Hai năm qua, những người dân cày các lộ làm lụng cần mẫn trên những cánh đồng màu mỡ, những gia nô các trang trại ven biển lọc nước chạt, phơi muối, đánh cá và làm cá mắm, những người lính luyện tập bắn cung múa giáo trong Giảng Võ đường. Hai năm qua, các ông Học sĩ thuộc các viện và các đường thảo chiếu, chế, cáo, biểu... phê trát cho liêu thuộc môn hạ.
Trong hai năm ấy Trần Nhật Duật hầu như không có một ngày rảnh rang. Nay ông ở Thăng Long, mai ông đã ra một cửa biển để rồi vài ngày sau đó đã có mặt ở lộ Quy Hoá. Chiêu Văn vương lập Mạc phủ trấn thủ lộ Quy Hoá Giang ở chợ Ngọc bên bờ con sông Chảy. Ông thường mặc áo chiến ngắn vạt bằng vải chàm đi tuần thú trong lộ cùng với các tướng người sơn cước. Tướng quân Hà Đặc và em là Hà Chương, tước Quản quân Phụng ngự các động, các sách ở đạo Phù Ninh thường được Chiêu Văn vương chọn làm tướng theo hầu. Cũng chính từ lộ Quy Hoá, nhiều người được Chiêu Văn vương lựa chọn, đã trá hình lên đường, bí mật vượt ải sang nước giặc. Họ là tai mắt của triều đình. Họ được lựa chọn rất kĩ lưỡng và được đối đãi như bậc quốc sĩ anh hùng.
Trong hai năm ấy, Trần Nhật Duật chỉ làm được có một việc riêng: Đó là việc bãi trồng dâu ở cái làng ven biển nên thơ mà ông yêu dấu. Theo lời tâu của ông, Quan gia hạ chỉ ban lệ Tiệt Cước. Lệ này “cắt chân” những phần đất phong của tất cả các vương hầu, phi tần, phu nhân. Thể lệ này, nếu sông nước bồi đắp thêm cho các bãi bồi thì số đất bãi được bồi đắp thêm ấy sẽ thuộc phần đất công của các làng xã. Tuy thế, Trần Nhật Duật vẫn lấy phần đất của mình ở bãi sông Cơ Xá ngay cạnh kinh thành Thăng Long để bù cho bà cung phi triều trước.
Hôm nay một buổi sáng hanh giá, Trần Nhật Duật dẫn một đội quân riêng trở về đến kinh thành. Đội quân của ông được lệnh của phủ Tiết chế đóng lại ở rừng bàng phía bắc Thăng Long. Tuy rừng bàng xa Thăng Long mấy chục dặm đường nhưng người kinh thành vẫn rủ nhau lên để xem đội quân kì lạ của đức ông Chiêu Văn.
Rừng bàng vào những ngày này đang trút lá. Cây đã phô bộ cánh gân guốc còn sót lại những chiếc lá cuối cùng màu tím đỏ.
Hồ Dâm Đàm phủ một làn sương mỏng. Bóng thuyền của những người đánh cá lờ mờ, huyễn hoặc như trong một tích truyện xưa. Gió bấc hun hút. Trời lạnh lắm.
