NGƯỜI TA đã tổ chức tại Paris cuộc triển lãm ảnh lớn với mục đích chứng tỏ tính phổ biến của các hành vi loài người trong đời sống hàng ngày ở tất cả các xứ sở trên thế giới: sinh, tử, lao động, hiểu biết, trò chơi đều có những hành xử như nhau ở khắp mọi nơi; có một gia đình loài Người.
The Family of Man*, chí ít đấy là nhan đề gốc của cuộc triển lãm từ Hoa Kỳ đến với chúng ta. Pháp đã dịch là Đại Gia đình loài Người. Như vậy, nếu nhan đề ban đầu có thể hiểu là sự diễn tả thuộc lĩnh vực động vật, chỉ ghi nhận nét tương tự của các hành vi, tính thống nhất của một giống loài, thì nay đã được đạo đức hoá, tình cảm hoá một cách rộng rãi. Thế là chúng ta lập tức bị trả về với huyền thoại nhập nhằng “cộng đồng” nhân loại, nó là cái nuôi dưỡng cả một bộ phận chủ nghĩa nhân văn của chúng ta.
Huyền thoại ấy vận hành theo hai giai đoạn: thoạt đầu người ta khẳng định sự khác biệt của các hình thái nhân chủng, người ta đặc biệt chú ý đến tính chất xa lạ, người ta chỉ ra những biến thái vô cùng tận của giống loài với các màu da, các hộp sọ và các tập quán khác nhau, người ta vô căn cứ so sánh thế giới với hình ảnh tháp Babel. Rồi từ tính đa dạng ấy, người ta phù phép rút ra sự thống nhất: con người sinh ra, lao động và chết khắp nơi như nhau; và nếu trong các hành vi đó còn tồn tại vài đặc điểm nào đấy về bộ tộc, người ta chí ít lại cho rằng về căn bản các hành vi ấy đều có “bản chất tự nhiên” y hệt nhau, sự khác biệt của chúng chỉ là ở hình thức và không phủ nhận chúng đều bắt nguồn từ một gốc gác chung. Điều này hiển nhiên lại quay về chỗ tiên quyết khẳng định có một bản chất nhân loại, và thế là Thượng đế lại được đưa vào trong cuộc Triển lãm của chúng ta: tính đa dạng của loài người nói lên quyền lực, sự phong phú của Thượng đế; tính thống nhất trong các hành vi của họ chứng tỏ ý chí của Người. Điều đó tờ giới thiệu cuộc triển lãm nói lên với chúng ta qua ngòi bút của ông André Chamson khẳng định rằng “cái nhìn ấy hướng về thân phận con người xem ra hơi giống với cái nhìn nhân từ của Thượng đế hướng về cái tổ kiến nực cười và tuyệt vời của chúng ta”.
Ý định duy linh đó nổi bật thêm qua những lời dẫn kèm theo mỗi phần của Triển lãm: các lời dẫn ấy thường là những cách ngôn “nguyên thuỷ”, những tiết trong Kinh Cựu ước; tất cả đều nói lên trí năng vĩnh hằng, những khẳng định vượt ra khỏi Lịch sử: “Trái Đất là một bà mẹ chẳng bao giờ chết. Hãy ăn cơm ăn muối và nói lên sự thật, v.v.”; đó là sự ngự trị của những chân lý cách ngôn, là sự kết nối các thế hệ loài người, ở mức độ đồng nhất hết sức chung chung, khi sự thật hiển nhiên chỉ còn có giá trị trong ngôn ngữ thuần tuý “thơ ca”. Tất cả ở đây, nội dung và các ảnh chụp rất đẹp, các lời chú thích, đều nhằm loại bỏ sức nặng quyết định của Lịch sử: chúng ta bị níu giữ bởi nét giống hệt nhau trên bề mặt, bị chính tính đa cảm ngăn không cho đi sâu vào vùng phía sau của các hành vi nhân loại, nơi sự tha hoá lịch sử dẫn đến những “khác biệt” kia mà ở đây chúng ta sẽ gọi một cách hết sức đơn giản là các “bất công”.
