BAO NHIÊU nhà truyền giáo đã cho chúng ta biết về các tập tục tín ngưỡng của những “Người nguyên thuỷ” nên thật đáng tiếc nếu không có một thầy phù thuỷ người Papou tới Trường đua xe đạp Mùa đông để đến lượt mình kể cho chúng ta nghe buổi lễ do Tiến sĩ Graham chủ trì mang tên chiến dịch truyền bá kinh Phúc âm. Dầu sao ở đây có chất liệu nhân chủng học lý thú, dường như là kế thừa những tín ngưỡng “man di”, bởi vì người ta thấy xuất hiện lại dưới dạng trực tiếp ba giai đoạn lớn của mọi hoạt động tín ngưỡng: Chờ đợi, Ám thị, Thụ pháp.
Billy Graham để mọi người phải chờ đợi: những bài thánh ca, những lời cầu khấn, cả ngàn những bài nói vụn vặt vô tích sự được giao phó cho các mục sư lèm nhèm hoặc các ông bầu Mỹ (trình diễn vui nhộn của cả nhóm: nhạc công dương cầm Smith, đến từ Toronto, nghệ sĩ độc tấu Beverley, đến từ Chicago bang Illinois, “nghệ sĩ của Đài phát thanh Mỹ hát kinh Phúc âm một cách tuyệt diệu”), tất cả rùm beng dạo đầu cho ông Tiến sĩ Graham được người ta cứ liên tục thông báo là ông tới mà nào có thấy ông đâu. Cuối cùng ông xuất hiện, nhưng là để khơi thêm tò mò, bởi vì bài nói đầu tiên của ông không phải là bài chính: ông chỉ chuẩn bị cho bản lời Phán truyền lát nữa sẽ tới. Và những màn phụ nữa kéo dài thêm sự chờ đợi, hun nóng cả phòng lên, ấn định trước tầm quan trọng tiên tri cho lời Phán truyền kia, lời Phán truyền, theo những truyền thống ưu tú của sân khấu, mở đầu bằng cách bắt mọi người sốt ruột trông chờ để sau đó ai nấy tin tưởng dễ dàng hơn.
Người ta nhận thấy ở giai đoạn đầu của buổi lễ ấy động lực xã hội học to lớn của Chờ đợi, mà Mauss* đã nghiên cứu, và chúng ta cũng mới thấy gần đây ở Paris một minh chứng tại các buổi trình diễn thuật thôi miên của Grand Robert. Trong trường hợp ấy cũng thế, người ta cố lùi sự xuất hiện của pháp sư càng lâu càng tốt và bằng những động tác vớ vẫn lặp đi lặp lại, gây cho công chúng trạng thái hiếu kỳ bối rối nên sẵn sàng tưởng là nhìn thấy thật cái mà người ta bắt họ phải chờ đợi. Ở đây, ngay từ phút đầu tiên, Billy Graham được giới thiệu như một nhà tiên tri thực thụ, người ta cầu khẩn Linh hồn đức Chúa vui lòng hiện xuống nhập vào ông, đặc biệt trong tối hôm ấy: đó là một người Thần cảm sắp lên tiếng, công chúng đến dự như bị ma ám: họ được khuyến dụ từ trước hãy tin những gì Billy Graham thốt ra chính là lời phán của thần linh.
Nếu quả thực Chúa phán qua miệng của ông Tiến sĩ Graham, thì phải thừa nhận là Chúa ngốc lắm: lời Phán truyền nhạt nhẽo, ấu trĩ đến kinh ngạc. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn Chúa không còn là người theo thuyết Thomas d’Aquin*, người ghê tởm lô-gích: lời Phán truyền gồm một lô một lốc những khẳng định đứt quãng, chẳng ăn nhập với nhau, và chẳng có nội dung gì khác ngoài tính chất trùng ngôn (Chúa là Chúa). Giáo sĩ dòng Đức Bà kém cỏi nhất, mục sư kinh viện nhất cũng được xem là những trí thức suy đồi bên cạnh ông Tiến sĩ Graham. Các nhà báo, bị lừa bởi cách trang trí mang phong cách tân giáo của buổi lễ (thánh ca, cầu nguyện, thuyết giáo, ban phước), bị ru ngủ bởi vẻ trịnh trọng mơn man đặc thù của buổi lễ đạo Tin lành, đã ca ngợi thái độ mực thước của Tiến sĩ Graham và nhóm của ông: người ta cứ tưởng sẽ chứng kiến một kiểu cách Mỹ quá đáng, với các gái nhảy, các nhạc jazz, các ẩn dụ vui nhộn và tân thời (vẫn có vài ba tiết mục như thế). Billy Graham chắc hẳn đã thanh lọc mọi cái vui nhộn ra khỏi buổi lễ, nhưng các tín đồ Tin lành Pháp đã lấy lại. Tuy nhiên không vì thế mà cung cách của Billy Graham đoạn tuyệt với cả một truyền thống thuyết pháp Cơ đốc giáo hoặc đạo Tin lành, kế thừa từ văn hoá cổ đại, và đó là truyền thống đòi hỏi thuyết phục. Đạo Thiên chúa ở phương Tây trong thuyết pháp luôn tuân thủ khuôn khổ tổng quát của tư duy kiểu Aristote*, luôn chấp nhận hoà hợp với lý trí, ngay cả khi muốn thuyết phục người ta tin vào cái phi lý của đức tin. Cắt đứt với bao thế kỷ chủ nghĩa nhân văn (dẫu rằng các hình thái của nó có thể là đã trống rỗng và sáo mòn, mối băn khoăn đến một người khác nơi ý thức chủ quan của mình hiếm khi vắng bóng trong giáo huấn cơ đốc giáo), ông Tiến sĩ Graham đem đến cho chúng ta phương pháp biến hoá kỳ ảo: ông đem ám thị thay cho thuyết phục: áp lực của cách nói năng, loại bỏ có hệ thống mọi nội dung duy lý trong lời lẽ, không ngừng cắt đứt những mối dây lô-gích, ngôn từ lặp đi lặp lại, luôn huênh hoang đưa Kinh thánh ra như gã rao hàng quảng cáo dụng cụ mở hộp vạn năng, và đặc biệt là thái độ lạnh lùng, sự khinh miệt không che giấu đối với người khác, tất cả những thủ thuật ấy là bộ dụng cụ cổ điển của trò thôi miên ở rạp tạp kỹ: tôi nhắc lại, chẳng có khác biệt nào giữa Billy Graham và Grand Robert.
