Sau một mùa thu xét án tích lưu tồn trong một năm, Thượng hoàng Thánh Tông sai thiết triều một buổi cuối mùa để mừng đất nước phong tục thuần hậu. Mùa thu vốn mát mẻ. Các án tích trong một năm đã xử xong, những án nào nặng thường lưu đến mùa thu để phúc lại với lẽ trời mát, người xử án trong người thư thái hơn, họ sẽ xem xét kĩ lưỡng có lí có tình hơn. Vụ thu thẩm năm nay đã được đương kim hoàng đế Nhân Tông giao cho Thái sư Trần Quang Khải chỉ huy các quan Học sĩ cung Quan Triều và các Ngự sử của Thẩm Hình viện phúc lại các án. Án tích nặng không nhiều, việc phúc lại làm cũng chu đáo. Trần Quang Khải đã tâu vua giảm đẳng phần lớn và nhà vua đã chuẩn cho. Vì thế có buổi triều hội hôm nay để mừng đất nước bằng yên, hoà vui.
Sau khi tuyên chiếu giảm đẳng xong, các quan mừng rỡ tung hô chúc hai vua sống lâu một lần nữa. Thánh Tông sai ban cho Trần Quang Khải và các quan Học sĩ, quan Ngự sử phúc án mỗi người ba chén rượu ngon. Trần Quang Khải còn được ban thưởng thẻ phù chạm mây, các ông Học sĩ thì được mỗi vị một đồng tiền bằng bạc. Vua tôi cùng mừng rỡ. Thánh Tông phán:
- Triều đình không phải dùng hình phạt là một điều đáng vui.
Sau đó đương kim hoàng đế Nhân Tông sai bày cuộc đánh phết trên thềm điện Thiên An và sai quan Điện tiền Nguyên soái Trần Bình Trọng mở cửa hoàng thành cho trăm họ vào xem luôn thể. Đây cũng là cách để tuyên xa đức trạch của triều thịnh trị, cho nghĩa vua tôi thuần phác thêm.
Hất quả phết vốn là một trò chơi thượng võ đã có trên một nghìn năm nay và được trăm họ ham thích. Các vua chúa triều trước - triều Lý - cũng ưa chuộng, các vua nhà Lý và các hoàng tử hay cho các quan đánh phết làm vui và cũng nhiều lần đánh phết với các quan. Từ thời Trần Thái Tông, Hiển hoàng Trần Liễu lại càng thích trò vui này vì tính chất thượng võ rất hợp với họ Đông A. Triều đình hay mở cuộc đánh phết, các vương hầu đua nhau, thay nhau vào chơi.
Ông giám cuộc hất phết lần này chính là Thượng tướng Trần Quang Khải. Dưới sự điều khiển của ông, lính túc vệ đô Củng Thần nhanh chóng dựng hai cầu môn ở hai đầu sân thềm điện Thiên An. Sân thềm này vốn rất rộng, xưa nay các buổi triều đông đảo hàng nghìn người mà vẫn rộng rãi.
Những bộ cửa cầu môn bằng gỗ sơn son đã dựng xong, mỗi cửa sừng sững cao hơn một trượng. Lính Củng Thần bày hai cái giá trước thềm. Giá này là giá cờ. Mỗi quả phết lọt vào cầu môn sẽ được cắm một lá cờ vào giá của bên thắng quả đó.
Trần Quang Khải bưng một cái khay trên để một quả phết tròn bằng da nhồi lông, sơn đỏ đến quỳ tâu Nhân Tông:
- Tâu bệ hạ, sâu cầu đã bày xong, thần thỉnh mệnh bệ hạ chọn hai tướng của hai đội phết.
Trần Nhân Tông vốn là vị vua trẻ, thượng võ. Làm chủ những cuộc vui chơi vũ dũng thế này rất hợp với lòng ham muốn của nhà vua. Trần Nhân Tông không thích những trận cầu, trận phết chơi uể oải hoặc mềm yếu, vì vậy nhà vua chọn tướng đội phết áo xanh là Tá Thiên vương Đức Việp, em ruột mình. Để đội phết áo đỏ đủ sức chọi được với đội phết áo xanh, Nhân Tông chọn tướng cho đội này là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Đức ông Chiêu Quốc xưa nay nổi tiếng là người vô địch hai môn phết và cầu ở kinh thành.
