Người có trái tim trên miền cao nguyên

Chương 15

Trong lúc việc làm khó kiếm ở San Francisco, sau một vòng qua các sở tìm việc, tôi thường lân la đến các sòng bạc ở Đường số Ba, chơi thử thời vận lai rai và hy vọng ăn được chút ít. Quả là một cuộc đấu tranh, vào thời buổi đó mà ăn được một vài đô cũng là khá lắm và cũng xoay sở được nhiều việc. Truyện này được ghi lại những gì xảy ra trong những ngày ấy. Và với nó, tôi ngờ rằng chưa phải là một truyện hay, vì rằng tôi viết theo những ghi chú rất tỉ mỉ, có thực, bằng nhiều kinh nghiệm, và bạn biết đấy, đây không phải là cách viết của tôi, khổ  vậy đó. Truyện lẽ ra phải hay hơn, nhưng biết đâu bạn đọc lại cho rằng tôi nhầm to cũng nên. (Dù sao, không phải là không thể có).

 

Uống bia trong tiệm Kentucky ở đường Số Ba, tôi gặp anh chàng Drew, có bố là dân Ăng lê và mẹ Ý, anh là phụ tá thợ máy, vừa mới xuống tàu, thẳng từ Úc đến. Anh là dân lai, cao, da ngăm ngăm, cằm bạnh và mặt dài như mặt ngựa. Giống đa số các thuỷ thủ mới lên bờ, anh có vẻ chưng hửng và bỡ ngỡ, dù tôi có nói gì thì anh cũng chưa hiểu ngay được. Anh phải mất đến ba mươi giây hoặc hơn nữa mới hiểu hết những gì đang nghe. Cứ như thể anh đang suy nghĩ một điều gì quan trọng, nhưng kỳ thực vì mới làm quen với đất liền, với phố xá, và những biến động của nó. Thật sự thì anh vẫn còn mang biển cả trong mình và rất cần thời gian để hồi tưởng lại đất liền. Anh không thích đất liền và đất liền cũng chả làm anh thú vị gì lắm. Anh đi biển từ năm mười bốn tuổi, và rong ruổi từ ấy đến nay. Anh gần bốn mươi nhưng trông như mới hai mươi, một sự thuỷ thủ như vậy đấy, họ sống cuộc đời khó nhọc, họ nhậu nhẹt, họ lên tàu đi biệt, họ ghé và lang thang trên những đường phố xa lạ, họ sống vội vàng, ấy thế mà họ vẫn trẻ măng. Drew là một trong số những người ấy, và chúng tôi với uống bia với nhau với tán chuyện.

Chúng tôi trở thành đôi bạn một cách tình cờ, theo cái kiểu thường xảy ra trong các quán rượu, và Drew bắt đầu nói về anh, từ buổi đầu như thế nào, cảm thấy bồn chồn, mơ mộng đến các thành phố, muốn lang thang đây đó, và đại loại những cái như vậy. quả thật là nhân vật của Joseph Conrad, một gã trẻ tuổi ở nội địa khao khát biển cả. Tôi nói là tôi hiểu cảm biết ra sao. Vì năm mười lăm tuổi, chính tôi đã từng đi theo một đoàn hát xiếc, nhưng ở tôi thì lại bị một hấp dẫn khác, sự duyên dáng của một cô gái phi nước đại trên lưng ngựa. Một cái gì như vậy, hâm mộ kiểu trẻ con một điều gì khó xác định, một nửa đàn bà, một nửa ngựa. Nhưng cuối cùng tôi trở về nhà và quên béng chuyện đó. Một con ngựa là một con ngựa và một người đàn bà là..Ái chà chà, thằng con trai dễ dàng học hỏi trong một gánh xiếc. Thế là tôi trở về nhà và xin việc làm trong một hiệu tạp hoá. Bên trong lều của một gánh xiếc có vẻ là cả vũ trụ lúc đang diễn trò, nhưng khi buổi biểu diễn chấm dứt và lều chõng phông màn này nọ được hạ xuống thì không có chi tuyệt vời cho lắm, mọi người tất bật, các toa xe, các cột nghiêng ngả, những chú voi lững thững lầm lì, cứ cách một ngày lại tháo cả vũ trụ ra một lần, coi chẳng đẹp chút nào. Mọi sự trở nên vô thường quá, và sau một thời gian cái bồn chồn dữ tợn của loài thú rừng trở nên ghê sợ. Hoặc là vậy, hoặc là tôi không sinh ra để làm một người hát xiếc.

