Nhà Tài Phiệt Cuối Cùng

Chương III

Docsach24.com
ể từ hôm trận động đất xảy ra cho tới ngày trở lại thăm phim trường, tôi đã nhận xét được nhiều sự việc. Tình cha con đối với Ba tôi đã có những thay đổi bất thường trên biểu đồ, với những đường biểu diễn xuống thấp lần lần. Tôi nhận thấy ý chí mạnh mẽ của ông không đủ để giúp ông trở thành một người đàng hoàng, đúng đắn. Tất cả những gì ông đã làm được khiến ông trở thành một con người quỷ quyệt. Nhờ quỷ quyệt và may mắn, ông đã cùng với Stahr nhào vào, chiếm được một gánh xiệc đang phát triển mạnh. Đó là nỗ lực trong đời ông. Những việc còn lại, chỉ là các phản ứng trong việc giữ vững địa vị đó. Về khoa ăn nói thì ông số dzách. Ông có thể thao thao bất tuyệt trình bày cho các chủ nhà băng ở Wall Street về những bí quyết làm phim. Nhưng thực hành thì ráp một đoạn phim, thu một lời đối thoại, ông làm cũng không nổi. Trong việc tìm hiểu thị hiếu cảm quan của khán giả, có lẽ ông còn thua một anh bồi bàn ở Ballyhegan. Ông không có gì hơn ngoài cái tài đánh hơi của một khách thương hồ trong các chuyện ta thường đọc. Ngoài ra, rõ ràng ông sống như một loại ký sinh trùng và ông cũng chẳng buồn che đậy điều đó. Hôm nào cũng quá trưa ông mới tới phim trường và sau đó đi dòm ngó, nghi ngờ mọi chuyện. Nhờ ông làm một việc gì thì thực hết sức khó khăn.

Stahr cũng là người gặp hên. Nhưng ngoài chuyện gặp hên, Stahr còn là người có thực tài. Ông ta thuộc loại những người tạo ra kỹ nghê, chẳng khác gì Edison, Lumière hay Griffith, Chaplin. Stahr chính là người đã tạo ra sức mạnh của điện ảnh, và đưa điện ảnh vượt lên trên kịch nghệ, tiến tới thời đại vàng son trước khi giai đoạn kiểm duyệt bắt đầu.

Bằng cớ chứng tỏ tài năng lãnh đạo của Stahr là người ta luôn luôn rình rập, dò thám xung quanh ông. Không những họ muốn biết những bí mật trong các giai đoạn diễn tiến làm phim. Nhưng người ta còn do thám cả những cảm quan của Stahr đối với chiều hướng của một sự việc sắp xảy ra. Họ muốn biết xem Stahr tiên đoán mọi việc sẽ xảy ra như thế nào. Stahr đã tốn nhiều hơi sức để tránh né các cạm bẫy rình rập đó. Sự kiện này đã khiến công việc của Stahr trở nên kín đáo, thay đổi luôn luôn và tiến hành một cách chậm chạp. Sự kiện đó cũng khiến cho việc mô tả đời sống của ông ta trở nên khó khăn. Kế hoạch làm việc của Stahr chẳng khác gì kế hoạch hành quân của một ông Tướng, trong đó các yếu tố tâm lý trở nên phức tạp, tỉ mỉ. Chúng tôi sẽ thêm vào sự mô tả những thành công cũng như thất bại của Stahr.

Nhưng tôi muốn phác họa để các bạn có được một cái nhìn bao quát về công việc của ông ta, và tôi xin cáo lỗi trước về những điều thiếu sót có thể có. Những hàng chữ sau đây tôi đã viết từ ngày còn đang ở Đại học với đầu đề “Một ngày của người làm điện ảnh”. Tôi cố gắng chỉ nói những chuyện thường xảy ra. Tuy nhiên có những chuyện bất thường phải nói, thì đó cũng đều là sự thực.

*

Vào buổi sáng sau đêm xảy ra trận lụt và động đất, người ta thấy một gã đàn ông đứng tần ngần, lưỡng lự trước cửa văn phòng hành chánh phim trường. Gã bước lên những bậc thang của chiếc cầu thang bằng sắt. Lên gần hết cầu thang, không biết vô ý thế nào, hắn trượt chân, té nhào đầu xuống nểền xi măng bên dưới: gãy một tay.

Cô thơ ký riêng Doolan cho Stahr hay tin này khi Stahr nhận chuông kêu cô ta lúc chín giờ. Đêm đó, sau khi động đất xảy ra, Stahr ngủ lại tại văn phòng một cách bình thản.

Stahr thở dài:

- Có phải Pete Zavras, chuyên viên thu hình không?

- Họ đã đưa gã đi bác sĩ rồi. Sẽ không có biên bản.

- Tai bay, vạ gió! Tôi biết hồi này gã đọi, nhưng chả hiểu tại sao. Hai năm trước, hồi hắn còn làm ở đây thì có vẻ được lắm. Mà không biết hắn tới đây làm gì? Ai để cho hắn vào đây?

- Hắn đánh lừa người gác bằng một thẻ ra vào cũ. Hay là việc hắn tới đây có liên quan tới trận động đất.

Doolan trả lời một cách hóm hỉnh. Cô này cũng thuộc loại cáo non, sắp thành cáo già. Cô ta là vợ của một viên phụ tá giám đốc.

Stahr tiếc rẻ:

- Tội thật! Hắn là tay chuyên viên thu hình cừ nhất ở đây.

Lúc nghe tin hằng trăm người chết ở Long Beach, một ý tưởng tự tử không thành vẫn còn lởn vởn trong đầu óc Stahr trong buổi sáng sớm. Stahr ra lệnh cho cô thơ ký theo dõi tình trạng của Zavras.

Vừa cạo râu vừa uống cà phê, Stahr vừa nghe báo cáo của cô thơ ký phát ra trong máy nội thoại:

- Ông Robinson nhắn nếu ông có cần gì thì kêu ông ấy ở phòng riêng.

Không khí ấm áp buổi sáng từ ngoài lọt vào. Doolan báo cáo thêm: một tài tử bị đau bất ngờ. Thống đốc California mở tiệc tiếp tân. Một soạn giả hành hung vợ ông ta vì vấn đề chuyện phim. Cả ba việc trên đây thực ra đều là phận sự của ba tôi, ngoại trừ trường hợp tài tử nói trên có giao kèo riêng với Stahr. Tuyết rơi sớm ở Gia Nã Đại khiến việc quay phim của hãng ở đó bị ảnh hưởng, Stahr nghĩ cách đối phó. Ông ta đọc lại chuyên phim. Không thể làm gì hơn. Stahr gọi cô thơ ký:

- Cho tôi nói chuyện với người cảnh sát đã dẫn hai thiếu nữ ra khỏi phim trường tối hôm qua. Hình như là Malone thì phải.

- Thưa vâng ạ. Thưa, ông Wyman đang chờ nói chuyện ở đầu dây về vụ cái quần làm sao đấy ạ.

Stahr nhấc ống nghe:

- A lô, Wyman đấy hả? Này, có hai ba người coi chiếu thử phim vừa rồi, họ nói trong suốt nửa cuốn phim, nút quần của Morgan đã quên không cài đấy... à, à.... dĩ nhiên họ có phóng đại lên, nhưng dù sao... à, à.. làm sao kiếm được mấy người đó, anh cứ cho chiếu lại nhiều lần đi, cho thật nhiều người xem thử coi họ có nhìn thấy không. Nghệ thuật là quan trọng và trường cửu, ô kê?

Tiếng cô thơ ký lại vang lên:

- Thưa, có Hoàng tử Đan Mạch tới thăm phim trường, ông ta rất đẹp trai... đối với một người... lớn con.

- Biết rồi, cảm ơn cô, còn tôi là người đẹp trai nhỏ con ở đây phải không? Cô bảo họ đưa ông ta đi xem những nơi dựng cảnh trong phim trường, và cho biết chúng ta mời Hoàng tử dùng cơm trưa liền bây giờ.

- Thưa vâng ạ. Thưa, có ông George Boxley xin vào. Ông ta có vẻ giận theo kiểu người Anh đấy ạ.

- Chờ mười phút nữa hãy cho ông ta vô. Robinson có kêu lại chưa?

- Thưa chưa.

- Cô kêu cho ông ta, hỏi dùm tôi xem ông ta có biết mấy người đàn bà bị nước cuốn vào phim trường trong đêm rồi không? Biết một trong hai người, ai cũng được.

- Thưa, có vậy thôi à?

- À, à, cô nhớ hỏi ngay ông ta dùm tôi, kẻo để lâu sợ ông ta quên mất. Nói là có việc quan trọng liên quan tới họ. À... cô hỏi ông ta xem có biết hai người đó thuộc hạng người nào, họ làm gì! Có phải họ là...

