Trong bệnh viện người tới lui nườm nượp, đâu đâu cũng có mùi thuốc sát trùng. Phòng bệnh của Lâm Du ở kế bên phòng cô út Lâm Mạn Xu. Khi Lâm Mạn Xu được phép đeo băng đầu sang thăm, Lâm Du vẫn bị yêu cầu bắt buộc ở yên trên giường không được xuống đất.
Lâm Hạo cầm trái táo ngồi cạnh gọt vỏ, nói với giọng cường điệu: "Mắt cá chân em cũng bị đá cứa rách, suýt chút vào đến mạch máu, đương nhiên không được xuống giường rồi. Tại em không thấy được khuôn mặt sa sầm rợn cả người của anh cả lúc bế em vào. Lúc đó cô út đã đang ở trong phòng phẫu thuật sẵn rồi, cộng thêm em nữa, thật sự làm bác cả với bố anh mất hồn."
"Ờ." Lâm Du đáp lại bằng một âm đơn, hiển nhiên lười để ý đến cậu chàng.
Cậu nhìn ra cửa sổ, cơn mưa lớn đã qua, mặt trời đang chói sáng bên ngoài.
Lâm Hạo gọt táo xong thì tự gặm ăn răng rắc.
Còn vừa ăn vừa nói nhồm nhoàm: "Anh nói nghiêm túc đó, nguyên con dao cắm vào eo mà em không có cảm giác gì hết hả?"
Lâm Du đảo mắt với cậu chàng, "Anh thử động thủ với người khác sau khi tập trung căng thẳng cao độ rồi lửa giận bốc tới đầu chưa?"
Mọi giác quan của cậu đều rơi vào trạng thái trì hoãn, rất nhiều chỗ đau không hề có cảm giác gì. Trên tay lẫn người đều dính rất nhiều máu của Lâm Mạn Xu, hiện trường lại hỗn loạn như thế. Quan trọng là không một ai chú ý thấy Phó Hưng Quang còn giấu một con dao gấp trong người, càng không phát giác khi hắn vùng vẫy đã đâm vào Lâm Du.
Lâm Hạo gật đầu, "Cũng đúng, trước đây anh còn nghe nói có người bị đâm vào đầu còn không hay biết gì mà đi một quãng rất xa, như em... chắc cũng không tới nỗi nhỉ."
Lâm Du không muốn nói tiếp đề tài này nữa, cậu hỏi: "Hôm nay cô út xuất viện hả?"
"Đúng rồi, cô út chỉ bị thương trên đầu, về nhà từ từ dưỡng lại là được." Lâm Hạo rụt cổ rồi nói: "Lần này về chắc chắn không giấu được, thể nào bà nội cũng nổi cơn lôi đình."
"Mấy hôm nay người trong nhà liên tục chạy vào bệnh viện, anh nghĩ bà nội không nhận ra à." Lâm Du nói, "Anh coi thường bà cụ nhà mình quá đấy."
Lâm Du ăn không ngồi rồi quá đâm ra hơi bực.
Cậu không thích mùi trong bệnh viện này, còn ồn ào nữa, vị trí phòng bệnh cũng không được, nắng chói cả mắt.
Cuối cùng Lâm Hạo cũng nhận ra tâm trạng cậu không được tốt rồi, cậu chàng hỏi: "Sao vậy? Sao anh thấy từ lúc dậy tới giờ em không được vui mấy?"
"Cô út bị thương trên đầu, em bị đâm, em phải vui thật là vui à?" Lâm Du móc họng.
Tốc độ gặm táo của Lâm Hạo giảm dần.
Cuối cùng cậu chàng dè dặt nhìn cậu hỏi: "Vì lúc tỉnh dậy em không thấy anh cả đâu đúng không?"
"Anh nói nhiều ghê." Lâm Du bảo.
Lâm Hạo bỏ quả táo xuống, "Vốn dĩ anh cả chỉ rẽ ngang giữa đường, được hơn nửa ngày thôi, mấy năm qua chắc em phải quen rồi chứ. Nhưng lần này cũng trùng hợp thật, đúng lúc cô út gặp chuyện, nếu không nhờ anh cả liên hệ với đại đội của thành phố thì chỉ với cảnh sát khu vực này chắc không dễ dàng được thế đâu. Em thấy đó, em bị đâm, lúc anh cả đi sắc mặt vẫn tái mét, còn chưa tỉnh thuốc mê."
Nghe tới đây Lâm Du cũng không biết trong lòng mình đang thấy thế nào nữa.
Đủ loại cảm xúc hỗn độn phức tạp, được trải nghiệm trọn vẹn lần lượt từng thứ một.
Lúc tỉnh lại không thấy anh đâu, cô đơn là thật, biết anh đi trong lo lắng cũng thấy khó chịu nữa.
Khi đó lúc thấy anh lẽ ra cậu phải biết ngay, ăn mặc như thế chẳng phải đang về nhà nghỉ phép. Khó khăn lắm anh mới lấy được cơ hội về nhà nửa ngày trên đường, có lẽ cũng muốn gặp cậu, nói vài câu. Kết quả lại gặp chuyện này, lúc anh đi, Lâm Du còn chẳng kịp nói một tiếng tạm biệt.
Người ta nói tình cảm là thứ không chiều lòng người nhất. Những năm Lâm Du chưa xác định quan hệ với anh, anh đi về vội vã, cậu cũng chỉ vừa vui mừng cho tương lai trời cao biển rộng của anh vừa cảm thán vì hiện thực mỗi người một ngã ngày trưởng thành. Hôm nay lại cảm nhận được nỗi nhớ nhung chân thật tận cùng, sự tồn tại của một người nào đó không ngừng chiếm hữu đầu óc mình từng giây từng khắc, gặm nhấm cậu đến độ khiến cậu nhìn đâu cũng thấy ngứa mắt.
Ngay lúc ấy có người đẩy cửa vào.
Không ngờ lại là đội phó Lưu đã gặp tại hiện trường hôm đó.
Đối phương xách theo một lẵng hoa với hai túi trái cây, vào cửa là cười nói: "Xem ra khôi phục cũng khá nhỉ."
"Chào đội phó Lưu." Lâm Du chống tay ngồi thẳng lên rồi bảo Lâm Hạo: "Kéo cái ghế qua dây."
Lâm Hạo ờ ờ mấy tiếng, vội vàng kéo ghế qua mời khách ngồi.
Đội phó Lưu ra hiệu cho Lâm Du không cần phải ngồi dậy, ngồi xuống tự đặt đồ xuống rồi nói: "Cháu cứ nằm đó đi, chú nghe nói đâm sâu một chút nữa thôi là tới lá lách, phải nghỉ ngơi nhiều vào."
"Không đáng ngại nhiều nữa rồi ạ." Lâm Du bảo.
Cậu đang mặc áo bệnh nhân, dù sao cũng bị thương mà, nên mặt trông khá tái, tinh thần thì tươi tỉnh.
Lâm Du hỏi: "Hôm nay chú đến vì phía Phó Hưng Quang có gì sao ạ?"
"Không phải, không liên quan gì hắn." Tuổi đội phó Lưu cũng phải ba mươi mấy rồi, gặp bọn Lâm Du cũng gần như xem là con cháu, cười bảo: "Hôm nay chú đến một là thăm cháu, hai là vì anh cả nhà mấy đứa."
"Anh cháu?" Lâm Du không khỏi nghiêm túc lên, "Anh ấy sao ạ?"
Đội phó Lưu phẩy tay, "Đừng căng thẳng, anh cháu khỏe lắm. Hôm nay có chuyện khác." Đội phó Lưu ngập ngừng một lúc mới lên tiếng: "Chuyện là, nói thế này đi, trên thực tế vì anh cháu từ Kiến Kinh nên trong thời gian nó học đại học luôn là nhân tài trọng điểm được đơn vị thành phố mình theo sát. Nhưng cháu cũng biết đó, nó được điều về Đôn Châu. Lãnh đạo bên trên bọn cháu còn than vãn tiếc nuối mãi."
Lâm Du: "..."
Vòng vo thế mà làm gì? Không chiêu dụ được anh nên tìm cậu đi đường vòng à?
Lâm Du khá ngạc nhiên, chốc lát sau mới lên tiếng: "Đội phó Lưu, chuyện này sợ là cháu không giúp được gì, chú tìm bố với bà cháu cũng vậy thôi. Gia đình cháu không can thiệp vào chuyện của anh ấy, anh cháu có quyết định của bản thân."
"Ầy, không cần phải giúp, chú gặp nó vài lần cũng nhìn ra rồi, văn phòng trong thành phố sợ không hợp với nó." Có vẻ đội phó Lưu cũng cảm thấy tìm đến một người trẻ tuổi thế này không phù hợp, nhưng vẫn cắn răng nói thật ra: "Tìm cháu là vì mấy năm nay đại đội thành phố mình luôn thiếu nhân tài, đặc biệt là mảng kỹ thuật. Lần này hai người bọn chú nhắm trước đều bị điều sang nơi khác, đặc biệt là một người tên Hồ Đào, thuộc khoa Kỹ thuật, rất quan trọng với bọn chú. Nhưng nghe ngóng thử mới biết..."
Nghe đến đây Lâm Du đã đoán ra quá nửa mục đích rồi, nhà họ Văn thu lại nhân tài đã tung ra, tiệt đường của đại đội thành phố.
Nhưng rồi tìm cậu cũng được gì đâu? Cậu chỉ quen biết với cây gỗ thôi.
Lâm Du: "Cháu hiểu ý chú, nhưng sao lại đến tìm cháu ạ?"
Lâm Du càng hỏi đội phó Lưu càng ngại.
Nhà họ Văn là ai chứ, bao nhiêu cuộc điện thoại gọi đi, cả một tiếng âm vọng cũng không thấy.
Năm nay đại đội có chỉ tiêu cố định, thật sự không thể thiếu người.
Lãnh đạo sốt ruột đến nổi đẹn đầy mồm, vỗ bàn quát: "Bất chấp phương pháp, nhất định phải lôi người về cho tôi."
Nên đội phó Lưu mới nghĩ tới Lâm Du.
Đội phó Lưu nói: "Bọn chú có thể gọi sang cho phía Đôn Châu, nhưng chuyện này cũng khó mở lời. Lần này vô tình lại trùng hợp, cô út cháu gặp chuyện, chú thấy hôm đó anh cháu đưa cháu lên xe đến bệnh viện rất nóng ruột."
Lâm Du im lặng một lúc lâu.
Ý là nhận ra quan hệ của anh cậu và nhà họ Lâm rất tốt, lại từng hỗ trợ chuyện cô út nên uyển chuyển nhờ vả cậu.
Đội phó Lưu nói: "Cháu cũng không cần nặng lòng, bọn chú chỉ đặt một phần trăm hy vọng ở chỗ cháu, dù sao cuối cùng cũng do điều phối nội bộ quyết định. Chỉ là tình huống phía nhà họ Văn đặc biệt, có nhà cháu đánh tiếng thì ít nhất cũng cho bọn chú cơ hội để đề xuất lên trên."
