- Người về nói với ba trò ta, cơm nước cho xong rồi đến trường thi chờ sẵn, để đến lúc nhập trường cho mặt, khi nghe kêu đến tên Nhạc Phi hãy bảo còn đi sau nhé.
Ba trò hiểu ý riêng của thầy nên cơm nước xong kéo nhau đến trường thi. Từ bốn phương tám hướng, các thí sinh kéo đến rầm rập, ai ai cũng vọng tưởng hai chữ công danh.
Sau ba hồi trống báo hiệu, quân lính đến sắp hàng hai bên giáo đường, gươm giáo cầm trong tay rất nghiêm trang. Phía trước cửa, ông thơ lại tay ôm quyển sổ cao giọng xướng danh. Các võ sinh lần lượt vào trường thi, ai nấy đều cung mã chỉnh tề.
Châu Đồng ngồi uống trà nóng, lắng tai nghe trong trường thi tiếng cung lắp tên, kêu lắc cắc, tiếng tên bay vo vo hồi lâu, bỗng ông buông tiếng cười dài.
Nhạc Phi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao gia gia lại cười?
Châu Đồng đáp:
- Thế con không nghe gì cả sao? Tiếng cung bắn bôm bốp, tiếng tên bay vo vo mà không nghe tiếng trống chiêng chi cả, chẳng phải buồn cười sao?
Quan huyện gọi đến tên Nhạc Phi đôi ba phen vẫn không thấy ứng tên, ông gọi đến Thang Hoài rồi Vương Quới và Trương Hiển, ba trò dõng dạc bước vào trường thi, còn ba ông Viên ngoại đứng ngoài thấp thỏm nhìn xem con mình liệu có chiếm được bảng vàng hay không?
Quan Huyện Lý Xuân thoáng thấy ba trò này tướng mạo và cử chỉ có khác hơn những võ sinh kia nên ông rất ưng ý.
Sau khi làm lễ xong, quan Huyện hỏi:
- Trong bọn các trò còn tên Nhạc Phi sao không đến?
Thang Hoài chắp tay thưa:
- Nhạc huynh chúng tôi hãy còn đi sau.
Ông ta gật đầu:
- Thế thì bây giờ khảo thí ngươi trước.
Thang Hoài đứng bên tấm bia, chàng cảm thấy thi cử gì mà bia dựng gần quá làm sao đo được tài cán của mình nên vội lên tiếng xin dựng bia xa thêm nữa.
Huyện quan cười gằn bảo:
- Bia dựng xa đến sáu mươi bước, hồi mai đến giờ các võ sinh bắn sai hết, chắc gì trò bắn trúng mà bảo dựng xa thêm nữa?
Thang Hoài vẫn khăng khăng:
- Nhưng sức tiểu sinh bắn có thừa, xin cứ việc dời bia ra xa.
Huyện quan truyền dời ra xa tám chục bước. Trương Hiển đứng ngoài lớn tiếng xen vào:
- Đối với chúng tôi như thế vẫn còn gần lắm.
Huyện quan truyền đem bia xa hàng trăm bước.
Vương Quới lại nói:
- Vẫn còn gần lắm, dời xa nữa cơ.
Quan Huyện Lý Xuân mỉm cười sai quân dời bia ra xa đến hai trăm bước. Bấy giờ ba người mới bắt đầu phi ngựa trương cung trổ tài.
Thang Hoài bắn trước, kế đến là Trương Hiển rồi mới đến Vương Quới, tiếng cung bay vun vút hòa lẫn với tiếng chiêng trống vang dậy. Mọi người đứng chung quanh cất tiếng khen nức nở.
Quan Huyện cũng đứng nhìn không chớp mắt và nghĩ thầm:
- “Không biết ba trò này là đồ đệ của ai mà thiện xạ đến nỗi không bắn sai mũi nào cả”.
Ông hỏi bọn Vương Quới:
- Ai dạy các trò cung tiễn ấy?
Vương Quới bước đến thưa:
- Tiên sinh chúng tôi dạy đấy!
- Nhưng tiên sinh trò là ai mới được chứ?
- Dạ tiên sinh tôi là sư phụ.
