được Harvard nhận ông vào học, đó là thời điểm cuối những năm 1940. Học tại trường, ông chẳng bao giờ ghi chép. “Năm thứ nhất, chúng tôi thường áp dụng một phương pháp học bằng cách ghi chép cẩn thận về tình huống trên lớp, tóm tắt lại, rồi ghi lần nữa vào mẩu giấy, dán lên trên đầu mỗi hồ sơ ”, Charles Harr − một bạn cùng lớp với Flom đã nhớ lại. “Đó là cách chúng tôi học về các vụ xử án. Nhưng Joe thì không. Anh ấy chẳng làm gì cả. Ở anh ấy có một phẩm chất mà chúng tôi luôn nghĩ và xếp vào nhóm “tư duy như luật sư ’’. Anh ấy có năng lực phán xử tuyệt vời.”
Flom được vinh danh trong tạp chí Law Review − một vinh dự dành cho sinh viên đứng đầu lớp. Trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh hồi năm thứ hai, suốt “mùa tuyển dụng”, Flom đến New York để dự phỏng vấn với những hãng luật lớn thời đó. “Tôi là một thằng bé béo bệu lóng ngóng, vụng về. Tôi không thấy thoải mái lắm,” Flom nhớ lại. “Đến cuối mùa tuyển dụng, tôi là một trong hai đứa còn lại của lớp không kiếm nổi một công việc. Thế rồi một ngày kia, một trong số các giảng viên nói rằng có mấy người đang khởi sự một hãng luật. Tôi gặp họ và trong suốt buổi gặp, họ nói cho tôi nghe về những mạo hiểm của việc chung tay góp sức với một hãng luật vô danh, chưa có lấy nổi một khách hàng. Họ càng nói, tôi càng thích họ hơn. Thế nên tôi bảo ngay: thì sao chứ, tôi muốn đón nhận cơ hội này. Tất cả gom góp lại với nhau được ba nghìn sáu trăm đô-la một năm, đó cũng là mức lương khởi điểm.” Ban đầu, chỉ có Marshall Skadden và Leslie Arps − cả hai đều bị một hãng luật quan trọng tại Phố Wall từ chối và John Slate, vốn làm việc ở hãng hàng không Pan Am. Flom là cộng sự của họ. Họ có một văn phòng nhỏ xíu trên tầng chóp của tòa nhà Lehman Brothers ở Phố Wall. “Chúng ta chuyên về lĩnh vực luật nào?” Flom nói rồi cười vang. “Bất cứ vụ nào đến tay!”
Đến năm 1954, Flom đảm nhận vị trí quản lý cho Skadden, và hãng luật của họ bắt đầu phát triển mạnh. Rất nhanh chóng, công ty có một trăm luật sư. Rồi hai trăm. Khi đạt tới con số ba trăm, một trong số các cộng sự của Flom − Morris Kramer đến gặp Flom và bày tỏ rằng ông cảm thấy rất tội lỗi vì đã tuyển vào những người trẻ tuổi mới tốt nghiệp từ trường luật. Hãng Skadden phát triển quá mạnh, Kramer nói, đến mức khó lòng tưởng tượng nổi công ty sẽ phát triển hơn như thế để có thể đề bạt bất cứ ai trong số những nhân viên ấy. Flom nói với Kramer, “Có sao đâu, chúng ta sẽ tăng lên thành một nghìn nhân viên.” Flom chẳng bao giờ thôi tham vọng.
Ngày nay hãng Skadden, Arps đó đã trở thành một trong những hãng luật lớn và quyền lực nhất thế giới, có gần hai nghìn luật sư tại hai mươi ba văn phòng trên khắp thế giới, và thu về hơn 1 tỷ đô la mỗi năm. Trong văn phòng của mình, Flom trưng ảnh ông chụp với tổng thống George Bush (cha) và Bill Clinton. Ông sống trong căn hộ rộng thênh thang thuộc một tòa nhà xa hoa ở khu thượng Manhattan. Trong suốt gần ba mươi năm, nếu một công ty nào đó nằm trong danh sách Fortune 500 sắp bị thôn tính hay đang định thôn tính ai đó, hoặc đơn giản là một nhân vật tai to mặt lớn trong lĩnh vực nào đó gặp rắc rối, Joseph Flom ắt hẳn phải là luật sư còn Skadden, Arps là hãng luật đại diện cho họ − nếu không phải thế, công ty đó chắc hẳn phải ước giá mà được Skadden, Arps bảo vệ.
Tôi hi vọng bây giờ bạn đang hoài nghi về kiểu câu chuyện thế này. Một đứa trẻ nguồn gốc nhập cư thông minh vượt qua đói nghèo và Đại khủng hoảng, không thể tìm nổi một công việc tại những hãng luật cổ hủ hẹp hòi nơi thành thị, tự làm nên nghiệp lớn dựa vào cạnh tranh và năng lực thực sự. Đó là một câu chuyện từ khốn khó đi lên giàu sang, và tất cả những gì chúng ta học được cho đến lúc này từ các tuyển thủ khúc côn cầu, các tỷ phú phần mềm cho tới Nhóm Mối đều gợi ra một điều: thành công không diễn ra theo cách đó. Những người thành đạt không làm nên mọi thứ một mình. Việc họ xuất thân từ đâu là rất quan trọng. Họ không phải là sản phẩm của những nơi chốn và môi trường riêng biệt nào đó.
Cũng giống như cách chúng ta tìm hiểu về Bill Joy và Chris Langan, hãy bắt đầu với Joseph Flom, lần này vận dụng tất cả những gì chúng ta đã thu nhận được từ bốn chương đầu tiên của cuốn sách này. Không nói thêm gì nữa về trí thông minh, tính cách hay tham vọng của Joe Flom, mặc dù hiển nhiên là ông có thừa ba yếu tố này. Không cần thêm bất cứ lời khen ngợi nào từ các khách hàng về tài năng thiên bẩm của Flom. Không thêm bất cứ câu chuyện màu mè nào về cái sự nổi như cồn của hãng Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom.
Thay vào đó, tôi sẽ kể một loạt câu chuyện góp nhặt từ thế giới dân nhập cư New York − nơi Joe Flom đã lớn lên − theo lời của một bạn học trường luật, một cặp cha con tên gọi Maurice và Mort Janklow, cặp vợ chồng đặc biệt Louis và Regina Borgenicht − với hi vọng giải đáp được một câu hỏi then chốt: Những cơ hội của Joe Flom là gì? Bởi chúng ta biết rằng Những kẻ xuất chúng luôn nhận được sự giúp đỡ trên con đường lập thân lập nghiệp, liệu chúng ta có thể rà soát trong hệ sinh thái bao quanh Joe Flom và nhận diện những điều kiện đã góp phần định hình nên chính anh?
Chúng ta cứ kể những câu chuyện từ khốn khó trở thành giàu có bởi chúng ta cảm thấy điều gì đó thật cuốn hút trong ý tưởng về một người anh hùng đơn thương độc mã chiến đấu ngoan cường trước nghịch cảnh áp đảo. Nhưng câu chuyện thật về cuộc đời Joe Flom hóa ra lại hấp dẫn hơn nhiều so với phiên bản đậm tính thần thoại bởi tất cả những điều có vẻ là bất lợi trong cuộc đời − rằng ông là đứa trẻ nghèo khó sinh trưởng trong giới công nhân may; rằng ông là người Do Thái giữa thời buổi dân Do Thái bị phân biệt đối xử nặng nề; rằng ông lớn lên trong giai đoạn Đại khủng hoảng − thì trái với dự tính, lại trở thành những lợi thế của ông. Joe Flom là một kẻ xuất chúng. Nhưng ông không phải một kẻ xuất chúng bởi những lý do như bạn thường nghĩ, và câu chuyện về sự quật khởi của Joe là một hình mẫu để thấu hiểu sự thành công trong ngành luật. Thực ra, đến cuối chương này, chúng ta sẽ thấy rằng hoàn toàn có thể lấy bài học của Joe Flom để áp dụng cho thế giới luật gia ở New York, và dự đoán hoàn cảnh gia đình, tuổi tác và nguồn gốc của những luật sư quyền lực nhất trong thành phố, mà không cần biết đến bất cứ một chi tiết phụ trợ nào về họ. Nhưng trước hết chúng ta đi tiếp đã.
Bài học số Một: Tầm quan trọng của việc là một người Do Thái
Alexander Bickel là một trong những bạn học của Joe Flom tại Trường Luật Harvard. Cũng như Flom, Bickel là con trai một gia đình Do Thái nhập cư từ Đông Âu và sống ở Brooklyn. Giống như Flom, Bickel từng học tại trường công ở New York và tiếp đến là Trường City (CCNY – một trong những cơ sở giảng dạy sau đại học thuộc Đại học New York). Giống như Flom, Bickel cũng là ngôi sao sáng trong lớp học ở trường luật. Thực ra, nếu sự nghiệp không bị cắt ngang bởi căn bệnh ung thư, Bickel có lẽ đã trở thành chuyên gia về hiến pháp xuất sắc nhất trong thế hệ của ông. Cũng giống như Flom và các bạn học cùng lớp còn lại ở trường luật, Bickel đã đến Manhattan trong suốt “mùa tuyển dụng” dịp lễ Giáng sinh hồi năm 1947 để tìm việc.
Điểm dừng chân đầu tiên của Bickel là ở hãng luật Mudge Rose của Phố Wall, một nơi cũng truyền thống và cũ kỹ như bất cứ hãng luật nào thời bấy giờ. Mudge Rose được thành lập từ năm 1869. Đó chính là nơi Richard Nixon hành nghề nhiều năm trước khi đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 1968. “Chúng tôi giống như một quý bà chỉ muốn tên mình xuất hiện trên mặt báo hai lần − khi ra đời và lúc chết đi,” một trong những thành viên chủ chốt của Mudge Rose đã ví von đầy chuẩn xác về phương châm hoạt động của hãng. Bickel được dẫn đi vòng quanh công ty và bị hết người này đến người kia phỏng vấn, cho đến khi ông được đưa đến thư viện để trình diện trước một trong những luật sư chủ chốt của hãng. Bạn có thể tưởng tượng ra khung cảnh đó: một căn phòng tường ốp tối màu, tấm thảm Ba Tư tinh xảo đã sờn, những tuyển tập luật bìa da chất chồng lớp lớp, những bức tranh màu dầu họa chân dung quý ông Mudge và quý ông Rose trên tường (tức là hai người sáng lập nên hãng luật này − ND).
Nhiều năm sau Bickel kể lại, “Sau khi họ dẫn tôi qua cả buổi phỏng vấn và mọi thứ khác, tôi được đưa đến (chỗ luật sư thành viên chính), người lãnh trách nhiệm nói với tôi rằng với một người có lai lịch như tôi”, − bạn có thể tưởng tượng được Bickel ắt hẳn phải ngừng lời trước khi nhắc lại cụm uyển ngữ chỉ thân phận nhập cư của ông, − “đương nhiên sẽ tiến xa. Nhưng tôi buộc phải hiểu rằng khả năng tuyển dụng một kẻ có lai lịch như tôi vào một hãng luật như thế là ít ỏi tới cỡ nào. Và trong khi ông ta chúc mừng những tiến bộ của tôi, tôi nên hiểu là đương nhiên ông ta không thể nhận tôi vào làm. Tất cả bọn họ đều rất vui mừng được gặp tôi và chỉ thế mà thôi.”
