Những Huyền Thoại

Ngữ Pháp Phi Châu

Ngữ pháp Phi châu

TỪ VỰNG chính thức trong các giao dịch Phi châu hình như thuần tuý thuộc dạng tiên quyết. Như vậy nghĩa là nó chẳng có giá trị giao tiếp nào hết, mà chỉ là giá trị hăm doạ. Vậy là nó cấu thành một lối viết, nghĩa là một thứ ngôn ngữ có trách nhiệm tiến hành trùng khớp các chuẩn mực với các sự việc, và bảo lãnh thực tế vô liêm sỉ bằng một đạo lý cao thượng. Một cách khái quát, đó là thứ ngôn ngữ về căn bản vận hành như một mã, nghĩa là trong đó các từ ngữ chẳng có tương quan gì hoặc ngược hẳn lại với nội dung của chúng. Đó là lối viết người ta có thể gọi là mỹ phẩm vì nó nhằm che lấp các sự việc bằng thứ ngôn ngữ ồn ào, hoặc cũng có thể nói là bằng ký hiệu hợm hĩnh của ngôn ngữ. Tôi muốn chỉ ra vắn tắt ở đây cách thức mà từ vựng và ngữ pháp có thể được huy động về mặt chính trị.

Bọn (ngoài vòng pháp luật, phản nghịch hoặc tù tội). – Đây chính là ví dụ về một thứ ngôn ngữ tiên quyết. Tính chất miệt thị của từ ngữ ở đây dùng để phủ nhận dứt khoát tình trạng chiến tranh, và thế là khái niệm người đối thoại bị huỷ bỏ. “Người ta không thảo luận với những kẻ ngoài vòng pháp luật.” Ngôn ngữ đạo đức hoá như vậy cho phép gửi trả vấn đề hoà bình cho việc thay đổi từ ngữ một cách tuỳ tiện.

Khi “bọn” là bọn Pháp, người ta tôn nó lên với tên gọi là cộng đồng.

Cuộc xâu xé (dữ dội, đau đớn). – Thuật ngữ này giúp để thừa nhận ý niệm về sự vô trách nhiệm của Lịch sử. Tình trạng chiến tranh ở đây được giấu biến đi dưới trang phục cao thượng của tấn bi kịch, như thể cuộc xung đột về căn bản là cái ác, chứ không phải là một điều ác (có thể sửa chữa được). Chế độ thực dân bay hơi đi, nhoà vào cái quầng của lời than vãn bất lực thừa nhận nỗi bất hạnh để trụ lại tốt hơn.

Cú pháp: “Chính phủ Cộng hoà nhất quyết làm mọi nỗ lực trong khả năng của mình để chấm dứt những cuộc xâu xé dữ dội đang gây khổ đau cho Marôc.” (Thư của ông Coty* gửi Ben Arafa*.)

“… nhân dân Marôc bị chia rẽ một cách đau đớn chống lại chính mình…” (Tuyên bố của Ben Arafa.)

Làm mất danh dự. – Ta biết rằng trong dân tộc học, chí ít theo giả thuyết hết sức phong phú của Claude Lévi-Strauss, cái mana là một loại biểu tượng đại số (gần gần như cái kia hoặc cái ấy ở ta), nhằm biểu thị “một giá trị không xác định về ý nghĩa, bản thân nó không có nghĩa gì, và do vậy có thể tiếp nhận bất kỳ nghĩa nào, mà chức năng duy nhất của nó là lấp đầy khoảng cách giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt.” Danh dự, đó đúng là cái mana của chúng ta, cái gì đó như một chỗ trống rỗng người ta đem đặt vào đấy cả một tập hợp những nghĩa không dám nói ra, và người ta biến nó thành thiêng liêng như một điều cấm kỵ. Danh dự lúc đó đúng là từ ngữ tương đương cao quý, nghĩa là kỳ ảo, với cái ấy hoặc cái kia.

Cú pháp: “Sẽ là làm mất danh dự dân chúng Hồi giáo nếu cho rằng những con người ấy có thể được xem như các đại diện của họ ở Pháp. Đó cũng sẽ là làm mất danh dự nước Pháp.” (Thông cáo của Bộ Nội vụ.)

Số phận. – Chính khi Lịch sử một lần nữa chứng tỏ tự do của mình và các dân tộc bị đô hộ bắt đầu bác bỏ thân phận tai ương của họ, là lúc ngôn ngữ tư sản rất hay dùng từ số phận. Cũng như danh dự, số phận là một mana nơi người ta kín đáo tập hợp những quyết định độc địa nhất của chế độ thực dân. Số phận, đối với giai cấp tư sản, là cái ấy hoặc cái kia của Lịch sử.

