Sau khi được tin Toa Đô lên đường, triều đình khẩn cấp phái các tướng giỏi ra biên giới để sẵn sàng đối phó. Không khí chuẩn bị chiến tranh sôi động trong các vương phủ, trong các trại quân. Nhưng nửa tháng sau, được tin đoàn chiến thuyền của Toa Đô đã đâm xổ vào Chiêm Thành, mọi hoạt động dường như chững lại. Người ta lại từ các làng quê trở về kinh thành. Các phường thủ công lại tiếp tục việc làm, các cửa hàng cửa hiệu lại tấp nập kẻ mua người bán. Thuyền bè các nơi lại châu mũi về bến Đông hoặc đổ hàng lên phố, hoặc cất hàng để đem về các lộ xa. Mọi hoạt động ngoài dân gần như đã trở lại bình thường của một thời thái bình nếu như không có những cuộc diễu rước thị oai của gã Đạt Lỗ Hoa Xích qua các phố phường kinh thành.
Tuy vậy ở trong triều, trong tầng lớp các vương hầu giữ các chức vụ trọng yếu, mọi hoạt động đều ráo riết hướng về chuẩn bị chiến tranh chống giặc. Những buổi luyện quân và nghe giảng về binh pháp ở Giảng Vũ đường diễn ra căng thẳng hơn trước. Việc điểm mặt, điểm tên trong những buổi đó tiến hành kĩ lưỡng hơn. Đã có những viên tướng bị giáng chức vì lơ đãng phạm điều lệ học hành, luyện tập. Đã có những vụ nã bắt kín đáo những kẻ thì thụt ra vào sứ quán của gã Đạt Lỗ Hoa Xích...
Trần Nhật Duật lên đến châu Mai vào một ngày cuối thu. Trời châu Mai vào lúc này bềnh bồng mây trắng xám. Rừng châu Mai xanh thẫm lại và loáng thoáng đã có những khoảng cây lá chuyển sang sắc đỏ lửa. Núi đá châu Mai đã từng lúc phủ sương lam nhàn nhạt và khí núi đã gây gây mỗi buổi chiều sớm về.
Nhà họ Trịnh ở bản Mai Hạ nên Trần Nhật Duật đóng lại ở bản Mai Thượng. Mai Thượng trở thành một trại quân của đoàn tuỳ tùng hộ tống Chiêu Văn vương vừa là nơi ở của họ nhà trai.
Đám cưới của Minh tự Điện tiền tướng quân Hoàng Mãnh lấy con gái yêu của Mai Sơn hầu Trịnh Giốc Mật là một sự việc hiếm có trên miền sơn cước. Cả hai bản Mai Thượng và Mai Hạ hàng ngày phải tiếp hàng trăm khách từ các nơi về mừng hai họ và cô dâu chú rể. Theo phong tục châu Mai, trước lễ rước dâu, chú rể phải đứng mời quan khách ở nơi nhà gái thết đãi, cô dâu ngược lại phải có mặt ở nơi họ nhà trai mời khách đến uống rượu mừng. Ai cũng tấm tắc khen chú rể thật là một trang nam tử văn vũ song toàn, diện mạo khôi ngô kì vĩ. Và ai cũng khen cô dâu, nàng Hai, quả là một cô gái đẹp duyên dáng, đảm đang, có một chút sắc rợn huyền bí của núi rừng. Tiệc mở liên tiếp mấy ngày liền nhưng nàng Hai lúc nào cũng tươi tỉnh mời rượu mọi người. Rõ ràng là cô dâu chú rể vừa lòng nhau. Đám này thật là một mối hảo lương duyên.
Hôm nay là ngày rước dâu. Chú rể đã về Mai Thượng từ chiều hôm qua. Ngược lại cô dâu cũng xuống Mai Hạ từ sáng hôm trước nữa. Hai họ ráo riết sửa soạn cho cuộc đón dâu suốt hai ngày đêm. Hoàng Mãnh đã thuật lại cho Chiêu Văn vương nghe binh tình bên nhà gái. Họ cương quyết đem trai đinh trong họ ra giữ dâu. Thượng phẩm Phụng ngự Trịnh Mác lúc tiễn Hoàng Mãnh về Mai Hạ đã bảo thẳng rằng họ Trịnh vũ dũng thượng võ muốn có một chàng rể xứng đáng. Chiêu Văn vương cũng cho là phải bởi vì ông hiểu tinh thần thượng võ của con người sơn cước châu Mai. Ông bảo em nuôi:
- Qua sông thì phải luỵ đò. Vào nhà ai thì phải theo nếp nhà nấy. Được, rồi ta sẽ cho họ biết thế nào là trai Thăng Long.
