Nhân Tướng Học

Phần 2: Các Loại Tướng

Đứng về mặt nghiên cứu ta thấy bất cứ bộ môn nào của ngành nhân văn cũng có rất nhiều ngoại lệ. Tướng học là một ngành nghiên cứu về con người với tham vọng là tìm hiểu cá tính và dự đoán thành bại, thọ yểu…của một cá nhân qua sự tích lũy kinh nghiệm quan sát một số đông người. Nhưng số đông không phải toàn thể nên hơn ở đâu hết, tướng học có nhiều ngoại lệ. Những nét tướng mà ta nghiên cứu từ đầu sách đến giờ là những nét tướng thường thấy trong đời sống hàng ngày, ở những người thân cận với chúng ta, tuy có khác nhau về tiểu tiết nhưng những nét chính về cách cấu tạo diện mạo hình hài lại tương đồng. Chúng ta cảm thấy gần gũi họ và chấp nhận sự hiện diện của họ trong tập thể một cách tự nhiên. Những hạng người đó ta mệnh danh là loại người Chính thường

Ngoài loại người có tướng mạo chính thường kể trên, đôi khi chúng ta thấy một số người có hình dạng khác thường khiến chúng ta thoáng trông qua đã có cảm giác là họ như ở thể giới khác đến với chúng ta, mặc dù họ cùng nói một ngôn ngữ, có khi cùng một vùng hay một họ với chúng ta nữa. Đối với những người đó, sự cấu tạo về hình dạng của khuôn mặt, của thân mình,  hoặc tứ chi có hơi khác lạ không thể dựa vào kinh nghiệm thông thường về Ngũ Quan, Tứ chi để định tốt hay xấu mà phải căn cứ vào nét tướng đặc thù khác. Chẳng hạn một người có khuôn mặt giống người thì ít mà giống khỉ thì nhiều, hình tuy là người nhưng tay dài quá mức bình thường, dáng dấp phảng phất như loài khỉ vượn thì kẻ đó là một trong các thành phần của loại tướng người không phải bình thường. Chúng ta mệnh danh loại tướng người đó là loại Biến cách

Cả hai loại tướng chính thường và biến cách đều có thể được phân thành nhiều loại điển hình nữa. Ngoài ra hình hài của hai loại tướng nói trên còn có thể thuộc về một trong nhiều mô thức điển hình với ý nghĩa riêng biệt của từng mô thức. Những mô thức điển hình đó soạn giả đặt tên là các cách cục đặc biệt. Phần này được dành để khảo sát về 3 trọng điểm trên.