Tất nhiên, số phận chỉ tồn tại dưới dạng gắn kết. Không phải cuộc chinh phục quân sự đã bắt Angiêri phải phục tùng nước Pháp, mà là một sự kết nối do Tạo hoá tiến hành đã gắn bó hai số phận với nhau. Mối liên kết được tuyên bố là không thể chia lìa ngay trong thời điểm nó tan rã với tiếng vang không thể nào che giấu được.

Cú pháp: “Còn chúng tôi, chúng tôi muốn đem đến cho các dân tộc mà số phận gắn kết với số phận chúng tôi, một nền độc lập thật sự trong mối liên hợp tự nguyện.” (Ông Pinay* nói ở Liên Hợp Quốc).

Thượng đế. – Hình thái thăng hoa của chính phủ Pháp.

Cú pháp: “… Khi Đấng Tối-Cao đã chỉ định chúng ta thi hành trọng trách cao siêu…” (Tuyên bố của Ben Arafa.)

“… Với sự hy sinh và phẩm cách cao cả mà Hoàng thượng luôn nêu gương…, Hoàng thượng vậy là muốn tuân theo ý chí của Đấng Tối-Cao .” (Thư của ông Coty gửi Ben Arafa, bị chính phủ bãi miễn).

Chiến tranh. – Mục đích là để phủ nhận sự việc. Có hai cách để làm được điều đó: hoặc là nhắc đến nó càng ít càng tốt (biện pháp thường xuyên được sử dụng); hoặc là cho nó cái nghĩa trái ngược hẳn với nó (biện pháp quỷ quyệt hơn, và là nền tảng của hầu hết những huyễn hoặc của ngôn ngữ tư sản). Chiến tranh lúc đó được dùng theo nghĩa hoà bìnhthiết lập hoà bình được dùng theo nghĩa chiến tranh.

Cú pháp: “Chiến tranh không cản trở những biện pháp thiết lập hoà bình.” (Tướng De Monsabert*). Xin hiểu cho rằng hoà bình (chính thức) may mắn là không cản trở chiến tranh (thật sự).

Sứ mệnh. – Đây là từ ngữ mana thứ ba. Người ta muốn đặt vào đấy bất cứ gì cũng được: các trường học, điện, Coca-Cola, các vụ lục soát của cảnh sát, các cuộc càn quét, các án tử hình, các trại tập trung, sự tự do, nền văn minh và sự “hiện diện” của Pháp.

Cú pháp: “Dầu sao các ngài biết rằng nước Pháp, ở châu Phi, có một sứ mệnh mà chỉ nước Pháp có thể hoàn thành được mà thôi.” (Ông Pinay nói ở Liên Hợp Quốc).

Chính trị. – Chính trị được quy định cho một lĩnh vực hạn hẹp. Một bên là nước Pháp còn bên kia là chính trị. Các vụ việc ở Bắc Phi, khi liên quan đến nước Pháp thì không thuộc lĩnh vực chính trị. Khi các sự việc trở nên trầm trọng, chúng ta hãy làm ra vẻ rời bỏ Chính trị để đứng về phía Quốc gia. Với những người thuộc cánh hữu, Chính trị, đó là cánh Tả: còn họ là nước Pháp.

Cú pháp. – “Muốn bảo vệ cộng đồng người Pháp và những phẩm chất của nước Pháp, đó không phải là làm chính trị.” (Tướng Tricon-Dunois*).

Trong một nghĩa trái ngược hẳn lại và đi kèm với từ lương tâm (chính trị của lương tâm), từ chính trị được hiểu trẹo đi; lúc đó nó có nghĩa là cảm quan thực tiễn về những hiện thực tâm linh, là thiên về sắc thái cho phép một tín đồ công giáo bình tâm ra đi “đem lại hoà bình” cho châu Phi.

Cú pháp. – “… Từ chối ngay từ đầu phục vụ trong một đạo quân sang châu Phi để được yên tâm là không rơi vào một hoàn cảnh tương tự (phản kháng một trật tự vô nhân đạo), thứ chủ nghĩa Tolstoi trừu tượng ấy không đồng nhất với chính trị của lương tâm, bởi vì nó chẳng là chính trị một chút nào cả.” (Xã luận của tu sĩ dòng Dominique trên tờ Cuộc sống tinh thần*).