Nhưng bà Trương thì lo lắm và mấy người trong họ nhà trai cũng lo lắm, chỉ trừ cô chị họ Hoàng Mãnh lại rất hứng thú. Đó là cô Mơ, cô gái của một làng biển Thanh Hoá. Trần Nhật Duật cũng có cảm xúc giống như cô ta.
Hoàng Mãnh thuật lại cách bố phòng bên họ nhà gái. Trịnh Mác đã cho gọi tất cả trai đinh trong họ và toàn thể gia nhân của nhà họ Trịnh. Họ đều sắm sẵn mỗi người một cái gậy gỗ vông cao một đầu một với. Côn gỗ vông tuy không thể đánh ai chết hoặc mang thương tật nhưng chắc ai bị đánh trúng một đòn thì cũng đau lắm. Tổng số quân của Trịnh Mác lên tới ngót năm trăm. Đội quân đó dàn thành ba tuyến phòng ngự quanh bản Mai Hạ xinh đẹp. Họ đóng thành từng điểm nhỏ mươi người một. Việc cắt canh làm đúng như luật quân, có mõ gọi, có mõ trả lời, có chia phiên, có đội đi tuần sát và ở nhà Mai Sơn hầu Trịnh Mác giữ lại một đội hai mươi người khoẻ mạnh, giỏi võ do chính Trịnh Mác chỉ huy.
Càng nghe bà Trương càng hoảng sợ. Bà nguyền rủa những tập tục ác chết người. Bà bảo: “Có định làm dâu nhà người ta mãn đời hay không? Hay chỉ định ở chơi một vụ chiêm”. Trần Nhật Duật bật cười. Ông phải giảng giải thêm cho bà Trương:
- Không đến nỗi thế đâu. Họ có năm trăm tay côn nhưng đám trai tráng châu Mai hiếu động, được dịp tụ bạ thì nô nức thế thôi. Chứ họ coi đám cưới này là một mối duyên lành. Họ cũng nhân dịp này có các cô gái châu Mai đến làm giúp nhà Mai Sơn hầu thì cũng tìm cho mình một người hiền hậu mà kết ngãi đá vàng đó thôi. Chị dưỡng đừng lo.
Nhưng bảo bà Trương không lo thế nào được.
Sự thật thì Trần Nhật Duật nói rất đúng. Đám trai tráng châu Mai chỉ cầm gậy vông làm phép mà thôi. Tục cướp dâu ở đây được các nhà dân thường ưa chuộng. Những lễ cưới vùng sơn cước tuy không phiền toái như lễ cưới vùng đồng bằng nhưng lại rất tốn kém, đồ dẫn cưới rất nhiều, nào trâu bò gà lợn, nào rượu ngon gạo tốt, nào bạc trắng lụa hoa, nào gối áo cưới... Vì vậy trai gái nhà nghèo dựa luôn vào tục cướp dâu mà phá lệ. Con gái hẹn con trai đem bạn đến “rước” dâu. Qua một ngày, thế là đã thành vợ thành chồng. Bạn bè cô dâu chú rể kéo đến mỗi người một tay, đốn gỗ, cắt cỏ tranh làm một nếp nhà cho đôi vợ chồng trẻ. Mỗi lần đi giúp bạn làm tổ ấm, trai gái lại gặp nhau và những vụ cướp dâu khác lại diễn ra suốt một mùa cưới. Cho nên họ Trịnh cho gọi trai tráng đến đông như thế nhưng thật ra Trịnh Mác biết rằng họ đến như những người đi dự hội hè, còn muốn giữ dâu, nhà họ Trịnh chỉ trông cậy ở vài anh em thân trong họ. Đó chính là đội quân nhỏ hai chục người ở liền trong ngôi nhà sàn to rộng có hàng rào tre gai vây quanh của Mai Sơn hầu. Đồng thời, Trịnh Mác có nói cứng cũng chỉ vì theo tục lệ cổ truyền, còn anh ta với Minh tự Hoàng Mãnh vốn thân thiết còn hơn cả anh em ruột. Bà Trương nghe nói vậy cũng yên tâm. Tuy vậy, Chiêu Văn vương vẫn hào hứng cười, đuôi mắt rạn chân chim nheo tít lên nom rất đa tình:
- Nhưng đã đúc trống rồi thì cũng phải gióng lên. Rượu đã rót rồi thì cũng phải uống cho cạn chén.
