Bờ hồ xanh biếc gợn sóng, mái đình giữa lòng hồ ngói xanh cột đỏ, bốn góc mái nhọn cong vút lên, tựa như một con chim én đang chuẩn bị bay vút lên trời. Chủ điện to lớn nguy nga, có tiền đường, chiếu bích, hồi lang, trung đường, hoa viên trong tứ hợp viện, hậu đường, vườn hoa phía sau, vườn phụ, phòng ốc kề nhau san sát, vườn uyển uốn lượn, thật đẹp đẽ hào hoa vô cùng.
Trước cửa là một tảng đá xanh to lớn, phẳng lì. Bên dưới đó có cống thoát nước, thông thẳng ra đến con kênh cách cổng trước của phủ Uy Quốc Công không xa. Có một cây cầu bắc qua con kênh đó, nối liền hai tòa phủ đệ với nhau. Với một tòa am đường mà nói thì sử dụng hán bạch ngọc để làm kiến trúc cơ bản; sử dụng một tấm bia cửa cao đến hàng trượng thì chỉ e là có phần quá phô trương. Nhưng Ngụy Bân Ngụy Công công đã nói qua rồi, đây đều là những nguyên vật liệu gỡ ra từ Huyền Minh Cung để mang tới đây, cũng đâu thể đập nát ra làm thành từng món nhỏ được, hao tiền hao sức của nhân dân từ đâu mà thành đây?
Ngụy Công công, một trong bát hổ của năm nào, giờ đây lại biết lo cho dân cho nước như vậy thì Dương Lăng còn gì để nói cơ chứ? Chỉ đành mặc kệ ông ta muốn làm gì thì làm. Trước cửa Hoàng am là một con sư tử đá cao to vô cùng, cũng là được mang từ Huyền Minh Cung tới đặt ở đây. Nếu như cưỡi trên lưng ngựa mà nhìn thì còn không thể nhìn thấy cái bờm của nó đâu, vì cái bệ để đặt nó quả thật quá cao lớn.
Tòa Hoàng am này vẫn chưa thi công xong, vẫn còn nhìn thấy đám thợ làm công đang ra ra vào vào vận chuyển đồ đạc. Dưới gốc cây bạch quả nghìn năm tuổi mới được đem từ nơi khác về trồng ở bên cạnh cửa có ba người đang ngồi ở đó, bên cạnh có đặt một chiếc bàn, trên bàn có ấm trà và bát để uống. Ba người đó đều mặc áo vải xanh bình thường, ngồi trên chiếc ghế nhỏ vừa uống trà vừa nói chuyện. Nhìn bộ dạng của họ thì chắc có lẽ là đám đốc công.
Những người thợ làm ở đây đều phụ trách những phần công việc khác nhau. Người thì phụ trách lầu đình, người thì phụ trách điện vũ, người thì phụ trách giả sơn, người thì phụ trách chăm sóc hoa cỏ, mỗi người một phần công việc khác nhau. Vì vậy nên đám thợ không biết ba người đó cũng không có gì là lạ. Nhưng khi đi ngang qua mặt bọn họ thì ai nấy đều cố gắng tỏ ra vẻ đang làm hết sức.
Ba người đó, một lão nhân tóc bạc và để râu, gương mặt nhân từ thân thiện; một công tử trẻ tuổi, mũi cao miệng rộng, đôi mắt sáng tựa như sao; còn có một người trắng trẻo nõn nà, gương mặt tuy không cười mà như cũng đang có ý tươi vui, tuy đã ngoài năm mươi tuổi nhưng dưới cằm không có đến một sợi râu, xem dáng vẻ tựa như một và lão nhân từ.
Một người đàn ông rách rưới nghèo đói đi quanh quẩn ở đó một hồi, sau cùng mới lấy hết dũng khí tiến lại gần chỗ ba người đó, cười nói:
- Ba vị lão gia, ở đây... có còn tuyển thêm thợ không?
Gã nhìn thấy người đàn ông không có râu trông dáng vẻ hiền lành nhất nên khi nói chỉ hướng về phía người đó. Không ngờ rằng lão nhân xem ra vô cùng thân thiện và không có râu đó tức thì sa sầm mặt, đanh giọng nói:
- Ừm! Ở đây sắp hoàn thiện rồi, không còn cần thêm thợ nữa.
- Ồ ồ, cảm ơn lão gia!
Đôi vai của người đàn ông đó trùng xuống, đáp lại một cách thất vọng.
Gã đang tính quay người bước đi thì chàng công tử trẻ tuổi đột nhiên cười nói:
- Nhị ca, huynh là người Sơn Đông?
Người Sơn Đông khi gặp mặt nhau, nếu là người đàn ông không quen thì sẽ không như những tỉnh khác gọi là đại ca, bọn họ sẽ gọi là nhị ca. Nghe nói đó là vì ở Sơn Đông có hai đại nhân vật nổi tiếng khắp vùng, một văn một võ, hai người đó đều xếp thứ hai trong gia đình. Hai đại nhân vật đó đương nhiên là Khổng phu tử và Võ Tòng.
Gã đàn ông nghèo đói đó thấy chàng công tử gọi mình là nhị ca thì bất giác thấy vui mừng và kinh ngạc lắm, lại cứ ngỡ là đồng hương Sơn Đông bèn vội vàng cười đáp lại:
- Vâng, tôi là người Sơn Đông.
Nói đoạn trong ánh mắt của gã lại gợi lên những tia hy vọng. Mong rằng chàng công tử này nể tình đồng hương mà sắp xếp cho gã một vị trí nào đó.
- Ồ... ở vùng nào Sơn Đông vậy?
- Liêu thành, Đông Xương phủ.
- Là Liêu thành sao, hà hà, mời ngồi, ngồi xuống cùng nói chuyện.
Gã đàn ông nghèo đó không dám ngồi xuống, cười nói:
- Không dám, tôi đứng hầu chuyện cùng công tử và các vị lão gia là được rồi.
Chàng công tử trẻ tuổi đó cũng không miễn cưỡng gã, mỉm cười và nói chuyện với gã một hồi lâu. Hóa ra tổ tiên của người này là người vùng Sơn Tây, thời Thái tổ mới di dân đến Sơn Đông.
Công tử đó cười nói:
- Ha ha, nếu như không có Hồ Đại Hải và đám nhạn bay về hướng Đông thì nhị ca huynh chắc là vẫn ở quê cũ Sơn Tây thôi phải không.
Gã đó nghe xong cũng vui vẻ cười đáp lại:
- Thì đúng là như vậy mà, nói vật thì chắc công tử ngài cũng cũng là đồng hương với tiểu nhân chăng?
Chàng công tử mặc áo xanh đó chỉ cười không nói gì.
Vậy ra năm xưa đã có biết bao nhiêu di dân Sơn Tây ngậm ngùi bỏ quê hương bản quán, bị ép buộc phải rời đi, chính vì vậy nên đem lòng thù hận triều đình. Rõ ràng là vì chiến loạn khiến cho người chết không kể xiết, nhưng bách tính di dân lại đi thêu dệt thành một câu chuyện khác. Nói rằng thuộc hạ dưới trướng Chu Nguyên Chương có một đại tướng tên là Hồ Đại Hải, năm xưa khi phải đi hành khất ở Hà Nam vì bộ dạng xấu xí nên chẳng có mấy người đồng ý bố thí cho y, ngược lại còn phải chịu không ít những lời lăng nhục. Hồ Đại Hải ở Hà Nam đã phải chịu không biết bao nhiêu là khổ nhục, vậy nên trong lòng ôm hận.
Sau này y đầu quân cho Chu Nguyên Chương, liên tiếp lập công, trở thành một đại tướng quân. Sau khi Chu Nguyên Chương đăng cơ thì bèn phong thưởng cho các tướng lĩnh. Hồ Đại Hải chỉ xin được cho phép y quay về Hà Nam để báo thù. Chu Nguyên Chương bèn hạ chỉ cho phép y về Hà Nam, trả thù mối thù xưa.
