HUYỀN THOẠI tu sĩ Pierre có được con chủ bài quý giá: cái đầu của tu sĩ. Đó là một cái đầu đẹp, thể hiện rõ rệt tất cả những ký hiệu của chức tông đồ: con mắt nhìn hiền hậu, tóc cắt kiểu thầy tu dòng thánh François, bộ râu nhà truyền giáo, tất cả những thứ đó được bổ sung thêm chiếc áo lót lông thú của vị linh mục – thợ thuyền và cây gậy của khách hành hương. Vậy là được quy tụ những ý nghĩa sâu xa của truyền thuyết và những ý nghĩa sâu xa của tính hiện đại.
Kiểu tóc, chẳng hạn, cắt ngắn nửa vời, không trau chuốt và nhất là không ra hình dạng nào, chắc chắn là có ý định muốn thực hiện một kiểu để tóc hoàn toàn chẳng rõ về nghệ thuật và cũng chẳng rõ về kỹ thuật, một kiểu tóc ở trạng thái số không; tất nhiên là phải cắt tóc rồi, nhưng thao tác cần thiết ấy ít ra cũng chẳng nói lên bất cứ lối sống đặc biệt nào: phải cắt tóc, nhưng chẳng nhất thiết phải cắt ra làm sao. Kiểu tóc của tu sĩ Pierre, rõ ràng muốn nhằm đạt được sự cân bằng trung tính giữa mái tóc ngắn (quy ước cần thiết để đừng làm cho mọi người chú ý) và mái tóc cẩu thả (trạng thái thích hợp để biểu lộ sự khinh bỉ các quy ước khác), kiểu tóc ấy chính là kiểu lý tưởng của tính chất thánh: ông thánh trước hết là một thực thể không liên quan đến hình thức; ý niệm kiểu dáng xung khắc với ý niệm tính chất thánh.
Nhưng cái rắc rối – mà tu sĩ không biết, cũng mong như vậy – chính là ở đây cũng như ở những chỗ khác, sự trung tính rốt cuộc lại vận hành như ký hiệu của sự trung tính, và nếu người ta thực sự không muốn ai để ý tới, tất cả sẽ phải bắt đầu lại. Kiểu tóc số không bản thân nó lại chỉ nói lên dòng tu thánh François; thoạt đầu nhằm mục đích phủ định để không làm trái với vẻ bề ngoài của tính chất thánh, chẳng mấy chốc kiểu tóc ấy lại trở thành một phương thức biểu đạt cao độ, nó cải trang tu sĩ thành thánh François. Do đó mà xuất hiện đầy rẫy những tranh ảnh mang kiểu tóc ấy trong các hoạ báo và trên màn ảnh (ở đây diễn viên Reybaz chỉ cần mang kiểu tóc ấy là đã thành tu sĩ hẳn hoi).
Vẫn chu trình huyền thoại ấy với bộ râu: bộ râu chắc có thể chỉ là biểu hiện của một con người tự do, thoát ra khỏi mọi ước lệ đời thường của thế giới chúng ta và không muốn mất thời giờ vào việc cạo râu: sức mê hoặc của lòng nhân ái xem ra có thể dẫn đến những loại coi thường như thế; nhưng cũng phải ghi nhận rằng bộ râu thầy tu cũng có huyền thoại nho nhỏ của nó. Trong giới linh mục, không phải tình cờ ai cũng rậm râu; bộ râu ở đây đặc biệt là dấu tích của nhà truyền giáo hoặc tu sĩ dòng thánh François, nó chỉ có thể biểu đạt chức tông đồ và sự nghèo khổ; nó ít nhiều tách chủ nhân bộ râu ấy ra khỏi giới tăng lữ thế tục; các linh mục không để râu được xem là thế tục hơn, các linh mục có bộ râu gắn bó với giáo lý hơn: cha Frolo khủng khiếp thì râu cạo nhẵn nhụi, đức Cha nhân từ Foucauld thì râu xồm; đằng sau bộ râu, người ta phụ thuộc ít hơn một chút vào đức giám mục của mình, vào tôn ti thứ bậc, vào Giáo hội chính trị; người ta dường như tự do hơn, ngoài khuôn phép hơn, nói tóm lại là sơ khai hơn, nhờ thừa hưởng được uy tín của những nhà ẩn sĩ đầu tiên, có được cái tự do mộc mạc của các nhà sáng lập chế độ tu hành, họ là những người được ký thác tinh thần không câu nệ: để râu, đó là thám hiểm xứ Zone, xứ Britonnie hoặc xứ Nyassaland* với cùng một nhiệt tình như nhau.
Rõ ràng vấn đề không phải là tìm hiểu cái rừng ký hiệu kia đã có thể phủ lên tu sĩ Pierre ra sao (tuy rằng nói thật kể cũng khá lạ lùng các biểu hiện của đức độ ấy lại là những loại bộ phận có thể mang đi được, những thứ có thể trao đổi dễ dàng giữa thực tế là tu sĩ Pierre trong tạp chí Match, và hư cấu là tu sĩ Pierre trên màn ảnh, và tóm lại kể cũng khá lạ lùng ngay từ phút đầu tiên xuất hiện, chức tông đồ đã hoàn toàn sẵn sàng, hoàn toàn được trang bị cho cuộc hành trình lớn của những tái tạo và những truyền thuyết). Tôi chỉ băn khoăn về chuyện công chúng xài những ký hiệu ấy sao mà nhiều thế. Tôi thấy họ an tâm vì sự đồng nhất đầy ấn tượng giữa diện mạo và thiên chức; chẳng hoài nghi gì thiên chức bởi họ đã thấy diện mạo; họ chỉ nhìn nhận hành tung của chức tông đồ qua những thứ vặt vãnh, và quen với thái độ hết sức tin tưởng tuy trước mắt chỉ là những thứ bày biện của tính chất thánh; và tôi lo lắng về một xã hội tiêu xài ngấu nghiến đến thế cái bề ngoài phô trương của lòng nhân ái mà quên không thắc mắc về những hậu quả, những tác dụng và những hạn chế của nó. Thế là tôi tự hỏi phải chăng hình ảnh đẹp đẽ và cảm động của tu sĩ Pierre là cái cớ mà khá đông dân chúng nước ta một lần nữa vin vào để thay thế vô tội vạ các ký hiệu của lòng nhân ái cho thực tế của công lý.