Trần Đoàn Lão Tổ biết rõ huyền cơ, sợ Đại Bàng đầu thai xuất hiện chốn phàm trần không người bảo hộ, nếu có bề gì sẽ không ai phò trợ cho giang sơn Nhà Tống, vì vậy Trần Đoàn Lão Tổ phải thân hành đến nơi săn sóc đứa hài nhi cùng đặt tên cho hắn vì hắn chính là hiện thân của Đại Bàng Điểu.
Sau khi Lão Tổ kiếu từ Nhạc Hoà, vừa bước ra khỏi nhà chợt thấy bên giếng nước có hai cái chum lớn, vốn là của Nhạc Hoà mới mua về tính để nuôi cá chơi, song chưa kịp đổ nước. Lão tổ cầm cây gậy chỏ vào hai chiếc chum, giả vờ bảo:
- Hai cái chum này vẽ vời đẹp quá!
Vừa nói Lão tổ vừa âm thầm niệm chú hoạ phù vào hai cái chum ấy rồi kiếu từ ra đi. Nhạc Hoà cũng theo chân Lão tổ tiễn đưa ra khỏi cửa.
Lão tổ quay lại nói:
- Tôi là người đã xuất gia tu hành, không khi nào dám nói dối. Như tôi đi đến chỗ khác gặp vị thí chủ nào hảo tâm thì tôi sẽ ở lại đó thụ hưởng, xin Viên ngoại khỏi phải chờ đợi mất công.
Nhạc Hoà nói:
- Nếu lão sư tìm được đồng đạo thì trở lại đây ở chơi cùng với tôi vài bữa nhé!
- Vâng, xin cảm ơn, nhưng có một điều tôi cần nói cho Viên ngoại rõ, như trong ba hôm nữa mà con ông vô sự thì thôi, bằng có điều chi trắc trở, ông hãy bảo bà bồng đứa bé vào trong cái chum này mới có thể bảo toàn tính mạng được, xin ông hãy nhớ lấy lời tôi.
- Vâng, tôi sẽ vâng lời chỉ giáo!
Lão tổ từ tạ rồi bước ra khỏi ngõ biến mất dạng.
Nhạc Hoà trong lòng vui mừng như hoa nở, đến ngày thứ ba khắp nhà treo đèn kết hoa, bạn hữu khắp nơi đến chúc mừng. Viên ngoại bày tiệc thiết đãi ăn uống vui vẻ.
Một số bạn bè ông nói:
- Viên ngoại hãy bảo bà nhà bồng cháu nhỏ ra đây cho chúng tôi xem thử.
Viên ngoại vào nhà nói cho vợ là An Nhân hay, rồi lấy chiếc dù che cho đứa bé bồng ra cho chúng bạn xem.
Mọi người trông thấy đứa bé trán rộng, miệng vuông, mũi ngay mắt sáng, ai nấy đều tấm tắc ngợi khen. Bỗng trong đám bạn bè có một chàng trai chạy đến nắm tay đứa bé bảo:
- Thằng bé này dễ thương quá nhỉ!
Nói chưa dứt lời, bỗng thấy thằng bé khóc thét lên. Chàng trai vội nói với Nhạc Hoà:
- Có lẽ thằng bé đòi bú đấy.
Nhạc Hoà vội vã bế đứa bé vào nhà trong ngay. Mọi người nhìn chàng trai tỏ lời trách móc:
- Viên ngoại đã nửa đời mới sanh được một mụn con trai coi bằng vàng ngọc, thế mà chú làm cho nó khóc, cả nhà không yên, mất cả sự vui vẻ.
Nói rồi hỏi thăm bọn gia nhân xem đứa bé đã nín chưa, mới hay đứa bé vẫn khóc hoài không chịu bú, bạn bè buồn bã lục tục kéo nhau ra về.
Thấy con khóc hoài không chịu nín, ông Nhạc Hoà buồn rầu than thở. Cuối cùng ông sực nhớ lời của nhà sư căn dặn: trong vòng ba hôm nếu có điều gì bất trắc thì phải bồng đứa bé bảo vào trong cái chum kia thì tự nhiên bình yên vô sự.
Ông ta vội bảo vợ bồng đứa bé để vào trong chum ngay, nhưng bà An Nhân phải thay quần đổi áo cho đứa bé và lót nệm vào trong rồi mới yên dạ bồng con vào.
