Những Bí Quyết Giao Tiếp Tốt

Chương 9: Tôi Phải Làm Gì?

NÓI TRƯỚC CÔNG CHÚNG NHƯ THẾ NÀO?

• Bí quyết của tôi

• Sự chuẩn bị

• Những cuộc điện thoại

• Hài hước như thế nào?

Tôi đã nhiều lần nói trước khán giả của đủ mọi tầng lớp. Một số người hỏi tôi rằng có thuật thần bí nào mà có thể cuốn hút khán giả như vậy. Xin thưa, tôi chẳng có tà thuật gì cả ngoài những bí quyết nho nhỏ.

Trước hết là sự bình tĩnh. Nếu chúng ta bị “khớp” trước đám đông, nếu chúng ta e dè và lúng túng thì không thể làm nên trò trống gì được. Hãy xem như đây là dịp để chia sẻ suy nghĩ cảm xúc của mình với mọi người. Thật ra nói trước công chúng rất thú vị, vì ta hoàn toàn được làm chủ câu chuyện. Hoàn toàn ở thế chủ động và không thể né tránh được. Bạn không thể “rút lui lịch sự” bằng cách xin lỗi phải vào nhà tắm trong giây lát.

Để tránh việc này, ta chỉ nên nói về những điều mà ta biết rõ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng có rất nhiều người sai lầm khi nói về những đề tài mà họ không hoàn toàn thấu đáo. Giả sử là khán giả của họ, bạn sẽ nghĩ gì?

1. Chán! Vì những điều được nghe ai ai cũng biết.

2. Rút lui có trật tự khi lại thấy vị diễn giả kia lên trên sân khấu.

Do vậy hãy nói về chủ đề mà bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng, hoặc nói về những việc bạn đã từng trải qua. Một bài nói sâu sắc, mới mẻ không bao giờ gây chán.

BÀI NÓI ĐẦU TIÊN CỦA TÔI

Năm ấy tôi tròn mười ba tuổi, theo phong tục của người Do Thái thì tôi đã đến tuổi làm lễ Bar Mitzvah, buổi lễ chứng minh một chàng trai trẻ sắp sửa vào đời.

Điều quan trọng nhất trong buổi lễ là tôi phải nói một bài diễn văn trước đông đủ các khách mời – những người bà con họ hàng thân thuộc. Tôi chưa từng nói trong dịp nào long trọng như vậy, “khán giả” của tôi vốn chỉ là những đứa bạn choai choai trong lớp. Còn ở đây đều là người lớn cả. Và tôi không biết nên chọn đề tài nào để nói…

Cuối cùng, vào buổi lễ quan trọng ấy, tôi quyết định nói về cha tôi. Bởi nói về cha tôi sẽ có vô số chuyện để kể. Cha là người mà tôi gần gũi nhất. Ông luôn muốn dành nhiều thời gian cho tôi, dẫu phải làm việc sáu ngày một tuần trông coi quán Eddie.

Tôi kể cho mọi người nghe những lần đi chơi với cha. Thích nhất là được nắm tay cha tung tăng xuống đại lộ Howard, rồi đến công viên Saratoga. Cha sẽ níu tay tôi lại, mua cho tôi những que kem đang bốc khói và không quên dặn tôi rằng: “Về nhà con đừng nói với mẹ nhé! Mẹ sẽ rầy ăn kem như thế thì làm hỏng bữa tối đấy”. Những que kem bốc khói và công viên Saratoga thật tuyệt vời. Nhưng chúng không hấp dẫn bằng những câu chuyện của cha. Cha kể cho tôi nghe về những binh sĩ liên bang thời nội chiến với Joe DiMaggio, về tang lễ của Lou Gehrig năm 1941. Rồi những câu chuyện thời niên thiếu đầy sóng gió của cha lúc còn ở Nag… Bao giờ cuộc trò chuyện của hai cha con tôi cũng kết thúc bằng câu hỏi: “Larry, hôm nay con học hành thế nào?”

Câu chuyện ấy giờ đây đã trở thành kỷ niệm. Cha đã mất ba năm về trước. Tôi hãnh diện khi khoe với mọi người rằng tôi có một người cha tuyệt vời như thế. Tôi đã nói những lời chân thật từ trái tim mình, không gò bó, không gượng gạo. Một dòng ký ức về người cha thân yêu như dòng thác trào về. Tôi đã chọn đúng đề tài để nói.

Sau buổi lễ, tôi được mọi người khen ngợi. Cũng từ đó tôi phát hiện ra nỗi đam mê được nói của mình và quyết định đi theo con đường này.