Lâm Du không muốn gọi cú điện thoại này lắm.
Nhưng đội phó đại đội đích thân tới cửa, trước đó còn cứu cô út.
Lâm Hạo ngồi cạnh còn nói: "Chuyện có gì đâu, Lâm Du, em nói với anh cả một tiếng là được rồi. Nhà họ Văn có thả người hay không mình đâu quyết định được."
Lâm Du lồng hai tay vào nhau đặt trên nệm, trầm ngâm một lúc rồi cuối cùng cũng gật đầu.
Chuyện này nghe có vẻ nhỏ thôi, nhưng lại rất khó để quyết định.
Khi cậu và cô út đều trở thành điều kiện có thể nhờ vả anh cậu trong sự kiện này, Lâm Du thừa nhận mình không hề dễ chịu. Nhưng đồng thời cậu cũng hiểu rõ, quan hệ có qua có lại rất quan trọng trong thế giới của người trưởng thành.
Cũng như khi cậu giao thiệp với người khác, khó mà tránh khỏi cảnh nhờ qua giúp lại.
Chỉ là cậu chợt nhận ra, thì ra anh mình cũng phải đối mặt với những điều này.
Dù anh đã vào một trường như đại học K, chọn đến nơi heo hút như Đôn Châu, chỉ cần anh họ Văn, thì cả quãng đời tương lai vẫn sẽ có không ít người tìm đến nhờ vả anh vì những chuyện thế này.
Hoặc tìm đến cậu.
Đội phó Lưu bấm gọi ngay trước mặt cậu, bên kia nghe máy, đội phó Lưu tự giới thiệu mình thuộc đại đội Kiến Kinh, xin phép được nói chuyện với Văn Chu Nghiêu.
Rồi điện thoại được chuyển vào tay Lâm Du.
Áp ống nghe vào tai, tiếng soàn soạt vọng ra.
Chốc lát sau Lâm Du nghe thấy tiếng bước chân khe khẽ, tiếp ngay sau đó là: "Báo cáo."
Rồi có người nghe máy.
"Ai vậy?" Lâm Du nghe anh mình hỏi.
Cậu im lặng hết mấy giây. Cậu phảng phất thấy được, dưới ánh mặt trời chói chang ngày hè, bụi cuộn tung trên thao trường ở Đôn Châu, Văn Chu Nghiêu bước qua thao trường, đẩy cửa phòng liên lạc, nghe điện thoại.
Anh lúc này nhất định đang rất trầm tĩnh, ánh sáng hắt lên gò má anh vàng cam, hẳn sẽ rất đẹp.
Đây là một cuộc gọi được nhờ vả, nhưng khi nghe thấy tiếng Văn Chu Nghiêu, nỗi tiếc nuối và nhớ thương khi tỉnh dậy không thấy anh đâu lại tràn về như thác lũ.
Lâm Du: "Là em đây, anh."
Đầu dây bên kia bỗng im bặt, chỉ nghe thấy tiếng thở vọng vào tai qua ống nghe.
Khi Văn Chu Nghiêu cất tiếng lần nữa giọng anh hơi khàn đi, dịu dàng hơn rất nhiều, anh không nói gì, câu đầu tiên hỏi ngay: "Đỡ hơn chưa?"
Lâm Du vô thức nắm chăn, "Gần khỏi hẳn rồi, có điều phía mẹ em hơi lo thôi."
Văn Chu Nghiêu ừm một tiếng.
Giọng trầm như ngay bên tai, làm vành tai Lâm Du tê dại.
Cậu biết giờ phút này không phải thời điểm đúng, nên lên tiếng báo trước: "Em gọi cho anh bằng điện thoại của đội phó Lưu."
"Ừ, anh biết rồi." Có vẻ Văn Chu Nghiêu không hề ngạc nhiên, anh nói: "Em không cần quan tâm tới chuyện này, cũng không cần để tâm. Em đưa điện thoại cho chú ấy, anh nói chuyện."
Lâm Du đưa điện thoại ra, "Hai người tự nói đi."
Khoảng ba hoặc năm phút sau đó, đội phó Lưu vui mừng bước vào, xem ra có hy vọng rồi.
Chú lại đưa điện thoại ra, bảo: "Anh cháu có việc cần dặn, không sao, cứ nói thong thả, không vội."
Sau đó còn sẵn tiện dắt cả Lâm Hạo ra khỏi phòng.
Lâm Du nhìn điện thoại, lại đưa nó lên tai.
"Anh?" Cậu gọi.
Giọng Văn Chu Nghiêu vang lên, như đang thở dài, "Tuy không làm được, nhưng bây giờ chẳng muốn nghĩ gì nữa, chỉ muốn ôm em thôi."
Lâm Du chớp chớp, trong lòng thấy ngọt ngọt chua chua.
Có lẽ khi ở trong bệnh viện người ta sẽ dễ xúc động hơn.
"Cạnh anh không có ai chứ?" Lâm Du hỏi.
"Không có ai." Văn Chu Nghiêu nói, "Anh bảo bọn họ ra ngoài rồi."
Lâm Du: "Ừm, vậy bây giờ nói nhớ anh cũng không sợ ai nghe thấy. Anh, hình như em nhớ anh nhiều lắm thật."
Chương 62
Ngày Lâm Du xuất viện cả nhà nháo nhào đủ thứ, vừa tới cửa bị Dương Hoài Ngọc bắt thay đồ rồi mới được vào, bảo để bỏ cái xui đi. Lâm Du vào nhà là đến thẳng chỗ bà cụ. Tuy người trong nhà cố gắng giấu nhưng bà cụ vẫn hay tin. Để thể hiện mình thật sự đã khỏi hẳn rồi, Lâm Du kể khổ rồi nhõng nhẽo cả buổi mới làm bà yên lòng.
Lý Tùy Thanh còn đặc biệt đến thăm hỏi.
Bây giờ anh ta không xuất ngoại được nữa nên rất dốc lòng dốc sức giúp cho cậu khá nhiều thứ, mối liên hệ và hợp tác càng ngày càng sâu sắc.
Năm nay có quá nhiều việc xảy ra, hạng mục trong tay Lâm Bách Tòng cũng vì thế mà trì hoãn mãi chưa hoàn công được.
Tháng sáu này Trương Gia Duệ quyết định nghe lời gia đình ra nước ngoài học đại học.
Trước khi đi còn kéo Lâm Du đi uống rượu, khóc lóc thê lương nói mình biết Lưu Thải Vân luôn xem mình là bạn, không hề thích mình. Cuối cùng còn hỏi tại mình mập quá hay sao? Hay tại nhà chưa đủ giàu?
Lâm Du cạn lời, nhưng nể tình cậu chàng là người bạn hiếm thấy suốt bao nhiêu năm qua, cậu an ủi: "Đây là vấn đề duyên nợ, nghĩ nhiều cũng chẳng ích gì đâu. Cậu lo gì, nước ngoài còn biết bao nhiêu em gái chờ cậu yêu thương."
Trên thực tế cậu không nói, chẳng liên quan gì đến béo hay tiền cả, Lưu Thải Vân cũng đâu có thích tiền.
Cô nhóc này càng lúc càng cá tính, mục tiêu cũng khác với người bình thường.
Trương Gia Duệ vừa đi là cô nàng chạy về phía nam, bảo mình chịu hết nổi mùa đông khô lạnh của miền bắc rồi, cõng theo chiếc ba lô gọn nhẹ đi tìm bốn mùa của mình.
Nhưng sau cùng bọn họ đều nói, tớ sẽ về, vì ở đây còn có cậu đó Lâm Tiểu Du.
Lâm Du cười cười, cảm thấy năm mười tám thành niên của mình cũng khá đấy chứ.
Tình yêu, tình thân, tình bạn đều nắm trong tay.
Có những thứ, đã phát sinh hoặc đang phát sinh, chỉ cần từng tồn tại là sẽ để lại dấu vết. Có người, dù xa xôi muôn trùng, vẫn sẽ luôn ngự trị trong đáy lòng.
Ai cũng thế, tất cả mọi người bao gồm bản thân Lâm Du, Văn Chu Nghiêu anh cậu, bao gồm cả Lý Tùy Thanh và chú ba.
Cuối năm, bà cụ đột nhiên phải nhập viện.
Cả nhà chao đảo.
Bệnh viện thông báo, bà cụ không có bệnh nặng nào cả, nhưng con người già rồi trước sau gì cũng phải trải qua chuyện này. Chú ba đang ở bên ngoài chạy về ngay trong đêm. Chú tư định cư nước ngoài cũng dẫn cả nhà về.
Như chỉ trong một buổi chiều, đột nhiên bà cụ yếu đi.
Lâm Du thấy như đang trong mơ.
Giấc mơ mà bà cụ vẫn khỏe mạnh quắc thước, cầm cây chổi lông gà mắng cho mấy đứa con không ngẩng đầu lên được.
Dường như vẫn như khi còn rất nhỏ, cậu hay bọn Lâm Thước gì cũng thế, gây chuyện xong cứ chạy tới chỗ bà cụ là bố mẹ không ai dám bước tới đánh đòn.
Nhưng sực tỉnh khỏi cơn mơ, năm nay bà cụ đã tám mươi hai rồi.
Bà nằm viện ba bốn ngày, ngày nào cũng bảo cô út chải đầu cho, điểm trang rất kỹ lưỡng.
Nhưng khi bà đắp chăn ngồi trên ghế, Lâm Du mới giật mình nhận ra bà cụ giờ đã gầy nhỏ hẳn lại. Không còn là bà cụ Lâm đi đứng hiên ngang, gầy dựng sự nghiệp ở đường Thịnh Trường rồi chèo chống suốt mấy chục năm.
Kiếp trước bà phải bước qua ngạch sinh tử từ rất sớm, Lâm Du cảm thấy hiện tại mình nên thấy đủ.
Nhưng cậu vẫn sợ hãi và bất an. Sự bất an thấm đẫm tháng ngày hai kiếp làm cậu hoảng hốt đến không chân thực.
Như những năm có thêm sau này thật ra chẳng hề tồn tại.
Từ khi bà cụ đổ bệnh, cậu gác lại tất cả mọi việc trong tay, túc trực mỗi ngày trong bệnh viên.
Từ lúc Văn Chu Nghiêu gọi về đã mấy ngày, Lâm Du biết thời gian đó anh đang tham gia kỳ huấn luyện đặc thù ở nước ngoài. Trước đó vốn đã có hơn một tháng Lâm Du không nhận được bất kỳ tin tức gì về anh, không biết anh nhận được tin bà cụ bệnh từ đâu nữa.
Anh cả nói: "Ba ngày nữa thôi, anh sắp về rồi."
"Anh ơi." Lâm Du gọi anh trong điện thoại.
Cậu ngồi cạnh luống hoa dưới sân bệnh viện, được nghe tiếng Văn Chu Nghiêu trong thời điểm này giúp cậu thấy bình tâm.
