Những bài học từ người mẹ

ÁNH ĐÈN QUANH ĐÂY

Bạn nên bỏ thời gian thắp nến, đừng phí công nguyền rủa bóng đêm.

Christopher Society 

 

Tôi nhớ rõ những ngày ở văn phòng bác sĩ và biến cố đã dẫn chúng tôi đến ngày hôm nay. Mẹ tôi 70 tuổi, bà vẫn khỏe nhưng thị lực đã giảm đáng kể. Nhiều tháng sau, bác sĩ chẩn đoán con ngươi của bà bị thoái hóa. Thế giới của mẹ đang mờ dần.

Chúng tôi mong mỏi tin tốt lành mỗi khi khám bác sĩ, hy vọng những gì ông thấy qua lăng kính sẽ trái với điều phỏng đoán trước đây. Tôi ngồi yên trong phòng khám cầu xin một phép lạ trong khi bác sĩ khám mắt cho mẹ. Một thời gian sau, chúng tôi còn nhận thêm nhiều tin xấu. Võng mạc bị bong ra, thị lực càng kém dần và tôi không thể làm gì giúp mẹ.

Tôi dẫn mẹ ra khỏi văn phòng. Mỗi lần như vậy, bà đều vui vẻ chào tạm biệt bác sĩ và các nhân viên. Bà vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh nói lời cám ơn với những người đã lo lắng chăm sóc bà. Dĩ nhiên, ai cũng tốt với mẹ và họ biết bà là người có sức chịu đựng kỳ lạ.

Chúng tôi thường ra về với dáng vẻ khúm núm, buồn và sợ nói ra những suy nghĩ của mình. Tôi cố tỏ ra lạc quan vì chưa bao giờ bác sĩ nói bà sẽ bị mù. Ông hy vọng bà sớm lấy lại thị lực. Vì vậy tôi chở bà về nhà, dẫn dắt từng bước và cố không để mẹ biết những giọt nước mắt căng thẳng đang làm mờ mắt mình.

Bây giờ, mẹ tôi 85 tuổi và đã mù 5 năm nay. Tôi biết bà đã cố gắng vượt qua nỗi đau và sự thất vọng khi màn đêm trong mắt ngày càng rõ hơn. Điều đặc biệt là khi không còn đi khám bác sĩ, mẹ tôi biết chắc chắn mình sẽ mù nhưng vẫn nhắc lại lời bác sĩ nói nhiều tháng trước.

“Con nhớ không, ông ấy nói mẹ đã được thấy mặt 12 đứa con. Mẹ được nhìn chúng lớn lên, kết hôn và sinh con. Ông ấy nói: Bà hãy nghĩ đến sự may mắn đó, có rất nhiều người bị mù từ lúc mới sinh hay mất thị lực từ khi còn rất trẻ.” Ông nói họ còn khổ hơn bà nhiều khi thấy mẹ khóc và không còn hy vọng gì nữa.

Từ ngày bác sĩ nói vậy, bà hay nhắc điều đó với những người hay hỏi thăm về đôi mắt. Đó là cách thể hiện sự cảm thông khi họ cố an ủi mẹ. Tôi ngạc nhiên vì bà bắt đầu tin vào những lời đó. Thái độ ấy chuyển dần từ thất vọng sang chấp nhận một cách thầm lặng. Nó thật sự gây xúc động.

Ngày nay, bất kỳ ai gặp bà tỏ sự thông cảm, bà liền nói: “Than vãn có ích gì đâu? Còn nhiều người khổ hơn mà.” Tôi để ý phản ứng của bà ngày càng quả quyết. Ban đầu còn hơi lưỡng lự vì cảm thấy tiếc cho mình, sau như có một nỗ lực khủng khiếp khiến bà trả lời được câu hỏi: “Vì sao lại là mình?”

Mỗi khi nghĩ đến bóng tối bà phải chịu đựng, tôi tự hỏi làm sao có thể tìm được niềm vui và mục đích sống trong thế giới đó. Mẹ có bạn bè, bút sách, băng đĩa, các chương trình tivi để “xem”. Mẹ có thể nhớ lại hình ảnh của Angela Lansbury trong “Murder She Wrote” hay tưởng tượng ra hình ảnh khi giọng nói của họ. Bà dành tình yêu cho 10 đứa con và nhiều đứa cháu hằng ngày vẫn nô đùa trong nhà, nhớ những ngày sinh nhật, lễ kỷ niệm và thời gian các cú điện thoại từ New York về California.

Mẹ là người có lòng dũng cảm và tâm hồn mạnh mẽ. Tôi biết ơn vì những gì đã được học ở mẹ. Hơn hết, tôi cảm ơn mẹ đã dạy tôi biết quý trọng những gì Chúa ban tặng. Tôi không biết bà có tin mình may mắn hơn nhiều người khác hay không nhưng những hành động đó đã chứng tỏ niềm tin đó. Có lẽ đây mới thực sự là điều có nghĩa. Bà thật sự chấp nhận nỗi mất mát một cách yên ổn.

Mỗi tối khi tôi gọi điện báo chương trình tivi, bà không thể xem nhưng thực sự “nghe” được, mẹ nói: “Mẹ yêu con, Diane.” Tôi nói: “Con cũng yêu mẹ”. Chỉ thế thôi cũng đủ nói lên tất cả.

 

Diane DeLeo