Những Huyền Thoại

Hình Thức Và Khái Niệm

Hình thức và khái niệm

CÁI biểu đạt của huyền thoại xuất hiện một cách mập mờ: nó đồng thời vừa là nghĩa vừa là hình thức, phía này thì đầy ắp, phía kia thì trống rỗng. Với tư cách là nghĩa, cái biểu đạt đã đề ra trước một cách đọc, tôi nắm bắt được nó bằng mắt, nó có thực tế qua giác quan (trái với cái biểu đạt bằng ngôn ngữ, nó thuần tuý thuộc lĩnh vực tâm lý), nó có sự phong phú: việc xưng danh của con sư tử, anh da đen giơ tay chào kiểu nhà binh là những tập hợp chấp nhận được, chúng có tính hợp lý đầy đủ; với tư cách là tổng các ký hiệu ngôn ngữ, nghĩa của huyền thoại có giá trị đặc thù, nó thuộc về một câu chuyện, câu chuyện con sư tử hoặc câu chuyện anh da đen: trong nghĩa, một sự biểu đạt cũng đã được xây dựng, sự biểu đạt ấy rất có thể tự nó là đầy đủ, nếu huyền thoại không nắm bắt lấy nó, và không đột nhiên biến nó thành một hình thức trống rỗng, ký sinh. Nghĩa đã trọn vẹn, nó nêu dứt khoát một tri thức, một quá khứ, một ký ức, một lĩnh vực so sánh các sự kiện, các ý niệm, các quyết định.

Khi trở thành hình thức, nghĩa gạt bỏ tính ngẫu nhiên của nó; nó trở thành trống rỗng, nó nghèo đi, câu chuyện bay hơi, chỉ còn lại con chữ. Ở đây có sự hoán vị các thao tác đọc một cách ngược đời, một sự triệt thoái từ nghĩa xuống hình thức, từ ký hiệu ngôn ngừ xuống cái biểu đạt huyền thoại. Nếu ta thu mệnh đề quia ego nominor leo vào khuôn khổ hệ thống ngôn ngữ thuần tuý, nó lại tìm thấy ở đấy trạng thái đầy ắp, sự phong phú, một câu chuyện: tôi là một con vật, một con sư tử, tôi sống ở xứ này xứ kia, tôi vừa đi săn về, xem chừng người ta muốn tôi chia sẻ con mồi của tôi với chị bò non, với mụ bò nái và với ả dê con; nhưng tôi khoẻ hơn cả, nên tôi chiếm hết phần cho tôi vì những lý do khác nhau, mà lý do cuối cùng đơn giản chỉ vì tôi tên là sư tử. Nhưng với tư cách là hình thức của huyền thoại, mệnh đề trên hầu như chẳng còn chứa đựng chút nào câu chuyện dài ấy. Nghĩa chứa đựng cả một hệ thống các giá trị: lịch sử, địa lý, đạo lý, động vật học, văn học. Hình thức đã gạt bỏ tất cả sự phong phú kia; tình trạng trở lại nghèo nàn của nó đòi hỏi sự biểu đạt để chứa đầy vào đấy. Cần phải giãn xa câu chuyện về con sư tử để nhường chỗ cho thí dụ về ngữ pháp, cần phải đặt trong ngoặc đơn tiểu sử của anh da đen, nếu người ta muốn giải phóng hình ảnh, để nó sẵn sàng tiếp nhận cái được biểu đạt của nó.

Nhưng điểm chủ chốt ở đây là hình thức không loại bỏ nghĩa, mà chỉ làm nghèo nghĩa đi, đẩy xa nghĩa ra, hình thức nắm lấy nghĩa để sử dụng theo cách của mình. Người ta tưởng rằng nghĩa chết đến nơi, nhưng đó là cái chết trì hoãn: nghĩa mất đi giá trị của nó, nhưng vẫn sống, và hình thức của huyền thoại sẽ nhờ vào đó mà tự nuôi dưỡng. Nghĩa đối với hình thức sẽ giống như việc dự trữ chốc lát câu chuyện, như sự phong phú bị chế ngự, có thể luân phiên nhanh chóng gọi ra hoặc gạt đi: điều cần thiết là hình thức phải không ngừng có thể bắt rễ lại trong nghĩa và tìm nguồn sống ở đó: nhất là cần thiết nó có thể ẩn náu trong nghĩa. Chính cái trò chơi ú tim thú vị ấy giữa nghĩa và hình thức xác định huyền thoại. Hình thức của huyền thoại không phải là một biểu tượng: anh da đen chào cờ không phải là biểu tượng của Đế quốc Pháp, anh ta hiện diện rõ quá nên không thể là thế được, anh ta làm cho mọi người tưởng rằng mình là một hình ảnh phong phú, trải nghiệm, tự phát, hồn nhiên, không cãi vào đâu được. Nhưng đồng thời sự hiện diện ấy lại bị chế ngự, bị gạt xa ra, trở thành trong suốt, nó lùi lại một chút, nó tiếp tay cho một khái niệm trang bị đầy đủ ập đến, đó là tính chất đế quốc Pháp: nó trở thành thứ được vay mượn.

