Ngược Về Thời Minh

Quyển 6 - Chương 228: Không sợ sóng dữ

"Nhân dân sống gần biển không dưới chục triệu người, biển là ruộng đồng của cư dân ven biển. Các phủ các đạo miền duyên hải đều là nơi đất chật người đông, rừng chua đất mặn. Đa phần phố thị, thôn, xóm không có ruộng đất để trồng trọt, dân đen khó kiếm kế sinh nhai, đều nhờ vào mậu dịch hải dương để chu cấp cho cuộc sống cả nhà.


Cấm biển vốn do bởi giặc Oa hoành hành, nhưng từ lúc cấm biển đến nay giặc Oa càng lúc càng táo tợn. Dân chúng miền biển không nẻo sinh tồn, lại thêm mất mùa thất bát, dân nghèo bí bách phải xông ra đại dương làm cướp, tụ tập làm xằng.


Cấm biển hà khắc, trăm họ không có miếng ăn, nguyên do là vì lẽ ấy. Nếu luật ấy đã vô dụng, vậy thì đóng không bằng mở. Hơn trăm năm lại đây, tiền bạc đổ vào cho cấm biển nào chỉ là hàng chục tỉ. Cấm biển là vứt biển, vứt biển là vứt bỏ giang san, vứt bỏ giang san thì trăm họ sẽ không nơi nương tựa.


Biển cũng là cương vực của Đại Minh ta; ta có trách nhiệm giữ đất, ta cũng phải có trách nhiệm giữ biển, không thể vứt bỏ quyền lợi từ biển. Thần thỉnh cầu dỡ bỏ cấm biển, để cho Đại Minh ta thế vươn bốn bể, oai chạm tám phương, dẹp cướp an dân, khiến cho đồng hoang cỏ dại lại thành ruộng xanh cỏ tốt, tường xiêu ngói đổ lại thành lầu tía gác son, khôi phục mấy nghìn dặm tài phú, làm sống lại nghìn vạn sinh linh..."


Bài sớ vạn từ này của Nghiêm Tung, chữ như rừng rậm, đã nêu ra không chỉ rất nhiều ích lợi về các phương diện kinh tế, chính trị và quân sự của việc dỡ bỏ lệnh cấm biển, mà còn đề xuất ra được rằng một khi mở cửa biển sẽ cần phải thiết lập hải quan, ti Thị bạc, thủy quân như thế nào, ra làm sao; hết sức tường tận, lý hay lẽ đủ. Vua Chính Đức đọc xong, chẳng nói đúng sai, chỉ chiếu lệ phê cho chép vào công báo, rồi sai quan viên văn võ thảo luận phê bình.


Hơn trăm năm nay, Đại Minh không thiếu bậc học sĩ trí thức đề nghị giải trừ cấm biển, trong số đó cũng có những nhân vật có địa vị và danh vọng cực cao, nhưng những lời khuyên giải và nghị luận của các vị ấy đều như đá chìm biển rộng, chưa từng khơi dậy bất cứ cơn sóng lớn nào trong triều đình. Nghiêm Tung chẳng qua chỉ là một chủ sự Bộ Hộ cỏn con, ai mà thèm chú ý đến bài sớ vạn từ này? Thế là quan viên văn võ xem xong tấu chương, liền chỉ cười cho qua rồi đem vứt vào xó.


Thế nhưng, không biết vì sao bản công báo này lại được lan truyền vào trong dân gian và giới học sĩ. Hơn nữa, nằm ngoài dự đoán của mọi người, nó đã khơi gợi nên sự chú ý của các giai cấp sĩ nông công thương. Dân gian sôi nổi thảo luận về chuyện này, từ phạm vi giao lưu giữa các học sĩ học sinh, huân khanh quốc thích, cho đến những cuộc nói chuyện phiếm ở thanh lâu kỹ quán, khách sạn tửu điểm. Không lúc nào là không có người nhắc đến chuyện này, mô tả hàng loạt những tác hại của việc cấm biển cũng như viễn cảnh tươi đẹp của việc giải cấm thông thương. Ý dân và dư luận bắt đầu âm thầm biến đổi.


