Và như vậy mà Hafid, lúc này đang chờ đợi người được chọn để nhận lãnh những cuộn da thông thái trong toà lâu đài lặng lẽ của ông. Người đàn ông già với chỉ một người quản lý tin cẩn là bạn, đã thấy mùa rồi lại mùa đi qua và tuổi già đã sớm bắt ông phải ngồi im một chỗ trong khu vườn nhà của ông.
Ông chờ đợi.
Ông đã chờ gần 3 năm kể từ ngày gia tài của ông được phân tán và thương quốc của ông tan rã.
Và rồi từ bên kia sa mạc, từ hướng Đông, một gương mặt gày gò của một người xa lạ tìm đến. Người này vào thành Damascus và tìm đường đi thẳng đến tòa lâu đài của ông Hafid.
Erasmus vẫn với dáng vẻ lịch sự, lễ độ đã thành thói quen, đứng yên bên cổng tòa lâu đài trong lúc người đàn ông kia nhắc lại: “Tôi muốn nói với ông chủ của ông.”
Bề ngoài của người lạ khó lòng tạo được sự tin tưởng. Đôi giày của anh ta rách nát, được cột lại bằng dây bện, đôi chân 96 đen đủi của anh ta đầy những vết trầy xước và anh ta khoác một chiếc áo dài cũ kỹ, dơ bẩn bằng lông lạc đà thô. Đầu tóc người đàn ông rối bù và đôi mắt của anh ta đỏ ngầu vì nắng gió.
Erasmus giữ chặt cánh cửa: “Anh cần gặp ông chủ của tôi có việc gì?”
Người xa lạ thả rơi chiếc túi cũ rách của mình xuống nền đất, chắp tay lại nài nỉ Erasmus: “Xin ông, người tốt bụng, hãy cho tôi được gặp ông chủ của ông. Tôi sẽ không làm gì tổn hại đâu. Tôi chỉ xin được nói vài lời và nếu ông chủ của ông không muốn nghe, tôi sẽ lập tức ra đi.”
Erasmus chần chừ, nhưng đã quen với cách xử sự bao dung của chủ nhân của mình, cuối cùng ông ta cũng chậm chạp mở rộng cánh cổng và hất đầu ra hiệu cho người xa lạ bước vào. Người quản lý già lặng lẽ quay lưng dẫn đường, ông đi thẳng ra vườn với người xa lạ theo sau.
Trong vườn nhà, Hafid đang ngồi mệt mỏi trên một cái ghế bành, mắt nhắm như đang ngủ. Erasmus chần chừ một chút rồi ho nhẹ, Hafid hơi nhấp nháy mắt. Erasmus lại ho và lần này Hafid mở mắt ra.
“Xin ông thứ lỗi, thưa ông. Có người muốn gặp ông.”
Hafid tỉnh hẳn, ông ngồi thẳng lên đưa mắt quan sát người xa lạ. Người này nói ngay: “Thưa ông, có phải ông chính là người được tôn xưng là Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới?”
Hafid hơi chau mày nhưng cũng gật đầu: “Ta đã được gọi như thế từ nhiều năm trước, nay ta đã già và không còn đáng được gọi như thế nữa. Ngươi muốn điều gì ở ta?”
Người khách đứng đó, nhỏ bé và nhếch nhác nhưng với một dáng vẻ hoàn toàn tự tin, trước mặt Hafid –người một thời 97 được tôn vinh là người bán hàng vĩ đại nhất thế giới. Tay chà chà trên bộ ngực còm cõi của mình, anh ta chớp chớp mắt trong ánh sáng dịu dàng của khu vườn, trả lời: “Tôi tên là Saul. Tôi từ Jerusalem trở về nơi chôn nhau cắt rốn của tôi ở Tarsus. Dù sao, tôi cũng xin ông đừng lầm tưởng vì bộ dạng của tôi lúc này. Tôi không phải kẻ cướp hay ăn xin. Tôi là một công dân của Tarsus và cũng là công dân La Mã. Tôi là một người thuộc dòng dõi Pharisees thuộc cộng đồng Do Thái của Benjamin. Tôi đã được học tập với Gamaliel vĩ đại, và tôi đã từng là một thợ may nhà bạt. Một số người gọi tôi là Paul.” Anh ta ngọ nguậy khi nói và Hafid lúc này đã hoàn toàn tỉnh táo, ông lịch sự mời người xa lạ ngồi xuống.
