Người Trộm Bóng

Phần 2 Chương 7

Ngay sau nỗi sợ bóng tối là nỗi sợ cô đơn. Tôi không thích ngủ một mình, thế nhưng tôi lại sống đúng như thế, trong căn hộ một phòng áp mái của một tòa nhà nằm cách trường Y không xa lắm. Hôm qua tôi vừa kỷ niệm sinh nhật thứ hai mươi của mình. Với những tháng đi học sớm trời đánh đó, tôi đã phải mừng sinh nhật mà chưa kịp có thời gian kết bạn. Lịch học ở trường hầu như chẳng còn dành cho chúng tôi chút thời gian trống nào.

Hai năm trước, tôi đã để lại tuổi thơ của mình sau một thân cây dẻ mọc trong sân trường, ở thị trấn nhỏ nơi tôi đã lớn lên.

Ngày trao bằng tốt nghiệp, mẹ tôi đã có mặt, một đồng nghiệp làm thay mẹ ngày hôm ấy. Tôi dám thề rằng tôi thoáng nhận ra bóng dáng của bố ở đằng xa, phía sau hàng rào, song chắc tôi đã hoa mắt, trí tưởng tượng luôn hết sức phong phú.

Tôi đã để lại tuổi thơ của mình dọc con đường về nhà, nơi những cơn mưa mùa thu trút xuống ướt sũng hai vai tôi, trên một căn gác áp mái nơi tôi từng trò chuyện với những cái bóng trong lúc ngắm nhìn bức ảnh của bố mẹ tôi và thời hai người còn yêu nhau.

Tôi đã để lại tuổi thơ trên một sân ga khi chào tạm biệt người bạn thân nhất của tôi, con trai một người thợ làm bánh, khi ôm siết mẹ trong vòng tay và hứa sẽ quay về thăm bà ngay khi có thể.

Trên sân ga đó, tôi đã thấy mẹ rơi nước mắt. Lần này, bà không tìm cách quay mặt tránh đi nữa. Tôi không còn là đứa trẻ mẹ muốn che chở khỏi mọi thứ, kể cả những giọt nước mắt của bà, cả nỗi buồn chưa bao giờ bà thực sự rũ bỏ được.

Thò đầu qua cửa sổ toa tàu khi đoàn tàu chuyển bánh, tôi nhìn thấy Luc nắm lấy tay mẹ tôi để an ủi bà.

Thế giới của tôi đã đảo lộn, đáng ra Luc phải là người bước lên toa tàu, cậu mới chính là người có năng khiếu đặc biệt trong các môn khoa học; và trong hai chúng tôi, kẻ cần chăm sóc người mẹ y tá đã hiến dâng cả cuộc đời cho người khác, nhất là cho con trai bà, đáng lẽ kẻ đó phải là tôi.

 

Năm thứ tư ở trường Y.

Mẹ tôi đã nghỉ hưu, giờ đây bà trông coi thư viện thị trấn. Mỗi ngày thứ Tư, bà lại ngồi chơi bài bơ lốt cùng ba bà bạn.

Mẹ thường xuyên viết thư cho tôi. Giữa những giờ lên lớp và những ca trực đêm, tôi hầu như chẳng còn thời gian trả lời bà. Mẹ tới thăm tôi hai lần mỗi năm. Vào mùa thu cũng như mùa xuân, bà đều thuê phòng tại một khách sạn nhỏ nằm cách bệnh viện của trường Y chỉ vài bước chân và đi thăm các bảo tàng trong lúc chờ ngày làm việc của tôi kết thúc.

Mẹ và tôi cùng nhau đi dạo dọc bờ sông. Trong những cuộc tản bộ ấy, mẹ động viên tôi kể cho bà nghe về cuộc sống của tôi, dành cho tôi cả nghìn lời khuyên về những gì cần làm để trở thành một người bác sĩ có lương tâm - trong con mắt của bà, điều đó cũng quan trọng như trở thành một bác sĩ giỏi. Mẹ tôi đã gặp qua vô số bác sĩ trong bốn mươi năm làm y tá của mình, chỉ nhìn thoáng qua một lần là bà có thể nhận ra ngay những người đặt sự nghiệp của họ lên trên người bệnh. Tôi lặng lẽ lắng nghe bà. Sau cuộc tản bộ, tôi đưa bà tới ăn tối trong một quán cà phê nhỏ, mẹ tôi dần trở nên ưa thích chốn đó và luôn giành lấy phần trả tiền. “Sau này, khi nào trở thành bác sĩ, con sẽ mời mẹ tới một nhà hàng sang trọng,” bà vừa nói vừa giành lấy hóa đơn vào mỗi dịp như thế.