SỰ CHUẨN BỊ

Hãy viết ra giấy bài nói, chi tiết từng từ một hay sơ lược tùy vào thói quen của bạn, nhưng phải rõ ràng và đủ ý. Cái chính là nó sẽ giúp bạn nói một cách tự tin và hiệu quả. Tiếp theo, tưởng tượng rằng bạn đang đứng trước khán giả và bắt đầu nói. Luyện tập bài nói nhiều lần cho tới lúc bạn có thể nhìn khán giả mà thao thao bất tuyệt. Đừng bao giờ quá phụ thuộc vào tờ giấy đến mức không ngoái nhìn khán giả. Hãy nhớ rằng người ta đến đó để nghe bạn nói, không phải để nghe bạn đọc.

Bài nói của bạn “ngốn” bao nhiêu thời gian? Chỗ nào cần lên giọng? Chỗ nào cần xuống giọng? Lúc bắt đầu có cuốn hút và khi kết thúc có khái quát lại vấn đề không? Sơ sài hay sâu sắc? Bạn đã thật sự cảm thấy tự nhiên và thoải mái khi nói hay chưa? Nếu cần hãy tập nói trước với người thân của bạn và nhờ họ góp ý. Sự chuẩn bị chu đáo này chắc chắn giúp bạn thành công.

NHỮNG CUỘC ĐIỆN THOẠI

Tôi thích nói đến nỗi ở đâu cần là tôi đều có mặt, không kèm theo bất cứ một đòi hỏi nào. Tôi không hề quan tâm đến chuyện tiền bạc. Bạn không có tiền ư? Tôi sẽ nói miễn phí. Chỉ cần cho tôi biết ở đâu và khi nào. Tôi sẽ có mặt ở đó.

Một ngày nọ ở đài phát thanh, người quản lý câu lạc bộ Miami Shores Rotary gọi điện cho tôi. Ông ta mời tôi nói trong buổi họp mặt hàng năm của câu lạc bộ vào tháng sáu. Bây giờ mới tháng giêng! Tôi đồng ý. Sau khi cho tôi biết giờ nào, ngày nào và tại đâu, ông hỏi: “Anh sẽ nói về đề tài gì?”

Tôi trả lời: “Tôi không có đề tài nào cả. Tôi chỉ nói để giúp vui khán giả.”

- “Nhưng đây là câu lạc bộ Rotary. Không chừng chúng tôi còn mời cả tổng thống Eisenhower. Chúng tôi muốn anh phải cho một đề tài nào đó.”

- “Cứ mời tổng thống, thưa ông”. Kết thúc cuộc điện thoại.

Vài ngày sau, trong lúc tôi đang chuẩn bị cho chương trình phát thanh của mình thì chuông điện thoại reo. “Larry, một cuộc gọi khẩn ở đường dây số một”.

Tôi nhấc máy lên và nghe thấy tiếng lách cách nhịp nhàng cùng giọng nói của một chàng trai trẻ: “Xin chào anh Larry, câu lạc bộ Rotary đây. Chúng tôi đang ở xưởng in để in thiệp mời cho buổi họp mặt. Rốt cục thì anh sẽ nói về đề tài gì? Chúng tôi cần biết để in ngay bây giờ.”

Câu chuyện này xảy ra hơn ba mươi năm trước, và cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao lúc đó đột nhiên tôi lại nói thế này: “Đề tài là tương lai của ngành thương thuyền nước Mỹ”.

Chàng trai ở đầu dây bên kia mừng quýnh lên, cám ơn tôi rối rít. Anh ta nói đề tài này sẽ làm mọi người hứng thú lắm đây. Sau đó nhắc tôi lần nữa: Ngày 10/6, 8 giờ tối, Câu lạc bộ Miami Shores Rotary.

Sáu tháng sau, vào ngày tháng đó và giờ đó, tôi có mặt tại Câu lạc bộ Rotary như đã hẹn. Cả một câu lạc bộ chật cứng người. Vừa bước xuống xe tôi đã thấy tấm băng rôn khổng lồ ngay trước cửa:

“TỐI NAY! TƯƠNG LAI CỦA NGÀNH THƯƠNG THUYỀN NƯỚC MỸ!”

Tôi há hốc miệng! Tôi đã quên béng rằng mình đã hẹn nói về đề tài này! Tôi bận tối mắt tối mũi với một núi công việc, và hôm nay cứ đinh ninh sẽ pha trò cho khán giả như thường lệ.

