Voltaire
Mùa xuân mọi nơi thường được báo hiệu bằng chim chào mào đỏ hay bằng giống nghệ tây vàng. Ở bờ biển Brighton, vùng đất của dân Do Thái trên bờ đại dương thuộc tỉnh Brooklyn, New York, mùa xuân được báo hiệu bởi sự bùng nổ của những chiếc xe lăn trên lề đường. Các phụ nữ lớn tuổi bàn tán xôn xao dưới cái nắng ấm áp. Họ dự đoán về bệnh tật của nhau khi mùa đông đến và than phiền con cái họ không chăm ghé thăm…
Bà tôi cũng thường ngồi bên lề đường như thế. Mẹ tôi có lẽ không bao giờ trông già như bà, vì vậy tôi hơi ngạc nhiên mỗi khi thấy mẹ trong số các phụ nữ lớn tuổi. Tôi thường ghé thăm bà và mẹ vào mùa xuân.
Tôi thích mẹ làm bạn với những phụ nữ này, nhờ vậy tôi cũng hiểu hơn về họ. Nghe họ nói chuyện, tôi biết một người bị bệnh thấp khớp, một người mới có thêm cháu.
Thỉnh thoảng mẹ tôi nói: “Con biết không Rose, người hàng xóm sống tầng trên có đọc bài của con tháng rồi và cho rằng nó rất hay.” Đó là cách nói của mẹ khi muốn ám chỉ bà thích báo của tôi. Nó dường như là thứ mật mã khi chúng tôi nói chuyện. Với những thứ có thể đếm hay những câu muốn nói, chúng tôi cảm thấy như thế nào về nhau. Mẹ con tôi sẽ nói kiểu gián tiếp. Tôi sẽ nói: “Đứa bé thật sự nhớ mẹ khi chúng con không gặp mẹ tháng rồi.” Còn mẹ nói: “Dì Regina nghĩ con khá mệt mỏi.”
Vì sao quá khó khăn khi muốn nói thẳng ra chúng tôi nhớ và lo lắng cho nhau? Có lẽ đó là cái giá một bà mẹ di cư phải trả khi bà làm công việc của mình quá tốt, quá chăm chỉ để nuôi dạy các con và tạo cho chúng những cơ hội. Bà mở rộng cửa cho chúng nhưng chính mình không thể bước qua. Rốt cuộc, luôn tồn tại một khoảng cách giữa các thế hệ và nền văn hóa.
Tôi nghĩ, có lẽ vấn đề ở đây không chỉ là vấn đề xã hội học đơn thuần. Tôi nghi ngờ khó khăn của chúng tôi đã vượt ra phạm vi cá nhân.
Khi tôi thấy mẹ ôm và hôn các cháu, tôi tự hỏi đã khi nào bà làm thế với tôi. Chắc là có nhưng tôi không nhớ, dù mẹ có bận rộn thế nào khi làm việc ở tiệm của bố. Thay vào đó, tôi nhớ lúc bị bệnh sốt hồng nhiệt năm 7 tuổi, bà đã hứa sẽ quan tâm chăm sóc tôi. Ngày hôm sau, tôi được xe cứu thương chở đến khu vực cách ly của bệnh viện.
Tôi rất sợ hãi và cô đơn khi ở đó. Các y tá đi qua đi lại cười rất gượng gạo, có hai hay ba bệnh nhân nằm bên tôi tối nào cũng khóc. Khi mẹ đến thăm, chúng tôi la lên hạnh phúc mặc dù bị cách ly bởi tấm kính. Tôi không thể tả cho bà những gì tôi cảm nhận vì sợ mấy đứa bé gần đó nghe thấy. Tôi càng trở nên tức giận vì mẹ bỏ rơi tôi ở nơi khủng khiếp này. Trong một thời gian, tôi không thèm đến cửa kính để nói chuyện với bà. Tôi nằm trên giường và bảo y tá để những món quà của mẹ ở giường bên… khi nào mẹ đi tôi mới lấy chúng.
Khoảng 4 năm sau, chính mẹ tôi là người cảm thấy cô đơn, sợ hãi và không thể nói thành lời. Các cuộc cãi lộn giữa bố và mẹ ngày càng dữ dội. Cuối cùng bà phải dẫn chị em tôi đi đến nơi khác. Bà nói: “Tốt hơn là như vầy, con có thích trường mới không?”