Cậu ngửa đầu nhìn lên một khung cửa sổ của dãy phòng bệnh, hỏi: "Bà nội sẽ chết đúng không anh?" Cậu không chờ Văn Chu Nghiêu đáp lời, lầm bầm nói tiếp: "Bác sĩ nói vậy, ai cũng nói vậy, tuy ngoài mặt bố với các chú em không nói gì, nhưng em biết bọn họ đang chuẩn bị hậu sự rồi."
Lâm Du nói: "Anh, bắt buộc phải chết hả anh? Em muốn bà sống mãi cơ."
Sống như bà cụ thường cẩn thận kê chân lên để lấy chiếc hộp trên đầu tủ khi bọn họ còn rất nhỏ.
Trong hộp có rất nhiều đồ chơi với bánh kẹo lạ lẫm.
Là bà nội mà chỉ cần khi bọn họ ra ngoài báo tin sắp về là lại ra đầu đường chờ đón.
Văn Chu Nghiêu im lặng rất lâu, cuối cùng anh nói: "Tỉnh táo lên Lâm Du."
Anh nói: "Anh không thể bảo em chọn cách xem nhẹ việc này, nhưng ít nhất, đừng làm khó dễ bản thân. Bà nội cũng không muốn thấy em như thế đâu, biết không?"
Lâu Thành bình tĩnh ừm một tiếng, khẽ đáp: "Em biết rồi."
Bà cụ nằm viện vài hôm tinh thần phấn chấn hơn, chê ở bệnh viện khó chịu, nói muốn về nhà.
Cả nhà bàn bạc lại, nào có ai lại không đồng ý, thế là về nhà ngay trong đêm.
Ngoài mặt mỗi người đều trông rất bình thường, cười cười nói nói, phải làm gì thì làm đó. Nhưng khi nhìn vào nhau, trái tim sẽ như trì xuống, nhưng tất cả những điều ấy đều không lộ ra trước mặt bà cụ.
Thậm chí Lâm Du còn mời một đoàn hát về dựng sân khấu trong sân phòng của bà cụ, diễn tuồng "Mục Quế Anh phong soái" mà bà cụ thích nhất.
Mấy hôm nay tâm trạng của bà cụ rất tốt, trời lạnh rồi cũng không chịu ở trong phòng.
Bà bảo dời ghế mình ra hành lang, nghe tuồng nhập tâm còn ngâm theo vài câu. Hết tuồng khen người ta hát hay, nói phải thưởng thêm.
Lâm Du bước trên hành lang gỗ đến gần, cười bảo: "Bà nội, cái này làm sao để bà rút hầu bao được chứ."
Bà cụ quay đầu nhìn cậu, cười híp mắt nói nhỏ với cậu: "Bà nội có quỹ đen đó nha."
Thần thái như lùi về rất nhiều năm trước, ngày còn là một cô bé.
Lâm Du ngồi xổm xuống cạnh ghế, cũng hỏi nhỏ: "Nhiều tiền không bà?"
"Muốn biết hả?" Bà cụ nghiêng đầu thì thầm với cậu, "Cất trong hộp trong phòng hết đó, chìa khóa bà mang theo bên người đây."
Lâm Du nghiêng đầu, "Nhưng mà bà nói với con rồi thì đâu còn là bí mật nữa, hôm nào con mà hết tiền sẽ vào bẻ khóa của bà."
"Cứ đi cứ đi." Bà cụ rất vui vẻ, "Cho bé ngoan nhà mình hết luôn."
Mắt Lâm Du cay cay, cố nén lại nhưng vẫn ửng đỏ.
"Con có tiền mà." Lâm Du nắm tay bà nói: "Bà nội, giờ con có tiền rồi, có nhiều tiền nhất nhà luôn đó."
Bàn tay đầy những vết đồi mồi của bà cụ vỗ nhẹ lên mu bàn tay cậu, ấm áp mà hiền hậu.
"Con ấy, không được điềm tĩnh như anh cả, cũng không rắn rỏi như anh hai anh ba." Bà cụ xúc động cảm thán, "Nhưng bà biết con là người giữ gìn gia đình giỏi nhất."
Bà cụ xoa đầu Lâm Du, chợt hỏi cậu: "Bé ngoan, có muốn ra riêng không? Bà không nói được cho cha chú con nữa, nhưng bây giờ con kinh doanh lớn rồi, chuyện tương lai khó ai nói trước được. Nhân lúc bà nội còn lên tiếng được, chia phần ra cho mấy đứa."
Lâm Du chấn động, cậu không nói được thành tiếng, chỉ lắc đầu liên tục.
Chờ dịu xuống rồi mới nói: "Bà nói gì vậy bà, ra gì thì cũng không nỡ ra riêng. Bà là chủ gia đình, dù sau này bố con hay bất kỳ ai cai quản thì bà luôn là lớn nhất trong nhà. Bà gồng gánh gia cang nhà họ Lâm bao nhiêu năm nay, sau này con cháu đời đời vẫn sẽ tiếp tục gồng gánh, con bảo đảm với bà."
Bà cụ nghiêng đầu nhìn Lâm Du, ngắm cậu rất lâu, rồi thở dài, "Mới tí tuổi đầu đã lao tâm, tương lai sau này bé ngoan nhà mình phải tìm một cô bé thế nào mới sống yên lành được đây?"
Lâm Du cười rạng rỡ, "Con sống yên lành lắm mà bà."
Đời này, thật sự, cực kỳ yên lành.
Bà cụ nhắm mắt lại tựa sâu vào gối lót mềm mại trên ghế, ngân nga theo tiếng hát trên sâu khấu.
Nhớ ngày tháng hoa đào lưng ngựa oai hùng xưa kia
Máu tươi bắn đẫm làn váy thạch lựu
Ngày Văn Chu Nghiêu về nhà, cũng vào nửa đêm, người trong nhà đều đang thức, đèn đuốc sáng choang.
Anh mặc chiếc áo bành tô màu xanh quân đội, mang ủng da, xách theo hành lý, chân bước hối hả.
Anh sải chân qua cổng chính vào sân trong, gặp ngay Lâm Du vừa bước từ trong phòng ra ngoài.
Cả hai đều sững người.
Nhanh chóng có người xuất hiện quanh đó, bên tai đầy những: "Chu Nghiêu về rồi à?!"
"Mau mau mau, vào gặp bà nội trước đi con."
"Chỉ còn chờ con thôi."
Lâm Du cảm thấy ánh mắt chỉ cách mình tầm mười mét ấy sao mà đằng đẵng, màn đêm cách một dải sáng đèn, tốc độ lưu chuyển của không khí, làn gió, âm thanh bên tai, tất cả đều hòa thành cảnh chiếu chậm gấp hơn mười lần.
Văn Chu Nghiêu trong mắt cậu gần hơn từng bước.
Mãi đến khi anh nắm lấy tay cậu tự nhiên như không, Lâm Du mới nhận ra khung cảnh xung quanh đã bình thường trở lại.
Hai người đều không nói gì, càng không ai chú ý đến việc hai bàn tay đang nắm lấy nhau của hai người có gì không ổn. Văn Chu Nghiêu dẫn theo cậu, đi qua cửa ở khúc ngoặt, tới trước phòng bà cụ.
Mấy hôm nay thời gian bà cụ tỉnh táo càng lúc càng ngắn, trong phòng có mùi thơm thoang thoảng từ lọ hoa păng xê cô út hái từ bên ngoài về cắm bên cửa sổ. Khi hai người vào phòng nhóm Lâm Bách Tòng đang có mặt đầy đủ.
Bà cụ rất tươi tỉnh, nói nói cười cười.
Thấy ha người liền vẫy tay gọi, "Chu Nghiêu về rồi hả con? Qua đây bà xem nào."
Văn Chu Nghiêu dẫn Lâm Du bước lên, lên tiếng: "Bà nội."
Có người nhường chỗ cho Văn Chu Nghiêu, anh ngồi xuống bên cạnh, cười cười rồi nói: "Lần này về hơi vội, con mang hai khối ngọc lục bảo thô từ Philippines về biếu bà, làm thành trang sức rồi sẽ mang đến cho bà."
"Ừ được." Bà cụ đáp lời rất vui vẻ, ngắm anh rồi bảo: "Sao trông gầy đi vậy?"
"Khí hậu bên đó không được tốt." Văn Chu Nghiêu nói.
Bà cụ: "Phải chú ý tới sức khỏe bản thân chứ, lần này con về bao lâu?"
"Hai tháng ạ."
"Tốt lắm tốt lắm, ở nhà bồi bổ lại, rảnh rỗi thì sang thăm ông nội con. Ông ấy cao tuổi rồi cũng nhớ con lắm."
Văn Chu Nghiêu đáp dạ. Người xung quanh thi thoảng lại chêm vào lời câu, bầu không khí rất vui vẻ.
Cuối cùng bà cụ gọi Lâm Bách Tòng tới trước mặt.
Bà nói: "Mẹ con già rồi, bản thân thế nào trong lòng mẹ biết. Con là anh cả, lại chưởng quản gia cang, tuy biết con vất vả, nhưng có những trách nhiệm con buộc phải gánh vác. Mẹ không thấy được ngày Tam Nhi và Mạn Xu kết hôn, sau này chúng nó tìm người như thế nào phải nhờ con xem hộ cho."
Lâm Mạn Xu cạnh đó đã bắt đầu rơi nước mắt, chú ba im lặng cụp mắt, che phủ sự áy náy dâng tràn từ đáy lòng.
Tiếng Lâm Bách Tòng như nghẹn lại trong cổ họng, chú nói: "Mẹ, con chưa bao giờ thấy vất vả hết."
Bà cụ nói tiếp với Lâm Bách Tòng: "Trên hiền dưới hiếu, chủ gia đình thì phải cho ra chủ gia đình." Tiếng bà đột nhiên lớn hẳn lên, rõ ràng đang nói cho mọi người trong phòng nghe: "Mẹ hỏi Tiểu Du nhà mình rồi, bây giờ nó thế nào tự trong lòng mấy đứa biết. Mẹ cũng nhìn ra rồi, sau này gia cang này còn phải dựa vào nó. Nó nói không chịu ra riêng, nếu đã không chịu thì gia đình phải cho ra gia đình. Nó còn nhỏ, đi không đúng lối cũng phải nhắc nó không được kiêu căng, bước lầm bước sai cũng không được ngã lòng, giúp được thì cố gắng giúp hết sức, đừng có cáu kỉnh với nó."
Lâm Du sững ra tại chỗ, cậu không ngờ cuối cùng bà cụ lại nhắc đến mình.
Kiếp trước bà nói: "Không mong con tiếp quản gia đình, như thế vất vả quá, chỉ đừng làm mai một tay nghề, sau này cũng có cái mà nuôi sống bản thân."
Kiếp này Lâm Du học nghề tử tế, kinh doanh lớn, bà lại hỏi cậu muốn ra riêng không.
Lâm Du nói với bà sau này mình sẽ chống đỡ cho gia đình. Đến lúc này bà vẫn muốn lập uy cho cậu.
