Chiều bữa sau, Phụng ra chợ Bến-Thành đi nghểu-nghến một hồi rồi mua hai cây đèn cầy, một hộp quẹt, một ngọn dao phay, một ổ bánh mì với một cắc thịt quay gói lại hết rồi cầm mà về, bữa nay bộ chàng đi mạnh-dạn, sắc mặt quả quyết chớ không phải buồn thảm như trước kia nữa.
Đi ngang qua căn nhà đầu, là căn của bà Lợi ở, Phụng liếc mắt ngó vô thì thấy bà đương đứng tại cửa la hét om-sòm. Chàng nghe bà nói: “Tao biểu mầy xuống kéo lưng nó cho tao. Hỏi bạc của người ta, quá kỳ-hạn 3 bữa, không trả vốn mà cũng không đem tiền lời, còn hẹn giống gì nữa. Hỏi nó muốn giựt hay sao? Đi cho mau.” Nghe như vậy rồi thấy có một người đàn-bà chừng 40 tuổi, mặt mày hung ác, ở trong nhà đi ra, lộ sắc giận nên coi càng dữ tợn hơn nữa.
Phụng về nhà ngồi ăn bánh mì với thịt, ăn chẩm rải mà bộ suy-nghĩ lắm.
Trời tối lần lần, nên trong nhà bây giờ lờ-mờ, Phụng không thèm đốt đèn, cứ ngồi ăn, mắt ngó ra đường. Chừng ăn rồi chàng mới chịu vặn đèn lên cho sáng đặng đi rửa tay và uống nước.
Mới 7 giờ mà chàng đóng cửa kín mít, rồi ngồi lại bàn viết, lấy bức thơ của cô Loan hôm nọ mà đọc lại. Chàng đọc trầm-ngâm trót giờ rồi cất thơ, tắt đèn, lại nằm trên ghế bố. Chàng nằm im-lìm cho đến khuya, ngoài đường hết nghe tiếng xe chạy nữa, chàng mới ngồi dậy đi vô buồng quẹt hộp quẹt mà đốt cây đèn cầy rồi thay quần áo mà mặc trên một cái áo thun, dưới một cái quần vắn, chơn mang vớ mà không mang giày, còn hai tay lại có mang bao tay.
Thay đồ rồi chàng cầm cây đèn cầy đi ra phía trước, lại bàn viết mà coi đồng-hồ, thì thấy thiếu 10 phút nữa mới một giờ. Chàng trở vô buồng, đứng lóng tai nghe, thì tư bề đều im-lìm. Chàng nhẹ nhe đi mở cửa xuống bếp rồi mở luôn cửa sau. Chàng lấy luôn con dao phay mua hồi chiều mà cặp nách, rồi tắt đèn, bỏ cây đèn cầy với cái hộp quẹt vào túi quần, sẻ lén cửa sau đi mất.
Đến ba giờ rưỡi, Phụng mới trở về, một tay cầm con dao phay, còn một tay có xách cái rương sắt vuông và nhỏ. Chàng nhẹ nhẹ đóng cửa lại, quẹt hộp quẹt mà đốt đèn cầy, đứng ngó cùng trong nhà bếp, rồi để cái rương sắt với con dao trên bếp, cổi hai bao tay ra.
Bây giờ sắc mặt chàng xanh dờn, và bộ coi mệt nên thở lung lắm; chàng đứng ngó quanh quất rồi lấy con dao cạy hai tấm gạch, đào đất lên mà chôn cái rương sắt và đậy gạcg lại như cũ, đất dư thì bỏ vô lò nấu ăn.
Làm công việc xong xuôi rồi Phụng rửa tay rửa mặt và thay áo quần, thì đồng hồ đã chỉ 4 giờ 1 khắc. Chàng tắt đèn cầy rồi nằm lại trên ghế bố.
Đến sáng, ngoài đường xe chạy rần-rần, thiên hạ qua lại nói chuyện inh-ỏi, Phụng thức, nhưng mà chàng không chịu dậy mở cửa, cứ nằm lim-dim hoài. Gần 8 giờ chàng nghe tiếng giày bước vô cửa trước, rồi nghe tiếng gõ cửa cộp cộp. Chàng giựt mình, biến sắc, lồm cồm ngồi dậy, mắt ngó cái cửa, song không dám đi lại mở.
Ở ngoài có tiếng kêu lớn: “Phụng ạ! Phụng, mở cửa cho mỏa vô toa”.
Phụng biết tiếng Trinh nên hết ái-ngại dụ-dự nữa; chàng đứng dậy đi lãi mở cửa.