Khi Hồ Đại Hải đến Hà Nam thì nhìn thấy trên trời có một hàng nhạn chim nhạn bay ngang qua, trong đầu bèn nảy ra một ý nghĩ, y bắn một mũi tên vào đuôi chim nhạn để nó mang theo mũi tên mà bay đi, mũi tên đi tới đâu thì Hồ Đại Hải sẽ giết tới đó. Chim nhạn bay từ Hà Nam đến Sơn Đông, Hồ Đại Hải chém giết đốt phá dọc một dải Hà Nam đến Sơn Đông, khiến cho cả một vùng đó trở nên hoang tàn ngàn dặm, bách tính chẳng còn lấy một ai, triều đình mới buộc phải di dân đến Sơn Đông.
Bách tính muôn dân muốn mượn câu chuyện này để giải tỏa nỗi bất mãn trong lòng của họ đối với triều đình. Nhưng câu chuyện về những người di dân, Hồ Đại Hải và chim nhạn bay về hướng Đông đều là những chuyện đại kỵ. Tuy quan phủ không quá khắt khe với những câu chuyện truyền miệng như thế này, nhưng mọi người cũng chỉ dám truyền tai nhau chứ không có người nào dám công khai kể câu chuyện này ra. Hơn nữa câu chuyện này chỉ có những người bản địa Sơn Đông mới biết, vị công tử mặc áo xanh này ban nãy nói đùa với gã như vậy thì ắt hẳn cậu ta là đồng hương của gã rồi.
Gặp được đồng hương nơi đất khách quê người, cảm động nước mắt rưng rưng hai tròng. Gã đàn ông nghèo khó đó tức thì cũng trở nên thân thiện hơn, thái độ cũng trở nên tự nhiên hơn, gã thuận tay kéo một chiếc ghế nhỏ và ngồi xuống nói chuyện vui vẻ với chàng công tử đó.
Khi Bạch Y Quân nổi loạn ở Sơn Đông, gã bèn dắt theo cả nhà lớn bé già trẻ trở về Sơn Tây. Nhưng tuy nói tổ phụ luôn nhắc đến địa danh đó, nhưng dù gì thì cũng đã rời đi hơn trăm năm rồi, giờ còn lấy đâu ra một người họ hàng thân thích cơ chứ? Không lẽ lại đi nương nhờ người khác sao? Hơn nữa Triệu Toại đang ở Sơn Tây, nơi đó cũng chẳng được yên ổn. Vậy nên cuối cùng thì gã đưa cả nhà vào Kinh.
Chàng công tử mặc áo xanh cười hỏi:
- Triệu Phong Tử nha, nghe nói y ở vùng Sơn Tây không hề công thành cướp trại, mà lại chạy trốn vào Trung Điều Sơn chiêu binh mãi mã, thật có chuyện đó sao?
- Đúng là như vậy. Triệu Phong Tử không lưu manh vô lại như đám Dương Hổ. Y không đi các nơi càn quét cướp bóc, cũng không làm ra những chuyện đại loại như công thành phá trại, chém giết bừa bãi; lại cũng không dựa vào việc mở kho phát lương để thu hút nạn dân. Nghe nói y mở phủ xây nha môn ở trong núi sâu, luyện binh mãi võ, lại còn chiêu nạp lưu manh tứ xứ về trồng trọt. Nay Hồng Nương Tử cũng đã đầu quân về chỗ y.
- Bọn chúng ấy mà, nếu nói là thổ phỉ thì không giống thổ phỉ, còn nếu nói không phải là thổ phỉ thì lại chẳng có chút liên quan gì đến quan binh hết. Tiểu nhân cảm thấy bọn chúng hành động như vậy có cái gì đó không đúng nên mới không dám gia nhập.
Vị công tử đó cười hà hà rồi nói:
- Nhị ca, huynh làm như vậy là đúng rồi. Ừm... Kinh thành có quá nhiều người lưu lạc, muốn tìm được một công việc không phải là dễ. Tuy Sơn Đông đã ổn định lại tình hình, nhưng vụ xuân năm nay đã gặp phải nạn giặc loạn Bạch Y Quân, từ sớm đã bỏ qua vụ mùa, nay người dân tha hương có quay trở về Sơn Đông thì nha môn cũng chưa chắc có nhiều lương thực như vậy để mà cứu tế.
- Vâng, công tử nói đúng lắm, nếu không phải vì thế thì sao tiểu nhân lại không quay về đó cơ chứ?
Gã đàn ông nghèo dứt lời, mặt mày buồn bã tiu nghỉu nói tiếp:
- Nhưng quay về không còn đường sống, ở lại Kinh thành cũng không tìm được công việc để làm, vợ con gia đình của tiểu nhân làm thế nào mà sống được đây?
- Để ta chỉ cho huynh một con đường sống, huynh thấy sao?
Vị công tử đó trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Nay triều đình đang khai phá Liêu Đông, xây dựng nông trại, có bao nhiêu người tham gia thì cần bấy nhiêu người. Nơi đó đất đai màu mỡ vô cùng, chỉ cần gieo hạt giống xuống là đến mùa thu có ngay một vụ bội thu. Rừng núi là nơi tốt nhất để nuôi dưỡng con người mà, nào những là gà rừng, hươu béo, thỏ rừng, đôi khi chỉ cần đi dạo trong bụi cỏ thôi cũng có thể bắt được cả một bầy ngay. Huynh ở lại Kinh thành đi làm công, kiếm được từng đó để ấm bụng, nhưng có thể nuôi được cả đời chăng? Theo ta thì nên đi tới vùng Quan Đông, chưa biết chừng còn có cơ đổi đời.
- Đi tới vùng Quan Đông?
Gã đàn ông nghèo tức thì do dự suy nghĩ.
Vị công tử đó khẽ thở dài một cái rồi nói tiếp:
- Nếu huynh chỉ có ý định đi làm công kiếm miếng ăn qua ngày thì kỳ thực có thể ở lại đây tiếp tục sống như vậy. Nhưng còn con cái của huynh thì sẽ ra sao? Huynh định để cho bọn chúng sau này trưởng thành cũng đi theo con đường như cha chúng hay sao? Ở Liêu Đông trồng trọt, săn bắn, làm việc trong xưởng thuyền, nông trại, thậm chí là những công việc buôn bán nhỏ trong chợ đều được coi là những công việc đàng hoàng. Cố gắng vài năm tích lũy cho con cái một sản nghiệp rồi dựng vợ gả chồng cho bọn chúng, sinh ra những đứa cháu bụ bẫm đáng yêu, như vậy có phải tốt biết bao nhiêu không?
Đó là nơi nhận được sự quan tâm của triều đình, đi tới đó sẽ được cấp nhà ở, cấp lương thực, hơn nữa huynh còn không phải tự lo lộ phí. Cổng thành phía Bắc đang dựng một cái trại “Tình nguyện đăng ký di dân”, huynh tớ đó báo danh, quan gia sẽ sắp xếp thuyền bè đưa mọi người trong nhà huynh đi, dọc đường đi họ lo chu cấp thức ăn và chỗ ở. Huynh thấy sao?
Vì con cái, lý do này quả thật đã khiến cho gã phải rung động, suy nghĩ môt lát, gã tét đùi một cái quả quyết:
- Công tử nói đúng lắm. Tiểu nhân đã sống cuộc đời ăn mày cực khổ thì không để cho con cái của mình sau này cũng theo bước cha chúng được. Công tử ban nãy nói là ở cổng thành phía Bắc phải không? Tiểu nhân... có đến năm đứa con, chẳng hay nha môn có chịu nhận chúng tôi không?