Tôi nói, dù sao tôi cũng hiểu Drew cảm biết ra sao. Chúng tôi uống thêm một ly bia nữa, và bỗng nhiên anh hỏi, Anh có biết gì về ngựa không? Tôi muốn cờ bạc đôi chút vì không có nhiều tiền, vả lại mùa đông cũng sắp đến rồi.

Thật là bàng hoàng hết cỡ, như người ta vẫn nói vậy. Những chuyện chúng tôi vừa nói, rồi bỗng nhiên xoay một trăm tám mươi độ nói sang chuyện này.

Tôi nói, tôi chả biết quái gì về ngựa.

Nhưng Mac nháy Drew và nói, Anh ấy là tổ tổ đấy.

Đầu óc Drew không được lanh lợi cho lắm, anh muốn biết tôi có đánh cá ngựa bao giờ chưa. Hình như anh chưa hiểu ý Mac vừa nói là gì. Tôi bảo anh là tôi chơi cá ngựa đều đều hơn bảy năm nay, tính ra tôi còn lời chút đỉnh. Drew nói, Hôm nay tôi cảm thấy hên. Tôi muốn đánh cá một chút cho máu huyết lưu thông lên…

Chúng tôi đến sân Đệ Nhất Nhạc Kịch, xuyên qua quán The Kentucky. Hôm nay là Belmont, vườn Arlington ở Chicago, và Tia Juana bên kia biên giới. tôi bắt đầu xem những phiếu đua ngựa để thăm dò lộ trình, độ cá, cân, nài, và đường đua nào xem cũng có vẻ tệ cả. Chả có cuộc đua nào để bắt độ: tất cả đều đồng tài đồng sức, ba con có thể thắng trong mỗi cuộc đua, và đua kiểu này không mấy hay. Tôi muốn chỉ một con thắng thôi, it ra là đến hai mình ngưa, thắng thua chênh lệch rõ ràng. Mục đích của tôi không phải là làm giàu cho bọn chủ trường đua, nhưng Drew lại nêu ra cái tên Chim Biển.

Anh nói, con ngựa này nghe hay đấy.

Tôi hỏi, anh nói hay nghĩa là sao?

Anh đáp, Cái tên, Chim Biển.

Tôi phải bụm miệng buồn cười không chịu được. Tôi thừa biết rằng Chim Biển chỉ là cái xác ngựa, vô giá trị. Nó chẳng thắng được một cuộc đua nào từ khi vào nghề đua, đã hai năm rồi. Chính tôi cũng thích cái tên đó, nhưng thường ngựa mang tên lạ tai chẳng mấy khi thắng cuộc, hẳn nhiên thỉnh thoảng cũng có người kiểu mèo mù vớ cá rán, trúng thưởng theo dự cảm. Tôi bảo Drew bỏ con ngựa ấy đi.

Tuy nhiên, vì thích cai tên nên anh đánh nửa đô chia đều cho ba hạng, cả thảy là một đô rưỡi, năm mươi xu về nhất, năm mươi xu về nhì và năm mươi xu về ba và Chim Biển về thứ tám trong chín con. Phải chi nó thắng thì Drew có khá tiền. Anh tự trách mình. Phải chi nó thắng, v..v…

Đoạn anh nói, Tôi thấy tên nó hay quá. Một con ngựa có tên kêu như thế mà lại chạy quá tệ.

Tôi nói, Nó có thể là một con ngựa đẹp nhưng không phải giống đua, cái loại chạy nhanh, hùng mạnh, cuồng loạn, cái loại biết vào cuộc đua như thế nào và quyết thắng.