Cô Doolan đợi ông chủ nói tiếp, tay cô ghi những điều Stahr vừa nói lên bảng kẹp giấy ghi chú.

- À... à... Nói ông ta hỏi xem liệu họ có đóng phim... à quên... họ có khả năng diễn kịch không... À, nhưng thôi, đừng nói vậy nữa, cứ bảo ông ta cho biết họ đâu thôi.

Sau đó có tin của viên cảnh sát Malone cho hay một trong hai người đàn bà mà anh ta dẫn ra khỏi phim trường hôm qua hình như bị sổ mũi. Anh ta không biết họ ở đâu, nhưng cho hay họ có xe hơi hiệu Chevvy. Viên cảnh sát nghĩ rằng nếu muốn kiếm tông tích họ thì nên đi lục bằng lái xe trong thành phố! Ngoài ra anh ta không biết gì hơn và cũng không còn nhớ thiếu nữ mà anh nói bị sổ mũi là người đẹp hay người không đẹp. Nhớ được thế cũng là quá rồi. Ngay đến hình dáng của Minna, vợ của Stahr trước kia mà bây giờ mọi người trong phim trường cũng còn quên hết cả rồi, huống chi đối với một thiếu nữ gặp trong chốc lát.

*

Stahr mỉm cười đón tiếp George Boxley vừa bước vào trong phòng. Stahr cười tự nhiên, cởi mở, giống như nụ cười của người cha lúc gặp con. Điều đó thực là trái ngược vì Stahr ít tuổi hơn mặc dầu chàng ở địa vị cao. Trước đây đối với những người trên tuổi, Stahr thường có nụ cười ngưỡng mộ khi tiếp xúc với họ. Nhưng lần lần nhưng nụ cười đó được thay thế bằng những mệnh lệnh Stahr ra cho họ. Để khỏa lấp tự ái của họ, Stahr thường nở nụ cười cởi mở. Nụ cười đó luôn luôn nở trên môi nếu người đối thoại không lăng mạ, giận dữ, công kích hay có hành động quá đáng với chàng.

Nhưng Boxley không cười. Ông ta đứng sững như trời trồng, rồi ngồi phịch vào chiếc ghế gần đấy như thể có ai cầm hai tay ông ta kéo xuống. Lúc Stahr bật quẹt mời ông ta hút thuốc, Boxley cũng mồi thuốc một cách lơ đãng, làm như thể ngọn lửa đó là do thiên nhiên tạo ra, chớ không phải từ một người vừa bật lên mời mình.

Stahr nhìn Boxley một cách lịch sự:

- Chuyện gì vậy bác?

Nhà văn vẫn còn hầm hầm nhìn Stahr trong yên lặng. Stahr lại lên tiếng bằng một giọng nửa nhượng bộ, nửa cứng rắn. Cái giọng tự mãn của một ông hiệu trưởng trẻ tuổi vừa ra trường không được Stahr xử dụng nữa.

Boxley la lớn:

- Những điểm yêu cầu của tôi không được thỏa mãn gì cả. Các anh rất lịch sự nhưng hình như các anh đang âm mưu để hại uy tín của tôi. Hai anh thợ viết anh giao cho tôi, chúng chẳng làm được cái quái gì cả. Vốn liếng ngôn từ của chúng có lẽ không quá vài trăm tiếng.

- Sao bác không tự viết lấy?

- Tôi viết rồi. Tôi gởi thơ cho anh rồi.

Stahr nhỏ nhẹ:

- Tôi có đọc. Nhưng chỉ thấy bác tả một cuộc đối thoại, nói qua nói lại. Đối thoại hay, nhưng không có gì hơn cả.

Lúc này hình như có những bàn tay vô hình của hai con ma đang kềm chặt Boxley xuống ghế ngồi, ông ta nhúc nhích muốn đứng lên nhưng không nổi. Ông ta se sẽ gầm gừ, gần như muốn cười gượng chớ không có ý đùa giỡn:

- Chắc các anh chưa đọc kỹ đoạn đối thoại tôi viết. Hai nhân vật trong phim sẽ vừa đối thoại vừa đấu kiếm. Sau cùng một trong người bị rớt xuống giếng và phải kéo anh ta lên bằng cái thúng.

Nói xong Boxley lại đằng hắng. Stahr hỏi:

- Nếu viết tiểu thuyết, bác có viết như vậy không?

- Sao? Dĩ nhiên là không.

- Như thế là bác đã đánh giá trị cuốn phim một cách rẻ rúng quá.

Boxley có vẻ muốn tránh né:

- Phim ảnh phải có những tiêu chuẩn khác.

- Bác đã đi vào vấn đề phim ảnh bao giờ chưa?

- Hầu như chưa bao giờ.

- Có lẽ là tại vì người ta cứ cho những nhân vật trong phim đấu kiếm và rớt xuống giếng hoài!

Stahr nói tiếp:

- Phải, và có lẽ cũng tại những nét mặt dị hợm, những câu chuyện lố bịch, những đối thoại gò ép của các nhân vật trong phim. Bác phải thu gọn cuộc đối thoại lại trong chừng một phút thôi, sửa lại lời lẽ cho tự nhiên, đậm đà hơn là những câu của hai anh thợ viết, đó chính là công việc mà chúng tôi mướn bác làm. Bác cần phải tưởng tượng ra những gì lý thú, ý nghĩa hơn là những cuộc đối thoại nhạt nhẽo hay chuyện nhảy xuống giềng. Trong phòng làm việc của bác có lò sười và hộp quẹt để đốt lò không?

- Hình như có, nhưng tôi chưa xử dụng bao giờ.

- Hãy giả dụ bác đang ngồi trong phòng. Suốt ngày bác đã vật lộn để sáng tác, giờ đây bác quá mệt mỏi, không còn đủ sức để chiến đấu hay viết nữa. Bác ngồi thừ người nhìn sự vật, giống như chúng ta vẫn thường làm. Một cô thơ ký xinh đẹp mà bác đã từng trông thấy trước đó từ ngoài bước vào trong phòng. Bác lơ đễnh nhìn cô ta. Mặc dầu bác ngồi rất gần, nhưng cô ta vẫn không nhìn thấy bác. Cô ta tháo găng tay, mở bóp ra và dốc mọi thứ lên mặt bàn...

Stahr đứng dậy, ném xâu chìa khóa lên trên bàn:

- Cô ta có hai đồng mười đồng, một đồng năm đồng, và một hộp giấy. Cô thơ ký để yên đồng năm đồng trên mặt bàn và bỏ hai đồng mười đồng vào bóp, cầm đôi găng tay đi lại phía lò sưới, mở cửa lò, ném đôi găng vào. Hộp quẹt chỉ còn mỗi một cây, cô ta quỳ xuống cạnh lò sưởi, bắt đầu nhóm lửa. Một cơn gió lùa qua cửa sổ - ngay lúc đó thì chuông điện thoại reo. Cô gái nhấc ống nghe, trả lời “Alô”. Nghe một lát rồi nói vào máy giọng quả quyết: “Không, tôi không bao giờ mang găng tay đen bao giờ cả và cũng không có đôi găng tay đen nào!” Cô ta để ống nghe xuống, quỳ cạnh lò sưới, quẹt lửa. Ngay lúc đó, bác chợt nhìn xung quanh và thấy một người đàn ông khác nữa trong phòng, đang theo dõi mọi cử chỉ của cô gái...

Stahr ngừng kể, nhặt xâu chìa khóa lên bỏ vào túi.

Boxley mỉm cười:

- Rồi sao nữa? Anh nói tiếp đi.

- Không biết. Tôi mới chỉ nghĩ đến đấy.

Boxley hình như đã nhận ra điều sai lầm của ông ta:

- Đó là một bi kịch.

- Không nhất thiết phải vậy. Nhưng dù là gì, ta cũng cần loại bỏ những cử động dữ dằn, những mẫu đối thoại nhạt nhẽo rẻ tiền, và những nét mặt diễn tả ngô nghê. Chỉ có vấn đề câu nói, cần cho chải chuốt, và điều đó, một văn sĩ như bác dư sức làm. Nhưng bác cần phải cảm thấy hứng thú mới được.

Box ley hỏi với giọng tò mò:

- Thế đồng năm đồng để làm gì?

- Không biết.

Stahr chợt cười:

- À, phải rồi, đồng năm đồng đó để cho điện ảnh.

Hai cánh tay vô hình như đã buông Boxley ra. Ông ta ngồi thảnh thơi, tựa lưng vào thành ghế và cười:

- Như thế anh còn mướn tôi làm mẹ gì? Tôi có biết khỉ khô gì về vấn đề điện ảnh này đâu?

Stahr cười gằn:

- Bác sẽ biết. Nếu không, bác đã không hỏi tới đồng năm đồng.

*

Stahr và Boxley gặp Mike ở ngoài cửa văn phòng. Stahr giới thiệu hai người rồi quay hỏi Mike:

- Có gì không Bác?