Một đứa con gái 11 tuổi không thể hiểu nhiều về quan hệ tình cảm và những cảm xúc trái ngược bà phải chịu đựng. Vâng, bà rất đau đớn bởi cuộc hôn nhân tan vỡ, có lẽ cũng hơi xấu hổ vì đó là vụ ly dị đầu tiên trong dòng họ.
Bà chắc hẳn cũng sợ khi nghĩ đến mình là trụ cột chính nuôi hai con. Thời đó nhu cầu cần thư ký có thể viết tốc ký 3 ngoại ngữ rất ít, mà cũng chẳng có thứ nào là tiếng Anh. Cuối cùng, bà phải đánh đổi những chiếc váy vải cô-tông để lấy một công việc ở Xưởng Hải quân Brooklyn. Bà cố gắng học cách đọc sơ đồ trên tàu, vận hành các cần trục lớn. Đối với một phụ nữ chưa từng lấy được bằng lái xe thì những kỹ năng này là quá khó.
Tôi cảm thấy như được giải thoát khi bố mẹ ly dị. Vì tôi không còn phải trốn trong phòng bịt tai lại để khỏi nghe những gì họ cãi vã. Tôi nghĩ tôi thật ích kỷ và không dám cho mẹ biết những gì tôi cảm nhận. Tôi cũng gặp khó khăn trong việc kết bạn ở một môi trường lạ. Tôi không muốn làm cho bà lo lắng, mà chắc bà cũng biết. Sau khi đã ổn định công việc, mẹ thường ở nhà với tôi vào Chủ Nhật, hay dẫn tôi đi thăm viện bảo tàng thành phố New York.
Không lâu sau khi ly dị, bố lấy một phụ nữ khác. Người này làm ở đài phát thanh tiếng Do Thái. Tôi không dám cho những bạn mới biết vì có mẹ kế là điều không hay. Tôi hơi ngại khi bà ấy sử dụng họ của bố trên đài. Tôi không ấn tượng trước vẻ hào nhoáng của bà ấy vì mẹ đã trở thành thần tượng trong mắt tôi.
Tại đáy của ngăn kéo chiếc bàn đã cũ nát, tôi phát hiện một tập thơ được bọc bằng bìa da giấu bên dưới đống đồ lót của mẹ. Tôi nhận ra ngay tên bà ở mục kính tặng nhưng tôi chỉ đọc được có thế vì toàn tiếng Đức.
Khi hỏi về cuốn sách, tôi thấy mẹ đỏ mặt. Bà kể ngày xưa ở ngôi làng nhỏ Czechoslovakia, tập thơ viết về bà và một chàng trai đã cho xuất bản. Ông là người rất yêu mẹ tôi. Tôi hỏi nhỏ: “Mẹ có yêu ông ấy không?” Lần đầu tiên mẹ tôi trả lời rất rõ ràng: “Có, rất nhiều.”
Ông ấy là con trai một thành viên Hội đồng và mẹ tôi là con gái người bán tạp hóa. Đã có lúc họ phản đối gia đình, và cuộc tình đã kết thúc khi gia đình sắp xếp một đám cưới phù hợp cho ông ấy. Gia đình đã đưa bà sang Mỹ để quên đi chuyện này. Bà đem theo mình cả đống sách vở nhưng chỉ cuốn này có giá trị.
Tôi ngạc nhiên nhìn mẹ, bà là một phụ nữ đơn giản, khiêm tốn, siêng năng làm việc, biết lo xa. Bà vẫn nói với chất giọng nhẹ nhàng và hơi thiếu kinh nghiệm trang điểm. Đối với mẹ, thẩm mỹ viện là chuyện xa vời. Vậy đó, nhưng từng có chàng trai làm thơ về đôi mắt huyền bí, mái tóc hạt dẻ của bà.
Tôi không quan tâm nhiều về việc mẹ được mô tả như thế nào trong sách, tôi cũng không quan tâm thơ viết có hay không. Tôi cảm thấy rất tệ khi mình quá cao, phải đeo vòng kiềm răng và mái tóc thẳng. Tôi nói: “Chẳng ai thèm làm thơ về con.” Mẹ ôm tôi vào lòng, vuốt mái tóc và bảo tôi đã sai. Bà chắc chắn với tôi: “Rồi sẽ có ngày con ạ.”