Tôi nói, Tôi không thích con nào cả. Tôi không mấy thích và bảo anh là tôi không cá. Drew nói, thì cứ đề nghị thử coi.

Tôi hỏi anh có tiền không đã, và anh bảo là anh có mười hai đô. Anh nói anh đã ở thành phố bốn hôm rồi và đã mua một bộ quần áo, một đôi giày, và một ít thứ khác. Cũng nhậu nhẹt đôi chút và bây giờ chỉ còn mười hai đô. Tôi đề nghị anh nên giữ lấy và tạm quên mấy con ngựa đi, nhưng không, anh muốn cá một lần nữa, ít ra là một lần nữa.

Tôi đề ra con Bất-Khả-Chướng-Ngại.

Thế là Drew làm tôi ngạc nhiên nhớ đời. Anh hỏi, Chữ đó nghĩa là gì vậy?

Tôi nói, Nó có nghĩa là, nghĩa là không có gì ngăn cản làm trở ngại nó được. Mà anh có biết trở ngại nghĩa là gì không?

Drew nói anh không  biết.

 

Tôi hỏi anh, Này, chứ cái chữ đó nghĩa là gì thì ăn nhằm quái gì chớ?

Con này hay lắm. Nó phải thắng. Nó sẽ thắng nếu cuộc đua được tổ chức sòng phẳng, mạnh ai nấy chạy, không chơi trò ma nớp dàn cảnh.

Độ cá là sáu ăn một. Tôi bảo anh cá nó về nhất nửa đô rồi rút lui, dù thắng hay thua.

Drew cá con Bất-Khả-Chướng-Ngại về nhất hai đô, anh thật là một tay có máu me cờ bạc. Anh nói, Tôi thích con ngày, tôi tin nó sẽ thắng.

Giờ đây tôi hối hận vì đã đề nghị con ngựa đó  bởi vì nó đã thắng thật, và việc đó có phần biến Drew thành một gã du thủ. Chúng tôi rời trường đua và anh có vẻ nhớ ơn lắm. Anh nói mãi, chà, giá chi mỗi ngày ta được một lần như vậy, tôi hẳn sẽ sống qua mùa đông một cách đế vương. Anh nói, Mỗi trưa anh đến gặp tôi ở Kentucky được không?

Tôi bảo anh, Được, nhưng nếu anh biết khôn thì đừng quá tin vào ngựa. Không phải bao giờ cũng tốt đẹp vậy đâu. Có khi ta trắng tay cả một hai tuần là chuyện thường.

Ngày hôm sau anh lại rất hên. Tôi đề nghị cho anh một con ngựa thắng, và Pete, gã thợ máy thất nghiệp của hãng Nam Thái Bình Dương chọn cho anh một con, cũng thắng, rồi tự Dew cá theo kiểu dự đoán của anh cũng chỉ trật hai lần, nên chiều đến anh còn được ba đô.

Có thể nói anh đã mê lú mất rồi. anh mua cuốn sách Cẩm Nang Đua Ngựa để nghiên cứu, và anh bảo là anh sẽ đương đầu với nó một cách khoa học.

Hôm sau gặp lại, anh nói, Tôi đã tính ra cái mánh này rồi, bữa nay có đến tám con thắng.

Một ngày chọn được tám con thắng không phải là không được, nhưng tôi chưa bao giờ biết một ai cá được tám con thắng y chóc như vậy.

Tôi chẳng có ý kiến, và Dew cá tám con ngựa của anh, chỉ có hai con thắng, thành ra được quá ít. Chiều đến tổng kết thua mất bảy đô.

Sau đó anh từ tốn hơn, mỗi ngày chỉ cá một hay hai lần. khoảng hai tuần sau, anh thực sự cháy túi, tôi cho anh vay một đô.

Anh nói, Tôi đợi một chiếc tàu.

Tôi hỏi, Thế tàu anh làm sao?

Anh nói, Tàu về Úc cách đây năm ngày. Tôi mất việc, họ kiếm được một phụ máy khác rồi.