Vị công tử đó nghe thấy thế buồn cười quá bèn đáp lại:
- Yên tâm đi, huynh chỉ cần đi báo danh là được rồi. Chút lương thực cho cả gia đình huynh triều đình vẫn có thể lo được. Nhưng đến nơi đó rồi thì tất cả phải dựa vào sức của mình lao động để mà có được. Muốn kiếm được tiền thì buộc phải chịu khổ.
Gã vỗ ngực kêu lên thành tiếng rồi cảm kích đáp lời:
- Xin công tử ngài yên tâm, tiểu nhân có sức khỏe và cũng không tiếc sức lực của mình. Giờ tiểu nhân sẽ đi báo danh, sau này nếu như tiểu nhân có cuộc sống tốt hơn thì cả đời này sẽ ghi nhớ ơn của công tử.
Chàng công tử nhìn theo bóng dáng gã đàn ông nghèo đang vội vội vàng vàng rời đi đó khẽ mỉm cười.
Những di dân đăng ký đi đến Nô Nhi Can Đô Chỉ Huy Sứ Ti lúc này đã vào đến đất Hắc Long Giang.
Nô Nhi Can Đô Chỉ Huy Sứ Ti là vùng đất thuộc Hắc Long Giang mà triều đình Đại Minh trực tiếp quản lý, là nha môn cao nhất của lưu vực Ô Tô Lý Giang. Phạm vi thuộc địa bắt đầu từ sông Oát Nan (nay là sông Ngạc Nộn), phía Bắc tới tận bên ngoài Hưng Yên Lĩnh, phía Đông ra đến tận Đại Hải, phía Nam tiếp giáp với sông Đô Môn, Đông Bắc vượt hải mà có Khố Hiệt Đảo. Vùng đất đó là nơi sinh sống của các tộc người Mông Cổ, Nữ Chân, Cát Lý Mê, Khổ Di, Đạt Oát Nhĩ v.v... đa số đều đánh bắt cá để mưu sinh, đại bộ phận đều là thần dân của Đại Minh.
Chư vệ phương Bắc bị Nữ Chân tam bộ và Đóa Nhan Tam Vệ xâu xé. Vùng Nô Nhi Can bị Hải Tây Nữ Chân, Dã Nhân Nữ Chân và Thẩm Dương Vệ phân chia. Thẩm Dương Vệ và Liêu Đông Vệ bị Kiến Châu Nữ Chân và Đóa Nham Tam Vệ tranh giành.
Hiện tại thế lực của những bộ lạc này đang ngày càng yếu đi, hơn nữa cũng chưa có mưu đồ phản Minh. Giữa các Vệ Sở với nhau vẫn chưa có sự liên hệ với nhau, chỉ cần bọn chúng liên kết lại với nhau thì thế lực sẽ càng ngày càng lớn mạnh hơn, từ đó sẽ sinh lòng tạo phản. Đến lúc đó thì vài đại quân doanh bám trụ tại đây ngay lập tức sẽ bị cô lập, bao vây và bị tiêu diệt.
Bước đầu tiên trong kế hoạch di dân của Dương Lăng chính là chuyển thật nhiều người Hán đến Nô Nhi Can Đô Ti, mảnh đất lùi về phía Bắc nhất của triều đình Đại Minh. Số lượng di dân người Hán ngày càng nhiều sẽ làm thay đổi được kết cấu dân tộc trong khu vực Nô Nhi Can Đô Ti, đồng thời cũng sẽ nâng cao một cách đáng kể sức ảnh hưởng của triều đình đối với vùng đất đó.
Hơn nữa Nô Nhi Can Đô Ti nằm sát cạnh Hải Tây Nữ Chân, là bộ tộc lạc hậu nhất trong số ba tộc Nữ Chân, bọn họ chỉ biết đến săn bắn và bắt cá. Những di dân người Hán biết làm ruộng, trồng trọt, để có thể đồng hóa được cuộc sồng bầy đàn nguyên thủy của các bộ tộc Nữ Chân này quả không phải là chuyện dễ dàng gì.
Một mẫu đất có thể thu hoạch được bao nhiêu lương thực? Một mẫu đồng cỏ có thể nuôi sống được bao nhiêu con bò con dê? Những người dân lạc hậu này không phải là những kẻ ngốc, bọn họ chỉ là không suy nghĩ quá nhiều, ngược lại chỉ cần biết đến những món lợi thực tế mà thôi. Chỉ cần việc làm ruộng trồng trọt, chăn gia súc có thể mang đến cho họ nhiều lợi ích hơn thì dân tộc của những kỹ sĩ dũng mãnh thiện chiến bẩm sinh này trải qua hai thế hệ sau sẽ trở thành những người nông dân trung thành chất phác bậc nhất của triều đình Đại Minh.
Ở đây từ sớm đã có những người dân tha hương cầu thực tìm đủ mọi cách để đến được nơi này, còn đây là lần đầu tiên quan phủ tổ chức một cuộc di dân với quy mô lớn như vậy, sau này ắt hẳn những cuộc di dân như thế này sẽ liên tiếp diễn ra...
Trên dòng Hắc Long Giang khí thế hùng vĩ ngút trời này, có đến hơn mười đại thuyền đang ngược sóng ngược gió lướt như bay đến gần. Bên trái là đại bình nguyên rộng lớn ngút ngàn, gió thổi nhè nhẹ, dập dờn những thảm cỏ xanh trải dài một màu xanh ngắt như những con sóng. Bên phải là rừng đại ngàn nguyên thủy vô cùng cô tận.
Những cánh rừng nguyên thủy nhìn từ đằng xa tựa như những chiếc nấm màu xanh mọc lên trên đại bình nguyên rộng lớn, nhưng khi đến gần nhìn thì mới phát hiện ra rằng những gì nhìn thấy được đều là những cây cổ thụ khổng lồ cao hơn mười trượng, cây tùng, cây phong, cây bạch dương, cây sồi... mọc xen kẽ san sát bên cạnh nhau, có những cây phải cần đến sáu bảy người mới có thể ôm được trọn thân cây.
Khi thuyền dừng lại đôi lúc để cho những người trên thuyền lên bờ giải quyết vệ sinh cá nhân, bọn họ được đặt chân vào khu rừng nguyên thủy chưa từng có bất cứ một ai trước đó từng tới, khắp nơi tràn ngập những rau dại, tổ ong, bướm bay lượn vòng quanh, nấm, quả hạt dẻ, vô vàn các loại cây quả dại. Đôi lúc vô ý còn giẫm phải những tổ trứng của chim cút hoặc trứng gà rừng.
Ở đây có rất nhiều thú săn, điều khiến cho bọn họ cảm thấy thích thú nhất chính là những con hươu rừng, bọn chúng dường như chưa từng nhìn thấy người bao giờ. Nhìn thấy những sinh vật khác lạ ở trước mắt, bọn chúng không quay đầu chạy đi luôn mà cứ đứng ngây ra đó nhìn một cách lạ lẫm. Chỉ cần mang theo một quả hạt dẻ đi tới trước mặt bọn chúng là đã có thể tóm gọn được một con rồi. Đám hươu đó từ sau khi có con người đặt chân tới đã có thêm một biệt danh nữa đó là: Hươu ngốc. Nhiều năm sau có người đã dùng cái biệt danh đó để ám chỉ những người ngờ nghệch.
Những con cá lớn trong dòng sông này họ cũng chưa từng nhìn thấy bao giờ, những con cá màu xám, trên người có những đốm đỏ, chỉ cần mở miệng ra là đã nhìn thấy những chiến răng sắc nhọn, nhưng thịt của bọn chúng là có mùi vị vô cùng đặc trưng, rất tươi ngon. Người lái thuyền nói lại với bọn họ rằng đó là cá hồi, loài cá này chỉ ở đây mới có.