Chúng tôi rất ít có những lúc trao đổi thực sự, còn nhiều điều chúng tôi chưa nói hay vẫn còn dè chừng sợ làm nhau thất vọng.
Tôi nhớ, mẹ rất bối rối khi nói về cơ thể con người hay giới tính. Bà đã từng phải mua sách để có thể giải thích mọi thứ mà một cô gái mới lớn cần biết.
Khi tôi giành được một mớ huy chương tại ngôi trường cấp ba, tôi giữ im lặng. Tôi vừa nói vừa cố quên đi chiến thắng: “Không có gì khó khăn.” Tôi muốn mẹ phản đối, và bà cần biết dù thế nào chúng cũng rất quan trọng. Một ngày nọ, tôi về nhà phát hiện bà đang lấy những tấm huy chương làm trò đùa cho một đứa bé hàng xóm. Tôi tức giận giằng chúng lại làm mẹ sửng sốt. Đứa bé cũng phát khóc.
Ngay cả khi bố ly dị vợ hai và bắt đầu quan hệ lại với mẹ, chúng tôi vẫn giữ kỹ những suy nghĩ của mình. Rồi bố mẹ tuyên bố kết hôn lại. Chúng tôi bàn chuyện sẽ sống ở đâu và mua những gì. Mẹ cùng tôi đi mua những thứ cần cho lễ cưới và đồ lót cho đêm tân hôn. Lễ cưới được tổ chức trong một căn hộ của người bạn nhưng chị em tôi không được tham dự. Bà bảo: “Trông kỳ lắm!” Chúng tôi phải đi xem phim thay vì đi đám cưới.
Kết hôn lần hai cũng không khá gì hơn lần trước, nhưng bố mẹ phải học cách thông cảm cho lỗi lầm của nhau. Họ nhận thấy nếu không hoàn toàn hạnh phúc thì ở riêng còn tốt hơn. Nhưng dù sao hiện nay họ hòa hợp với nhau hơn trước kia.
Tôi biết cuốn sách vẫn nằm trong ngăn tủ của mẹ. Nếu phát hiện ra, chắc chắn ông cũng không nói gì. Một cuốn sách mỏng, kỷ vật quá khứ, chẳng thể nào ngăn cản họ. Nó cũng không ảnh hưởng đến vai trò làm vợ của mẹ. Khi bố chết, có lẽ mẹ cảm thấy hơi tội lỗi về cuốn sách. Nhiều tháng sau đó khi tôi hỏi về cuốn sách, mẹ nói: “Mẹ đốt nó rồi.” Tôi không kịp nói thêm vì bà đang bận làm bếp.
Mẹ đã từng hứa sẽ có người làm thơ về tôi. Đúng vậy, tôi đã nhận được thơ của anh ấy. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng có cãi nhau, nhưng anh ấy là người nhẹ nhàng và hiểu biết. Anh luôn nói những gì anh cảm nhận và rất quan tâm đến suy nghĩ của tôi.
Tôi giữ một bản sao bài thơ của chồng trong ngăn một chiếc đàn. Tôi cũng lưu trữ tất cả những tài liệu quan trọng ở đây: “Bằng đại học, hộ chiếu, giấy kết hôn, giấy khai sinh của con, và một lá thư của mẹ.”
Chúng tôi cũng có ít bất đồng nhưng tôi không nhớ. Chúng tôi không bao giờ la ó hay giải thích vì sao tức giận mà chỉ nói tạm biệt nhẹ nhàng. Sau đó tôi viết bức thư cho anh ấy: “Xin đừng tức giận! Anh biết em là một phụ nữ nhiều tâm sự mà! Em không nói ra nhưng em rất yêu anh.”
Viết ra những điều này rất có ý nghĩa với tôi. Nếu mẹ tôi đọc được nó, bà sẽ nói một người anh em họ nào đó nghĩ gì về tôi chứ không nói chính mình. Bây giờ thì đã ổn. Dù chúng tôi đã có nhiều năm chung sống nhưng thực ra, chúng tôi vẫn đang học cách giải những mật mã của nhau. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi truyền cho nhau thông điệp “I love you.”