Những đường nét trên khuôn mặt bà đã thay đổi, nhưng đôi mắt mẹ tôi vẫn tràn ngập niềm yêu thương vô bờ không bao giờ già đi theo năm tháng. Bố mẹ chúng ta luôn già đi tới một độ tuổi nhất định, lúc đó hình ảnh của họ đã khắc sâu trong tâm trí chúng ta. Chỉ cần nhắm mắt lại và nghĩ về họ, ta lại nhìn thấy họ như mãi mãi họ vẫn thế, như thể tình yêu của ta dành cho bố mẹ có quyền năng làm thời gian ngưng lại.

Mỗi lần ghé thăm tôi, mẹ luôn tự giao cho mình nhiệm vụ phải dọn dẹp lại thật ngăn nắp căn phòng bừa bãi của tôi Sau khi mẹ đã về, tôi tìm thấy trong tủ áo cả một chồng áo sơ mi mới, và trên giường tôi là những tấm ga trải sạch tinh tươm có mùi hương gợi nhớ tới căn phòng ngủ thời thơ ấu của mình.

Tôi vẫn luôn giữ bên mình bức thư mẹ viết theo ước nguyện của tôi và một tấm ảnh tìm thấy trên tầng áp mái, cả hai được đặt trên chiếc bàn đầu giường.

Khi tôi đưa mẹ ra ga, bà ôm siết tôi trong vòng tay trước khi bước lên toa, vòng tay của mẹ ôm lấy tôi chặt đến mức mỗi lần tôi lại thấy sợ sẽ không bao giờ gặp lại bà nữa. Tôi nhìn theo đoàn tàu của mẹ đi khuất sau khúc quanh của đường ray, đi thẳng về phía thị trấn nhỏ nơi tôi đã lớn khôn, về phía tuổi thơ của tôi, giờ đây nằm cách chỗ tôi đang sống sáu giờ tàu chạy.

Trong vòng một tuần kể từ khi bà quay về nhà, lần nào tôi cũng nhận được một bức thư. Trong đó mẹ kể cho tôi về chuyến đi của bà, những ván bài bơ lốt và liệt kê cho tôi một danh sách những tác phẩm cần đọc ngay. Than ôi, thứ duy nhất tôi có điều kiện đọc chỉ là các cuốn sách y học mà tôi giở ra học miệt mài hằng đêm trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi nội trú của mình.

Những ca trực của tôi thay đổi luân phiên giữa khoa Cấp cứu và khoa Nhi, những bệnh nhân của tôi cần được quan tâm sát sao. Trưởng khoa của tôi là một người tử tế, một giáo sư ai cũng sợ vì những màn quát tháo phũ phàng của ông. Chúng luôn sẵn sàng bùng nổ trước mỗi lần sao nhãng, mỗi sai lầm dù nhỏ nhất. Song ông luôn tận tâm truyền lại cho chúng tôi hiểu biết của mình, và đó chính là điều chúng tôi trông đợi từ ông. Mỗi buổi sáng, khi bắt đầu các cuộc đi thăm bệnh phòng, ông lặp đi lặp lại với chúng tôi không biết chán rằng nghề y không phải là một nghề nghiệp mà là một thiên chức.

Đến giờ nghỉ, tôi lao vội tới căng tin bệnh viện mua một chiếc xăng uých rồi tới ngồi trong khoảng vườn bao quanh khu nhà của chúng tôi. Tại đó, tôi gặp lại một số bệnh nhân nhỏ tuổi của mình, những cô bé cậu bé đang bình phục. Lũ trẻ được bố mẹ đưa ra đó hít thở không khí ngoài trời.

Chính tại đó, trước một ô đất vuông vắn nở đầy hoa, cuộc đời tôi lại đảo lộn lần thứ hai.