Có thể thấy rõ ràng từ bản sao những hồi tưởng quá khứ của Bickel rằng người phỏng vấn ông thực sự chẳng biết phải xử trí ra sao với thông tin ấy. Tính đến thời điểm buổi phỏng vấn, Bickel đã ở đỉnh cao thanh danh. Ông đã tham gia tranh tụng cho vụ án tại Tòa án Tối cao. Ông đã chấp bút cho những cuốn sách nổi tiếng nhất. Việc Mudge Rose nói không với Bickel bởi “lai lịch” của ông giống hệt việc Chicago Bulls từ chối Michael Jordan bởi họ chẳng lấy làm thích thú với những anh chàng da đen đến từ khu Bắc Carolina. Điều đó thật vô nghĩa.
“Nhưng với những siêu sao thì thế nào?” người phỏng vấn hỏi lại, ý rằng: Liệu họ có dành ngoại lệ nào cho anh không?
Bickel: “Siêu sao, nhưng vẫn là người nhập cư thôi ...”
Vào thập kỷ 1940 và 1950, những hãng luật lâu đời của New York hoạt động như một câu lạc bộ tư vậy. Họ đều đặt trụ sở tại những tòa nhà sang trọng, mặt tiền ốp đá granite ở trung tâm Manhattan, ngay Phố Wall. Các thành viên ở những hãng luật hàng đầu đều tốt nghiệp từ những trường thuộc nhóm Ivy League, lui tới những nhà thờ giống nhau, và cùng nghỉ hè tại những thị trấn ven biển ở Long Island. Họ vận những bộ vest xám màu thủ cựu. Mối hiệp đồng cộng tác giữa họ được biết tới như là những hãng “giày trắng” − rõ ràng là ám chỉ những kẻ vận đồ trắng bảnh tỏn ở các câu lạc bộ điền dã hoặc tiệc coctail, và họ rất khắt khe với những người họ tuyển vào. Như trong nghiên cứu về giới làm công việc pháp lý thời bấy giờ, Erwin Smigel viết trong tác phẩm The Wall Street Lawyer (tạm dịch: Luật gia Phố Wall): Bọn họ tìm kiếm:
những luật sư gốc Bắc Âu, có tính tình dễ chịu và vẻ bề ngoài “sạch sẽ ưa nhìn”, là sinh viên tốt nghiệp từ “những trường tốt,” có lai lịch xã hội và những kinh nghiệm trong các sự vụ của thế giới thượng lưu, và được phú cho sức chịu đựng to lớn. Một vị cựu trưởng khoa trường luật trong khi thảo luận về những phẩm chất mà các sinh viên cần có để giành được một công việc, đã đưa ra một bức tranh có lẽ còn thực tế hơn: “Để có được một công việc (các sinh viên) cần phải có những quan hệ gia đình đáng kể, có năng lực đáng kể và có nhân cách đáng kể, hoặc là sự kết hợp của những yếu tố này. Cái gọi là khả năng được tiếp nhận được tạo ra từ tổng hoà các yếu tố này. Nếu một người có bất cứ yếu tố nào trong số những điều này, anh ta có thể kiếm được một công việc. Nếu anh ta có được hai, anh ta được lựa chọn công việc; nếu anh ta có cả ba, anh ta có thể đi bất cứ đâu.”
Tóc Bickel không chải bóng mượt. Mắt anh cũng không có màu xanh dương. Anh nói tiếng Anh với một giọng khá cứng, các mối quan hệ gia đình thì chủ yếu chỉ là con trai của ông bà Solomon và Yetta Bickel ở Bucharest, Romania, và gần đây nhất, thì ở một khu hẻo lánh ở Brooklyn. Thân thế của Flom cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Ông nói rằng đã cảm thấy “không thoải mái” khi đến phỏng vấn ở khu trung tâm, và đương nhiên là thế thật: Flom lùn, lóng ngóng, là người Do Thái và trò chuyện với chất giọng mũi đều đều mang gốc gác Brooklyn, và bạn có thể tưởng tượng ra Flom bị đánh giá ra sao qua con mắt của một kẻ tóc bạch kim vốn con nhà trâm anh thế phiệt. Nếu bạn không có được gốc gác, tôn giáo và tầng lớp xã hội tốt và bạn lại tốt nghiệp từ trường luật vào thời bấy giờ, bạn sẽ phải xin vào một hãng luật nhỏ hơn, một hãng hạng hai, kiểu mới phất lên còn xa mới sánh kịp những tên tuổi ghê gớm ở khu trung tâm, hoặc đơn giản là bạn phải tự gây dựng việc làm ăn cho mình và nhận “bất cứ vụ nào đến tay” − bất cứ sự vụ dính dáng đến pháp lý nào mà những hãng đình đám ở khu trung tâm không thèm đếm xỉa đến. Điều đó có vẻ bất công khủng khiếp. Nhưng giống như trường hợp rất hay xảy ra với những kẻ xuất chúng, việc nắm bắt lấy một khoảng lùi tạm thời như thế chính là một cơ hội bằng vàng.
Những công ty luật kỳ cựu ở Phố Wall có ý niệm rất rõ ràng về vai trò của họ. Họ là các luật sư hợp thành liên đoàn. Họ đại diện cho những tập đoàn lớn và danh tiếng nhất nước Mỹ, và “đại diện” đồng nghĩa với việc họ giải quyết các công việc liên quan đến thuế má và pháp lý đằng sau việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu, đảm bảo rằng các khách hàng của mình không đâm bổ vào các cơ quan liên bang. Họ không tiến hành các vụ kiện tụng, tranh chấp; đúng thế, rất ít hãng luật có riêng một bộ phận chuyên trách tranh tụng và đệ trình các vụ kiện cáo, tố tụng. Như lời của Paul Cravanth − một trong những sáng lập viên của hãng Cravath, Swaine & Moore − hãng luật thuần kiểu “giày-trắng” − đã có lần diễn đạt như thế này, công việc của luật sư là dàn xếp các tranh chấp trong phòng hội nghị chứ không phải ở phòng xử án. “Trong số các bạn học của tôi ở Harvard, công việc mà những người trẻ trung sáng sủa nhất làm là liên quan đến chứng khoán hoặc thuế ,” một hội viên thuộc một hãng giày-trắng khác nhớ lại. “Đó là những lĩnh vực sang trọng, danh giá nhất. Kiện tụng chỉ là thứ dành cho hạng vai u thịt bắp, không dành cho những người nghiêm túc. Thời bấy giờ các tập đoàn không kiện cáo lẫn nhau.”
Lĩnh vực mà các hãng luật kỳ cựu cũng không động đến chính là việc tham gia vào những vụ thôn tính công ty thô bạo. Việc đó thật khó mà tưởng tượng trong thời buổi ngày nay, khi mà những kẻ săn tìm công ty và những doanh nghiệp cổ phần tư nhân mải miết nuốt chửng hết công ty này đến công ty khác. Nhưng cho tới trước thập niên 1970, sẽ là trái đạo lý nếu một tập đoàn mua lại một tập đoàn khác trong khi đối tượng không mong muốn. Những nơi như Mudge Rose hay các công ty luật khác ở Phố Wall sẽ không nhận những vụ làm ăn kiểu vậy.
“Vấn đề với các vụ thôn tính thô bạo chính là ở chỗ chúng thô bạo,” Steven Brill − người sáng lập ra tờ tạp chí thương mại American Lawyer nói. “Như thế là không nam nhi đại trượng phu. Nếu người bạn thân nhất ở trường Princeton của bạn đang là CEO của Công ty X, anh ta đã bị tuột dốc suốt một thời gian dài, một kẻ săn công ty nào đó xuất hiện và nói rằng công ty này chán quá, nó làm anh thấy thấp thỏm không vui. Bạn sẽ nghĩ là, nếu anh ấy ra đi, thế thì có lẽ tôi cũng ra đi. Đó chính là toàn bộ ý niệm về việc không làm xáo trộn sự yên tĩnh cơ bản và trật tự ổn định của mọi thứ.”
Thứ công việc “đến tay” đối với thế hệ luật sư người Do Thái đến từ Bronx và Brooklyn hồi những năm 1950 và 1960, chính là những sự vụ mà các hãng luật giày-trắng coi rẻ: các vụ kiện tụng tranh chấp và quan trọng hơn, là “những cuộc tranh đấu bằng ủy quyền” (proxy fights) − những thủ đoạn pháp lý ở trung tâm của các cuộc đấu thầu mua lại thô bạo. Một nhà đầu tư có hứng thú với một công ty nào đó; anh ta sẽ tố cáo ban quản lý là bất tài vô dụng và gửi thư đến các cổ đông, cố gắng lôi kéo họ trao cho anh ta “sự ủy quyền” để anh ta có thể bỏ phiếu đánh bật ban lãnh đạo công ty. Và để thực hiện cuộc tranh đấu bằng ủy quyền như thế, luật sư duy nhất mà nhà đầu tư có thể trông cậy được là một nhân vật kiểu như Joe Flom.
Trong cuốn Skadden, nhà sử học pháp lý Lincoln Caplan đã miêu tả thế giới những cuộc thao túng công ty thuở sơ khởi:
Người chiến thắng trong một cuộc tranh đấu bằng ủy quyền được quyết định tại “hang rắn” (Cách gọi chính thống phải là “phòng tài vụ”). Luật sư của mỗi bên gặp gỡ các thanh tra viên, công việc chính là chấp nhận hoặc bác bỏ những ủy nhiệm có vấn đề. Sự vụ này thường diễn ra khá suồng sã, dễ sinh sự và rất sôi nổi. Các đối thủ đôi khi vận T-shirt, ăn dưa hấu hoặc chia sẻ với nhau một chai rượu scotch. Có những vụ hiếm hoi, kết quả của vòng đấu “hang rắn” lại thay đổi cả kết cục cuối cùng của phi vụ và dẫn tới phải phán xử bằng một lá thăm duy nhất.
Các luật sư thường cố gắng định đoạt một buổi tranh đấu như thế bằng cách sắp xếp triệu tập những thanh tra viên vốn chịu ơn họ; các thanh tra viên thông thường hút những điếu xì gà mà hai bên mời. Luật sư của ban quản trị công ty phản đối việc ủy quyền của phía đối thủ (“Tôi thách thức việc này!”) và ngược lại… Các luật sư giành thế thượng phong trong vòng “hang rắn” này thường vượt qua được lời phản đối đó. Có những luật sư nắm rõ các quy tắc của cuộc tranh đấu ủy quyền, nhưng không ai có thể cừ khôi hơn Joe Flom trong mỗi cuộc chiến …
Flom béo (phát phì tới hơn một trăm cân Anh, một luật sư từng kể lại…), dáng vẻ kém hấp dẫn (trong mắt một cộng sự, Flom giống như con ếch vậy) và bàng quan với lối ứng xử xã hội tế nhị (ông ta sẽ trung tiện ngay ở chốn công cộng hoặc phả khói xì gà vào mặt người đối thoại mà không thèm xin lỗi). Nhưng theo đánh giá của các bạn học và một vài đối thủ, ý chí chiến thắng của Flom là không thể vượt qua và ông luôn rất xuất sắc.
