TRONG phim Jules César của Mankiewicz, tất cả các nhân vật đều có một riềm tóc trên trán, số nhân vật này uốn loăn xoăn, số nhân vật kia để mảnh như chỉ, số khác để nhô ra như cái mào, số khác nữa bôi dầu bóng, tất cả đều chải tóc cẩn thận, và ai hói đầu thì không được tuyển chọn, tuy rằng Lịch sử La Mã cung cấp một số khá nhiều người đầu hói. Những ai có mái tóc thưa cũng phải tốn kém mới giải quyết được, và bác thợ cạo là thợ thủ công chính của phim luôn biết cách kéo ra một mớ tóc cuối cùng, mớ tóc ấy tiếp nối với bờ của vầng trán, vầng trán La Mã, vầng trán hẹp luôn luôn biểu đạt một hỗn hợp đặc thù của quyền hành, đạo đức và chinh phục.
Vậy cái gì gắn với những riềm tóc dai dẳng ấy? Đơn giản chỉ là biểu trưng của Tính chất La Mã. Ta thấy ở đây xuất hiện công khai thao tác cơ bản của diễn xuất, đó là ký hiệu. Món tóc trên vầng trán rõ ràng quá rồi, chẳng ai còn có thể hồ nghi là mình đang ở La Mã, vào thời xa xưa. Và niềm tin chắc ấy tiếp tục mãi: các diễn viên nói năng, hành động, giằn vặt, bàn cãi những vấn đề “muôn thuở” mà vẫn giữ được nguyên vẹn tính chất giống như thật về mặt lịch sử của họ, chính là nhờ lá cờ nhỏ ấy giăng trên vầng trán: tính chất muôn thuở của họ thậm chí có thể hoàn toàn yên ổn phình rộng, vượt qua Đại dương và các thế kỷ, lan tới bộ mặt Hoa Kỳ của những nhân vật phụ ở Hollywood, chẳng hề chi, ai nấy đều yên tâm, thanh thản tin chắc vào một thế giới chẳng còn nghi ngờ gì nữa, ở đấy những người La Mã đúng là dân La Mã bởi món tóc trên vầng trán kia, cái ký hiệu rành rành nhất trong tất cả các ký hiệu.
Một người Pháp, vốn nhìn những gương mặt Mỹ như vẫn còn giữ chút gì có tính chất ngoại lai, nên thấy sự pha trộn giữa các diện mạo găng-xtơ Hoa Kỳ với cái riềm tóc nho nhỏ có vẻ nực cười: đó là trò hài hước ngẫu hứng xuất sắc ở phòng trà thì đúng hơn. Bởi vì, với chúng ta, ký hiệu vận hành mãi mãi, nó mất giá khi để lộ ra tính mục đích của nó. Nhưng vẫn cái riềm tóc ấy trên vầng trán La tinh tự nhiên duy nhất của phim là vầng trán của Marlon Brando lại gây ấn tượng mạnh cho chúng ta mà không làm chúng ta cười, và chẳng loại trừ khả năng diễn viên này thành công ở châu Âu một phần là nhờ sự ăn nhập hoàn toàn của mái tóc La Mã ấy với diện mạo chung của nhân vật. Ngược lại, Jules César thì thật khó tin, với cái đầu quả bơ Anglo-Saxons* đã nhẵn mặt qua cả ngàn vai phụ trong các phim trinh thám hoặc hài hước, cái sọ nhu mì của anh ta khó có thể lấp liếm được bằng món tóc thợ cạo.
Trong lĩnh vực các sự biểu đạt của mái tóc, đây là một ký hiệu phụ, ký hiệu những bất chợt ban đêm: Portia và Calpumia, đang đêm bị đánh thức, rõ ràng đầu không kịp chải: nàng Portia trẻ hơn, mái tóc lúc đó rối tung, nghĩa là tình trạng thiếu chải chuốt dường như ở cấp độ đầu tiên; nàng Calpumia lớn tuổi, tuy đầu không chải song vẫn trau chuốt hơn: một bím tóc vòng quanh cổ ra phía trước vai bên phải, gây ấn tượng ký hiệu truyền thống của lộn xộn, đó là không đối xứng. Nhưng các ký hiệu ấy đồng thời vừa quá đáng lại vừa nực cười: chúng khẳng định cái “tự nhiên” mà chúng không có dũng cảm tôn vinh đến tận cùng: chúng không “thành thật”.
