Nhan sắc và tâm hồn

ĐIỀU KHÔNG THỂ NÓI

Chị bước ra khỏi Thẫm Mỹ Viện. Nắng chiều hây hây. Chị thong thả băng ngang qua một rạp chiếu bóng. Vài ánh nhìn lướt qua chị đầy vẻ ngạc nhiên thán phục. Mặt chị bừng đỏ. Mặc dù chị không còn tính e thẹn của một cô gái dậy thì, nhưng cảm giác được nhìn ngắm khen tặng làm chị sung sướng bừng bừng, máu dồn lên mặt. Thật không bỏ công chị chịu đựng bao đau đớn, lo sợ và “biệt giam” cả tháng trời. Giờ đây, chị biết mình đã thành công. Các nhát dao mổ đã mờ dấu, chất silicon làm má chị căng ra, mịn màng. Đôi mắt trở lại trong sáng, xênh xếch khoé nhìn trẻ trung.

Tuy không khát, nhưng chị cũng vào quán nước và kêu một lon nước ngọt. Chị có thể tự khao mình và cũng để kéo dài thời gian dạo qua dãy phố. Rồi đây, chút nữa, khi bước chân vào nhà, chị sẽ làm cho Thuận, chồng chị mặc sức ngạc nhiên. Anh sẽ thắc mắc, sẽ đặt ra bao nhiêu câu hỏi. Nhưng chị làm chuyện này tất cả cũng vì tình yêu của chị và của anh. Lấy nhau đã hơn 10 năm, cái thuở ban đầu ấy cũng tình tứ, dịu ngọt như bao cặp tình nhân khác. Chị không đẹp nhưng cân đối và có duyên. Chị chưa bao giờ nghi ngờ tình yêu của chồng cho đến một hôm …. Đấy là thời kỳ chị mang thai đứa con gái đầu lòng, cái thai con so vật chị đêm ngày. Ba tháng trời liên tiếp, chị không ăn nổi một muỗng cơm. Thấy cái gì cũng nhờn nhợn, ngửi mùi gì cũng nôn oẹ. Nôn mửa, chóng mặt là chuyện cơm bữa. Da mặt chị nám lại, người vàng ệch, xanh tái. Bụng căng làm mất dáng vẻ cân đối. Tướng đi lề mề, Mỗi sáng soi gương chải tóc, chị thấy mình xấu, thật xấu. Má chị cười bảo, ba tháng đầu ai cũng bị hành cho xanh xao, vàng vỏ. Nhưng đến tháng năm, tháng sáu, mới bắt đầu đỏ da, thắm thịt như xưa. Con đừng lo. Đẻ rồi, gái một con trông mòn con mắt mà.

Song đấy là đôi mắt người mẹ. Còn chồng chị. Mỗi khi ngồi ăn cơm với nhau, chị lại len lén nhìn chồng, xem anh có phê bình gì không. Thỉnh thoảng, chị vờ than thở: em xấu quá. Thì anh lập đi lập lại. Tại em không ăn được cơm. Ráng ăn cho khoẻ. Tháng thứ ba là tháng chị bị hành nhiều nhất. Chị mệt đến độ không buồn trang điểm, thay đổi áo sống.

Một buổi sáng, khi đang đứng trước gương trong phòng tắm đánh răng, chị bắt gặp ánh mắt anh nhìn chị. Ôi, chị không biết phải diễn tả như thế nào. Hình như đó là ánh nhìn của một kẻ lạ hoặc giả của một kẻ thất vọng trước món đồ chơi không ăn ý. Anh nhìn sau lưng chị đăm đăm rồi quay đi. Chị rùng mình rửa lại gương mặt húp híp, cố ngăn đợt sóng không tên cứ dâng lên ngực. Chị nôn oẹ rồi ngất đi ở cửa phòng. Khi chị thức dậy, anh ngồi bên chị lo lắng. Đôi mắt sau gương kia không còn nữa. Anh vẫn là anh ấy, nhưng trong lòng chị có một điều gì đó không rõ rệt, cứ lẩn quất và thì thầm nhắc nhở. Những ngày mang thai còn lại, chị tránh đứng trực diện với anh, tránh đối mặt anh vào buổi sáng, và chị hoàn toàn không dám khoả thân thay quần áo trong phòng ngủ của hai vợ chồng. Anh có lần đùa bảo: anh biết rồi, còn dấu gì nữa. Nhưng chị vẫn cười gượng gạo trong một nỗi nhức nhối đâu đó ở tận đáy tâm hồn.

