Gần tới hôm sau, chúng tôi neo bè dưới một gốc cây liễu, hai bên bờ sông đều có làng mạc. Quận công và nhà vua lại bắt đầu bàn bạc chương trình họat động trên thị trấn này. Jim nói với quận công rằng đừng đi lâu quá, chỉ chừng mấy tiếng đồng hồm thôi vì mình Jim nằm suốt ngày trong lều và bị trói như thế thì mệt mỏi lắm. Mỗi khi đi vắng, chúng tôi trói Jim lại, để nhỡ có ai bất chợt đến, trông thấy hắn bị trói thì thì cho rằng hắn đã bị bắt. Quận công cũng đồng ý cho rằng cứ suốt ngày nằm mà bị trói như vậy cũng khổ thật, vì thế anh ta sẽ nghĩ xem có cách nào hay hơn không.
Quận công quả thật là người thông minh. Anh ta nghĩ ngày ra một kế: cho Jim mặc quần áo của vua Lear, đeo một bộ tóc giả bằng lông đuôi ngựa trắng; rồi anh ta lấy bút vẽ phông bôi lên mặt, lên tay, lên tai, lên cổ Jim một màu xanh xám, trông như người bị chết trôi đến chín ngày. Khiếp, chưa bao giờ trông ghê tởm thế. Rồi quận công lấy một mảnh gỗ và viết lên:
Người ả Rập tâm thần, rất nguy hiểm khi nổi cơn.
Rồi anh ta treo mảnh gỗ đó vào một cành cây, cách lều độ vài thước. Jim lấy làm hài lòng lắm vì như vậy còn hơn là ngày nào cũng bị trói, nằm đó mà cứ run lên khi khi nghe thấy tiếng động. Quận công bảo Jim cứ yên trí, và nếu có lảng vảng ở đây thì bước ra khỏi lều, giả bộ như một kẻ điên rồi hú lên một tiếng như thú rừng, thì người ta sẽ sợ mà chạy đi ngay. Nghe cũng hay đấy. Nhưng đó là đối với ai cơ chứ còn Jim thì người ta chỉ cần nhìn thấy là cũng đủ sợ chứ chẳng cần anh ta phải hú lên nữa.
Hai tên lưu manh này lại định diễn kịch như hôm trước một lần nữa để thu thêm ít tiền. Nhưng rồi họ nghĩ rằng như vậy cũng nguy hiểm, và có lẽ biết đâu những tin tức về buổi diễn hôm trước đã lan tới tận dưới này rồi. Họ không tìm được mẹo nào khác, sau đó quận công nói để anh ta nằm nghĩ một hai tiếng đồng hồ nữa xem có thể làm gì được không. Nhà vua bảo nếu không có chương trình mới thì lão ta cứ để mặc Thượng Đế định đoạt số phận của lão. ở chỗ nghỉ lần trước, chúng tôi đều mua quần áo mới. Quần áo của nhà vua đen tuyền, trông lão oai vệ ra phết. Chưa bao giờ thấy quần áo lại có thể thay đổi con người như thế. Trước kia, trông lão lôi thôi, lếch thếch, nhưng bây giờ khi lão nhấc bỏ cái mũ trắng xuống, nghiêng người chào và mỉm cười một cái thì trông thật nghiêm trang tưởng như lão đã từng là một giáo sĩ Do Thái. Jim quét dọn cái xuồng và tôi chuẩn bị sẵn mái chèo. Có một chiếc tàu thủy đỗ để dỡ hàng ở bên bờ phía trên kia cách thị trấn khoảng ba dặm. Nhà vua nói:
– Cứ xem cách ăn mặc của ta thế này thì ai cũng nghĩ rằng ta là St Louis hay Cincinati xuống. Huck, chúng ta sẽ đi tàu thủy đến làng dưới kia.
Nói đến chuyện được đi tàu thủy thì tôi chẳng cần phải để gọi đến hai lần. Tôi đẩy xuồng theo dọc bờ phía bên này một quãng nửa dặm, rồi dò chỗ nào nước chảy nhẹ mà đi. Lát sau, chúng tôi gặp một chàng thanh niên trông quê mùa, có vẻ ngờ nghệch, đang ngồi trên thân cây, lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Bên cạnh anh ta có hai cái bao lớn.
Nhà vua bảo:
– Quay mũi xuống vào bờ đi.
– Này, anh kia đi đâu? – Nhà vua hỏi.
– Tôi đi ra tàu thủy để đến Orleans Nhà vua nói:
– Lên đây! Khoan đã, để người hầu của tôi xách đỡ cho mấy cái bao. Nhảy lên giúp ông ấy đi, Adolphus. (Chắc lão muốn bảo tôi đấy).