Để trận phết thêm phần hào hứng, Nhân Tông ra lệnh cuộc chơi này là cưỡi ngựa hất phết. Nhà vua cho phép hai bên được chọn ngựa trong tàu ngự hoặc dùng ngựa riêng của mình tuỳ ý. Một lát sau, hai đội phết đã sửa soạn xong chờ cuộc đấu. Mỗi đội phết gồm mười hai người cả tướng. Mỗi đội mặc một màu áo và thắt một màu thắt lưng. Đội áo xanh thắt lưng hoả hoàng, đội áo đỏ thắt lưng thâm. Hai đội dàn hai hàng trước điện Thiên An. Họ cưỡi những con ngựa cực kì lực lưỡng. Những vó trước các con ngựa đều buộc những miếng đệm bông dày nong gân tre bên trong để che giữ xương ống. Trần Ích Tắc, trên lưng con Hồng Long Câu, nghiêng đầu kiêu hãnh ngắm đội đối thủ. Một chút khinh thị loé lên trong đôi mắt đẹp của Chiêu Quốc vương.
Theo lệnh của Trần Quang Khải, người ta đưa những chiếc gậy tre đực đầu quằm đến cho các đấu thủ. Hai đội quay ngựa về dàn trước cửa cầu môn của đội mình.
Đội trống đồng và nhạc quân cũng đã chỉnh đốn xong ở mé trái điện Thiên An. Trần Quang Khải tâu vua xin cho cuộc hất phết bắt đầu. Trần Nhân Tông hai tay nâng quả phết sơn đỏ lên khỏi đầu, đi ra tận đầu thềm điện Thiên An miệng hô lớn:
- Bớ tráng sĩ hai đội!
Hai đội phết đồng thanh náo nức dạ ran lên.
- Trước là để tỏ tráng chí Đông A, sau để vui chung bốn bể, này bắt đầu này!
Nhân Tông ném quả phết son xuống giữa sân. Nhạc quân nổi lên hùng tráng. Những kị sĩ cho ngựa phi nước đại. Những chiếc gậy quắm dựng cao lên trong tư thế sẵn sàng vụt quả phết. Trận phết bắt đầu.
Không khí sân đấu phết náo nức. Những người dân kinh thành đứng bên kia hồ Dưỡng Ngư cất tiếng hò dậy đất.
Danh tiếng vô địch của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc quả không ngoa. Con Hồng Long Câu cũng đáng là một con ngựa quý. Một mình Trần Ích Tắc chơi giỏi bằng mấy người. Chiếc gậy quằm trong tay Ích Tắc khéo léo dắt quả phết như lẩn vào giữa bốn vó ngựa. Nhiều lần Ích Tắc và đội áo đỏ lừa quả phết tới sát cầu môn đội áo xanh nhưng Tá Thiên vương Đức Việp và đội áo xanh ra sức xông xáo cản phá. Họ bày ngựa thành hàng dày đặc trước cầu môn. Ngựa đôi bên va ức, va hông vào nhau, tiếng hò hét của tráng sĩ hai đội, của người xem cùng dậy lên.
Đội áo xanh chống trả rất dũng cảm nhưng Trần Ích Tắc đã dùng một mẹo rất khéo. Chiêu Quốc vương từ xa lừa quả phết đến bằng tay phải. Đội áo xanh dẫn ngựa cản mé phải của Trần Ích Tắc nhưng khi gần đến nơi, Ích Tắc gạt quả phết qua bụng ngựa sang mé trái và chuyển gậy sang tay trái quật quả phết bay vút qua cầu môn của đội áo xanh.
Một thắng! Trống đồng và nhạc quân nổi bài mừng. Người ta cắm một lá cờ vào giá cờ của đội áo đỏ. Tráng sĩ của hai đội lại trở về cầu môn của mình bắt đầu chơi tiếp.