Những lời sau đó của bà cụ dành cho Văn Chu Nghiêu.
Bà nói: "Chu Nghiêu à, bà gửi gắm gia đình to lớn này cho đứa nhỏ nhất. Con là anh cả trong lứa con cháu, cũng phải để ý giúp bà nhé."
Văn Chu Nghiêu ngồi xổm xuống trước giường bà cụ, nắm lấy tay bà như Lâm Du hay nắm trước đây, hứa hẹn: "Bà yên tâm, ngày nào con còn thì bảo đảm em ấy bình an, nhà họ Lâm yên ổn ngày đó."
Bà cụ gật đầu, vỗ nhẹ tay anh, "Con ấy, là đứa làm bà yên tâm nhất."
Nói chuyện một hồi tinh thần bà cụ bắt đầu kém đi, bà xua: "Mấy hôm nay các anh các chị cứ vây lấy tôi, nói bằng phần cả năm rồi. Mẹ ngủ một lát, mấy đứa đi làm việc của mình đi."
Tất cả mọi người đều muốn ở lại, nhưng bà cụ không muốn, nói buồn ngủ lắm rồi.
Cho nên người trong phòng lục tục ra ngoài.
Lâm Du đi phía sau. Cậu ra sân, nhìn ra ngoài bầu trời bốn cạnh vuông vức, ánh sáng từ nửa vầng trăng hắt xuống qua lớp mây đen mịt mù.
Như có dự cảm trong lòng, cậu không bước đi xa.
Văn Chu Nghiêu đi ngay bên cạnh.
Không biết là tại bước thứ mấy mươi, tiếng ly vỡ đột ngột vọng ra từ căn phòng sau lưng, rồi đủ loại âm thanh tiếng nói hỗn loạn của rất nhiều người truyền vào tai, ù đặc đi.
Lâm Du quay đầu muốn chạy về.
Chân lại nhũn xuống, trước khi lảo đảo ngã xuống, cậu được Văn Chu Nghiêu đỡ lấy, đẩy lên.
"Anh." Lồng ngực Lâm Du tì vào cánh tay Văn Chu Nghiêu, cậu cong lưng cúi đầu, giọng nức nở.
Văn Chu Nghiêu: "Đứng thẳng lên, có anh đỡ rồi."
Chương 63
Lâm Du không nhớ được mình đã đi về như thế nào, bên tai đầy tiếng phụ nữ khóc than, của mẹ cậu Dương Hoài Ngọc, của cô út, của thím hai. Cậu đứng trước cửa ngơ ngẩn cất tiếng: "Mỗi một thân phận trong đời này của bà cụ đều đã đạt đến đỉnh cao. Chồng mất sớm, nuôi dưỡng sáu con thơ, ba mươi năm vinh nhục không sợ hãi không chùn chân. Lão niên phú quý dư dật, hiền từ bao dung, đem về cho nhà họ Lâm vinh quang ngày hôm nay. Mất ngày hai mươi tám tháng chạp năm Canh Thìn, ra đi than thản."
Nhưng không biết vì sao, cảnh tượng trước mắt cậu vẫn mờ đục.
Từ hôm nay trở đi, không còn một bà cụ gọi cậu là bé ngoan.
Không còn người dù cậu đã bao nhiêu tuổi vẫn len lén dúi đồ ăn vặt cho, bảo cậu là phúc phần của nhà họ Lâm nữa rồi.
Người thân gần gũi nhất, nỗi nuối tiếc đầu tiên của cậu trong kiếp trước, cuối cùng cũng rời đi.
Bên cạnh là Văn Chu Nghiêu vẫn luôn chống đỡ cho cậu đúng như lời anh nói.
Giữa chốn hỗn loạn, trong cõi huyên náo, ở kiếp trước, tại kiếp này.
Lâm Du túm chặt vải áo trước ngực anh, mắt đỏ ngầu, giọng khàn đặc: "Em làm được rồi, anh, bà nội mỉm cười ra đi đúng không?"
Không bệnh tật, tiếc nuối hay lo lắng, yên ổn mà đi.
Văn Chu Nghiêu ôm cậu, vuốt ve sống lưng cậu.
"Phải." Anh nói. "Em làm tốt lắm, Lâm Du, mấy năm qua bà luôn xem em là niềm tự hào."
Cuối cùng nước mắt Lâm Du cũng tràn ra, rơi xuống, nghẹn ngào không thành tiếng.
Bà cụ đã cao tuổi, trước khi qua đời cũng không bị bệnh tật dày vò hành hạ, xem như đáng mừng. Tang lễ được tổ chức rất long trọng, nhà họ Lâm vốn đã chẳng phải gia tộc nhỏ, khi còn trẻ bạn bè của bà cụ cũng trải dài khắp năm châu bốn bể. Nghe tin bà mất, rất nhiều người chạy từ nơi xa đến tiễn đưa.
Mấy hôm nay Lâm Du cảm thấy mình rất bận, liên tục bái lạy trả lễ, xử lý việc vặt.
Tuy xong việc rồi chẳng còn ấn tượng gì nhiều, chỉ cảm thấy ngôi nhà tồn tại gần trăm năm của nhà họ Lâm bỗng trống trải hoang hoải làm sao theo bước chân bà cụ rời đi, như thiếu mất điều gì.
Phía Lâm Bách Tòng xử lý đại đa số việc, từ ngày đến đêm, bận đến không có thời gian ngủ.
Tình cảm của đời cha chú luôn sâu lắng kín đáo, bà cụ qua đời rồi, đau xót đến mấy cũng phải cố gượng. Chỉ có một đêm nọ, Lâm Du thấy nửa đêm rồi chú tư còn kéo chú ba ra uống rượu, người đàn ông một mét tám đó ngồi trên bậc đá trong sân khóc đến lạc giọng.
Nói mình quanh năm ở nước ngoài, không báo hiếu được gì.
Chú ba chỉ im lặng không nói gì, vỗ vai chú tư xem như an ủi.
Nhưng Lâm Du biết có lẽ chú mới là người áy náy nhất.
Áy náy đến độ chỉ trong vài ngày đã gầy đến mất dáng.
Dáng vẻ ấy khiến Lâm Du nhớ đến lần mình và Văn Chu Nghiêu gặp chú trong một căn biệt thự nào đó ở Kiến Kinh rất nhiều năm về trước.
Khi đó trong mắt chú còn ánh sáng, bây giờ bà cụ lìa trần, lại trở thành nỗi ân hận và nghẹn ngào như kẹt trong cổ họng.
Lâm Du không biết phải an ủi ra sao nữa.
Mãi đến một buổi chiều nọ, đột nhiên mấy chiếc xe hơi đậu lại trước cổng nhà họ Lâm.
Người đàn ông đang bước vào mặc tây trang đen, chìa tay bắt với Lâm Bách Tòng, tự giới thiệu mình là bạn lâu năm của chú ba.
Hướng Nghị, mấy năm không gặp, ngày tái xuất đã quang minh chính đại bước vào nhà họ Lâm như thế.
Lâm Du là một trong số ít những người biết chân tướng, giữa lúc nhà đang có việc lớn như tang lễ của bà cụ, cậu không biết phải đuổi hắn ta hay xử lý kín nữa, đến tận lúc Văn Chu Nghiêu kéo cậu đi tìm Hướng Nghị và chú ba đang nói chuyện ở một góc khuất sân sau.
Mắt chú ba rực lửa giận, chỉ vào người đàn ông trước mặt nói: "Ai cho anh đến đây? Mẹ kiếp ai cho anh đến đây hả?! Cút ra ngoài!"
"Lâm Chính Quân!" Hiển nhiên Hướng Nghị cũng tức giận, sự khéo léo trước mặt Lâm Bách Tòng tiêu tan hoàn toàn, hắn gằn giọng nghiến răng mà nói: "Em không tự nhìn xem mình gầy đến mức nào rồi đi? Em đang trừng phạt bản thân hay trừng phạt tôi vậy hả mẹ kiếp?"
Chú ba nhào tới định đánh nhau, lại bị Hướng Nghị bẻ tay giữ chặt trước ngực.
Lâm Du định bước lên ngay lúc đó nhưng Văn Chu Nghiêu kéo cậu lại.
Anh nói: "Em phải nghĩ cho rõ ràng, hai người họ quen biết nhau nhiều năm như vậy, chú ba cũng tránh hắn lâu thế rồi nhưng vẫn không hề đoạn tuyệt. Em đâu thể không hiểu điều đó nghĩa là sao đúng không."
Đương nhiên Lâm Du biết, không có tình cảm thì cớ gì lại vướng mắc.
Chú ba không phải kiểu người thiếu dứt khoát, chỉ với một mình Hướng Nghị đơn phương không chịu buông tay thì không cách nào đi đến hiện tại được.
Dĩ nhiên hôm nay Hướng Nghị đã chuẩn bị chu toàn rồi.
Hắn biết rõ chú ba e ngại điều gì nhất, nhưng vẫn chọn xuất hiện trong tang lễ của bà cụ, hiển nhiên cũng đoán được chú ba sẽ phản ứng thế nào.
Ngày trẻ oanh oanh liệt liệt, bao lần sinh tử chẳng ai dễ chịu hơn ai.
Đến hiện tại, người như Hướng Nghị vẫn chấp nhất bất ngờ.
Một giây sau, không biết Hướng Nghị nói gì bên tai mà chú ba trông cáu kỉnh ra mặt, lại không thể động thủ được.
"Anh có bệnh không vậy?" Chú ba hỏi.
Hướng Nghị thản nhiên đáp: "Tôi có bệnh không em lúc nào cũng biết rõ mà. Những ngày này nhất định tôi sẽ ở lại đây, thử xem em còn dày vò bản thân mình đến mức nào được nữa."
Ngày ấy khi Lâm Du đối mặt với Hướng Nghị trên con đường sau nhà, hắn nói trước nay mục đích của hắn chỉ có một.
Một người dễ dàng tạo ảnh hưởng lên cảm xúc của người là thuốc độc, đôi lúc cũng sẽ biến thành thuốc hay.
Cuối cùng Lâm Du không để ý đến nữa, cậu thấy được tình trạng của chú ba mấy hôm nay.
Sau này chưa nói, nếu trước mắt Hướng Nghị có cách thì cũng là điều tốt.
Huống chi chú ba sẽ không muốn làm ầm ĩ trong tang lễ của bà cụ, Lâm Du cũng không muốn thêm chuyện.
Đại đa số thời gian Lâm Du trực trước linh cữu. Lúc phía Dương Hoài Ngọc thúc cậu đi ngủ còn bị giật mình hai lần.
Cậu cứ mơ thấy bóng bà cụ cười gọi mình mãi.
"Lại mơ à?" Nửa đêm tỉnh dậy thấy Văn Chu Nghiêu bên giường.
Lâm Du nằm ngửa, phòng không bật đèn, chỉ có ánh sáng ảm đạm từ sân ngoài hắt vào. Hiển nhiên Văn Chu Nghiêu cũng chưa chợp mắt chút nào, vành mắt thâm lại, nhưng ánh mắt vẫn tỉnh táo.
