Sáng suốt quyết định tập trung vào điều tích cực
Luật Hấp dẫn không lọc những thông tin mà chúng ta cung cấp. Chúng không thể quyết định điều gì là tốt cho chúng ta. Ý chí của chúng ta tự do, chúng ta có toàn quyền quyết định mình muốn tập trung năng lượng và sự chú tâm của mình vào đâu. Vũ trụ chỉ đơn giản phản chiếu (gửi ngược) điều đó lại cho chúng ta. Nếu chúng ta tập trung chú ý vào điều gì đó (tiêu cực hoặc tích cực) thì vũ trụ sẽ gửi lại cho chúng ta chính điều đó, nhưng nhiều hơn.
Vì vậy, việc tập trung vào điều bạn thực sự muốn, chứ không phải điều bạn không muốn, là rất quan trọng. Tâm trí bạn hoạt động dựa trên “những bức tranh” nên nếu bạn nói: “Tôi không muốn bị điên”, nghĩa là bạn đang tạo ra một bức tranh và sự rung cảm của việc “bị điên”. Vũ trụ chỉ tiếp nhận tần số của việc “bị điên” và phản ứng lại điều đó. Bạn cần phải tập trung vào điều ngược lại của điều bạn không muốn. Trong ví dụ trên, sẽ tốt hơn nếu bạn nói: “Tôi muốn được yêu thương hơn nữa và chấp nhận vạn vật như nó vốn thế”.
Một khi bạn thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực, bạn sẽ bắt đầu nhận được những kết quả tích cực
Willie Nelson (1)
Về cơ bản, bạn nên tránh gửi đi những dấu hiệu hỗn hợp cho vũ trụ và những người xung quanh mình, chúng có thể cản trở khả năng hấp dẫn và biểu lộ theo cách rõ ràng, khúc chiết của bạn.
Chẳng hạn: Khi bạn “phản đối” cái gì, thực ra bạn lại đang tái tạo lại nó. Bạn sẽ tạo ra bất cứ thứ gì bạn muốn loại bỏ! Nếu bạn “phản đối chiến tranh” thì hãy nghĩ lại đi. Từ có ý nghĩa nhất trong cụm từ đó là “chiến tranh”, và đó chính xác là điều bạn sẽ nhận được nhiều hơn. Cách tốt hơn là hãy nói “ủng hộ hòa bình”. Vũ trụ sẽ nhận được rung cảm của từ “hòa bình”, và phản ứng tương thích lại. Chiến tranh trong chủ nghĩa khủng bố đã tạo ra thêm nhiều cuộc khủng bố. Bạo lực hấp dẫn bạo lực, và yêu thương hấp dẫn yêu thương. vHãy tạo ra sự thay đổi đơn giản này trong cuộc sống của bạn. Hãy nỗ lực điều chỉnh cách bạn suy nghĩ và nói năng, hãy tránh phát đi những năng lượng không cần thiết cho những việc bạn không muốn có trong đời. Bất cứ khi nào có thể, hãy tránh để bản thân hay suy nghĩ, tình cảm của mình phụ thuộc vào những người có ảnh hưởng tiêu cực.
Chúng ta không thể trở thành người chúng ta muốn bằng cách cứ mãi là chúng ta
Max Depree (2)
Chúng ta cần biết rằng sự tiêu cực rất xảo quyệt. Nó lẻn vào cuộc sống của chúng ta thông qua những mẩu tin buổi tối và những tờ nhật báo. Nó phổ biến tới mức trở nên bình thường - chúng ta gần như miễn nhiễm với những cuộc chiến, những tội ác, những trò bạo lực và sự đồi trụy diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta.