Khi thuyền đi đến giữa lòng sông thì cùng với những đợt sóng dữ cứ lao đến tới tấp đập vào mũi thuyền, khiến cho cả con thuyền lắc thật mạnh. Thuyền trưởng đã xuất hiện với một đôi chân trần, tựa như một con cua vậy. Ông ta giẫm lên boong tàu đã bạc màu vì bị phơi nắng, đôi vai lắc lư nghiêng ngả, lảo đảo đi về phía đầu tàu, quay phắt người lại, hướng về phía khoang thuyền hỏi lớn:
- Trên thuyền có người Sơn Đông không?
Liêu Đông Vệ là quản hạt thuộc tỉnh Sơn Đông, vậy nên từ sớm những người có thể vượt Liêu Đông để di cư ra bên ngoài đại bộ phận đều là người Sơn Đông. Lâu dần ở đây lưu truyền một câu chuyện kể rằng Hắc Long Giang trước kia có tên là Bạch Long Giang, trong lòng sông có một con bạch long tính khí hung bạo sinh sống ở đó. Sau này có một Long thần mới đến, đó chính là con rồng cụt đuôi mà một người dân Sơn Đông nhà họ Lý sinh ra. Nó đánh bại bạch long và biến nơi đây thành động phủ của mình, từ đó nơi này chuyển tên thành Hắc Long Giang.
Chính vì thế nên khi thuyền đi tới đây, bất luận trên thuyền có người Sơn Đông hay không đều phải gọi lớn một tiếng lên như vậy. Còn những người trên thuyền thì bất luận có phải là người Sơn Đông hay không thì đều phải đáp lại một câu “Đúng”. Chỉ có như vậy thì con rồng cụt đuôi họ Lý đó mới biết được là có đồng hương đi qua đây, sẽ bảo vệ cho những người trên thuyền được thuận buồm xuôi gió, không lật thuyền. Đây chính là quy tắc trong nghề đi thuyền.
Những người trên thuyền đại bộ phận đều là người Sơn Đông, ngoài ra thì còn có cả người Hà Bắc, người Hà Nam, nhưng khi nghe thấy người lái đò hỏi như vậy thì tất cả bọn họ tuy giọng địa phương khác nhau nhưng đều không chút do dự đồng thanh trả lời:
- Có! Có tôi là người Sơn Đông!
Trên thuyền còn có vài vị hòa thượng, đạo sĩ và hai người giáo sĩ Tây Dương. Tin tức Đại Minh xây dựng giáo đường Tây Dương ở trong Kinh sư đã nhanh chóng được thông báo đến sứ thần các nước, loan tìn đến cả Lã Tống, Đông Doanh, có rất nhiều giáo sĩ Tây Dương vui mừng tới Đại Minh. Hai vị này đều hùng dũng xung phong đi đến đại sa mạc phương Bắc để truyền đạo bố thí.
Lúc khởi hành đã hỏi như vậy một lần, đến lúc vào lòng sông lại hỏi một lần nữa, những người ở trên thuyền đã quen với quy tắc đó rồi. Mấy vị hòa thượng và đạo sĩ đều mỉm cười không nói gì. Hai vị hòa thượng mắt xanh tóc vàng cũng quả biết nhập gia tùy tục, thấy vậy bèn nói lên mấy tiếng ngọng ngịu kỳ quái:
- Chúng tôi cũng hệ, chúng tôi hệ người Sơn Đông.
Người lái đò tạm thời này chính là Bành tướng quân Bành Tiểu Dạng, gã trừng cái đôi mắt to lồi như mắt ếch lên nhìn, giận dữ lườm một cái sắc lạnh gia đình lớn bé già trẻ của những người di dân, trong lòng thầm nghĩ: Mẹ nó chứ, đều là lũ ăn no phởn rồi phải không, hét to như thế để làm gì? Chúng ông mày chết cũng là chết ở Sơn Đông nhà chúng mày!
Gã ta quay người thuận tay kéo mái che lên nhìn đăm đăm về phía trước, trong lòng nghĩ thầm: Nơi đây còn cách Khả Mộc Vệ bao xa nữa đây? Dương đại nhân cũng thật tàn nhẫn mà, ta chẳng qua cũng chỉ là bắn một quả đại pháo thôi mà, cũng đâu có gây ra đại loạn gì đâu, có nhất thiết phải đầy ta đi xa xôi như thế này, sung quân đến cái chốn này không?
Nhưng ta không đi cũng không được. Phụ thân coi trọng kính phục Dương đại nhân nhất mà, ta không nghe theo lời Dương đại nhân thì phụ thân không chừng lột da ta ra chứ chẳng chơi à? Binh Bị Đạo Phó Sứ kiêm Tổng Đoàn Luyện Sứ, hai cái chức vụ này sao có thể oai phong bằng lúc trước làm Tướng quân được cơ chứ. Nhưng nghe nói rằng Thượng mã quản quân, Hạ mã quản dân. Ừm, quản cũng rộng đó chứ.
Nô Nhi Can Binh Bị Đạo không chỉ đơn thuần phụ trách việc chỉnh đốn sắp xếp quân bị. Đối với một khu bán quân sự như thế này thì nha môn của Binh Bị Đạo cũng phải phụ trách việc thu thuế, luyện tập quân đoàn, lương thực ngân tiền, thủy lợi, đất ruộng, buôn bán muối trà, quản lý dịch trạm thậm chí còn có cả hình danh, gần gũi bình ổn các bộ tộc địa phương, đập tan các âm mưu phản loạn. Nô Nhi Can Binh Bị Đạo chức quan này không chỉ quản lý tất cả các quan văn thuộc phủ, châu, huyện, mà đồng thời còn có thể tiết chế các võ quan của các đô ti, thủ bị, thiên tổng, bả tổng.
Nơi đây chính là cơ cấu hành chính cấp một của Nô Nhi Can Đô Chỉ Huy Sứ và hơn một trăm người bán quân bán dân ở đây. Đô Chỉ Huy Sứ vừa quản lý quân sự vừa quản lý dân sự. Một trọng trách lớn như vậy Bành Tiểu Dạng đương nhiên là không thể hoàn thành được rồi. Gã chỉ là một phân tuần đạo dưới cấp của Binh Bị Đạo mà thôi, chủ yếu là tập luyện binh mã thủy lục quân và tập luyện quân đoàn di dân mà thôi.
Triều đình phái Thiêm Đô Ngự Sử của Đô Sát Viện là Mã Luân nhậm chức Nô Nhi Can Binh Bị Đạo, tăng thêm hàm Tuần Phủ, chủ yếu quản lý nhưng đại sự quan chính dân chính quan trọng. Lại Khoa Cấp Sự Trung Dương Thận được cử đi nhậm chức Binh Bị Đạo Phó Sứ, chủ yếu quản lý dân chính. Bành Tiểu Dạng và hai viên tham tướng mà Đông Bắc Vệ Sở đề cử chủ yếu quản lý quân chính.
Bành Tiểu Dạng thoắt một cái lao đến bên mạn thuyền, ngồi lên trên lan can phía đầu thuyền, hai chân đong đưa, bọt sóng bay vùn vụt qua chân, thi thoảng lại có mấy con cá lớn dài chừng hai ma mét kinh hãi nhảy vọt lên khỏi mặt nước.
Bạch Tiểu Dạng mặt mũi âu sầu ôm lấy lan can, gương mặt đen to của gã áp vào cây trụ gỗ nhẵn nhụi bị nắng chiếu đến nóng bỏng, thở dài đánh thượt một cái thật mạnh: Bảo ta làm thủy sư thì cũng đành, lại còn bắt phải quản kỵ binh, luyện bộ binh, đây chỉ là một đám nạn dân thôi mà, lại còn bắt phải luyện tập đến mức độ lên ngựa thiện chiến, xuống ngựa rành chuyện nhà nông. Haizz! Ở những nơi khác thì coi binh là dân để quản lý, còn Dương đại nhân thì mặc nhiên coi dân là binh để tập luyện, khó quá đi thôi... Ta... còn học cưỡi ngựa trước đã.