Các hãng luật giày-trắng cũng sẽ vời đến Flom bất cứ khi nào có một kẻ săn tìm công ty tiến hành tấn công một trong những khách hàng của họ. Họ sẽ không động chạm gì vào sự vụ hết. Nhưng họ rất vui lòng được chuyển vụ việc sang cho hãng Skadden, Arps. “Chuyên môn ban đầu của Flom chính là các vụ tranh đấu bằng ủy quyền, và đó không phải thứ chúng tôi làm, cũng giống như là chúng tôi không tiếp nhận những sự vụ liên quan đến hôn nhân vậy,” Robert Rifkind, một luật sư thành viên lâu năm của hãng Cravath, Swaine & Moore đã nói. “Và thế là chúng tôi không có mong muốn biết thêm gì về việc đó. Tôi vẫn nhớ một lần chúng tôi gặp sự vụ liên quan đến tranh chấp bằng ủy quyền, một trong những cộng sự cao cấp của hãng tôi nói rằng, được rồi, lôi Joe vào. Anh ta bước vào một phòng hội nghị, chúng tôi ngồi xung quanh trình bày vấn đề, anh ta bày cho chúng tôi cách phải làm gì và bước ra. Tôi nói, 'Chúng ta cũng có thể làm như thế mà, anh biết chứ.' Và người cộng sự của chúng tôi nói ngay, 'Không, không, không, không được. Chúng ta không làm việc đó đâu.' Chỉ đơn giản bởi chúng tôi không làm những việc đó.”
Và rồi đến thập niên 1970. Mối ác cảm dai dẳng đối với các vụ kiện tụng đã phải chấp nhận thất bại. Việc vay mượn tiền bạc dễ dàng hơn, luật lệ liên bang được nới lỏng, thị trường trở nên quốc tế hóa. Các nhà đầu tư quyết liệt hơn và kết quả là một đợt bùng nổ cả về số lượng và quy mô các cuộc thôn tính công ty. “Những năm 1980, nếu anh đến dự Bàn tròn Doanh nghiệp (hiệp hội các lãnh đạo tập đoàn chính yếu của Hoa Kỳ) và lấy ý kiến thăm dò xem liệu các cuộc thôn tính thô bạo có nên được cho phép hay không, hai phần ba sẽ nói Không,” Flom kể. “Giờ đây, cuộc bỏ phiếu sẽ gần như đồng lòng nhất trí rằng Có.” Các công ty cần phải được bảo vệ trong các cuộc kiện tụng chống lại địch thủ của mình. Những kẻ kiện tụng thô bạo cần phải bị trả đòn. Những nhà đầu tư muốn ăn tươi nuốt sống những đối thủ tỏ ý không vừa lòng cũng cần đến sự giúp đỡ cho chiến lược pháp lý của mình, và các cổ đông thì cần đến người đại diện chính thức. Số tiền trả cho các sự vụ này ngày càng lớn. Từ giữa thập niên 1970 cho đến cuối những năm 1980, khoản tiền đổ vào các vụ sáp nhập và mua lại công ty hàng năm ở Phố Wall đã tăng lên 2.000%, đạt đỉnh điểm là xấp xỉ một phần tư nghìn tỷ đô-la.
Vậy là những sự vụ mà các hãng luật kỳ cựu không muốn động tay vào − những vụ thôn tính công ty và kiện tụng thô bạo − giờ đây trở thành công việc mà mọi hãng luật đều muốn làm. Và chuyên gia trong hai lĩnh vực pháp lý trở nên cộm cán như vậy là ai? Chính là những công ty luật có thời chỉ chầu rìa và xếp vị trí thứ cấp, được khởi dựng bởi những người không thể kiếm được công việc nào tại các hãng luật khu trung tâm thành phố hồi mười hay mười lăm năm trước đó.
“(Các hãng giày-trắng) vẫn không quan tâm tới các vụ thôn tính, sáp nhập khi cuộc chơi đã vào hồi khá rôm rả. Tới lúc họ quyết định rằng có lẽ nên tham gia vào việc làm ăn đó, thì chúng tôi đã tung hoành lâu lâu rồi,” Flom nói. “Và một khi bạn đã gây dựng được tiếng tăm trong việc thực hiện những sự vụ kiểu ấy, công việc sẽ tìm đến bạn đầu tiên.”
Thử nghĩ xem điều này gần gũi ra sao với những câu chuyện của Bill Joy và Bill Gates. Cả hai người bọn họ đều đã làm việc cực nhọc trong một lĩnh vực khá vô danh tiểu tốt mà chẳng mấy hi vọng to tát đạt được thành công thực tế. Nhưng rồi − BÙM! − cuộc cách mạng máy tính cá nhân nổ ra, và hai người họ đã có sẵn mười nghìn giờ tích lũy trong tay. Họ đã sẵn sàng. Flom cũng có trải nghiệm tương tự. Suốt hai mươi năm ông đã mài giũa hoàn thiện nghề nghiệp của mình tại Skadden, Arps. Rồi thế cuộc đổi thay và ông đã sẵn sàng. Ông không hề chiến thắng nghịch cảnh. Thay vào đó, thứ ban đầu vốn là nghịch cảnh cuối cùng lại trở thành một cơ may.
“Không phải mấy người đó là những luật sư thông minh xuất chúng gì,” Rifkind nói. “Chỉ là bởi họ có một kỹ năng vốn được trui rèn suốt bao nhiêu năm − đột nhiên lại trở nên rất có giá trị.”
Bài học thứ Hai:
May mắn về mặt nhân khẩu học
Maurice Janklow trúng tuyển vào Trường Luật Brooklyn năm 1919. Ông là con trai cả trong một gia đình Do Thái nhập cư từ Romania. Ông có tất cả bảy anh chị em. Người em út kinh doanh một tiệm bách hóa nhỏ ở Brooklyn. Hai người khác làm ăn trong lĩnh vực đồ may mặc dành cho nam giới, một người có studio thiết kế đồ họa, một người khác làm mũ lông, và một người nữa làm trong lĩnh vực tài chính ở tập đoàn xây dựng Tishman Realty.
Mặc dù vậy, Maurice là người duy nhất học đại học, học cao hiểu rộng nhất trong gia đình. Ông nhận được bằng luật và gây dựng nghề nghiệp tại Phố Court khu trung tâm Brooklyn. Maurice là một người đàn ông dáng vẻ lịch lãm vận đồ hiệu Brooks Brothers và mũ mềm. Mùa hè, ông đội một chiếc mũ rơm của người chèo thuyền. Ông kết hôn với Lilian Levantin − cô con gái xinh đẹp của một nhân vật có thanh thế ủng hộ truyền thống và giáo lý Do Thái. Ông đi trên một chiếc xe hơi lớn. Ông cùng gia đình chuyển đến sống ở Queens, một trong những khu đông đúc sầm uất nhất thành phố New York. Về sau ông cùng một cộng sự nữa đã tiếp quản một doanh nghiệp sản xuất giấy viết có đủ những dấu hiệu hứa hẹn sẽ tạo nên cơ đồ to lớn.
Tất cả những dấu hiệu đó, xét trên bất cứ khía cạnh nào cũng chỉ ra rằng ông là kiểu người sẽ có thể phát đạt ở vai trò một luật sư của New York. Ông thông minh và được học hành cẩn thận. Ông xuất thân từ một gia đình được nuôi dạy tử tế phù hợp với những quy tắc của hệ thống đương thời. Ông sống tại một khu vực kinh tế phát đạt. Nhưng có một điều kỳ lạ: thành công đã không bao giờ xảy đến. Sự nghiệp của Maurice Janklow không hề cất cánh như ông hi vọng. Luôn luôn trong suy nghĩ của mình, ông thực sự chưa bao giờ vượt lên khỏi Phố Court ở Brooklyn. Ông chật vật và loạng choạng cố tiến lên.
Tuy vậy, Maurice Janklow có một người con trai tên Mort về sau cũng trở thành một luật sư, và câu chuyện của cậu con trai thì khác nhiều so với người cha. Mort Janklow gây dựng một công ty luật từ đống đổ nát hồi những năm 1960, sau đó kiến tạo nên một trong những hệ thống nhượng quyền thương hiệu truyền hình cáp sớm nhất để rồi bán lại với cái giá cao ngất ngưởng cho Cox Broadcasting. Mort khởi sự một đại diện xuất bản hồi những năm 1970 và giờ đây đó là một trong những đại diện xuất bản có uy tín nhất thế giới. Mort sở hữu một chiếc phi cơ. Tất cả những giấc mơ đã từng chối bỏ người cha giờ đây được người con thực hiện trọn vẹn.
Vì đâu Mort Janklow thành công trong khi Maurice Janklow thì không? Dĩ nhiên có hàng trăm lời đáp tiềm năng cho câu hỏi ấy. Nhưng hãy cùng giở lại trang sách có phân tích về các nhà tài phiệt kinh doanh sinh hồi những năm 1830 và các lập trình viên phần mềm sinh vào năm 1955 và nhìn vào sự khác biệt về thế hệ giữa hai cha con nhà Janklow. Có tồn tại một thời điểm hoàn hảo cho các luật sư gốc Do Thái ở New York ra đời không? Hoá ra là có, và đây cũng là một thực tế tương tự giúp giải thích một điều: thành công của Mort Janklow chính là chiếc chìa khóa thứ hai làm nên thành công của Joe Flom.
Nghiên cứu của Lewis Terman về thiên tài − độc giả hẳn vẫn nhớ trong chương viết về Chris Langan − là công trình điều tra xem một số trẻ em sinh trong khoảng 1904 đến 1917 với mức IQ cao sẽ thể hiện ra sao khi trưởng thành. Và nghiên cứu này phát hiện ra rằng có một nhóm gồm những người thành công thực thụ và cũng có một nhóm gồm toàn những người thất bại, và rằng những người thành công có nhiều khả năng xuất thân từ các gia đình giàu có. Xét về khía cạnh ấy, nghiên cứu Terman càng nhấn mạnh thêm lập luận mà Annette Lareau đưa ra, rằng những gì cha mẹ bạn làm để duy trì cuộc sống, những đặc điểm đi kèm với giai tầng mà cha mẹ bạn vốn thuộc về − giữ vai trò quan trọng.
Có một cách khác để phá bỏ những kết quả của Terman, đó là thời điểm các đối tượng trong Nhóm Mối ra đời. Nếu bạn chia Nhóm Mối ra thành hai cụm, những người sinh trong khoảng 1903 đến 1911 sang một bên, những người sinh từ 1912 đến 1917 sang một bên, kết quả là những kẻ thất bại trong Nhóm Mối chủ yếu sinh ra trong cụm đầu tiên.
Lời giải thích có liên quan đến hai biến động to lớn của thế kỷ XX: Cuộc Đại khủng hoảng kinh tế và Thế chiến thứ hai. Nếu bạn sinh vào năm 1912 đến khoảng năm 1915 − bạn tốt nghiệp đại học sau khi thời điểm tồi tệ nhất của Khủng hoảng đã qua, và khi ấy bạn lại bị gọi vào quân dịch ở vào độ tuổi trẻ trung vừa vặn đến mức việc xa nhà chinh chiến ba hoặc bốn năm là một cơ hội đồng thời cũng chính là một sự gián đoạn (tất nhiên phải giả thiết là bạn không bị chết trong chiến cuộc).
Nhóm Mối sinh vào trước năm 1911, tốt nghiệp đại học chính vào thời kỳ cao điểm của Khủng hoảng, khi cơ hội việc làm thật khan hiếm, và họ đã bước vào nửa cuối lứa tuổi ba mươi khi Thế chiến thứ hai nổ ra, đồng nghĩa với việc bị bắt vào quân dịch, họ buộc phải bỏ ngang sự nghiệp, gia đình, cuộc sống của một người trưởng thành vốn đã đâu vào đấy. Sinh ra trước năm 1911 chính là gặp bất hạnh về mặt nhân khẩu học. Những sự kiện khốc liệt nhất của thế kỷ XX đã va trúng bạn đúng vào thời điểm không thích hợp.