 

Tôi ngồi ngủ gật trên một băng ghế. Học ngành y cũng đồng nghĩa với một cuộc chiến trường kỳ chống lại những cơn buồn ngủ. Một cô bạn cùng học năm thứ Tư tới ngồi xuống bên cạnh tôi, làm tôi giật mình bừng tỉnh. Sophie là một cô gái hoạt bát và xinh xắn, hai chúng tôi đã thân thiết và tán tỉnh nhau từ nhiều tháng qua nhưng chưa bao giờ chính thức đặt một cái tên cụ thể cho mối quan hệ giữa cô và tôi. Chúng tôi đóng vai hai người bạn, làm bộ như không biết gì về khát vọng của người kia. Cả cô và tôi đêu hiểu chúng tôi không đủ thời gian để có với nhau một mối quan hệ thực thụ. Sáng hôm đó, Sophie lại nói với tôi, không biết đã là lần thứ bao nhiêu, về một ca bệnh đang làm cô rất băn khoăn. Một cậu bé mười tuổi không thể ăn được gì nữa từ hai tuần nay. Không loại bệnh lý nào có thể giải thích được tình trạng của cậu bé, hệ tiêu hóa của cậu không cho thấy dấu hiệu rối loạn nào cho phép giải thích tại sao bất cứ chút thức ăn dù nhỏ nhất nào cậu nuốt vào ngay lập tức lại bị nôn ra. Cậu bé đang phải truyền dịch, thể trạng cậu xấu đi từng ngày. Ba bác sĩ tâm lý được mời tới hội chẩn đã không thể giải thích được bí ẩn này. Sophie thực sự bị bệnh nhân nhỏ tuổi nọ ám ảnh, đến mức cô không còn muốn làm gì khác ngoài tìm ra một biện pháp chữa trị cho cậu bé. Muốn duy trì những buổi tối tôi và cô học chung hằng tuần, với không khỏi đôi chút nhập nhằng trong đó, tôi hứa với cô về phần mình tôi sẽ xem qua bệnh án của cậu bé và suy nghĩ xem sao. Như thể chúng tôi, hai sinh viên nội trú, có thể thông thái hơn đội ngũ bác sĩ chính thức đang hành nghề trong bệnh viện này. Nhưng có học trò nào mà không từng mơ trở nên giỏi hơn sư phụ của mình?

Cô đang kể cho tôi nghe tình hình xấu đi của đứa trẻ thì sự chú ý của tôi bị phân tán bởi một cô bé đang chơi nhảy ô trên lối đi trong vườn. Tôi chăm chú quan sát cô bé rồi đột nhiên nhận ra cô bé không nhảy tuần tự từ ô này qua ô khác theo luật chơi. Trò chơi của cô bé có bản chất khác hẳn. Cô bé khép hai chân lại nhảy lên chính cái bóng của cô, hy vọng bắt kịp nó.

Tôi hỏi Sophie xem bệnh nhân nhỏ tuổi của cô có còn đủ sức ngồi trên xe lăn hay không, rồi đề nghị cô đưa cậu bé tới đây. Sophie muốn tôi lên phòng bệnh thăm cậu bé, nhưng tôi vẫn khăng khăng đề nghị cô không nên để mất thêm thời gian nữa. Chẳng bao lâu nữa mặt trời sẽ biến mất sau mái tòa nhà chính, mà tôi lại cần tới mặt trời. Cô nhăn nhó, nhưng cuối cùng cũng đồng ý.

Cô vừa quay đi, tôi tiến lại gần cô bé và yêu cầu cô hứa giữ bí mật những gì tôi sắp sửa nói với cô. Cô bé chăm chú lắng nghe rồi chấp nhận đề nghị của tôi.

Mưòi lăm phút sau Sophie quay lại, đẩy chiếc xe lăn trên đó có cậu bệnh nhân bé nhỏ đang bị cột vào xe bằng dây đai. Làn da xanh tái và hai gò má hốc hác minh chứng rõ ràng cho tình trạng yếu ớt của cậu bé. Nhìn thấy tận mắt tình trạng bệnh nhân, tôi hiểu được Sophie đang lo lắng tới mức nào. Cô dừng lại cách tôi vài mét, đôi mắt cô nhìn tôi dò hỏi; một phương thức thầm lặng để hỏi tôi “Giờ thì sao đây?” Tôi đề nghị cô đẩy xe lăn tới bên cô bé kia. Sophie làm theo rồi tới ngồi xuống cạnh tôi trên băng ghế.