Trong khi đó, Lục Bộ, Hàn Lâm và Ngự Sử trong triều lại không hề phát hiện sự thay đổi này. Một số nhân vật lãnh tụ của bọn họ hoặc bị cử đi công cán xa, hoặc được cho về địa phương nhậm chức có thực quyền, hoặc được thưởng vàng cho nghỉ hưu. Những hành động này đều được bọn họ xem như là những thắng lợi nho nhỏ của việc dâng sớ can gián Hoàng thượng: Hoàng thượng chịu không xiết sự quấy nhiễu nên phải ra ơn ban huệ, chịu thua bá quan để cầu được yên bình. Vì thế bọn họ càng được thể lấn tới. Tố cáo Hoàng đế hoang đường vô lý! Tố cáo Lưu Cẩn bưng bít tai vua! Tố cáo Dương Lăng ngông cuồng phóng túng! Bọn họ tố cáo một cách điên cuồng, một cách không sờn lòng, không nhụt chí...


Còn đám người bị liên can thì mặc kệ những tấu chương hặc tội mình đang kéo đến ùn ùn như tuyết đổ; càng bị tố cáo thì càng làm tới. Kẻ hoang đường thì tiếp tục hoang đường, kẻ chuyên quyền thì vẫn cứ chuyên quyền, kẻ phóng túng thì lại vẫn phóng túng.


Hoàng đế Chính Đức đường đường là thiên tử thiên triều thượng quốc, thế mà việc đầu tiên hắn làm sau khi dọn đến Báo phòng lại là sai người may một số lượng lớn mũ nỉ và áo lông cừu, rồi nhân lúc trời chưa hết lạnh, đầu têu mặc lên người áo quần và phục trang Khả Hãn, lệnh cho toàn bộ thị vệ và cung nữ đổi sang mặc y phục người Mông Cổ. Hắn còn dựng một chiếc lều da trâu to đùng bên cạnh cái hào nuôi hổ, tự xưng là Đại Hãn Hốt Tất Liệt, sắm vai người Thát Đát để tự tiêu khiển; lại cùng một đám thị vệ "Mông Cổ", tăng lữ Lạt-Ma thúc ngựa băng băng, cử chỉ chẳng khác gì dân thường.


Hiện tại Hàn Lâm Viện như rắn mất đầu nên các viện sĩ phải mời một vị đại học sĩ đức cao vọng trọng, tuổi gần bát tuần đã cáo lão hồi hương an dưỡng tuổi già là Tra lão phu tử vào Báo phòng khuyên can Hoàng thượng. Được hai đứa cháu dìu đi, lão tiên sinh chân run lẩy bẩy bước vào Báo phòng, rồi tiến vào chiếc lều da trâu lớn.


Tra lão phu tử vừa trông thấy chiếc lều lớn của Khả Hãn Mông Cổ thì đã hơi choáng váng, lại thấy vị vạn tuế gia đang vận toàn trang phục Khả Hãn của người Mông Cổ thì càng không biết có nên quỳ lạy theo nghi lễ khi yết kiến nhà vua Trung Hoa hay không. Thế là uổng cho một thân tài học, cả buổi trời lão phu tử cũng không thể mở miệng nói được câu nào.


Tiểu hoàng đế Chính Đức lại không để ý đến sự thất lễ của lão, hắn giũ ống tay áo, hớn hở bước tới nghênh đón. Vừa tới trước mặt, hắn liền tặng cho lão phu tử một cái ôm nhiệt tình, phấn khởi chào hỏi:


-Trát Mộc Cáp huynh đệ, cảm tạ ngươi đường sá xa xôi đến thăm ta, mong trời cao ban phước trường sinh cho ngươi! Hãy mau ngồi xuống uống chén trà sữa nào.


Nghe hắn nói xằng nói bậy một hồi, Tra học sĩ giận đến xịt khói mũi, quên sạch những lời can gián uyển chuyển đã được chuẩn bị từ trước. Người run lên cầm cập như thể sốt rét, mãi một lúc sau lão mới lắp bắp được một câu:
- Thần... thần thần... xin cáo lui!