Logic nhân khẩu học tương tự cũng áp dụng với các luật sư người Do Thái ở New York như Maurice Janklow. Cánh cửa vào các hãng luật đình đám ở khu trung tâm đã đóng sập trước mắt họ. Vậy nên họ chủ yếu là những người hành nghề riêng lẻ, giải quyết các vấn đề liên quan đến di chúc, ly hôn, soạn thảo hợp đồng và những tranh chấp nhỏ lẻ khác. Đến thời kỳ Khủng hoảng, công việc dành cho người hành nghề tự do đã biến mất. “Gần một nửa số thành viên của giới luật sư thành thị chỉ kiếm được dưới mức sống tối thiểu của các gia đình Mỹ,” Jerold Auerbach viết về những năm tháng Khủng hoảng ở New York. “Một năm sau đó 1.500 luật sư phải đưa ra lời tuyên thệ xác nhận mình là người nghèo theo luật định để đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp việc làm. Các luật sư Do Thái (ước tính chiếm một nửa giới luật sư thành thị) phát hiện ra rằng việc hành nghề của họ đã trở thành “con đường đàng hoàng dẫn đến chết đói’’. “ Bất kể họ đã bươn chải hành nghề bao nhiêu năm đi nữa, thu nhập của họ “thấp hơn rõ rệt” so với các đồng nghiệp Thiên chúa giáo. Maurice Janklow sinh năm 1902. Khi thời kỳ Khủng hoảng bắt đầu, ông mới cưới vợ, mới mua chiếc xe hơi bự, mới chuyển đến khu Queens và đánh một canh bạc lớn với việc kinh doanh giấy viết. Sự sắp đặt thời gian của ông không thể tệ hại hơn.”
“Ông đã sắp gây dựng nên cả một gia sản,” Mort Janklow nói về cha mình. “Nhưng cuộc Đại Khủng hoảng đã bóp chết ông về mặt kinh tế. Ông không có bất cứ khoản dự trữ nào, cũng không hề dựa dẫm được gì vào gia đình. Và từ đó về sau, ông trở thành một luật sư kiểu công chứng viên. Ông không còn chút quả cảm nào để chấp nhận rủi ro nữa. Đã quá đủ với ông. Cha tôi thường đảm nhận các loại thủ tục mua bán bất động sản với giá hai mươi lăm đô-la. Ông có một người bạn làm ở Ngân hàng Tiết kiệm Jamaica, người vẫn quẳng cho ông ít công việc. Đổi lấy hai mươi lăm đô-la, ông sẵn sàng làm tất cả các khâu thủ tục mua bán bất động sản. Chỉ hai mươi lăm đô-la!”
“Tôi vẫn nhớ cảnh bố mẹ tôi mỗi buổi sáng,” Janklow nói tiếp. “Bố sẽ nói với mẹ, 'Anh có một đô-la bảy mươi lăm xu. Anh cần mười xu đi xe bus, mười xu đi tàu điện ngầm, hai mươi lăm xu mua một cái sandwich,' và bố sẽ đưa cho mẹ chỗ còn lại. Họ đã lao đao khốn khó đến vậy đấy.”
Giờ hãy đối lập trải nghiệm ấy với trải nghiệm của một người khác − ví như Mort Janklow, chào đời hồi những năm 1930.
Hãy thử quan sát bảng dưới đây, trong đó thể hiện tỉ lệ sinh đẻ của nước Mỹ từ năm 1910 đến năm 1950. Vào năm 1915, có xấp xỉ ba triệu bé sơ sinh ra đời. Đến năm 1935, con số đó giảm bớt khoảng sáu trăm nghìn, và trong vòng một thập niên rưỡi tiếp theo, con số lại trở về trên mức ba triệu. Thể hiện nó bằng con số chính xác hơn, thì cứ một nghìn người Mỹ, có 29,5 trẻ sinh ra vào năm 1915; 18,7 trẻ sinh vào năm 1935; 24,1 trẻ sinh vào năm 1950. Thập niên 1930 được gọi là “vùng trũng nhân khẩu học.” Để đối phó với tình hình kinh tế khó khăn của cuộc Khủng hoảng, các gia đình thường ngưng việc sinh con, và kết quả là, thế hệ ra đời trong thập niên đó ít đáng kể so với thế hệ trước cũng như thế hệ tiếp ngay sau.
Dưới đây là ghi chép của nhà kinh tế học H. Scott Gordon về những lợi ích riêng có của việc là một trong số những người ra đời giữa một thế hệ ít ỏi:
Khi anh mở mắt chào đời, đó là một bệnh viện rộng thênh thang, trang thiết bị đầy đủ sẵn sàng để phục vụ cả một làn sóng (sinh đẻ) trước anh. Đội ngũ y bác sĩ hào phóng rộng rãi với thì giờ của mình, bởi họ chẳng có mấy việc phải làm trong khi trải qua một khoảng thời gian yên ổn tạm thời cho tới khi làn sóng (sinh đẻ) tiếp theo tràn tới. Khi anh đến tuổi tới trường, những tòa nhà bề thế đã sẵn sàng đón nhận; đội ngũ giáo viên đông đảo chào anh với cánh tay dang rộng. Ở trường trung học, đội bóng rổ không được cừ như trước đây nhưng muốn sử dụng sân tập phòng thể chất bao lâu cũng chẳng vấn đề gì. Trường đại học là một nơi chốn thú vị, có biết bao nhiêu phòng học và phòng ở, không cảnh chen chúc chật chội ở căng-tin, các giảng viên quan tâm tận tình. Rồi đến lúc anh bước chân vào thị trường việc làm. Nguồn cung lao động mới thì thấp trong khi mức cầu lại cao, bởi có một đợt sóng rộng lớn cuộn tới ngay sau lưng anh, mang tới mức cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa và dịch vụ từ phía những người sử dụng lao động tiềm năng của anh.
Tại New York, thế hệ sinh vào đầu thập niên 1930 ít ỏi tới mức quy mô lớp học chắc chỉ bằng một nửa so với hai mươi lăm năm trước đó. Các trường sở, vốn được xây dựng dành cho cả một thế hệ đông đúc trước đó, vẫn còn mới, và nghề giáo viên hồi thời kỳ Đại Khủng hoảng được coi là một nghề danh giá.
“Các trường công ở thành phố New York hồi những năm 1940 được đánh giá là những trường tốt nhất cả nước,” Diane Ravitch, một giảng viên của Đại học New York − một người viết rất nhiều về lịch sử giáo dục của thành phố, đã nói. “Có một lứa các nhà sư phạm ở độ tuổi ba mươi và bốn mươi, những người nếu ở vào thời buổi khác đáng lẽ phải là giảng viên đại học. Họ rất xuất sắc, nhưng họ không thể có được công việc mình mong muốn, nên việc giảng dạy tại trường công chính là việc họ đã làm, bởi công việc đó an toàn, có tiền trợ cấp hưu trí và chẳng bao giờ bị sa thải cả.”
Thứ động lực tương tự cũng mang lại lợi ích cho những thành viên thuộc thế hệ đó khi họ bước ra khỏi trường đại học. Dưới đây là câu chuyện của Ted Friedman − một trong những luật sư tranh tụng hàng đầu ở New York hồi những năm 1970 và 1980. Cũng giống như Flom, Friedman lớn lên trong cảnh đói nghèo, con của một gia đình Do Thái nhập cư gieo neo chật vật.
“Nguyện vọng của tôi là Trường City và Đại học Michigan,” Friedman nói. Trường City thì miễn phí còn Michigan − hồi đó, cũng như bây giờ, là một trong những đại học hàng đầu ở Mỹ, phải đóng 450 đô-la một năm. “Cái hay là sau năm đầu tiên, bạn có thể giành được học bổng nếu điểm số cao,” Friedman nói. “Vậy nên chỉ có năm đầu tiên là tôi phải đóng tiền thôi, nếu tôi học đến nơi đến chốn.” Friedman lúc đầu ngả về khả năng ở lại New York. “Vâng, tôi đến học ở trường City đúng một ngày, tôi không thích chỗ đấy. Tôi nghĩ bụng, lại thêm bốn năm nữa kiểu trường Khoa học Bronx (trường trung học mà Friedman vừa trải qua), thế là tôi về nhà gói ghém tư trang, vẫy xe đi nhờ đến Ann Arbor.” Ông kể tiếp:
Tôi có mấy trăm đô-la dằn túi từ hồi mùa hè. Tôi đã làm việc ở Catskills để kiếm đủ tiền trả bốn trăm năm mươi đô học phí mà vẫn còn một ít dằn túi. Thế rồi tôi kiếm được chân chạy bàn tại một nhà hàng sang trọng ở Ann Arbor. Tôi còn làm thêm ban đêm ở River Rouge, nhà máy rất lớn của Ford. Đấy là tiền thực thụ. Tôi chẳng khó khăn mấy để kiếm được việc làm. Các nhà máy tìm kiếm nhân công. Tôi còn có một việc khác nữa, việc này đem lại thu nhập tốt nhất mà tôi từng có trước khi trở thành luật sư, đó là làm ở công trường. Suốt cả mùa hè ở Ann Arbor, chúng tôi xây dựng bãi thử nghiệm Chrysler. Tôi làm ở đó mấy mùa hè trong suốt thời gian học trường luật. Mấy việc đó được trả hậu hĩ lắm, ắt hẳn bởi vì bạn làm thêm giờ quá nhiều.
Hãy nghĩ về câu chuyện này một lát. Nguyên nhân thứ nhất chính là Friedman tự nguyện làm việc chăm chỉ, tự chịu trách nhiệm về bản thân, tự nuôi mình ăn học. Nhưng nguyên cớ thứ hai, có lẽ mới là bài học quan trọng hơn − ông tình cờ xuất hiện vào một thời điểm ở nước Mỹ mà nếu bạn tự nguyện làm việc chăm chỉ, bạn có thể chịu trách nhiệm về bản thân và tự nuôi mình ăn học. Friedman khi đó − như cách chúng ta gọi bây giờ, là “gặp bất lợi về kinh tế.” Friedman vốn là một đứa trẻ nội thành ở khu Bronx, cả bố lẫn mẹ ông đều chưa từng qua đại học. Nhưng cứ thử nhìn xem ông đã có được việc học hành tử tế dễ dàng đến thế nào. Friedman tốt nghiệp từ trường trung học công ở New York vào thời điểm mà các trường công của thành phố New York chính là nỗi ghen tỵ của toàn thế giới. Nguyện vọng đầu tiên của ông − Trường City, lại miễn phí, còn nguyện vọng thứ hai − Đại học Michigan lại chỉ đòi hỏi có 450 đô-la − nhìn bên ngoài thì quy trình tuyển sinh thật thông thoáng, dễ dãi, thế nên anh chàng Friedman khi đó mới có thể hôm nay chọn trường này ngày mai trường khác.