Bây giờ chúng ta xem xét đến cái được biểu đạt: câu chuyện diễn ra ở ngoài hình thức, đó là khái niệm nó sẽ hấp thu hết hình thức kia. Khái niệm, bản thân nó, được xác định: nó đồng thời vừa có tính lịch sử, vừa có ý định; nó là động cơ khiến cho huyền thoại phát ra. Tính chất thí dụ về ngữ pháp, tính chất đế quốc Pháp chính là xung năng của huyền thoại. Khái niệm khôi phục lại một chuỗi những nhân và quả, những động cơ và ý định. Trái ngược với hình thức, khái niệm chẳng hề trừu tượng chút nào: nó đầy ắp một tình huống. Qua khái niệm là cả một câu chuyện mới được cấy vào huyền thoại: trong việc xưng danh của con sư tử, trước đó đã được rút hết nội dung ngẫu nhiên, thí dụ về ngữ pháp sẽ gợi lại cả cuộc sống của tôi: đó là Thời gian để tôi sinh ra vào thời kỳ ngữ pháp La-tinh được giảng dạy; đó là Lịch sử, do những hoàn cảnh xã hội éo le khác nhau khiến tôi không giống với những đứa trẻ khác chúng chẳng học tiếng La-tinh; đó là truyền thống giáo dục khiến người ta chọn thí dụ ấy trong ésope hoặc trong Phèdre; đó là những thói quen ngôn ngữ học của bản thân tôi nhìn thấy ở sự tương hợp của thuộc ngữ một sự kiện đáng chú ý, đáng được minh hoạ. Đối với anh da đen chào cờ cũng thế: với tư cách là hình thức, nghĩa trong đó chẳng đáng kể, bị tách ra, bị nghèo đi; với tư cách là khái niệm về tính chất đế quốc Pháp, nó lập tức lại được nối kết với toàn bộ thế giới: với Lịch sử đại cương nước Pháp, với những cuộc phiêu lưu thuộc địa của nó, với những khó khăn của nó hiện nay. Nói đúng ra, lồng vào trong khái niệm là một nhận thức nào đó về thực tại hơn là thực tại bản thân nó; khi chuyển từ nghĩa sang hình thức, hình ảnh mất đi tri thức: đó là để tiếp nhận tốt hơn tri thức của khái niệm. Thực vậy, tri thức chứa đựng trong khái niệm mang tính huyền thoại là một tri thức lờ mờ không rõ được tạo thành bởi những liên tưởng xa xôi, không giới hạn. Cần thiết phải nhấn mạnh vào tính chất mở ấy của khái niệm; đó tuyệt nhiên không phải là một bản chất trừu tượng, được thanh lọc mà là sự đúc kết không thành hình dạng nhất định, không bền vững, mông lung; tính thống nhất, sự gắn kết của nó chủ yếu là ở chức năng.

Theo nghĩa đó, ta có thể nói rằng đặc điểm cơ bản của khái niệm trong huyền thoại là nó phù hợp: thí dụ về ngữ pháp liên quan hết sức đích xác đến một lớp học sinh nhất định, tính chất đế quốc Pháp phải đụng chạm đến nhóm độc giả này chứ không phải nhóm độc giả kia: khái niệm đáp ứng nghiêm ngặt một chức năng, nó được xác định như một khuynh hướng. Đến đây không thể không nhắc lại cái được biểu đạt trong một hệ thống ký hiệu khác là chủ nghĩa Freud: theo Freud, vế thứ hai của hệ thống là nghĩa tiềm ẩn (nội dung) của giấc mơ, của hành động lỡ dở, của chứng loạn thần kinh. Vả chăng Freud lưu ý rõ rằng nghĩa thứ hai của hành vi là nghĩa thích đáng, tức là phù hợp với một tình huống trọn vẹn, sâu xa; giống hệt như khái niệm trong huyền thoại, nó chính là ý định của hành vi.