Chừng một khắc, đội áo xanh thua liền ba quả. Loáng thoáng đã có kị sĩ phải thay những con ngựa mệt quá. Sau quả thua thứ ba, bên áo xanh đã đen lại đen rấp: Trong một cuộc va ngựa rất mạnh giữa Tá Thiên vương Đức Việp và Chiêu Quốc vương, con Hồng Long Câu xô con ngựa của Tá Thiên vương xiêu đi làm cho Trần Đức Việp ngã xuống sân.
Theo lệ đấu, người ngã ngựa không được chơi tiếp nhưng đội có quyền cử người thay cho đủ mười hai người. Nếu là một cầu thủ thường thì tướng chọn người thay. Nếu người ngã là tướng thì người giám cuộc sẽ chọn tướng mới. Thế là Trần Quang Khải tiến đến tâu Nhân Tông xin cử tướng mới cho đội áo xanh.
Chỉ thấy Nhân Tông im lặng nhưng đôi mắt nhà vua rực sáng lên. Nhân Tông truyền nội giám:
- Lấy cho ta chiếc áo xanh và sai đóng yên ngự mã.
Thế là nhà vua thân làm tướng đội áo xanh một phần vì máu Đông A thượng võ, một phần vì muốn giữ thể diện cho thế hệ mình.
Đội áo đỏ cũng thay một người. Trần Ích Tắc biết Nhân Tông là tay đánh phết rất giỏi nên không dám khinh thường. Ích Tắc cũng phải chọn một cầu thủ trẻ: Chương Hiến hầu Trần Kiện.
Trận phết lại tiếp tục. Đội áo xanh từ lúc được nhà vua thân làm tướng đã tỏ ra dũng mãnh hơn trước. Họ cho người chạy chéo qua chéo lại làm rối loạn thế trận của đội áo đỏ. Quả phết bay vun vút từ sân đội này sang sân đội kia. Nhân Tông có cách dẫn phết ngay trước đầu ngựa của mình. Cách dẫn phết này làm các kị sĩ áo đỏ bối rối không đoán được ý nhà vua sẽ đánh quả phết đi bằng tay trái hay bằng tay phải.
Sức nhanh của con ngựa làm Nhân Tông say sưa. Con ngựa trắng của nhà vua vốn là con ngựa nhất tàu ngựa ngự. Nó ngửa mặt hất bờm xông thẳng vào con Hồng Long Câu. Mặc dù thấp hơn Hồng Long Câu đến nửa gang, con ngựa của Nhân Tông cứ hung hăng xông vào, nó vừa hí gằn vừa nhăn răng ra doạ. Khi hai con ngựa díu vào nhau, con ngựa trắng cạp luôn vào cổ con Hồng Long Câu. Nhân Tông nhanh như cắt thúc gót, con ngựa trắng chồm lên mở một đường phi. Nhân Tông vung gậy phết dứ, con Hồng Long Câu giật mình giạt sang một bên. Thế là chiếc gậy phết vụt mạnh một cái, trái phết bay như một vệt lửa mờ qua cửa cầu môn.
Đây là quả phết thắng cuộc của hoàng đế nên trống đồng và nhạc quân nổi bài đại hạ tưng bừng. Cuộc đấu tạm ngừng. Thượng hoàng Thánh Tông sai ban rượu cho cả hai đội. Thượng tướng quân Trần Quang Khải tâu vua:
- Tâu bệ hạ, trái cầu vừa rồi thật bất ngờ. Ngay Chiêu Quốc mà cũng không lường trước được.
- Chỉ là đúng thời thôi. Chú Ba thường nói đúng thời còn hơn kì tài là gì.
- Tâu bệ hạ, bậc kì tài mới hành động đúng thời được.
Chúa tôi cùng mừng rỡ uống rượu với nhau. Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc cũng dâng chén rượu mừng thay mặt cho cả hai đội cầu. Nhân Tông uống cạn chén rượu rồi ném chén ra lệnh:
- Lên ngựa! Đánh tiếp!
Liếc nhìn quanh, Trần Quang Khải tâu khẽ:
- Bệ hạ đừng để cho cuộc đấu kéo dài.