Thì lạ thay, khi bà ta bồng đứa bé vào trong chum thì bỗng dưng trời long đất lở, nước lụt ào đến mênh mông như biển cả, người vật khắp thôn đều trôi theo dòng nước lũ.
Dòng nước này là do con Thiết Bối Cù Vương mang mối hận thù cùng với Đại Bàng Điểu khi trước. Nay nghe Đại Bàng đầu thai nhà Viên ngoại họ Nhạc nên đem binh tôm tướng cá đến làm gió làm mưa dâng nước giết hại người vật trọn một hôm. Quả là một hành động phạm đến luật thiên đình. Ngọc Hoàng thấy thế vội sai Đồ Long Lực Sĩ đón tại Hoa Long đài chém chết con quái ấy. Nhưng hồn linh của nó vẫn chưa hết giận, bay thẳng vào Đông Độ đầu thai. Đó chính là Tần Cối. Về sau hắn dùng mười hai tấm kim bài, triệu Nhạc Phi về triều rồi hãm hại tại Phong Ba đình để trả mối thù xưa, nhưng việc này sau sẽ nói.
Bây giờ xin nhắc lại việc đứa bé Nhạc Phi theo lời dặn của vị lão sư được bồng vào trong cái chum đã hoạ phù, trấn ếm, nên mới khỏi chết, còn ông Nhạc Hoà cũng nắm vành chum nương theo dòng nước. Bà An Nhân bồng con ngồi trong chum nước mắt chảy ròng ròng than thở:
- Ôi! Tai hoạ gì mà xảy đến bất ngờ như thế này!
Nhạc Hoà cũng cất tiếng than:
- Số trời đã định vậy, bà hãy ráng mà gìn giữ lấy con, tôi xin gửi lại cho bà, cố mà nuôi dưỡng nó để sau này còn một chút nối dõi tông đường thì tôi có chết cũng ngậm cười nơi chín suối.
Vừa dứt lời trăng trối, Nhạc Hoà vuột tay trôi theo dòng nước còn mẹ con bà An Nhân ngồi trong cái chum, dòng nước cuốn tới làng Kỳ Lân, xứ Hà Bắc, cách kinh thành chừng ba mươi dặm.
Nơi đây có một nhà Viên ngoại họ Vương tên Minh, vợ là Hà thị, vợ chồng trạc tuổi ngũ tuần. Ngày kia vào buổi sớm mai, Vương Minh gọi gia đinh vào bảo:
- Chúng bay hãy đến kinh thành đón thầy bói về đây cho ta xem một quẻ. Tên gia đinh Vương An thưa:
- Con xin vâng lời đi đón thầy bói, nhưng nếu may mắn gặp người sáng sủa chẳng nói làm chi, bằng gặp phải người đui tối đi đứng chậm chạp, hơi đâu Viên ngoại chờ, chẳng biết Viên ngoại đón thầy bói về làm gì mà gấp vậy?
Vương Viêng ngoại nói:
- Chỉ vì đêm qua ta nằm chiêm bao nên muốn mời thầy về đoán mộng xem sao.
Vương An vui vẻ đáp:
- Tưởng bói khoa thì con không biết chứ đoán mộng thì con rành lắm, nhưng có ba điểm không thể nào bàn được.
- Ba điểm gì mà người bảo không thể bàn được?
- Thưa viên ngoại, phàm nằm mộng vào lúc canh một, canh hai và canh tư, canh năm thì thấy trước quên sau không thể nào đoán trúng được, nếu chiêm bao vào canh ba thì bàn mới thiệt.
Vương Minh gật đầu đáp:
- Phải rồi, hồi lúc canh ba ta trông thấy lửa cháy đỏ rực lưng trời, rồi giật mình thức dậy không biết là điềm lành hay điềm dữ.
Vương An đáp ngay không nghĩ:
- Thế thì con xin chúc mừng cho Viên ngoại đấy, vì hễ thấy lửa cháy ắt gặp quý nhân.
Vương Minh tỏ vẻ không tin:
- Làm sao mi biết được ta sẽ gặp quý nhân? Ta đoán chắc ngươi vì lười biếng nên khéo kiếm chuyện để lừa ta phải vậy không?
Vương An nghiêm sắc mặt, lễ phép nói:
- Thưa viên ngoại, con đâu dám xảo ngôn lộng ngữ. Chỉ vì khi trước con đi với Viên ngoại xuống huyện nộp thuế, lúc đi ngang qua hàng sách có mua một quyển sách giải mộng. Nếu Viên ngoại không tin thì con đem ra cho Viên ngoại xem.