- Không. Tôi cứ tưởng ông chưa đi làm.

- Sao mấy ngày nay nghỉ đi. Thiếu Bác là anh em mất vui.

- Tôi cứ tưởng anh em còn đang hoang mang.

- Bác cứ yên trí. Bây giờ biểu diễn vài ngón nghề cho tụi này coi thử chút được không nào?

Stahr nhìn Boxley:

- Bác Mike đây là hoạt náo viên. Bác làm nghề này từ lúc tôi còn đang bú mẹ. Mấy ngón nhào lộn của Bác thì tuyệt. Bác Mike cho ông Boxley đây coi thử tài bác chút.

- Thôi mà ông, ở đây đâu có chỗ, để hôm khác.

- Không được.

Cô Katy, phụ tá của cô Doolan cũng vừa đi tới:

- Bác biểu diễn tí đi bác.

Ngay lúc đó Mike đập hai tay vào mông, tung mình nhảy lên cao và lúc hạ xuống, hai tay ông ta giang ra như một cánh chim khổng lồ. Chân vừa chạm đất là ông chạy đâu mất biến.

Tiếng của cô Doolan:

- Thưa ông, có ông Hanson điện thoại từ Nữu Ước.

Mười phút sau, Stahr ấn nút máy nội thoại và tiếng cô Doolan:

- Thưa ông, có một nam tài tử đang chờ ông ở cửa văn phòng.

- Báo anh ta tôi đã đi khỏi theo lối sau rồi.

- Vâng. Nhưng anh ta tới lần này là lần thứ bốn trong vòng một tuần nay.

- Cô có hỏi thử anh ta cần gì không? Bảo anh ta đi gặp ông Brady thử coi?

- Anh ta không nói gì hết. Ông sắp phải đi họp. Cô Meloney và ông White chờ ông ở ngoài cửa. Ông Broaca chờ ở phòng ông Reinmund bên cạnh.

- Mời ông Roderiguez vô. Bảo ông ta tôi chỉ có thể nói chuyện trong vòng một phút.

Lức anh tài tử bước vào, Stahr vẫn còn đang đứng. Chàng hỏi anh ta giọng vui vẻ:

- Sao chuyện gì mà nóng nảy dữ vậy?

Anh ta chờ cho cô Doolan đi ra rồi mới lên tiếng:

- Anh ạ, có lẽ tôi hết thời rồi; tôi cần gặp anh.

- Hết cái gì? Anh có thấy anh sáng chói trong phim Variety không? Tuần rồi chiếu ở rạp Roxy tại Chicago, số tiền thu lên tới ba mươi bảy ngàn, anh không biết sao?

- Cú này nặng lắm anh à. Tôi đã tạo được mọi thử, và bây giờ lại kể như mất hết, không còn gì. Mọi sự đã mất hết ý nghĩa.

- Rồi. Anh nói đầu đuôi tôi nghe coi.

- Giữa tôi và Esther không còn gì nữa hết. Không còn gì có thể cứu vãn nổi.

- Lại chuyện gây lộn hả?

- Không phải, chuyện này buồn lắm. Nhiều khi tôi thơ thẩn như người mất hồn. Đấu óc hoang mang, có lúc tôi diễn xuất như người làm việc trong khi ngủ.

- Đâu có gì. Chiều hôm qua, lúc tan sở tôi thấy anh còn ngon lành lắm mà.

- Vậy sao? Có lẽ tôi cố tình như thế để che đậy con mắt của những kẻ tò mò.

- Anh và Esther bỏ nhau rồi sao?

- Có lẽ rồi sẽ phải đi tới chỗ đó. Không thể nào tránh được.

- Vậy thì chuyện gì? - Stahr hỏi có vẻ sốt ruột - Bị nàng bắt được tại trận à?

- Không, không phải chuyện đó, không có người thứ ba xen vào, chỉ tại tôi đã hết thời. Tôi bị sụm.

Thình lình Stahr chợt hiểu ra cả câu chuyên. Chàng hỏi:

- Làm sao anh dám chắc như vậy?

- Không còn nghi ngờ gì nữa. Sáu tuần nay rồi, tôi có làm ăn gì được đâu!

- Có khi chỉ tại anh tưởng tượng. Có đi bác sĩ chưa?

Anh ta gật đầu:

- Rồi. Tôi đã làm đủ mọi chuyện, kể cả... “thổi kèn”, nhưng đều vô hiệu. Có lẽ hết thuốc chữa!

Stahr chợt có một ý tưởng ngộ nghĩnh là thử khuyên anh ta tới hỏi Brady thử coi. Ông ta chuyên về việc giao tế công cộng, chắc cũng sành luôn trong vấn đề giao tế cá nhân. Stahr muốn cười, chàng phải quay mặt đi để lấy lại vẻ nghiêm trang.

Như đoán được ý tưởng của Stahr, chàng tài tử lên tiếng:

- Tôi đã gặp ông Brady rồi. Ông ta có vẻ lơ mơ lắm. Tôi đã làm theo cách ông ta chỉ, nhưng không thấy hiệu nghiệm. Mỗi bữa cơm, ngồi đối điện với Esther, tôi cảm thấy mắc cỡ, chịu không nổi. Nàng lúc nào cũng có vẻ rất sung sức và sẵn sàng. Càng nghĩ càng chán. Anh thấy phim “Ngày mưa” thu hai mươi lăm ngàn ở Des Moines, phá kỷ lục ở St Louis, hai mươi bảy ngàn tại Kansas City. Giới thanh niên trẻ hoan hô tôi hết mình. Bây giờ nghĩ lại tôi chỉ thấy mắc cở. Nhiều đêm tôi không dám về nhà, không dám leo lên giường.

Stahr bắt đầu cảm thấy hơi nản. Lúc anh ta mới bước vào trong phòng, Stahr có ý định mời anh ta đi dự một buổi dạ hội. Nhưng giờ đây Stahr đã bỏ ý định ấy. Chắc chắn anh ta không thể nào bước chân tới dạ hội trong khi đầu óc anh ta còn đang lẩn quẩn với những ý nghĩ như thế này.

Stahr nghe tiếng anh ta nói tiếp:

- Cuối cùng tôi nhất quyết tìm tới anh. Tôi thấy anh chưa bao giờ bị bó tay đối với bất cứ vấn đề nào. Tôi nghĩ dù anh có khuyên tôi đi tự tử, tôi cũng vẫn cứ tìm tới để xin anh một lời khuyên.

Máy nội thoại báo hiệu, Stahr ấn nút, tiếng cô thơ ký:

- Thưa ông, quá năm phút rồi.

- Xin lỗi. Bảo họ chờ tôi tôi chút xíu nữa.

Chàng tài tử lên tiếng với giọng buồn rầu:

- Năm trăm nữ sinh diễn hành qua nhà, vậy mà tôi không dám ló mặt ra đường, chỉ đành đứng lấp ló sau cửa sổ.

- Anh bình tĩnh ngồi xuống đây. Không đi đâu mà vội, chúng ta hãy từ từ giải quyết vấn đề.

Bên ngoài buổi họp đã phải hoãn lại tới hơn mười phút để chờ Stahr. Mọi người đều nóng lòng, nôn nao. Trong số những người dự buổi họp hôm nay có Wylie White và Jane Meloney. Người đàn bà nhỏ bé khoảng năm chục tuổi đó là đầu đề cho thiên hạ bàn ra tán vào hàng trăm thứ chuyện ở Hollywood này. Người thì bảo bà ta là “kẻ chuyên môn gạt tình”, “soạn giả xây dụng chuyện phim hay nhất Hollywood”, “hạt gạo cội”, “người khôn khéo nhất”, kẻ thì nói bà ta là “đồ ngựa già”, “con mẹ áp phe chuyên môn cầm nhằm lấy của người làm của mình”. Dĩ nhiên, về phương diện ái tình thì thiên hạ còn đồn nhiều hơn nữa. Có kẻ bảo bà ta là “con yêu tinh”, có người nói bà hãy còn là “gái trinh”, là kẻ chỉ biết “khẩu dâm” “thiệt đâm” và cuối cùng là “người vợ trung thành”. Thực ra nàng không phải một ma-ri-sến chánh cống, nhưng sau khi nổi tiếng trong làng điện ảnh thiên hạ thối mồm cứ đồn rằng nàng xuất thân từ hạng đó. Dù sao nàng là một người đàn bà tự lập, lợi tức của nàng hiện nay là một trăm ngàn một năm. Thẩm định giá trị của nàng có lẽ phải cần đến cả thiên tiểu luận. Nhưng chắc chắn nàng là người hiểu việc, biết việc, đáng tin và không quá ích kỷ. Hồi Minna còn sống, nàng và Minna từng là đôi bạn thân, và nhiều lần Stahr đã phải tìm cách giữ cho sự thân mật đó không trở thành quá lố, bất bình thường.

