Người thất chí

Chương 10

Mười hai năm sau.

Tiết tháng giêng, ở Sài-gòn thì trời đã bắt đầu nóng nực. Những người có tiền dư, hoặc muốn trốn nắng, hoặc muốn dưỡng sức đặng tranh đấu nới trường lợi danh cho đắc thắng trong năm mới, nên người đi ra mấy chỗ có bãi biển tốt ở nghỉ ngơi, kẻ thì đi đến mấy nơi có non cao rừng rậm ngao du mà hấp thanh khí.

Trong Nam-kỳ, nơi vùng Châu-đốc giáp ranh với Hà-tiên, có mấy dãy núi nằm ngang nằm dọc, người ta đặt tên chung là Thất-sơn, núi không cao lớn bằng ngoài Trung-kỳ, Bắc-ky, song sừng sựng đứng giữa một miền thấp thỏi, bằng thẳng rộng lớn minh-mông ngó mút mắt, mấy dãy núi ấy xem ra cũng có vẻ chớn chở.

Đã vậy mà trong những cụm núi ấy cũng có nhiều khe nước u ẩn đáng gợi tình thi-sĩ, có nhiều hòn đá làm khỏe mắt hiếu kỳ, tiếc vì khách du sơn ít để bước đến nầy, duy có người mộ Phật cầu tiên mới lui tới đặng cúng chùa nuôi sãi.

Một buổi sớm mơi, trên hòn núi Cô-Tô[1], nằm phía sau chợ Xà-Tón[2], sương còn bao phủ mù mịt, dường như trùm cái mền xanh sậm đặng giấi giếm những cảnh thanh tịnh, bí mật của tạo-hóa lập ra riêng để cho bọn thất chí hoặc chán đời nương náu, chớ không muốn cho phường trục lợi tranh danh ghé mắt.

Thế mà có ba người đương lụi cụi do đường mòn mà leo lên núi.

Người đi trước là đàn-ông, mặc áo sơ mi xám, quần cụt cũng màu xám, tay chống một cây gậy, vai mang một cái máy chụp hình nhỏ treo lòng thòng sau lưng. Hai người đi theo sau lưng là đàn-bà. Đồng mặc áo thun màu xanh, quần vắn màu đen, chơn mang giày mềm, tay cũng chống gậy, mà vai chỉ mang một cái ống dòm mà thôi.

Đường nầy là đường lên mấy chùa, mấy am trên núi, bởi vậy mỗi ngày đều có người ta lên xuống thường. Tuy vậy mà có khúc dốc đứng phải bò mà lên, có chỗ bị hòn đá cản ngang, phải trèo mà qua mới được. Gặp mấy chỗ khó ấy thì người đàn-ông phải tiếp mà dắt hai người đàn-bà ; dầu đi gay-go mệt nhọc, nhưng ba người đều vui cười hớn-hở. Tới mũi Hải, thấy có một thạch bàn bằng thẳng nằm dưới một lùm cây mát-mẻ, ba người mới ghé lại đó ngồi nghỉ chưn.

Nói phứt ra cho rồi, 3 người khách du sơn nầy chẳng phải ai đâu lạ, ấy là Trinh với cô Loan và cô Tâm.

Trinh ngó cô Tâm rồi cười hỏi :

-         Mình viếng núi Ông-Tô nầy nữa thì giáp vòng hết Thất-sơn. Cô Tâm tính qua sang năm đi miệt nào nữa?

-         Có lẽ qua sang năm đi viếng núi Hà-tiên, như còn dư ngày thì mình đi thẳng lên Tà-Lơn.

-         Phải. Mình đã đi giáp hết những núi ở Tây-ninh, Baria, Vũng-Tàu, Phan-thiết, Nha-trang, Dalat, Thất-sơn thì chỉ còn có núi Hà-tiên với Tà-lơn nữa mà thôi. Tìm kiếm đã mười mấy năm rồi, song không công hiệu chi hết, thế mà cô chưa mòn chí hay sao?

-         Không, em vẫn hăng-hái luôn-luôn, bởi vì cái linh tánh nó mách rằng em sẽ mãn-nguyện, nên trí em tin chắc có ngày sẽ gặp.