Ông trình bày cho mọi người nghe kế cướp dâu của ông. Đôi mắt to đen của Chiêu Văn vương thoáng loé lên ánh sáng của xuân tình.
Ông bảo cô Mơ:
- Sáng hôm nay sẽ phải nhờ đến cô em một tay. Xong việc này thì thằng Mãnh nó phải nhớ ơn cô suốt đời.
Chỉ thấy Mơ chúm chím cười. Người con gái e thẹn chính là vì họ có điều chi vương vấn trong lòng. Mơ đi sắm sửa để lên đường. Các dũng thủ Thăng Long, bạn của Hoàng Mãnh cũng bắt tay vào việc nai nịt cho gọn ghẽ.
Một lát sau, Mơ từ trong phòng bước ra, cô mặc chiếc áo đổi vai màu nâu non, thắt chiếc thắt lưng hoa lí làm tôn tấm thân cường tráng; một cái khăn vuông chít trên đầu, màu thâm của khăn, màu đen của món tóc mai tương phản với làn da trắng hồng của cô gái vùng biển. Nhưng đẹp nhất là đôi mắt bồ câu ngơ ngác của Mơ và tươi nhất là màu môi của cô gái.
Sững sờ nhìn Mơ, Trần Nhật Duật tưởng đâu đám cưới này là đám cưới của ông, một đám cưới không xa hoa kiểu cách mà bình dị và hạnh phúc vô vàn, đám cưới của hai con người bách tính lê dân không có một giọt máu quý của kim chi ngọc điệp chảy trong huyết quản.
Theo phong tục của châu Mai không có lễ đưa trầu xin dâu, nhưng Trần Nhật Duật cứ làm vì ông hiểu rằng nếu nhà trai tôn trọng tập tục châu Mai thì họ nhà gái cũng sẽ chịu tất cả nghi thức của tập tục Thăng Long.
Đoàn nhà trai đi xin dâu đưa trầu chỉ có mười bốn người. Người dẫn đầu chính là một người chị của bà Trương, một bà lão trên sáu mươi tuổi, phúc hậu, nhiều con. Người thứ hai là Trần Nhật Duật, người thứ ba là Mơ bưng một cơi trầu têm cánh phượng với những trái cau tròn trĩnh vỏ xanh non đã được người con gái khéo tay ấy dùng dao nhọn trổ lên những hình chim đậu cành mai, hoặc hai con bướm vờn nhau... Triệu Trung là người thứ tư. Viên tướng vong Tống mặc một bộ áo lụa màu gan gà nho nhã để giấu bớt vẻ lực lưỡng gân guốc của tấm thân trải nhiều chinh chiến. Triệu Trung chỉ huy năm người con trai và năm người con gái đội đồ lễ. Năm người con trai đều kén trong đội dũng thủ của Hoàng Mãnh. Năm cô con gái đều là các chị em họ của chú rể. Họ đều mang thắt lưng màu lộng lẫy.
Cả đoàn thung dung theo gót Trần Nhật Duật tiến về bản Mai Hạ. Chỉ có Chiêu Văn vương và Triệu Trung cưỡi ngựa. Con Bão Đêm bây giờ, quả như dự đoán, đã thành một con ngựa tuyệt đẹp, trường mình, cổ cao, mảnh, thanh tú, bốn vó thẳng, dài, gân guốc. Trần Nhật Duật hôm nay nom lịch sự lạ thường. Ông mặc áo vóc tía thắt lưng xanh đi văn hài thêu chỉ bạc. Trần Nhật Duật chít một chiếc khăn lụa màu tam giang, chiếc khăn chít khéo đã tôn thêm vẻ quý phái lịch sự vốn sẵn có của ông. Trần Nhật Duật cầm trong tay một chiếc quạt. Đôi mắt ông long lanh, nghịch ngợm và trẻ trung.