Nhân Tông khẽ gật đầu. Nhà vua xắn cao hai ống tay áo. Thị mã dâng cương con ngựa ngự. Nhân Tông lên ngựa, giơ cái gậy phết lên cao, cười nói với Trần Quang Khải:
- Chú Chiêu Minh sai giục trống đi. Đánh xong trận phết này ta cho miễn triều bảy ngày.
Hai đội phết lại lăn xả vào nhau tiếp tục cuộc đấu. Tiếng hò la của kị sĩ của các vương hầu và trăm quan của binh lính tứ sương, của trăm họ đứng bên kia hồ Dưỡng Ngư cùng nổi lên vang dậy. Không khí náo động tưởng như tất cả mọi người có mặt đều bị cuốn hút vào trận đấu. Nhưng Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng đến gần Trần Quang Khải khẽ trình: “Bẩm đức ông, bọn tay chân của thằng Đạt Lỗ Hoa Xích đã lẻn vào trà trộn trong đám đông. Có nên đuổi cổ chúng ra không?” Trần Quang Khải mỉm cười: “Không cần. Tướng quân hãy sắp sẵn tiền thưởng để tung hê cho dân mừng Quan gia sức khoẻ đi!”
Trận phết tới xế chiều thì xong. Đội áo đỏ thắng chật vật đội áo xanh, bên chín cờ bên tám. Nhân Tông mặt đẫm mồ hôi, mắt sáng như bốc lửa bảo Trần Quang Khải:
- Quan Thái sư cho ban phát gạo rượu để binh lính uống vui, cho ban tiền để dân dự phần mừng rỡ nhé.
Nhân Tông sai mở tiệc ở điện Thiên An cho các vương hầu dự. Trần Bình Trọng sai lính tung tiền thưởng cho dân. Ai nấy reo mừng ran cả khu hoàng cung.
Đầu canh một tiệc bắt đầu. Cuối canh hai tiệc triệt. Ai nấy chuếnh choáng. Nhân Tông sai quây màn dài ở ngay đình lan, đem chăn gối vào đấy để vua tôi ngủ chung. Thượng hoàng hài lòng nói với các vương hầu bằng vai với mình về thế thứ:
- Thiên hạ là của chung cả họ. Thằng nhỏ ở ngôi đứng ra gánh vác việc công. Các chú các bác hãy giúp cháu.
Thánh Tông, Nhân Tông và các vương hầu dan tay đưa nhau vào đình lan đi ngủ. Hoàng thành và kinh sư im lặng dần trong giấc ngủ say.
Nhưng đầu canh ba, Trần Bình Trọng vào đình lan đánh thức mọi người dậy. Thượng hoàng nói một câu ngắn:
- Có việc lớn phải bàn. Việc lại phải bàn kín ở nơi xa. Các khanh ra bến Đông ngay, ta đã sai sắp thuyền ở đó rồi.
Nửa trống canh sau, những chiếc thuyền không thắp đèn thắp đuốc im lặng và âm thầm rời bến. Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng sai treo một cái biển “miễn triều” lên trên vọng lâu cửa Đại Hưng. Binh lính tứ sương được lệnh: Nội bất xuất ngoại bất nhập. Trong không được ra, ngoài không được vào. Hoàng cung sẽ im lìm một nửa tuần trăng nữa.
Trần Ích Tắc trằn trọc, ruột gan bồn chồn. Việc rời Thăng Long bất chợt này rõ ràng được bàn trước và được sắp xếp có lớp lang hẳn hoi. Ấy thế mà Trần Ích Tắc không được hay biết chi hết, ngay việc tạt qua về vương phủ lấy một vài vật tuỳ thân cũng không được phép. Đây là lần đầu tiên trong đời Trần Ích Tắc không được hỏi han về việc nước, trong khi đó Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng không phải là thân vương mà vẫn được trao mệnh.