Nhớ đến cưỡi ngựa, Bành Tiểu Dạng thót tim sợ hãi: Nếu sớm biết thế này thì ta đã không đi cùng A Đức Ny đến Đức Châu, đều là do đám phụ nữ gây chuyện mà... đều là do đống pháo đốt đó gây chuyện mà!
Gã ôm lấy cột cờ, ngón tay gõ cồm cộp từng hồi, buồn bã nhìn về cánh rừng phía xa, vẻ mặt u sầu.
- Mọi người đều tứ phương đôn đáo tìm công việc để làm, nhưng chưa từng nghe thấy chuyện quan viên tự nguyện di dân. Xem ra quan phủ vẫn còn cần phải thắt chặt thêm việc tuyên truyền cho lão bách tính mới đúng.
Một lão nhân quắc thước gầy gò vừa vuốt râu vừa cười nói. Người này chính là trí sĩ cáo lão hồi hương, tên là Lý Đông Dương, Lý Đại học sĩ.
Thanh Y Công tử Dương Lăng cười khà khà đáp lại:
- Dân vô gia cư không có nơi ở cố định, có một số người biết tin hơi muộn, ngoại trừ quan phủ, phu xe chèo thuyền. Khắp các nơi đều có sắp xếp người đi tuyên truyền. Hôm nay không gặp ta thì những người đó sớm muộn gì cũng nghe phong thanh được tin tức thôi.
Lý Đông Dương gật gật đầu, hơi chau mày lại nói:
- Di dân kiến nghiệp là việc cần phải được duy trì trong một thời gian dài, rất lâu sau mới có thể thấy được kết quả, đồng thời đó là những thành quả ổn định, ưu việt và toàn diện, có liên quan đến cả quân, chính, kinh, văn v.v... tất cả các lĩnh vực. Tương ứng với các vấn đề gặp phải khi thực hiện kế hoạch di dân là cần phải kịp thời có những chính sách liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong khoảng thời gian ngắn sẽ không có vấn đề gì.
Hiện nhiệm vụ cấp bách vẫn là phải bình định được nạn giặc thổ phỉ làm loạn. Triệu Toại khí thế đằng đằng tiến quân vào Sơn Tây nhưng lại tạo ra cái vỏ bọc muốn làm Sơn Đại Vương, án binh bất động, lại còn cho binh lính khai phá sơn điền. Theo ta thấy thì người này chí hướng không nhỏ đâu. Đám Lưu Lục, Lưu Thất, Dương Hổ hợp binh, ra khỏi Sơn Đông vào Hà Nam, tiến tới Hồ Quảng, rồi đến Nam Trực Lệ, dọc đường đi đều là thói ăn cướp ăn hϊế͙p͙ của lũ thổ phỉ. Hiện tại áng chừng bọn chúng có đến năm vạn binh mã, số đó đều là thiên quân vạn mã rèn luyện mà thành, chiến lực có thể mạnh hơn mười vạn đại quân của Dương Hổ.
Nay triều đình đã thực hiện trao trách nhiệm cho từng nơi, từng vùng phải chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho đất đai dân chúng của mình, không để cho bọn giặc thừa cơ lấn tới. Tuy bọn chúng không có một nơi cố định để xây dựng căn cứ nhưng nếu cứ tiếp diễn theo tình trạng như hiện giờ thì không biết sẽ còn bao nhiêu lão bách tính phải chịu cảnh khốn khổ lầm than. Chỉ cần bọn chúng vào được đến Trung Nguyên thì phạm vi để cho bọn chúng có thể vùng vẫy sẽ trở nên rộng lớn vô cùng. Quân binh triều đình có muốn truy kích tiêu diệt chỉ e là khó khăn không ít.
Dương Lăng gật đầu nói:
- Đại nhân nói phải lắm, bổn quan cũng muốn ra một đòn tiêu diệt sạch bọn chúng, nhưng đám giặc đó lại trốn tránh không đánh, đâu phải chúng ta muốn đánh là được đâu. Nhưng đội quân của bọn chúng có một nhược điểm lớn nhất đó là, quân lực và tướng lĩnh ở hai đầu đều có thực lực tương quan với nhau. Điều này thể hiện rằng giữa bọn chúng với nhau chỉ tồn tại mối quan hệ hợp tác cùng có lợi mà thôi, chứ không phải thực sự cùng sinh tử trên một chiến tuyến.
Bọn chúng chạy ngược chạy xuôi, lấy những thứ đánh cướp được để mà nuôi quân chiến đấu, ban đầu chúng thừa cơ nhân lúc triều đình không kịp trở tay mà hành động mới có được chút ít kết quả. Nhưng nay quân giặc đi đến bất cứ nơi đâu thì cũng đều vấp phải tình cảnh phòng thủ nghiêm ngặt, hoang vu sơ tàn, quân đội bảo vệ, truy binh theo sát, truy đuổi không ngừng. Bọn chúng không còn bất cứ một cánh quân nào được nghỉ ngơi dưỡng sức, liên tục phải chiến đấu trong một thời gian dài đã khiến cho bọn chúng đang ngày lao đến bờ vực diệt vong.
Dương Lăng nhìn thấy sự lo lắng trong cặp mày đang chau lại của Lý Đông Dương bèn an ủi mà nói:
- Một trận chiến đánh lưu động đằng đẵng vô đích như vậy thì cốt lõi là ở thực lực của nhau, không phải chỉ có thể dựa vào một hai viên tướng giỏi là có thể giải quyết được vấn đề. Vì bọn chúng không có được một mục tiêu cụ thể cho nên chúng ta cũng không có cách nào mà phán đoán được động thái phương hướng của bọn chúng để mà có phương án bủa vây. Hơn nữa tin tức trên chiến trường thì thay đổi theo từng phút từng giây, hoàn toàn chỉ có thể dựa vào sự chủ động chiến đấu của quan binh mà thôi.
Dương Lăng ngây người suy nghĩ một lúc rồi nhấc chén trà lên nhấp một ngụm, thở dài nói tiếp:
- Bọn chúng đang ở Giang Nam, Triệu Toại ở Sơn Tây. Theo tình hình hiện tại thì có vẻ như Triệu Toại đang là kẻ an phận nhất, nhưng ta lại có cảm giác chính bọn chúng mới có sức up hϊế͙p͙ đến triều đình lớn hơn rất nhiều đám Dương Hổ, Dương Lục. Ta muốn tìm cơ hội đi Sơn Tây một chuyến, vừa là để vây binh Triệu Toại, vừa là thăm hỏi để giữ hòa khí, nếu như có thể giải quyết được trong hòa bình thì là tốt nhất rồi.
Lý Đông Dương tán thưởng nói:
- Ừm! Bá Nhan vượt ngàn dặm đến tập kích Hồ Thanh Hải, chém đầu Gia Tư Bố, chiếm lấy bộ tộc của y thành thuộc địa của mình. Một số những bộ tộc du mục không thuộc quyền quản lý của triều đình Đại Minh tuy đã định cư ở Hồ Thanh Hải, ở nơi đó sinh sôi nảy nở ổn định cuộc sống, nhưng bọn chúng không thiết lập một chính quyền chính thức. Triều đình không đủ tinh lực để đối phó, quản lý được vùng Thanh Hải đó, nên chỉ đành làm ngơ cho qua.
Nhưng Bá Nhan thì không giống như vậy, y chiếm được Thanh Hải thì có khả năng sẽ cắt đường lui của Cáp Mật Vệ; phía Bắc là địa bàn của Ngõa Lạt và Hỏa Si, bọn chúng cũng sẽ không ngồi yên làm ngơ để cho Bá Nhan xưng chủ trên mảnh đất quan trọng như vậy. Chỉ cần bọn chúng xuất binh Nam tiến đánh vào Thanh Hải, Cáp Mật Vệ sẽ bị liên đới vào trong trận chiến đó. Đồng thời sẽ làm nguy hại đến Cam Túc và Tứ Chủng, tới lúc đó thì triều đình không muốn xuất binh cũng không được.