Một ký hiệu khác của phim Jules César là tất cả các khuôn mặt lúc nào cũng mướt mồ hôi: dân chúng, lính tráng, những kẻ mưu phản, các nét mặt khắc khổ và nhăn nhúm của cả bọn ấy đều nhễ nhại (bôi vazơlin). Và các cận cảnh xuất hiện thường xuyên đến nỗi mồ hôi ở đây rõ ràng là một biểu hiện có dụng ý. Như riềm tóc La Mã hay bím tóc ban đêm, mồ hôi cũng là một ký hiệu. Ký hiệu của cái gì? của tính đạo đức. Ai nấy đổ mồ hôi bởi vì ai nấy đấu tranh một cái gì đó trong bản thân mình: tại đây chúng ta coi như đang ở nơi có vấn đề đạo đức băn khoăn day dứt một cách khủng khiếp, nghĩa là đang ở chính nơi diễn ra bi kịch, và mồ hôi phụ trách thể hiện điều đó: dân chúng bị choáng váng bởi cái chết của César, rồi lại bởi những lý lẽ của Marc-Antoine, dân chúng toát mồ hôi, phối hợp gói gọn chỉ trong một ký hiệu ấy sự xúc động ghê gớm và thân phận hèn mọn của họ. Và những con người đức hạnh, Brutus, Cassius, Casca cũng không ngừng vã mồ hôi, điều đó chứng tỏ đạo đức sắp đẻ ra một vụ sát nhân đang khiến ruột gan họ đắn đo day dứt vô cùng. Vã mồ hôi, là suy nghĩ (điều này rõ ràng dựa trên một định đề: suy nghĩ là một thao tác mãnh liệt, đại biến động, mà mồ hôi là ký hiệu tối thiểu). Trong cả bộ phim, chỉ có một người không đổ mồ hôi, vẫn nhẵn nhụi, mềm mại, khô ráo: đó là César. Rõ ràng César, đối tượng của vụ mưu sát, không đổ mồ hôi, bởi vì ông ta không biết, ông ta không suy nghĩ, ông ta phải giữ cái chất tinh ròng, đơn độc và và nhẵn bóng của một tang chứng.
Ngay ở đây nữa, ký hiệu cũng mập mờ: nó dừng lại ở bề mặt nhưng không vì thế mà khước từ đào sâu; nó muốn khơi gợi cho người ta hiểu (đó là ưu điểm), nhưng đồng thời lại làm như không cố tình (đó là mánh khoé), nó đồng thời vừa tỏ ra là có dụng ý vừa tỏ ra là không kìm nén được, vừa là giả tạo vừa là tự nhiên, vừa là làm ra vừa là bắt được. Điều này có thể dẫn chúng ta đến đạo lý ký hiệu. Ký hiệu dường như chỉ có thể xuất hiện dưới hai dạng cực đoan: hoặc là mang tính chất trí tuệ công khai, do gián cách nên rút gọn thành một phương trình đại số, như trên sân khấu Trung Hoa, ở đó một lá cờ biểu đạt cả một chế độ; hoặc là có vẻ biến hoá mỗi lúc một khác ăn sâu bám rễ, cho ta thấy một diện mạo nội tại và sâu kín, tín hiệu của một thời điểm chứ không phải một khái niệm (chẳng hạn đấy là nghệ thuật của Stanislavski*). Nhưng ký hiệu trung gian (riềm tóc thể hiện tính chất La Mã hoặc toát mồ hôi thể hiện tư duy) chứng tỏ một sân khấu thoái hoá, sợ tính chân thật hồn nhiên cũng như sợ cái giả tạo hoàn toàn. Bởi vì nếu sân khấu phải làm thế nào để cho cõi đời được sáng tỏ hơn, thì việc đồng nhất ký hiệu với cái được biểu đạt là sự tráo trở tội lỗi. Và đó là sự tráo trở đặc trưng của sân khấu tư sản: giữa ký hiệu có tính trí tuệ và ký hiệu nội tại, nghệ thuật ấy bố trí một cách đạo đức giả loại ký hiệu lai tạp, vừa ẩn dụ, vừa khoa trương mà nó gọi bằng cái tên hoa mỹ là cái “tự nhiên”.