Tôi lên bờ, xách mấy cái bị xuống, rồi ba người cùng đi. Anh kia cảm ơn rối rít và nói rằng trời nóng nực thế này mà phải vác mấy cái này đi thì thật là vất vả. Anh ta hỏi nhà vua đi đâu, lão nói rằng sáng nay lão vào một ngôi làng phía trên kia, rồi đi mấy dặm nữă đếm thăm một người bạn cũ ở một cái trại gần đây. Anh chàng kia nói:
– Lúc nãy mới trông thấy bác, tôi tự bảo chắc đây là ông Wilks, nhưng rồi tôi lại bảo không vì nếu là ông Wilks thì không đi ngược sông như thế này. Chắc bác không phải là ông Wilks chứ?
– Không, tên tôi là Blodgett, Elexandre Blodgett, mục sư Elexandre Blodgett, nói vậy cho đúng. Nhưng chính tôi đây cũng đang nghĩ về ông Wilks không hiểu tại sao lúc này còn chưa tới đây, hay ông ta gặp chuyện gì không may?
– Thực ra, về vật chất ông ta chẳng mất gì cả. Nhưng ông ta không kịp gặp người anh trai là Peter vừa mới chết. Hình như hai anh em họ từ hồi nhỏ đến giờ chưa được gặp nhau – và cũng chưa được thấy người em tên là William nữa. Người em này vừa câm vừa điếc. William mới có ngoài ba mươi, ba mươi lăm tuổi gì đó. Chỉ có Peter và George đến ở vùng này thôi. George đã có vợ. Cả hai vợ chồng cùng chết năm ngoái. Bây giờ còn lại chỉ có Harvey và William thế mà họ đến không kịp rồi.
– Thế có ai bảo cho họ không?
– Có chứ, chừng hai tháng này rồi, từ lúc Peter mới bắt đầu ốm. Lão ta già lắm rồi. Còn những đứa con gái của George thì còn nhỏ quá, không giúp đỡ được gì lão cả. Chỉ có Mary Jane tóc đỏ thôi. Sau khi vợ chồng George chết, lão ta thấy cô đơn vô cùng và cũng không muốn sống nữa. Lão ta cầu mong được gặp lại Harvey đến gần tuyệt vọng, cả William cũng vậy. Lão ta có để lại một lá thư cho Harvey, trong thư đó có nói lão giấu của ở chỗ nào, và muốn rằng tại sản để lại chia cho những cô con gái của George, vì George trước kia không có gì để lại cho con cái. Tất cả lá thư chỉ viết có thế thôi.
– Tại sao anh lại nghĩ rằng Harvey không đến được, Harvey hiện nay ở đâu?
– ở tận bên Anh cơ, vùng Sheffield gì đó, nghe đâu làm mục sư. Từ trước đến nay, ông ta chưa về đây lần nào. Ông ta bận lắm… mà có lẽ ông ta không nhận được thư của Peter…
– Thật tội nghiệp cho Peter, giá lão được trông thấy mặt anh em nhỉ. Vừa rồi, anh nói là đi Orleans phải không?
– Vâng, nhưng đấy chỉ là chặng đầu thôi. Thứ tự tuần sau, tôi lại đáo tàu thủy đi Ryo Janeero, bác tôi ở đó mà.
– Đi xa gớm nhỉ, nhưng chắc là thích lắm. Tôi cũng muốn đi lắm. Có phải Mary Jane là cô lớn nhất không nhỉ. Còn những cô khác bao nhiêu tuổi rồi?
– Mary Jane mới mười chín, Susan mười lăm, và Joanna mười bốn. Cô út bị sứt môi nhưng lại chăm chỉ làm ăn.
– Tôi nghiệp cho những cô gái bé bỏng mà bị mồ côi.
– Đáng lẽ thì các cô ấy còn khổ hơn thế nữa. Nhưng lão Peter có nhiều bạn quen, và họ không để cho những cô này phải khổ. Những người đó, lão Peter chơi thân hơn cả và thỉnh thoảng có viết thư nói về họ mỗi khi gửi thư về nước Anh; vì vậy Harvey mà đến đây thì cũng có thể tìm ra những bạn bè quen thuộc.
Nhà vua cứ hỏi mãi về chuyện này đến lúc anh chàng trẻ tuổi kia hết cả không còn gì để nói nữa. Mà quái lạ, lão ta chẳng hỏi thăm gì đến ai khác hay cái thứ gì khác ở trong tỉnh, mà chỉ toàn hỏi đến chuyện gia đình nhà Wilks kia thôi. Rồi lão hỏi đến nghề nghiệp của Peter – làm nghề thuộc da, hỏi đến George – làm nghề thợ mộc, rồi đến Harvey, là mục sư … Lão lại hỏi:
– Tại sao anh lại phải đi ngược lên chỗ tàu thủy?