Huyền thoại về “thân phận” con người ấy dựa trên sự huyễn hoặc từ xa xưa, nó luôn đặt Bản chất tự nhiên ở dưới đáy của Lịch sử. Mọi chủ nghĩa nhân văn cổ điển đều khẳng định rằng nếu cào một chút lớp bên ngoài của lịch sử nhân loại với tính tương đối của các chế thiết hoặc sự khác biệt bề mặt của các màu da (nhưng sao người ta lại không hỏi cha mẹ của Emmet Till, chàng thanh niên da đen bị những kẻ da trắng sát hại là họ nghĩ gì về cái đại gia đình loài người?), người ta sẽ rất nhanh chóng đi đến cội nguồn sâu xa của bản chất nhân loại phổ quát. Chủ nghĩa nhân văn tiến bộ, trái lại, phải luôn luôn nghĩ đến đảo ngược trật tự các quan hệ của sự bịp bợm từ rất xa xưa kia, không ngừng cạo sạch gỉ cho bản chất tự nhiên, cho những “quy luật” và những “hạn chế” của nó để phát lộ ở đấy Lịch sử và để cuối cùng thấy Bản chất tự nhiên chính nó cũng mang tính lịch sử.
Các thí dụ ư? Chính là những thí dụ trong cuộc triển lãm của chúng ta đấy thôi. Sinh ư? Tử ư? Vâng, đó là những sự kiện của bản chất tự nhiên, những sự kiện phổ quát. Nhưng nếu người ta tước bỏ Lịch sử của chúng đi, thì chẳng còn gì để nói về chúng nữa, việc bình luận trở nên thuần tuý trùng ngôn; theo tôi ảnh chụp ở đây thất bại rõ ràng quá: nói lại sinh, tử là sinh, tử chẳng thông báo được gì hết. Để cho những sự kiện tự nhiên ấy đến được với một ngôn ngữ thật sự, thì cần phải đưa chúng vào lĩnh vực của tri thức, nghĩa là tiên quyết khẳng định người ta có thể biến đổi chúng, bắt ngay cái tính chất tự nhiên của chúng phải chịu sự phê phán của chúng ta là những con người. Bởi vì dù muôn thuở thế nào đi nữa, thì chúng vẫn cứ là những dấu hiệu của văn bản lịch sử. Tất nhiên đứa trẻ vẫn luôn sinh ra, nhưng trong khối tổng thể của vấn đề nhân loại, “bản chất” của hành vi ấy có can hệ gì với chúng ta so với các phương thức tồn tại của đứa trẻ, các phương thức ấy lại hoàn toàn mang tính lịch sử? Đứa trẻ sinh ra có suôn sẻ hay không, có làm cho bà mẹ đau đớn không, nó có bị tử vong hay không, triển vọng tương lai của nó ra sao, điều đó các cuộc Triển lãm của chúng ta lẽ ra phải cho chúng ta biết, chứ không phải là bài ca trữ tình muôn thuở về sự sinh nở. Và với cái chết cũng thế: chúng ta thật sự có nên ngợi ca thêm một lần nữa bản chất của nó, để quên mất rằng chúng ta có thể làm bao nhiêu chuyện để chống lại cái chết? Chúng ta phải biểu dương quyền lực còn rất trẻ, còn quá trẻ ấy, chứ không phải là sự giống nhau y hệt vô bổ của cái chết “tự nhiên”.
Và nói gì về lao động mà cuộc Triển lãm đặt vào số những sự kiện lớn phổ quát, xếp nó ngang hàng với sinh và tử, như thể nó hết sức hiển nhiên thuộc cùng phạm trù tính tất yếu? Dù lao động là một hành vi từ xửa từ xưa thì nó vẫn cứ là một sự kiện hoàn toàn mang tính lịch sử. Trước hết, trong các phương thức lao động, động cơ lao động, mục đích lao động và lợi ích lao động, rõ ràng là sẽ chẳng bao giờ trung thực nếu đánh đồng thuần tuý về mặt hành vi người thợ thuộc địa và người thợ phương Tây (chúng ta hãy thử hỏi những người lao động Bắc Phi ở khu Goutte d’or* xem họ nghĩ gì về cái đại gia đình loài người). Thế rồi cả trong tính tất yếu của lao động nữa: chúng ta biết rằng lao động là “bản chất tự nhiên” chừng nào nó là “có lợi”, và khi thay đổi tính tất yếu của lợi ích, có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ thay đổi tính tất yếu của lao động. Chính lao động ấy, lao động hoàn toàn lịch sử hoá, có lẽ là điều cần phải cho chúng ta biết, chứ không phải là chất thẩm mỹ vĩnh hằng của những hành vi cần cù.
Vì vậy, tôi e rằng chứng minh cho thuyết rốt cuộc quy tất cả về nguồn gốc Adam chính là bảo lãnh cho tính bất di bất dịch của thế giới bằng một “trí năng” và một “chất trữ tình”, tôn những hành vi của con người lên thành bất tử chỉ là để bài bác hơn các hành vi ấy mà thôi.