Dứt lời, hắn chạy vào trong nhà lấy ra một quyển sách giải mộng bìa vàng lật ra từng trang một cho Viên ngoại xem, thì quả nhiên trong ấy nói y như lời hắn không sai.
Tuy vậy, Vương Minh vẫn nửa tin nửa ngờ, bỗng nghe ngoài cửa có tiếng la hét om sòm. Viên ngoại biến sắc mặt, giục Vương An chạy ra xem.
Một lát sau Vương An vào thưa:
- Không biết nước lụt ở đâu mà cuốn trôi đồ đạc đến đây nhiều lắm, tiếng la ồn ào ấy chính là tiếng thiên hạ tranh nhau vớt đồ đấy.
Vương Minh nghe nói vội đi cùng Vương An ra xem thì quả nhiên thấy nước lụt cuốn trôi không biết bao nhiêu mà kể, ông chắt lưỡi than thở cho tai trời ách nước đã làm cho bà con lâm cảnh khốn cùng.
Chợt Vương An trông thấy xa xa có vật gì trôi bồng bềnh mà loài chim Oanh lại bay quấn quýt theo vật ấy hình như để che chở vậy.
Vương An trỏ về phía ấy chỉ cho Viên ngoại xem và bảo:
- Vật kia là gì mà chim Oanh lại bao quanh nhiều đến thế?
Vương Minh cũng lấy làm lạ chăm chú nhìn theo vật ấy, chỉ trong chốc lát vật ấy trôi giạt vào bờ. Thì ra là một cái chum lớn bên trong có người đàn bà bồng đứa trẻ.
Than ôi! Thiên hạ lo vớt đồ đạc, túi tham con người không đầy có ai nghĩ đến việc cứu người!
Vương An chạy đến thì bầy chim Oanh bay mất hết, hắn gọi Viên ngoại nói lớn:
- Đây chẳng phải là quý nhân là gì, thưa Viên ngoại.
Viên ngoại bước đến nhìn thì thấy một phu nhân đang bồng đứa hài nhi trên tay rồi nói với Vương An:
- Người này là ai mà ngươi lại bảo là quý nhân?
Vương An thưa:
- Người này bồng con trôi trong dòng nước lụt mà không chết thì không phải là quý nhân là gì? Cổ nhân có nói “Lãm nạn bất tử tắc hữu hậu lộc”, hơn nữa người này lại có bầy chim Oanh bay theo che chở thì chắc chắn thằng bé này về sau phải là một kỳ nhân trong thiên hạ vậy.
Vương Minh gật đầu cho là phải, vội bước đến nhìn người đàn bà, cất tiếng hỏi:
- Hỡi người kia, ngươi ở đâu mà trôi nổi đến nơi đây?
Nhưng hỏi đi hỏi lại đôi ba lượt bà vẫn không đáp, Vương Minh lấy làm lạ nhủ thầm:
- “Hay là mụ này điếc chăng?”
Nhưng ông có biết đâu bà An Nhân mới sinh có ba ngày mà bị sóng gió dập vùi khiến toàn thân mê man không biết gì cả.
Vương An thấy thế liền chõ miệng vào lu hét lên:
- Hỡi bà kia, bà có điếc không mà Viên ngoại tôi hỏi đôi ba lần vẫn không đáp?
Bấy giờ bà An Nhân mới nghe văng vẳng bên tai có tiếng người liền quay mặt ngó lại, đôi mắt bà bỗng tuôn trào nước mắt. Bà khẽ hỏi:
- Đây chẳng phải là chốn âm ty sao?
Vương An thấy bà ta hỏi ngớ ngẩn như vậy cũng cười xoà còn Viên ngoại hiểu ngay bà ta chỉ vì quá hôn mê chứ không phải điếc nên giục Vương An chạy vào nhà bên cạnh xin chén nước trà nóng cho bà ta uống. Trong giây lát hồi tỉnh lại, Viên ngoại mới hỏi:
- Đây không phải là âm ty như bà lo sợ mà là xứ Hà Bắc tại làng Kỳ Lân đây, còn bà nguyên ở xứ nào mà trôi giạt đến đây?