Mãi đến khi sinh xong, người chị trở lại nét cân đối ban đầu. Da chị trắng ra, hồng hào. Chị biết mình đang là gái con so. Thỉnh thoảng, chị bắt gặp đôi mắt chồng ngắm mình thích thú, nhưng sao chị không còn sung sướng như trước nữa. Trong chị, vẫn là nỗi canh cánh, thấp thỏm không yên. Chị không thể tránh nổi ý nghĩ rằng, một mai, nếu chị đau yếu, xấu đi, hẳn ánh mắt hôm nào sẽ tái hiện. Và nếu nó không biến mất mà tái hiện thường xuyên thì chị liệu có sống nổi không? Chị đã biết anh từ hôm đó.

Trong một dịp, ngồi xem phim tình cảm với anh. Chị đã nghe lời bình phẩm của chồng dành cho nhân vật chính: bỏ nhau cũng phải bởi vì đâu ai có thể sống chung với người bị tâm thần.

Câu nói làm chị đau đớn và lặng lẽ suốt một tuần lễ. Lý lẽ của anh không sai, nhưng sao chị lại càng lo sợ cho mình. Đôi lúc, chị tự nhủ: quả là mình khe khắt hoặc mặc cảm quá đáng. Mình bị bệnh rồi. Phải tự tin mà sống chứ.

Thời gian qua. Vào một ngày cuối năm, khi nhẩm tính tuổi mình, chị thản thốt thấy qua gương những sợi tóc bạc xuyên màu tóc.“Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”. Chị rùng mình đưa tay vuốt làn da đã chùng. Dạo này, công danh của anh khá hơn. Anh có nhiều dịp tiệc tùng, di chuyển xa nhà. Quanh anh, những cô gái trẻ, một thế hệ mới vây quanh, đẹp đẽ, hương sắc không dấu diếm. Chị quay quắt sợ cái ngày nhan sắc chị phơi bày trước sự so sánh của anh. Chị chưa bao giờ nghĩ rằng một tình yêu đích thực giữa hai trái tim dễ bị cái bề ngoài tàn phá. Con cái, công việc, bận rộn, chị và anh ít có dịp sánh đôi nhau và hình như cả hai chẳng buồn tạo ra những dịp đó. Trong thâm tâm, chị thèm muốn biết bao được hạnh phúc tay trong tay cùng anh đi dạo trên những con đường như những ngày xa xưa.

Sự lo âu trở thành nỗi ám ảnh. Sợ mất anh, chị khao khát được trả lại tuổi trẻ. Chị là một người vợ tốt. Anh cũng là người chồng tốt. Nhưng anh có một điểm yếu là thích đẹp, chị không đẹp và tuổi trẻ thì đã qua rồi. Chị không biết nếu chị già nua, da nhăn, má hóp thì tình yêu mà chị mong muốn có bền vững hay không?

Cứ sống với tâm trạng đó, nên chị, cúôi cùng, không cản được mình bước vào một thẩm mỹ viện trong dịp anh đi công tác xa. Và hôm nay, mọi thứ đã hoàn tất kịp lúc. Chị ngồi đây, lặng lẽ tận hưởng những kết quả.

Đèn đường thắp sáng. Ly nước cạn trơ ra những viên đá trong suốt lụn vụn. Chị quyết định đứng dậy trả tiền.

-Cô cho anh 5 ngàn.