Đến lúc bước tới bên cửa lều, thật sự không còn nhịn được nữa, Tra học sĩ mới bèn xoay người đính chính:
- Hoàng thượng! Trát Mộc Cáp không phải là huynh đệ của Hốt Tất Liệt, mà là kết nghĩa cùng Thiết Mộc Chân làm an đạt (cổ ngữ Mông Cổ chỉ huynh đệ - ND).


Lời còn chưa dứt, hoàng đế Chính Đức đã đuổi theo, tự tay vắt một dải lụa trắng lên vai lão. Tra lão phu tử sợ giật nảy mình, nhìn hắn trân trân, nghĩ bụng: "Mình thật là giận quá mất khôn rồi, sao lại nói ra những lời sai lầm như vậy trước mặt Hoàng thượng chứ. Đây há là đạo lý của bầy tôi ư! Hoàng thượng ban thưởng dải lụa trắng, là... là muốn ban cho mình cái chết ư?"


Lão lại thấy hai đội cung nữ cải trang làm người du mục Mông Cổ bước ra múa hát, vừa bưng chén trà sữa vừa hát bài ca tiễn khách mới vừa học vội. Hoàng đế Chính Đức nghiêm mặt nói:


- Trát Mộc Cáp huynh đệ, ta không quan tâm việc ngươi và Thiết Mộc Chân kết bái làm an đạt. Đàn đầu ngựa (nhạc cụ dân tộc Mông Cổ - ND) không chỉ có một dây, huynh đệ cũng không chỉ có một người, chúng ta cũng có thể gọi nhau là huynh đệ. Chiếc khăn ha-đa này, ờm... lúc ngươi bước vào, bản Khả Hãn đã quên không chuẩn bị.


Đại Dụng, Đại Dụng đâu rồi? Nếu còn có vị đại thần nào vào, ngươi đừng quên nữa đó.
Cốc Đại Dụng mặc áo da đội mũ da, lưng giắt loan đao, lật đật khom lưng chạy lại. Lão cười rạng rỡ, khuôn mặt đầy những nếp nhăn tươi như hoa cúc, hồ hởi bẩm:


- Dạ dạ dạ, lão nô đáng chết. Lão nô sẽ lấy trăm thớt lụa trắng từ Đại nội, làm mấy nghìn chiếc khăn ha-đa, sẽ không quên nữa đâu ạ!
Tra học sĩ choáng váng một hồi, miệng mấp máy như người sắp chết, ngớ người hồi lâu mới đành thất thểu bước vội ra...


Chính Đức dõi theo bóng lưng Tra học sĩ chạy như trối chết, lại nhìn xuống trang phục của mình ra vẻ khó hiểu, rồi hỏi:
- Đại Dụng, chẳng lẽ trẫm mặc như vầy không đẹp ư? Sao Tra học sĩ lại nhìn trẫm như thấy rắn rết vậy?
Cốc Đại Dụng cười nịnh nọt đáp:


- Hoàng thượng anh tuấn thần võ, mặc chiếc áo này trông hệt như anh hùng tung hoành thiên hạ trên lưng ngựa, sao có thể không đẹp được chứ? Tra học sĩ ít gặp nên thấy lạ mà thôi.
Chính Đức bật cười ha hả. Hắn cầm lấy chén trà sữa từ tay cung nữ, uống một ngụm rồi nhăn mày nói:


- Quả thật uống mãi vẫn chưa quen cái mùi vị này.
Cốc Đại Dụng trộm nhìn sắc mặt của hắn rồi bẩm:


- Hoàng thượng, tờ tấu chương xin bỏ cấm biển đã được trình lên mấy ngày rồi. Trong quần thần cũng không thấy có ai phản đối kịch liệt, Hoàng thượng có muốn hạ chỉ thiết lập ti Thị Bạc, giải cấm thông thương hay không?
Chính Đức liếc lão ta, cười khà khà nói:


- Sao vậy? Ngươi sốt ruột rồi hả? Cái chức vụ này không thoát khỏi tay ngươi đâu. Đến lúc đó đừng có mà gây thêm rắc rối cho trẫm đó! Mấy ngày nay Dương khanh bị hặc tội tơi bời mà vẫn còn âm thầm bận bịu đủ loại quốc sự. Trẫm cũng không tiện gọi y vào gặp trẫm.