Hãy dừng tại đây. Hãy từ chối quan tâm tới nó. Hãy chấm dứt tập trung vào nó. Bạn cần phải ngừng tham dự vào những việc bạn không muốn. Đừng đọc gì về chúng và cũng đừng nói gì về chúng nữa. Hãy chỉ tập trung vào điều mà bạn muốn hấp dẫn được nhiều hơn nữa. Hãy nhớ điều này: Sự tập trung chú ý của bạn đi tới đâu, năng lượng của bạn sẽ theo tới đó.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi biết hầu hết chúng ta đều có xu hướng diễn đạt sự vật, sự việc theo cách tiêu cực, mà thực ra chúng ta hoàn toàn không có ý đó. Đơn giản đó là một thói quen xấu. Hãy nhớ từ giây phút này trở đi, bạn chỉ được tập trung vào những gì bạn thực sự muốn. Hãy thực hiện điều này không chỉ trong suy nghĩ của bạn, mà cả trong những cuộc nói chuyện của bạn với người khác nữa. Hãy tránh dùng bất cứ câu chữ tiêu cực, hạn chế nào. Mỗi một suy nghĩ bạn nghĩ đến, mỗi một từ bạn nói ra đều là một thông điệp gửi đến vũ trụ. Bạn vẫn đang không ngừng đưa ra những yêu cầu về trải nghiệm cho tương lai của mình. Hãy cố gắng thay thế những thông điệp tiêu cực của bạn bằng những thông điệp tích cực.
Dưới đây là một vài ví dụ để bạn tham khảo:
Thay vì nghĩ “Tôi không muốn bị muộn giờ”
hãy nghĩ “Tôi muốn đúng giờ”.
Thay vì nghĩ “Tôi không muốn quên”
hãy nghĩ “Tôi muốn nhớ”.
Thay vì nghĩ “Tôi không thể…”
hãy nghĩ “Tôi bắt đầu…”.
Thay vì nói “Đừng có đóng rầm cánh cửa như thế!”
hãy nói “Xin đóng cửa nhẹ nhàng thôi”.
Thay vì nói “Phòng con đúng là một đống lộn xộn”
hãy nói “Con có thể giữ phòng sạch sẽ hơn được không?”
Thay vì nói “Thôi ngay cái trò ồn ào đó đi!”
hãy nói “Xin yên lặng một chút”.
Bạn hãy dành chút thời gian suy nghĩ về điều này. Nếu bạn nói với ai đó rằng: “Đừng có đập cái cốc, sữa sẽ tràn ra bây giờ”, bạn nghĩ hình ảnh nào sẽ đọng lại trong đầu bạn? Tất nhiên bạn sẽ tưởng tượng ra hình ảnh một chiếc cốc bị đập vỡ và một vũng sữa nho nhỏ. Bạn cần tránh tạo ra những suy nghĩ, hình ảnh và năng lượng rung cảm của những điều bạn không muốn…, hãy tập trung vào những suy nghĩ, hình ảnh hài hòa với điều bạn muốn tạo ra trong cuộc sống của mình. Làm như vậy, bạn cũng tránh được việc gieo những hình ảnh bạn không muốn vào đầu người khác… và vào cả vũ trụ nữa!
Chúng ta có xu hướng tập trung vào điều chúng ta không muốn trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, ngay cả khi nó có liên quan tới sức khoẻ của chúng ta. Khi ốm đau, bệnh tật, chúng ta thường chỉ quan tâm tới căn bệnh, chứ chẳng nghĩ gì tới kết quả chúng ta mong muốn. Hãy nghĩ xem chuyện này diễn ra thường xuyên tới mức độ nào? Thay vì tập trung vào việc được khỏe mạnh, chúng ta lại thường tập trung hoàn toàn vào sự ốm đau và tất cả những gì bệnh tật kéo theo. Vì điều bạn tập trung vào đã mở rộng ra nên bạn muốn hướng năng lượng và suy nghĩ của bạn tới những thứ có liên quan tới việc khoẻ mạnh. Hãy giữ cho suy nghĩ của bạn thật tích cực và lạc quan, hãy xem bạn như một tổng thể khoẻ mạnh. Năng lượng, những suy nghĩ, những lời khẳng định, những hình ảnh tưởng tượng và sự thiền định của bạn kết hợp với bất cứ phương pháp chữa trị nào sẽ có tác dụng nâng cao hiệu quả của quá trình chữa trị. Xin bạn hãy nhớ điều này, trong mọi khía cạnh của cuộc sống, hãy giữ cho mình tập trung càng nhiều càng tốt vào điều bạn thực sự muốn, chứ không phải điều bạn không muốn.
