Người đầu tiên chỉ cho tôi biết sữa bò bán trên thị trường có hại cho sức khỏe là mấy đứa cháu họ của tôi. Thời điểm ấy cách đây 35 năm rồi. Hai đứa bé đấy sinh ra và lớn lên ở Mỹ, đáng nói là chúng bị viêm da dị ứng chỉ sáu, bảy ngày sau sinh. Mẹ của bọn trẻ mặc dù đã làm theo chỉ dẫn của các bác sĩ khoa nhi, nhưng bệnh viêm da dị ứng của chúng vẫn không cải thiện chút nào. Lên ba, bốn tuổi, chúng bị tiêu chảy nặng, thậm chí sau đó còn xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu. Người mẹ hoảng sợ và đã đến nhờ tôi kiểm tra. Khi nội soi đại tràng, tôi mới phát hiện ra chúng đã bị loét đại tràng giai đoạn đầu. Rất nhiều trường hợp bệnh viêm loét đại tràng có nguyên nhân liên quan đến ăn uống, thế nên tôi đã điều tra những món mà bọn trẻ thích ăn và thường ăn. Sau đó tôi được biết rằng, thời điểm hai đứa bé này bị dị ứng da, mẹ của chúng đã làm theo hướng dẫn của bác sĩ, ngừng cho bú sữa mẹ và chuyển sang sữa ngoài.
Ngay lập tức, tôi đã yêu cầu cắt hết sữa bò cùng các sản phẩm từ sữa trong khẩu phần ăn của bọn trẻ.
Và sau đó, bệnh đi ngoài ra máu, tiêu chảy, kể cả bệnh dị ứng của chúng cũng được cải thiện rõ rệt.
Từ kinh nghiệm đấy, sau này trong bản điều tra tình hình ăn uống của bệnh nhân, tôi đã thêm một mục là ăn bao nhiêu sữa, các sản phẩm từ sữa. Từ các số liệu lâm sàng tôi nhận thấy việc hấp thu sữa và các sản phẩm từ sữa làm tăng khả năng bị dị ứng. Kết quả này cũng trùng với kết quả của nghiên cứu gần đây về dị ứng. Nghiên cứu này chỉ ra rằng nếu người mẹ uống sữa bò, các sản phẩm từ sữa trong thời gian mang thai, con sinh ra dễ mắc các bệnh dị ứng hơn.
Ở Nhật Bản, trong 30 năm gần đây, số người bị dị ứng, dị ứng phấn hoa tăng lên nhanh chóng. Hiện tại, con số đấy còn lớn đến mức cứ năm người lại có một người bị dị ứng. Có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến nhiều người bị dị ứng, nhưng theo tôi nguyên nhân đầu tiên là do từ những năm 1960, sữa bò bắt đầu được đưa vào khẩu phần ăn trong trường học.
Loại sữa chứa nhiều lipit peroxide làm gia tăng hại khuẩn, ảnh hướng xấu đến môi trường đường ruột và phá vỡ cân bằng các vi khuẩn trong đường ruột. Kết quả là các chất độc như gốc tự do oxy hóa, hydro sulfua, amoniac... được sinh ra trong đường ruột. Các chất độc này sẽ trải qua những giai đoạn nào hay sẽ gây nên những bệnh gì vẫn còn là vấn đề đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, đã có nhiều tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng sữa bò không chỉ là nguyên nhân gây nên các bệnh dị ứng mà còn là nguyên nhân hình thành nên các căn bệnh nguy hiểm khác như bệnh máu trắng, tiểu đường... Những nghiên cứu này bạn có thể dễ dàng tìm được trên mạng Internet.
Nhầm lẫn lớn nhất của mọi người đối với sữa bò là sữa bò giúp phòng tránh bệnh loãng xương. Mọi người hay cho rằng theo thời gian, lượng canxi trong cơ thể sẽ giảm đi, vì thế hãy uống sữa bò để phòng tránh bệnh loãng xương. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm tai hại. Chính vì uống quá nhiều sữa bò mới dẫn đến bệnh loáng xương. Canxi trong sữa bò được cho là hấp thụ tốt hơn canxi trong cá nhỏ hay các thực phẩm khác, nhưng sự thực lại hơi khác một chút.
Nồng độ canxi trong máu người ổn định trong khoảng 9 - l0mg (l00cc). Khi uống sữa bò, nồng độ canxi trong máu tăng lên nhanh chóng. Thế nên nếu chỉ nhìn qua, mọi người sẽ cho rằng cơ thể hấp thu được nhiều canxi, Tuy nhiên, chính cái gọi là "tăng nồng độ canxi trong máu" này lại gây nên bi kịch cho chúng ta. Thực ra, khi nồng độ canxi trong máu tăng lên, cơ thể sẽ điều chỉnh sao cho nồng độ canxi quay về giá trị cân bằng ban đầu, lượng canxi thừa sẽ được thận bài tiết qua đường nước tiểu.
Nói cách khác, thật đáng buồn cười khi chính lượng canxi trong sữa bò vốn được ta uống để hấp thu thêm canxi lại làm giảm lượng canxi trong cơ thể. Bốn nước có ngành công nghiệp sữa lớn trên thế giới là Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan. Tại các nước này, người dân uống sữa mỗi ngày. Tỉ lệ gãy xương, loãng xương ở các nước này cao là vì vậy.
Trong khi đó, canxi trong các loại cá nhỏ hay rong biển mà người Nhật thường ăn trước đây không bị hấp thu nhiều đến mức làm tăng nồng độ canxi trong máu. Trong giai đoạn chưa hình thành thói quen uống sữa, người Nhật hầu như không bị bệnh loãng xương. Ngay cả hiện tại, tôi cũng chưa nghe nói những người không có thói quen uống sữa hay ghét sữa lại bị bệnh này cả. Các loại tôm nhỏ, cá nhỏ, sau khi được tiêu hóa trong ruột, sẽ để lại canxi và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể hấp thu. Thế nên đây chính là thực phẩm tốt cho cơ thể.