Hiện tại thế cục vô cùng nguy hiểm, biên cương bên ngoài Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây Bắc của triều đình, đảm nhận trọng trách bảo vệ Kinh sư. Giải quyết được những mối lo ở nơi đây thì triều đình mới có thể xuất binh đánh Thanh Hải được.
Dương Lăng nghiêm nét mặt lại nói:
- Ta cũng nghĩ như vậy đó. Nếu Triệu Toại biết điều an phận thì đó quả là chuyện đại thiện trong thiên hạ, phong cho y một chức đại quan cũng chẳng có gì là không thể. Nhưng nếu y không chịu dừng lại âm mưu của mình thì bất luận như thế nào cũng phải đuổi bằng được y ra khỏi đất Sơn Tây. Tuyệt đối không thể để cho y gây dựng căn cứ ở đó được. Thế cục bao vây Trung Nguyên đang ngày càng bước vào giai đoạn thu lưới, đến lúc đó cứ để cho y cùng với đám Dương Hổ cùng nhau đi đến vực thẳm chết chóc.
Lão nhân trắng trẻo không có râu nhẵn nhụi đó chính là Ngụy công công. Hai người bọn họ đang nói chuyện thật không tiện để xen ngang, thế là kẻ đang đứng ngây giả câm giả điếc ở đằng kia lúc này nghe thấy Dương Lăng hùng hồn nói vậy thì mới nhân cơ hội mà xen ngang khen ngợi một câu:
- Quốc công gia tính toán như thần, quyết thắng thiên lý, đám giặc nhãi nhép đó nhất định sẽ bại dưới tay ngài.
Dương Lăng cười điềm đạm nói:
- Đây cũng là vạn bất đắc dĩ, nếu như không phải vì Thanh Hải đột nhiên xảy ra chuyện thì ta sẽ chuyên tâm đối phó với đám Lưu Lục, Dương Hổ, Triệu Toại muốn ở Sơn Tây nghỉ ngơi dưỡng binh thì cũng tạm để cho y tự do tự tác, triều đình cũng mệt mỏi rồi, cũng cần phải ngưng một thời gian để dưỡng sức.
Nhưng với tình thế hiện tại thì không thể như vậy được nữa rồi. Nếu để mất Thanh Hải thì thông đạo hẹp dài hiểm yếu của Cam Túc vùng Tây Bắc ngay lập tức sẽ bị chặn đứng, vĩnh viễn mất đi hy vọng lấy lại Cáp Mật. Cáp Mật là con đường giao thông quan trọng để qua hành lang Hà Tây ra đến Ngọc Môn Quan, là cuống họng của con đường tơ lụa. Muốn kinh doanh thuận lợi với chư quốc Nam Dương thì Mãn Lạt Gia tuyệt đối không thể để thất thủ; muốn thuận lợi cai trị chư quốc Tây vực thì Cáp Mật cũng tuyệt nhiên không được để bị thất thủ.
Chỉ cần cả khu vực Tây Bắc liên kết lại thành một khối với nhau thì Đại Minh ta sẽ mất đi một vùng đất rộng lớn mà rất khó mới có thể lấy lại được, hơn nữa từ đó trở đi sẽ bị phân cách với Tây vực, sẽ không còn hy vọng lấy lại được các vùng đất màu mỡ xung quanh lưu vực trù phú của sông Hoàng Hà. Nơi đó sẽ trở thành biên duyên kiên cố của người Man, bọn chúng có thể xuất binh tấn công Đại Minh bất cứ lúc nào, công kích vào yếu địa của Đại Minh... Ngụy Công công, thế cục Thanh Hải ở ngàn dặm xa xôi kia còn quan trọng gấp trăm gấp nghìn lần nạn giặc loạn Lưu Lục trong yếu địa Trung Nguyên đó.
Ngụy Bân nghe vậy mới giật mình tỉnh ngộ: Chẳng trách Uy Quốc công khi nghe thấy tin Bá Nhan đã đánh vào đến Thanh Hải thì ngay lập tức từ Sơn Đông vội vã trở về Kinh sư. Bách quan trong triều đại đa phần đều là tài tử Giang Nam, nhìn thấy lũ giặc lan tràn tàn phá quê hương của mình, Uy Quốc Công lại không hề thừa cơ mà truy kích, có người thấy thế thì lấy làm phẫn nộ lắm còn nói ông ta cậy công ngạo mạn. Uy Quốc Công mặc nhiên không bận tâm đến những điều đó, ra là vì lẽ này đây.
Nếu như ta đem những chuyện ở đây kể lại cho Hoàng thượng nghe thì ắt hẳn người sẽ khen ngợi ta hiểu biết sâu xa.
Ngụy Bân nghĩ đoạn bèn vội vàng đứng dậy nói:
- Ôi thôi chết, Quốc Công gia, Lý Đại nhân, hai ngài cứ ngồi nói chuyện tiếp nhé. Tiểu nhân chợt nhớ ra là bên phía trường ngựa còn cần phải trồng thêm một ít cỏ, hàng rào tứ phía cũng phải đóng lại cho chặt chẽ hơn một chút để còn nuôi vài con hươu, con gà rừng gì đó, tiểu nhân phải đi trông nom việc này mới được.
Nhìn theo bóng dáng Ngụy Bân đang vội vội vàng vàng rời đi, Dương Lăng ngây người kinh ngạc một hồi lâu rồi mới thở dài một tiếng, cười khổ nói:
- Đây... là xây dựng Am đường sao? Còn xây trường ngựa, còn nuôi động vật? Thật không thể tưởng tượng được, ni cô cưỡi ngựa...
Lý Đông Dương cũng chẳng hiểu được nguyên do sự tình ra sao, ông ta chau mày đáp lại:
- Chuyện ni cô cưỡi ngựa thì cũng chẳng có gì là hiếm gặp đáng ngạc nhiên, chỉ là không phải vội vàng gì mà lại đi xây một khu vườn trong Hoàng am để nuôi ngựa thì quả đúng là có hơi cổ quái. Nhưng... khí thế Hoàng gia mà. Hơn nữa Hoàng thượng cảm thấy có lỗi với Vĩnh Phúc Công chúa nên chắc vì thế mà muốn bù đắp hơn nữa.
Mà chưa biết chừng Hoàng thượng muốn nhân cơ hội này để xây riêng cho mình một khu vườn. Dù sao thì cũng là dùng tiền của đám phú hộ trong Kinh quyên góp để xây dựng, lại tiện đó mang lại công ăn việc làm cho những nạn dân vô gia cư, cũng coi như khống chế được bọn họ không sinh chuyện làm loạn... Chỉ có điều cứ nghĩ đến việc xếp mõ tụng kinh xuất Am đường, mặc áo tu hành mà cưỡi ngựa thì quả thật là khiến cho người khác phải cảm thấy nực cười.
Haizz, lão phu ta tính toán cái chuyện này để làm gì cơ chứ! Quốc Công à, lão phu cho rằng xuất binh đánh Thanh Hải là chuyện không nên. Tầm quan trọng của Thanh Hải thì tất cả chúng ta đều đã biết rồi, nhưng ta tin ngài cũng hiểu rằng hiện này nếu muốn xuất binh tiến Thanh Hải thì cần gấp mười lần số lương thực và tiền bạc để đi diệt giặc Bạch Y Quân, triều đình... hiện không còn khả năng để xuất binh nữa rồi!
- Ta biết điều đó, lần này trên đường vội vàng trở về Kinh ta đã nghĩ đến chuyện này rồi.