Nhưng từ sáng sớm những người lính của Chiêu Văn vương đã làm náo động cảnh rừng già tiêu sơ. Họ gom lá bàng khô, nhóm lửa đốt sưởi. Khói lam đặc toả ra mù mịt. Lính hoả đầu khoét bếp thổi cơm. Chỗ này một đám vật lợn, chỗ kia một đám làm thịt trâu. Lính các đô đã mang quang thúng đứng chực sẵn để chia thịt. Họ chuyện trò vui vẻ bằng nhiều thứ tiếng sơn cước. Họ mặc nhiều kiểu áo chiến khác nhau may bằng vải nhuộm chàm. Họ đi những đôi dép cỏ gọn nhẹ đan lấy. Có những người đeo vòng vía ở tay, có người đeo ở cổ. Thật là những người lính chất phác và dũng mãnh. Họ dùng những thứ binh khí rất lạ: những lưỡi kiếm mỏng chuôi gỗ, vỏ gỗ, những lưỡi giáo ngắn, những cây dòng sắt hai ngạnh ngược chiều, những chiếc nỏ cánh luồng hun đen bóng, những ống suy đồng bắn những mũi tiêm thuốc độc. Thỉnh thoảng trong lúc đi lại, ống quần chàm bay lên để lộ chót bao dao găm đeo sát bắp chân họ. Nhưng họ cũng là những người lính thật tài hoa. Họ có những bộ lục lạc đồng thau đeo ở cổ tay, khi hai tay họ rung lên, tiếng lục lạc ròn tan, rậm rựt. Có người thổi kèn lau, có người thổi tiêu trúc, có người gõ bộ trống sáu chiếc. Họ chơi những khúc nhạc rất vui, trong khi đó một điệu múa thoáng nhìn tưởng như chậm chạp đã diễn ra trước những cặp mắt say mê của người kinh thành.
Chiêu Văn vương giao quyền chỉ huy đội quân cho viên phó quan rồi dẫn một ngũ lính hộ vệ cưỡi ngựa về kinh thành. Ông về qua phủ đệ Chiêu Văn để thay áo tiến triều. Đến vương phủ, Chiêu Văn vương xuống ngựa. Viên tì tướng coi việc canh giữ cổng phủ mừng rỡ ra lệnh đánh mộc đạc báo cho mọi người trong phủ biết tin mừng vương gia đã trở về. Tiếng mõ nổi ran lên, lính gia đồng, thư nhi và kẻ ăn người làm reo mừng ra cổng lớn đón Chiêu Văn vương. Trần Nhật Duật đi vào rất nhanh. Ông hỏi lớn:
- Quản gia đâu? Sao chính đường lại đóng cửa im ỉm thế kia? Mở ra, mở tất cả cửa ra!
Vừa đi, Trần Nhật Duật vừa ra lệnh. Ông sai sắp gạo rượu bò lợn đem lên rừng bàng khao thưởng đội quân sơn cước đã giữ vững bộ ngũ trên đường về kinh. Ông sai sắp ban chiêng trống để dạy quân sơn cước nhạc quân. Ông sai hái hoa cắm vào các lọ trong chính đường, sai thay các rèm lụa bằng rèm gấm thổ, sai thị nữ sắp áo chầu, sai sửa tiệc cho cả vương phủ ăn mừng chủ đi xa về khang kiện. Thế là cả bấy nhiêu người chuyển vận như đèn cù. Vương phủ Chiêu Văn náo động, vui vẻ.
Khi vào chính đường, Chiêu Văn vương chợt đứng sững lại. Ông thấy một đám người đứng chực hầu. Đứng trước là Hoàng Mãnh, Trịnh Mác. Điều này cũng không lạ, chắc vì hai viên tướng này theo Chiêu Quốc vương dẫn cánh quân sông Đà về kinh. Nhưng đằng sau hai người là cha con Mơ cùng với ba bô lão tóc bạc phơ.
Họ vái lạy cung kính:
- Kính lạy đức ông, kính chúc đức ông thiên tuế!
Trần Nhật Duật vội đáp lễ và sai gia đồng mang đôn mời các bô lão ngồi.
Thị nữ mời trà, mời trầu. Trần Nhật Duật bắt thị nữ phải giã ba miếng trầu thật nhỏ để riêng mời các bô lão. Ông câu đương họ Trương thưa:
- Kính lạy đức ông, dân bản xã chúng tôi đồng thanh cử ba cụ đây đem đầu đến tạ ơn đức ông đã ban cho miếng no miếng ấm.
Ba cụ đùn đẩy nhau, cuối cùng ông cụ cao tuổi nhất phải đứng ra nói bằng một giọng thành thật chất phác:
- Thưa đức ông, lão là người già nhất làng. Lão được cả làng cử lên kinh xin đức ông cho tên tuổi chức tước để đem về làng thờ.