Trinh bước vô nhà và hỏi lớn: “Ê! Làm giống gì mà ngủ trưa dữ vậy? Chắc hồi hôm toa thức viết bài nhựt trình khuya lắm phải hôn?”
Phụng lơ láo rồi gật đầu, chớ không nói tiếng chi hết.
Trinh nói tiếp: “Thôi, đi rửa mặt đi toa. Rửa mặt thay đồ rồi đi uống cà phê với mỏa. Mỏa chưa lót lòng; thấy xe về đúng giờ nên mỏa tính về dắt toa đi ăn với mỏa đặng nói chuyện chơi. Mỏa thèm hủ tiếu ngon quá; mỏa biết dưới Chợ-cũ có một tiệm nấu hủ tiếu ngon đặc biệt, để mỏa dắt toa xuống đó ăn một lần cho biết”.
Phụng đi rửa mặt và thay đồ. Trinh thọc tay túi quần đi qua lại, túm miệng hút gió theo bản đờn Madelon. Phụng thay đồ rồi, hai anh em mới lên xe kéo đi ăn lót lòng. Đi ngang nhà bà Lợi, Phụng thấy người đàn-bà mặt mày hung ác hôm qua đương ngồi trước thềm nhà mà nói lớn với một tên trai nhỏ: “Bữa nay sao bà ngủ trưa dữ vậy không biết. Để đợi một chút nữa coi”.
Gần 10 giờ, Phụng với Trinh trở về, cũng ngồi xe kéo. Đi gần tới dãy phố chỗ mình ở, hai anh em ngó thấy có chừng vài chục người tựu trước căn nhà của bà Lợi ở, có ông Phán Thành đứng đó, lại có một viên biện Tây đương đấm cửa mà kêu trong nhà om sòm. Hai anh em biểu xe ngừng lại, bước xuống chào ông Phán Thành.
Trinh hỏi ông Phán:
- Có việc chi vậy ông Phán?
- Bà già Lợi sao bữa nay ngủ hoài không chịu dậy. Hai người ở với bà lại làm công việc nhà, chờ từ hồi sớm mai cho tới bây giờ mà không thấy bà mở cửa, họ nghi có việc chi nên xuống bót mà báo. Dưới bót sai một viên biện lên kêu cửa nãy giờ chớ có chi đâu.
- Bà già nầy ở có một mình hay sao?
- Bà có hai người đầy tớ, một người đàn-bà và một đứa trai, đang đứng sau viên biện Tây chỗ cửa đó. Ban đêm hai người ấy ai về nhà nấy, bà Lợi ngủ có một mình.
- Cha chả, già cả mà ngủ có một mình trong nhà thì hiểm nghèo lắm. Nửa đêm rủi đau ốm rồi làm sao.
- Bà Lợi chưa già gì lắm, bà còn mạnh lắm mà.
- Cũng trên 60 tuổi chớ.
- Phải. Nhưng mà tôi nghi không phải bà đau. Tôi sợ kẻ gian biết bà có tiền nhiều, ban đêm lẻn vô nhà làm bậy mà lấy tiền chớ.
- À, còn sợ nỗi đó nữa.
Trinh day lại thì thấy Phụng đương men men đi về nhà của mình. Chàng muốn bắt tay từ giã ông Phán đặng đi về, kế nghe viên biện Tây xô cửa một cái rầm; 2 cánh cửa mở bét ra rồi viên biện Tây với hai người tớ của bà Lợi đi vô nhà. Có một thầy đội tuần cảnh An-nam đứng ngoài chận cửa, nên không ai được vô nữa.
Bây giờ trẻ nhỏ với xa phu tựu lại càng đông hơn nữa, người lớn thì nghị-luận, con nít thì cười giỡn. Trinh với ông Phán Thành đứng chờ mà nghe coi coi công việc ra thế nào.
Cách chẳng bao lâu, đứa tớ trai trong nhà đi ra, mặt mày xanh như chàm. Nó đứng nói với thầy đội tuần cảnh: “Bà tôi chết rồi”.
Ai nấy nghe mấy tiếng nói ấy đều chưng-hửng, đứng ngó nhau, sắc mặt không an.
Trinh nói với ông Phán:
- Tôi nói già mà ban đêm ở nhà có một mình hiểm nghèo lắm mà! Chắc có nhiễm gió. nửa đêm không ai hay mà cứu nên bà chết chớ gì.
- Tôi sợ kẻ gian làm hại mà lấy tiền chớ. Bà cho vay thuở nay ăn lời nặng lại hay mắng nhiếc người ta, nên có nhiều người không ưa bà. Để đợi nghe coi tại sao bà chết rồi sẽ biết.
- Tại sao bà có hai người tớ, mà ban đêm không biểu một người ở lại trong nhà với bà?