Và làm cách nào Friedman đến nơi? Với số tiền kiếm hồi mùa hè trong túi, ông bắt xe đi nhờ. Khi đến nơi, Friedman lập tức có được một loạt công việc để đỡ đần chi trả cho cuộc sống, vì các nhà máy đang “tìm người.” Và đương nhiên là họ phải làm vậy: họ buộc phải thỏa mãn nhu cầu của cả một thế hệ ngay trước những người sinh ra vào “vùng trũng nhân khẩu học” của thập niên 1930 và cả cơn bùng nổ dân số sẽ tràn tới ngay sau đó. Tính khả thi cần thiết để có được thành công không chỉ đến từ bên trong mỗi người hay từ cha mẹ chúng ta. Nó còn có nguồn gốc từ thời đại của chúng ta: từ những cơ may đặc biệt mà một nơi chốn đặc biệt nào đó trong lịch sử trao tặng cho chúng ta. Với một chàng trai trẻ sẽ trở thành luật gia tương lai, ra đời hồi đầu những năm 1930 chính là thời điểm thần diệu, cũng hệt như việc ra đời vào năm 1955 là món quà dành cho một lập trình viên phần mềm, hoặc ra đời vào năm 1835 là cơ hội cho một nhà thầu khoán.
Ngày nay, Mort Janklow có một văn phòng ở vùng thượng Park Avenue chất đầy những tác phẩm nghệ thuật hiện đại lộng lẫy − của Dubuffet, của Anselm Kiefer. Anh kể những câu chuyện vui nhộn. (“Mẹ tôi có hai người chị em gái. Một người sống tới 99 tuổi còn người kia thì qua đời ở tuổi 90. Bà dì 99 tuổi là một người phụ nữ khôn ngoan. Bà kết hôn với ông chú Al của tôi, người từng là giám đốc bán hàng của hãng nội y phụ nữ Maidenform. Một lần tôi nói với ông, “Phần còn lại của đất nước ra sao hở chú Al?” Và ông trả lời, “Nhóc con. Khi cháu ra khỏi New York, mọi nơi đều là Bridgeport ’’). Janklow mang lại cảm giác rằng cả thế giới đều được sáng tạo ra để dành riêng cho ông. “Tôi luôn là một người dấn thân mạo hiểm,” Mort nói. “Thuở sơ khởi, khi tôi gây dựng công ty sản xuất cáp, tôi đã kí kết các thương vụ mà nếu không cố gắng thực hiện thành công, tôi có thể đã phá sản. Tôi luôn tâm niệm rằng mình có thể khiến nó tiến triển được.”
Mort Janklow đi học khi các trường công thành phố New York đang ở vào thời kỳ phong độ đỉnh cao. Thời Maurice Janklow đi học những trường này ở vào giai đoạn đông đúc quá mức. Mort Janklow đến học tại Trường Luật − Đại học Columbia, bởi những đứa trẻ sinh vào thời điểm “vùng trũng nhân khẩu học” được quyền kén chọn trường lớp cẩn thận. Maurice Janklow đến học ở Trường Luật Brooklyn giống như những gì một đứa trẻ nguồn gốc nhập cư có thể làm hồi năm 1919. Mort Janklow nhượng lại cơ ngơi sản xuất cáp của mình lấy hàng chục triệu đô-la. Maurice Janklow xử lý các loại thủ tục giấy tờ mua bán bất động sản lấy hai mươi lăm đô-la tiền công. Câu chuyện của nhà Janklow nói với chúng ta rằng thành công nhanh chóng của Joe Flom không phải chuyện thời nào cũng có. Kể cả những luật sư tài năng nhất, được trang bị đầy đủ những bài giáo dục luân lý của gia đình cũng không thể nào thoát ly khỏi những hạn chế của thế hệ anh ta.
“Mẹ tôi vẫn minh mẫn cho đến tận năm, sáu tháng cuối đời,” Mort Janklow kể. “Và trong giai đoạn mê sảng bà đã nói về những điều bà chưa từng kể bao giờ. Bà rơi nước mắt trước cái chết của bạn bè hồi dịch cúm năm 1918. Thế hệ ấy − thế hệ của ba mẹ tôi − đã trải qua quá nhiều biến cố. Họ sống qua trận dịch ấy, trận dịch đã cướp đi một phần mười dân số toàn thế giới. Khiếp sợ lan tràn các đường phố. Chứng kiến bạn bè chết. Và rồi đến Thế chiến thứ Nhất, rồi Đại khủng hoảng, tiếp đến Thế chiến thứ Hai. Họ chẳng có mấy cơ hội. Đó là một giai đoạn thật khắc nghiệt. Bố tôi đáng lẽ ra đã thành công hơn rất nhiều nếu ở vào một thời đại khác.”
Bài học số Ba: Ngành công nghiệp may mặc và những công việc có ý nghĩa
Năm 1889, Louis và Regina Borgenicht lên tàu thủy ở Hamburg để khởi hành đến Mỹ. Louis xuất thân từ Galacia, nơi sau này thuộc về Ba Lan. Regina đến từ một thị trấn nhỏ bé ở Hungary. Họ đã kết hôn được mấy năm, có một đứa con nhỏ và đang sắp có đứa thứ hai. Trong suốt chuyến đi kéo dài mười ba ngày, họ ngủ trên những đệm rơm đặt dưới mặt sàn ngay trên khoang máy, bám chặt vào bất cứ thứ gì mỗi khi tàu trồi lên hụp xuống. Họ có một người thân ở New York: người chị em của Borgenicht − Sallie − đã nhập cư vào Mỹ được mười năm. Họ chỉ có đủ tiền để cầm cự giỏi lắm là vài tuần. Cũng giống như rất nhiều người nhập cư vào Mỹ khác thời bấy giờ, chuyến đi của nhà Borgenicht đúng là một bước biến đổi về lòng tin.
Louis và Regina tìm thuê được một căn hộ bé xíu tại đường Eldridg, ở vùng hạ khu Đông Manhattan với giá 8 đô-la một tháng. Sau đó Louis bắt đầu lên phố kiếm việc làm. Ông nhìn thấy lề đường ken chật các xe bán dạo, hàng rong và những người bán hoa quả. Tiếng ồn, hoạt động và sức sống nơi đây khiến những gì ông đã từng biết ở Cựu Thế giới trở nên bé nhỏ thảm hại. Cảm giác đầu tiên là choáng ngợp, sau đó lại thấy dường như được tiếp thêm sinh lực. Ông đến cửa hàng cá của người chị em trên đường Ludlow và thuyết phục bà cho lấy cá trích bán trả chậm. Ông dựng quầy hàng ngay trên lề đường với hai thùng cá, dạo qua dạo lại giữa hai thùng và rao bằng tiếng Đức:
Dùng để rán
Dùng để làm bánh
Dùng để nấu nướng
Ăn vào đều ngon
Cá trích làm ra mọi bữa ăn
Và dành cho mọi tầng lớp
Đến cuối tuần, ông đã lãi được 8 đô-la. Đến tuần thứ hai là 13 đô-la. Đó là những món đáng kể. Nhưng Louis và Regina không biết được phải làm thế nào để việc bán cá trích trên đường phố trở thành việc làm ăn có tổ chức. Sau đó Louis quyết định thử làm một anh đẩy xe bán dạo. Ông bán khăn tắm, khăn trải bàn mà chẳng gặp nhiều may mắn lắm. Ông chuyển sang sổ sách, rồi chuối, rồi tất dài tất ngắn. Liệu có tương lai thực sự nào với xe đẩy không? Regina sinh đứa thứ hai, một cô con gái và sự thúc ép dồn lên Louis càng tăng lên. Giờ đây ông phải lo cho bốn miệng ăn.
Câu trả lời đến với ông sau năm ngày đằng đẵng dạo lên dạo xuống những con phố của vùng hạ khu Đông, ngay vào thời khắc ông sắp từ bỏ mọi hi vọng. Ông ngồi trên một cái thùng úp ngược, trệu trạo bữa trưa muộn là mấy cái bánh sandwich mà Regina làm cho ông. Câu trả lời là quần áo. Mọi nơi xung quanh ông các cửa hàng mở rộng − bộ đồ, váy vóc, quần yếm, áo sơ mi, váy ngắn, áo choàng, quần, tất cả đã may hoàn chỉnh và sẵn sàng để mặc. Vốn đến từ một thế giới mà quần áo được may vá bằng tay tại nhà hoặc đặt may theo số đo, đây đúng là một sự giác ngộ.
Nhiều năm về sau, khi đã trở thành một ông chủ sản xuất y phục phụ nữ và trẻ em phát đạt, Borgenicht viết: “Đối với tôi điều ngạc nhiên lớn nhất không đơn thuần là số lượng phong phú các loại đồ may mặc sẵn, − mặc dù bản thân điều đó thôi cũng là một phép nhiệm màu rồi, -, mà ở thực tế rằng tại nước Mỹ thậm chí những người nghèo khổ cũng có thể tiết kiệm công sức lao động, thời gian bỏ vào việc may vá quần áo buồn tẻ chỉ bằng một việc đơn giản là đi vào một cửa hàng và rồi bước ra với món đồ họ cần. Có một lĩnh vực để anh dấn thân vào, một lĩnh vực khiến anh phải thấy rùng mình xúc động.”
Borgenicht lôi cuốn sổ ghi chép nhỏ ra. Đi tới nơi nào, ông cũng đều ghi lại xem người ta mặc gì và có thứ gì bày bán − quần áo nam giới, quần áo phụ nữ, quần áo trẻ em. Ông muốn tìm ra một món gì đó “mới lạ”, thứ gì đó mà người ta mặc nhưng lại chưa được bày bán trong các cửa hàng. Ông dạo bước khắp nẻo phố phường hơn bốn ngày nữa. Cuối cùng, vào một buổi tối khi trên đường về nhà, ông trông thấy nửa tá các bé gái đang chơi nhảy lò cò. Một em trong số đó mặc một chiếc tạp dề bé xinh bên ngoài váy, cắt thấp ở đằng trước với một nút buộc ở phía lưng, nó khiến ông bất thần kinh ngạc, bởi trong những ngày xem xét không ngừng nghỉ các cửa hàng may mặc vùng hạ khu Đông trước đó, ông chưa từng trông thấy cửa hàng nào bày bán tạp dề cả.
Ông về nhà và kể với Regina. Bà có một chiếc máy khâu cũ kỹ mà họ mua hồi mới đến nước Mỹ. Sáng hôm sau, ông đến tiệm vải và phụ tùng quần áo mua một trăm thước vải bông kẻ và năm mươi thước vải sọc trắng. Ông quay trở về căn hộ nhỏ bé của họ và bày đống đồ ra bàn ăn. Regina bắt tay vào cắt vải bông − cỡ nhỏ cho trẻ chập chững biết đi, lớn hơn cho bọn trẻ nhơ nhỡ − cho đến khi được bốn mươi chiếc tạp dề. Bà bắt đầu may. Đến nửa đêm, bà đi ngủ và Louis tiếp tục công việc bà làm dở. Sớm tinh mơ, bà trở dậy để thùa khuyết và đơm khuy. Mười giờ sáng, chỗ tạp dề đã hoàn tất. Louis gom chúng lên tay và thẳng tiến đến đường Hester thử vận may.
“Tạp dề trẻ em! Tạp dề bé gái đây! Tạp dề màu mười xu! Tạp dề trắng, mười lăm xu! Tạp dề bé gái đây!”
Đến một giờ chiều, cả bốn mươi chiếc tạp dề đã hết veo.
“Mình ơi, chúng ta có việc làm ăn rồi đây,” ông hét lên với Regina sau khi chạy một mạch từ đường Hester về nhà.
Ông ôm lấy eo bà và bắt đầu xoay vòng vòng.
“Em phải giúp anh mới được,” ông thét lên. “Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau! Mình ơi, đây là công chuyện làm ăn của chúng ta!”