Dân chúng. – Đó là một từ mà ngôn ngữ tư sản ưu ái. Nó dùng làm thuốc giải độc cho từ các giai cấp, dữ dội quá, và hơn nữa “không có thực tế”. Dân chúng lãnh trách nhiệm phi chính trị hoá số đông các nhóm và các thiểu số, bằng cách đẩy các cá nhân vào một tập hợp không rõ nét, thụ động, chỉ có quyền bước vào thánh đường tư sản với tầm của một hiện hữu vô thức về mặt chính trị (Như những kẻ sử dụng bãi công và những người của đường phố). Thuật ngữ nói chung được nâng cao phẩm giá khi dùng ở số nhiều: các dân chúng Hồi giáo, điều này vẫn cứ gợi lên sự khác biệt về trình độ trưởng thành giữa đơn vị chính quốc và số đông các kẻ bị đô hộ, nước Pháp tập hợp bên dưới mình những gì về bản chất là linh tinh và đông đảo.

Khi cần thiết phải có một phán xét chê bai (chiến tranh đôi khi cũng buộc phải có những biện pháp nghiêm khắc ấy), người ta sẵn lòng phân chia dân chúng ra thành những thành phần. Các thành phần nói chung là những kẻ cuồng tín hoặc bị thao túng (Bởi vì, đúng thế không? Chỉ có cuồng tín hoặc vô thức mới có thể xúi bẩy muốn thoát ra ngoài cương vị kẻ bị đô hộ.)

Cú pháp: “Những thành phần dân chúng có thể đi theo bọn phản nghịch trong một số hoàn cảnh…” (Thông cáo của bộ Nội vụ.)

Xã hội. – Từ xã hội thường đi đôi với từ kinh tế. Cặp đôi ấy vận hành thống nhất như một cái cớ, nghĩa là nó luôn thông báo hoặc biện bạch cho những hoạt động trấn áp, đến mức người ta có thể nói rằng nó biểu thị các hoạt động trấn áp ấy. Mặt xã hội, chủ yếu đó là các trường học (sứ mệnh khai hoá của nước Pháp, việc giáo dục các dân tộc hải ngoại, để họ dần dần được trưởng thành); mặt kinh tế, đó là các lợi ích, luôn luôn rành mạchcó đi có lại, các lợi ích ấy gắn bó bền chặt châu Phi với mẫu quốc. Các thuật ngữ tiến bộ ấy, khi bị rút hết ruột một cách thích hợp, có thể vận hành vô tội vạ như những lời phù phép vuốt đuôi hoa mỹ.

Cú pháp: “Lĩnh vực xã hội và kinh tế, những thiết bị xã hội và kinh tế.”

••••

Các thể từ* được sử dụng nhiều trong toàn bộ từ vựng mà người ta vừa nêu vài mẫu ví dụ trên đây rõ ràng là gắn với việc chấp nhận rộng rãi những khái niệm cần thiết để che giấu thực tế. Mặc dầu phổ biến và dùng mãi đã quá nhàm lắm rồi, thứ ngôn ngữ sáo mòn ấy không tác động như nhau đến các động từ và các thể từ: nó huỷ hoại động từ và thổi phồng danh từ. Tình trạng gia tăng quá nhiều về tâm lý ở đây không ảnh hưởng đến các đối tượng cũng như các hành vi, mà luôn luôn ảnh hưởng đến các ý niệm, các “khái niệm” được tập hợp lại nhằm mục đích thông báo thì ít mà nhằm đáp ứng sự cần thiết của một mã cố định thì nhiều. Vậy là mã hoá và thể từ hoá ngôn ngữ quan phương diễn ra song hành với nhau, bởi vì huyền thoại về căn bản là thuộc danh từ, việc nêu danh là biện pháp đánh lạc hướng đầu tiên.

Động từ thì chịu sự né tránh lạ lùng: nếu là động từ chính, ta thấy nó bị rút về trạng thái hệ từ* đơn giản, nhằm nêu lên một cách đơn giản sự tồn tại hoặc tính chất của huyền thoại (Ông Pinay phát biểu ở Liên Hợp Quốc: có lẽ chỉ có sự hoà hoãn hão huyền…, có lẽ không thể quan niệm nổi… Một nền độc lập trên danh nghĩa liệu sẽ ra sao?… v.v.). Động từ chỉ có nghĩa đầy đủ một cách chật vật ở bình diện của tương lai, của khả năng hoặc của ý định, trong một chốn xa xăm nơi huyền thoại bớt nguy cơ bị phủ định. (Một chính phủ Marôc sẽ được thành lập…, sẽ được kêu gọi thương lượng những cải cách…; sự nỗ lực của chính phủ Pháp nhằm tiến tới xây dựng một mối liên kết tự do…, v.v.).

