Có lúc cần từ bỏ một điều để có được một điều khác
“Cuộc sống không luôn dành cho chúng ta mọi thứ, để đạt được những điều cao hơn như ước mơ và mục đích hằng mong muốn, đôi lúc chúng ta cần phải hi sinh những điều khác.”
- Khuyết danh
Một chìa khóa nữa để mở cánh cửa thành công
Tạo động cơ, thiết lập mục tiêu, và làm việc chăm chỉ sẽ đưa bạn tiến xa. Hãy thêm vào đó tính kỉ luật, bạn sẽ càng tiến xa hơn nữa. Mỗi người thành công mà tôi từng biết đều nói rằng, kỉ luật là chiếc chìa khóa vạn năng giúp mọi việc được hoàn tất. Không có nó, bạn sẽ chỉ thành đạt trong một chừng mực nào đó.
Có nhiều người cho rằng người có tính kỉ luật luôn cứng nhắc và thiếu linh hoạt. Thế nhưng thật ra, kỉ luật là một trong những thuộc tính tích cực nhất mà con người có thể có được. Tôi thích định nghĩa của Webster: “Kỷ luật là sự rèn luyện giúp chúng ta tự sửa chữa, tạo khuôn nếp, tạo sự mạnh mẽ, hoặc giúp chúng ta trở nên hoàn hảo hơn”. Khi tự giác áp dụng kỉ luật với bản thân, bạn sẽ nhận ra rằng mình đang kiểm soát những hành động và cả suy nghĩ của chính mình. Chính bạn có thể quyết định mình sẽ làm gì, làm như thế nào và khi nào sẽ hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra.
Triết gia Erich Fromm từng nói rằng, không có tính kỉ luật, cuộc sống của ta sẽ trở nên chao đảo và thiếu tập trung. Nếu hành động của chúng ta tùy theo tâm trạng và ý thích của chúng ta thì tất cả những điều đó không hơn gì một thú tiêu khiển. Ông còn nói rằng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở nên xuất sắc nếu ta không thực hiện điều đó với tinh thần kỉ luật tự giác cao.
Bạn sẵn lòng từ bỏ điều gì?
“Mỗi khi bạn nói VÂNG với một mục tiêu, có nghĩa bạn cũng đang nói KHÔNG với nhiều điều khác.”
- Sybil Stanton
Ba thí dụ về việc từ bỏ những ý muốn nhất thời:
1. Các sinh viên đại học của tôi hầu hết là người đã trưởng thành. Ngoài chuyện phải làm việc 40 giờ một tuần, họ còn theo học 4 giờ mỗi tuần, và lại phải bỏ ra hàng chục giờ nữa để làm bài tập và đọc tài liệu. Đó là sự lựa chọn của họ bởi họ muốn thành công. Họ chấp nhận phải từ bỏ những trò chơi giải trí, từ bỏ những giờ phút nhàn rỗi mỗi kì nghỉ cuối tuần để tích lũy thêm kiến thức, thêm kinh nghiệm. Chính khát vọng được học hỏi, tìm đến những cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp đã giúp họ làm được những điều đó.
2. Khi tôi còn dạy môn tâm lý học, khi đến phần nói về tính kỉ luật, tôi lấy việc tiết kiệm tiền làm ví dụ minh họa. Sau giờ học, một nữ sinh xin nói chuyện với tôi. Cô kể rằng cô có một công việc làm bán thời gian rất tốt, kiếm được hơn 100 đô la mỗi tuần nhưng cô xài hết tất cả. Cô hỏi tôi làm thế nào để có thể áp dụng tính kỉ luật vào việc tiết kiệm. Tôi hỏi cô tiêu tiền ra sao. Cô đáp: “Tất cả số tiền em dùng vào việc mua sắm… và vui chơi”. Tôi khẳng định rằng cô có thể tiết kiệm 40 đô là mỗi tuần bằng cách giảm bớt mua sắm và vui chơi, rằng cô nên giảm bớt việc đi xem phim và các buổi biểu diễn nhạc rock, hạn chế mua các loại hàng hiệu, và không nên ăn nhiều quà vặt. Một vài ngày trước buổi lễ tốt nghiệp, cô đưa cho tôi xem cuốn sổ tiết kiệm. Dòng cuối ghi con số 4.851 đô la Mỹ, một số tiền khá lớn đối với một học sinh trung học thời bấy giờ, số tiền có được nhờ cô thường gửi 40 đô la vào tài khoản của mình mỗi tuần. Cô nói kinh nghiệm này cũng giúp cô hiểu rằng, những điều tốt đẹp nhất trong đời không bắt ta trả giá là bao.
3. Nhiều năm trước đây, tôi vẫn còn là một đứa trẻ luôn mang trong mình một ước mơ được chơi bóng rổ trong một đội tuyển nổi tiếng. Tôi có chiều cao khá tốt, có kỹ thuật, năng khiếu chơi thể thao và một khát vọng cháy bỏng. Từ trung học đến cao đẳng, tôi tập để phát triển thể chất cùng các kỹ năng cần thiết, và chơi bóng rổ mỗi khi có dịp. Dù tôi chưa được chọn vào đội tuyển mà mình hằng mơ ước nhưng những nỗ lực mà tôi bỏ ra đều không vô ích. Những điều tôi nhận được chỉ hơi khác một chút so với điều tôi mong muốn. Những thời gian nhàn rỗi, những chuyến đi chơi trượt tuyết mùa đông, những bữa lễ tiệc đã được đánh đổi thật xứng đáng bằng niềm vui được chơi thể thao, bằng những chiếc huy chương và bằng một học bổng toàn phần vào một trường đại học danh tiếng. Tất cả nhờ vào thói quen kỉ luật cao và đam mê có được thể chất tốt.
Tính kỉ luật là một thói quen tốt
“Thành công là tổng của những nỗ lực nhỏ bé, được lặp đi lặp lại ngày qua ngày mà nên…”
- Robert Collier
Ba trường hợp nêu trên liên quan đến việc chọn lựa, cũng liên quan đến việc hình thành thói quen. Đó chính là cốt lõi của tính kỉ luật: thực hiện những chọn lựa đúng và hình thành những thói quen tốt. Chúng ta hoàn thành được những việc lớn bằng cách làm những điều nhỏ bé ngày này qua ngày khác.
Hầu hết mọi người hoặc là theo dõi những gì xảy ra hoặc sau đó tự vấn điều gì đã xảy ra. Tính kỉ luật giúp chúng ta hoàn thành những việc khi chúng cần phải được hoàn thành, chứ không phải khi chúng ta cảm thấy thích hoàn thành chúng. Đây là chìa khóa để thành công và cả hạnh phúc bởi chúng ta cảm thấy hài lòng thật sự khi gặt hái kết quả từ công sức lao động chăm chỉ và bền bỉ của chính mình.
“Kỉ luật đúng nghĩa không thúc ép sau lưng bạn; nó ở bên cạnh khích lệ bạn.
Khi bạn hiểu rằng kỉ luật la tự chăm sóc mình chứ không phải tự trừng trị mình, bạn sẽ không e dè khi nhắc đến nó, mà ngược lại sẽ vun đắp cho nó.”
- Sybil Stanton