Cô Loan nghe như vậy bèn vịn vai cô Tâm mà nói : « Tôi khấn vái cái linh tánh của cô đó đừng dối gạt lòng cô ».

Nghỉ khỏe rồi, ba người đứng dậy mà đi nữa. Bây giờ mặt trời đã lên cao rồi, phá cái màn sương đã tan hết, dọi mấy khe nước trong kẹt đá chảy ra trắng nõn như bạc đổ.

Xa xa nghe tiếng chuông chùa Phật dộng bon bon ; lấp ló thấy chim đứng trên nhành kêu chéo chét.

Đến trưa, ba người lên tới một chỗ trống trải kêu là Dâu Hội, gần trên đảnh, Trinh đói bụng, lại thấy có một tấm đá lớn nằm dưới một cây cổ thụ sum sê, dựa bên thêm có ngọn suối nước chảy ro re trong vắt. Trinh mời hai cô ghé đó mà ngồi, rồi mở túi ra lấy bánh mì, cá họp, thịt đùi mà ăn với nhau.

Trước mặt trông thấy cánh đồng Xà-Tón minh-mông tuyệt với, bên phía tay trái thì những ngọn núi Cấm [3], núi Bà Đội[4] nghênh-ngang che khuất cánh đồng Tà-keo, Cần-vọt. Tuy không có tâm hồn thi-sĩ, nhưng mà thấy cái quang cảnh từ núi cao xuống đồng thấp mỗi chỗ có vẻ khác nhau thì ba người đều cảm xúc trong lòng, nên ngồi ăn mà không nói chuyện chi hết.

Ăn no bụng, ba người lại suối mà uống nước và rửa mặt, rồi cô Loan với cô Tâm nằm ngửa trên tấm đá mà nghỉ lưng, mắt lim dim nghe gió trông mây, trí vơ vẩn ngó rừng tưởng núi. Trinh mở máy ra mà chụp hình hai cô, chụp nằm trên hòn đá rồi chụp ngồi gốc cây. Cô Loan sung sướng trong lòng, nên cặp tay Trinh mà dắt đi thơ thẩn, khi thì vịn vai nhau mà nói, khi thì nhìn mặt nhau mà cười, hạnh phúc tràn trề, ân tình chan chứa, cô Tâm đứng ngó cặp ấy rồi tâm-hồn cô lơ-lửng, nước mắt nhểu phải lấy khăn mà lau.

Một thầy chùa mặc áo dài, vai mang gói, ở trên lững thững đi xuống. Trinh đón hỏi :

-         Xin thầy làm ơn nói giùm cho tôi biết coi đường đi trên đó là đường đi đâu?

-         Đó là đường đi lên đảnh.

-         Khó đi hay dễ?

-         Khó đi một chút, nhưng mà đi được.

-         Trên đảnh có người ta ở hay không?

-         Có một cảnh chùa Yết-ma Bạch-Phụng lập ra để ở tu trì với ông đạo nhỏ.

Cô Tâm vừa nghe hai tiếng Bạch-Phụng thì biến sắc mà nói: “Chắc gặp rồi. Thôi, đi riết lên chùa coi”.

Ông thầy chùa không hiểu cô nói gặp là gặp ai, song ông đã không cần hỏi, liền xây lưng đi xuống núi.

Trinh với hai cô mang đồ mà đi lên đảnh. Tới một cảnh chùa thấy có một người đạo nhỏ đương lum-khum hái rau, Trinh hỏi thăm thì thiệt quả chùa nầy là chùa Bạch-Phụng, có ông Yết-ma đương xem kinh trong chùa.

Cô Tâm nóng nảy nên bươn-bả đi riết vô chùa, không đợi hai người kia. Vừa bước vô, cô thấy một ông già bảy tám mươi tuổi, đầu trọc lóc, miệng móm xọm, mang mắt kiếng đương cầm cuốn kinh ngồi mà coi, thì cô thất vọng nên đứng trân-trân.

Trinh bước tới cúi đầu chào ông già và nói :

-         Chúng tôi đi du-lịch, muốn ra mắt ông Yết-ma.

-         Kính chào quí khách. Yết-ma là tôi đây. Quí khách lên cúng Phật hay là lên kiếm tôi có việc chi?