Nàng và Wylie ngồi đợi Sthar một cách kiên nhẫn. Thỉnh thoảng họ trao đổi vài câu với cô Doolan. Trong khi đó điện thoại từ phòng Reinmund cứ cách một phút lại gọi sang để hỏi Stahr tới chưa. Giám đốc Broaca cũng đang đợi trong phòng của Reinmund. Mười phút sau, máy nội thoại trong phòng cô Doolan nháy đèn, cô ta nhấc điện thoại gọi cho Reinmund và Broaca, ngay lúc đó Stahr và chàng tài tử từ trong phòng bước ra. Thấy anh ta quá bơ phờ, Wylie tò mò hỏi; anh ta định bắt đầu cà kê, dê ngỗng:

- Chà, bết quá!...

Nhưng Stahr đã chận anh ta lại:

- Không sao hết, anh cứ bình tĩnh trở lại làm việc hăng hái như thường theo cách tôi đã nói.

- Cảm ơn anh.

Jane Meloney nhìn theo anh ta:

- Bị cướp mất chỗ hay sao?

Stahr không trả lời câu hỏi, chàng nói lớn:

- Thành thực xin lỗi đã làm mất thời giờ của quý vị. Thôi chúng ta vào phòng họp.

*

Đồng hồ đã chỉ mười hai giờ, nhưng cuộc họp còn phải kéo dài trong chừng một tiếng nữa mới xong. Trong những buổi họp như thế này, không ai có quyền bỏ ngang, ngoại trừ một vài ông giám đốc bị gọi đi trong trường hợp tối cần thiết cho cuốn phim đang quay. Cứ tám ngày thì công ty phải cho ra được một cuốn phim dài cỡ như Miracle của Reinhardt.

Lâu lâu có một lần, nhất là cách đây mấy năm, Stahr thường phải làm việc suốt đêm cho một cuốn phim nào đó. Những đêm thức trắng như vậy, thì năng xuất làm việc ban ngày bị kém. Tuy nhiên sau một hồi đi từ quyết định này đến quyết định khác, sự hăng hái lần lần trở lại với Stahr. Stahr thuộc loại người muốn ngủ lúc nào cũng được, muốn làm việc lúc nào là làm, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ là sự hăng say sẽ đến với chàng.

Cuộc họp để kiểm điểm công việc thực hiện phim trong tuần hôm nay, ngoài các soạn giả ra còn có Reinmund, một trong các kiểm soát viên ưu tú của hãng, và John Broaca, giám đốc hình ảnh.

Broaca, nguyên là một kỹ sư, người anh ta to, cao, tánh tình trầm tĩnh, vui vẻ, bình dân. Nhưng thỉnh thoảng có những hành động khó hiểu. Chẳng hạn có những hình ảnh mà Stahr thấy anh ta cứ cố tình nhét vào bất cứ cuốn phim nào. Những hình ảnh đó không hề được thay đổi: cùng một động tác, một công việc. Thí dụ cái cảnh một đàn chó quấn quýt với cô gái trong phòng. Sau đó là cảnh cô gái đó xuống chuồng ngựa và tát nhẹ vào hông con ngựa. Có lẽ lúc còn nhỏ, một ngày nào đó đứng sau hàng dậu nhìn ra ngoài, anh ta đã bắt gặp một cô gái đẹp cạnh nhũng con chó và ngựa. Từ đó anh ta bị ám ảnh, và nhất định cho rằng chỉ có những hình ảnh đó mới tiêu biểu cho sự khiêu gợi.

Reinmund là một thanh niên đẹp trai. Anh ta được học hành tương đối khá. Là con người có cá tính mạnh, nhưng từ nhỏ lại bị những người xung quanh kìm hãm, bảo phải làm điều này, điều nọ. Bây giờ anh đã tự tháo cũi, sổ lồng để mặc tình sống theo sở thích. Nhưng công việc giao cho anh ta luôn luôn được thực hiện đúng ngày giờ. Anh ta luôn luôn nhìn Stahr với đôi mắt say mê, thán phục, đến nỗi có người cho rằng anh ta muốn đồng tính luyến ái. Về phần Stahr, chàng có thiện cảm với Reinmund vì thấy anh ta là con người nhanh nhẹn, mẫn cán.

Wylie thì khỏi nói, ở bất cứ quốc gia nào anh ta cũng được coi là một nhà trí thức hạng nhì. Học thức và có tài hùng biện. Ngoài ra Wylie còn là người nhanh nhẹn, đơn giản, nhiều khi tỏ ra hồ đồ và hơi bi quan. Đối với Stahr, thỉnh thoảng Wylie để lộ lòng ganh tị. Nhưng anh ta che đậy được ngay, và sự ganh tị đó còn pha lẫn cả lòng ái mộ, thiện cảm.

Stahr lên tiếng:

- Kỳ hạn hoàn tất phim này còn hai tuần nữa kể từ thứ Bảy. Mọi việc tiến hành tốt đẹp.

Reinmund và hai soạn giả ngồi cạnh đưa mắt khen ngợi lẫn nhau. Stahr nói tiếp với giọng trầm ngâm:

- Tuy nhiên, tôi không tìm thấy lý do gì khuyến khích ta tiếp tục cuốn phim này. Vì vậy tôi quyết định đình chỉ.

Một phút im lặng nghẹt thở trôi qua, sau đó có những tiếng rì rầm, bàn tán, phản đối.

Stahr:

- Chuyện này không do lỗi của ai hết. Nhưng tôi chỉ thấy phim này thiếu những gì mà đáng lẽ nó phải có. Thế thôi.

Stahr nhìn Reinmund như có vẻ tiếc rẻ:

- Thật uổng, phim này diễn xuất khá lắm và chúng ta đã ném vào đó hơn năm chục ngàn.

Broaca hỏi nhanh:

- Xin anh vui lòng nói rõ thêm vấn đề.

- Dễ lắm. Lý do là càng đi sâu vào, ta càng thấy cuốn phim thiếu giá trị.

Cả Reinmund và Wylie đều đang nghĩ tới những ảnh hưởng đối với nghề nghiệp của họ do việc ngưng quay cuốn phim gây ra. Reinmund thì đã có được hai cuốn trong năm nay. Nhưng còn Wylie thì anh ta chỉ hy vọng ở cuốn phim này để tên tuối được trở lại màn bạc.

Jane Meloney chăm chú nhìn sát vào mặt Stahr:

- Xin anh giải thích thêm về những lý do khiến ta bỏ cuốn phim.

- Tôi không muốn Margaret Sullavan và Colinan đóng phim này... Tôi thấy họ không thích hợp.

Wylie năn nỉ:

- Xin anh đi vào chi tiết hơn một chút. Anh không bằng lòng điều gì? Về cảnh trí, đối thoại, khôi hài, hay là việc xây dựng cốt chuyện?

Stahr cầm tập chuyện phim ở bàn lên tay, rồi lại để rớt xuống, làm như tập chuyện quá nặng khiến chàng không đủ sức giữ lại:

- Công chúng! Sở thích của công chúng thực là khó chiều. Nhưng nếu tôi biết sở thích đó ở đâu, nhất định tôi phải tìm tới và nếu biết được sở thích đó đi tới đâu, tôi cũng sẽ theo đi đến cùng.

Reinmnd mỉm cười, nhưng sự lo lắng vẫn còn thấy trong khóe mắt anh ta:

- Khó mà chiều được công luận, nhưng tôi tưởng đối với phim này họ cũng không đến nỗi thờ ơ lắm.

Broaca phụ họa:

- Họ sẽ khoái là cái chắc!

Giọng của Stahr thật sắc:

- Chắc không? Tôi thấy phim này khó sống nổi. Càng xem càng không hiểu phim muốn nói cái gì?

Reinmund trả lời nhượng bộ:

- Dĩ nhiên có nhiều chỗ mình cần sửa lại. Chúng ta thấy cốt chuyện không hay, nhưng chúng ta đã đồng ý..

- Tôi không nói đến cốt chuyện, nhưng tôi muốn nhấn mạnh vào loại chuyện mà chúng ta đã quyết định lựa chọn để diễn tả. Chúng ta toàn quyền tự do lựa chọn theo sở thích, nhưng khi đã chọn một loại nào rồi thì chúng ta phải dồn mọi nỗ lực để diễn tả loại đó, trong từng hàng, từng chi tiết một. Chuyện phim này không phải loại chuyện tôi đã chọn. Cốt chuyện mà chúng ta đã mua là loại chuyện vui tươi, có hậu, đó là một câu chuyện tràn đầy hạnh phúc. Vậy mà khi quay ra phim này, khán giả chỉ xem thấy toàn là những suy tư, ngờ vực, bối rối. Cặp trai, gái lý tưởng trong phim đã khi không dứt tình với nhau một cách phi lý; rồi lại yêu nhau trở lại cũng vì những lý do tầm thường không đâu. Sau diễn biến đầu tiên, các anh đã thiếu chuấn bị về sự tái ngộ của hai nhân vật này.