Trang trại nhà họ Trịnh nằm trong một cái lũng nhỏ, ba mặt là vách núi không cao lắm. Khi mới đến cửa lũng, đoàn đưa trầu nhà trai đã nghe thấy tiếng cười nói ồn ào vẳng lại. Đoàn đến điếm canh đầu tiên, Trần Nhật Duật làm chủ ngay cuộc chạm trán ấy. Ông tiến thẳng đến điếm, cười ha hả bảo những chàng trai áo chàm cầm côn vông:
- Đã chén rượu no say chưa các tráng sĩ? Nếu chưa thì đây, hãy uống mừng cho ngày vui của em ta.
Ông bảo đoàn tuỳ tùng đưa ra một vò rượu ngon và một vai lợn quay. Những chàng trai sơn cước dựa ngay côn gỗ vông vào vách điếm. Họ cung kính chắp tay vái Chiêu Văn vương.
- Kính lạy đức ông.
Họ rót rượu ra bát và uống mừng Chiêu Văn vương, mừng hai họ, mừng cô dâu chú rể, mừng tuổi trẻ và mùa hôn phối. Trần Nhật Duật mỉm cười khi thấy trong điếm canh có cả các cô nàng sơn cước. Ở hai điếm canh sau, mọi sự cũng diễn ra tương tự như thế. Đúng như Chiêu Văn vương đoán trước, trai gái châu Mai coi dịp này như một hội hè linh đình, ở các điếm đều có các cô gái sơn cước đến hát vui với các chàng trai côn gỗ vông. Uống thêm tí rượu cho long lanh mắt, cho hồng má rồi họ dựa côn vông vào vách điếm, vác kèn lau ra thổi những điệu xuân tình. Những chiếc váy nhiều nếp thêu màu lộng lẫy xoay đi xoay lại, các cô gái khe khẽ hát, mắt đong đưa.Tình yêu đã gạt tập tục sang một bên và thực ra, khi cần thì nó xếp luôn tập tục đó sang hủ tục.
Trang trại nhà họ Trịnh tưng bừng náo nhiệt. Trịnh Giốc Mật bày hương án giữa nhà, rước biển Ân Tứ trang trọng đặt lên án. Mai Sơn hầu và các bô lão của các bản châu Mai ra đón Trần Nhật Duật từ bên ngoài cổng lớn. Bá tước Trịnh Mác cũng dàn đội quân dũng thủ để nửa khoe nửa doạ họ nhà trai. Trịnh Mác vái lạy Chiêu Văn vương:
- Lạy chú, cháu nghe tin chú lên nhưng việc nhà bộn quá chưa đem đầu đến lạy chú được.
Cũng muốn đe Trịnh Mác, Chiêu Văn vương cười bảo:
- Này ông bá tước, ở đất Thăng Long người ta giữ dâu bằng cái cười còn lợi hại hơn côn vông đó.
Trịnh Mác cười thẹn. Anh ta đã từng biết sức mạnh chứa đựng trong các câu nói ỡm ờ của gái kinh kì rồi. Trần Nhật Duật nhìn quanh. Khác hẳn lần ông đến trang trại ngót ba năm về trước, nhà họ Trịnh vẫn đông người nhưng sắp xếp ngăn nắp hơn, gia đinh dũng thủ có kỉ luật đội ngũ hơn nhiều. Điều đó chứng tỏ những năm tháng học hành ở kinh kì của Trịnh Mác có hiệu lực và nửa năm luyện tập dưới quyền chỉ huy của Minh tự Hoàng Mãnh, đội quân sơn cước thu được nhiều kết quả. Ông bà Trịnh Giốc Mật mời nhà trai lên nhà sàn uống nước ăn trầu. Cô Mơ bưng cơi trầu cánh phượng tới. Chiêu Văn vương cười nói:
- Tạ ơn Thượng hoàng ân tứ cho hai trẻ, hôm nay ngày lành tháng tốt, tôi có cơi trầu đến trình các cụ, xin được đón em dâu tôi về nhà riêng.