Thể từ khi xuất trình thường luôn luôn đòi hỏi điều mà hai nhà ngữ pháp học ưu tú Damourette và Pichon, vừa nghiêm ngặt vừa hóm hỉnh khi sử dụng thuật ngữ, gọi là: cái điều hiển nhiên, ý muốn nói rằng thực thể của danh từ luôn luôn có vẻ như chúng ta đã biết rồi. Chúng ta thế là đã đi vào chính cốt lõi sự hình thành của huyền thoại: đó chính vì sứ mệnh của nước Pháp, cuộc xâu xé của dân tộc Marôc hay số phận của Angiêri về mặt ngữ pháp được đưa ra như những định đề (tính chất ấy nói chung là do việc sử dụng mạo từ chỉ định* đem lại) mà chúng ta không thể dùng suy lý để bắt bẻ (sứ mệnh của nước Pháp: mà này, đừng có nói thêm nữa, các vị biết đấy…). Điều hiển nhiên là dạng thức đầu tiên của việc xác định tính chất.

Tôi đã chỉ rõ sự cường điệu rất vô vị, của vài số nhiều (các dân chúng). Cần phải nói thêm rằng sự cường điệu ấy đề cao hoặc hạ thấp tuỳ theo các mục đích: các dân chúng, điều đó gợi lên cảm giác sảng khoái về số đông bị khuất phục một cách hoà bình; nhưng khi người ta nói về các chủ nghĩa dân tộc sơ đẳng, số nhiều nhằm hạ thấp hơn nữa, nếu có thể, khái niệm chủ nghĩa dân tộc (thù địch) bằng cách thu nó lại chỉ là một tập hợp những đơn vị có quy mô ít ỏi. Đó là điều mà hai nhà ngữ pháp của chúng ta, những chuyên gia chưa hoàn bị về những vấn đề châu Phi, còn tiên đoán khi phân biệt số nhiều cả khối và số nhiều đếm được: trong trường hợp thứ nhất, số nhiều gợi lên ý nghĩ về cả khối, trong trường hợp thứ hai, nó bóng gió đến sự chia tách. Như vậy là ngữ pháp đổi hướng huyền thoại: nó giao phó những nhiệm vụ tinh thần khác nhau cho các số nhiều của nó.

Tính từ (hoặc trạng từ) cũng thường có vai trò nhập nhằng kỳ lạ: dường như nó bắt nguồn từ mối lo ngại, từ cảm giác cho rằng các thể từ người ta sử dụng, mặc dầu tính chất hiển nhiên của chúng, vẫn sáo mòn mà người ta không thể hoàn toàn che giấu đi được; do đó cần thiết phải đem lại sức sống cho chúng: nền độc lập trở thành thật sự, các khát vọng xác thực, các số phận gắn bó không thể chia lìa. Tính từ ở đây nhằm phục hồi danh từ khỏi những thất vọng đã qua, và giới thiệu danh từ trong trạng thái mới, trong trắng, đáng tin. Cũng như với các động từ đầy đặn*, tính từ trao cho diễn ngôn một giá trị tương lai. Quá khứ và hiện tại là việc của các hệ từ, của các khái niệm lớn mà ý niệm chẳng cần phải có chứng cứ (Sứ mệnh, Nền độc lập, Tình hữu nghị, Sự hợp tác, v.v.); còn hành động và định ngữ*, muốn không bác bỏ được, thì phải núp sau dạng thức phi thực tại nào đó: mục đích, hứa hẹn hoặc đề nghị.

Tiếc thay, những tính từ đem lại sức sống ấy khi sử dụng cũng nhanh chóng sáo mòn ngay, đến nỗi rốt cuộc chính việc phục hồi huyền hoại bằng tính từ lại chỉ rõ chắc chắn nhất tình trạng nống lên quá đáng của nó. Chỉ cần đọc thật sự, xác thực, không thể chia lìa hoặc nhất trí là đủ đánh hơi thấy ngay lối nói khoa trương trống rỗng. Chính vì thực ra, những tính từ ấy, mà người ta có lẽ gọi được là các tính từ bản chất, vì chúng triển khai, dưới dạng hình thái, cái thực chất của danh từ mà chúng đi kèm, các tính từ ấy chẳng thể thay đổi được gì hết: nền độc lập không thể là cái gì khác hơn độc lập, tình hữu nghị không thể là cái gì khác hơn hữu nghị và sự hợp tác không thể là cái gì khác hơn nhất trí. Do nỗ lực nhưng chẳng ăn thua gì, các tính từ dở òm đó đến đây để biểu thị tình trạng sức khoẻ kiệt quệ của ngôn ngữ. Lối khoa trương quan phương dù có lấy bao nhiêu chăn mền đắp lên thực tại, cũng sẽ có lúc các danh từ cưỡng lại và buộc nó phải để lộ ra dưới lớp huyền thoại hoặc sự dối trá hoặc sự thật: nền độc lập có thật hay không có thật, và tất cả những tính từ hoa mỹ gia công cố sức đem đến cho cái hư vô những tính chất của thực thể lại chính là chữ ký thừa nhận phạm tội.