Thấy Vương Quới trả lời quanh quất, quan Huyện cười ha hả:
- Tuy ngươi võ nghệ cao cường song ăn nói còn thật thà lắm. Ta muốn hỏi sư phụ ngươi tên gì cơ.
Thang Hoài bước tới lễ phép thưa:
- Thầy chúng tôi là người ở Hiệp Tây tên là Châu Đồng.
Quan huyện Lý Xuân gật đầu lia lịa:
- Thế thì thầy là người bạn thân thiết của ta đấy. Đã lâu không gặp mặt, chẳng biết bây giờ người có đi cùng các trò đến đây không?
Thang Hoài thưa:
- Thầy tôi đang ngồi uống trà bên quán gần đây.
Quan huyện Lý Xuân bèn sai người mời Châu Đồng đến. Giây phút sau Châu Đồng và Nhạc Phi đến, quan huyện thân hành ra tận cổng đón rước nồng hậu.
Sau khi đã phân chủ khách an tọa, quan Huyện nói:
- Lâu nay tiên sinh mở trường dạy học trong huyện tôi, sao không đến thăm tôi?
Châu Đồng đáp:
- Chẳng phải tôi coi nhẹ tình bằng hữu đâu, song ở đây người ta thường hay thưa kiện thì bạn thân không nên đến cửa quan, e rằng quốc pháp không được nghiêm minh có phương hại đến tư cách một ông quan, chi bằng đừng đến thì hay hơn.
Quan Huyện gật đầu:
- Tiên sinh quả là người nhìn xa, trông rộng.
Châu Đồng hỏi:
- Chúng ta cách biệt đã lâu, không biết lão đệ hiện nay được mấy cháu?
Quan Huyện đáp:
- Vợ đệ đã qua đời để lại một cháu gái, nưy được mười sáu tuổi. Chẳng hay tẩu tẩu năm nay có mạnh giỏi không, xin nói cho tôi mừng.
Châu Đồng thở dài:
- Vợ tôi qua đời lâu rồi.
- Thế con cái ra sao?
Châu Đồng giơ tay ngoắt Nhạc Phi đến bảo:
- Con hãy làm lễ ra mắt thúc phụ con đi.
Nhạc Phi vâng lời bước ra lễ bái quan Huyện Lý Xuân, ông ta thoáng thấy chàng tướng mạo phi phàm, cốt cách đoan trang, liền hỏi:
- Chẳng hay đại huynh sinh lệnh lang hồi nào mà tôi không hay biết?
Châu Đồng cười đáp:
- Lệnh ái thì lão đệ thân sinh, còn trẻ này là minh linh chi tử, tên hắn là Nhạc Phi, vậy xin lão đệ hãy khảo thí xem trình độ cung tiễn của hắn ra thế nào?
Quan huyện nói:
- Mấy trò kia của đại huynh dạy còn hay giỏi dường ấy, huống chi hắn là con của đại huynh thì cần chi phải khảo hạch?
Châu Đồng tỏ vẻ không bằng lòng:
- Đây là quốc gia lựa chọn anh tài, chẳng nên vị tình, nếu làm như vậy thì làm thế nào cho lòng người khâm phục?
Quan huyện vội truyền dựng bia lên, Nhạc Phi xin dời bia ra xa hơn nữa.
Quan huyện hỏi:
- Chẳng hay sức bắn của lệnh lang được mấy chục bước?
Châu Đồng ngỏ lời:
- Trẻ tuy còn nhỏ song thần lực mạnh mẽ, sức bắn gần ba trăm bước.
Quan huyện phục thầm, nhưng lòng chưa tin, bèn cho quân dời bia ra xa hai trăm tám chục bước. Nhạc Phi bước xuống thềm cưỡi ngựa khai cung. Chàng bắn luôn chín mũi đến trúng đích, tiếng trống đang vang dậy một góc trời, mọi người vỗ ta không ngớt.
Người lính kiểm bia đến chắp ta thưa với quan huyện:
- Tiểu tướng công này bắn hay lắm, chín mũi tên ấy lấy ra, chỉ có một lỗ rách mà thôi.
Quan huyện hỏi Châu Đồng:
- Năm nay lệnh lang được bao nhiêu tuổi và đã kết nghĩa châu trần đâu chưa?