- Bà gắt gao nên hay nghi người lắm. Có lẽ bà không tin hai người tớ, nên bà không cho ở chớ gì?
Viên biện Tây dắt người tớ đàn bà trở ra cửa, biểu ngồi tại thềm với đứa tớ trai, dặn thầy đội ít tiếng, rồi leo lên xe máy mà đi.
Ông Phán Thành kêu hỏi:
- Viên biện sao bỏ mà đi vậy thầy đội?
- Ổng về bót báo cho ông Cò hay. Ổng biểu tôi giữ hai người tớ của bà già, coi cửa đừng cho ai vô nhà.
Một người đứng coi kêu chị tớ đàn bà:
- Tại sao bà già chết vậy chị?
- Bà bị người ta nhét chéo mền trong họng lại cái mền bao trùng đầu kín mít nữa, nên chắc bà ngột mà chết.
- Hai tay có bị trói hay không? Nếu hai tay thong thả thì sao không tông cái mền, để chịu chết ngột?
- Hai tay buộc dính lại, mà tréo ra sau lưng, làm sao tông mền được.
- Buộc bằng dây hay bằng cái gi?
- Buộc bằng cái khăn rằn của bà.
- Nếu vậy thì chắc là ăn trộm vô nhà, bà hay rồi nó bắt trói bà và nhét khăn vô miệng đặng lấy đồ chớ gì. Có dấu phá cửa hay không vậy chị?
- Hồi nãy tôi dắt ông Cò đi coi thì thấy cái cửa lên nhà trên mở có dấu dao cạy, còn cái cửa nhà bếp mở ra đường mương sau thì đóng chặt như thường.
- Đồ đạc mất nhiều hay không?
- Biết đâu! Tôi thấy bà tôi chết tôi hết hồn, nên không còn biết việc gì nữa.
Ông Phán ngó Trinh mà nói: “Tôi đoán giỏi hay không hử? Tôi nói kẻ gian nó lén vô nhà giết bà đặng lấy của mà. Chắc nó lấy tiền bạc nhiều lắm”.
Trinh mời ông Phán ghé nhà mình nói chuyện. Hai người bước vô thấy Phụng đang nằm trên ghế bố, thì Trinh nói: “Ê Phụng, ăn trộm vô nhà bà Lợi, nó trói bà rồi nhét mền vô họng nên bà chết ngột rồi toa. Thằng ăn trộm nào đó không có lương-tâm, lấy tiền của người ta đã quá rồi, còn giết người ta nữa là ác lắm”.
Phụng ngồi dậy, mặt mày xanh dờn không nói tiếng chi hết.
Ông Phán nói: “Bộ M. Phụng bịnh hay sao mà mặt coi mét quá”.
Trinh ngó Phụng rồi hỏi:
- Ừ, bữa nay sao coi toa xanh quá vậy toa? Vậy mà từ hồi sớm mơi đến bây giờ tôi không để ý chớ. Mỏa thường nói, nếu toa buồn quá thì chắc sanh bịnh. Bây giờ toa nghe trong mình toa thế nào?
- Khó chịu … Đi ăn lót lòng về nãy giờ sao chóng mặt quá.
- Có lẽ tại toa thức viết khuya quá, mà ban ngày lại không đi ra ngoài, nên mệt xác mà lại mệt trí nữa chớ gì. Buổi chiều nay toa phải đi đốc-tơ coi mạch đặng uống thuốc mới được.
- Khó chịu chút đỉnh, có lẽ vài bữa sẽ hết cần gì phải đi đến đốc-tơ.
- Thôi thì toa phải nghỉ mà đi chơi, đừng có viết nữa. Toa muốn tối mai đi theo mỏa ra Nha Trang chơi hay không?
- Không. Đi thêm mệt chớ có ích gì.
- Toa dại! Đi chơi vui lắm, mệt cái gì! Mỏa đi luôn luôn mà mỏa có mệt đâu. Để tối mai mỏa bắt toa đi với mỏa.
Ông Phán nói: “M. Phụng nên đi chơi lắm chớ. Người ta nói ở Nha-trang gió tốt. Đâu thầy đi một chuyến thử coi”.
Phụng không cãi nữa.
Ông Phán bước ra đứng ngoài cửa mà ngó lại phía nhà bà Lợi rồi nói: “Bây giờ có ông Cò với lính lên đông dữ. Chắc lát nữa sẽ có quan Biện-lý đến khám nghiệm”.
Trinh cũng bước ra đứng mà ngó, Phụng thì nằm lại trên ghế bố, day mặt vô vách.