Con thuyền xuôi nước, được gió, trôi bềnh bồng như lướt trong mơ. Nước sông Thiên Đức mùa này cạn, lắng nghe thấy tiếng đất lở hai ven sông. Đoàn thuyền đã qua ngã ba Cơ Xá lâu rồi. Đèn đuốc trên các thuyền đã được lệnh thắp lên. Những đốm sáng trong đêm cuối thu giăng giăng trông như lửa chài mùa cá ở vụng biển Tức Mạc. Trần Ích Tắc suy nghĩ miên man. Nhớ lại năm xưa khi được phong vương, mở phủ ở kinh thành, Trần Ích Tắc là người trọng yếu của chi thứ họ Đông A. Những lần Chiêu Minh vương phò vua ngự giá thân chinh phía nam đất nước, Chiêu Quốc vương thường được cử làm hoàng tử lưu thủ kinh thành. Uy quyền, tài năng của Chiêu Quốc vương gắn liền với ngôi báu của chi thứ, Trần Ích Tắc không bằng lòng trước sự phục hồi quyền thế của chi Vạn Kiếp, mặc dù cho đến nay các chức vụ trọng yếu vẫn nằm trong tay những người của chi thứ. Nhưng dù sao cũng đã đến lúc Trần Ích Tắc phải nghĩ về mình và về nhân tài của chi trưởng.
Cuối canh tư, có lệnh của Thượng hoàng Thánh Tông triệu Trần Ích Tắc đến chầu hầu. Một chiếc thuyền con đưa Trần Ích Tắc từ chiếc thuyền lầu đến chiếc thuyền Long Phụng của Thượng hoàng. Khi lên thuyền vua, Trần Ích Tắc thấy Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đã có mặt rồi, ông đang chuyện trò với Thánh Tông và Nhân Tông. Tá Thiên vương Trần Đức Việp và Chương Hiến thượng vị hầu Trần Kiện cắp kiếm đứng ở hai đầu thuyền.
Thánh Tông bảo Ích Tắc:
- Em Năm ngồi xuống đây. Ta có việc muốn bàn với em.
Thánh Tông sai ban bánh trái cho Trần Quang Khải và Trần Ích Tắc. Sau vài tuần trà nước, Thánh Tông trầm ngâm giờ lâu mới nói:
- Theo ta đoán định, giặc sẽ cất quân đánh nước ta vào một ngày gần đây. Chúng là lũ tàn bạo chưa từng thấy ở thế gian này. Đã thế chúng lại sẵn ý nghĩ chúng là “thiên triều”, giời cho chúng quyền đè nén các nước chung quanh. Ở nước ta, vận nước phải trao vào tay người xứng đáng mới mong xã tắc được vẹn toàn. Cha con ta đức mỏng, lạm giữ ngôi báu đã vài chục năm nay, may nhờ tổ tông để phúc nên một tấc đất cũng chưa suy suyển. Nhưng đến bây giờ, ta có ý định muốn trả lại ngôi báu cho chi trưởng để hợp với vương đạo. Các em nghĩ thế nào?
Câu hỏi của Thánh Tông thật minh bạch buộc Chiêu Minh vương và Chiêu Quốc vương cùng phải suy nghĩ. Những điều gì vụt loé lên rồi tắt đi trong hai tâm hồn này? Đôi mắt Chiêu Quốc vương vụt rực sáng. Đôi mắt đầy dục vọng ấy cụp mi xuống. Ngôi vua phải về ngành trưởng, xưa nay lẽ ấy thường tình. Nhưng nếu ngai vàng về tay chi trưởng, Trần Ích Tắc sẽ không còn là bậc thân vương tôn quý nữa. Nghĩ đến cái nước mỗi khi triều hội, phải quỳ sau bao nhiêu người, Chiêu Quốc vương đã thấy khó chịu rồi.
Người trả lời trước lại là Chiêu Minh vương:
- Thưa anh, việc nước không phải là việc riêng của họ ta. Bây giờ xã tắc gặp lúc nguy nan, đặt việc nhường ngôi ra, em e ngại lòng dân li tán. Sau này lúc đất nước vững bền rồi, anh muốn làm cho hợp với vương đạo thì lúc đó sẽ hay.