Bà An Nhân vừa khóc vừa đáp:
- Tôi là người ở Tương Châu, huyện Thang Âm, làng Vĩnh Hoà, thôn Hiếu Đễ. Bị nước lụt cuốn trôi, không biết hiện chồng tôi trôi giạt nơi nào, sự nghiệp gia sản của tôi trôi hết theo dòng nước rồi, một mình tôi bồng con trôi nổi đến đây mong người ra tay tế độ, vớt người trầm luân.
Nói dứt lời bà ta khóc oà khiến thầy trò viên ngoại động lòng thương xót.
Tuy thế Vương Minh cũng lo ngại, kề tai nói nhỏ với Vương An.
- Tại sao người này ở xa xôi quá mà có thể trôi đến đây thật là một việc lạ lùng không thể nào tưởng tượng nổi.
Vương An nói:
- Viên ngoại hãy làm phúc cứu mẹ con người này đem về nuôi dưỡng kẻo tội nghiệp.
Viên ngoại gật đầu rồi bước tới bảo bà An Nhân:
- Tôi là Vương Minh, nhà cũng gần đây, nếu bà không chê, tôi xin đem bà về ở đỡ nhà tôi một thời gian, tôi sẽ sai người dò thăm tin tức chồng bà để giúp đỡ cho gia đình bà được đoàn viên sum họp, bà có bằng lòng không?
Bà An Nhân cúi đầu đáp:
- Ân công có lòng nhân đức như vậy, ơn ấy sánh bằng người sinh thành, tôi vô cùng cảm kích.
Vương Minh bảo Vương An đỡ bà An Nhân ra khỏi chum rồi dìu về nhà. Mọi người thấy thế bụm miệng cười thầm, họ bảo “Lão Viên ngoại này là kẻ điên rồ, không thiếu chi đồ đạc đáng giá lại không vớt về làm của mà vớt gì mụ ấy về nhà để ăn hại”.
Vương An chạy về trước báo cho vợ Vương Minh là Viện Quân hay, nên khi bà An Nhân vừa đến nhà thì bà Viện Quân ra đón mời trọng vọng.
Sau khi vào nhà, bà An Nhân tỏ hết sự tình hoạn nạn cho mọi người nghe, ai nấy đều tỏ ý thương hại. Bà Viện Quân vội bảo gia đinh dọn một cái phòng riêng rất tươm tất cho bà An Nhân nghỉ.
Bà Viện Quân đối đãi rất thân mật và cung kính, còn Viên ngoại Vương Minh thì lo sai người dò la tin tức gia đình của Viên ngoại họ Nhạc.
Bọn gia đinh trở về báo:
- Hiện nay nước đã rút cả rồi nhưng chúng tôi không tìm thấy ông Viên ngoại họ Nhạc lẫn người nhà ông ta đâu cả.
Bà An Nhân nghe tin ấy khóc sướt mướt, bà Viện Quân phải khuyên giải mãi mới thôi. Từ đấy hai người đối đãi với nhau thân mật như chị em ruột thịt.
Biết Vương viên ngoại không có con, một hôm bà An Nhân khuyên nhủ bà Viện Quân nên cưới cho Viên ngoại một nàng thiếp vì trong ba điều hiếu thì việc có con nối dòng là hệ trọng nhất.
Bà Viện Quân cho là phải nên cưới một nàng thiếp cho chồng ngay. Quả nhiên cách năm sau sinh được một đứa con trai đặt tên là Vương Qưới. Vương Minh cảm tạ bà An Nhân đã đưa ý kiến hay nên hôm nay mới có kẻ nối dõi.
Trong lúc ấy có hai ông bạn họ Thang và họ Trương cũng đem con là Thang Hoài và Trương Hiển đến xin học. Nhưng trong việc học hành này chỉ có Nhạc Phi là cố công dùi mài kinh sử thôi, còn ba trò kia đến trường chỉ lo chơi bời tụ tập với nhau rượt quyền đánh võ. Ông thầy lại chỉ quở phạt qua loa, nên mấy trò ấy lại càng coi thầy không ra gì, lắm lúc thầy muốn đánh mắng, nhưng ngặt nỗi chúng là con cưng của người ta không thể đánh được, tức mình quá đành bỏ đi mất.
Sau đó Vương Minh tiếp tục đón thầy khác về dạy bảo nhưng thầy nào cũng chịu không nổi, Vương Minh không biết tính sao đành nói với bà An Nhân:
- Nay cháu nó đã lớn tuổi rồi nếu ở luôn đây bất tiện lắm, hiện tôi có mấy căn phố, chi bằng chị đem con ra ở đó thấy tiện hơn, không biết chị nghĩ sao?
