Chị Mary hơn tôi 5 tuổi. Chị thích nấu ăn, may vá và đã được học mấy thứ này từ rất nhỏ. Mẹ không ép tôi học nấu ăn là vì không muốn tôi phá tan cái bếp bóng loáng của bà. Ký ức những năm học lớp Bảy, lớp Tám không có gì vui vẻ. Tôi nhớ đã từng nướng cháy bánh và đổ súp xuống rãnh cống khi giáo viên không để ý, lười biếng đến độ chờ đến khi máy may có chỉ đúng màu để khỏi phải xỏ.
Năm tôi 13 tuổi, vì một lý do nào đó mẹ bắt tôi học may. Vì chị đang có kế hoạch may một chiếc váy nên mẹ nghĩ đó là cơ hội tốt để tôi học tập. Mẹ cho phép tôi chọn kiểu váy và loại vải tùy thích. Tôi không có hứng với việc may vá nhưng được phép chọn lựa kiểu váy, điều này làm tôi cảm thấy mình cũng có chút ít quyền hành.
Mary và tôi ra tiệm mua mẫu vẽ và các vật liệu cần thiết. Chị ấy chọn một chiếc váy phồng đi đôi với áo khoác dài tay có cổ. Tôi cũng quyết định chọn kiểu đó.
Tiếp theo, Mary chọn loại vải sọc có bông, vì tôi luôn muốn những gì chị ấy chọn nên cũng chọn loại vải như vậy. Miếng vải chỉ khác ở chỗ sọc phức tạp hơn (vì chị không cho phép tôi mua giống).
Không lâu sau, tôi dược học luật may số 1. Khi mua vải sọc, bạn cần phải xếp đúng sọc. Sau đó là luật may số 2. Bài học về cổ và tay áo, đáng lẽ bài học này phải dành cho các lớp cao hơn.
Mẹ có nhiệm vụ giám sát tôi cắt vải. Thật ra, mẹ làm hầu hết, từ việc đặt vải cho đến kẻ phấn. Vì vải phải xếp đúng sọc nên mẹ không muốn tôi làm hỏng nó. Bơm dầu khi máy đang chạy nhanh là cái làm tôi vui nhất. Khó khăn duy nhất là các nếp gấp dễ bị vênh lên.
Mẹ tôi nói ngay: “Đừng làm vậy, có thể bị may ra ngoài đó.”
Khi các nếp gấp đã được may thẳng, mẹ kiểm tra kỹ lưỡng: “Nếp gấp thẳng đẹp, nhưng các sọc chưa khớp, ở đây, ở đây và ở đây.”
Tôi tự nhủ: “Con không quan tâm.”
Mẹ lại nói nhỏ: “Mẹ chắc con không muốn mặc chiếc váy như vậy. Cất nó đi. Ngày mai làm lại.”
Thỉnh thoảng tôi rất dễ nổi nóng. Mỗi lần như vậy, tôi chộp ngay cái kéo định cắt vụn chiếc váy. Nhưng mẹ ngăn lại ngay: “Con mệt rồi. Cất hết đi. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Mẹ chắc con không muốn phá bỏ mọi công sức đã đổ vào nó.”
Mẹ lại là người nói đúng.
Cuối cùng, tôi đã hoàn thành chiếc váy và cái áo khoác. Các nếp gấp rất thẳng, đường sọc được xếp khớp, tay áo vừa vặn và cổ đứng đúng kiểu. Tôi cảm thấy tự hào về chiếc váy mỗi khi mặc nó.
Không, kinh nghiệm vừa rồi không thể thuần hóa được Dorothy. Sau đó, tôi rất ít khi đụng đến chuyện may vá.
Qua những bài học dạy may, mẹ không chỉ dạy tôi cách may thẳng và xếp cho đúng nếp gấp mà còn dạy tôi về lòng kiên trì, không được từ bỏ dù công việc phức tạp cỡ nào. Sau mỗi lần như vậy, tôi kiếm được lòng tự hào cho mình. Cao hơn cả là bài học về cách sống chung với một người thích sự hoàn hảo. Đó là sự chuẩn bị cần thiết vì sau này tôi đã sống cùng một người chồng hoàn hảo suốt 50 năm.
Dorothy M.Reese