TỪ dịp lễ Đăng quang, dân Pháp mỏi mòn theo dõi một tin tức thời sự quân chủ đổi mới, mà họ háo hức vô cùng; khoảng một trăm ông hoàng đi trên một con tàu du lịch Hy Lạp, con tàu Agamemnon, khiến công chúng khoái lắm. Lễ Đăng quang của Elisabeth* là đề tài gây xúc động, một đề tài tình cảm; chuyến du hành trên biển của Dòng máu xanh là câu chuyện có ý vị: các ông vua chơi giả làm dân thường, như trong một vở hài kịch của Flers* và Caillavet*; từ đó mà nảy sinh cả ngàn tình huống kỳ cục vì mâu thuẫn ngược đời, như kiểu Marie-Antoinette-giả-làm-cô-hàng-bán-sữa*. Truy tìm bệnh lý của trò chơi như thế thì nặng nề: bởi vì chơi trò mâu thuẫn ngược đời tức là giả định các vế của nó rất xa nhau: nói khác đi, những ông vua thuộc bản chất siêu nhiên, và khi các ngài tạm thời vay mượn một số hình thái của lối sống dân chủ, thì đó chỉ có thể là sự hoá thân trái với bản chất, thực hiện được chỉ có thể là do hạ cố mà thôi. Nêu lên chuyện các ông vua cũng có thể tầm thường, tức là thừa nhận việc đó chẳng bản chất gì hơn là dân chúng chơi giả thần thánh, tức là ghi nhận vua vẫn cứ là thế thiên hành đạo.
Vậy nên các cử chỉ vô thưởng vô phạt của cuộc sống đời thường lại trở thành táo tợn quá đỗi trên con tàu Agamemnon, như những trò phóng túng trái ngược với Bản chất: các ông vua mà lại tự mình cạo râu! Nét ấy đã được giới đại báo chí của chúng ta thuật lại như một hành vi kỳ cục không thể tưởng tượng nổi, dường như qua đó, các ông vua đồng ý vứt bỏ tất cả chất vương giả của các ngài, mà cũng chính là qua đó nói lên niềm tin của các ngài vào bản chất vương giả bất diệt ấy. Ông vua Paul mặc một chiếc áo sơ mi cộc tay, bà hoàng Frédérique mặc một chiếc áo dài in hoa, nghĩa là chẳng có gì đặc biệt cả, hình hoa lá ta có thể bắt gặp trên cơ thể của thường dân: ngày xưa các ông vua cải trang thành những gã mục đồng; ngày nay trong mười lăm hôm các ngài mặc đồ mua trong một hiệu Uniprix*, các ngài xem đấy cũng là một ký hiệu của cải trang. Thêm quy chế dân chủ khác: ngủ dậy lúc sáu giờ sáng. Tất cả điều này thông báo với chúng ta theo kiểu nói ngược là cuộc sống thường ngày cũng có tính lý tưởng nhất định: mang cổ tay áo, có đầy tớ hầu hạ cạo râu, ngủ dậy muộn. Bằng cách khước từ những đặc quyền ấy, các ông vua đẩy chúng vào vùng trời mơ mộng: sự hy sinh của các ngài – chỉ là tạm thời – gắn những ký hiệu của hạnh phúc đời thường vào sự vĩnh hằng của mình.
Điều lý thú hơn nữa là tính chất huyền thoại ấy ở các ông vua của chúng ta ngày nay được thế tục hoá nhưng không hề bị gạt bỏ nhờ sự can thiệp gián tiếp của một thứ chủ nghĩa khoa học, các ông vua được xác định bởi dòng giống thuần chủng của các ngài (Dòng máu xanh), như những chú chó săn tơ còn bú, và con tàu du lịch, nơi đặc quyền khép kín, chẳng khác nào con tàu Noé hiện đại, trên đó bảo tồn các biến thái chính của chủng loại quân chủ. Đen mức là ở đấy người ta công khai dự tính vận hội một số cuộc kết tóc xe tơ; bị nhốt trong những trại ngựa giống trên biển, các nòi thuần chủng tránh khỏi mọi cuộc hôn phối lai tạp, tất cả đều được chuẩn bị (hàng năm?) để các ngài có thể sinh con đẻ cái giữa các ngài với nhau: số lượng cũng ít ỏi như giống chó “pug dog” trên đất liền, con tàu xác định và tập hợp chúng lại, tổ chức thành một “khu bảo tồn” tạm thời, ở đấy người ta trông coi, và biết đâu ở đấy người ta lại lưu truyền mãi mãi một giống người kỳ lạ được bảo vệ chu đáo chẳng kém gì khu bảo tồn giống người Sioux*.
Hai chủ đề cổ xưa đan xen với nhau, chủ đề Vua-Thượng đế và chủ đề Vua-Thường dân. Nhưng vùng trời thần thoại ấy dẫu sao cũng chẳng phải là vô hại đối với Trái đất. Những huyễn hoặc thanh khiết nhất, những chi tiết vui vui về chuyến du ngoạn trên biển của Dòng máu xanh, tất cả cái mớ giai thoại mà giới đại báo chí cung cấp no say cho các độc giả, chẳng phải là không hại gì đâu: vẫn còn nguyên không mất đi chất thần thánh của mình, các ông hoàng làm chính trị một cách dân chủ: bá tước Paris rời con tàu Agamemnon để đến Paris “trông coi” số phận của C.E.D., và người ta phái ông hoàng trẻ tuổi Juan Tây Ban Nha sang cứu giúp chủ nghĩa phát xít Tây Ban Nha.