Lâm Du mơ màng gọi: "Anh ơi."
Văn Chu Nghiêu cúi người ôm cậu lên từ trong chăn, để cậu vòng tay ôm cổ mình. Anh ngồi tử tế ở mép giường rồi bưng một chén cháo loãng đặt cạnh đó lên bảo: "Biết em ăn không vào, nhưng không thể không ăn gì như thế được."
Lâm Du thuận thế ừm một tiếng, nhưng vẫn ngồi nguyên trên giường dụi đầu vào vai anh không nhúc nhích.
Cậu cảm thấy mình chẳng còn chút sức lực nào, kỳ thật cảm giác nửa mơ nửa tỉnh này rất khó chịu, cơ thể mềm rũ không vùng vẫy được, chỉ nghe thấy tiếng Văn Chu Nghiêu bên tai: "Khó chịu cũng được, nhưng không được kiềm nén, dì Lâm lo cho em lắm."
Lâm Du và bà cụ thương nhau nhất, Dương Hoài Ngọc sợ cậu không chịu nổi.
Văn Chu Nghiêu nói rồi kéo chăn đắp lên lưng cậu.
Anh đưa tay xoa ót cậu rồi nói tiếp: "Từ nhỏ em đã thế, càng khó chịu ngoài mặt càng bình thản như không. Em phải để bà nội yên tâm chứ, đúng không?"
Lâm Du dụi dụi vào vai anh, cảm thấy Văn Chu Nghiêu đang ôm mình dỗ dành vẫn nghĩ mình là trẻ con hay sao ấy. Cậu vùi mặt vào sâu hơn, lên tiếng: "Thật ra em vẫn ổn, chỉ là trong lòng rất khó chịu."
Thứ cảm giác khó để làm quen mà cậu không dám ngẫm kỹ.
Cộng với cậu còn đang lo chuyện phía chú ba.
Văn Chu Nghiêu biết đại khái cậu lo lắng chuyện gì, anh lên tiếng: "Hôm nay Hướng Nghị trực trước linh cữu với chú ấy cả ngày. Hai tiếng trước chú ba mới ngủ."
Lâm Du: "Anh nghĩ nếu bà cụ biết mối quan hệ của chú ba và hắn là gì thì có giận đến nửa đêm về đánh chú ấy không?"
Văn Chu Nghiêu: "Không biết, chắc bà còn muốn đánh anh hơn, anh câu mất cục vàng của bà mà."
"Nhưng anh đâu có bắt nạt em bao giờ." Lâm Du biện giải thay anh.
Cậu siết chặt eo Văn Chu Nghiêu, ngẩn ngơ nghĩ lần này anh ra nước ngoài đặc huấn về gầy đi nhiều quá.
Vội vàng trở về rồi phải theo Lâm Bách Tòng bận hết chuyện này đến chuyện kia.
Ngày ấy anh mất cha mẹ từ nhỏ như thế, đối diện với ly biệt, anh xử lý còn tốt hơn người đã sống hai lần là cậu.
Những vị khách đến nhà mấy hôm nay thấy anh đảm đương nhiều trách nhiệm cũng không ít người hỏi.
Lâm Bách Tòng luôn đáp thẳng, đây là con cả của tôi.
Tình thân này không ngừng được gia cố, đến hôm nay Lâm Du nghĩ lại mới thấy giật mình.
Đến tận bây giờ chú ba vẫn chưa từng nhắc một chữ nào với gia đình, vậy cậu thì sao? Vấn đề của cậu không chỉ đơn giản là thích đàn ông. Người cậu thích còn là anh của cậu, là người được Lâm Bách Tòng xem như con ruột.
Nếu ngày nào đó chuyện này bị tiết lộ, sẽ thế nào đây?
Văn Chu Nghiêu kéo Lâm Du lùi lại một chút, thấy cậu ngẩn người liền đưa muỗng cháo loãng lên chạm nhẹ vào môi cậu, bảo: "Nghĩ gì đấy?"
Lâm Du thật thà đáp: "Đang nghĩ phải giấu kỹ chuyện mình hẹn hò yêu đương với anh trai."
Tay Văn Chu Nghiêu khựng lại, ngước mắt nhìn cậu.
"Chỉ giấu kỹ thôi à?" Anh rướn tới gần hơn, nhíu mày nhìn Lâm Du, "Xác định không còn nghĩ gì khác?"
Lâm Du ngớ ra, "Cái gì khác hả anh?"
"Mà cũng không được nghĩ gì khác đâu." Văn Chu Nghiêu không nói rõ, anh chỉ bảo: "Ăn hết cái này đi, rồi anh nằm với em một lúc."
Lâm Du bảo được.
Cậu ăn xong thì nằm trước ngực Văn Chu Nghiêu. Hai phút sau, đầu óc trì trệ mấy hôm nay mới chầm chậm khởi động lại, cũng hiểu ra "điều khác" mà anh vừa nói là gì.
Anh tưởng mình sẽ nói chia tay sao?
Lâm Du ngửa đầu nhìn anh.
Mấy ngày này trông ai cũng mệt mỏi, Văn Chu Nghiêu đang nhắm mắt, Lâm Du có thể thấy được râu lún phún dưới cằm anh.
Lâm Du rướn tới cọ mũi vào, hơi nhột.
"Vẫn không ngủ được à?" Văn Chu Nghiêu hỏi cậu, vẫn nhắm mắt, bàn tay trượt từ sống lưng xuống xương cùng của cậu.
Lưng Lâm Du tê rần, cả người lại cà sát vào lồng ngực anh hơn.
Cậu nói: "Không phải, chỉ là có một câu nếu không nói với anh bây giờ thì chắc sẽ không ngủ được thật."
"Câu gì?" Văn Chu Nghiêu hé mắt nhìn cậu.
Lâm Du gác má trên gối mềm, cậu nằm nghiêng qua, nói thật nghiêm túc: "Anh, thật ra chỉ cần anh không đề xuất chia tay thì vĩnh viễn sẽ không nghe thấy hai chữ đó từ miệng em, vì..." Ngón tay Lâm Du vuốt lên mi mắt anh rồi phẩy nhẹ vào lông mi, nói: "Không nỡ, sao anh lại có thể nghĩ em nỡ buông anh ra, nỡ sau này nhìn thấy anh ôm người khác chứ? Em không nỡ đâu anh, em thích anh đến vậy."
Tình yêu rõ ràng, thản nhiên đến thế, lên tiếng trong đêm khuya này.
Lâm Du nghe được tiếng thở của Văn Chu Nghiêu ngừng lại, bàn tay ôm eo mình từ cứng nhắc dần thành siết chặt.
Rồi cậu nghe anh nói: "Lâm Du, em cứ hay khiến anh bất ngờ."
"Bất ngờ hả?" Cậu hỏi lại.
Cậu cảm thấy có lẽ mình nên bày tỏ nhiều hơn.
Trước đây cảm thấy hẳn đời này sẽ không đến với ai, nhưng đã có rồi thì lại thấy dù có gì xảy đến cũng không chia ly.
Vì người đó chẳng phải ai khác, mà là anh cậu.
Trái đạo đức cũng được, công khai cũng được, đều không rời xa.
Văn Chu Nghiêu kéo cậu vào lòng ôm thật chặt, thở dài, "Em cứ hay khiến anh không biết phải làm thế nào để tốt với em hơn, dường như thế nào cũng không đủ. Nói nhớ anh trong điện thoại, giờ lại nói muốn chia tay, anh phải làm sao với em bây giờ?" Hơi thở của Văn Chu Nghiêu phả lên cổ, lên má, lên mắt Lâm Du, cuối cùng nhẹ nhàng gieo nụ hôn lên trán cậu, "Phải sửa tật hay nghĩ ngợi linh tinh nhé, anh là người kéo em tới bên anh, là anh muốn em, đã hiểu chưa? Nhưng nếu em đã nói ra rồi thì phải nhớ kỹ lời mình đấy, đừng cho anh cơ hội."
Lâm Du nhắm mắt, cảm nhận hơi ấm từ đôi môi anh, khẽ hỏi: "Cơ hội gì?"
"Cơ hội dạy dỗ em." Giọng anh khàn đi, "Hậu quả của nuốt lời nghiêm trọng lắm đấy."
Môi Lâm Du chầm chậm cong lên, cậu nói: "Biết rồi."
Cùng lúc đó, tay Văn Chu Nghiêu đã luồn vào qua vạt áo cậu từ khi nào.
Lâm Du run rẩy, cảm nhận ngón tay anh đang vuốt ve vết sẹo trên eo mình.
"Hết đau từ lâu rồi." Lâm Du nói.
Văn Chu Nghiêu ừm một tiếng, rút tay ra.
"Ngủ đi." Anh vuốt lại tóc cậu rồi nói: "Anh ôm em ngủ."
Lâm Du đáp thật khẽ rồi khép mắt lại.
Chương 64
Tang lễ mất tổng cộng bảy ngày để hoàn thành. Sau khi hạ táng, khách khứa lục tục rời đi. Người trong nhà bận rộn quét tước, sắp xếp di vật bà cụ để lại. Lâm Du chọn lấy một chiếc hộp gỗ đàn hương từ chỗ của bà, nghe nói là một trong các món hồi môn của bà cụ. Người đi đã thành ảo ảnh, người ở lại còn phải tiếp tục.
Thời tiết ngày chủ nhật nắng đẹp hiếm thấy, từ sáng sớm bàn ăn trong nhà đã bày đầy đồ ăn thức uống, bánh bao kiều mạch đậu đỏ, thịt gà cuộn rong biển, cháo ngô...
Lâm Bách Tòng ngồi xuống cắn miếng bánh rồi hỏi: "Mọi người đâu?"
"Lâm Thước chưa dậy." Lâm Du nuốt không trôi, bưng một chén cháo khuấy khuấy rồi nói: "Sáng sớm nay anh cả đã đưa người nhà họ Văn ra sân bay rồi, chú ba... ra ngoài."
Lâm Bách Tòng gắp một đũa giá trộn cho vào miệng, "Chú ba con đi với cái anh bạn tên Hướng Nghị đúng không?"
"Dạ, phải." Lâm Du gật đầu.
Cậu không dám nói nhiều, sợ Lâm Bách Tòng nhận ra điều gì.
May mà Lâm Bách Tòng cũng không hỏi thêm. Ngược lại cô út bước từ bếp ra chêm vào một câu: "Lúc trời chưa sáng em còn thấy anh ấy đứng trước cửa cãi nhau với Hướng Nghị, không biết chuyện gì, bảo đã quen biết nhiều năm lắm rồi mà?"
"Em lo chuyện đó làm gì." Lâm Bách Tòng bỏ đũa xuống, nói có vẻ rất nghiêm trọng: "Em giải quyết chuyện cả đời của mình trước đi. Mẹ dặn anh phải chăm lo cho em. Năm ngoái em với cái cậu gì làm ngân hàng đang vui vẻ lắm mà, sao tự dưng lại thôi rồi?"