Wylie nói chen vào:

- Thưa, đó là lỗi của tôi. Vì tôi tưởng rằng ngày nay các có thơ ký không còn say mê ông chủ như hồi năm 1929 nữa. Họ thấy mấy ông chủ đã tỏ vẻ sợ điều đó. Sự việc đã thay đổi theo thời gian.

Stahr nhìn Wylie một cách sốt ruột và sẽ gật đầu:

- Thay đổi hay không, ta không thể đem câu chuyện đó ra thảo luận ở đây. Chỉ biết rằng chuyện phim mà ta đã chọn cho phim này là một chuyện trong đó cô thơ ký mê ông chủ một cách say đắm, nếu anh muốn dùng những từ ngữ như vậy. Và không có chứng cớ gì cho thấy ông chủ sợ điều đó. Khi anh cho cô ta nghi ngờ ông chủ là anh đã đổi sang một loại chuyện khác rồi. Hoặc là chuyện của anh sẽ không thuộc vào một loại nào cả, sẽ không diễn tả gì hết. Những nhân vật trong chuyện này đều là những người hướng ngoại. Ta phải luôn luôn để cho họ sống tự nhiên trong cá tính đó, đừng bắt họ suy tư. Nếu muốn làm một phim triết lý thuộc loại kịch của Eugene O’Neill với đầy những nghi ngờ, thắc mắc về cuộc đời, thì chúng ta sẽ mua một cốt chuyện khác.

Jane Meloney từ đầu tới giờ luôn luôn theo dõi Stahr, bây giờ bà ta biết chắc rằng mọi việc rồi sẽ êm xuôi cả. Nếu thực tình muốn bỏ ngang cuốn phim này thì Stahr đã không phân tích dài dòng như thế. Bà đã sống trong cái trò chơi điện ảnh này lâu hơn ai hết, trừ ra Broaca, người đã từng dan díu với bà ta trong một cuộc tình ba ngày, xảy ra hai chục năm trước.

Stahr quay sang Reinmund:

- Anh cần nắm vững vấn đề trong lúc thực hiện. Nhớ là tôi muốn có loại phim vui tươi, hồn nhiên. Tôi đã phác họa những nét đại cương của hai nhân vật chánh để phù hợp với tài diễn xuất trẻ trung của cặp tài tử Corliss và McKelway. Từ nay anh phải lưu ý điều đó mới được. Nếu tôi còm-măng một chiếc xe du lịch thì anh đừng đưa cho tôi chiếc xe đua.

Stahr nhìn mọi người và tiếp:

- Bây giờ chúng ta có nên bàn tiếp nữa hay không? Tôi đã trình bày để quý vị thấy tôi không muốn thấy cái phim ấm ớ, vui không ra vui, buồn không ra buồn này. Chúng ta có thể đi tới không? Chúng ta có hai tuần. Sau thời gian đó, tôi cần cặp Corliss và McKelvvay cho một phim khác. Liệu chúng ta có nên tiếp tục cuốn phim này không?

Reinmund:

- Cần phải tiếp tục. Tôi đã nhận ra những điểm sai lầm. Đáng lẽ tôi phải cảnh giác Wylie từ trước mới phải. Lúc đó tôi cứ tưởng đó là những sáng kiến hay.

Broaca nói lớn:

- Stahr nhận xét rất có lý. Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy phim này có điều gì lệch lạc, nhưng không phải lãnh vực của tôi.

Wylie và Rose nhìn nhau, ngầm trao đổi ý kiến. Stahr lại đặt câu hỏi:

- Yêu cầu quý vị soạn giả cho biết, quý vị có thể viết lại chuyện phim này với một sắc thái vui vẻ như tôi vừa trình bày hay không? Quý vị có cần thêm người giúp đỡ hay không?

Wylie trả lời:

- Cái đó có thể viết lại được.

Stahr quay sang phía Meloney:

- Còn chị thấy thế nào?

Meloney nhìn Stahr gật đầu. Stahr hỏi lại:

- Chị thấy vai trò của thiếu nữ trong phim này thế nào?

- Đương nhiên là tôi tán thành.

Stahr phản đối:

- Chị phải quên điều đó đi. Mười triệu người sẽ đả đảo thiếu nữ đó nếu cô ta xuất hiện trên màn ảnh. Chúng ta có tất cả một giờ hai mươi lăm phút. Một phần ba thời gian đó chúng ta cho thiếu nữ này xuất hiện như thể một người đàn bà lang chạ. Chắc chắn khán giả sẽ có cảm tưởng rằng nàng là một con điếm.

- Phải chăng đó là một đề tài lớn?

Vừa nói Meloney vừa cười và mọi người cùng cười theo.

Stahr nói có vẻ nghĩ ngợi:

- Đồng ý, đối với riêng tôi; có thể đó là một đề tài lớn. Có thể đối với sở kiểm tục, đó cũng là một đề tài lớn. Nhưng nếu chị muốn khai thác đề tài đó thì chúng ta phải kiếm một chuyện khác, chớ không phải chuyện này. Chị không có quyền sơn bảng cấm lên lưng thiếu nữ này, vì trong tương lai cô ta sẽ trở thành người vợ, người mẹ hiền. Hơn nữa...

Stahr ngưng lại, chỉ vào Wylie, nói tiếp:

-... Ông tướng này cũng đam mê nhiều lắm, nên ta không thể để cho nàng làm nghề đó được.

Wylie cãi:

- Nàng đâu có ham chuyện đó. Lúc nào nàng cũng được yêu đầy đủ rồi mà.

- Đầy, nhưng mà rồi nàng lại vơi thì sao? Nhưng thôi, chúng ta tạm gác chuyện đó. Tôi thấy có một cảnh trong phim rất hay, vậy mà các anh lại cắt đi, đó là cảnh nàng ta muốn cho thời giờ đi nhanh bằng cách thay đổi đồng hồ.

Wylie có vẻ tiếc rẻ:

- Vì cảnh đó có vẻ lạc lõng.

- Sau đây là những ý kiến của tôi cần sửa đổi đối với cuốn phim này. Tôi sẽ nhờ cô Doolan trình bày với quý vị. Nếu thấy có điều gì không ổn, xin quý vị cho biết ý kiến ngay.

Sau câu nói của Stahr thì cô Doolan đã có mặt ngày trong phòng họp. Cô ta nhanh nhẹn trình bày các điều đã được ghi sẵn. Theo những trình bày này thì Stahr muốn rằng cô gái, vai chánh trong phim này là một thiếu nữ hoàn toàn với một vài khuyết điểm nhỏ. Tạo ra một thiều nữ hoàn toàn không phải để chiều ý khán giả, nhưng vì trong loại phim này cần phải có một thiếu nữ như thế. Nàng không có cá tính gì đặc biệt. Nàng chỉ là một cô gái tiêu biểu cho sức khỏe, nghị lực, tham vọng và tình yêu. Điều quan trọng trong phim này là người thiếu nữ đó đã tự nhận diện được con người mình trong hoàn cảnh. Nàng đã nắm được điều bí mật từng ảnh hướng tới đời sống của mọi người. Sự phân biệt giữa điều xấu và điều tốt lúc đầu thì lờ mờ, nhưng sau nó trở nên rõ ràng và nàng đã không ngần ngại chọn lấy điều tốt. Đó là đặc tính của loại phim này: nhẹ nhàng, rõ rệt, tươi sáng. Không có những hoài nghi.

Cuối cùng Stahr nói với một tiếng thở dài:

- Nàng không hề biết tới những xáo trộn của vấn đề lao động. Có thể là nàng sống vào năm 1929. Chắc quý vị đã thấy rõ cô gái trong phim này thuộc về loại thiếu nữ nào.

- Rất rõ.

Stahr nói tiếp:

- Bây giờ ta bàn tới những hành động của thiếu nữ. Luôn luôn, bất cứ lúc nào, nếu nàng xuất hiện trên màn ảnh là chúng ta thấy nàng tỏ vẻ muốn ngủ với Ken Willard, ông chủ của nàng. Anh hiểu ý tôi chưa, Wylie?

- Hiểu một cách say sưa.

- Bất cứ nàng làm gì, cũng là có mục đích để được ngủ với Ken. Nếu nàng đi ra phố, là ta phải cho nàng đi tới để ngủ với Ken; nếu nàng ăn là để nàng có đủ sức ngủ với Ken. Nhưng ta phải cho khán giả thấy rằng nàng coi chuyện đó là điều thiêng liêng, cao cả, chớ không có mặc cảm tội lỗi. Rất tiếc phải nói với anh những điều ấu trĩ này, nhưng tôi thấy những điểm đó đi bị bỏ quên trong cuốn phim.