Trần Nhật Duật giật mình vừa cảm động vừa buồn cười mà không tiện cười. Ông hỏi lại tên tuổi các cụ. Ông cụ già nhất đã tám mươi tư tuổi, người làng quen gọi là cụ đồ Bành mặc dù ông cụ chưa hề dạy học cho một ai cả. Hai cụ kia trên bảy mươi tuổi, đều là những lão nông mang những cái tên hết sức dân dã: cụ Mừng, cụ Cót. Trần Nhật Duật vừa hỏi han các cụ vừa muốn lảng khéo cái chuyện xin tên tuổi để lập bài vị thờ sống đi. Với ông hoàng trẻ, cái chuyện ấy thật hài hước.
Ông bảo Hoàng Mãnh đưa các cụ đi xem phố phường kinh thành. Sau đó, Trần Nhật Duật thay triều phục vào cung. Cổng thành có treo biển “Miễn triều” nhưng Trần Nhật Duật là thân vương có biển “Nhập nội” vua ban nên vẫn vào cung được. Ở cửa nội cung Trần Nhật Duật gặp quan tướng Nguyên suý trấn điện Bảo Nghĩa hầu. Hai anh em vái chào nhau. Bảo Nghĩa hầu cho biết hai vua đang bàn việc với các đức ông Chiêu Minh và Hưng Đạo trong cung Thánh Từ. Trần Nhật Duật còn đang lưỡng lự không biết mình có nên vào cung chầu hầu không thì một viên quan nội giám ra tuyên chỉ Nhân Tông cho gọi ông. Thì ra mỗi ai qua cửa Đại Hưng, các quan trấn điện đã tâu vua biết ngay rồi.
Trần Nhật Duật sụp lạy hai vua làm lễ triều kiến. Trần Nhân Tông ban đôn gấm cho ông ngồi chầu hầu. Thượng hoàng Thánh Tông nói:
- Em Sáu đến vừa hay. Em biết tin giặc xuất quân chưa?
- Thưa anh, giặc gọi loa trên đường từ hành doanh Kinh Hồ về cho tới biên giới nước ta, ra lệnh cho quân dân nước chúng chữa đường chữa cầu để đạo quân viễn chinh đi đánh Chiêm Thành.
Thượng hoàng nhìn em mỉm cười:
- Vậy à?
Trần Nhật Duật cũng mỉm cười.
- Thưa anh nếu chỉ có vậy thì giặc quá ư hèn nhát.
Nhưng rồi cả hai nụ cười cùng tắt trên môi hai anh em. Trần Nhật Duật đưa mắt rất nhanh. Vẻ đăm chiêu thoáng vần trên vầng trán của tất cả những người có mặt. Trần Quang Khải hỏi Trần Nhật Duật về thế giặc. Là một trong mấy đức ông được vua giao mệnh theo dõi từng cái nhấc chân nhấc tay của giặc, Trần Nhật Duật nhận biết được mối hoạ xâm lăng cực kì hiểm nghèo đang đe doạ giang sơn xã tắc. Giặc động binh năm chục vạn người cả lính lẫn phu. Đây là một đạo quân lớn do những tướng độc ác và thông thạo trận mạc chỉ huy. Âm mưu của chúng là chiếm lấy đất Việt chia thành quận huyện, đặt ách đô hộ lâu dài. Âm mưu này có cả cái khát máu của những bộ tộc du mục chỉ biết làm cỏ và phá sạch lẫn cái thâm độc của bọn vua chúa Trung Quốc luôn luôn giương danh “con trời”, sinh ra để đè đầu cưỡi cổ các dân tộc khác.
- Giặc đánh ta chứ không phải để tiếp viện cho đạo quân của chúng ở Chiêm Thành. Nếu đúng như vậy, chỉ vài ngày nữa, chúng sẽ cho sứ giả sang ta mượn đường và vay lương.