Châu Đồng lắc đầu:
- Năm nay cháu nó mới lên mười sáu nên chưa vội định thân.
Quan huyện nghe nói mừng thầm, vội tỏ lời hơn thiệt:
- Đệ thấy cháu nó nên người nên muốn gả con gái của đệ cho cháu, xin đại huynh nghĩ tình bằng hữu, chớ có từ chối. Vậy ý đại huynh thế nào xin cho đệ biết mà mừng với.
Châu Đồng ra vẻ băn khoăn đáp:
- Nếu lão đệ có lòng đoái tưởng đến con tôi, thì còn gì hân hạnh bằng. Nhưng thiết tưởng kẻ nghèo hèn mà kết duyên với bậc cao sang, e không xứng đáng?
Quan huyện trầm giọng bảo:
- Chúng ta là bạn thâm giao từ thuở bé đến giờ, việc tiền nong, địa vị có nghĩa gì với chúng ta? Đại huynh cần gì phải khiêm nhường. Miễn đại huynh không chê thì sáng mai đây tôi xin viết canh thiếp giao cho đại huynh ngay.
Châu Đồng vội gọi Nhạc Phi, bảo chàng lạy mừng nhạc phụ rồi từ tạ trở ra cùng các viên ngoại trở về nhà.
Rạng ngày hôm sau, quan huyện lo xong việc quan vội viết canh thiếp sai một tên nha lại cưỡi ngựa thẳng đến làng Kỳ Lân trao cho Châu Đồng, thưa rằng:
- Tôi vâng lệnh lão gia đến đây dâng canh thiếp của tiểu thư cho ngài thâu nạp.
Châu Đồng vui mừng tiếp lấy hai tay rồi trao lại cho Nhạc Phi và nói:
- Đây là canh thiếp của Lý Tiểu thư, con hãy cất giữ cho cẩn thận.
Nhạc Phi đem canh thiếp về dâng cho mẹ, bà An Nhân mừng rỡ khôn cùng vội để lên bàn thờ thắp nhang đốt đèn làm lễ ông bà rồi mới lấy canh thiếp giở ra xem. Bà thấy Lý Tiểu thư cũng cùng sinh ra một năm, một tháng, một ngày, một giờ như con mình bà lấy làm lạ, nghĩ thầm:
- “Hay là hai trẻ có lương duyên trong kiếp trước, nên trời cho đi đầu thai một lượt chăng”.
Nghĩ vậy, bà xếp canh thiếp cất vào nơi kín đáo.
Trong lúc Nhạc Phi trở về nhà, Châu Đồng lo sắm chút lễ vật gói vào một miếng giấy đỏ trao cho viên nha lại và khiêm nhường bảo:
- Tôn huynh chẳng ngại đường sá xa xôi, lặn lội đến đây lại phải trở về gấp, không kịp cơm nước gì. Vậy xin tôn huynh hãy niệm tình thâu nhận chút lễ mọn này để cho lòng tôi được thỏa nguyện.
Lão nha lại giả vờ từ chối lia lịa, nhưng tay thì đón lấy lễ vật bỏ vào túi từ tạ về ngay.
Hôm sau Châu Đồng sắm sửa lễ vật gọi Nhạc Phi vào bảo:
- Con hãy cùng cha qua bên huyện để tạ ơn nhạc phụ con nhé.
Nhạc Phi tuân lệnh theo Châu Đồng thẳng đến dinh, gửi danh thiếp vào huyện đường. Quan huyện vội vã ra tận ngoài cổng đón cha con Nhạc Phi vào trà nước, đãi đằng trọng thể.
Sau khi Nhạc Phi làm lễ tạ ơn nhạc phục xông xuôi, quan huyện bảo gia đinh dọn tiệc đãi đằng vị thông gia, đồng thời dọn thêm một mâm phía ngoài cửa.
Châu Đồng biết ý, vội khỏa tay nói:
- Cha con tôi đi bộ đến đây chẳng mang theo kẻ tùy tùng, xin lão đệ khỏi lo điều ấy.