Stahr cầm chuyện phim lên, mở từng trang. Những lời phê bình của Stahr được cô Doolan ghi lại và sẽ đánh máy ra phát cho mỗi người. Nhưng Meloney vẫn ghi chú riêng cho bà ta. Broaca thì ngồi mơ màng, hai tay che mắt nửa thức, nửa tỉnh. Ông ta đang nghi lại cái thời vàng son của soạn giả, cái thời vàng son không có kiểm soát viên, không có Stahr.

Ông ta giật mình tỉnh dậy, khi nghe nhắc tới tên mình.

- Broaca à, anh có thể kéo dài cái cảnh thằng nhỏ đang loay hoay trên một mái nhà dốc, tìm cách xuống không? Cảnh đó gây được một cảm giác vui vui, không nguy hiểm, không giật gân, đó chỉ là chú bé trên nóc nhà buổi sáng.

- Xong rồi, đó là vấn đề tạo ra yếu tố nguy hiểm.

- Không hẳn như vậy. Đừng cho thắng bé rớt xuống đất. Khi nó sắp sửa té thì ta đã cúp, qua cảnh khác rồi.

Meloney đưa ý kiến:

- Ta có thể cho thằng nhỏ leo qua cửa sổ phòng chị nó để trèo lên mái nhà.

- Đúng lắm, cô thơ ký ghi ngay vào dùm.

Broaca đã hoàn toàn tỉnh táo:

- Ta sẽ quay cảnh này từ phía dưới hướng ống kính lên trên. Thằng nhỏ khởi đi từ chỗ ống kính. Ống kính không đi theo đứa nhỏ, nhưng ta cho xen vào một hình ảnh thu gần và lại để cho nó đi tự nhiên. Ta không chú ý tới nó nữa, nhưng tập trung vào việc thu hình tổng quát của quang cảnh bầu trời và máy nhà.

Broaca là người rất mê cái nghề thu hình này. Ông ta thường đọc chuyện phim cho tới khi nhập tâm rồi mới bắt đầu thu hình, chớ không lật từng trang trong lúc quay phim. Broaca có thể xử dụng một cần trục để thay cho mái nhà, vì tạo một mái nhà ở mặt đất tốn kém hơn nhiều. Làm việc chung với người Do Thái nhiều năm, Broaca cũng nhiễm được cái tính tiết kiệm, và ông ta đâm ra tin rằng người Do Thái lúc nào cũng thiếu tiền.

Stahr lên tiếng:

- Diễn biển thứ ba tiếp theo sau dó là cảnh thằng nhỏ đánh ông cố đạo.

Wylie kêu lớn:

- Bộ anh muốn chọc mấy người Công giáo cho người ta tới cắt cổ mình sao chớ?

- Tôi đã hỏi Joe Breen rồi, việc cố đạo bị đánh không ăn nhậu gì tới giáo dân cả.

Stahr tiếp tục nói cho tới khi Doolan liếc nhìn đồng hồ, Stahr nhìn Wylie:

- Liệu có xong trước thứ hai được không?

Wylie nhìn sang Meloney, bà ta cũng trả lời bằng một cái nhìn chớ cũng chẳng buồn gật đầu như lần trước nữa. Thế là kể như chương trình nghỉ ngơi, du hí chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật tan ra mây khói. Nhưng Wylie cảm thấy mình là một con người mới, khác với con người lúc trước khi bước vào phòng họp. Với số lương một ngàn năm trăm đô la một tuần, không ai cảm thấy nề hà gì khi phải làm thêm để đối phó với tình trạng khẩn cấp đe dọa cuốn phim. Là một văn sĩ quá phóng túng đến độ gần như ẩu tả, bê bối, nên Wylie đã không thành công trong nghề viết. Nhưng từ khi làm việc chung với Stahr, Wylie đã thành công nhờ ở kỹ thuật và sự chăm sóc của Stahr. Những lời phê bình của Stahr chắc chắn sẽ theo Wylie khi anh ta ra khỏi phòng họp và sẽ văng vẳng khắp nơi trong lúc anh ta làm việc ở phim trường. Bây giờ hắn cảm thấy mình đã có mục tiêu rõ rệt để làm việc, một tinh thần đồng đội, một sự phấn khởi khôn ngoan hướng đến thành công chung cho mọi người. Quan niệm đó đã được Stahr lớn tiếng đề cao trong buổi họp, và vạch ra cho Wylie công việc của anh ta là tìm cách đặt những tảng đá vào đúng chỗ của nó trong việc xây đựng chuyện phim. Đó là điều phải làm với bất cứ giá nào và không cần biết đến kết quả sẽ tới đâu.

Nhìn qua cửa sổ, Meloney thấy một dòng nước nhỏ đang chảy dần về phía nhà ăn. Trưa nay nàng sẽ ăn cơm ở đó, và trong khi chờ đợi hắn đến nàng sẽ viết được ít hàng. Hắn hẹn một giờ mười lăm mới tới, hắn thường xức nước hoa của Pháp nhập cảng lậu qua biên giới Mexico. Những vụ lăng nhăng ái tình này, nàng tự nghĩ, nào có gì là tội đâu, cùng lắm thì coi là sự vi phạm một điều cấm chứ gì.

Broaca nhìn cách Reinmund o bế Stahr và cảm thấy con đường tiến thủ của hắn đang có mòi đi lên. Lương hắn chỉ có bảy trăm rưởi một tuần, ít hơn lương của các giám đốc, soạn giả, tài tử nhiều. Nhưng hắn lại có ảnh hưởng mạnh đối với Stahr, nghĩa là có quyền đối với mọi người. Chân hắn đi đôi giày cà là tèng mua ở khu chợ trời Beverly Wilshire. Broaca hy vọng đôi giày sẽ cứa chân gã thiệt đau. Nhưng mà rồi đây, hắn sẽ mua đôi đắt tiền ở tiệm nổi tiếng Peel mấy hồi. Hắn còn kém tuổi Broaca. Tuy là cựu quân nhân có nhiều chiến công, nhưng hắn đã bị Ike Franklin đánh một cái tát ngang mặt. Kể từ đó cho tới ngày giải ngũ, hắn không còn là con người nguyên vẹn như trước được nữa.

Stahr đã đứng lên, từ từ rút lui một cách lịch sự sau màn khói thuốc trong phòng họp. Trước khi rời khỏi ghế, Stahr còn cố nghe những lời trình bày của Reinmund và Doolan. Thế là buổi họp chấm dứt.

*

Cô thơ ký Doolan trình với Stahr:

- Thưa ông, có điện thoại của ông Marcus từ Nữu Ước gọi.

Stahr hỏi lại:

- Sao kỳ vậy, mới tối hôm qua tôi còn thấy ông ấy ở đây mà.

- Dạ, thưa ông ta đang chờ ở đầu dây. Đúng là tiếng cô thơ ký Jacob gọi từ văn phòng ông ấy đấy ạ.

Stahr cười lớn:

- Lát nữa ăn cơm trưa tôi sẽ gặp ông ấy, làm gì có máy bay nào đưa ông ấy tới Nữu Ước nhanh được vậy.

Cô Doolan hỏi lại trong máy điện thoại, và sau đó cho biết:

- Thưa, lầm thiệt. Tại vì hồi sáng ông Marcus có gọi điện thoại đi Nữu Ước báo tin về cuộc động đất và dặn Nữu Ước gọi trở lại để hỏi thăm ông. Cô thơ ký mới làm nên cô ấy hiểu lầm.

- Có lẽ vậy.

Hoàng tử Agge nghe Doolan nói có điện thoại từ Nữu Ước gọi, ông ta liền cảm thấy công việc làm ăn, tổ chức của người Mỹ thiệt là rộng lớn. Và ông ta thấy hãng có những sự liên lạc chặt chẽ. Thực ra đó chỉ là một trò tiểu xảo của Marcus, ông ta ngồi ở phía bên kia đường, điện thoại cho văn phòng của ông ở Nữu Ước bảo gọi về đây hỏi thăm Stahr.

Stahr nhắc lại:

- Phải, có lẽ cô ta mới nhận việc. Có tin tức gì khác nữa không?

- Dạ, thưa có ông Robinson vừa gọi tới, ông ấy nói sắp đi ăni bây giờ, và đã hỏi dò biết tên của một trong hai thiếu nữ hôm qua, nhưng ông ta lại quên mất rồi, chỉ còn nhớ mang máng hình như là Smith, Jones, hay Brown gì đó.

- Tốt lắm.

- Và ông ta nhớ cô ấy có nói cô vừa mới dọn tới Los Angeles.

- Tôi còn nhớ cô ta thắt dây nịt màu trắng có đục lỗ hình ngôi sao.

- Thưa ông, tôi đang hỏi thăm thêm tin tức về Pete Zavras, tôi mới nói chuyện với vợ ông ta.

- Bà ta nói gì?

- Tội lắm. Bà ta bị đau và nhà cửa không ai trông coi.