Trần Thánh Tông trỏ ngay vào mớ giấy trên long án:
- Còn sẽ gì nữa: Thư Thoát Hoan đã đến Thăng Long từ hôm qua. Chúng ta đang bàn kế đối phó với chúng đây.
Trần Nhật Duật trợn mắt nổi giận:
- Thằng nhãi nhép miệng còn hơi sữa mà đã dám láo xược vậy sao!
Ông tâu vua những tin tức lượm lặt được về quân giặc. Những tin tức này do những do thám gan dạ trá hình làm lái buôn người Đại Lý đã đem về cho ông. Thoát Hoan đã lên đường hơn một tháng nay nhưng quân Thát Đát lần này phải tiến theo kiểu cuốn chiếu vì chúng đem theo nhiều lính đi bộ và các chiến cụ nặng nề dùng để công thành và vượt sông. Ngoài số quân kị là người Thát Đát, phần lớn đạo quân này gồm quân bộ và quân thuỷ đều là người Hán phương Nam. Nguyên chúa đã sai một thân vương xuống Kinh Hồ hành tỉnh phủ dụ bọn quân tướng xuất chinh và đặc cách giao cho Trấn Nam vương Thoát Hoan ngọn giáo vàng truyền quốc.
- Thưa anh, ngọn giáo này đúc bằng vàng nữ trang của các hoàng hậu, phi, tần những nước đã bị quân Thát Đát làm cỏ. Trao giáo cho Thoát Hoan có nghĩa là ra lệnh cho thằng này đập tan nước Việt ta.
Trần Nhật Duật lần lượt nói những điều hiểu biết của ông về đạo quân xâm lược. Trần Quốc Tuấn cũng nói những tin tức thu được bằng đường biển và đường đông bắc. Tất cả đã minh chứng rằng cuộc chinh chiến ắt phải xảy ra. Trần Nhật Duật tâu:
- Tâu bệ hạ, cái thế không thể tránh khỏi chiến tranh rồi, xin bệ hạ xuống chiếu cần vương.
Trần Quang Khải nói:
- Chúng ta đang bàn việc đó thì em đến. Đây là sớ của Đức ông Tiết chế.
Trần Quang Khải đưa lá sớ của Trần Quốc Tuấn cho Chiêu Văn vương. Trần Nhật Duật đón lá sớ mở rộng ra đọc. Vẻ mặt chăm chú của ông mỗi lúc mỗi hào hứng, mừng rỡ. Trần Quốc Tuấn bằng những lời đanh thép đã vạch trong sớ kế sách phá giặc: Lấy núi sông làm thành luỹ, huy động cả nước làm binh! Trăm họ nước Việt sẽ vun góp ý chí chung thành một toà thành vững chắc không gì phá nổi. Trần Quốc Tuấn tâu vua cho triệu mỗi hương một bô lão tuổi cao đức trọng về kinh để vua dụ hỏi.
Trần Nhật Duật vốn sáng ý. Ông hiểu ngay rằng cuộc triều hội của bô lão cả nước vừa làm bền chặt ý chí quyết thắng của triều đình vừa tuyên dụ ý chí đó trở về trăm họ. Chợt nhớ tới mấy bô lão châu Ái đang ở chơi trong vương phủ Chiêu Văn, Trần Nhật Duật càng thấu hiểu rằng cần phải có sự gắn bó giữa triều đình với trăm họ. Chiến chinh sẽ diễn ra dữ dội trên đất nước, tình nghĩa keo sơn của cả nước sẽ là nền tảng cho mối đại thống họ Đông A và mệnh trời giao cho họ Đông A phải giữ cho vẹn toàn đất nước.
Ông đứng dậy, hướng về phía Trần Quốc Tuấn kính cẩn vái hai vái:
- Họ ta thật đại phúc. Anh trưởng quả là thanh kiếm thần trời ban cho nước Việt để giữ nước.
Sự sôi nổi và thành thật của Trần Nhật Duật làm cho Trần Quốc Tuấn phải đứng dậy lúng túng đáp lễ.