"Trời ạ." Lâm Mạn Xu khoác hai tay lên vai Lâm Du từ phía sau, bảo: "Anh chủ Lâm, quản thúc bố anh chút đi, anh xem giờ ông ấy càng lúc càng ưa lo chuyện không đâu, nói nhiều quá chừng."
Lâm Du xé nửa cái bánh quẩy đút cho cô út, rất đồng cảm: "Không giúp nổi ạ."
Ông trời thích mưa, ông bố thích lo chuyện cô út, cậu làm gì được?
Hiển nhiên Lâm Bách Tòng không định tha cho cô, "Nếu em không hài lòng với cậu ta thì thôi vậy. Tuần sau tranh thủ một ngày, anh sắp xếp cho gặp người khác. Đối phương làm trong Sở Lâm Nghiệp, anh từng gặp rồi, cũng không tệ."
Lâm Mạn Xu: "Em phải đi làm."
"Anh có bảo cô không được đi làm đâu?" Lâm Bách Tòng nói tới đây cũng cau mày, "Em đi làm đừng có xung phong nhận việc ra ngoài công tác, lần trước chưa học được gì à?"
"Ầy dà cái ông này." Dương Hoài Ngọc đang bưng canh tới nghe không nổi nữa, bỏ một tay ra đánh vào lưng Lâm Bách Tòng bảo: "Làm như Mạn Xu nó không biết ấy, ông cứ lèm bèm suốt ngày thôi."
Lâm Du ngồi cạnh cười trộm mấy tiếng.
"Cô út." Lâm Du bảo: "Giờ trong nhà bố con lớn nhất, cô phải nghĩ cách giải quyết chuyện cả đời sớm đi thôi."
Lâm Mạn Xu kéo ghế ngồi cạnh, đá lông nheo với cậu: "Cô út ủng hộ con soán vị, cho bố con về hưu sớm đi."
Lâm Du: "Để về hưu xong có nhiều thời gian rảnh lải nhải với cô hơn hở?"
Dương Hoài Ngọc gõ cửa, "Hai cô cháu kẻ xướng người họa cái gì thế, mau ăn đi."
Dương Hoài Ngọc sắm vai người phán xử cho mỗi bên năm chục hèo, duy trì sự bình yên của bàn ăn sáng.
Một lúc sau Lâm Bách Tòng lại nghĩ tới gì đó, nhắc Lâm Du: "Bà con qua đời ông cụ nhà họ Văn đích thân đến phúng viếng. Bố nhớ tháng sau là đại thọ tám mươi của ông ấy, lẽ ra bố phải đích thân đi một chuyến. Nhưng bố còn việc không buông được, con đi đi, lễ nghĩa cần thiết thì phải giữ đủ."
Lâm Du gật đầu biểu hiện đã biết.
Ăn sáng xong người đi làm kẻ ra ngoài. Lâm Du phải theo Lâm Bách Tòng đi một chuyến, sực nhớ ra trước đó để quên một túi công cụ trong cửa hàng chính của Ý Linh Lung nên gọi điện thoại cho Văn Chu Nghiêu bảo khi nào anh về thì tiện đường ghé đó lấy về cho mình.
Văn Chu Nghiêu bảo được.
Lâm Du chạy tới chạy lui cả buổi sáng, trưa về nhà phát hiện Văn Chu Nghiêu vẫn chưa về nên đến thẳng cửa hàng.
Bất ngờ là khi cậu tới trong tiệm chẳng còn ai ngoài một nhân viên.
"Những người khác đâu?"
Cậu nhân viên chỉ ra con đường đối diện bảo: "Anh Văn mời cơm trong Thiên Hương Lầu."
Lâm Du nhướng mày, bật cười, "Các anh vẫn nhận ra anh ấy à?"
Theo lý mà nói mấy năm rồi Văn Chu Nghiêu không đến đây, mà cũng chỉ có mặt vào khoảng thời gian làm công tác chuẩn bị trước khi mở tiệm giúp Lâm Du, huống chi mấy năm nay khí chất con người anh thay đổi khá nhiều.
Cậu chàng cười đáp: "Làm sao không nhận ra được, anh còn nhớ lúc đang trang hoàng bọn anh với bên thợ gây nhau, anh Văn vừa đứng ra đó cái là đối phương nín khe ngay."
Lâm Du bỏ đồ trong tay xuống rồi nói: "Vậy anh đi cùng luôn đi. Hôm nay cũng không có khách mấy, em trông tiệm được rồi."
"Ông chủ nhỏ không đi à?" Anh chàng nói: "Anh Lý cũng có mặt đó."
Lâm Du: "Lý Tùy Thanh?"
"Đúng rồi." Anh chàng nói tới đây còn thấy hơi buồn cười, "Lúc đó anh Văn bước vào là đi thẳng tới mở cửa phòng nghỉ, đâu có biết anh Lý đang ngủ khỏa thân trong đó. Anh Văn hỏi anh là ai. Anh Lý còn nói là người của em. Mặt anh Văn sa sầm xuống ngay tức thì."
Lâm Du ngớ ra, tiếp đó là dở khóc dở cười, thầm nghĩ lần này hiểu lầm to rồi.
Văn Chu Nghiêu biết cậu không thích người khác lên giường ngủ của mình, người trong cửa hàng về cơ bản cũng biết, cho nên bình thường không ai bước vào căn phòng nghỉ đó.
Nhưng Lý Tùy Thanh giúp cậu nhiều việc, tình hình lại đặc thù nên Lâm Du nhường phòng cho anh ta.
Lâm Du ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết định đi xem thử, cậu bảo: "Vậy anh trông tiệm trước một lúc nhé, lát nữa cho ai đó về thế anh."
"Không sao đâu, ông chủ nhỏ đi đi."
Lâm Du đánh vòng sang Thiên Hương Lầu ở con đường đối diện.
Cậu quen mặt với đại đa số nhà hàng quanh khu này. Thường ngày khi có khách đến tiệm Lâm Du vẫn hay mời bọn họ sang đó dùng cơm. Cậu vừa bước chân vào là có nhân viên biết cậu ra đón, hỏi: "Ông chủ Lâm, hôm nay đặt chỗ hay mang về?"
Lâm Du hỏi: "Chắc người trong tiệm tôi đến rồi nhỉ, ở phòng nào vậy?"
"Có đến có đến." Nhân viên chỉ lên trên, "Ở tầng hai, phòng thứ ba bên trái, lên là thấy ngay."
"Được rồi, anh đi làm việc của anh đi."
Lâm Du nói rồi sải chân lên lầu, lúc đẩy cửa phòng vào bên trong đang rần rần. Bầu không khí báo nhiệt bỗng lặng ngắt, mọi người ngồi đầy bàn cùng nhìn ra cửa. Lâm Du cười cười, bước vào, trở tay đóng cửa, "Nói chuyện gì mà rôm rả thế?"
"Ông chủ nhỏ?"
"Nào nào nào, mau qua đây ngồi đi."
"Phục vụ, lấy thêm ghế!"
Lâm Du thấy ngay Văn Chu Nghiêu đang ngồi giữa. Anh mặc bộ quần áo lúc ra cửa sáng nay, đang tựa vào lưng ghế, thấy cậu xuất hiện trước cửa thì nở nụ cười như có như không. Lâm Du xách ghế mà phục vụ mới mang vào đặt hẳn xuống cạnh anh, ngồi xuống thì nghe người đối diện bảo: "Cũng không có gì, bọn tôi tò mò nên hỏi thăm anh Văn chuyện khi huấn luyện thôi."
Lâm Du kéo ghế nhích tới trước một chút, liếc mắt sang bên cạnh, cười: "Dễ nói chuyện thế?"
"Ăn gì không?" Văn Chu Nghiêu làm như không nghe thấy lời cậu nói, ngồi thẳng lên lấy chén và ly không cho cậu.
Lâm Du lắc đầu, "Không ăn, thật ra em ăn rồi."
Văn Chu Nghiêu nghe vậy thì đổi hướng múc canh gà cho đặt xuống trước mặt cậu bảo: "Vậy ăn canh đi."
Lâm Du gật đầu, không từ chối nữa.
Có người cười nói: "Không ngờ bao nhiêu năm rồi mà ông chủ nhỏ với anh Văn vẫn thân thiết quá."
"Nói thừa." Người khác tiếp lời: "Anh em trong nhà không thân mà được à?"
"Cái đó cũng khó nói." Bầu không khí sôi nổi trở lại, "Chắc anh chưa thấy mấy chuyện anh em ruột trong nhà trở mặt thành thù nhỉ. Cũng chỉ ông chủ nhỏ nhà bọn mình với anh Văn mới thân thiết keo sơn thế được."
Vốn chỉ là chọc ghẹo, Lâm Du nghe thấy lại cắm cúi ăn canh như muốn che giấu điều gì, thầm nghĩ mình có thể hiện lộ liễu quá không nhỉ. Kết quả liếc mắt nhìn ngang, phát hiện Lý Tùy Thanh ngồi cạnh đang nhìn mình, trong mắt có ý trêu chọc và thăm chừg.
Lâm Du ngồi thẳng lên, điều chỉnh biểu cảm trên mặt lại rồi nói với anh ta: "Thời gian qua cảm ơn anh đã đỡ đần cho cửa hàng rất nhiều."
"Khách sáo lấy lệ." Lý Tùy Thanh hất cằm về phía bên kia của Lâm Du: "Bữa cơm này của anh cậu khó nuốt trôi thật."
"Hả?" Lâm Du ngơ ngác.
Cậu quay lại nhìn anh. Văn Chu Nghiêu đang tựa vào ghế, một tay nhàn nhã gác lên lưng ghế của Lâm Du, thấy cậu nhìn mình còn nhếch môi cười, nghiêng đầu rướn tới: "Ngốc, người ta đang thăm dò mà không nhận ra à?"
Gần quá đi, tai Lâm Du nóng bừng.
Cậu nghiêng nhẹ đầu tránh đi, Văn Chu Nghiêu lại không chiều ý.
Anh áp sát hơn nữa, khẽ nói: "Còn nữa, em phải nghĩ cho thấu đáo xem nên giải thích thế nào với anh chuyện để người nói đang theo đuổi em ở ngay bên cạnh mà anh lại còn không hề nghe được chút thông tin gì từ em."
Lâm Du nhìn anh: "..."
Rồi quay ngoắc lại nhìn Lý Tùy Thanh.
Đối phương làm mặt vô tội nhún vai với cậu, còn nở nụ cười vui trên nỗi đau người khác.
Chiếc nồi lẩu giữa bàn sôi nghi ngút, Lâm Du nghĩ trong tình huống này, mình đến đây đúng là lựa chọn không hề sáng suốt một chút nào.
Tối hôm đó lúc về chái phòng, Văn Chu Nghiêu vừa đóng cửa vào là Lâm Du thấy căng thẳng khó tả.
"Hôm nay em muốn về phòng mình ngủ." Cậu nói.