-         Chúng tôi có một người bà con tên là Phụng, học Tây giỏi, niên-kỷ bằng tôi, vì uất tình đời nên cách 12 năm nay trốn mà đi tu. Chúng tôi tìm hết sức mà không gặp. Ông có biết trên núi nầy có ông đạo nào giống với người bà con của chúng tôi hay không?

-         Trên núi Ông-Tô nầy có hai mươi mấy cảnh chùa, những ông đạo ở tu tôi biết hết thảy. Tôi không thấy người nào đáng nghi là người của quí khách đi tìm đó.

Trinh với hai cô đứng ngơ ngáo.

Cô Tâm hỏi ông Yết-ma:

-         Tại đỉnh núi đây có đường đi xuống triền núi phía bên kia hay không?

-         Có chớ. Ðưòng sau chùa đây là đường đi xuống triền núi phía bên kia.

-         Dài theo đường ấy có chùa có am gì hay không?

-         Không có chùa, duy có một cái chòi của một tên nông phu ở trồng khoai tỉa đậu  thuở nay đó mà thôi.

-         Xin ông cho biết con đường dễ đi hay không?

-         Ðường đó tuy ít người đi song ít dốc, ít đá nên dễ đi hơn đường phía bên kia.

Trinh cúng chùa một đồng bạc rồi từ ông Yết-ma dắt hai cô trở ra sân.

Cô Tâm để tay lên trán đứng suy nghĩ một hồi rồi nói: „Phải đi đường xuống triền núi bên kia. Bụng tôi nó giục tôi đi ruồng ngã đó“.

Ba người noi theo đường sau chùa mà đi nữa.

Ði xuống một chút, ngó mấy khoảng trống thì thấy biển Rạch-Giá và Hà-tiên, ở xa xa có Hòn đất. Hòn chông phân ranh đất với nước. Ðường đi thiệt dễ nên ba người vừa đi vừa ngắm cảnh và đàm luận. Thình lình có một đám đậu xanh trồng dựa bên đàng, lại thấy có một người tóc rối rấm, râu xồm xàm ở trần phơi lưng đen trạy, đang lum khum hái đậu.

Trinh với cô Loan đứng mà ngó.

Người hái đậu vừa ngước mặt lên ngó thấy ba người kia thì biến sắc đứng trơ trơ, không nói mà cũng không cục cựa.

Cô Tâm la lớn: „Anh Phụng kìa kìa!“ rồi cô chạy tuôn qua đám đậu, riết lại ôm ngang lưng người nông phu nầy, vừa cười vừa chảy nước mắt mà nói: „Dữ quá! Em kiếm trọn 12 năm năm mới được gặp anh đây! Em đi kiếm cùng hết. Cái linh tính của em nó cho em biết rằng sớm muộn gì rồi em cũng tìm được anh. Thiệt quả vậy, cô Loan, tin cái linh tính của tôi hay chưa hử? Hồi sớm mai nầy, vừa bước chơn đi lên núi thì lòng em khoan khoái, em chắc sẽ gặp anh. Hồi nãy ông Yết-ma nói không có người nào giống anh mà ở trên nầy. Em không tin. Nếu em thối chí mà trở xuống, thì làm sao mà gặp được.“

Người nầy thiệt quả là Phụng, tuy hình dạng có hơi khác hẳn với Phụng hồi xưa, nhưng cô Tâm nhìn không lầm.

Cô Loan cũng vô tới. Ðứng ngó anh, nước mắt tuôn dầm dề, mừng tủi quá, không nói được một tiếng chi hết.

Trinh hân hoan trách Phụng: „Toa tệ quá! Toa muốn được phần toa, không kể đến người khác. Toa để bà già thương nhớ toa đêm ngày. Mỏa khuyên giải hết sức thì bà già bớt buồn chút đỉnh, chớ làm sao mà vui được.“

Phụng ngó Trinh, ngó Tâm rồi ngó Loan mà hỏi: „Năm nay chắc má già lắm phải hôn em?“

Cô Loan gật đầu đáp: „Má già song má mạnh. Duy có má nhớ anh lung lắm, nên năm nào cũng vậy, hễ qua tháng giêng thì vợ chồng em phải dắt nhau đi bậy đi bạ mà tìm anh. Phải đi kiếm thì má mới bớt buồn“

Phụng nghe nói mấy lời thì ngó Trinh và Loan.