Một tháng trời tôi không gặp lại anh. Rồi anh vẫn tiếp tục nhào vào Sân Đệ Nhất Nhạc Kịch một cách đặc biệt, khiến tôi biết anh đang khấm khá.

Anh nói, Tôi nhận sơn nhà, mỗi ngày có được sáu bảy đô.

Anh mặc một bộ đồ mới toanh, và người anh nồng mùi sơn.

Tôi hỏi,  Bộ bỏ biển rồi sao?

Anh nói, Dĩ nhiên, bảy đô một ngày là khớ quá đi chứ.

Anh đánh cá nhanh ba lần, kiểu những anh chàng hào hiệp lắm tiền với nhiều may mắn, và anh thua.

Tuy thế, anh lại cảm thấy khoái chí quá.

Anh nói, tôi nghĩ là tôi sẽ thua, tôi chỉ muốn tìm hiểu cho hết nhẽ mà thôi.

Tôi nói, Buồn cười nhỉ? Bao nhiêu vậy?

Anh nói, Mười bảy đô.

Rồi anh vội vã bỏ đi.

Khoảng sáu tuần sau, gặp lại, tôi biết anh không còn sơn nhà nữa và túi cũng  vơi dần, lác đác năm sáu đô gì là cùng.

Anh không mặc đồ mới toanh và không ra vẻ nữa. Anh dè dặt về tất cả mọi sự. Anh nhìn những bảng chỉ hành trình một cách ngụ ý rằng anh không muốn đánh cá nữa, chỉ đến xem có đúng như anh tin là mình sẽ thua không, anh muốn đánh và được, mặc dù anh khá chắc chắn rằng cá ngựa nào đi nữa anh cũng thua thôi, với lại anh có tiền đâu để mà thua. Nhìn các bảng hành trình như vậy trông anh hoang mang, bối rối và lo âu. Quá nhiều chuyện có thể xảy ra. Anh có thể cá con Will Colinet hai ăn một mà hẳn phải thắng, và cũng có thể thua lắm chứ, và con Sao Sáng sáu ăn một, con phải về hạng bảy sẽ thắng, hoặc anh có thể thắng con Sao Sáng lẫn con Will Colinet đều thắng, bất chấp ngựa nào rồi anh cũng thua. Anh nhìn bảng hành trình và cố quyết định.

Rồi anh rời khỏi bảng hành trình và chúng tôi đâm sầm vào nhau.

Có gì hên không? Tôi hỏi nhưng không có ý nói về ngựa.

Anh nói, Chưa cá, tôi không quyết định được.

Anh quanh quẩn cho đến khi mãn cuộc mà không cá một độ nào, và tôi biết rằng gia tài của anh còn rất hẻo.

Quá nhiều việc có thể xảy ra, anh bắt đầu lo sợ cho mình. Anh chỉ tin có mỗi một việc: ấy là anh sẽ thua sạch sành sanh.

Hôm sau anh bận rộn suốt ngày, nghiên cứu các bảng hành trình và dọ dẫm các thành tích của ngựa, nhưng chiều đến anh cũng không đánh cá. Sau mỗi cuộc đua, anh sững sờ vì rằng thấy mình không đủ cảm quan để bắt những con thắng. Và chiều đến, cái việc mất khả năng chọn những con thắng cuộc để trở nên giàu có làm anh chán ngán, và anh đâm ra bối rối  đến không đánh cá nổi, dù là nửa đòn.

Và hôm sau nữa cũng vậy. Tất cả những cuộc đua đều xong, những con ngựa thắng đã về đích, và anh vẫn không thu hay chi một xu nào, anh thẫn thờ vì anh không dám quyết định phải chấp nhận sự thách thức của cái có thể, được hay là cháy túi, một trong hai việc đó còn hơn là cố lê lết mỗi ngày với vài mươi xu, ăn uống xoàng xĩnh lấy lệ, và chui vào một căn phòng tồi tàn, ngủ vùi lấp.

Cứ thế mỗi ngày anh càng tệ hơn, sợ không dám quyết định, xài tiền kỹ càng chắt bóp, tội nghiệp. Và giờ đây chắc chẳng còn gì, nên tôi đưa anh đến một nhà hàng Ý, đãi anh một chầu thịnh soạn ra trò.