- Anh nghĩ rằng một cô nhóc mười một tuổi sẽ chữa khỏi cho cậu bé, đó là phương thuốc thần kỳ của anh sao?

- Hãy để cậu ta có thời gian để tâm tới cô bé.

- Cô nhóc của anh đang chơi nhảy ô, anh muốn cậu bé quan tâm tới nó vì cái gì đây? Được rồi, thế là quá đủ rồi đấy, em đưa cậu bé về phòng đây.

Tôi nắm lấy tay Sophie, ngăn không cho cô đi.

- Vài phút hít thở không khí ngoài trời cũng chẳng hại gì cho cậu bé. Anh chắc em còn các bệnh nhân khác cần thăm bệnh, vậy hãy để hai đứa nhỏ lại đây cho anh, anh có thể để mắt đến chúng trong giờ nghỉ. Đừng lo, anh sẽ không rời mắt khỏi chúng đâu.

Sophie quay trở về khoa Nhi. Tôi lại gần hai đứa trẻ, tháo các đai buộc rồi bế cậu bé tới bãi cỏ chia hình ô vuông. Tôi ngồi xuống, đặt cậu bé ngồi trên hai đầu gối tôi, quay lưng về phía những tia nắng cuối cùng. Cô bé con quay lại với trò chơi của cô, đúng như chúng tôi đã thỏa thuận.

- Cái gì đã làm cháu sợ đến thế, chàng trai, tại sao cháu lại để mình ốm yếu đi như thế?

Cậu bé ngước mắt lên, không nói gì. Cái bóng mỏng manh của cậu hòa làm một với bóng của tôi. Cậu bé ngả người vào vòng tay tôi, tựa đầu lên vai tôi. Tôi thầm cầu xin cái bóng thời thơ ấu của tôi hãy quay trở lại, sau bấy nhiêu thời gian đã trôi qua.

 

Không đứa trẻ nào trên thế gian này có thể bịa ra những gì tôi sắp sửa nghe thấy. Tôi không rõ chính cậu bé hay cái bóng của cậu đã thì thầm với tôi, tôi đã mất thói quen với những lời tâm tình thầm kín ấy.

 

Tôi bế cậu bé trở lại chiếc xe lăn và gọi cô bé quay lại chơi bên cạnh cậu ta trước khi Sophie trở về, rồi tôi tới ngồi xuống chỗ cũ của mình trên băng ghế.

Khi Sophie tới ngồi bên tôi, tôi kể lại với cô rằng nhà nữ vô địch của môn nhảy ô và bệnh nhân nhỏ tuổi của cô đã làm thân với nhau. Cô bé thậm chí đã thành công trong việc thuyết phục cậu ta nói ra điều đã ám ảnh cậu và chấp nhận tiết lộ điều đó với tôi. Sophie nhìn tôi sững sờ.

Cậu bé vốn rất thích một con thỏ, con vật trở thành người chia sẻ tâm tình của cậu bé, người bạn thân nhất của cậu. Có điều hai tuần trước con thỏ sổng mất, và buổi tối sau khi con thỏ biến mất, vào cuối bữa tối, mẹ cậu bé hỏi cả nhà xem mọi người có thích món xi vê[1] mà bà đã nấu không. Ngay lập tức cậu bé đi đến kết luận con thỏ của cậu đã chết, và cậu đã ăn thịt nó. Kể từ lúc ấy, cậu bé chỉ còn một ý nghĩ trong đầu, chuộc lại tội lỗi của cậu và đi gặp lại người bạn thân nhất ở nơi chắc chắn người bạn đó đang chờ cậu. Có lẽ người ta cần cân nhắc hai lần trước khi nói với bọn trẻ rằng người chết sẽ ra đi sống trên thiên đường, dù không còn ở bên họ nữa.

[1] Một món ăn thường nấu với thịt thỏ.

Tôi đứng dậy, để lại Sophie bàng hoàng trên băng ghế. Giờ khi tôi đã tìm ra nguyên nhân, điều quan trọng là nghĩ ra cách giải quyết.

 

Đến cuối ca trực của mình, tôi tìm thấy một mẩu giấy nhắn trong ngăn tủ của tôi, Sophie ra lệnh cho tôi tới nhà gặp cô, cho dù lúc đó có là mấy giờ đi nữa.