Trinh hiểu ý kêu người mà nói:“ Toa gởi gấm bà già với cô ba cho mỏa, toa cậy mỏa bảo bọc. Mỗi người ở một nơi làm sao mà bảo bọc cho được. Toa đi rồi thì mỏa phải tuốt xuống Cần thơ thưa với bà già mà xin cưới cô ba, rồi mỏa đem hết về Sài Gòn mà ở với mỏa. Phải làm như vậy mới bảo bọc được chớ.“

Phụng trợn mắt, bước lại nắm tay Trinh mà nói: „Toa làm như vậy à? Toa cưới em mỏa đặng nuôi mẹ với em mỏa? Cám ơn! Cám ơn lắm!“

Trinh nói: „Toa khỏi cám ơn. Mỏa muốn toa theo bọn mỏa mà về cho mau, đặng bà già mừng, làm như vậy thì hay hơn hết“.

Phụng khoát tay không cho Trinh nói nữa, rồi chỉ cô Tâm mà hỏi: „Còn cô Tâm sao lại nhập bọn chung với vợ chồng toa đây?“

Cô Tâm không cho Trinh trả lời, cô hớt mà đáp: „Ðêm nọ anh giấu tên họ, anh không chịu cho em biết. Cách ít ngày em kiếm anh Trinh em hỏi thăm, tự nhiên em biết có khó gì. Anh không muốn cho em gần anh thì em gần cô Loan, là em của anh, cũng vậy, phải hôn?“ cô nói tới đó rồi cô cười ngất.

Cô Loan bây giờ không khóc nữa, cô tiếp mà nói: „Cô Tâm chờ anh mười mấy năm nay đó. Năm nào cô cũng đi theo vợ chồng em mà kiếm anh. Cô nói nhờ anh mà ông già cô hết bịnh, cô làm giàu làm có, nên cô nhứt định đi kiếm cho được anh mà thôi, chớ cô không ưng chồng nào hết“.

Phụng châu mày hỏi cô Tâm:

-         Ông già cô hết bịnh rồi hay sao?

-         Uống thuốc chừng một năm thì ông già em đi đứng được. Bây giờ em có tiệm lớn lắm, anh về rồi anh sẽ biết. Ông già em cầu trời khẩn Phật luôn luôn, vái cho em tìm được anh mà đền ơn đáp nghĩa anh.

Phụng cúi mặt xuống đất coi bộ bối rối trong trí lắm.

Trinh hỏi: „Toa ở đây với ai? Làm nghề gì mà ăn? Nhà cửa của toa ở chỗ nào đâu?“

Phụng đưa tay chỉ phía dưới triền núi mà đáp:

-         Nhà mỏa ở dưới đây một chút. Mỏa ở có một mình trồng khoai trồng đậu để đổi gạo mà ăn chớ có làm nghề gì đâu?

-         Toa có cất nhà đi tu hay không?

-         Không. Tu làm gì?

-         Thôi, toa dắt tụi moa xuống nhà toa coi, xuống sửa soạn rồi có về cho sớm.

Phụng đứng trơ trơ không muốn đi, làm cho cô Tâm phải nắm tay mà kéo, chàng mới chịu bưng thúng đậu đi ra đàng mà đi xuống núi. Phụng đi trước, ba người đi theo sau. Ði được chừng 50 thước, tới một chỗ có hai tấm đá đứng trên có gát cây trải lá, Phụng chỉ chỗ đó mà nói: „Nhà của tôi đó“

Cô Loan với cô Tâm trông thấy mà ứa nước mắt. Cô Tâm không muốn cho Phụng thấy cô cảm động nên nắm tay cô Loan kéo đi và nói: „Tới nhà anh Phụng mà không vô thì ảnh nói mình khinh ảnh. Vậy thì chị em mình đi vô coi trong nhà, cách ăn ở thế nào?“

Phụng thấy hai cô đi vô trong kẹt đá chỗ mình trú ngụ thì hỏi nhỏ Trinh:

-         Mỏa cậy toa mấy khoản, toa có làm y không?