Chàng trai từng nói chuyện với tôi qua điện thoại tách ra khỏi đám đông, chạy ào đến bắt tay tôi với một vẻ mặt đầy phấn khởi: “Larry! Mọi người ai cũng háo hức. Họ không thể chờ thêm được nữa. Đề tài nói của anh phá kỷ lục về số người tham dự của chúng tôi!”. Sau đó anh ta càng làm tôi phát hoảng khi nói rằng đã xin nghỉ hẳn một ngày làm việc, đến thư viện tra cứu tài liệu, để nói đôi nét về lịch sử thương thuyền, rồi giới thiệu tôi lên nói về tương lai.

Quả thật anh ta trình bày rất lưu loát về tàu thuyền, bến cảng, cước phí vận tải biển… về tất cả những thứ mà tôi chưa hề biết và cũng chưa hề quan tâm đến. Sau đó là lời giới thiệu làm tôi muốn thót tim: “Và bây giờ, người sẽ nói về tương lai của thương thuyền nước Mỹ, xin trân trọng giới thiệu, Larry King!”

Tôi lên sân khấu và nói trong vòng nửa tiếng. Như vẫn thường khuyên các bạn rằng những gì mà ta mập mờ thì ta không nên nói, bởi vậy, tôi không nói cái gì liên quan đến thương thuyền cả. Không một từ nào. Im lặng như tờ! ngay lập tức tôi ù té chạy ra xe hơi, phải rời khỏi đây càng nhanh càng tốt. Lúc đó tôi nghĩ rằng từ nay chắc sẽ không ai dám mời tôi nói nữa. Có thể tôi sẽ không bao giờ được lên sân khấu cầm cái micro thao thao bất tuyệt. Nhưng biết đâu như thế lại tốt hơn…

Tôi khởi động xe, trong lòng thấy hơi sợ và mồ hôi bắt đầu tuôn ra. Ngay lúc đó thì chàng trai “MC” thứ nhất đuổi kịp tôi và đập cửa xe rầm rầm. Tôi nhấn nút hạ tấm kính cửa sổ xe xuống, lập tức anh ta thò đầu vào. Chỉ cần nhấn nút lần nữa là tôi có thể xử trảm anh ta.

Anh chàng la lối om sòm: “Chúng tôi đã thông báo với mọi người rằng anh sẽ nói về tương lai của ngành thương thuyền! Còn tôi thì bỏ công sức nghiên cứu kỹ lưỡng để giới thiệu cho anh. Vậy mà anh chẳng hề đá động gì tới nó!”

Tôi nói thêm: “Không một từ nào”. Rồi quay xe ra về.

Một cảm giác tội lỗi thoáng qua trong đầu tôi. Một chàng trai trong độ tuổi hai mươi đôi khi hành động mà không ý thức được hết trách nhiệm. Nhưng rồi tôi tự biện hộ cho mình rằng ít ra cũng đã nói chuyện khôi hài giúp vui cho họ (có điều chả thấy ai cười). Vài ngày sau, tôi nhận được tin là nhiều người trong câu lạc bộ thích bài nói của tôi. Sở dĩ không có những tràng vỗ tay đơn giản là vì họ quá bất ngờ, họ không biết bao giờ tôi mới “vô đề” nói về tương lai của thương thuyền nước Mỹ! Từ đó trở đi, không bao giờ tôi quên đề tài mà tôi sẽ nói.

Nhưng ngược lại, có những người không bận tâm đến việc tôi sẽ nói cái gì. Họ chỉ cần tôi có mặt ở đó là đủ. Đó là một câu chuyện khác…

Đài phát thanh ở Miami, chuông điện thoại reo . “Larry, cậu có điện, đường dây số hai” – người bạn đồng nghiệp của tôi gọi toáng lên, như thường lệ.

Tôi bắt máy lên: ‘Xin chào”. Đó là tiếng đầu tiên và cũng là tiếng cuối cùng mà tôi nói.

Một giọng nói rè rè ở đầu dây bên kia thốt lên, chậm rãi từng từ một: “King hả? Boom-Boom Giorno đây. Ngày 3 tháng 11. Khán phòng War Memorial, Fort Lauderdale. Một bữa tiệc hội thảo từ thiện. Sergio Franchi là ca sĩ. Anh dẫn chương trình. Cà vạt đen. Tám giờ tối. Hãy tới nhé”.

Tiếp đó là một tiếng “cộp”. Ông ta đã gác máy.

Vài tháng sau, tôi có mặt ở bữa tiệc theo lời mời. Boom-Boom chào đón tôi với một nụ cười lớn hết cỡ: “Chúng tôi rất vui sướng khi thấy anh đến!”