Ông Phán đi về nhà. Trinh trở vô thay đồ rồi kiếm chuyện mà nói với Phụng, song Phụng cứ ừ hử cầm chừng, không muốn nói chuyện.
Gần 12 giờ trưa Trinh rủ Phụng đi ăn cơm, Phụng nói không đói nên không chịu đi. Trinh đi một hồi rồi đem về đưa cho Phụng một ổ bánh mì với một hộp cá mòi. Phụng lấy, mà nói không đói, nên đem để trên bàn viết chớ không chịu ăn.
Ông Phán Thành trở lại nói: “Bây giờ cò bót chở xác bà Lợi lên nhà mổ, đặng quan thầy thuốc khám nghiệm”.
Trinh hỏi ông Phán:
- Tòa tra xét rồi hay sao?
- Có lẽ tra xét rồi chớ. Từ hồi 10 giờ tới bây giờ có lẽ nào không rồi.
- Không biết có tìm được tông-tích đứa sát nhơn hay không?
- Nghe nói quan nhà hình có xuống chụp hình cùng trong nhà đặng kiếm dấu tay. Không biết họ tìm ra hay chưa, song hai người tớ của bà Lợi bị tình nghi đồng lõa với ăn trôm nên đã bị bắt giam dưới bót.
- Bà già ở một mình, nếu giam đầy tớ của bà hết rồi ai coi nhà cho bà?
- Có lính gác. Hồi nãy có một người cháu kêu bằng cô, ở trong Chợ-lớn, ra khóc dữ quá. Người đó bây giờ đi theo xác bà đó.
- Không biết người ta giết bà có lấy vàng bạc gì hay không?
- Hồi nãy tôi hỏi thăm thầy đội thì thầy nói trong nhà đồ-đạc còn y nguyên, cái tủ áo quần bằng cây cũng không có dấu cạy, chìa khóa còn ở trong túi bà Lợi. Mà theo lời khai của hai người tớ thì trong giường bà ngủ có để một cái rương sắt nhỏ. Cái rương ấy đâu mất. Có lẽ ăn trộm bưng một cái đó mà thôi.
- Chắc tiền bạc bà để trong đó chớ gì.
- Có lẽ … Cuộc đời thấy mà ngán. Gắt gao, bó buộc, chặt đầu lột da người ta đặng tích trữ tiền bạc cho nhiều rồi có ích gì đâu. Tiền bạc ấy làm hại mạng mình, mà dầu không hại, hễ mình nhắm mắt rồi thì cũng tan hết.
- Bởi vậy ở đời chẳng nên tham lam lắm, phải thì thôi, giàu mà làm chi.
Hai người đàm luận với nhau như vậy, mà Phụng làm lơ không xen vào tiếng chi hết.
Ông Phán về, Trinh khép cửa mà nghỉ trưa.
Đến chiều mát. Trinh ép Phụng mà dắt đi chơi, rồi ghé nhà hàng ăn cơm luôn. Chừng trở về nhà, hai anh em thấy trong nhà bà Lợi người ta lộn xộn, đèn đưốc sáng trưng, cửa mở tác hoán. Ông Phán Thành đứng chơi trước cửa, thấy Trinh với Phụng về thì men lại nói: “Quan thầy thuốc khán nghiệm tử thi rồi nói bà Lợi bị ngột hơi mà chết. Chắc ăn trộm muốn làm cho bà đừng la được, chớ không cố tâm giết bà, mà chừng nó đi, nó quên mở cái mền, để lâu quá nên bà ngột hơi mà chết”.
Trinh cười mà nói:
- Mở mền rồi bà la lên mới chạy sao kịp.
- Phải lắm. Ăn trộm nó sợ cái đó.
- Còn đằng nhà bà bây giờ làm giống gì mà thấy người ta đông dữ vậy?
- Người cháu của bà xin xác đem về hồi tối. Bây giờ lo sắp đặt đặng sáng mai chôn. Nghe nói hồi chiều lính bắt hai ba người trong xóm nhà lá, vì nghi mấy người ấy giết bà Lợi.
- Có ai khai hay sao?
- Không hiểu. Hai người tớ nghe nói còn bị giam dưới bót.
Phụng cứ lơ láo, chẳng hề nói tới bà Lợi chết, mà sắc mặt coi khô héo buồn bực lắm.
Sáng bữa sau, người ta sửa soạn đi chôn bà Lợi. Thiên ha tựu coi rất đông. Trinh với ông Phán cũng ra cửa mà coi, mà Phụng cứ ở trong nhà không chịu ló ra.
Đến chiều, Trinh theo ép quá, Phụng không thể từ chối được nên phải thay đồ đi ăn cơm rồi theo Trinh đi xe lửa ra Nha-trang mà chơi.