-         Mỏa làm y như toa muốn; mỏa thế cho toa mà nuôi dưởng bà già; mỏa giấu biệt tâm sự của toa, mỏa không cho ai biết hết.

-         Ðến bây giờ mà bà già với em mỏa cũng chưa biết cái tội ác của mỏa hay sao?

-         Mỏa không nói thì làm sao mà biết được

-         Còn cô Tâm?

-         Mỏa không hiểu; song mỏa biết cô thương toa lắm mà thôi, chớ không nghe cô nói tới chuyện gì khác.

-         Mỏa còn cậy toa một việc nữa, toa có làm theo lời moa dặn hay không?

-         Mỏa cũng làm, song không làm giống như ý toa muốn được. Mỏa cưới cô ba rồi mỏa mới giao gói bạc 9 ngàn đó lại cho cô, mà mỏa không nói của toa gởi và cũng không chịu cho cô để dành mà nuôi bà già. Mỏa nói dối, mỏa có một người cô giàu có mà không có con. Khi cô mỏa tỵ trần có giao số bạc nầy cho mỏa và dặn ngày nào mỏa cưới vợ rồi thì phải đưa hết bạc ấy lại cho vợ của mỏa đặng nó thay mặt cho mỏa mà bố thí cho kẻ nghèo. Bố thí thì chẳng đặng cất chùa cất miễu, chẳng đặng cống hiến cho mấy hội gọi là hội phước thiện. Phải đi chơi trong mấy xóm nhà nghèo ở, thấy ai cùng khổ, hoặc bịnh hoạn thì lấy bạc mà cứu giúp, ai khổ nhiếu thì giúp nhiều, ai khổ ít thì giúp ít cho đến chừng nào hết số bạc ấy thì thôi. Cô ba làm theo cái hảo ý ấy, bố thí mới hết số bạc ấy hồi năm ngoái đây.

-         Toa cao thượng quá, mỏa không bì kịp!

-         Mỏa nuôi bà già thì đủ rồi. Cần gì phải dùng tiền ấy. Mà tiền như vậy mình dùng sao được.

-         Quân tử quá! …Còn cái rương sắt toa làm sao?

-         Ồ, chuyện đó thì dễ ợt. Mỏa mua một cái thùng cây, mỏa bỏ vô. Một chuyến nọ đi Nha Trang mỏa chở theo xe lửa, khi xe qua khỏi sông Dinh mỏa quăng vô rừng rồi biệt tích, có khó gì đâu?

-         Cám ơn to quá…

-         Thôi, đừng cám ơn mà mất thì giờ. Kêu hai cô ra đặng về cho mau. Có xe hơi của mỏa đậu chờ bên kia.

Phụng suy nghĩ rồi lắc đầu mà nói:

-         Thôi, mỏa cậy toa luôn nói giùm bà già cho mỏa. Mỏa không thể về được.

-         Tại sao vậy? Việc toa làm hồi trước duy có một mình mỏa biết mà thôi, chớ có ai biết đâu mà sợ. Mà dầu tới bây giờ có đổ bể ra đi nữa cũng không hại gì. Tội đại hình hễ quá 10 năm rồi thì tòa không có luật buộc tội toa nữa được.

Phụng ngước mặt lên rồi châu mày hỏi nho nhỏ:

-         Dù không ai biết, còn lương tâm kia chi! … Dầu tránh khỏi luật người, còn luật Trời làm sao tránh được!

-         Ồ! Lương tâm! Ồ Trời Phật! Nếu bà Lợi chưa chết, thì bà làm hại thêm cho con nhà nghèo, chớ có ích gì. Bà chết đó là may mắn cho nhiều người lắm. Huống chi toa lấy bạc của bà chẳng phải toa lấy mà ăn xài, lấy đặng tấm gội cho những kẻ nhơ nhuốc, lấy đặng làm mạnh cho những kẻ đau ốm, lấy đặng giúp sống cho những kẻ nghèo đói, thế thì tội trộm cướp sát nhơn của toa có chỗ dung chế được. Ðã vậy, trọn 12 năm nay, toa đã phạt thân toa cực khổ mà chuộc tội rồi. Các cớ ấy há không đủ làm cho lương tâm an tịnh, đặng toa gần gũi má cho má vui, đặng toa kết tóc với cô Tâm cho cô phỉ tình ước nguyện hay sao? Còn toa sợ luật Trời, cái đó toa bậy lắm. Ðời nầy mà toa còn tin tưởng Trời Phật thì trái mùa quá. Nếu Trời Phật có luật và thi hành luật ấy hẳn hòi, thì làm sao những người biết nhơn nghĩa lại chịu nghèo khổ, còn những kẻ tham lam lại được giàu sang? Toa phải về, đừng cải nữa.