Tôi đến chỗ Sergio và hỏi: “Sergio này, họ mời anh đến đây như thế nào?”

Anh ấy trả lời: “Một người tên Boom-Boom Giorno điện thoại cho tôi.”

Sau đó Boom-Boom chỉ thị cho tôi những việc cụ thể: “OK, chàng trai trẻ. Lên sân khấu đi nào! Anh muốn nói gì, muốn làm gì cũng được. Hai mươi phút nhé! Sau đó là tới phần của Sergio. Và đừng mở đèn”.

- “Tại sao không được mở đèn?”

- “Đừng mở đèn. Có nhiều đối thủ trong khán giả”.

- “Tôi không hiểu. “Đối thủ” là thế nào?”

- ”Thương gia dầu ô liu, doanh nghiệp ngành mì ống, nhân viên FBI… Đủ cả! Tốt hơn hết hãy để tất cả chìm trong bóng tối. Đừng mở đèn”.

Tôi “thi hành nhiệm vụ” của mình trong hai mươi phút, mời Sergio lên hát và ngồi yêu cho đến giờ ra về. Thành công tốt đẹp, tôi đã tạo ra những tiếng cười rôm rả. Boom-Boom rất hài lòng, ông ta chờ tôi ở xe và nhìn tôi với đôi mắt nhấp nháy: “Chào chàng trai! Anh tuyệt lắm!”

Tôi từ tốn: “Cám ơn ông, Boom-Boom”.

Ông ta nói lại một lần nữa: “Anh thật sự rất tuyệt vời, chàng trai ạ!”

Vì thế tôi lại cảm ơn lần nữa.

- “Chàng trai này, chúng tôi nợ cậu một ân huệ”.

Sau đó, Boom-Boom hỏi tôi bảy từ mà trong đời chưa có ai hỏi tôi lần thứ hai. Câu hỏi mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn sởn tóc gáy và lạnh xương sống:

- “Có người nào mà anh ghét không?”

Nếu ai hỏi bạn câu này thì bạn sẽ làm gì? Cố gắng nghĩ đến một cái tên. Tôi cũng thế. Nhưng rồi lòng nhân ái vô bờ bến trỗi dậy, và tôi quyết định không nói ra một cái tên nào cả.

- “Không, cám ơn Boom-Boom. Tôi không làm thế được”.

Boom-Boom hỏi tôi chuyện khác: “Anh thích đua ngựa chứ?”

- “Vâng, rất thích”.

- “Tôi sẽ liên lạc với anh”.

Ba tuần sau, điện thoại reo. Giọng nói quen thuộc của Boom-Boom vang lên: “Apple Tree ở vòng đua thứ ba, trường đua Hialeah”. Xong , cúp máy.

Không hiểu sao lúc đó tôi lại tin lời Boom-Boom, gom được 800 đô la rồi mượn thêm 500 đô nữa để đặt cược toàn bộ số tiền vào con ngựa Apple Tree. Nếu nó thua thì xem như tôi cháy túi. Tôi xem hai vòng đua đầu mà nhấp nha nhấp nhổm, bụng bảo dạ: “Có ba điều chắc chắn trong đời: Chết, đóng thuế, và con Apple Tree phải chiến thắng trong vòng đua thứ ba hôm nay”.

Vòng đua thứ ba diễn ra không có gì thay đổi. Những con ngựa sung mãn khác vượt hẳn Apple Tree. Nhưng trong lúc niềm hy vọng của tôi ngày càng mong manh thì thật ngạc nhiên, Apple Tree bỗng tăng tốc. Nó phóng vù vù như vũ bão trước sự sững sờ của mọi người và về đích trước tiên. Thật kỳ diệu! Tôi thắng cược với món tiền thưởng 8000 đô la. Giờ thì có lẽ Boom-Boom đã yên tâm vì không còn thấy mắc nợ tôi nữa.

NHỮNG LƯU Ý KHÁC

Nhìn khán giả. Ngôn ngữ của đôi mắt quan trọng. Do vậy, hãy nhìn khán giả khi bạn đang nói. Dĩ nhiên không ai bắt bạn phải nhìn họ chằm chằm (Điều này khiến người ta rất khó chịu). Thỉnh thoảng, rời mắt khỏi bài văn và ngước lên nhìn khán giả, với một vẻ mặt tự nhiên và thân thiện nhất mà bạn có. Đừng nhìn vào bức tường hay nhìn ra ngoài cửa sổ. Chúng đâu phải là khán giả của bạn! Lưu ý còn lại là đừng “thiên vị” khi nhìn. Tức mỗi lần ngước mặt lên, bạn nên nhìn một nhóm khán giả khác, để tất cả mọi người đều biết rằng bạn quan tâm đến họ.