Bí quyết để cả tâm hồn và cơ thể đều được khoẻ mạnh là không thương tiếc quá khứ, không lo lắng về tương lai, không can dự vào những chuyện rắc rối… Hãy thiết tha sống cho hiện tại, và sống một cách thông minh.
Đức Phật
Hãy nghĩ xem đã bao nhiêu lần chúng ta dành cả ngày chỉ để thảo luận về những rắc rối hay tập trung vào những điều bất ổn trong cuộc sống của chúng ta. Từ giờ trở đi, hãy tự hứa với bản thân mình bạn sẽ thay đổi năng lượng của mình, hãy bắt đầu nghĩ và nói theo cách tích cực hơn. Hãy bắt đầu tập trung vào những điều đúng đắn, tốt đẹp trong cuộc sống của bạn.
Hãy bắt đầu để ý xem sự chú ý của bạn đang đi đến đâu! Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra bạn thường xuyên nghĩ, nói, hành động với sự tập trung vô tình được đặt hết vào những điều bạn không muốn. Hãy nhớ rằng bạn luôn hấp dẫn điều gì đó, thế nên, hãy thôi hấp dẫn điều bạn không muốn đi và bắt đầu hấp dẫn điều mà bạn muốn. Hãy chỉ hướng sự chú ý của bạn tới những điều có giá trị và những điều trực tiếp tương thích với giấc mơ và mục tiêu của bạn.
Nhân tiện, cũng xin được nói là chú ý tới điều bạn không muốn cũng được, nhưng chỉ được dùng nó như bước đầu tiên trong quá trình quyết định điều bạn muốn, và hãy cố từ bỏ thói quen dành cho nó quá nhiều năng lượng cũng như sự quan tâm của bạn. Bạn chỉ nghĩ tới điều bạn không muốn một lúc đủ để xác định được điều bạn thực sự muốn mà thôi. Nó sẽ giúp bạn so sánh đâu là điều bạn thích hơn và giúp bạn nhận ra điều đó một cách rõ ràng. Sau đó, hãy nhớ hướng sự tập trung của bạn vào điều tích cực, và tiếp tục tiến bước.
Hãy trở thành một rung cảm tương thích với tương lai bạn mơ ước.
Hãy tập trung vào phần tốt trong chính bạn và người khác.
Hãy tập trung vào ánh sáng và cái đẹp trong cuộc sống của bạn.
Người nào gửi đi những suy nghĩ tích cực sẽ kích hoạt thế giới quanh anh ta trở nên tích cực, và anh ta cũng sẽ nhận lại những kết quả tích cực.
Tiến sĩ Norman Vincent Peale (3)
1. Willie Nelson: sinh 30.04.1933, là ca sĩ, nhạc sĩ huyền thoại của dòng nhạc đồng quê Mỹ. Ông nổi tiếng với phong trào nhạc đồng quê Outlaw (ngoài vòng pháp luật) vào những năm 70, tuy nhiên, với nền văn hóa Mỹ nói chung, ông vẫn được coi là một hình tượng mẫu mực.
2. Max Depree: một nhà văn người Mỹ, cuốn Leadership is an art của ông đã bán được 800.000 bản.
3. Norman Vincent Peale: sinh 31.05.1898, mất 24.12.1993, là tác giả cuốn The power of positive thinking (Sức mạnh của việc suy nghĩ tích cực), và là người khởi xướng học thuyết “suy nghĩ tích cực”.