Sau đó, Trần Quang Khải đích thân thảo chiếu thay lời vua Thánh Tông cho triệu mỗi hương một cụ bô lão đức trọng nhất về kinh triều hội để nhà vua hỏi về việc lớn của đất nước.
Đến sẩm tối hôm ấy, Trần Nhật Duật sau khi ăn cơm xong, chợt thấy lòng vẩn vơ bồi hồi như tưởng nhớ tới một thói quen nào đó bị bỏ quên chưa làm. Thoạt tiên ông nghĩ rằng sự có mặt cô gái vùng biển ở Thăng Long đã làm cho lòng ông xốn xang bồn chồn. Nhưng sau khi mình lại hỏi mình, Trần Nhật Duật thấy không phải đấy là nguyên cớ. Với Mơ, lòng ông đã trầm lắng xuống, lòng ông đã vào cõi sâu xa, có tình nhưng có nghĩa, có ước hẹn ba sinh dù cho bảy nổi ba chìm. Ông đã hiểu rằng về sau này dù hai người có gặp gỡ nhau hoặc chia tay nhau đột ngột đến đâu chăng nữa thì lòng ông vẫn giữ được yên bình.
Thế rồi Trần Nhật Duật nghĩ rằng lòng mình bồn chồn vì cuộc gặp gỡ với Hoàng Mãnh quá ư ngắn ngủi chăng? Nhưng nghĩ kĩ thì cũng không phải vì thế. Người đời thường tô vẽ quá mức sự gắn bó âm dương giữa hai anh em đồng nhũ đồng tuế. Sự gắn bó đó có thật nhưng đâu đến nỗi làm lòng người bồi hồi đến thế! Mà Hoàng Mãnh đi đâu tối nay ông cũng đã biết. Chính ông là người đã bảo Hoàng Mãnh đưa Trịnh Mác đi uống rượu nghe hát trên một con thuyền nào đấy thả lửng lơ trên sông Tô Lịch.
Mùa đông trăng lạnh, uống rượu bên một hoả lò than rừng rực trong khi đó gió bấc bên ngoài mui lá thổi rít lên thì tuyệt thú. Nếu không bận nhiều việc quá thì đêm nay ông cũng mặc áo thường đi chơi với hai gã ấy rồi.
Nếu không phải vì vắng mặt Hoàng Mãnh và Trịnh Mác thì là vì ai? Chiêu Quốc vương! Đúng rồi. Vì thiếu Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc.
Thôi đúng rồi. Tất cả những lần trở về Thăng Long trước đây mỗi khi đi xa, bao giờ Trần Nhật Duật cũng đến thăm Chiêu Quốc vương. Những ngày sau đó là những cuộc du hí diễn ra liên miên với hai người: một cuộc đua ngựa ngoài bãi sông để thử sức một con ngựa non nào đó, một cuộc săn đuổi bằng chó săn, hai phủ Chiêu Quốc và Chiêu Văn có những đàn chó sát thú lạ thường, đi săn với những con chó quý ấy là một thú mê mẩn đến quên ngày quên buổi: hoặc một cuộc cờ để thử lối xuất quân mới; một sớm vãn cảnh chùa ngắm các công nương đi dâng hương, một bữa rượu lầm lì, một trận cầu náo động... Gặp nhau, du hí với nhau... phải chăng đó là điều làm ông bồn chồn như người đến cơn nghiện?
Không phải. Không phải thế. Ông bồn chồn vì ông cảm thấy mình đang như người sốt vỡ da. Những người sốt vỡ da, sau những cơn lâm bệnh ấy hay có những thay đổi về thể chất và về tâm tính ông cảm thấy mình hình như đang có những thay đổi tương tự. Nhưng ông chưa hiểu, chưa mường tượng được mình sẽ thành một người như thế nào. Và đàng sau cảm xúc mơ hồ ấy, phảng phất một nỗi lo âu về những thay đổi sau một cơn sốt vỡ da của một người mẹ với đứa con. Ôi những nỗi lo âu của một bà mẹ có linh cảm kì diệu!