Paul gật đầu tỏ vẻ cám ơn, nhưng vẫn đứng yên: “Tôi đến với ông mong được hướng dẫn và giúp đỡ, chỉ có ông mới có thể giúp được cho tôi. Ông cho phép tôi kể lại câu chuyện của tôi?”
Erasmus đứng sau lưng người lạ, lắc đầu liên tiếp ra hiệu với chủ nhân của mình, nhưng Hafid làm lơ như không hay biết. Ông quan sát kỹ người phá rối giấc ngủ của ông một lúc rồi gật đầu: “Ta đã quá già để cứ phải ngước mặt lên nhìn anh. Hãy ngồi xuống chân ta và kể cho ta nghe câu chuyện của anh.”
Paul đẩy cái bị hành lý rách nát của mình sang một bên rồi quỳ xuống bên người đàn ông già đang ngồi im chờ đợi trong im lặng.
“Bốn năm trước, nhiều năm học hỏi và thu thập hiểu biết đã bịt kín con mắt của trái tim tôi trước sự thật. Tôi đã làm nhân chứng cho một cuộc ném đá ở Jerusalem. Người bị kết án ném đá là Stephen, một người thánh thiện. Ông ta bị kết tội chết bởi cộng đồng Do Thái Sanhedrin vì đã báng bổ Chúa của chúng ta.”
Hafid ngắt lời người lạ với vẻ bỡ ngỡ: “Tôi không hiểu, tôi dính líu gì đến những việc này?”
Paul giơ tay lên trấn an người đàn ông già. “Tôi sẽ giải thích. Stephen là tín đồ của một người tên là Jesus, người đã bị đóng đinh trên thập giá đến chết bởi người La Mã trước cuộc ném đá ông Stephen này gần một năm vì cùng một tội. Stephen bị kết tội vì ông này đã tin và rao truyền rằng người đàn ông tên Jesus chính là đấng Messiah, con của Thiên Chúa, đấng được các tiên tri Do Thái báo trước là sẽ đến. Và cộng đồng Do Thái đã bắt tay với người La Mã để giết chết người con này của Chúa. Sự việc bị cho là phỉ báng này khiến cho những người nắm quyền lực trong cộng đồng Do Thái chỉ còn có cách buộc tội chết cho Stephen và như tôi đã nói với ông, tôi đã nhúng tay vào việc này!
“Thêm nữa. Vì sự bồng bột của tuổi trẻ cộng với lòng mê muội, tôi đã nhận sứ mệnh từ các trưởng lão của nhà thờ Do Thái để đến đây, Damascus, truy bắt tất cả những ai tin theo người mang tên Jesus mang về Jerusalem để trị tội. Như tôi đã nói với ông, chuyện này xảy ra cách đây bốn năm.”
Erasmus liếc nhìn Hafid, ngạc nhiên khi thấy ánh mắt của chủ nhân mình, một ánh mắt mà đã nhiều năm rồi người quản lý già không còn được nhìn thấy. Chỉ có tiếng nước nhỏ giọt từ hồ nước là còn có thể nghe thấy trong khu vườn tĩnh lặng cho đến khi Paul lại tiếp tục lên tiếng.
“Lúc đó tôi đang trên đường đi đến Damascus với ý định chém giết trong tim và sự căm hờn trong máu. Đang đi trên đường, bỗng một ánh sáng từ trên trời đổ xuống chói loà trước mắt tôi. Tôi nhớ lại là mình không hề hoảng hốt, chỉ bàng hoàng vì bất ngờ, nhưng biết là mình đang sụp xuống ở giữa đồng trống, mặc dù mắt tôi không thể nhìn thấy gì vì ánh sáng chói loà. Tôi vẫn có thể nghe và tôi nghe thấy một giọng nói 99 chừng như sát ngay bên tai: ‘Saul, Saul sao ngươi lại đuổi giết ta?”