Anh nói, Tàu tôi cách Frisco ba ngày đường.

Tôi biết anh cảm thấy thế nào. Anh cảm thấy thống khổ phải chui rúc trong một thành phố thối tha, nương nhờ những rác rến, không việc làm, mòn mỏi vì những khả dĩ vô cùng của một biến cố, một cuộc đỏ đen, trong khi tàu anh chỉ cách Frisco ba ngày đường, những con người lênh đênh trên Thái Bình Dương, đang làm việc, những công việc giản dị để đưa tàu cập bến, đem lại những biến cố tốt lành, không như một cuộc đua ngựa, nhưng một chiếc tàu từ một thành phố, một lục địa khác, và việc đó không có hai cách, quanh tàu là biển cả xanh ngắt, trên bầu trời thanh sạch cùng cái dung dị vận hành của thời gian, đêm đến ngủ ngon với tiếng sóng dìu dặt, những lời nỉ non của biển, và đầu óc thảnh thơi biết chừng nào.

Hôm sau anh nói thật với tôi là anh đã nhẵn túi, tôi bảo anh là tôi sẵn sàng cho anh vay một ít để tiêu dùng hàng ngày, và tôi cho anh vay.

Một vài ngày sau đó, chiếc Texan cập bến, anh xuống tàu nói chuyện và được nhận lại việc làm. Họ bảo là anh đã để lỡ mất một chuyến du hành tuyệt vời nhất. Khi anh đến Sân Đệ Nhất để trả tiền mượn cho tôi, anh nói, Cuộc hành trình mà tôi bỏ lỡ này, vì cá ngựa và sơn nhà, là một trong những cuộc hành trình tuyệt nhất của Texan. Rời khỏi Sydney bốn ngày họ gặp một cơn bão lớn, tàu tròng trành dữ dội, mọi người phải đứng mà ăn và cà phê có thể chao đổ khỏi tách khi mình đang hớp, không ai có thể yên trong giường mà ngủ, thế rồi biển lặng, lặng như tờ, ánh mặt trời và những cơn gió ấm, và các bàn ăn được dọn ra tề chỉnh không thua gì nhà hàng, dễ chịu làm sao ấy.

Thế rồi tôi biết nó ra sao. Đó là cái loại thách thức mà anh không thích: Nó là thứ giả mạo. Một nguỵ tạo. Tước hết, nó không nhất thiết thế này hay thế kia, và chính vì thế mà anh không tài nào đoán ra cho được. Họ thách ta chọn một trong sáu hay bảy hay tám, chín hay mười, mười một hay mười hai con ngựa, và nếu ta chọn, ta đúng là thằng ngu, cho dù ta có chọn đúng đi nữa, còn nếu không chọn mà sinh lòng khoái hoạt thì đúng là một thằng ngu tối thượng, ôi tất cả đều ngốc nghếch thảm thương.

Dù sao, ai buồn bận tâm đến một cuộc đua ngựa? Và nếu ta thắng thì sao? Cũng vậy thôi, vì cái thách thức không đáng được nhận. Nhưng với biển cả, với hải hành, thì khác. Có nguy hiểm nhưng cũng vừa phải. Có bão tố, tàu có thể chìm, người có thể chết, nhưng việc đó có một ý nghĩa lớn. Khi biển dữ tợn cố chồm lên, ta thừa biết đang gặp hiểm nguy mà vẫn tiếp tục nhấm nháp cà phê trong tách đã cạn nửa, muốn thì tiếp tục ngủ và tàu cứ tiếp tục rẽ sóng.

Lướt tới, và ta thích nó ngay cả trong nguy khốn vì nó sạch, biển cả trong sạch và chỉ việc đó thôi cũng mang nhiều ý nghĩa dù cho tàu có chìm, và tất cả mọi người có chết đuối đi nữa cũng không sao, bởi vì việc đó sạch sẽ quá, và ý tưởng đó là một ý tưởng thanh cao tinh khiết tốt vời.