Chiêu Quốc vương bật cười:
- Thế nước nguy nan, hoàng huynh mới phải đặt ra việc nhường ngôi chứ thế nước bền thì còn nói chuyện gì nữa.
Chiêu Minh vương nghiêm sắc mặt:
- Không phải đến lúc này hoàng huynh mới nghĩ đến việc đó. Ta đã được hoàng huynh hỏi một lần rồi và ta cũng đã trả lời như vậy.
Chiêu Quốc vương mỉm cười lạnh lẽo. Đức ông hoàng Năm tin chắc rằng mình hiểu bụng hai anh mình. Họ lo chống trả với giặc và mong ước được sự ra tay phò giúp của chi trưởng. Nhưng nếu thực chỉ muốn thế thì hà tất phải đặt việc trả lại ngôi cho thêm rắc rối. Hay là lòng họ vẫn lo chi trưởng đặt ra việc trao nhường ngôi báu vào dịp này. Xưa nay, sử sách đã từng chép lại những chuyện giống như thế rồi. Nào là “lên ngôi cửu ngũ cho yên bụng dân trăm họ”, nào là “trước hết phải chính danh sau mới xuất quân”.
- Tôi e rằng nếu ta không đặt việc này ra thì các bác chi Vạn Kiếp cũng đặt ra thôi. - Trần Ích Tắc liếc nhìn Thánh Tông rất nhanh.
Trần Quang Khải lưỡng lự:
- Cũng có thể có người... có người nghĩ thế nhưng chắc đức ông Hưng Đạo...
Chiêu Quốc vương cướp lời:
- Nếu chi Vạn Kiếp muốn được trao ngôi thì người mong muốn nhất phải là đức ông Hưng Đạo. Thưa anh, ta nên đem việc ấy ra hỏi mọi người. - Chiêu Quốc vương thoáng mỉm cười: - Ai nấy sẽ can rằng không nên làm việc đó bây giờ. Thế là ta sẽ cử các đức ông chi Vạn Kiếp giữ các chức vụ quan trọng... trừ... quyền Thượng tướng và quyền Tiết chế ba quân.
Chiêu Minh vương gạt đi:
- Không được! Cách đó chẳng che được mắt ai cả. Nói một đằng làm một nẻo chỉ tổ làm tăng thêm mối nghi kị mà thôi. Bây giờ mối đại thống cũng khá vững rồi. Việc nhường ngôi chẳng cần phải đặt ra. Em xin anh cứ đem việc nước ra hỏi cả họ, cứ nói cho mọi người thấy rõ cái lẽ đất nước lâm nguy kẻ thất phu cũng có trách nhiệm. Sau đó việc cử tướng thì chiểu đúng phép tiến hiền.
Chiêu Quốc vương tò mò nhìn anh, hỏi gặng:
- Kể cả chức Thượng tướng và chức Tiết chế hay sao?
Trần Quang Khải sửng sốt nhìn lại Trần Ích Tắc:
- Đã nói tiến hiền thì sao lại còn phân biệt nữa?
Trần Ích Tắc im lặng. Đức ông hoàng Năm không tin những sự việc ấy sẽ diễn ra xuôi sẻ như vậy. Chi thứ trả quyền cho chi trưởng, đức ông hoàng Ba nhượng chức Thượng tướng cho một đức ông chi Vạn Kiếp, rồi chức Tiết chế chư quân cũng về tay một người chi trưởng hoặc chi út. Việc nước đang lúc ngổn ngang, quân quyền nắm trong tay hà tất phải đòi ngôi báu mà ngôi báu rớt vào tay cứ như lá thu rụng xuống gốc.