Thực ra, điều ông không tìm ra được chính là vì sự thay đổi của ông biểu hiện sự tách rời dần dà giữa ông với vùng ảnh hưởng của tính cách Chiêu Quốc vương. Nó cũng là sự lớn mạnh về tính cách của ông, sự lớn mạnh nhằm vươn tới một tâm tính riêng biệt trí lự.
Không muốn ngồi suy nghĩ mung lung nữa, Trần Nhật Duật sai gia đồng thắp đèn lồng theo mình ra chơi phố. Ông ra bến Đông, lấy thuyền của quân thuỷ để sang sông đến rìa rừng đa. Nơi ấy có một trại quân bí mật thuộc quyền coi quản của ông. Đó không phải là một trại quân bình thường mà nó là một trong mấy trạm chỉ huy phong đoàn, thứ quân coi giữ việc tuần sát lùng bắt bọn gian tế và gián điệp của giặc phái sang trà trộn để dò la binh dân bên ta.
Trần Nhật Duật đến trại lúc canh hai đã sắp hết nhưng ở đây người ta vẫn thức để làm việc công. Viên tì tướng giữ trại ra đón Trần Nhật Duật và đưa ông vào ngôi nhà lá cuối trại.
Trần Nhật Duật bước vào căn phòng nhỏ. Trong phòng có hai người mặt mũi lẫn quần áo đều kì dị đang ngồi lim dim trên chiếc chiếu cói trắng. Họ ngửng nhìn và nhận ra đức ông Chiêu Văn, họ vui mừng giơ hai tay úp mu xuống và cúi lạy Trần Nhật Duật. Đó là hai người Hồi Hột già, lái buôn chè và hương liệu rất thông thạo con đường từ Đại Đô qua Tây Trúc đến tận những nước xa lạ phương Tây.
Trần Nhật Duật đáp lễ, ông ngồi xuống chiếu trước mặt hai người lái buôn Hồi Hột. Ông dùng tiếng Hồi Hột nói chuyện với họ. Quân hầu bưng vào những đĩa bánh và hoa quả. Theo tôn giáo Hồi Hột, họ không uống rượu, không uống trà chỉ uống nước lã. Hai người Hồi Hột này vốn đã đi buôn bán nhiều lần sang nước ta. Những lần ấy Chiêu Văn vương vẫn giúp đỡ họ, che chở cho họ khi họ ở Thăng Long và cả trên đường đi đường về của họ cho nên hai người lái buôn ấy rất nhớ ơn Trần Nhật Duật. Hồi đầu năm nay, họ nhận lời giúp Chiêu Văn vương trong việc dò xét động tĩnh mặt nước Đại Lý xưa. Nơi ấy bây giờ là một tỉnh của Trung Quốc. Nguyên chúa Hốt Tất Liệt giao cho con trai mình là Hốt Kha Xích làm trấn thủ và đặt tên tỉnh là Vân Nam. Vì thế vương hiệu của Hốt Kha Xích là Vân Nam vương.
Một người Hồi Hột nói:
- Ô! Tướng Ô Man đã dựng nêu. Trai tráng Ô Man đã cầm giáo đến họp ở chân nêu. Đó là ý muốn của Thượng Đế.
Họ nói rất nghiêm trang, cách nói kiểu cách hô hoán như cách gọi gió gọi mưa của một pháp sư. Họ kể rằng quân Ô Man đã lên đường xuống phía tây bắc nước ta, một cánh quân bộ không đông lắm nhưng rất thông thạo việc đánh nhau ở trong rừng núi. Trần Nhật Duật hỏi viên tướng cầm đạo quân ấy tên là gì nhưng hai người lái buôn này không biết. Ông lại hỏi cánh quân ấy có bao nhiêu người thì họ trả lời là có mười tướng to chỉ huy một trăm tướng nhỏ, mỗi tướng nhỏ chỉ huy mười tên lính Ô Man. Mỗi người lính lại có một tên phu người Hán tải gạo, tải cỏ khô, cá thịt khô và chiến cụ.