Cốc Đại Dụng vội cười nịnh nọt:
- Dạ dạ dạ! Lão nô đâu có sốt ruột. Nô tài hầu hạ Hoàng thượng từ nhỏ, giờ thật sự phải đi đến phương nam, xa cách Hoàng thượng, lúc này đây nô tài thật sự không nỡ.


Dương đại nhân tuy chịu phải hặc tội, song lại nghe nói rất là thoải mái à. Y mê luyến hai danh kỹ thanh lâu, một vị tên Tố Nguyệt, một vị tên Hoa Vi Đỗ. Chuyện phong lưu đó nay có thể nói là truyền khắp mọi nhà, ai ai đều biết đấy.
Chính Đức thoắt đảo tròng mắt, cười nói:


- Da như tuyết, xương như rắn, bụng như hoa, cái tên này thực có học vấn. Tố Nguyệt cũng không tầm thường, hẳn có lẽ là hai mỹ nhân cực kỳ xinh đẹp. Dương khanh sẽ không thật sự động lòng chứ hả?
Cốc Đại Dụng cười hà hà đáp:


- Hoàng thượng không cần phải lo lắng, lộng giả thành chân cũng chẳng sao. Hoàng thượng có thể ban thưởng hôn lễ một lần, thì cũng có thể ban thưởng lần nữa. Vương hầu huân khanh có ai mà không có tám chín thϊế͙p͙ thị? Dương đại nhân đã có tước cao đến tận tước hầu mà mới chỉ có một thê hai thϊế͙p͙, người ta còn bảo là phu nhân nhà họ Dương đố kỵ, hay ghen nữa đó.


Chính Đức cười mắng:


- Bớt nói bậy bạ đi! Dương phu nhân là loại người đó sao? Trẫm dời đến Báo phòng, vốn tưởng không bị ước thúc gì thì sẽ có thể thường xuyên đến gặp Đường cô nương. Nhưng mà Dương khanh bận bịu như vậy, trẫm cũng không tiện mời Đường cô nương ra ngoài. Ôi! Trẫm thực sự nhớ Đường cô nương lắm. Cũng không biết trẫm còn phải chờ thêm mấy ngày nữa đây!


*****


Ngay vị trí sảnh đường chính của Đông xưởng từng bị hỏa pháo của Dương Lăng bắn sập, nay một sảnh đường mới đã mọc lên. Bên trong Tây sảnh vẫn được bố trí như trước: một chiếc giường lò, mấy chiếc ghế mũ quan bằng gỗ lim, tượng đức Nhạc Vũ Mục được đặt thờ bên vách tường, mang ý "tận trung báo quốc".


Đới Nghĩa mới vừa trở về từ Kim Lăng, sau khi ra mắt Hoàng thượng thì đến Đông xưởng nhậm chức. Lão đang tiếp nhận lễ yết kiến của các vị đáng đầu và thiên hộ các cấp. Đang hài lòng đắc chí dạy bảo mọi người, chợt một gã bách hộ bước lên nói nhỏ mấy câu, Đới Nghĩa lập tức khoát tay cho mọi người lui ra rồi nâng áo dài vội vã chạy về phía Tây sảnh.


Dương Lăng mới vừa ngồi xuống, chợt thấy Đới Nghĩa vội vã chạy tới. Y lấy làm lạ, bèn vội đứng dậy cười nói:
- Nghe nói Đới công công đang phân công sự vụ ở tiền sảnh, sao lại đến đây nhanh vậy?


Đới Nghĩa vận áo bào phi ngư đỏ mới toanh, đầu chít khăn sa, chân mang giày trắng, lưng thắt đai gấm, trông mười phần quắc thước. Có điều chưa đến nửa năm mà khuôn mặt trắng bợt không râu của lão trông đã già đi rất nhiều.
Đới Nghĩa bước thêm mấy bước rồi sụp người bái lạy:


- Đại nhân từng nói nội trong nửa năm sẽ triệu Đới Nghĩa về kinh sư phó thác trọng trách. Đới Nghĩa vốn không dám quá hy vọng nhiều, nào ngờ đại nhân lời hứa nghìn vàng, chẳng những giữ được lời hứa mà còn giao phó công việc trọng yếu như vậy cho Đới mỗ. Ân đức của đại nhân, Đới Nghĩa sẽ suốt đời không quên!