Họ nhà gái hỉ hả đón cơi trầu từ tay Mơ bưng đặt lên ban thờ gia tiên. Ông bà Trịnh Giốc Mật tươi cười, trong khi đó chị bà Trương cứ lấm lét nhìn Trịnh Mác cao lớn dềnh dàng đứng sau lưng cha mẹ. Hôm nay là lễ cưới của chị gái Mác nhưng anh ta mặc quần áo chiến ngắn tay, hẹp ống, cổ áo không cài hai khuy bên trên để hở một chút lồng ngực vuông nở. Mác đeo một chiếc hoa tai bạc bên tai phải, chiếc khăn chàm quấn thật to. Nom Mác dữ tợn tuy cái miệng rất tươi cũng không kéo lại được.
Đôi bên mời lẫn nhau một vài tuần trà nước trầu thuốc. Đã sắp đến lúc đoàn xin dâu ra về. Bỗng đâu có tiếng tù và văng vẳng đưa lại. Trịnh Mác bước ra sân ngoài nhưng thình lình Triệu Trung cầm chiếc áo khoác vẫn vắt vai, trùm lên đầu Trịnh Mác. Chiêu Văn vương và các dũng thủ Thăng Long nhảy phắt ra cửa. Họ tháo luôn thắt lưng, dùng mấy sải lụa màu làm thành một thứ binh khí lợi hại. Chỉ một thoáng, họ đã cướp được mấy chiếc côn gỗ vông và chia nhau người trấn cửa lớn, người chẹn cửa sổ. Triệu Trung dùng sức giật chiếc thang gỗ ra ném luôn cái thang xuống vườn dưới.
Từ mé vách núi sau nhà, có mấy người bám chão tụt xuống. Đó là Hoàng Mãnh và mấy anh phù rể nữa. Họ xông qua cửa trang trại vào sân trong. Họ la tưởng như đến mấy chục người.
Trịnh Mác đã gỡ được cái áo trùm đầu. Ông bá tước trẻ tuổi mặt đỏ phừng phừng nhảy từ sân nhà cao xuống sàn để giúp các đinh tráng bên họ nhà gái. Chỉ thấy giải lụa xanh trong tay Chiêu Văn vương múa phần phật, Trịnh Mác bị lụa quấn chân giật ngã chổng kềnh ra đất.
Đánh lúc đối phương không phòng bị. Lẽ thường của binh pháp đã giúp cho họ nhà trai chiếm ưu thế hoàn toàn trong trang trại Trịnh Giốc Mật. Từ lối cổng chính, những ngũ dũng thủ Thăng Long khác cũng đã mở thông đường xông vào tiếp tay. Chiêu Văn vương quát giật giọng bảo Hoàng Mãnh:
- Đi cho mau! Kìa!
Hoàng Mãnh xông về phía bếp. Nàng Hai đang coi sóc gia nhân làm tiệc trong đó! Đám đàn bà chạy re lên sàn trên vừa chạy vừa cười hoảng sợ. Mãnh gọi nàng Hai:
- Nàng ơi! Ra sân mau!
Nhưng kì lạ thật, nàng Hai quắc mắt cầm luôn cái cặp tre cời bếp giáng cho Mãnh một cái vào đầu. Mãnh ngẩn người nhìn cô vợ chưa cưới xong. Nàng Hai nổi cáu nói dỗi:
- Cướp đi chứ nhìn gì? Này nhìn này!
Và cô nàng lại giáng cho Mãnh một cặp cời lửa nữa. Nhưng lần này thì cô nàng không đánh trúng. Mãnh bắt cái cặp cời lửa giật phắt lấy quẳng đi. Anh sấn đến bốc nàng Hai vác lên chạy ra sân trong khi cô nàng vừa kêu cứu vừa đấm thùm thụp hai tay vào lưng Mãnh.