– Vì đó là một chiếc tàu to nên không lách vào đây được, tôi cũng sợ nó không đỗ ở đấy đâu. Tàu Cincinati thì nó đỗ, chứ con tàu St Louis này thì không biết thế nào
– Thế Peter Wilks có giầu không?
– Khá giầu đấy. Lão có nhà cửa, ruộng đất, và nghe nói lão ta để lại ba bốn nghìn đồng chôn giấu ở đâu đó.
– Lão ta chết bao giờ vậy?
– Đêm qua
– Chắc mai thì đưa đám?
– Vâng, nghe đâu trưa mai.
– Đáng buồn quá; nhưng chúng ta trước sau cũng thế cả thôi. Cho nên, chúng ta cứ chuẩn bị sẵn đi là vừa.
– Đúng thế đấy, ông ạ. Mẹ tôi cũng vẫn thường nói thế.
Chúng tôi đến chỗ tàu đỗ thì nó đã sắp dỡ hàng xong, chỉ một tí nữa là chạy. Nhà vua không nói tí gì về chuyện lên tàu cả; thành ra tôi cũng chẳng được đi tàu. Khi con tàu đi xa tôi, nhà vua mới bảo tôi chèo quá lên trên một dặm nữa. Đến nơi vắng vẻ, lão bước lên bờ nói:
– Bây giờ quay xuống về đưa quận công lên đây, nhớ đem theo cả mấy bao vải mới nữa. Nếu anh ta đã đi sang bên kia sông thì sang đó tìm anh ta về, bảo anh ta thế nào cũng lên đây ngay nhé. Nhanh lên!
Tôi biết lão ta đang tính chuyện gì, nhưng tôi không nói. Khi đưa quận công đến, chúng tôi giấu xuống rất kĩ. Nhà vua kể lại với quận công từ đầu đến cuối câu chuyện mà lão vừa nghe được. Trong khi nói chuyện, lão ta cố nói bằng giọng người Anh, cũng giống đáo để. Rồi lão hỏi:
– Bilgewater, anh đóng vai người vừa câm vừa điếc được không?
Quận công bảo là được vì đã có một lần anh ta giả làm người vừa câm vừa điếc rồi. Thế là bọn chúng tôi ngồi đó đợi chuyến tàu thủy.
Khoảng quá trưa, có vài chiếc tàu nhỏ đi tới, nhưng nó không đi xa. Một lúc sau, có chiếc tàu to, họ gọi vào. Ngoài tàu cho xuồng con vào đón. Cả ba chúng tôi bước lên tàu. Tàu này từ Cincinati tới. Nhưng khi chúng tôi lên tàu rồi, họ thấy chúng tôi nói chỉ đáp tàu một quãng bốn năm dặm thôi, họ chửi cho môt hồi, và bảo rằng họ không đỗ lại cho chúng tôi xuống đâu. Nhưng nhà vua rất bình tĩnh. Lão nói:
– Nếu chúng tôi trả mỗi một dặm một đô la, thì tàu có chịu chở không?
Nghe nói thế, họ đồng ý ngay và không còn bực tức nữa. Đến chỗ chúng tôi chỉ, chiếc tàu cho chở chúng tôi vào bờ. Có đến hơn hai chục người trông thấy xuồng chúng tôi đến thì đổ xô ra. Nhà vua hỏi:
– Các vị có thể chỉ cho tôi biết chỗ ở của ông Peter Wilks ở đâu không?
Bọn người kia nhìn nhau lắc đầu vẻ buồn bã. Nhưng một người trả lời bằng một giọng rất nhã nhặn:
– Rất tiếc, thưa ông. Nhưng chúng tôi chỉ có thể cho ông biết chỗ mà ông ấy còn ở tối hôm quă
thôi.
Rồi bất thình lình, nhà vua òa lên khóc nức nở, ôm chầm lấy người kia, vừa khóc vừa nói:
– Than ôi, người anh tôi nghiệp của chúng tôi đã qua đời rồi, chúng tôi không bao giờ còn được trông thấy mặt nữa! Ôi, đau đớn quá!
Rồi lão ta quay lại, ra hiệu cho quận công. Thế là quận công vứt hai cái bao xuống đất rồi cũng òa lên khóc. Tôi chưa thấy tên nào xảo quyệt như hai tên này bao giờ.
Đám người kia xúm lại, tỏ vẻ thương hại, họ ra sức an ủi, rồi mang giúp hai cái bao lên đồi, để cho hai người vịn vào vai họ mà khóc, và kể lại cho nhà vua nghe tất cả về giờ phút cuối cùng của ông anh. Còn nhà vua dùng tay ra hiệu nói lại với quận công, rồi cả hai làm như mất ông anh làm nghề thuộc da ấy thì khác nào như mất đạo vậy. Thật tôi chưa hề nghĩ con người lại gian xảo như vậy.