Từ một ngách sâu nào đó trong lòng Trần Ích Tắc, một thèm muốn bùng lên rất nhanh thành một khát vọng. Là một trong hai người cột trụ của chi thứ, Trần Ích Tắc phải được trao một trong hai chức Thượng tướng quân và Tiết chế. Trần Ích Tắc khẽ rùng mình. Chinh chiến... chinh chiến... trong lúc đất nước nghiêng ngửa ấy, mũi tên ngọn giáo chưa biết sống chết thế nào, nhưng có khi chỉ một mẹo nhỏ mà ngôi báu cũng rơi vào tay hà huống chức Thượng tướng hoặc chức Tiết chế. Trần Ích Tắc chợt thấy mồ hôi chảy buồn buồn dọc lưng. Y vội xua đuổi những ý nghĩ đó đi. Bản tính vốn kiêu sa, tự phụ, Trần Ích Tắc như một vì sao đã sáng nhưng vẫn khát vọng cả cái sáng của những vì sao khác. Và cái nhầm lẫn của y là y có cái sáng của một vì sao nhưng y cứ ngỡ đó là cái sáng và cái đức của vầng mặt trời.
- Như vậy, không cần và cũng chẳng nên đặt việc nhượng ngôi ra nữa nhé?
Thánh Tông gặng hỏi hai em. Trần Ích Tắc lạnh lùng:
- Đấy là nói về chi thứ chúng ta. Nếu đức ông Hưng Đạo, đức ông Tĩnh Quốc cáo ốm không đến Bình Than triều hội thì chính lại do người Vạn Kiếp muốn có việc ấy.
Chiêu Minh vương chau mày:
- Nếu họ đặt ra, hoặc ta đặt ra cũng đều là cái không hay cho đất nước. Họ Đông A chưa hết phúc, đâu đã đến nỗi ấy.
Chiêu Quốc vương biết mình đã quá lời bèn nói lấp liếm cho qua chuyện:
- Đó là nói phòng xa thế thôi. Vậy chứ anh hoàng Ba đã nghĩ xong kế đánh giữ rồi chứ?
- Không, đó là việc lớn quốc gia, còn phải chờ tất cả vương hầu cùng bàn bạc.
Bấy giờ trời đã sáng. Đoàn thuyền đang đi men vùng bãi dâu Tiêu Xá rộng mênh mông. Những vườn dâu cuối mùa loáng thoáng lá già xanh thẫm. Những người con gái đất lề quan họ len lỏi giữa các luống, cố hái cho đủ lá nuôi lứa tằm muộn cuối năm. Hai cánh đồng, người gặt, người gánh lúa về các thôn làng thấp thoáng sau những luỹ tre xanh.
Trần Thánh Tông cùng hai em và con ra mũi thuyền ngắm cảnh. Vốn là người có hồn thơ phong phú, Thượng hoàng khuây dần nỗi ưu tư. Vẻ mặt người dần tươi tỉnh.
Gần trưa, quang cảnh ven sông nhộn nhịp hơn. Đã gần tới Bình Than. Từ trên mũi thuyền Long Phụng vua tôi nhìn thấy những người lính thông hiệu phi ngựa như bay. Những trạm nêu kéo cờ hiệu “Vua đến” để truyền tin về Vạn Kiếp. Hai bên sông nhân dân trăm họ kéo nhau lên đê cao xem hai vua ngự giá sang đông. Tiếng reo hò chúc tụng vang dội. Trăm họ vừa được loa truyền báo cho biết tin hai vua qua thăm phủ An Bang để lễ tổ ở Vạn Kiếp và vãn cảnh chùa Yên Tử mới trùng tu xong.
Cách Bình Than năm dặm sông, đoàn thuyền vua gặp đoàn thuyền của chi Vạn Kiếp đi đón giá. Tiếng pháo mừng nổ liên hồi, tiếng trống đồng trầm hùng, tiếng quân tướng hò reo làm náo động cảnh sông. Người ta thấy đứng trên mũi thuyền đi đầu có đức ông Hưng Đạo mặc áo tía chống một cây gậy nom như một ông tiên. Sau Hưng Đạo vương là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật vóc dáng thanh mảnh như một văn nhân tài tử. Trên các mũi thuyền đi sau thấy đủ mặt các đức ông chi Vạn Kiếp.
Hai đoàn thuyền nhập làm một cùng thuận nước xuôi về Bình Than. Đó là vùng sáu đầu sông vờn hòn châu mà sử sách ngàn đời đã và sẽ chép bằng những chữ vàng về hào khí Việt Nam thời Đông A.