“Người là ai?” Tôi hỏi lại, hoang mang.
“’Ta là Jesus.’ Giọng nói đó đáp lại tôi. ‘Người mà ngươi đang truy sát. Nhưng thôi hãy đứng dậy và đi vào thành phố, ngươi sẽ được biết mình phải làm những gì.’
“Tôi đứng dậy, mắt vẫn chói loà không còn có thể nhìn thấy gì. Tôi được những người đồng hành dắt đi và vào thành Damascus. Ở đó, tôi bị bỏ lại trong nhà một tín đồ của người đã bị đóng đinh trên giá treo, trong ba ngày tôi như hoàn toàn mất hết sức lực và không thể ăn uống gì được. Rồi một người tên Ananias đến gặp tôi, người này nói anh ta được một ánh sáng đến thăm và được lệnh hãy đến gặp tôi. Rồi anh ta đặt tay lên mắt tôi và tôi nhìn thấy trở lại. Tôi ăn, tôi uống và sức khoẻ trở lại với tôi.”
Hafid lúc này đã nhổm hẳn dậy, nghiêng người về phía người khách lạ thúc giục:
“Rồi sao nữa?”
“Tôi được đưa đến một đền thờ Do Thái, sự hiện diện của tôi như một người truy sát các tín đồ của Jesus làm những người ở đó hoảng loạn, nhưng tôi không kể đến họ mà xụp quỳ xuống cầu nguyện. Những lời nguyện của tôi đã làm cho họ ngỡ ngàng. Tôi công khai xác nhận, người đã bị treo trên thập giá chính là con trai của Thiên Chúa.
“Tất cả bọn họ nghi ngờ rằng tôi đang tìm cách lừa gạt họ, không phải tôi chính là kẻ đã từng gây ra bao thảm hoạ cho họ ở Jerusalem sao? Tôi không thể trấn an họ với sự thay đổi tận sâu thẳm trong tim mình, và nhiều người trong bọn họ muốn giết tôi. Vì thế tôi đã bỏ trốn và lên đường trở lại Jerusalem.
“Ở Jerusalem, những gì đã xảy ra ở Damascus lại lập lại. Không một tín đồ nào của Jesus dám đến gần tôi, mặc dù việc tôi khấn nguyện ở Damascus đã được lan truyền đến đây. Tôi tiếp tục cầu nguyện nhân danh của Jesus nhưng cũng không đạt được sự đáp ứng nào. Dù ở đâu tôi cũng làm cho người ta chán ghét bất kể tôi có nói gì. Cho đến một ngày khi tôi đang ở đền thờ, tôi ở ngoài sân đền xem người ta mua bán chim cu và cừu non dùng làm vật tế lễ. Tiếng nói đó lại đến với tôi.”
“Lần này tiếng nói đó nói gì?” không dằn được tính tò mò, Erasmus buột miệng hỏi. Hafid cười với người bạn già của mình rồi gật đầu ra hiệu cho Paul tiếp tục.
“Tiếng nói đó nói: ‘Ngươi đã có được thông điệp của ta từ bốn năm nay, nhưng ngươi vẫn không thể làm cho lời của ta được toả sáng. Ngay cả lời nói của Chúa cũng cần phải bán được cho con người để họ có thể lắng nghe. Ta đã không kể những câu chuyện ngụ ngôn dễ hiểu chăng? Hãy trở lại Damascus và tìm đến người được tôn xưng là Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới. Nếu ngươi là người có thể rao truyền lời nói của ta ra khắp thế giới, người đó sẽ chỉ cách cho ngươi.’”
Hafid liếc nhanh Erasmus trong lúc người quản lý nghĩ thầm: “Phải chăng đây chính là người mà chủ của ta vẫn chờ đợi bao lâu nay?” Người bán hàng vĩ đại nghiêng mình tới, đặt tay lên vai Paul: “Hãy nói cho ta biết về người mang tên Jesus này.”