Người Do Thái nhập cư như nhà Floms và Borgenicht hay Janklow không giống như những nhóm người nhập cư đặt chân tới nước Mỹ hồi thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX khác. Người Ireland và Italia vốn là dân nghèo, tá điền làm thuê từ những vùng nông thôn cùng khổ của châu Âu. Người Do Thái thì không thế. Trong suốt nhiều thế kỷ ở châu Âu, người Do Thái bị cấm sở hữu đất đai, vậy nên họ tụ họp thành các nhóm ở thành phố và thị trấn, bắt tay vào buôn bán và làm nghề thủ công. Bảy mươi phần trăm dân Do Thái Đông Âu đổ xô đến Ellis Island trong suốt ba mươi năm hoặc tương tự như thế hồi trước Thế chiến thứ Nhất đã có sẵn trong tay ít nhiều kỹ năng nghề nghiệp nào đó. Họ đã sở hữu những cửa hàng tạp hóa hoặc tiệm trang sức nho nhỏ. Họ vốn đã là thợ đóng sách hoặc thợ làm đồng hồ. Chiếm phần áp đảo trong đó, kinh nghiệm của họ chủ yếu đặt vào nghề kinh doanh may mặc. Họ vốn là thợ may, thợ làm quần áo cho phụ nữ, thợ làm mũ, người buôn bán da lông thú và thợ thuộc da.
Điển hình như Louis Bogenicht đã rời bỏ gia đình nghèo khó của cha mẹ từ hồi mới mười hai tuổi để làm việc ở vị trí thu ngân cho một cửa hàng tạp hóa trong thị trấn Brzesko của Ba Lan. Khi có cơ hội làm việc trong nghề Schnittwaren Handlung (nghĩa đen: công việc mua bán các loại vải vóc hoặc “tấm hàng dệt”, như họ vẫn được biết đến), ông đã không bỏ lỡ. “Thời đó, những anh hàng xén chính là người mang đồ may mặc đến với toàn thế giới,” ông viết, “và trong ba yếu tố căn cốt thiết yếu với đời sống trong xã hội giản đơn đó, đồ ăn thức uống và nơi trú ngụ chỉ là chuyện xoàng xĩnh tầm thường. Việc ăn vận mới là quý tộc. Những người làm nghề may mặc, những người buôn bán các loại vải vóc tuyệt vời từ mọi ngõ ngách châu Âu, những thương gia thăm thú các khu trung tâm ngành trong các chuyến tuần du mỗi năm − tất cả đều là những ông hoàng lái buôn thời tuổi trẻ của tôi. Lời nói của họ được lắng nghe, sức nặng của họ có thể cảm nhận được.”
Borgenicht làm trong nghề lái vải này cho một người đàn ông tên Epstein, sau đó chuyển đến một cửa hàng mang tên Brandstatter ở khu Jaslow lân cận. Chính ở nơi đó Borgenicht đã học được những đặc tính phức tạp của hàng tá chất liệu vải vóc khác nhau, đến mức mà ông có thể vuốt tay lên một tấm vải và nói cho bạn biết mật độ sợi vải, tên nhà sản xuất cũng như nguồn gốc xuất xứ của vải. Vài năm sau đó, Borgenicht chuyển đến Hungary và gặp Regina. Cô Regina vốn đã kinh doanh tiệm may đo quần áo phụ nữ từ hồi mười sáu tuổi. Họ cùng nhau mở ra một loạt cửa hiệu dệt may, cẩn thận học hỏi từng chi tiết của thuật kinh doanh doanh nghiệp nhỏ.
Ý tưởng bất ngờ vĩ đại của Borgenicht vào ngày ấy, khi đang ngồi trên chiếc thùng úp ngược ở đường Hester cũng không phải thứ từ trên trời rơi xuống. Ông vốn là một cựu binh của Schnittwaren Handlung, vợ ông là một thợ may quần áo nữ theo mùa. Đây chính là sở trường của họ. Vào thời điểm gia đình Borgenicht gây dựng cửa tiệm nhỏ ngay trong căn hộ bé xíu của mình, hàng ngàn người nhập cư Do Thái khác cũng đang làm công việc tương tự, phát huy hết những kỹ năng khâu vá, may đồ ra để sử dụng, đến khoảng năm 1900, quyền kiểm soát ngành may mặc đã chuyển giao hầu như toàn bộ vào tay những người mới đến từ khu vực Đông Âu. Như lời Borgenicht diễn giải, “đâm sâu bám rễ vào mảnh đất mới đang mời gọi và gắng sức như những kẻ mất trí để làm mọi thứ mình biết.”
Ngày nay, vào thời buổi mà New York đã trở thành trung tâm của một khu vực thành thị rộng lớn muôn màu muôn vẻ, sẽ dễ dàng quên bẵng mất tầm quan trọng của một loạt kỹ năng mà những người nhập cư như gia đình Borgenicht mang đến Tân Thế Giới. Từ cuối thế kỷ XIX cho tới thế kỷ XX, may mặc chính là ngành nghề kinh tế sôi nổi nhất trong thành phố. Có nhiều người may quần áo hơn bất cứ công việc nào khác, và có nhiều sản phẩm may mặc được sản xuất ở New York hơn bất cứ thành phố nào khác trên thế giới. Những toà nhà chuyên biệt đến giờ vẫn tọa lạc ở vùng hạ khu Broadway của Manhattan − từ những dãy nhà kho đồ sộ tại hai mươi phân khu xuôi dưới quảng trường Thời Đại cho đến những cụm gác xép kiên cố của SoHo và Tribeca − hầu như tất cả đều được xây dựng để quây kín các thợ may áo choàng, thợ làm mũ và những người may đồ lót nữ, những căn phòng rộng lớn ken chật đàn ông và đàn bà gò lưng bên những chiếc máy khâu. Bước chân đến thành phố New York hồi những năm 1890, có kinh nghiệm may quần áo nữ, thêu thùa hay Schnittwaren Handlung chính là một bước đi dẫn tới cả cơ nghiệp tốt lành phi thường. Nó cũng giống như việc trình diện ở Thung lũng Silicon vào năm 1986 khi trong tay đã có sẵn mười nghìn giờ đồng hồ kinh nghiệm lập trình.
“Không có gì nghi ngờ rằng những người nhập cư Do Thái ấy đã đến New York vào một thời điểm hoàn hảo, với những kỹ năng hoàn hảo,” nhà xã hội học Stephen Steinberg nói. “Để tận dụng tối đa cơ hội, anh phải có những đức tính nhất định, và những người nhập cư ấy làm việc thật cần mẫn. Họ hi sinh. Họ chắt bóp, tiết kiệm và đầu tư khôn ngoan. Nhưng bạn cũng phải nhớ rằng ngành may mặc thời bấy giờ phát triển thật nhanh thật mạnh. Cả nền kinh tế khao khát có được những kỹ năng mà họ sở hữu”.
Louis và Regina Borgenicht, cũng như hàng nghìn người đặt chân đến vùng đất này trên những con tàu giống như họ, đã được trao tặng một cơ hội bằng vàng. Con cái và cháu chắt họ cũng vậy, bởi những bài học mà các công nhân may mặc ấy mang theo mình về nhà vào mỗi buổi tối lại trở thành điều cốt yếu để có thể tiến tới những bậc tầng mới trong xã hội.
Một ngày sau hôm vợ chồng Louis và Regina Borgenicht bán hết loạt bốn mươi chiếc tạp dề đầu tiên, Louis đã thân chinh đến Công ty H. B. Claflin, giống hệt như Brandstatter ở Ba Lan vậy. Đến đó, Borgenicht yêu cầu tìm một đại diện bán hàng nói tiếng Đức, bởi tiếng Anh của Louis gần như bằng không. Ông cầm trong tay toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của cả hai vợ chồng − 125 đô-la, và với khoản tiền ấy, ông mua đủ vải để làm tiếp một chục tá tạp dề nữa. Suốt ngày đêm, ông và Regina cắt và may. Ông bán hết sạch cả mười tá trong hai ngày. Quay về ông lại đến Claflin làm lượt nữa. Họ cũng bán đồ cho ông. Rất nhanh sau đó, vợ chồng Borgenicht thuê một người nhập cư cũng mới vừa xuống tàu, giúp họ coi sóc bọn trẻ để Regina có thể dành toàn bộ thời gian may vá, tiếp đến là một người nữa làm thợ học việc. Louis thử vận may ở khu nội ô xa xa như Harlem, bán cho các bà nội trợ trong khu chung cư. Ông thuê mặt tiền cửa hàng ở Phố Sheriff với một khu sinh hoạt ở phía sau. Ông mướn thêm ba cô gái nữa, và trang bị máy khâu cho tất cả họ. Ông bắt đầu được biết đến như một “người bán tạp dề.” Ông và Regina bán tạp dề cũng chóng vánh như tốc độ họ làm ra vậy.
Không lâu sau, gia đình Borgenicht quyết định vươn rộng ra. Họ bắt đầu may cả tạp dề cho người lớn, váy lót dài, rồi đến trang phục phụ nữ. Đến tháng Giêng năm 1892, nhà Borgenicht đã có tất thảy hai mươi người làm công, hầu hết là người nhập cư Do Thái giống như họ. Họ có xưởng sản xuất riêng ở vùng hạ của Đông Manhattan cùng một danh sách khách hàng ngày càng dài ra, bao gồm cả một cửa hiệu ở khu nội ô thuộc sở hữu của một gia đình người nhập cư Do Thái khác − anh em nhà Bloomingdale. Hãy nhớ rằng vợ chồng con cái nhà Borgenicht tính đến thời điểm đó mới đặt chân đến đất Mỹ được có ba năm. Họ hiếm khi nói tiếng Anh. Họ chẳng dư dật giàu có gì dù bạn có tưởng tượng phong phú ra sao. Bất kể khoản lãi nào kiếm được họ cũng tái đầu tư vào công việc làm ăn hết và Borgenicht nói rằng ông chỉ có vỏn vẹn 200 đô-la trong tài khoản ngân hàng. Nhưng ông đã tự định đoạt được số mệnh của mình.
Đây chính là lợi thế to lớn thứ hai của ngành may mặc. Không chỉ bởi nó phát triển nhanh thần tốc, nó còn là một ngành kinh doanh rõ ràng. Quần áo không được sản xuất ra từ một nhà máy có quy mô lớn duy nhất. Thay vào đó, một loạt những doanh nghiệp được thành lập đã tham gia vào thiết kế mẫu mã và chuẩn bị vải vóc, tiếp đến công đoạn thêu, bấm, đính khuy phức tạp đều được chuyển sang các nhà thầu nhỏ lẻ. Và nếu một nhà thầu nào đó phình ra đủ lớn, hoặc đủ tham vọng, anh ta sẽ bắt đầu thiết kế mẫu mã của riêng mình và chuẩn bị chất liệu vải vóc riêng. Đến năm 1913, áng chừng đã có khoảng mười sáu nghìn công ty riêng lẻ trong ngành may mặc của thành phố New York, rất nhiều trong số đó giống hệt như cửa tiệm nhà Borgenicht trên Phố Sheriff.
“Mức ban đầu để bước vào việc làm ăn là rất thấp. Về cơ bản chỉ là một doanh nghiệp gây dựng nên từ mấy cái máy khâu, mà máy khâu thì chẳng tốn kém lắm,” Daniel Soyer, một sử gia viết rất nhiều về ngành dệt may đã nói. “Thế nên anh chẳng cần lận lưng nhiều vốn lắm. Giai đoạn chuyển sang thế kỷ XX, chắc chỉ mất năm mươi đô-la để sắm một hay hai cái máy khâu. Tất cả những gì bạn cần làm để trở thành một nhà thầu là có trong tay mấy cái máy khâu, mấy cái bàn là, vài ba công nhân. Chênh lệch lợi nhuận rất thấp nhưng bạn có thể kiếm được chút đỉnh.”