Văn Chu Nghiêu chặn ngay cửa, ngắm khuôn mặt trắng nõn dưới ánh đèn của cậu, hơi buồn cười, nhưng miệng nói: "Sao mọi ngày không nghe em nói muốn về phòng mình ngủ, hôm nay lại đòi, chột dạ hả?"
"Em không có gì phải chột dạ hết." Lâm Du bị ánh mắt của anh làm nóng ran cả người, cố tránh tầm mắt anh, "Em giải thích với anh rồi mà, Lý Tùy Thanh đùa thôi. Đúng là anh ta thích đàn ông, nhưng anh ta thật sự không thích em mà."
Cậu không tin Văn Chu Nghiêu không nhìn ra.
"Em nói không thích là không thích thật à?" Văn Chu Nghiêu vẫn nhìn chằm chằm không tha, khoanh tay tựa người vào cửa, người cúi nhẹ, "Không người nào lại không thích, ngay đây có anh của em rất thích Tiểu Du nhà mình này, đúng không nào?"
"Anh." Lâm Du làm sao chịu nổi cách nói chuyện này của anh, nói bằng giọng cầu xin: "Không kể anh nghe là lỗi của em, nhưng cũng vì em cảm thấy anh ta không quan trọng mà."
Văn Chu Nghiêu lắc đầu chầm chậm, "Đó không phải cách nhận lỗi đúng đâu."
Lâm Du nhận ra rồi, anh đang cố ý làm khó cậu. Nhìn lên khuôn mặt gần trong gang tấc trước mắt, cậu sững người ba giây, thỏa hiệp, nhích tới hai bước, nhìn vào mắt Văn Chu Nghiêu rồi tiến sát chút nữa, lại nhìn vào mắt anh xong tiến sát thêm nữa.
Cho đến khi môi chạm môi, hơi thở hòa vào nhau.
Văn Chu Nghiêu để cậu chủ động hoàn toàn, bản thân anh giữ nguyên tư thế khoanh tay không hề nhúc nhích. Như thế ngược lại còn khiến Lâm Du căng thẳng hơn. Trước tiên cậu ngậm lấy môi dưới của anh li m li m, rồi tăng cấp từ từ, lưỡi quét qua khe môi để tiến vào trong, mời gọi đối phương cùng quấn lấy nhau.
Nụ hôn của Lâm Du cũng giống bản thân cậu vậy, ôn hòa ấm áp làm sao, cứ tới trước mặt anh là chẳng còn chút khí thế nào.
Mãi đến khi lưỡi đã tê vì mỏi mới lùi lại, kéo theo từng sợi lưu luyến, cậu nhìn anh mình nói: "Như vậy chắc được rồi chứ?"
Cuối cùng Văn Chu Nghiêu cũng cử động, anh đưa tay ôm cậu.
"Bé ngoan." Anh khen cậu như thế rồi cong ngón trỏ lên đụng nhẹ vào môi cậu. Anh luồn ngón tay vào cùng lúc cậu hé môi, rồi nói trong ánh mắt tròn xoe của cậu, thật khẽ: "Vậy hôm nay anh sẽ dạy em bài mới nhé."
Từ đầu đến cuối không hề rời khỏi vị trí cạnh cửa.
Nửa tiếng sau, Lâm Du được về phòng mình thật.
Có điều được bế về.
Chương 65
Thời điểm Văn Chu Nghiêu được nghỉ, tuy còn ít ngày nữa mới đến tiệc mừng thọ nhưng ông cụ Văn vẫn gọi anh về Tây Xuyên sớm. Ngay từ đầu ông luôn ủng hộ anh đến Tây Xuyên. Nói theo cách của những người bước ra từ thời đại đó, chỉ có vinh dự thành tích thật sự mới là thứ hữu dụng và kiên cố nhất.
Bữa tiệc này, với đẳng cấp của ông cụ, người đến dự đều là nhân vật tiếng tăm các giới.
Xe đón Văn Chu Nghiêu đậu trước cửa nhà họ Lâm, không phải kiểu hỡ chút lại dẫn cả đám người đi theo như Sở Thiên Hướng mà cực kỳ khiêm nhường. Nhưng chỉ nhìn vào người tài xế trông bình thường nhất thôi cũng đủ biết không ai trong số họ đơn giản cả.
Những năm qua Văn Chu Nghiêu không ngừng trưởng thành hơn, nhân lực được sắp xếp bên cạnh anh cũng thay đổi dần theo.
Nhưng nhà họ Lâm chẳng để ý nhiều đến thế.
Vẫn như mỗi một lần Văn Chu Nghiêu rời nhà xuất phát đến Tây Xuyên, quà cáp bao lớn túi nhỏ để thẳng lên hàng ghế sau.
Lâm Bách Tòng dặn: "Lần trước lúc ông cụ đến chú thấy chân ông không được khỏe, trong này có thuốc Trung y dì Lâm của con vào chùa xin một thầy thuốc về hưu kê cho, để đắp ngoài, nhớ phải cho cho ông nội dùng thử nhé."
Văn Chu Nghiêu gật đầu, "Con biết rồi chú Lâm."
Dương Hoài Ngọc bổ sung: "Còn nữa, khí hậu bên đó còn lạnh hơn Kiến Kinh, con mang đủ quần áo chưa?"
Nói xong lại đẩy nhẹ Lâm Du đang đứng cạnh rồi hỏi: "Hành lý mẹ bảo con chuẩn bị cho anh đâu?"
"Được rồi mà mẹ." Lâm Du dở khóc dở cười, "Nhà họ Văn cũng là nhà của anh cả mà, làm sao để anh ấy bị lạnh bị đói được. Hơn nữa, mấy hôm nữa con cũng đi mà, nếu có thiếu gì thật thì tới lúc đó con cầm đi là được rồi."
Dương Hoài Ngọc vỗ cậu, "Lười biếng thật đấy, trước giờ chỉ toàn thấy anh con hầu hạ con thôi."
Văn Chu Nghiêu cười khẽ. Lâm Du thì dụi mũi.
Cậu thầm nghĩ tối qua có phải cậu không dọn hành lý đâu, rõ ràng là Văn Chu Nghiêu cản không cho mà.
Bây giờ lại trách cậu à.
Người vẫn mở cửa xe đứng chờ Văn Chu Nghiêu suốt cạnh đó trông rất lạ mặt, cứ đứng yên đó hướng mắt xuống đất.
Trước mắt vẫn rất ít người biết thông tin về đứa cháu cả Văn Chu Nghiêu này. Cả đời ông cụ Văn vinh quang chói lóa, lại bị buộc phải ẩn mình lại trong thời cuộc nhiễu nhương của Tây Xuyên. Trong đợt loạn đó ông trải qua cái chết của vợ mình, điều con trưởng ra khỏi Tây Xuyên đến Kiến Kinh. Mấy năm sau, con trai lẫn con dâu đều bỏ mình, người ngoài cứ nghĩ dòng dõi đứa con trưởng của ông đã tuyệt hậu.
Nhưng không ai ngờ là đứa con trai Văn Viễn Sơn để lại vẫn sống tại Kiến Kinh.
Thời gian đầu phía Tây Xuyên không hề hỏi đến, bên ngoài còn tưởng đứa nhỏ đó đã đi cùng cha mẹ rồi.
Những người biết được chút tin tức như bọn họ thì nghe nói anh được một gia đình làm gỗ thủ công mỹ nghệ họ Lâm nuôi dưỡng.
Hiện tại những người được bồi dưỡng cho cháu cả dùng đều do ông cụ chọn lựa kỹ càng, trong đó cũng không thiếu nhân sự có bản lĩnh kèm kiêu ngạo. Ngẫm lại, nhà họ Văn không thiếu con cháu, lại phải đi theo đứa cháu được nuôi lớn bên ngoài này. Ông cụ có ý muốn bù đắp, nhưng học đại học K thì đã sao, là cháu cả cũng đã sao, bây giờ còn chẳng biết người đó như thế nào nữa là.
Cho nên cũng chẳng hề thiếu người không phục.
"Ngài Văn, lên xe thôi." Mộc Chuẩn canh đúng thời điểm để lên tiếng nhắc.
Cậu ta là một trong nhóm người mới được nhà họ Văn chọn ra, chủ yếu phụ trách mảng an ninh. Nếu không có gì bất ngờ thì một khoảng thời gian rất dài sắp tới cậu ta sẽ theo sát bên Văn Chu Nghiêu làm vệ sĩ.
Phục tùng mệnh lệnh là chức trách của bọn họ, nhưng không đại biểu cho việc cậu ta công nhận đối tượng được bảo vệ.
Dương Hoài Ngọc giục: "Đi đi con, chậm nữa thì trễ đó."
"Anh." Lâm Du cười, "Mấy hôm nữa gặp."
Mộc Chuẩn thầm nghĩ, người trưởng thành trong gia đình như thế này khó mà không hạnh phúc được.
Nhưng nhà họ Văn không có chỗ cho kẻ mềm lòng nhẹ dạ.
Văn Chu Nghiêu cúi người lên xe. Mộc Chuẩn ngồi ghế phó lái.
Cậu ta là một thanh niên hơn hai mươi, vừa thay chỗ cho vệ sĩ nhiệm kỳ trước. Nghe nói người trước còn nhỏ tuổi hơn. Lý do bị thay đi rất đơn giản, tình hình Đôn Châu phức tạp, không thích hợp với một vệ sĩ đã ở Cừ Châu bốn năm.
Mộc Chuẩn đoán yêu cầu thay đổi nhân sự này có lẽ là của đích thân ông cụ.
Mộc Chuẩn ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt của Văn Chu Nghiêu ngồi hàng ghế sau trong gương chiếu hậu, bỗng rùng mình.
Nhìn lại càng thấy kinh hãi.
Khó mà tin được một người lại có thể tạo cho người khác hai cảm giác khác biệt đến thế này. Rõ ràng mới một phút trước cậu ta vừa thấy một người anh và đứa con trai ôn hòa trầm tĩnh, giờ trước mắt, người đó yên lặng ngồi trên ghế sau lại khiến cậu ta cảm thấy áp lực không thể xem nhẹ.
Đó là khí chất chỉ có ở người bước qua khói lửa, sát cánh bên dao kiếm, sóng vai với súng đạn.
Rất khó xác định mặt nào mới là anh thật sự.
Nhưng Mộc Chuẩn đoán là người mà cả ngũ quan đều dịu dàng đi nhiều vừa rồi có lẽ chỉ xuất hiện khi đối diện với một số người nhất định.
Giọng cậu ta bất giác cung kính hơn hẳn, Mộc Chuẩn nhìn vào gương nói: "Ngài định về thẳng Tây Xuyên hay còn kế hoạch gì khác?"
"Vòng sang Hà Tùy trước đã." Văn Chu Nghiêu tựa vào lưng ghế, giọng thản nhiên: "Tôi nghe nói mấy hôm trước chú họ bắt được một lô hàng thú vị lắm. Chúng ta đi xem thử, nếu thích hợp thì xem như tặng quà gặp mặt cho các anh em, thế nào?"