Lúc này giọng nói của Paul hoàn toàn đổi khác, chúng sống động với một âm lượng và sức mạnh mới, anh ta kể lại về Jesus và cuộc đời của ông này. Hai người lắng nghe Paul nói về sự chờ đợi đã từ lâu của người Do Thái, họ tôn thờ và chờ đợi đấng Messiah, người sẽ đến và kết hợp họ lại trong một vương quốc độc lập mới của Tình yêu, Hạnh phúc và Hoà bình. Paul nói về John “người tẩy giả” và ngày đến của một người tên gọi Jesus. Paul nói về những phép lạ mà người mang tên Jesus này 101 đã làm, bài giảng của người này với những đám đông, làm người chết sống lại, xử sự với những người đổi tiền và rồi đến cái chết trên thập giá, được chôn cất và rồi sống lại của người này. Cuối cùng như để tăng thêm sức nặng cho câu chuyện của mình, Paul lấy bị hành lý của mình ra. Lấy ra một chiếc áo choàng mầu đỏ thắm từ đó. Ông ta đặt chiếc áo trước mặt Hafid:
“Thưa ông, ông sở hữu tất cả những hàng hoá từng có được của thế gian này, những thứ mà người mang tên Jesus này đã bỏ lại sau lưng. Tất cả những gì mà ông Jesus này sở hữu, ông ta đã chia sẻ với toàn thế giới, ngay cả cuộc sống của ông ta cũng vậy. Ở nơi giá treo, những người lính La Mã đã vứt chiếc áo choàng đẫm máu này cho đám đông. Và tôi đã có được chiếc áo thánh này sau bao nỗ lực tìm kiếm khi tôi còn ở thành Jerusalem.”
Mặt Hafid tái đi, tay ông run run ve vuốt chiếc áo dài đẫm máu. Erasmus sửng sốt vì biểu hiện của ông Hafid, ông đi lại gần ông chủ của mình. Hafid tiếp tục xoay chuyển chiếc áo dài trong tay cho đến khi ông nhìn thấy ngôi sao nhỏ thêu trên cổ áo… dấu hiệu của ToLa, người làm những chiếc áo mà ông Pathros bán ra. Cạnh bên ngôi sao nhỏ đó là hình một vòng tròn trong hình vuông… dấu hiệu của Pathros.
Paul và Erasmus yên lặng đứng nhìn ông Hafid chậm chạp úp mặt vào chiếc áo dài mầu đỏ thắm. Hafid lắc đầu. Không thể. Hàng ngàn chiếc áo như vầy đã được bán ra bởi Pathros trong những năm buôn bán của ông.
Vẫn mân mê chiếc áo trong tay, giọng vỡ ra, Hafid hỏi: “Hãy cho ta biết về những gì ngươi được biết về việc ra đời của ông Jesus này?”
“Ông ta rời khỏi thế gian này với hai bàn tay trắng. Ông đến 102 đây cũng vậy, không hơn gì. Ông được sinh ra trong một hang đá, nơi dùng làm chuồng gia súc ở Bethlehem trong thời gian kiểm kê dân số của Augustus.”
Nụ cười của Hafid đầy vẻ ngu ngơ, hai người đàn ông ngỡ ngàng nhìn người đàn ông già khi thấy nước mắt tuôn chảy trên hai gò má nhăn nheo của Hafid. Ông ta nhìn hai người một lúc rồi hỏi:
“Và có phải lúc đó có một ngôi sao sáng rực, mà chưa bao giờ người ta từng nhìn thấy, mọc lên ở nơi mà đứa trẻ này đã sinh ra?”
Paul há hốc miệng không thể nói gì, và cũng không cần thiết phải nói. Hafid đứng dậy ôm lấy Paul và nước mắt của hai người đàn ông hoà lẫn vào nhau.
Cuối cùng người đàn ông già quay lại với Erasmus và nói: “Erasmus, hãy lên tháp lấy cho ta cái rương gỗ. Chúng ta cuối cùng cũng đã tìm được người bán hàng mà chúng ta chờ đợi từ bao lâu nay.”
***