Một cái được biểu đạt có thể có nhiều cái biểu đạt: đặc biệt là đối với trường hợp cái được biểu đạt trong ngôn ngữ và cái được biểu đạt trong phân tâm học. Đó cũng là trường hợp của khái niệm trong huyền thoại: nó tha hồ sử dụng vô số những cái biểu đạt: tôi có thể tìm thấy cả ngàn câu tiếng La-tinh cho thấy sự tương hợp của thuộc từ, tôi có thể tìm thấy cả ngàn hình ảnh biểu đạt với tôi tính chất đế quốc Pháp. Điều này muốn nói lên rằng về mặt số lượng, khái niệm nghèo hơn cái biểu đạt nhiều lắm, nó thường chỉ xuất hiện trở đi trở lại. Từ hình thức đến khái niệm, nghèo nàn và phong phú tỷ lệ nghịch với nhau. Tương ứng với cái nghèo nàn về chất của hình thức, nơi gửi gắm một nghĩa mờ nhạt, là sự phong phú của khái niệm mở ra toàn bộ Lịch sử; và tương ứng với sự dồi dào về lượng của các hình thức là một số ít những khái niệm. Tình trạng lặp đi lặp lại ấy của khái niệm qua những hình thức khác nhau rất quý giá đối với nhà huyền thoại học; nó cho phép giải mã huyền thoại: chính sự nhấn mạnh một hành vi cho ta biết ý định của hành vi. Điều này xác nhận rằng chẳng có mối tương quan đều đặn giữa khối lượng của cái được biểu đạt với khối lượng của cái biểu đạt: trong ngôn ngữ (langue) mối tương quan ấy là cân đối, nó chỉ vượt quá từ ngữ, hay ít ra là đơn vị cụ thể, chút ít mà thôi. Trái lại trong huyền thoại, khái niệm có thể vươn ra một khoảng biểu đạt rất rộng: chẳng hạn, cả một quyển sách sẽ là cái biểu đạt cho chỉ một khái niệm; và ngược lại, một hình thức nhỏ xíu (một từ ngữ, một cử chỉ, thậm chí cử chỉ thoáng qua, miễn là người ta nhận thấy) đều sẽ có thể dùng làm cái biểu đạt cho một khái niệm chứa căng phồng cả một câu chuyện hết sức phong phú. Mặc dầu không thường gặp trong ngôn ngữ, sự mất cân đối ấy giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt chẳng phải chỉ ở huyền thoại mới có: theo Freud, chẳng hạn, hành động lỡ dở là một cái biểu đạt hết sức mỏng manh chẳng tương xứng với cái nghĩa thực sự mà nó tiết lộ.

Như tôi đã nói, chẳng có tính cố định nào ở các khái niệm huyền thoại: chúng có thể hình thành, biến đổi, tan rã, biến mất hoàn toàn. Chính vì chúng có tính lịch sử, vì lịch sử có thể rất dễ dàng huỷ bỏ chúng đi. Tính chất thiếu bền vững ấy buộc nhà huyền thoại học sử dụng hệ thống thuật ngữ thích ứng, mà tôi muốn nói đôi lời ở đây, bởi lẽ nó thường là ngọn nguồn mỉa mai: đó là thuật ngữ mới. Khái niệm là một yếu tố cấu thành của huyền thoại: nếu tôi muốn giải mã các huyền thoại, đương nhiên tôi cần phải gọi tên các khái niệm. Từ điển đã cung cấp cho tôi một số: Nhân từ, Bác ái, Sức khoẻ, Tình người, v.v. Nhưng theo định nghĩa, vì từ điển cho tôi những khái niệm ấy nên chúng không có tính lịch sử. Vả chăng tôi thường cần đến hơn cả lại là những khái niệm phù du, gắn với các chuyện xảy ra vặt vãnh, có giới hạn: thuật ngữ mới ở đây là không tránh khỏi. Trung Hoa là một chuyện, ý niệm mà cách đây không lâu anh tiểu tư sản Pháp có thể hình dung về Trung Hoa lại là chuyện khác: để nói lên sự pha trộn đặc biệt của những quả chuông con, những chiếc xe kéo và các tiệm hút thuốc phiện, không có từ nào khả dĩ bằng từ tính chất Tàu. Chẳng tao nhã ư? Ít ra ta cũng phải tự an ủi mà thừa nhận rằng thuật ngữ mới liên quan đến khái niệm chẳng bao giờ là tuỳ tiện: nó được xây dựng trên một quy tắc tương xứng hết sức hợp lẽ*.