Hãy nghe xem Borgenicht miêu tả ra sao về quyết định vươn rộng ra ngoài mặt hàng tạp dề của ông:
Từ những nghiên cứu về thị trường, tôi biết là chỉ có ba nhà sản xuất đồ may mặc trẻ em vào năm 1890. Một là tay thợ may ở ngay gần tôi, vốn chỉ may theo số đo đặt hàng, trong khi hai người kia thì làm ra thứ sản phẩm đắt tiền mà tôi chẳng ham hố cạnh tranh làm gì. Tôi muốn làm ra những thứ “giá cả bình dân” − trang phục, đồ tơ tằm, đồ len dạ. Mục tiêu của tôi là sản xuất ra đồ may mặc quảng đại quần chúng có thể chấp nhận được, những thứ quần áo − từ góc độ kinh doanh mà nói − có thể tiêu thụ ngang nhau ở các cửa hàng lớn nhỏ, cả ở thành phố và vùng nông thôn. Với sự giúp đỡ của Regina − cô ấy luôn có khiếu thẩm mỹ và khả năng thẩm định tuyệt hảo − tôi đã tạo ra một loạt sản phẩm mẫu. Trưng chúng ra cho các khách hàng “thân thiết” cùng bạn bè, tôi đã đánh trúng nhu cầu các gia đình xét về mọi khía cạnh − đồ may mặc của tôi sẽ tiết kiệm công việc cho các bà nội trợ, chất liệu và đường kim mũi chỉ tốt ngang ngửa, thậm chí chắc chắn tốt hơn bất cứ thứ gì được làm thủ công tại nhà, giá cả cũng rất thích hợp để mua may bán đắt.
Đến một dịp, Borgenicht nhận ra rằng cơ hội duy nhất để bán hàng giá rẻ hơn các hãng sản xuất lớn khác chính là bỏ đi khâu trung gian, thuyết phục các nhà buôn bán vải trực tiếp cho ông. Louis đến gặp ông Bingham nào đó ở Công ty Lawrence, một “gã Yankee cao lớn, vẻ dữ tợn, râu trắng với đôi mắt màu lam ánh thép.” Hai người bọn họ ở đó − một người nhập cư đến từ vùng nông thôn Ba Lan với thứ tiếng Anh ngắc ngứ đối mặt với một gã Yankee hống hách. Borgenicht nói rằng ông muốn mua bốn mươi kiện vải cashmere. Bingham chưa bao giờ bán hàng cho một công ty riêng lẻ, đừng nói là một cửa hàng lèo tèo vốn nhỏ trên Phố Sheriff.
“Anh mặt dày mày dạn mò đến đây và hỏi xin tôi làm ơn làm phước!” đầu tiên Bingham lớn tiếng nạt nộ. Nhưng cuối cùng ông ta đã nói Đồng ý.
Điều Borgenicht gặt hái được trong những ngày dài bôn ba mười tám tiếng đồng hồ chính là một bài học về nền kinh tế hiện đại. Ông đã học được cách nghiên cứu thị trường. Ông đã học được về tổ chức sản xuất. Ông đã học được cách làm thế nào để đàm phán với một người Yankee kênh kiệu. Ông đã học được cách làm thế nào hoà mình sâu vào nền văn hóa đại chúng để nắm bắt được những xu hướng thời trang mới.
Những người nhập cư Ireland và Italia đến New York vào cùng thời điểm ấy không có được lợi thế đó. Họ không có nổi một kỹ năng đặc biệt phù hợp với nền kinh tế thành thị. Họ làm lao động công nhật, người giúp việc và công nhân xây dựng − những công việc mà họ cứ làm trong suốt ba mươi năm trời mà không bao giờ học được chút nào về nghiên cứu thị trường, sản xuất hay cách nào để điều hướng cho nền văn hóa đại chúng, cách nào để đàm phán với những người Yankee vốn đang thống trị thị trường.
Hay thử nhìn vào số phận của những người Mexico nhập cư vào California từ năm 1900 đến cuối thập niên 1920 làm việc ở những vựa rau quả lớn. Đơn giản chỉ là họ chuyển từ kiếp sống bần nông phong kiến ở Mexico sang đời dân nghèo ở California. “Những điều kiện trong nghề may mặc cũng tồi tệ chẳng khác chút nào,” Soyer nói tiếp. “Nhưng là một công nhân dệt may, bạn sẽ ở gần với trung tâm công nghiệp hơn. Nếu bạn làm việc trên một cánh đồng ở California, bạn chẳng có chút manh mối nào để xem điều gì xảy ra với sản phẩm khi nó bị chuyển lên xe tải. Nếu bạn làm việc trong một tiệm may mặc nhỏ, lương lậu thì thấp còn các điều kiện thì khủng khiếp, thời gian làm đằng đẵng, nhưng bạn có thể quan sát chính xác xem những người thành công đang làm gì, và bạn có thể nhìn xem cách gây dựng công việc của riêng mình ra sao.”
Khi Borgenicht trở về nhà vào buổi đêm với các con, có thể ông mệt mỏi, nghèo nàn và ngợp lên vì công việc, nhưng ông vẫn sống. Ông là người chủ của chính mình. Ông chịu trách nhiệm về những quyết định và phương hướng của chính mình. Công việc của ông phức tạp: nó lôi cuốn cả tâm óc và trí tưởng tượng của ông. Và trong công việc của ông, có tồn tại một mối liên hệ giữa nỗ lực và tưởng thưởng: Louis và Regina càng thức để may tạp dề muộn bao nhiêu, ngày hôm sau họ càng kiếm được nhiều tiền hơn bấy nhiêu.
Ba yếu tố − sự độc lập, độ phức tạp và mối liên hệ giữa nỗ lực và tưởng thưởng − như nhiều người đồng tình, chính là ba phẩm chất phải hội đủ để một công việc trở nên đáng hài lòng. Không phải đơn giản là chuyện làm ra bao nhiêu tiền trong khoảng từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều đủ khiến chúng ta hoàn toàn hạnh phúc.
Đó là chuyện liệu công việc có thỏa mãn chúng ta hay không. Nếu tôi đề nghị bạn lựa chọn giữa một bên là công việc kiến trúc sư với mức lương 75 nghìn đô-la một năm và một bên là làm việc tại nhà giam hàng ngày trong suốt phần đời còn lại của bạn với thù lao 100 nghìn đô-la một năm, bạn sẽ chọn cái nào? Tôi đoán là lựa chọn đầu tiên, bởi có cả độ phức tạp, sự độc lập và mối liên hệ giữa nỗ lực và tưởng thưởng trong việc thực hiện những công việc mang tính sáng tạo, và đó là điều đáng giá hơn cả tiền bạc đối với hầu hết chúng ta.
Công việc thỏa mãn được cả ba tiêu chí nói trên được coi là có ý nghĩa. Làm một giáo viên có ý nghĩa. Làm một nhà vật lý học có ý nghĩa. Làm một nhà kinh doanh cũng vậy, và sự nhiệm màu của ngành dệt may − với bối cảnh tàn khốc và u ám − đồng thời cũng là thứ cho phép những người như gia đình Borgenicht, vừa mới bước chân xuống tàu, tìm được thứ gì đó có ý nghĩa để làm. Khi Louis Borgenicht trở về nhà sau khi nhìn thấy chiếc tạp dề trẻ em lần đầu tiên, ông đã nhảy chân sáo. Ông chưa hề bán được thứ gì. Ông vẫn khốn cùng, không một xu dính túi và ông biết rằng để làm ra thứ gì đó từ ý tưởng của mình sẽ đòi hỏi hàng năm trời lao động cật lực. Nhưng ông ngây ngất phấn chấn, bởi viễn cảnh những năm tháng lao động cực nhọc liên miên không có vẻ gì là gánh nặng với ông. Bill Gates cũng có cảm giác tương tự khi anh ngồi vào gõ bàn phím máy tính lần đầu tiên ở Lakeside. Và nhóm Beatles đã không chùn bước trong khiếp hãi khi họ được thông báo rằng họ phải chơi tám tiếng một đêm, bảy ngày một tuần. Họ chộp lấy cơ hội. Làm việc vất vả sẽ là lời tuyên án chỉ khi nó chẳng có chút ý nghĩa gì. Một khi đã mang ý nghĩa, nó trở thành một thứ khiến bạn “ôm ghì lấy eo vợ mình và vui phơi phới”.
Kết quả quan trọng bậc nhất từ phép lạ của ngành dệt may chính là điều xảy đến với những đứa trẻ trưởng thành trong những gia đình nơi các công việc có ý nghĩa được thực hiện. Thử tưởng tượng xem mọi thứ ra sao khi chứng kiến thành công nhanh chóng của Regina và Louis Borgenicht qua đôi mắt con cái của họ. Chúng sẽ có được bài học mà cậu nhỏ Alex Williams nhận được gần một thế kỷ sau đó − bài học đóng vai trò then chốt với những ai muốn đương đầu với những tầm cao nghề nghiệp như luật hay y dược: nếu bạn làm việc đủ chăm chỉ và biết đòi hỏi cho bản thân mình, biết vận dụng đầu óc và trí tưởng tượng của mình, bạn có thể định hình thế giới theo những ham muốn của riêng mình.
Vào năm 1982, một sinh viên chuyên ngành xã hội học tên là Louise Farkas đến viếng thăm một loạt nhà điều dưỡng và khu căn hộ ở thành phố New York và Miami Beach. Cô tìm kiếm những người như gia đình Borgenicht hay chính xác hơn là những đứa trẻ của các gia đình như nhà Borgenicht, những người đã tới New York trong làn sóng ồ ạt người nhập cư Do Thái thời kỳ chuyển ngoặt thế kỷ trước. Và với mỗi người đã phỏng vấn, cô đều xây dựng cây phả hệ gia đình thể hiện xem một dòng dõi gồm cha mẹ, con cái, cháu và, trong một số trường hợp là cả chắt nữa − làm gì để kiếm sống.
Đây là phần miêu tả của “đối tượng số 18”:
Một thợ may người Nga đặt chân đến Mỹ, bước vào nghề kim chỉ, làm việc trong một tiệm đồ len với đồng lương ít ỏi. Sau đó nhận đồ may mặc để làm ở nhà với sự giúp đỡ của vợ và đứa con lớn. Để gia tăng thu nhập, ông làm việc thâu đêm suốt sáng. Sau đó ông sáng tạo ra một món đồ và bán trên đường phố New York. Ông tích lũy được chút vốn liếng và bước vào một vụ đầu tư làm ăn với mấy đứa con trai. Họ mở một cửa tiệm may y phục nam. Bác thợ may người Nga và các cậu con trai trở thành nhà sản xuất quần áo nam cung cấp cho vài hiệu đồ nam... Các con trai và người cha trở nên giàu có phát đạt... Con của mấy cậu con trai trở thành những chuyên gia được giáo dục cẩn thận:
Dưới đây là một ví dụ nữa. Đó là một thợ thuộc da di cư từ Ba Lan hồi cuối thế kỷ XIX:
Các cây phả hệ của những gia đình Do Thái mà Farkas dựng lên kéo dài suốt nhiều trang, mỗi trang lại đồng nhất rõ rệt với trang trước đó, cho tới khi kết luận trở nên không thể nào chối bỏ: các bác sĩ và luật sư người Do Thái không trở thành những người chuyên nghiệp bất chấp xuất thân thấp hèn. Họ trở thành những người chuyên nghiệp chính nhờ xuất thân hèn kém ấy.
