1- Vị trí của Tam Đình:
Tướng học Á Đông chia khuôn mặt thành 3 phần:
Thượng Đình, Trung Đình và Hạ Đình.
- Thượng Đình: Từ chân tóc đến khoảng giữ 2 đầu Lông Mày. Trong các bộ vị của Thượng Đình quan trọng nhất là Trán.
- Trung Đình: từ khoảng giữa 2 đầu Lông Mày đến dưới 2 cánh Mũi. Các bộ phận quan trọng của Trung Đình là: Mũi, cặp Mắt, Lưỡng Quyền, 2 Tai và 2 Lông Mày. Nhưng trong các sách tướng, người ta trú trọng nhiều nhất là bộ phận trung ương là Mũi.
- Hạ Đình: phần còn lại của khuôn mặt tức là phần từ phía dưới 2 cánh Mũi đến Cằm.
2- Ý nghĩa của Tam Đình
Tam Đình có 2 ý nghĩa tổng quát về vận mạng và về khả năng.
a) Về mặt mạng vận:
Theo quan niệm siêu hình của người xưa thì Tam Đình tượng trưng cho tam tài (3 thể trọng yếu nhất trong vạn vật) là THIÊN, ĐỊA, NHÂN Trán thuôc Thiên Đình, tượng trưng cho Trời, trời càng cao, rộng, tươi càng tốt cho nên người ta lấy sự kiện trán cao, rộng và tươi làm quí. Nói chung phần đông kẻ nào có 3 điều kiện này thuộc loại quí tướng, sơ vận suông sẻ.
Bộ vị quan trọng nhất của Trung Đình là Mũi, tượng trưng cho Người. Cơ cấu con người có rộng, dài và cân xứng, mới tốt, nên Mũi cần phải ngay thẳng hoặc tròn trịa, và phải đều đặn cân xứng.
Kẻ hội đủ điều kiện trên được gọi là "hữu nhân giả thọ" có triển vọng sống lâu trung vận gặp nhiều hanh thông hơn người thường.
Cuối cùng là phần Hạ Đình tượng trưng cho Đất và bộ vị quan trọng nhất là Cằm. Vì đất cần phải đầy đặn, vuông vứt mới tốt nên quan niệm cổ điển đòi hỏi, Cằm phải vuông, đầy, chủ về hậu vận sung túc.
Nói chung, trong quan điểm tướng học Á-Đông, Thượng Đình dài mà nẩy nở hoặc vuông mà rộng là triệu chứng quí hiển; Trung Đình mà ngay thẳng, cao ráo và dáng vẻ Thanh tú về trường thọ; Hạ Đình bằng phẳng đầy đặn không lệch lạc nhất là vuông vứt là điềm báo trước sẽ được hưởng vận số tốt lúc về già.
Nếu Thượng Đình nhọn hẹp hoặc khuyết hãm thì hay bị Tai họa, khắc cha mẹ hoặc tính nết ti tiện. Trung Đình mà ngắn hoặc bị lệch, hãm thường là kẻ bất nhân bất nghĩa, kiến thức nông cạn hẹp hòi đồng thời cũng là dấu hiệu hậu vận hao tốn, lênh đênh. Hạ Đình dài nhưng hẹp hoặc nhọn hay thiếu bề dày thì điền trạch khiếm khuyết, tuổi già cực khổ.
Nếu Tam Đình cân xứng thì có thể nói tướng mạo của kẻ thượng đẳng. Cho nên tướng thư có nói "Tam Đình bình ổn, nhất sinh y thực vô khuy"ngiã là 3 phần của khuôn mặt mà được tương xứng đều hợp, không bị khuyết hãm thì cả đời không phải lo đến cơm áo.
b. Về mặt khả năng:
Một số tướng gia khác, nhất là những người thuộc học phái Nhật Bản không mấy chú trọng đến ý nghĩa vận mạng của Tam Đình mà chỉ căn cứ vào cốt tướng học để tìm khả năng con người. Theo nhận định của họ thì:
- Thượng Đình: biểu dương cho Trí lực
- Trung Đình: biểu dương cho Khí lực
- Hạ Đình: biểu dương cho Hoạt lực
Khi tiền não bộ của con người phát triển, óc làm việc nhiều nên Thượng Đình nẩy nở tạo ra vầng trán rộng và cao. Khi trung não diệp phát triển rõ rệt và lấn áp các bộ phận khác của não thì Trung Đình nẩy nở rõ rệt nhất: Sự tăng trưởng của trí tuệ nhường chổ quyết định cho sự vận dụng của bắp thịt. Ngược lại khi não bộ phát triển độc dị thì Hạ Đình cũng phát triển qua mức và gây ra cảnh Hạ Đình vừa dài vừa rộng lấn lướt các phần kia.