Biết rõ lúc nào cần nhấn mạnh. Nhiều diễn giả khi thuyết trình với một văn bản hoàn chỉnh vẫn gạch dưới những điểm mà họ muốn nhấn mạnh. Sự nhấn mạnh này có hai tác dụng. Một là, giúp bài nói trở nên thuyết phục hơn. Hai là, giọng điệu hùng hồn mạnh mẽ giúp khán giả bừng tỉnh nếu họ thấy buồn ngủ.

Đứng thẳng. Bạn không cần phải đứng thẳng như chiến sĩ đang duyệt binh trên thao trường. Hãy đứng thẳng người trong một tư thế thoải mái, còn hơn là bạn khum người xuống hay đứng xiên xiên vẹo vẹo, trông rất xấu và không nghiêm túc.

Nói với micro. Trước khi bắt đầu bài nói của mình, hãy điều chỉnh micro cho phù hợp với bạn nhất. Đầu tiên là nó phải vừa tầm cao với bạn ( nếu có giá đỡ). Sau đó là âm thanh có vừa đủ nghe hay chưa… Giữ micro cách miệng một khoảng nhất định và nói một cách tự nhiên thoải mái.

SỰ HÀI HƯỚC

Hài hước là một yếu tố luôn được hoan nghênh, trừ những trường hợp đặc biệt như thông báo chiến tranh hay một căn bệnh hiểm nghèo nào đó. Nhưng đôi khi, ngay cả những tình huống ngặt nghèo nhất, người ta cũng hài hước một tí để vơi bớt sự căng thẳng.

Trước khi kể một chuyện vui, không nên nói như thế này:

“Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện vui nhỏ.” (Cũng không ai nói rằng họ sẽ kể một câu chuyện vui lớn!).

“Hôm nay, trên đừng đến đây tôi đã gặp phải một chuyện rất buồn cười.”

“Đây là một chuyện cười. Các bạn sẽ thích nó ngay. Buồn cười lắm!”

“Điều này làm tôi chợt nhớ đến một câu chuyện vui nhỏ. Có thể bạn đã biết chuyện này rồi, nhưng tôi vẫn sẽ kể.”

Vì sao ta nên tránh những lời giới thiệu này? Vì chúng không cần thiết, thậm chí đôi khi còn có tác hại. Câu chuyện cười đến một cách tự nhiên và bất ngờ mới đem lại nhiều hứng thú. Một khi bạn đã giới thiệu rình rang như vậy, đâu ai còn bất ngờ nếu chuyện của bạn quả thật rất vui? Trái lại, nếu nó bình thường thì tất cả mọi người đều thất vọng!

Nói chuyện hài hước thuộc về một phong cách riêng của bạn. Từ ngữ, điệu bộ, cách nói… tất cả đều do bạn sáng tạo. Nhưng hài hước phải đi đôi với sự thông minh sắc sảo thì bạn mới tạo được một ấn tượng tốt.

Will Rogers nói rằng ông có một kế hoạch để kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất. “Tôi thấy mọi chuyện đều do tàu ngầm Đức gây ra cả. Chúng làm đắm tàu thuyền của ta. Tại sao chúng ta không đun nóng Đại Tây Dương lên? Khi phía dưới quá nóng thì những chiếc tàu ngầm này cũng phải ngoi ngóp bò lên mặt nước thôi. Và khi đó ta sẽ bắt bỏ dĩa từng chiếc một.”

Rồi Rogers nói thêm: “Dĩ nhiên các bạn sẽ thắc mắc làm thế nào mà tôi đun nóng Đại Tây Dương lên đến 212 độ Fahrenheit được. Câu trả lời của tôi là: Xin nhường việc đó lại cho các nhà khoa học. Tôi chỉ là một nhà chính trị!!”

Rogers kể chuyện này trong một buổi thảo luận những chiến lược cho doanh nghiệp. Tôi rất thích cách nói hóm hỉnh của ông, nó không chỉ tạo ra những tiếng cười mà còn khiến người ta phải suy nghĩ.

SỰ MẠCH LẠC DỄ HIỂU

Đừng chải chuốt câu văn bóng mượt mà sáo rỗng. Nên nói những từ ngữ đơn giản dễ hiểu, khán giả của bạn sẽ thấy vừa ý hơn nhiều. Họ hiểu bạn đang nói điều gì, họ thấy sự chân thật, tự nhiên của bạn.