Dương Lăng cũng chau mày lại nói tiếp:
- Nhưng thế cục chiến sự không nhất định phải phát động chiến tranh để mà giải quyết. Hiện tại vẫn cần phải dốc sức nhanh chóng giải quyết nội loạn Bạch Y Quân, còn về Thanh Hải... Ta muốn dùng một cách khác để đuổi Bá Nhan đi.
Dương Lăng uống ngụm trà rồi nói tiếp:
- Thanh Hải trên danh nghĩa là thuộc về Đại Minh, nhưng trên thực tế thì người thực sự sử dụng mảnh đất đó lại bao gồm rất nhiều các dân tộc du mục. Bá Nhan chiếm cứ Thanh Hải, lấy thân phận Đại Hãn Mông Cổ của mình xưng chủ thì nhất định sẽ khiến cho những quốc gia Tây vực như Cáp Mật, Biệt Thất Bát Lý, Tát Mã Nhĩ Hãn, Hỏa Thổ Lỗ, Vu Điền, Thất Lạt Tư, An Đô Hoài v.v... phải ngấm ngầm dè chừng.
Ngoài ra thì còn bao gồm rất nhiều những du mục dân vùng Thanh Hải, những bộ lộc Mông Cổ không còn chịu sự thống trị của Thát Đát hoặc Ngõa Lạt. Bọn họ chúng là những người lo sợ bị Bá Nhan thâu tóm nhất. Đồng thời tuy là Bá Nhan đột kích Thanh Hải, nhưng đại bản doanh của y vẫn còn đang ở trên thảo nguyên Thát Đát. Sau khi dẫn đại binh mã đến đánh Thanh Hải, đại quân lưu lại làm nghi binh đã nhanh chóng trở về thảo nguyên.
Nhánh quân này đã trúng mai phục của đám Hoa Đương thừa cơ xuất binh thảo phạt, một vạn kỵ binh hoặc thiệt mạng hoặc buộc phải đầu hàng. Nghe nói vị Hoàng hậu mà y sủng ái nhất cũng đã bị rơi vào tay của Hoa Đương. Nỗi nhục đó đối với một kể cao ngạo như Bá Nhan thì y sao có thể chịu được cơ chứ. Đồng thời Bá Nhan cũng không cam tâm từ bỏ mảnh đất thảo nguyên rộng lớn phương Bắc. Dù biết rằng sự lựa chọn sáng suốt nhất vẫn là ở lại Thanh Hải, nuôi quân tích lương nâng cao năng lực chiến đấu, thì nhất định y cũng sẽ có ý định dẫn bộ tộc của mình quay lại thảo nguyên quyết chiến một phen.
Nếu đã vậy thì chúng ta tung ra đòn hiểm, buộc Bá Nhan rời đi, chưa biết chừng chẳng cần đổ một giọt máu, mất một tên lính nào mà vẫn có thể tạm thời giải quyết được vấn đề ở Thanh Hải, khiến cho chúng ta có tinh lực để tập trung đối phó tiêu diệt bọn đạo tặc Bạch Y Quân.
Ánh mắt Lý Đông Dương rực sáng lên một cái, vuốt râu nói:
- Thượng binh phạt mưu, không đánh mà khuất phục được kẻ địch mới là thượng sách. Chỉ có điều chẳng hay Uy Quốc công có kế sách gì hay chưa?
Dương Lăng đáp lời:
- Chiều nay ta sẽ đi bái kiến Hoàng thượng, thuyết phục Hoàng thượng để cho người mời những Mật tông Pháp vương, Phật sống, những Đại A Bạc Môn đức cao vọng trọng của Hồi Giáo đến trao đổi một chút. Sẽ chở những vị Pháp vương, Phật sống, A Bạc Môn này về Thanh Hải, nơi đó dân du mục rất sùng đạo, sức ảnh hưởng của những người này không thể thua kém người đứng đầu các bộ tộc.
Dương Lăng lại nói:
- Đó mới chỉ là vệ mặt chính trị, còn về mặt kinh tế mà nói thì giao dịch thông thương ở khu vực phía Tây vực luôn thịnh vượng đông đúc. Sau khi phương Bắc mở cửa, phía Tây lại càng trở nên tự do hơn nữa về mặt kinh tế. Tơ lụa, đồ sứ, lương thực, đồ sát, trà bánh, muối dầu, rượu ngon lại còn có cả đồ đạc nạm vàng nạm ngọc từ Trung Nguyên thông qua Thanh Hải mà vào tới Tây vực. Giá cả của vải vóc, muối ăn, trà bánh và những nhu yếu phẩm hàng ngày khác sẽ theo đó mà thụt giảm xuống, người dân Tây vực sẽ trục lợi được không ít.
Đám gia súc trâu, ngựa, dê, lạc đà của bọn họ sẽ lũ lượt được bán về Đại Minh. Những món đồ khác nào là da thú, thịt gia súc, lông gia súc, thảm dệt thủ công đều phụ thuộc vào sức mua của Đại Minh. Chẳng những đám Vương công quý tộc ở đó được hưởng lợi ích hậu hĩnh mà ngay cả bách tính lê dân cũng trở nên giàu có hơn.
Ta sẽ kiến nghị với Hoàng thượng viện lý do vì Bá Nhan đang chiếm cứ Thanh Hải, để đảm bảo cho sự an nguy của thương dân nên hạ chỉ cho Tứ Xuyên và các khu vực có giao thương với Tây vực đóng cửa vô thời hạn các hoạt động buôn bán. Cho đến khi nhân vật nguy hiểm Bá Nhan đó đi khỏi thì lệnh cấm vận đó mới được chấm dứt. Lúc đó ắt hẳn giá muối ăn, lương thực, trà bánh và những nhu yếu phẩm hàng ngày khác sẽ lập tức tăng vọt.
Khổ mà được sung sướng thì nhanh quen, chứ đang sung sướng mà phải chịu khổ thì không phải là chuyện dễ dàng đâu. Chỉ cần đã quen với chất lượng cuộc sông cao, nếu bắt bọn họ phải ăn thịt mà không bỏ muối, trên bàn ăn không có trà sữa, không có gạo nấu thành cơm, thì ắt hẳn bộ tộc của bọn họ nhất định sẽ tập trung lại phản đối mãnh liệt. Đám Vương công quý tộc đang được ngồi trên núi vàng núi tiền kia, bỗng nhiên lại chặn đứt mất con đường làm ăn của bọn chúng. Vậy thì cái tên tội đồ đó số phận sẽ ra sao đây?
Những thủ lĩnh địa vị tối cao của các phe phái tôn giáo phản đối, đám Vương công quý tộc thủ lĩnh của các bộ tộc phản đối, kỵ sĩ của dân du mục phản đối, tất cả đều phản đối sự hiện diện của Bá Nhan. Tới lúc đó chúng ta phái mật thám ở Thanh Hải tung tin đồn khắp nơi trong Tây vực rằng Đại Minh chuẩn bị phát binh, Ngõa Lạt chuẩn bị Nam tiến quyết chiến với Bá Nhan. Tin tức đó sẽ khiến cho chư bộ ở Tây vực bốn dĩ đã phẫn nộ đến cực điểm nhưng lại e sợ châm ngòi chiến đấu làm hại đến bản thân mình, nhận thấy thế cục thay đổi mà sẽ có những hành động kịp thời.
Nếu chư quốc, chư bộ của Tây vực đều coi một kẻ ngoại lai như Bá Nhan là quân địch thì mặc cho y có dũng mãnh kiêu hùng tới đâu cũng không thể đọ lại dược sự tấn công tứ phía của các thế lực, phía Bắc có Ngõa Lạt, phía đông có Đại Minh, phía Tây, phía Nam thì còn phải đối phó với quan đội các nước như Cáp Mật, Hỏa Đất Lỗ, Vu Điền v.v... Bá Nhan chỉ còn một lựa chọn duy nhất đó là tháo chạy về thảo nguyên phương Bắc, đòi lại tất cả những thứ đã bị mất về tay Hoa Đương, lấy lại sự tôn nghiêm đã bị đánh mất.