- Mắt bà ta có còn hy vọng gì không?

- Hình như bà ta chẳng biết gì cả. Mắt bà ấy chắc là sắp bị mù.

- Thiệt là kỳ cục.

Trong lúc đi ăn cơm trưa, Stahr vẫn còn bị bận tâm về câu chuyện này. Nó cũng tương tự như câu chuyện khó khăn của anh tài tử vừa rồi, đó là vấn đề sức khỏe của người khác, Stahr không thể nào quán xuyến hết thay cho họ được. Ngay đến sức khỏe của chính mình, Stahr cũng còn không có thời giờ nghĩ tới nữa là. Trên lối đi tới nhà ăn, Stahr vội vã tránh sang một bên nhường lối cho chiếc xe hơi điện không mui, trên chở đầy nhóc các cô gái ăn mặc quần áo sặc sỡ kiểu xưa. Những chiếc áo của các cô bay tủa theo gió trông thật đẹp mắt. Các cô nhìn Stahr với một con mắt đầy tò mò, Stahr cũng mỉm cười nhìn lại họ.

*

Mười một người bồi tiếp ông khách của họ. Khách quý ấy là ông Hoàng Agge. Bữa cơm được tổ chức tại Phòng ăn đặc biệt, Câu lạc bộ phim trường. Tất cả đều là những tay tỷ phú, những người cai trị thiên hạ bằng tiền bạc. Mọi người đều ăn uống trong sự lễ độ tối đa. Nhiều khi họ ăn trong yên lặng, tưởng chừng như quên cả sự hiện diện của khách. Thỉnh thoảng họ trao đổi với nhau một vài lời thăm hỏi về vợ con, gia đình hay có người rút khăn mùi xoa, cẩn thận, trịnh trọng chấm những giọt mồ hôi trên trán. Trong số người này cứ mười người thì hết tám người Hy Lạp và một người Anh. Đã từ lâu họ biết rõ về nhau và đánh giá lẫn nhau, tự lão già Marcus cho tới lão Leanhaum là những người nắm giữ một khối lớn cổ phần giá trị trong thị trường, và không bao giờ chịu chi ra quá một triệu một năm cho công việc sản xuất.

Lão già Marcus tuy đang gặp nhiều chuyện khó khăn, nhưng vẫn luôn luôn tỏ ra là tay sừng sỏ. Bản năng thương mại của lão báo cho lão biết những nguy hiểm, những âm mưu ngấm ngầm đang rình rập chung quanh mình. Và lão trở thành con vật nguy hiểm nhất khi những người khác cho là lão đã bị bao vây. Những người trước kia thường nhìn trộm vào khóe mắt lão để tìm hiểu những ý nghĩ thầm kín bây giờ cũng đành bó tay chịu thua. Lòng trắng trong hai mắt lão hình như tự nhiên nhiều ra để che đậy đi tất cả, khiến người ngoài nhìn vào không thể biết lão đang nghĩ gì. Bộ áo giáp của lão thiệt là hoàn hảo.

Nếu lão Marcus là người nhiều tuổi nhất thì Stahr lại là người ít tuổi nhất trong nhóm. Ít năm trước đây, khi lần đầu mới được ngồi chung với những người này, thì Stahr còn là một thanh niên hai mươi hai tuổi với nhiều bỡ ngỡ. Sau đó Stahr đã trở thành người giàu nhất trong số những người giàu nhất này. Rồi những sự tính toán của Stahr trở nên nhanh và chính xác khiến họ phải nể - bởi vì thực ra họ cũng chẳng phải là phù thủy hay chuyên môn gì. Phần lớn họ thành công do những may mắn hay một khả năng đặc biệt nào đó, mặc dầu thiên hạ vẫn cho rằng những người Do Thái có năng khiếu riêng về tài chánh. Nhưng họ là những người không có đầu óc thành kiến, nệ cổ, nên họ dễ dàng chấp nhận sự nổi bật của Stahr, thán phục tài ba của chàng và coi đó chính là một kết quả do họ tạo ra. Điều này cũng giống như các cầu thủ gạo cội lúc về già nhìn các mầm non tài ba và coi đó là kết quả công lao của chính mình.

Hiện nay thì Stahr được coi là đã vượt xa hơn nhiều những người hiện đang ngồi ở dây.

Ông Hoàng Agge ngồi giữa Stahr và Mort Flaishacker, luật sư của công ty, đối diện thì có ông chủ rạp hát Joe Popolos. Ông Hoàng hình như có ác cảm với người Do Thái và ông ta cố gắng gạt bỏ thành kiến đó. Là người thích phiêu lưu, từng phục vụ trong Đạo quân Hải ngoại, ông Hoàng có thành kiến đối với người Do Thái. Ông cho rằng họ có tự tôn mặc cảm quá lớn. Nhưng lúc này ông tỏ ra cởi mở hơn, ông nghĩ rằng có lẽ người Do Thái ở Hoa Kỳ đã đổi khác nhiều, chớ không như ở nơi khác. Nhất là đối với Stahr thì ông Hoàng rất khâm phục về đủ mọi phương diện. Ngoài ra, đối với những tay tư bản khác đang ngồi xung quanh, ông ta cho rằng đó chỉ là một bọn chó đói. Dù sao thì ông Hoàng cũng vẫn còn mang nặng dòng máu vua chúa trong huyết quản.

Ông Hoàng gọi Ba tôi bằng tên họ Brady, và để cho tiện, tôi cũng xin phép được gọi như vậy. Brady đang thắc mắc về một cuốn phim nên khi Leanhaum rời chỗ ra ngoài, ông ta liền lợi dụng chạy tới kéo ghế ngồi đối diện với Stahr:

- Không biết vấn đề làm phim về Nam Mỹ ra sao?

Ông Hoàng Agge nhận thấy sau câu nói đó của Brady, tất cả mọi người đều đổ dồn sự chú ý về phía Stahr. Họ chớp chớp mắt trước khi nhìn về phía ông ta khiến ông Hoàng có cảm tưởng rằng mí mắt họ đập phành phạch vào nhau như cánh gà vậy.

Stahr trả lời:

- Thì vẫn tiếp tục như thường.

- Với ngân khoản trước?

Stahr gật đầu.

- Tôi sợ mình gặp nguy hiểm. Lúc này tình hình bết quá, chắc không phim nào có thể hy vọng thành công lớn như những phim Thiên Thần sa đọa hay Ben Hur lúc trước được. Tôi sợ bỏ tiền ra thì dễ nhưng thu về là chuyện nan giải.

Rất có thể câu chuyện này đã được xếp đặt trước, bởi vì người ta thấy ông Hy Lạp vội vã nói chen vào:

- Chuyện đó thiệt là khó quan niệm nổi quá. Mấy lúc này tình hình đã thay đổi nhiều. Bây giờ chúng ta đâu có thể hành động như trong thời kỳ vàng son trước đây được nữa.

Câu nói của Popolos giống như những lời nói mớm để đưa người ta vào một cái bẫy trương sẵn nào đó.

Stahr hỏi:

- Marcus, anh nghĩ sao?

Mọi con mắt đổ dồn về phía cuối bàn để chờ câu trả lời của Marcus. Nhưng làm như thể đã được báo động trước, nên ngay lúc đó ông ta ra hiệu cho người hầu cận, tỏ ý muốn đứng dậy, ra ngoài. Tên cận vệ ôm xốc nách ông ta từ phía sau để đỡ ông ta đứng lên giống như người đang ôm một cái thúng lớn. Trong thế đứng đó, ông ta nhìn mọi người như muốn cầu cứu, xin phép được rút lui. Lúc này thực khó có ai tưởng tượng được rằng hàng tuần thỉnh thoảng ông ta vẫn đi nhót với một em người Gia Nã Đại.

Marcus trả lời:

- Stahr là nhà sản xuất tài ba, lỗi lạc. Tôi hoàn toàn tin tưởng nơi ông ta. Ngoài ra tôi không biết gì hết.

Mọi người đều im lặng trong khi ông ta rời khỏi phòng.

Brady lên tiếng:

- Không thể có một phim nào có thể có số thu tới hai triệu trong lúc này.

Popolos phụ họa:

- Đúng. Không thể có. Dù ta có nắm đầu khán giả mà ấn vào trong rạp cũng không thể thu nổi số tiền đó.

- Đúng.

Stahr ngừng lại một lát như để mọi người chuẩn bị sẵn sàng nghe mình, và ông ta nói tiếp:

- Số thu ở quốc nội có thể được một triệu hai trăm năm chục ngàn, may ra có thể lên tới một triệu rưởi, và ở ngoại quốc có thể được hai trăm năm chục ngàn nữa.

Mọi người lại im lặng. Sự im lặng lần này có vẻ pha lẫn ngỡ ngàng, bối rối. Stahr quay lại phía sau bảo người bồi kêu điện thoại cho chàng liên lạc với văn phòng.