Trần Nhật Duật vừa đỡ cây côn gỗ vông của Trịnh Mác vừa liếc mắt theo dõi em nuôi. Chiêu Văn vương hô:
- Con Bão Đêm!
Hoàng Mãnh hiểu ý chạy ra cổng lớn. Mơ đã tháo cương con Bão Đêm đứng chờ sẵn ở đấy. Nàng Hai giãy giụa. Mãnh phát cho nàng Hai một cái thật lực vào lưng làm cho cô nàng phải kêu lên vì đau và sung sướng. Anh đang sắm nắm nhảy lên lưng con Bão Đêm thì chợt cô nàng kêu toáng lên:
- Có người kìa! Có người kìa!
Mãnh ngoảnh nhìn. Trịnh Mác đang vung cái côn gỗ vông xông đến đánh một đòn bổ thượng. Mãnh không đỡ và cũng không đánh lại. Anh rê cương, cả con ngựa và Mãnh lướt sang một bên. Cây côn gỗ vông giáng hụt xuống đất gãy làm đôi... Một nhún chân, một gót chân thúc mạnh, Hoàng Mãnh nghe gió reo vui bên tai. Con Bão Đêm hí một tiếng vang lên mừng rỡ. Nó cất vó nhảy vọt qua đám trai sơn cước của điếm canh thứ nhất. Con ngựa tung bờm giang rộng vó phi nhanh. Hoàng Mãnh tưởng như con ngựa có cánh. Anh không nghe tiếng vó ngựa, chỉ nghe thấy tim đập nhanh và tiếng đập của một trái tim nữa kề sát trái tim anh.
Ngay hôm nhị hỉ của vợ chồng Hoàng Mãnh, Chiêu Văn vương phải lên đường về kinh vì có chỉ vua triệu rất gấp. Chiêu Văn vương cười bảo hai em:
- Ta cũng muốn đưa hai em về nhị hỉ bên nhà gái. Ta với hai em là chỗ thân tình, cho nên chẳng sợ ai cười là tham ăn đến nỗi dự cả cỗ giáp mông đâu. Ngặt vì có chỉ vua triệu gấp. Trước khi ngược sông Đà, Thượng hoàng đã hẹn sẽ giao cho ta một việc quan trọng. Ta cũng tưởng ít nhất cũng phải dăm bữa nữa, nào ngờ có chỉ triệu gấp thế nên ta phải xuôi ngay hôm nay.
Đám cưới của Hoàng Mãnh thế là xong xuôi êm đẹp cả. Sau khi Hoàng Mãnh cướp được nàng Hai đem về Mai Thượng thì họ nhà trai mới dềnh dàng kéo xuống Mai Hạ. Nhà gái hỉ hả mời khách dự một bữa tiệc gồm toàn món sơn hào quý. Hoàng Mãnh và các dũng thủ phù rể đến Mai Hạ thấy Chiêu Văn vương ngồi nói chuyện thân mật với ông bà Trịnh Giốc Mật. Bá tước Trịnh Mác cũng thay bỏ áo chiến, mặc áo dài gấm xanh tay thụng. Anh ta đón anh rể từ cổng. Họ tay bắt mặt mừng đưa nhau lên nhà sàn lạy chào ông bà Mai Sơn hầu và Chiêu Văn vương. Trẻ con thôn bản đốt những chiếc pháo lệnh nổ như sấm. Các chàng trai và cô gái kéo nhau đến xem mặt chú rể làm cho Hoàng Mãnh vốn táo tợn cũng phải thẹn rúm người lại. Thế rồi rượu cần kèn lau, ông già bà già thì ăn uống với nhau trên nhà sàn. Đám trẻ chẳng thiết ăn uống, tiệc chuyển thành hội, người ta kéo nhau ra sân, ra vườn, dìu nhau xuống suối lên rừng. Tiếng kèn lá, đàn môi nỉ non đó đây. Tiếng kim chen tiếng thổ, trai gái hát đối đáp nhau những lời ướm hỏi hẹn hò, nhờ rừng núi chứng giám cho lời thề yêu nhau chung thuỷ suốt đời.