Dương Lăng liền vội nâng lão dậy:
- Ông và ta đều là bầy tôi một triều, phẩm trật không chênh lệch là bao, Đới công công hà tất phải đại lễ như vậy. Xin hãy mau đứng lên, xin hãy mau đứng lên!
Rốt cuộc Đới Nghĩa cũng trịnh trọng khấu đầu rồi mới cung kính đứng lên, mời:


- Mời đại nhân ngồi!
Đới Nghĩa để Dương Lăng ngồi lên vị trí thủ tọa, còn mình thì kính cẩn ngồi hầu bên phải, rồi khom người:
- Lão đây mới vừa hồi kinh, vốn định sẽ đến phủ đại nhân thăm viếng ngay, nào ngờ đại nhân lại đã đến trước.
Dương Lăng cười nói:


- Bản quan đang phải đi gặp Hoàng thượng. Dọc đường nghe nói hôm nay công công đã đến kinh thành, lâu ngày không gặp, cho nên mới chạy đến viếng trước.
Đới Nghĩa cảm tạ một hồi rồi cười tủm tỉm:


- Trên đường lão đây nghe nói đại nhân phò tá Hoàng thượng đi đến Đại Đồng, lập được chiến công hiển hách, nay vinh dự được tấn thăng tước hầu, lên chức Trụ Quốc thượng tướng quân, quả thực đáng mừng.


Có điều lại nghe nói có một vài người nào đó dâng sớ hặc tội đại nhân quyến luyến thanh lâu, lông bông vô hạnh, thực là quá vô lý. Tục ngữ có câu “người không phong lưu uổng tuổi trai”, đại nhân quyền cao chức trọng, gió xuân đắc ý, thỉnh thoảng tìm hoa nâng cốc, âu cũng là chuyện thanh cao. Những đại thần này chẳng kẻ nào không phải là người bụng dạ hẹp hòi, do đố kị với quân công to lớn của đại nhân nên ngay cả thủ đoạn hèn mọn như vậy cũng giở ra cho được! Không biết đại nhân có chỗ nào cần lão đây dốc sức chăng?


Dương Lăng cười lớn, nghĩ bụng: “Chỉ dựa vào chút chuyện cỏn con này mà hòng hặc tội mình sao? Nói không chừng mấy ngày tới mình còn phải cho bọn họ thêm chút tư liệu phạm tội để bọn họ tố cáo cho sảng khoái.”
Dương Lăng trầm ngâm một lát rồi đáp:


- Ông vừa mới hồi kinh. Thu xếp công việc trong Đông xưởng cũng phải mất một khoảng thời gian. Vả lại chuyện tróc nã tà giáo Di Lặc, vừa không thể bỏ qua cho kẻ thật sự nằm trong tà giáo, vừa không thể để liên lụy đến người vô tội, tránh giẫm lên vết xe đổ của Cốc Đại Dụng, thực cũng sẽ khiến người ta phải hao tâm tổn trí. Chút chuyện bho nhỏ này thực không cần Đới công nhọc lòng đâu.


Rồi y đứng dậy mỉm cười:
- Bản quan đã ước hẹn với Mâu đề đốc của Cẩm Y Vệ sẽ vào diện kiến Hoàng thượng cho nên không thể ở đây lâu. Đới công hãy cứ lo việc công, tối nay Dương mỗ sẽ đãi tiệc tẩy trần cho ngài.
Đới Nghĩa liền vội đứng dậy đáp lễ:


- Không dám làm phiền đại nhân! Không dám làm phiền đại nhân! Phải chăng đại nhân muốn cùng Mâu đề đốc đi gặp Hoàng thượng?
Dương Lăng vờ ngáp lơ đãng, giọng nửa thật nửa giả:
- Đúng rồi!