Mộc Chuẩn thầm giật mình, rồi nở nụ cười.
Cậu ta nói: "Vậy thì tôi cảm ơn ngàiVăn thay các anh em trước."
"Đừng gọi ngài Văn." Văn Chu Nghiêu bảo: "Gọi là anh Văn như người trước được rồi."
Mộc Chuẩn gật đầu.
Đến lúc này, cuối cùng cậu ta cũng đã cảm nhận được, sẽ không một ai không phục tùng anh.
Lâm Du thì không biết đến tài dùng người của anh. Cậu ở lại nhà thêm vài hôm rồi mới mang theo ít hành lý đơn giản hối hả đến Tây Xuyên. Đây không phải lần đầu cậu đến Tây Xuyên, đã đi vài lần để lo chuyện làm ăn rồi. Nhà họ Văn ngỏ ý muốn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cậu nhưng bị từ chối.
Quan trọng là Lâm Du không muốn khiến quan hệ của hai nhà trở nên phức tạp.
Người đã gặp hôm trước đến đón cậu. Cậu ta xưng tên Mộc Chuẩn, nói anh Văn bảo mình đến đây chờ từ sớm.
"Anh ấy đâu?" Lâm Du lên xe rồi hỏi.
Mộc Chuẩn: "Anh Văn bị mấy người bạn giữ lại, không rời đi được."
Bạn? Bạn nào? Lâm Du nghi hoặc trong lòng nhưng không hỏi nhiều.
Lúc cậu lên xe là khoảng chín giờ sáng. Mùa đông ở Tây Xuyên tuyết dày ba thước, hôm nay không thấy mặt trời, giờ này mà trên đường vẫn còn sương mù thấy rõ bằng mắt thường, thở ra khói trắng.
Tây Xuyên không mang bầu không khí văn hóa lịch sử lâu đời nhưng Kiến Kinh. Nơi đây là vùng ranh giới xây dựng trọng điểm của quốc gia, đặc biệt trong vài năm trở lại đây. Thay đổi gần như là một trời một vực.
Mộc Chuẩn dẫn Lâm Du đi vòng qua trung tâm thành phố, đưa cậu đến khu Tiểu Nam Sơn mà chỉ cần nhìn quanh thôi là biết chốn tấc đất tấc vàng.
Khu này là quần thể biệt thự, mà lại còn không phải loại biệt thự thông thường.
Xe vào cổng, chạy tới theo con đường nhựa rộng rãi, cuối cùng dừng lại trước căn biệt thự trắng ba tầng kiểu Tây nằm trong cùng. Cạnh cổng sắt có cả chòi gác, qua cổng là thấy một đài phun nước khổng lồ.
Lần đầu Lâm Du đến đây, phát hiện hơi khác so với tưởng tượng.
Nhà họ Văn vốn luôn kín tiếng, cậu còn tưởng sẽ chọn một vị trí tương đối đơn sơ không gây chú ý, ngược lại cậu đã lầm. Vì có kín tiếng đến mấy thì Tây Xuyên cũng là "địa bàn" của mình, nổi bật hay không cũng vậy thôi.
Mộc Chuẩn xuống xe mở cửa cho cậu, chuyển lời: "Thời gian này khách đến đông, anh Văn đã dặn cậu đến thì dẫn cậu vào thẳng chỗ của anh ấy trước."
Lâm Du gật đầu, không phản bác.
Kết quả Mộc Chuẩn trực tiếp dẫn cậu ra phía sau. Tới đây Lâm Du mới phát hiện sau tòa nhà chính còn tận mấy căn khác nữa.
Bọn họ dừng lại trước một căn tương đối lớn. Mộc Chuẩn vừa bấm mật mã cửa vừa nói: "Mọi người trong nhà họ Văn đều ở riêng. Căn này chỉ có mình anh Văn ở. Thường ngày ngoài để dọn dẹp thì anh ấy cũng không cho ai vào."
Lâm Du theo sau, đứng bất động giữa căn phòng khách mênh mông một lúc lâu.
Kiếp trước việc làm ăn của cậu cũng không phải nhỏ, kết giao với không ít người có tiền ở trong lẫn ngoài nước, nhưng đến cấp bậc của nhà họ Văn thì thật sự chưa có.
Lâm Du đứng yên tại chỗ, nhìn quanh rồi bảo: "Được rồi, anh ra ngoài trước đi, tôi chuẩn bị một lúc rồi đi chào ông nội."
Cậu chỉ mới gặp ông cụ Văn đôi lần, nhưng luôn gọi theo Văn Chu Nghiêu.
"Được." Mộc Chuẩn đáp, "Tôi đi báo cho anh Văn biết cậu đến rồi."
"Ấy khoan." Lâm Du ngẫm nghĩ rồi gọi cậu ta lại, "Không cần đâu, lát nữa tôi tự đi tìm anh ấy."
Mộc Chuẩn không hỏi thêm gì, gật đầu rồi ra ngoài.
Mọi phòng trong căn nhà này đều để cửa mở. Lâm Du đi lòng vòng trên tầng hai, phát hiện chỉ duy nhất một phòng có dấu người ở. Đồ đạc cũng không nhiều, giống khách sạn hơn.
Lâm Du lấy đồ của mình ra, thay quần áo rồi mới ra ngoài.
Xung quanh có rất nhiều người tới lui chuẩn bị cho tiệc mừng thọ.
Lâm Du không vội, vừa đi vừa xem. Lúc đi ngang luống hoa dưới lầu thấy hai cô gái trông như phục vụ bưng mâm đi ra từ con đường nhỏ gần đó, vừa đi vừa trò chuyện sôi nổi.
Một người nói: "Cậu xem danh sách khách mời chưa? Cả ảnh đế Thiện Hoa cũng đến dự."
"Tới thì tới thôi, các ảnh đế thế hệ trước có qua lại với nhà họ Văn là chuyện bình thường mà."
"Không nói chuyện đó, quan trọng là đẹp trai lắm, lớn tuổi rồi vẫn đẹp trai."
Lâm Du nghe mà buồn cười, thầm nghĩ chuyến đi đến nhà họ Văn lần này được biết đủ thứ chuyện trên đời.
Kết quả ngay câu sau lại nghe: "Tớ không thích người lớn tuổi, cậu không thấy Văn Chu Nghiêu rất đẹp trai hả? Tuy anh ấy ít có mặt ở nhà họ Văn nhưng ngoại hình tuyệt đối là người nổi bật nhất trong tất cả."
"Cái đó thì đúng, tiếc là không trèo cao nổi."
"Mơ thôi có sao đâu. Cậu chưa thấy mấy người xun xoe quanh anh ấy mấy hôm nay đó, thi nhau bâu vào anh ấy." Người đó hạ giọng nói nhỏ: "Nghe nói là người kế nhiệm ông cụ đó, nhiều người ganh tị lắm."
Lâm Du lắng nghe cuộc nói chuyện của hai người dần xa, chân vẫn dừng tại chỗ.
Cậu bỗng thấy mông lung, nhưng không biết chuyện gì đang diễn ra, nghe những điều đó lại cảm thấy như người được nhắc đến và người mình quen biết là hai mảnh tách rời.
Thậm chí cậu còn nghĩ bọn họ đang nói về anh mình sao?
Lâm Du luôn biết con đường anh đi không hề dễ dàng, đã dự liệu được từ sớm, mà tương lai sẽ còn gian nan hơn nữa.
Nhưng khi cậu đứng giữa câu chuyện vẫn thấy sao xa lạ quá.
Lâm Du đến sảnh trước, lúc thấy Văn Chu Nghiêu, anh đang bị một đám người bao quanh.
Có nam có nữ, xiêm y lả lướt, ăn uống linh đình.
Văn Chu Nghiêu mặc áo sơ mi trắng viền chỉ vàng ở cổ tay, tôn thêm không biết bao nhiêu sang trọng cho màu sắc anh quen mặc thường ngày. Tóc ngắn, khuỷu tay chống lên đầu gối, tay cầm ly rượu, đang khẽ nói gì đó với cậu thanh niên ngồi cạnh.
Trong sảnh rất đông người, trên cơ bản tất cả những người trẻ tuổi đều tụ tập về đó, nhưng tách biệt hẳn với những góc khác.
Là nơi náo nhiệt nhất, cũng gây chú ý nhiều nhất.
Đồng thời cũng nói lên ý nghĩa nào đó, cụ thể là gì thì trong đầu mỗi người có mặt lại có một suy nghĩ riêng.
Lâm Du thì khác, tuy cũng đặc biệt thay áo sơ mi rồi nhưng so với anh cậu, vị trí con cháu quá rõ ràng.
Cậu trông như một đứa bé con nhà thế gia quyền quý mới thành niên đến dự bữa tiệc sinh nhật rất có trọng lượng này. Không ít người quan sát đánh giá, đồng thời suy đoán lai lịch của cậu.
Mà nói chứ, có nhiều người nhận ra Lâm Du thật.
Hiện tại quy mô của Ý Linh Lung không hề nhỏ, tuy xuất thân của cậu không thể sánh được với nhà họ Văn nhưng tuyệt đối không thấp.
"Ông chủ nhỏ." Cậu đứng đó thôi đã có một người làm vật liệu xây dựng nhận ra, nhiệt tình bước tới gần rồi hỏi nhỏ: "Cậu cũng nhờ người dẫn vào à? Cổng nhà họ Văn đúng là khó bước qua, tốn biết bao nhiêu công sức."
Lâm Du không giải thích, chỉ cười rồi nói: "Mấy năm nay ông chủ Chu phát tài rồi nhỉ, sao rồi ạ? Chú định đặt mục tiêu ở Tây Xuyên à?"
"Định dò đường thử thôi." Đối phương nói: "Nếu lấy được thư giới thiệu của ông cụ Văn thì phải nói là không gì hữu dụng bằng."
Lâm Du gật đầu, nói như thật: "Ông chủ Chu nhạy bén quá."
Tưởng nhà họ Văn là trung tâm môi giới hay sao vậy, đúng là dám nghĩ lớn.
Đối phương không nghe ra ý của cậu, vẫn giữ lấy cậu nói chuyện này chuyện nọ. Trong mắt ông ta, tuy Lâm Du trước mặt còn nhỏ tuổi, nhưng thủ đoạn suốt mấy năm nay thật sự bỏ xa người thường. Trước giờ làm ăn với cậu chỉ có người khác chịu phần thiệt.
Lâm Du bận ứng đối với người trước mặt, nhưng cậu nhanh chóng nhận ra ánh mắt bắn từ sau lưng tới.
Quá trực tiếp, quá khó lướt qua.
Lâm Du quay lại, phát hiện anh cậu đang ngẩng đầu nhìn mình.
Thấy cậu nhìn lại, anh nghiêng đầu ra hiệu vào chỗ cạnh mình. Cậu thanh niên ngồi đó đã rời chỗ từ bao giờ.
Qua đây.
Ý của anh thật không thể rõ ràng hơn.