Quan huyện Lý Xuân vừa hớp xong ngụm rượu, cất tiếng thân mật:
- Nay hiền tế nó sang viếng thăm, tôi muốn cho hắn vật gì để tỏ tình phụ tử, song không biết cho vật gì cho xứng, sẵn nhà có thừa con ngựa tốt, để tôi cho rể đi đỡ chân.
Châu Đồng cười ha hả:
- Thế còn gì quí hóa cho bằng. Nhạc Phi nó đang thao luyện võ nghệ mà thiếu con ngựa, nay lão đệ cho nó thì quả là làm một việc hợp tình, hợp nghĩa vô cùng.
Hai ông thông gia cùng chén tạc chén thù tưởng không có gì tương đắc cho bằng. Bỗng thấy gia đinh dắt con ngựa đến có thắng yên cương, quả là con tuấn mã hiếm có trên đời.
Châu Đồng trỏ con ngựa bảo Nhạc Phi:
- Ngựa này là của nhạc phụ con tặng đấy, con có thích không?
Lý Xuân thấy Nhạc Phi ra vẻ thờ ơ không đáp, vội hỏi:
- Nếu con không thích con ngựa này, thì con ra ngoài chuồng, tùy con lựa một con vừa ý.
Nhạc Phi cúi đầu tạ ơn rồi cùng gia đinh đi chọn ngựa, nhưng chàng xem qua cả chuồng có hằng mười mấy con mập mạp mà chàng chẳng thích con nào cả.
Chàng trở vào thưa lại:
- Những con ngựa ấy to lớn, mập mạp thật, nhưng chỉ để cho những bậc giàu có nhàn nhã tra yên, gắn lạc cho đẹp để cưỡi đi chơi chứ không phải loại ngựa dùng đến để xông pha nơi tên đạn, dẹp loạn phò nguy, an bang tá quốc, dựng nên nghiệp cả, nên con không chọn được con nào ưng ý.
Lý Xuân lắc đầu, lè lưỡi:
- Nếu tìm hạng ngựa ấy thì e nội xứ ngày khó mà tìm được.
Trong khi ấy bỗng nghe phía bên kia vách có tiếng ngựa hí vang rền, tiếng hí khác với ngựa thường, ai nấy đều ngạc nhiên. Nhạc Phi vội nói:
- Con ngựa ấy mới là ngựa vừa ý con, nhưng không biết ngựa ấy của ai?
Châu Đồng chau mày hỏi:
- Con chưa thấy ngựa, chỉ nghe nó hí sao con biết nó tốt?
Nhạc Phi đáp không cần nghĩ ngợi:
- Thưa gia gia, cứ theo tiếng hí của nó cũng có thể biết được nó đủ sức xông pha ngoài trận mạc.
Lý Xuân cất tiếng khen:
- Quả vậy, hiền tế nghe tiếng ngựa giỏi lắm. Ngựa ấy là của tên gia thuộc Châu Thiên Lộc mua tận bên Bắc Địa, trong vòng một năm nay nó cứ vượt chuồng chạy về với chủ đã năm sáu phen rồi. Con ngựa ấy, ở đây không ai trị nổi nó nên mới nhốt riêng một chuồng bên kia.
Nhạc Phi thưa:
- Vậy xin nhạc phụ cho phép con được xem ngựa, và thử cưỡi nó ra sao?
Quan huyện Lý Xuân gật đầu:
- Ta chỉ sợ hiền tế không trị nổi nó mà mang hại vào thân, chứ nếu hiền tế dùng được thì ta sẵn sàng tặng cho ngay.
Nhạc Phi theo tên giữ ngựa ra chưa đến chuồng, tên giữ ngựa đã quay lại căn dặn:
- Xin tiểu tướng công hãy cẩn thận mới được, vì con ngựa này đã làm hại nhiều người rồi.
Nhạc Phi thản nhiên bước đến, chàng thấy con ngựa này cao lớn và hết sức hung dữ. Nhạc Phi phải tránh né lanh lẹ lắm mới thoát khỏi đôi vó độc hiểm của con vật, rồi trở qua một bước giơ tay nắm chặt lấy chiếc bờm ghì xuống đánh cho một hồi. Quả là “mềm nắn, rắn buông”, con ngựa tỏ ra hiền lành, cúi đầu chịu thuần phục.