-         Phụng lắc đầu ủ mặt.

-         Trinh nắm cánh tay Phụng mà lúc lắc và nói: „Thiệt toa không muốn về hả? Ðể moa nói cho hai cô khiêng cho toa về. Em Loan cô Tâm ra đây coi. Anh Phụng, anh không chịu theo mình về đây nè“

Hai cô nghe kêu thì ở trong cột đá đi ra. Cô Tâm cầm một cái áo rách trên tay, vừa đi vừa nói: „Sao không chịu về?“ Quần áo anh đâu anh Phụng? Kiếm cùng hết mà thấy có một giỏ khoai và một mủng đậu với cái áo rách đấy mà thôi“

Cô Tâm vui vẻ nhưng mà Phụng vẫn nghiêm nghị đáp rằng:

-         Gia tài của tôi chỉ có bao nhiêu đó.

-         Vậy hả? Thây kệ, thôi bận đỡ áo rách về trên Sài Gòn rồi em sẽ sắm đồ cho anh mặc. Sao anh nói với anh Trinh rằng anh không muốn về?

-         Tôi không thể trở về được

-         Trời ơi, anh nói chơi sao chớ.

-         Tôi nói thiệt. Không, đã đến chốn nầy mà trốn thì làm sao mà tính việc có vợ cho được.

-         Vậy chớ tại sao mà anh giục giặc không muốn về?

-         Vì tôi đã phạm tội với xã hội, tôi không được phép ở chung với xã hội nữa.

-         Ạ… Em hiểu rồi!... Ôi mà em chẳng hiểu làm chi. Em chỉ biết anh là người có lòng thương xót con nhà nghèo, anh cứu vớt em trong lúc em vì nhà nghèo, cha bịnh mà phải sa ngã dưới bùn dưới vũng… Anh nói anh có tội… Hứ! Tội! Người như anh mà có tội gì. Anh phải có phước, chớ không phép có tội. Em nói anh có phước, anh phải tin em. Anh co phước thì anh phải hưởng phước, nghĩa là anh phải về đặng cho em thờ phượng anh, đặng cho em nựng nịu anh, đặng cho em phỉ tình hoài vọng mười mấy năm nay.

Câu sau cô Tâm nói nho nhỏ và nói và liếc mắt ngó Phụng rất hữu tình.

Phung ngơ ngẩn, đứng trơ trơ miệng nói lầm bầm: „Thế nầy thì trái với luân lý, lỗi với xã hội quá!“

Cô Tâm la lớn: „Ồ! Luân lý !.. Xã hội! Anh xưa quá! Ðời nầy mà còn nói luân lý chớ! Còn xã hội mà kể làm chi. Bà già ở nhà với anh em chúng ta, đây là xã hội của chúng ta. Bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Chúng ta thương nhau, yêu nhau, biết nhau mà thôi, chớ có ai thương, có ai biết chúng ta đâu mà phải kể họ. Thôi anh bận đỡ cái áo rách nầy đi, xuống tới xe hơi rồi em sẽ đưa cáo áo mưa của em cho anh bận ở ngoài »

Phụng đứng xuôi xị.

Cô Tâm giũ cái áo mà bận cho Phụng

Cô Loan bước lại tiếp gài nút. Trinh lén mở máy mà chụp hình hết ba người.

Vĩnh-Hội, decembre, 1938

(Theo nxb Sông Kiên, 1961)

 

[1] Thiết Hải

[2] (địa danh : Tri Tôn) giọng Triều Châu đọc là Xà Tón

[3] Thiên Cẩm Sơn

[4] còn gọi là núi Đội Om hay núi Tượng