Lý Đông Dương trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu rồi gật đầu nói:
- Lão phu cho rằng kế sách này của Quốc công có tính khả thi. Sự sắp xếp đó của chúng ta sẽ khiến cho Bá Nhan cầm chắc tình thế buộc phải rút lui về thảo nguyên phương Bắc. Vậy thì Hoa Đương và Hỏa Si, hai kẻ đang thâu tóm lãnh địa của y, sẽ cùng với Bá Nhan hình thành thế tam hổ đoạt mồi. Chúng ta sẽ có nhiều thời gian và tinh lực hơn nữa để giải quyết nội biến ở trong nước.
Dương Lăng lặng lẽ nhìn Lý Đông Dương một cách chăm chú và nói:
- Lão đại nhân, “Tĩnh Chính Thập Nhị Sớ” của ta đã gửi cho ngài xem qua rồi, ngài thấy... có tính khả thi chăng?
Hai mắt của Lý Đông Dương khép hờ, gương mặt dạn dầy sương gió chốn quan trường chợt lộ ra một nụ cười hàm ý sâu xa:
- Quốc công, quan trường có những quy tắc riêng của quan trường, đó là những quy tắc đã hình thành từ hàng ngàn năm nay. Ngài xông pha chiến trận, trảm tướng diệt giặc lập được công lớn cho triều đình, có sức ảnh hưởng lớn đến triều chính. Nhưng tiếp xúc với thể chế của chốn quan trường thì bắt buộc phải cẩn trọng vô cùng.
Quam trường, cốt lõi của nó là ở một chữ “Quyền”, không có quyền thì không có quan trường. Mà cốt lõi của “Quyền” là ở chữ “Lợi”. Chữ lợi này cũng đa nghĩa, lợi là lợi ích của quốc gia, nhưng cũng có lợi ích của cá nhân. Chữ lợi này là lợi ích của giang sơn xã tắc nhưng cũng có lợi ích của chính bản thân mình, lợi ích về một phương diện nào đó của mình. Chỉ khi nào sắp xếp thỏa đáng các mối quan hệ lợi ích đó thì ngài mới có thể đánh đâu thắng đó, bằng không thì ngài có thể được đẩy lên đến đỉnh điểm của quyền lực thì cũng có thể bị đám quan viên lớn bé liên kết lại kéo ngài xuống.
Lý Đông Dương nhìn Dương Lăng một cách thật sâu lắng rồi nhẹ nhàng nói tiếp:
- Đừng coi thường sức mạnh quyền lực của một nhóm những quan lại chức sắc bé hơn mình. Bằng không cho dù ngài có thực hiện được kế hoạch sách lược của mình rồi thì cũng tuyệt đối không thể tiến hành nó một cách hiệu quả nhất. Ngài không có nghìn mắt nghìn tay để giám sát thì nhất định phải suy tính đến lợi ích của nhóm người đó, bao gồm cả những người đang đi theo ngài nữa. Thúc ngựa là để cưỡi ngựa; vậy những người đi theo ngựa thì để làm gì đây?
Lý Đông Dương cười hà hà rồi đứng dậy, vừa cười vừa nói:
- Lão phu đã không còn là người ở chốn quan trường nữa rồi, ta chỉ có thể truyền lại cho ngài những kinh nghiệm đúc rút được từ mấy chục năm lăn lộn chính sự. Quốc công ngài vẫn nên cân nhắc cẩn trọng hơn nữa.
Theo ý lão phu thì tốt nhất ngài nên tìm một nhân vật bình thường nào đó để cho gã trình tấu lên Hoàng thượng cuốn “Tĩnh Quốc Thập Nhị Sách” đó, đừng để chuyện đó có liên quan gì đến ngài. Đợi đến khi chiếu chỉ được công bố, quan sát xem có những người nào phản đối, đều phản đối tập trung vào những vấn đề nào. Tập trung nhắm mũi tên cho trúng đích, chuẩn bị các biện pháp đối phó, thay đổi những phương án không thể điều tiết được. Đôi lúc cần tiến hành những biện pháp thỏa hiệp thì mới có thể nhanh chóng thuận lợi để đạt được mục đích.
Lý Đông Dương vuốt râu cười nói:
- Lão phu xin phép về trước, Quốc công không ngại thì có thể bàn bạc thêm cùng Tiêu Các Lão. Gã đó nhân tình thế sự, quy tắc quan trường đều thuần thục nhuần nhuyễn trong lòng bàn tay, quả đúng là một con cáo già thành tinh, sao ngài cần mà không đến chứ? Ha ha ha...
Tiễn Lý Đông Dương đi khỏi, Dương Lăng ngoảnh đầu lại nhìn công trình Hoàng am đang chuẩn bị kết thúc, trăm nghìn việc to việc nhỏ, nhất thời tất cả các mọi chuyện đều đổ dồn đến khiến cho hắn phải lo lắng:
- Hoa Đương dã tâm không nhỏ, chỉ cần khống chế được địa bàn của Bá Nhan thì khó mà có thể khẳng định rằng y sẽ không quay đầu lại mà đối phó với Đại Minh. Rồi việc di dân đến Quan Đông, Bị quân đang tiến hành mọi việc. Chiến sự vùng Thanh Hải, Giang Nam, Sơn Tây rồi lại còn đại sự xây dựng lại vùng Hà Bắc, Sơn Đông sau chiến sự kết thúc.
Chỉ chưa đầy hai tháng nữa thôi là Hoàng am sẽ được xây dựng hoàn tất, chẳng biết nàng Tiểu Vĩnh Phúc vừa đáng thương vừa đáng yêu đó có cạo trọc đầu mà tới nơi này ở hay không. Sắp mãn hạn quốc tang nửa năm rồi, hôn sự của Hoàng thượng và Nhất Tiên đang ngày càng cận kề. Chuyện quốc gia, chuyện nhà, chuyện thiên hạ, không có chuyện nào là không phải nhọc lòng bận tâm.
Dương Lăng đầy tâm sự trong lòng, mơ mơ màng man quay về phủ, chầm chậm thả bước dưới giàn nho ở hành lang phía sau nhà: Chuyện nước, chuyện nhà... chuyện nhà... Ồ đúng rồi, hành tung của đám Bạch Y Quân nhanh như chớp. Lúc bọn chúng công kích Triết Giang đã bị đại quân vốn được ta sắp xếp, bố trí từ trước phản kích lại, nay đã có những dấu hiệu đang tiến về Nam Trực Lệ.
Chỉ e là Nam Trực Lệ lại có chiến sự, tuy nói rằng thành Nam Kinh phòng thủ kiên cố vững chãi, đám người Dương Hổ bị thất trận ở Thái An chưa chắc đã dám đánh Nam Kinh, nhưng để đảm bảo an toàn thì vẫn nên đón mẹ con Liên Nhi về thì hơn. Mấy ngày tới đây cần phải lệnh cho Ngũ Hán Siêu và Tiểu Ái đi Giang Nam một phen, đón hai mẹ con Liên Nhi đi đường thủy về đây.
Còn cả A Đức Ny, tiểu mỹ nữ Tây Dương xinh đẹp, đó nữa. Lần trước ở trên xe, hai người đều đã thân thiết ân ái đến như vậy rồi, tuy chưa thành đại sự gì nhưng lẽ nào lại bỏ mặc người ta như vậy sao? Làn da bánh mật, thân hình uyển chuyển gợi cảm, sự ngọt ngào hiền dịu đó... Ồ, quốc nạn cận kề mà ta lại nghĩ về phụ nữ, phải chăng là có chút vô sỉ?
“Hẳn cũng không đến nỗi chứ...”
Quốc công đại nhân tự mình lặng lẽ an ủi mình: Việc công việc tư đều không được sao nhãng, chiến sự với phải đánh, ân ái thì... vẫn phải có chứ!