Chập tối, Chiêu Văn vương về Mai Thượng. Ông bàn với bà Trương là sẽ đưa bà và dâu con về Thanh Hoá lễ tổ bên ngoại chú rể và ăn tết cơm mới tháng mười ở đó luôn thể. Nhưng nửa đêm quan khâm sai mang chỉ vua lên đến nơi. Thế là ngày nhị hỉ chỉ còn bà Trương và cô Mơ đưa cô dâu chú rể về nhà gái. Hoàng Mãnh đã trả vợ cái vòng vía. Cô dâu đền chồng một chiếc xuyến bạc đeo tay “cho nhớ”.
Khi từ biệt bà nhũ mẫu, Chiêu Văn vương nói:
- Việc châu Ái, em vẫn lưu tâm, chị dưỡng đừng lo.
Bà Trương cười gượng. Số là ở quê bà có một người con gái tiến cung làm cung nữ triều tiên đế Trần Thái Tông. Tiên đế ban cho bà ta một cái bãi dâu ven con sông chảy qua làng để ăn lộc. Thiếp ban cho bà ta ghi rõ cái bãi rộng ba mươi mẫu. Nhưng trải qua mấy chục năm ròng, cái bãi được con sông bồi phù sa rộng ra gấp mấy lần. Dân làng tiếp tục khai phá phần đất mới. Chủ bãi đợi đất khai phá trồng trọt đã thuần thục mới ỷ quyền thế đòi đất. Dân làng cử ông câu đương họ Trương viết đơn trình quan trấn thủ để xin quan khu xử cho dân được trồng tỉa phần đất trời cho. Nhưng quan trấn thủ cũng sợ uy thế bà cung phi đành khuyên dân làng chẳng nên đương đầu với bà ta. Dân làng ấm ức lắm. Ông câu đương cũng vậy. Nhân lễ cưới Hoàng Mãnh, người làng đi châu Mai theo bà Trương. Ông câu đương dặn con gái nói với bà Trương để bà nhờ Chiêu Văn vương can thiệp giúp. Chiêu Văn vương trong một lần về thái ấp Vạn Kiếp với Hưng Đạo vương, được ông dẫn đi xem những đồng ruộng, đất bãi trong thái ấp và giảng giải cho em nghe về tình cảnh người dân trong đồng quê và sự cần thiết ruộng đất đối với họ, Trần Quốc Tuấn đã dặn em:
- Vua lấy dân làm trời. Còn dân lấy ăn làm trời. Em chớ nên coi thường bí quyết cầm quyền chính đó.
Vì thế, khi nghe bà Trương nói việc, Chiêu Văn vương bằng lòng ngay. Ông biết bà cung phi này rất quý ông, lại còn rất nể ông nữa. Ông nói chắc bà dễ xuôi tai. Nhưng nếu bà không nghe thì Chiêu Văn vương sẽ đem phần đất bãi dâu của chính ông ở bãi sông Cơ Xá ngay cạnh kinh thành để đổi cho bà ta. Thế là xong thôi.
Việc đi châu Ái lần này với lí do thu xếp đất bãi và ăn tết cơm mới thực ra che giấu ước muốn của Chiêu Văn vương được trở về một nơi lưu giữ khoảnh sâu sắc thắm thiết trong lòng ông. Ông nhớ những rặng dừa lao xao trưa hè, nhớ tiếng hò vời vợi của những người lái bè trên dòng sông Mã mênh mang, nhớ những con đường làng quanh co, vệ đường lấm tấm những bông hoa cỏ trắng tinh khiết, tầm thường nhưng ý nhị và kín đáo, nhớ tiếng nói tiếng cười quen thuộc ở một nếp nhà quen thuộc.
Ấy thế rồi lại không về được châu Ái. Trần Nhật Duật hấp tấp từ giã bà Trương và Mơ. Ông muốn hẹn một ngày về thăm cái làng nghèo ven biển Đông nhưng đã mấy lần hẹn và cả mấy lần thất hứa rồi.
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo.
Nói ra câu ấy bây giờ chẳng xuôi. Trần Nhật Duật ngậm ngùi lên ngựa. Con Bão Đêm như hiểu lòng chủ, nó gằm cổ quẩn mấy vòng thương nhớ trên trảng đất đầu làng Mai Thượng trước khi cất vó phi về hướng nam.