Fleishacker nhìn Stahr:

- Nhưng còn vấn đề tiền bạc, liệu anh sẽ giải quyết ra sao? Hiện tại anh chỉ có một ngân khoản một triệu bảy trăm năm chục ngàn, nếu tôi không lầm. Vậy mà anh lại tính ném tất cả vào một cuốn phim không hy vọng có lời là thế nào?

- Không phải là không hy vọng, tôi không nhất quyết xác định như thế. Tôi chỉ mới phỏng đoán rằng cuốn phim sẽ thu về được một triều rưởi, chớ tôi chưa hề chắc chắn như vậy.

Không khí trong phòng càng trở nên im lặng hơn, đến nỗi Hoàng tử Agge có thể nghe thấy tiếng tàn thuốc của một điếu xì gà rơi vào khay gạt tàn. Fleishacker đang định nói. Ông ta nhìn chăm chú vào Stahr. Nhưng người bồi đã trao điện thoại cho Stahr:

- Thưa ông, văn phòng đang đợi ở đầu dây.

- À, phải, phải, à, Doolan đấy hả? À, à, tôi đã đoán trước về Zavras như vậy mà. Tôi dám cá cả nón, áo lắm... À, làm vậy, phải rồi, tốt lắm. Bây giờ thế này: cô bảo họ đưa hắn tới Bác sĩ John Kennedy dùm tôi. Nói họ chụp hình và cho biết kết quả khám nghiệm, rõ chưa?

Stahr đưa điện thoại trả lại cho người bồi, đặt sấp hai bàn tay trên mặt bàn rộng:

- Các anh có hay tin gì về Pete Zavras sắp bị mù chưa?

Một vài người gật đầu nhè nhẹ. Nhưng phần đông còn đang nín thở chờ xem Stahr có nói trở lại về vấn đề làm cuốn phim vĩ đại hay không.

Stahr nhìn mọi người một lượt:

- Chuyện thiệt là kỳ cục. Hắn chưa hề đi bác sĩ khám mắt bao giờ cả. Hắn cũng không hề biết tại sao các phim trường thôi không mướn hắn nữa. Có thể tại vì có những người không ưa hắn, hoặc tại những người mồm miệng hay bép xép, ngồi lê đôi mách nhiều quá mà làm cho hắn bị mất sở, thất nghiệp hơn một năm nay.

Mọi người rì rầm với nhau ra chiều tỏ ý thương hại. Stahr rút cuốn chi phiếu trong người ra ký một tờ và làm như sắp sửa đứng lên.

Fleishacker khẩn khoản trong khi Brady và Popolos chăm chú theo dõi:

- Xin anh cho biết rõ ràng hơn. Có phải anh nhất quyết sẽ thực hiện một cuốn phim mà anh tính có thể lỗ tới hai trăm năm chục ngàn?

Stahr trả lời một cách tự nhiên:

- Đó là một cuốn phim giá trị.

Mọi người hình như bắt đầu hiểu ra. Nhưng họ vẫn chưa tin là Stahr nói thực. Họ nghĩ nhất định Stahr phải có lời.

Stahr lại lên tiếng:

- Trong suốt hai năm nay, chúng tôi đã làm những cuốn phim có lời. Bây giờ chúng tôi nhất định thực hiện một cuốn chịu lỗ để tỏ thiện chí với khán giả, và chúng tôi hy vọng rằng nhiều khách hàng mới sẽ chiếu cố tới phim này.

Một vài người nghe Stahr nói vẫn còn nghĩ rằng đó là một cách quảng cáo khéo cho cuốn phim tương lai của ông ta. Nhưng dầu sao họ cũng thấy rằng tất cả vấn đề đã được ông ta trình bày rõ ràng.

Stahr vừa đứng lên vừa nói tiếp. Xương quai hàm của chàng bạnh ra, đôi mắt say sưa, rực sáng:

- Dù có lo chăng nữa, phim này cũng vẫn là một cuốn phim vĩ đại, còn hơn cả Thiên thần sa đọa. Chúng tôi làm phim này vì bổn phận, vì tinh thần trách nhiệm đối với khán giả tin tưởng vào điện ảnh chớ không vì tiền, đúng như lời của Pat Brady đã tuyên bố trong bữa tiệc tại Hàn lâm viện vừa rồi. Thực là một điều tốt đẹp khi các nhà sản xuất chịu bắt đầu thực hiện những cuốn phim lỗ lã.

Stahr nhìn về phía ông Hoàng, sẽ gật đầu. Ông ta cũng cúi đầu đáp lễ và cố gắng liếc mắt tìm hiểu phản ứng của các nhà tư bản đối với lời tuyên bố của Stahr vừa rồi. Nhưng ông Hoàng đã thất bại vì mặt người nào người ấy đều lạnh như tiền đồng. Họ không để lộ một vẻ gì và cũng không nói lời nào.

*

Ra khỏi phòng ăn đặc biệt, họ đi qua một góc phòng ăn riêng và ông Hoàng đã mở to mắt thích thú, ngạc nhiên vì những cảnh lạ lùng xung quanh lần đầu tiên trong đời ông ta được nom thấy. Những người đang ngồi ăn ở đây đều là những người sống trong thời Đế quốc La Mã còn thịnh hành. Từ những thiếu nữ trong chiếc áo choàng dài kéo lê cả mấy thước cho tới những người công dân, người lính La Mã trong y phục đầy vàng bạc, hay oai nghiêm trong các bộ nón, giáp. Từ chỗ ông Hoàng đứng tới chỗ những người đó đang ngồi ăn chỉ cách nhau một khoảng cách ngắn, nhưng hai thế giới họ đang sống lại xa nhau hàng trăm năm. Ông Hoàng cảm thấy quần áo của ông ta và những người thời đại này đang mặc trở nên xa lạ như trong các chuyện giả tưởng nói về tương lai.

Hoàng tử Agge chợt nhìn thấy Tổng thống Abraham Lincoln, và những cảm giác của ông ta cũng bỗng nhiên thay đổi. Từ lâu, Hoàng tử đã được giáo dục trong tinh thần chớm nở của chủ nghĩa xã hội tại Thụy Điển. Ông ta đọc nhiều về tiểu sử của Nicolay, một vị vua có đầu óc cách mạng. Hoàng tử đã được các giáo sư bảo cho biết Lincoln là một vĩ nhân đáng khâm phục. Nhưng ông ta cảm thấy không phục Lincoln vì có cảm tưởng bị bắt buộc. Giờ đây chính mắt ông ta được nhìn thấy Lincoln đang ngồi kia, trước một bữa cơm bốn mươi xu kể cả đồ tráng miệng. Hai chân bắt chéo, chiếc áo choàng như ôm chặt lấy vai ông để giúp ông chống lại hơi lạnh trong phòng. Hoàng tử Agge đứng trố mắt nhìn Lincoln một cách cảm động chẳng khác gì một đảng viên Cộng sản đi hành hương, đứng nhìn xác ướp Lenin tại công trường Kremlin. Ông Hoàng thầm nghĩ: đây đúng là Lincoln. Stahr đã đi trước một quãng khá xa và đang đứng lại chờ Hoàng tử. Nhưng ông này còn đang nhìn ngắm say sưa. Ông ta tự nhủ: đúng là Lincoln với tất cả ý nghĩa.

Lincoln chợt cầm miếng bánh ngọt đưa lên miệng cắn một miếng khiến ông hoàng hơi hoảng hốt, vội vã chạy theo Stahr.

Stahr bảo Hoàng tử với giọng tự nhiên, vô tình:

- Chừng độ nửa giờ nữa, chúng ta sẽ coi chiếu thử một vài cảnh. Từ giờ tới đó Ngài có thể đi xem nơi nào tùy thích.

Ông Hoàng trả lời:

- Thôi, để tôi đi chung với quý vị được rồi.

- Chúng tôi xin lỗi Ngài phải về văn phòng giải quyết một vài công việc, rồi sẽ xin trở lại.

Tại văn phòng, Stahr phải tiếp ông Lãnh sự Nhật Bản tới phản đối một cuốn phim gián điệp do hãng vừa sản xuất, có đoạn xúc phạm tới tinh thần quốc gia Nhật. Sau đó Stahr trả lời các điện thoại đã gọi tới trong lúc vắng mặt và đọc điện tín. Stahr nhận được tin tức thêm về cô gái chàng đang tìm kiếm. Cô thơ ký Doolan cho biết:

- Bây giờ ông ta đã nhớ được tên cô gái là Smith. Robinson mời cô ta tới phim trường, nhưng cô ấy từ chối.

- Smith. - Stahr trầm ngâm - Smith, chẳng giúp được gì, nhưng thôi, cô kêu cho công ty điện thoại hỏi thăm cổ của những người tên Smith vừa tới thành phố dùm tôi xem.

- Vâng ạ.