Nếu cả 3 phần đều phát triển cân phân theo thuật ngữ "Tam Đình bình ổn "thì con người sẽ quân bình về cả 3 mặt trí lực, động lực và hoạt lực: con người sẽ có nhiều triển vọng thành công về bất cứ lãnh vực gì trong việc mưu sinh hằng ngày. Do đó, cổ tướng học đã rất có lý khi nhận định rằng người có Tam Đình bình ổn không phải khốn đốn vì cơm ăn áo mặc.
Theo nhà tướng học Tô Lãng Thiên, Thượng Đình biểu thị vận tiên thiên. Trung Đình giúp ta quan sát các trạng thái hoạt động hậu thiên. Còn Hạ Đình giúp ta trắc định kết quả khả hữu của các hoạt động của con người (thành hay bại, xấu hay tốt…).
Tóm lại :
Thượng Đình cho biết những dữ kiện thiên phú của con người như trí thức, nghệ thuật, cảm xúc, tinh thần… Nếu trán cao rộng kẻ đó được hưởng sự may mắn tiên thiên, tức là khỏi phải nhọc công sáng tạo. Nếu trán lũng hoặc lệch, hãm là triệu chứng tiên thiên cho biết thời gian ấu thơ bị khốn quẫn về một hay nhiều lãnh vực nào đó, phần trí lực sút kém.
Trung Đình biểu thị cho sự phấn đấu của con người từ thuở thanh niên, có trí khôn đầy đủ tương đối. Phần đáng lưu ý nhất là Mũi và Lưỡng Quyền. Theo tác giả Tô Lãng Thiên, khu vực Mũi và Lưỡng Quyền, ngoài ý nghĩa tiền của, vật chất còn cho ta biết tài năng tháo vát của con người trong cuộc vật lộn để mưu sinh. Nếu Trung Đình đầy đặn, cân xứng, Mũi thẳng, chóp Mũi tròn, 2 cánh Mũi có thế thì tuy Thiên Đình bị lồi lõm sơ vận linh dinh cực khổ nhưng nhờ nổ lực cá nhân bổ cứu mà cuối cùng trung vận có thể phấn chấn lên được.
Tóm lại khu vực Trung Đình phát triển tốt đẹp có thể bổ túc cho khiếm khuyết trí tuệ tiên thiên. Nhờ sự quan sát khu vực Trung Đình, ta đoán được phần nhận định đối với việc xoay xở định mạng
Hạ Đình là kết quả tổng hợp của Thượng Đình và Trung Đình. Việc quan sát khu vực Hạ Đình giúp ta có thể đoán được kết quả của việc vận dụng trí tuệ và nổ lực
cá nhân. Hạ Đình bao gồm Thực - thương, Lộc-thương, Pháp-lệnh, Cằm và Nhân Trung biểu thị sự cố gắng lúc tuổi già. Nói rõ hơn thì Lưỡng - Thương bao hàm sự thu nhập, Cằm cho biết ảnh hưởng của sự sinh hoạt xã hội đã ảnh hưởng và tạo thành kết quả nơi cá nhân đó ra sao.
Trong lúc xem tướng phải nhìn toàn bộ khu vực Hạ Đình để tìm sự nhất quán. Sự phong mãn phải nhất quán thì mới chắc chắn là phúc tướng. Nếu chỉ có hậu não bộ
phát triển mà khu vực Hạ Đình không tương xứng, thì đó chỉ là ước vọng của vật chất không bao giờ thực hiện được. Ngược lại, hậu não bộ không mấy phát triển mà Hạ Đình sung mãn thì kết quả thực tiễn do nổ lực cá nhân đem lại vượt quá ranh giới của tiên thiên và chứng tỏ sự thành công của cá nhân đó phần lớn là do nổ lực nhân sự mà có, sự may mắn hoặc giúp đỡ của tha nhân đối với hạn tướng này không đóng vai trò đáng kể.
Nhất quán là từ trên xuống dưới, từ trái qua phải đều vững chắc, không lệch lạc