Ted Friedman − vị luật sư tranh tụng lỗi lạc hồi những năm 1970 và 1980, vẫn nhớ hồi còn là một đứa trẻ đi xem hòa nhạc với mẹ ở Nhà hát Carnegie. Họ nghèo rớt và sống ở những xó xỉnh khuất nẻo nhất của khu Bronx. Làm thế nào họ lo được vé? “Mary lấy giá 25 xu,” Friedman nói. “Có một cô Mary vốn là người soát vé, và nếu bạn đưa cho Mary hai mươi lăm xu, cô ấy sẽ cho bạn đứng ở ban công tầng hai mà không cần vé. Nhà hát Carnegie chẳng biết gì về việc đó. Chỉ là bí mật giữa bạn và Mary thôi. Cũng phải đi cả một quãng đường đấy, nhưng chúng tôi luôn quay lại một hai lần mỗi tháng.”
Mẹ của Friedman vốn là một người Nga nhập cư. Bà không nói được mấy tiếng Anh. Nhưng bà đã đi làm thợ may từ hồi mười lăm tuổi và trở thành một người tổ chức nghiệp đoàn dệt may xuất sắc, và điều bạn học được từ công việc đó là thông qua sức mạnh thuyết phục và khuyến khích, bạn có thể đưa các con mình tới Nhà hát Carnegie. Không có bài học nào dành cho một luật sư đang ở độ tiềm tàng nảy nở tốt hơn thế. Ngành dệt may chính là doanh trại huấn luyện tân binh cho các ngành nghề.
Vậy cha của Joe Flom làm gì? Ông may mút đệm vai cho y phục nữ. Cha của Robert Oppenheimer làm gì? Ông là một nhà sản xuất đồ dệt may, giống như Louis Borgenicht. Từ góc làm việc của Flom tại hãng Skadden, Arps xuôi xuống một đợt cầu thang chính là văn phòng của Barry Garfinkel − người đã có mặt ở Skadden, Arps lâu xấp xỉ Flom, người suốt nhiều năm đứng đầu bộ phận tranh tụng của hãng. Mẹ của Garfinkel làm gì? Bà là thợ làm mũ. Bà khâu mũ tại nhà. Hai cậu con trai của Louis và Regina làm gì? Họ đi học ở trường luật và cả chính những đứa cháu của họ − không kém lấy một người − cuối cùng đều trở thành bác sĩ và luật sư.
Dưới đây là cây phả hệ gia đình đáng chú ý nhất của Farkas. Nó thuộc về một gia đình người Do Thái xuất thân từ Romania, vốn sở hữu một tiệm tạp hóa nhỏ ở cố quốc và rồi đến New York mở một cửa hàng khác, ngay ở vùng hạ khu Đông Manhattan. Đây chính là câu trả lời tinh tế nhất cho câu hỏi xem tất cả những Joe Flom có nguồn gốc từ đâu.
Cách trụ sở Skadden, Arps mười dãy nhà về phía bắc, ở vùng trung Manhattan chính là văn phòng địch thủ đáng gờm của Joe Flom, một hãng luật nói chung được coi là tốt nhất thế giới.
Hãng này đặt trụ sở bên trong một tòa cao ốc văn phòng danh giá được biết với cái tên Black Rock. Việc được tuyển dụng vào đây đòi hỏi một chút phép thần. Không giống như những hãng luật chính yếu khác ở New York, những hãng có trong tay hàng trăm luật sư rải rác ở khắp các thủ đô quan trọng trên thế giới, công ty này chỉ triển khai hoạt động ra bên ngoài tòa cao ốc Manhattan đơn nhất đó thôi. Nó khước từ các thương vụ nhiều hơn so với tiếp nhận. Không giống như tất cả các đối thủ, nó không tính phí theo giờ. Nó chỉ đơn thuần đặt ra một cái giá. Có lần, khi bảo vệ hãng Kmart khỏi một vụ thôn tính, công ty đã đưa giá 20 triệu đô-la cho hai tuần làm việc. Kmart trả tiền − rất vui vẻ. Nếu các luật sư của hãng này không khôn ngoan hơn bạn, họ sẽ giải quyết công việc giỏi hơn bạn, và nếu họ không thể làm việc cừ hơn bạn, họ sẽ chiến thắng hoàn toàn thông qua dọa dẫm. Trong suốt hai thập kỷ vừa qua, không một hãng luật nào trên thế giới làm ra nhiều tiền hơn thế, hết lứa luật sư này đến lứa khác. Trên tường văn phòng Joe Flom, ngay kế bức ảnh của Flom cùng George Bush Sr. và Bill Clinton, có một bức ông chụp chung với luật sư thành viên hãng đối thủ.
Không có ai vươn đến đỉnh cao của nghề luật ở New York trừ phi anh ta hay cô ta thông minh, tham vọng và làm việc cần mẫn, rõ ràng là bốn người đàn ông sáng lập ra hãng Black Rock phù hợp với miêu tả ấy. Nhưng chúng ta biết hơn thế rất nhiều, phải vậy chứ? Thành công không phải thứ hành động ngẫu nhiên. Nó nảy sinh từ một loạt hoàn cảnh và cơ hội có thể dự đoán và đầy quyền năng, và tính đến thời điểm này, sau khi xem xét cuộc đời của Bill Joy và Bill Gates, những tuyển thủ khúc côn cầu nhà nghề và những thiên tài, Joe Flom, gia đình Janklow, gia đình Borgenicht, sẽ chẳng khó khăn gì để phát hiện ra xem một luật sư hoàn hảo có gốc gác từ đâu.
Người này sẽ phải ra đời chính vào vùng trũng nhân khẩu học, nhờ vậy mà được hưởng những điều tốt đẹp nhất ở các trường công thành phố New York và cả thời kỳ dễ dàng nhất tại thị trường việc làm. Anh ta sẽ phải là người Do Thái, đương nhiên, và vì thế, bị chặn chân ngoài cửa những hãng luật kỳ cựu khu trung tâm bởi nguyên do “lai lịch” của anh ta. Cha mẹ của người này ắt hẳn cũng làm một công việc nào đó có ý nghĩa trong ngành dệt may, truyền lại cho con cái mình tinh thần tự giác, tính kiên trì và mối liên hệ giữa nỗ lực và tưởng thưởng. Và một trường học tốt − mặc dù nó không nhất thiết phải là một trường ghê gớm − sẽ là nơi lũ trẻ của gia đình đến học. Cậu chàng cũng không nhất thiết phải là người thông minh nhất lớp, chỉ cần đủ thông minh là được.
Thực ra, chúng ta còn có thể chi li chính xác hơn thế. Cũng hệt như việc có một ngày sinh hoàn hảo cho một vị tài phiệt kinh doanh thế kỷ XIX, một ngày sinh hoàn hảo cho một ông trùm phần mềm, cũng sẽ có ngày sinh hoàn hảo cho một luật sư Do Thái ở New York nữa. Đó là vào năm 1930, bởi điều đó sẽ đem lại cho vị luật sư lợi thế của một thế hệ ít ỏi may mắn. Nó cũng khiến anh ta có thêm 40 tuổi đời tính đến năm 1970, khi cuộc cách mạng trong ngành luật bắt đầu, khoảng thời gian ấy sẽ chuyển thành giai đoạn Hamburg gồm mười lăm năm đầy lành mạnh trong nghiệp vụ sát nhập, mua lại trong khi những luật sư giày-trắng bị chậm trễ và mù tịt về những bữa trưa thân mật kiểu lai rai đối ẩm. Nếu bạn muốn trở thành một luật sư New York vĩ đại, làm kẻ chầu rìa lại là một lợi thế, và cha mẹ bạn làm những công việc có ý nghĩa lại là một lợi thế nữa, và, còn nữa, sẽ là lợi thế nếu được ra đời vào những năm đầu thập niên 1930. Nhưng nếu bạn hội đủ cả ba lợi thế này − bao trùm lên trên một liều lượng vừa đủ của tài năng và nỗ lực − thì đó chính là một sự kết hợp không gì ngăn chặn nổi. Điều đó giống hệt việc là một tuyển thủ khúc côn cầu sinh vào đúng mùng 1 tháng Giêng.
Hãng luật ở Black Rock chính là Wachtell, Lipton, Rosen & Katz. Luật sư thành viên đầu tiên của hãng là Herbert Wachtell. Ông sinh năm 1931. Ông lớn lên trong khu nhà nghiệp đoàn Công nhân May Hợp nhất ngang qua Công viên Van Corlandt ở Bronx. Cha mẹ ông là người Do Thái nhập cư từ Ukraine. Cha của ông đã làm trong một doanh nghiệp sản xuất đồ lót nữ cùng với các anh em, trên tầng sáu của một tòa nhà giờ đây đã là một lô sang trọng ở Đường Broadway & Spring, khu SoHo. Ông đi học ở trường công thành phố New York hồi những năm 1940, sau đó là Trường City ở khu thượng Manhattan, rồi đến Trường Luật thuộc Đại học New York.
Luật sư thành viên thứ hai là Martin Lipton. Ông sinh năm 1931. Cha ông là giám đốc một nhà máy. Ông là hậu duệ của gia đình Do Thái nhập cư. Ông học tại trường công thành phố Jersey, tiếp đến là Đại học Pennsylvania, sau đó là Trường Luật thuộc Đại học New York.
Thành viên thứ ba là Leonard Rosen. Ông sinh năm 1930. Ông lớn lên trong cảnh nghèo khó ở khu Bronx, gần sân vận động Yankee. Cha mẹ ông là người Do Thái nhập cư từ Ukraine. Cha ông làm công việc một thợ đột dập tại khu dệt may ở Manhattan. Ông vào học trường công thành phố New York hồi những năm 1940, sau đó là Trường City ở khu thượng Manhattan, tiếp đến là Trường Luật thuộc Đại học New York.
Thành viên thứ tư là George Katz. Ông sinh năm 1931. Ông lớn lên trong một căn hộ tầng trệt một phòng ngủ ở khu Bronx. Bố mẹ ông là con cái của những người Do Thái nhập cư từ Đông Âu. Cha ông bán bảo hiểm. Còn người ông − sống cách đó vài dãy nhà, là một thợ may trong một doanh nghiệp may mặc, làm việc khoán ngay tại nhà mình. George Kratz đi học trường công thành phố New York hồi những năm 1940, sau đó là Trường City ở khu thượng Manhattan, tiếp đến là Trường Luật thuộc Đại học New York.
Thử tưởng tượng rằng chúng ta đã gặp ai đó trong số bốn thanh niên mới tốt nghiệp từ trường luật này, ngồi trong phòng chờ thanh nhã tại hãng Mudge & Rose ngay kế bên một người Bắc Âu mắt xanh xuất thân từ một “hoàn cảnh” thích hợp. Chúng ta chắc sẽ đặt cược cho người Bắc Âu kia. Và có thể chúng ta đã sai, bởi những người nhà Katz, nhà Rosen, nhà Lipton và nhà Wachtell sở hữu một số thứ mà mẫu người Bắc Âu kia không có được. Thế giới của họ − nền văn hóa, thế hệ và lịch sử gia đình họ đem lại cho họ những cơ hội to lớn nhất.