Chị liếc nhìn thật nhanh người thu tiền. Một thanh niên khoảng 30 tuổi. Khó khăn lắm chị mới gạt được ý tưởng rằng mình vẫn trẻ như xưa. Song, lòng chị hân hoan. Chị ngoắc một chiếc xích lô.

Lúc chị bước vào nhà, anh đang soạn những món đồ lỉnh kỉnh trong chiếc túi hành trang. Anh ngứơc lên. Gương mặt anh chợt biến đổi, ngẩn người ngạc nhiên, một chút thắc mắc rồi bật cười:

- Em có cái gì khác, thật lạ. Trông như một người lạ nhưng lại rất quen.

Chị cười sà xuống bên anh. Chị lập lại cử chỉ thân mật ngày xưa. Một ngón tay cơi cơi mái tóc rơi trên trán chồng.

- Anh mới về, chắc là thấy tờ giấy em dán trước cửa phải không? Con qua ngoại chơi. Em đi công chuyện.

Anh không nghe chị nói vì mãi nhìn chị bằng đôi mắt lạ lẫm, rồi anh mỉm cười.

- Chắc chắn là em đã thay đổi một cái gì đó trên gương mặt của mình.

Chị cũng mỉm cười:

- Nhưng anh thấy thế nào?

- Tất nhiên đẹp hơn trước nhiều. Trông em không giống như bà sồn sồn mệt mỏi nữa. Em trẻ ra thực sự, đường nét như mập mạp hơn. Khác trước thật.

Nửa đêm về sáng, chị thức dậy lúc anh còn say ngủ. Họ đã qua một đêm thật mặn nồng. Chị bước vào phòng tắm, đến bên vòi nước, nhìn vào bóng mình trong gương. Không hiểu vì sao chị có cảm giác như mình đang đối diện với một người nào khác. Chị lắc đầu cố vục mặt vào trong nước lạnh để tránh đi những ý nghĩ đang thành hình. Chị cố tạo ra tiếng động ồn ào và nhanh chóng trở lại giường ôm chặt lấy anh. Anh đang say ngủ. Chị nhắm mắt rồi lại mở mắt nhưng vẫn ý thức được rằng nổi sung sướng tự tin từ chiều qua đang rã dần, vụn vằn trong đêm. Có cái gì bắt chị suy nghĩ, tự hiểu rằng, những xảy ra vừa qua không phải là thật sự. Tình yêu mà chị muốn, thứ tình yêu có nỗi mê đắm, cháy bòng và sôi nỗi kia lại được thắp lên bởi nhan sắc giả tạo chứ không phải chị, không phải bản thân chị. Gương mặt đó là của chị, nhưng nhất thiết không phải là đường nét thời thanh xuân của chị. Nói rõ ra, bản thân chị đâu đủ sức để nuôi giữ tình yêu. Và như vậy, những mất mát mà chị linh cảm qua thời gian đang được hiện tại làm rõ.

Nhưng những ngày tới, vẫn là chị với gương mặt sửa sang tô vẻ. Rồi chị sẽ được sánh vai chồng dạo phố. Chị sẽ được âu yếm hơn, hạnh phúc hơn. Song nỗi buồn ẩn dấu kia vẫn lưu giữ sâu trong tâm hồn chị. Chị sẽ không bao giờ nói ra điều đó cho bất cứ ai. Chị không thể sống khác đi những gì đang diễn biến trong cuộc đời chị. Nhưng chị tự biết rằng chị đã bị tổn thương bởi chính nhát đâm của mình. Bây giờ thì chị chờ đợi. Chờ đợi ngày chất silicon không còn tác dụng. Chị biết lúc ấy mình như thế nào. Nhưng xá gì khi nỗi đau đã định hình rồi. Anh vẫn thường cho rằng chị đòi hỏi toàn những điều kiện không tưởng. Đôi khi chị cũng thấy anh nói đúng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc sống này chỉ là sự kết hợp nhất thời.

Bỗng dưng chị thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết.

KIM HÀI