Bà An Nhân chắp tay thưa:
- Tôi xin đa tạ anh chị đã có lòng cứu giúp mẹ con tôi, nay lại còn tính việc cho tôi được ở riêng thì tiện lắm.
Vương Viên ngoại bèn sắm sửa vật dụng sẵn sàng chọn ngày lành tháng tốt cho bà An Nhân dời chỗ đến đó may vá kiếm ăn qua ngày.
Một hôm, bà An Nhân nói với Nhạc Phi:
- Nay con đã bảy tuổi rồi, chẳng nên chơi bời hư thân mất nết, phải tập làm ăn cho quen. Mẹ sắm cái rựa và đôi giỏ đây, ngày mai con lên rừng kiếm củi nhớ.
Nhạc Phi cúi đầu vâng lời mẹ, rồi sáng sớm hôm sau, cơm nước xong, Nhạc Phi quảy giỏ lên vai từ biệt mẹ lên đường.
Khi đi, Nhạc Phi không quên dặn mẹ:
- Không có mặt con ở nhà, xin mẹ hãy đóng cửa lại, chớ nên tiếp xúc với ai mà sinh chuyện lôi thôi đấy.
Bà mẹ Nhạc Phi vốn con nhà thế phiệt danh gia, chồng chết một lòng theo con, nên nghe con dặn bảo như vậy liền đóng cửa lại ở trong nhà than thở một mình:
- Phải chi cha nó còn, thì nay ắt đã đón thầy về dạy nó học hành có đâu phải đi đốn củi cực khổ như vậy
Còn Nhạc Phi tuy vâng lời mẹ đi đốn củi nhưng thật ra không biết có nơi nào có củi mà đi, đành liều nhắm mắt đưa chân lần đến chỗ thổ sơn, nhưng nhìn xem bốn bề không có củi.
Cậu leo dần lên trên đỉnh núi. Nơi đây vắng vẻ vô cùng mà củi lại không có bao nhiêu, chỉ thấy đá dựng trập trùng và nhiều cây đại thụ to đến hai ba người ôm không xuể.
Nhạc Phi lần sang trái núi bên kia chợt thấy bảy tám đứa trẻ đang vui vầy chơi với nhau. Trong đó có hai đứa ở gần nhà Vương Viên ngoại tên là Trương Tiểu Ất và Lý Tiểu Nhi nên chúng quen mặt, vừa trông thấy Nhạc Phi chúng đã reo lên:
- Kìa Nhạc Phi, cậu đi đâu đó?
Nhạc Phi đáp:
- Ta vâng lời mẹ đi hái củi đấy.
- Hừ, hái củi làm gì cho nhọc sức, hãy ở đây chơi với anh em ta một lúc có hơn không?
Nhạc Phi lắc đầu đáp:
- Ta đã vâng lời mẹ đi hái củi, hơi đâu mà chơi với các ngươi.
Một tên lớn nhất trong bọn trợn mắt quát:
- Thật ngươi cứng đầu không chịu chơi với chúng ta phải không? Nếu vậy đừng trách chúng ta sao độc ác đấy nhé.
Vừa nói, hắn vừa giơ nắm đấm lên ra vẻ hăm doạ Nhạc Phi, nhưng Nhạc Phi vẫn thản nhiên đáp:
- Chúng bay đừng cậy đông bắt nạt, ai kia chớ Nhạc Phi này đời nào biết sợ ai.
Trương Ất vung tay hùng hổ:
- Ngươi không sợ chúng ta, há chúng ta lại sợ ngươi sao?
Lý Nhi lại xem vào:
- Thôi đừng nói nhiều với hắn nữa vô ích, hãy tặng cho hắn ít thụi cho hắn biết mặt chúng ta.
Dứt lời, tám đứa trẻ áp tới vây quanh Nhạc Phi đấm đá túi bụi, nhưng Nhạc Phi không hề nao núng, hai tay cậu gạt ngang qua một cái, cả bọn ngã nhào ra bốn bên, đứa thì u đầu, đứa trầy da, đứa lở trán. Rồi Nhạc Phi bỏ chạy mất.
Khiếp sợ trước sức mạnh của Nhạc Phi, tám đứa trẻ đứng dậy chửi rủa om sòm nhưng không dám chạy theo chỉ doạ sẽ về mách bà An Nhân.