Một người Hồi Hột nói tiếp:
- Ô. Những người phu họ khổ lắm, roi vọt, trăng trói, ăn không đủ no, mặc chiếc áo rách mà đi không biết ngày về. Mà cha mẹ vợ con họ còn khổ hơn.
Trần Nhật Duật nhíu mày suy nghĩ. Thế là mặt này, giặc có một vạn quân Ô Man và một vạn phu. Đám quân Ô Man này có sở trường và sở đoản. Chúng đánh bộ và trèo núi giỏi nhưng không quen khép mình vào quân kỉ. Lúc thắng thế thì chúng đánh tràn đi như nước vỡ bờ, lúc thất thế thì lại xô nhau, giày xéo lên nhau cướp đường mà chạy. Trần Nhật Duật đã từng đi tuần thú ở biên giới tây bắc, ông đã đứng trên đồn cao nhìn sang bên kia biên giới xem lính Ô Man tập trận. Chúng tiến, lui theo hiệu chiêng không gắn bó được đội ngũ nhưng về bắn nỏ thì đó là những tay nỏ giỏi ghê gớm. Chúng lại thiện nghệ món mộc mây ken và kiếm ngắn. Kiếm Ô Man là một loại kiếm rất mỏng, hơi cong, rất nhẹ và sát thương đối phương nhờ ở đường kiếm đi thật nhanh. Nói về chiến đấu ở vùng rừng rậm thì kiếm và mộc mây chính là loại vũ khí thích hợp nhất.
Ngoài ra lúc tiến quân có thể chúng sẽ dùng thêm một vài ngàn quân kị dùng thứ ngựa Đại Lý thấp nhỏ nhưng chân chắc đi đường núi dai sức, không sợ bóng cây ánh đá. Hai người Hồi Hột còn nói thêm là đội quân bộ của giặc chỉ có một số ít ngựa dùng của các tướng nhưng chúng lại có nhiều lừa, một giống lừa thấp nhỏ, chạy chậm nhưng bền sức và chúng chuyên dùng để thồ chiến cụ và lương thực.
Đó là đối thủ tương lai của Trần Nhật Duật ở mạn Quy Hoá. Chúng không phải là lũ giặc tầm thường, nhưng dù sao đây cũng chỉ là mũi tiến công phụ và chẳng những không có một đội kị binh Thát Đát làm lõi cốt mà tướng giỏi cũng không có nốt. Bởi vì nếu có tướng giỏi nổi danh thì những người lái buôn Hồi Hột này phải biết rõ tên của chúng.
Sự so sánh mạnh yếu với đội quân của giặc làm cho Trần Nhật Duật hơi tiếc. Thế là ông không có dịp chọi nhau với bọn kẻ cướp nổi danh và kẻ thù truyền kiếp hung hãn thâm hiểm nhất để xem cái danh tiếng vô địch quân “thiên triều” của chúng là thực hay hư.
Trần Nhật Duật lại sai quân hầu bưng ra hai tảng trầm hương và hai túi sạ tặng cho hai người lái buôn Hồi Hột. Ông từ biệt họ và ra ngoài căn phòng nhỏ. Ông đến một dãy nhà khác của trại quân ở giáp dãy tường hậu. Chỗ này là nơi ở của Triệu Trung, viên hổ tướng nhà vong Tống. Viên tướng này biểu thị một tấm lòng yêu thật tha thiết những người Hán bần hàn và cũng vì vậy Trung căm thù bọn thống trị Trung Quốc, Trung hăm hở lập công trong một đội quân Việt. Trần Nhật Duật bàn việc suốt đêm với Triệu Trung về kế sách hành binh ở miền rừng, về việc thông hiệu trong đêm tối hoặc khi có sương mù, về những đòn tấn công sẽ dùng để đánh vào lòng mê tín dị đoan của bọn quân tướng Ô Man quá ư lạc hậu.