Và cũng như Grand Robert kết thúc buổi “chế ngự” công chúng bằng cách tuyển lựa đặc biệt, đưa lên sân khấu quanh ông ta những người được lựa chọn để thôi miên, ưu ái giao cho vài người thực hiện làm mẫu gây ấn tượng mạnh, Billy Graham cũng tôn vinh lời Phán truyền của mình bằng cách tách riêng ra một số người được Linh hồn triệu đến: đó là các tín đồ mới, tối hôm ấy ở Trường đua xe đạp Mùa đông, giữa những lời quảng cáo dung dịch Siêu hoà tan và Cognac Polignac, “đã tiếp Chúa Kitô” nhờ tác động của lời Phán truyền ma thuật, họ được đưa vào một phòng riêng, và thậm chí, nếu họ nói tiếng Anh, vào một nơi còn kín đáo hơn nữa: chẳng quan trọng chuyện gì diễn ra ở đấy, ghi tên vào những bản danh sách cải đạo, lại thêm những bài thuyết pháp, trò chuyện về tôn giáo với các “cố vấn”, đấy là giai đoạn để chính thức thay thế cho Thụ pháp.
Tất cả những điều này liên quan trực tiếp đến chúng ta: trước hết sự “thành công” của Billy Graham nói lên trạng thái tinh thần bấp bênh của giai cấp tiểu tư sản Pháp, dường như đấy là tầng lớp chủ yếu tham dự các buổi lễ kia: tính chất dễ ngả theo những hình thái tư duy phi lô-gích và có tính chất thôi miên của đám công chúng ấy gợi cho ta thấy rằng trong nhóm xã hội này tồn tại cái mà người ta có thể gọi là tình huống phiêu lưu: một bộ phận giai cấp tiểu tư sản Pháp thậm chí không còn được bảo vệ bởi cái “lương tri” nổi tiếng, nó là hình thái công kích của ý thức giai cấp mình. Nhưng thế chưa phải là hết: Billy Graham và ê-kíp của ông ta đã nhấn rất mạnh và nhiều lần vào mục đích của chiến dịch này: đó là “thức tỉnh” nước Pháp (“Chúng tôi đã thấy Chúa làm những điều lớn lao ở Mỹ; sự thức tỉnh ở Paris chắc sẽ có ảnh hưởng bao la đến toàn thế giới.” – “Niềm ao ước của chúng tôi là một cái gì đó diễn ra ở Paris có những tiếng dội đến toàn thế giới.”). Rõ ràng đấy cũng chính là quan điểm của Eisenhower* trong những tuyên bố của ông về chủ nghĩa vô thần của người Pháp. Nước Pháp tiêu biểu trên thế giới ở tính chất duy lý, ở thái độ dửng dưng với đức tin, ở tinh thần vô tín ngưỡng của các nhà trí thức (luận điểm chung ở Mỹ và ở Vatican: luận điểm thực ra có phần quá đáng): cần phải thức tỉnh nước Pháp khỏi cơn mộng mị nguy hại ấy. Việc “cải hoá” của Paris tất nhiên có giá trị làm gương cho thế giới: Chủ nghĩa vô thần bị tôn giáo quật ngã ngay trong hang ổ của nó.
Chúng ta biết, thực ra đây là vấn đề chính trị: chủ nghĩa vô thần của nước Pháp làm cho Mỹ quan tâm chỉ vì đối với Mỹ, đó là bộ mặt báo trước của chủ nghĩa cộng sản. “Thức tỉnh” nước Pháp khỏi chủ nghĩa vô thần, chính là thức tỉnh nước Pháp khỏi sự quyến rũ của chủ nghĩa cộng sản. Chiến dịch của Billy Graham chỉ là một khâu của chủ nghĩa MacCarthy*.