Từ khi nắm giữ được ti Lễ Giám, có thể nói rằng Lưu công công nay đã khác xưa. Mâu đề đốc vì chút việc công lỡ đắc tội với Lưu công công nên hiện Cẩm Y Vệ bị ti Lễ Giám chèn ép hết sức kịch liệt. Mọi người đều vì Đại Minh, vì Hoàng thượng dốc sức mà thôi, sao lại nỡ đấu đá nhau tự làm hỏng trận thế của phe mình chứ? Lần này bản quan đi gặp Hoàng thượng là để hộ giá cho Mâu đề đốc đây. Người một nhà cả mà, đừng nên gây tổn thương hoà khí mới phải!


Khi bước đến cửa, y liếc nhìn Đới Nghĩa đầy chăm chú, rồi cất giọng nói đùa:
- Đới công trực thuộc ti Lễ Giám. Tuy ông là thượng cấp cũ của Lưu công, nhưng nay Lưu công thăng quan đổi tính; ngày thường làm việc ông cũng nên cẩn thận, chớ học Mâu đề đốc đắc tội với Lưu công công đấy!


Đới Nghĩa thoáng ngẩn ra, rồi chợt hiểu ý đồ đến thăm mình của Dương Lăng: “Hoá ra... Lưu công công và Dương đại nhân đã bắt đầu có hiềm khích rồi!”


Lưu Cẩn và Dương Lăng đều là những nhân vật mà lão đắc tội không nổi. Lão đã dự tính sẽ chuẩn bị hậu lễ lần lượt đi thăm hai vị đại nhân này vào đêm nay, bây giờ nghe Dương Lăng nhắc nhở như vậy, rõ ràng là ám chỉ đôi bên đang bất hoà, muốn xem thái độ của lão.


“Đứng về phía bên nào đây? Luận về quyền thế và địa vị, dường như hai người này không phân cao thấp! Nếu cậy nhờ Dương Lăng? Lưu Cẩn cai quản Đông xưởng, đó là thượng cấp trực tiếp của mình, đắc tội với lão ấy chỉ e sau này muốn làm gì cũng rất khó khăn. Nếu cậy nhờ Lưu Cẩn? Dương Lăng có thể đạp Cốc Đại Dụng xuống, đưa mình lên, chẳng lẽ lại không thể làm như thế một lần nữa? Huống chi liệu Lưu Cẩn sẽ chịu coi mình như người tâm phúc hay sao?


Mình có được ngày hôm nay đều nhờ Dương đại nhân hết sức nâng đỡ, nếu mình lấy oán trả ơn, ấy là vô sỉ. Vả lại, nay xem ra Cẩm Y Vệ và Dương đại nhân đã cùng chung một cánh, ngoài ra còn có Miêu Quỳ của Tây xưởng cũng qua lại rất thân thiết với Dương đại nhân. Chỉ dựa vào Lưu Cẩn có thể lật đổ được Dương đại nhân sao? Nếu gốc cây to như Dương đại nhân đây còn chưa ngã, thì con khỉ như mình sợ gì không có nơi yên thân gởi phận?"


Nghĩ vậy, Đới Nghĩa bèn nghiêm mặt lại, vái một vái thật sâu, nói:


- Đa tạ đại nhân nhắc nhở! Lão đây rời xa kinh thành lâu ngày, tai bưng mắt bít, nay sự đời đổi thay, rất nhiều chuyện lão đây không rõ lắm. Sau này nếu còn chuyện gì nghi ngờ khó quyết, vẫn mong đại nhân nhắc nhở thêm cho. Lão đây đã nhờ ơn tái sinh của đại nhân, nay tính mạng bản thân và gia đình lão đây xin gởi gắm cho đại nhân vậy!


Dương Lăng thoáng nhẹ lòng, bèn vội vái trả một vái, đáp:


- Đới công vạn lần chớ nên nói vậy. Thảng như hôm xưa không nhờ Đới công gởi lời cảnh báo, Dương mỗ nhất định đã bước chân vào tử cục do Phạm Đình bày ra. Phần ân tình đó Dương mỗ vẫn luôn ghi mãi trong tim. Dương mỗ nguyện cùng Đới công như cây liền cành, cùng nhau tương trợ. Hai chữ gởi gắm ấy, thực đã quá lời rồi!


Chú thích: