Cố đô của lục triều ( ) đã ở ngay trước mắt, con thuyền quan đã theo con kênh đào rẽ vào Trường Giang.
Dương Lăng bước lên đầu thuyền, dõi mắt nhìn ra xa. Trong ánh dương quang chói lọi nước sông dập dềnh vỗ tới, hai bên bờ hoa đỏ cỏ xanh, một khung cảnh tràn trề sức sống.
Bỗng có một tiếng sáo từ đâu đấy vọng đến. Tiếng sáo khi thì phấn chấn dồn dập như chim ca vượt hót, lúc thì trầm bổng du dương như lời thì thầm của người tình triền miên không dứt. Tiếng sáo thoạt có thoạt không, du dương êm ái tựa như đang quấn quít bên tai, thật khiến cho người ta có cảm giác vấn vương mãi.
Dương Lăng hướng mắt trông theo tiếng sáo thì thấy một thư sinh áo trắng đang đứng hiên ngang trên mũi đuôi thuyền, tay áo phất phơ theo gió, mắt cúi nhìn sáo, mím môi mà thổi, tuy không trông thấy rõ mặt nhưng gió sông phẩy qua, tay áo tung bay, phong thái phóng khoáng hơn người.
Dương Lăng thoáng ngẩn người, rồi lập tức sực tỉnh, bật cười nói:
- Vị Mạc phu... Thành cô nương này cũng thật là thức thời, cô ta cải nam trang sẽ giảm bớt rất nhiều lời ra tiếng vào cho ta. Liễu Bưu!
Liễu Bưu bước qua ôm quyền thưa:
- Đại nhân.
Dương Lăng nói:
- Nhiều nhất là một canh giờ nữa thì sẽ vào đến thành Kim Lăng rồi. Khi đến kênh đào vào thành thì huynh hãy sai người hộ tống thuyền nhỏ của Thành cô nương đi trước một bước. Để cho cô ta đi trước đi, chúng ta đợi một lát hẵng vào thành.
Liễu Bưu "dạ" một tiếng, Cao Văn Tâm đưa mắt về sau liếc xéo vị "công tử" đứng ở đầu thuyền nọ một cái, khoé môi không khỏi khẽ nhếch lên.
Trông thấy vẻ khinh thường của nàng, Dương Lăng cũng thầm hiểu, y biết nàng từ nhỏ đã được dạy dỗ thành tiểu thư khuê các chân chính, nếu không phải vô cớ gặp phải đại nạn trở thành tỳ nữ thì nàng và người con gái Tiểu Lâu kia quả thật như trời với đất, xa cách không biết bao nhiêu bậc. Trong lòng nàng quyết sẽ không có khả năng coi trọng loại con gái như Tiểu Lâu.
Quyền thế của Cao thái y tuy kém xa Mạc Thanh Hà nhưng ông lại có thân phận cao quý và thanh bạch. Cho dù Mạc Thanh Hà giàu nhất thiên hạ, quyền khuynh triều chính cũng không thể bằng được một phần nghìn ông ta chứ đừng nói đến người có thân phận đê tiện hơn như Tiểu Lâu.
Mà thôi, đằng nào thì vào thành rồi sẽ đường ai nấy đi, sẽ không còn cơ hội gặp mặt nhau nữa. Văn Tâm có khinh bỉ và coi thường nàng ta hay không, y cũng lười mà đi khuyên nhủ.
Thật ra danh kỹ thanh lâu như Tiểu Lâu, ngoài tướng mạo xuất chúng thì phần lớn đều tinh thông một nghệ thuật nào đó: hoặc thạo về thơ ca, hoặc giỏi về hội họa, hoặc thiện về âm nhạc, hay giỏi tài hùng biện. Thậm chí có người còn thuộc làu cả chiến sách binh thư.
Trình độ ấy so với rất nhiều tài tử đỗ cử nhân thì cũng không thua kém là bao. Thân là kỹ nữ thấp hèn nhất song lại tài hoa như vậy, nếu không phải vì Dương Lăng thủy chung vẫn nghi ngờ nàng ta có thể đã biết ít nhiều về những việc ác của Mạc Thanh Hà từ lâu, thậm chí rất có thể cũng đã tham dự vào trong đó để lấy lòng hắn thì với tính cách của mình y sẽ không kiên quyết chỉ đáp ứng hộ tống nàng ta đến Kim Lăng mà ít nhất cũng sẽ quan tâm an bài nơi ở cho nàng ấy. Nói cho cùng thì nàng ta là phụ nữ, xuất đầu lộ diện nhiều cũng có điều bất tiện.
Dương Lăng thở dài một hơi rồi đi đến bên mạn thuyền. Đang vịn vào mạn thuyền được ánh mặt trời sưởi ẩm, y chợt trông thấy phía trước có bảy nhánh sông đào thẳng tắp thông thẳng vào lòng Trường Giang, bảy nhánh sông này cũng không cách xa nhau lắm.
Dương Lăng lấy làm lạ bèn hỏi:
- Bảy nhánh sông đó là chỗ nào vậy? Sao ở nơi gần nhau như vậy mà lại đào đến bảy nhánh sông?
Liễu Bưu cũng không rõ nguyên nhân, vội ngoắc tay gọi gã hoa tiêu lái thuyền do phủ Hàng Châu phái tới. Gã lái thuyền nghe hỏi, vội cung kính thưa:
- Hồi bẩm đại nhân, đó không phải là sông mà là bờ đê, trong mảng rừng lớn phía sau chính là xưởng đóng thuyền Long Giang. Bảo thuyền (*)vượt biển viễn dương của Đại Minh chúng ta chính là được chế tạo ra từ nơi ấy đấy ạ.
(*) thuyền báu, ý xưng tụng
Dương Lăng kinh ngạc cả mừng, bèn vội hạ lệnh:
- Dừng thuyền, dừng thuyền, mau cập bến, bản quan muốn đến xưởng đóng thuyền xem một chút.
Lái thuyền lập tức liên lạc với thuyền lớn ở phía trước. Ba con thuyền lớn từ từ dừng lại bên sông hạ ván lên bờ, Dương Lăng chạy vội lên bờ đê. Liễu Bưu dẫn theo hơn hai mươi nha sai cùng theo xuống thuyền. Dương Lăng gọi gã lái thuyền ban nãy lại hỏi:
- Ngươi có quen thuộc nơi này không? Phía trước còn bao xa, có thể dẫn bản quan đi xem một chút hay không?
Lái thuyền đáp:
- Tiểu nhân thường hay đi thuyền ngang đây, tuy rằng chưa từng qua bên ấy nhưng nghe nói tiếp tục đi xuôi theo con đường này chỉ chừng một dặm sẽ đến xưởng đóng thuyền thôi. Nếu như đại nhân muốn đi xem, tiểu nhân dẫn ngài đi xem một chút là được.
Lúc này, một công tử áo trắng cầm cây quạt xếp đi đến, đứng cách hai trượng chắp tay hỏi:
- Có phải đại nhân muốn nghỉ ngơi ở đây một lát không?
Dương Lăng vừa liếc mắt nhìn, bất giác ngẩn người ra. Khi nãy trên thuyền y cho rằng người đứng trên đuôi thuyền thổi sáo(*) phía sau tất phải là Tiểu Lâu cải trang, vóc người cũng cực giống, nhưng bây giờ đứng ngay trước mặt nhìn kỹ lại thì thấy người công tử trẻ tuổi này đầu đội mũ bạch ngọc, mặt sáng như tranh, áo nhẹ kiểu công tử màu trắng bạc, lưng giắt ngọc bội hoa sen màu lục, ngoài ra không có bất kỳ trang sức nào khác.
(*) ở đây tác giả ghi tiêu nhưng hẳn nên là sáo theo như mô tả ở đoạn trên. TheJoker
Tuy vị công tử ấy môi đỏ răng trắng, trông vô cùng khôi ngô tuấn tú nhưng mày thanh mắt sáng, nào có mùi son phấn? Người này rõ ràng là đàn ông mà.
Dương Lăng chợt nhớ Tiểu Lâu có nói nàng muốn chuyển nhà đi xa, ngay cả gia bộc nam cũng không tiện mang theo, sao trên thuyền lại có nam nhân trẻ tuổi này? Chẳng lẽ bọn họ...
Y hoài nghi quan sát người con trai này, rồi chắp tay nói:
- Công tử từ trên chiếc thuyền sau mới xuống à? Không biết cao danh quý tánh...?
Vị công tử nọ bỗng tròn xoe đôi mắt phượng kinh ngạc nhìn y, sau đó bật cười, nhịn không được mà nói:
- Thảo dân họ Thành, nhờ được đại nhân quan tâm lại khẳng khái nhận lời mang thảo dân cùng đi đến Kim Lăng, sao đại nhân mới đi hơn một ngày đã... đã thành bậc quý nhân hay quên thế?
Dương Lăng nhìn nụ cười quyến rũ mê người của "gã", nếu mà là nam nhân thì đã thành "gay" mất rồi, lúc này mới sực tỉnh ngộ. Tiểu Lâu này thực là lợi hại, hơn nữa đây tuyệt không phải là thuật dịch dung gì. Sau khi nhận ra thân phận nàng, y quan sát lại dung mạo khuôn mặt, mặc dù khôi ngô tuấn tú nhưng diện mạo vẫn giống Tiểu Lâu đến tám phần.
Không ngờ nàng chỉ thay đổi cách ăn mặc, khéo léo chải chuốt và trang điểm một chút thì khuôn mặt và khí chất đã không còn nhìn ra chút vẻ phụ nữ nào, cho nên rõ ràng chưa thay đổi dung nhan song đã thấy như thể hai người khác biệt, ngay cả giọng nói cũng thay đổi rất nhiều, khiến cả mình cũng nhìn lầm.
Dương Lăng nghe nàng dùng giọng đàn ông nói chuyện liền ngạc nhiên cười nói:
- Thì ra là Thành công tử, thật trí nhớ kém quá, trí nhớ kém quá. Công tử mặc... ờm, thay vào bộ quần áo này, khiến cho bản quan nhất thời trông lầm, ha ha. À phải rồi, trên đường đi thuyền cũng hơi mệt rồi, bản quan nghe nói phía trước là nơi chế tạo bảo thuyền mà Trịnh Hoà sử dụng vượt biển phía Tây(*) năm xưa, cho nên muốn đi xem một chút ấy mà.
(*) nguyên văn “hạ tây dương”: đến đại dương phía tây
Cặp mắt thu thủy sáng ngời của Tiểu Lâu chăm chú nhìn y, vẻ rất hứng thú. Nàng nhìn Dương Lăng một cách đầy thân thiết nói:
- Đại nhân có hứng thú với xưởng đóng thuyền như vậy, chẳng lẽ cũng thích cuộc sống giương buồm đi xa, tung hoành trên biển ư?
Không đợi Dương Lăng trả lời, cặp mắt của nàng lại liếc về phía rừng cây xanh um rậm rạp nọ, rồi nói:
- Thảo dân có biết một ít chuyện về bảo thuyền của Trịnh Hoà, chẳng hay có thể kể cho đại nhân không?
Dương Lăng quả thực không muốn đi cùng với nàng, nhưng với cảnh đời mà y đã từng trải đến nay y vẫn chưa hình thành nên thái độ cao cao tại thượng, ỷ thế hϊế͙p͙ người, không hề quan tâm đến thể diện kẻ khác. Nay Tiểu Lâu đã chủ động đề xuất, y cũng không tiện cự tuyệt chỉ đành gật gù:
- Được, bản quan cũng chỉ đi xem cho biết một chút, nếu như Thành... công tử ngồi trên thuyền buồn chán, không bằng đi cùng bản quan vậy?
Tiểu Lâu mở chiếc quạt xếp trong tay ra đánh "soạt" rồi lại thong thả gấp lại, nhướng mày mừng rỡ nói:
- Có thể được đi cùng với đại nhân, đó là điều hết sức vinh hạnh. Đại nhân, mời!
Dương Lăng nhẹ gật đầu, chỉ đành nhìn sang mấy người Liễu Bưu và Trịnh Bách hộ. Mấy gã thân tín này đều biết thân phận của Tiểu Lâu nên vừa thấy đại nhân nhìn về phía mình thì bọn họ lập tức rất không nghĩa khí mà đều ngoảnh mặt đi ngó trời ngó đất ngó cảnh quan chứ không nhìn vào mắt y.
Dương Lăng vốn chỉ trông mong bọn họ có thể "âm thầm lặng lẽ" ngăn cách mình đi cạnh Tiểu Lâu, nay trông thấy "phẩm chất đạo đức" đó của bọn họ thì không khỏi chửi thầm trong bụng rồi cắn răng bước qua kề vai sánh bước cùng Tiểu Lâu trên con đê bên cạnh bờ ruộng.
Tiểu Lâu sánh vai cùng Dương Lăng mà đi, dáng đi và cử chỉ không hề lộ ra chút phong thái nữ nhân. Dáng người mềm mại như nước trong lần đầu gặp gỡ nọ đã hoàn toàn không thấy nữa. Có thể thay đổi tướng đi và cử chỉ một người đến mức này, tuy biết là nàng nhất định đã được huấn luyện ở thanh lâu song trong lòng Dương Lăng vẫn cảm thấy kinh ngạc không thôi.
Tiểu Lâu vừa đi vừa nói:
- Đại nhân, năm xưa Trịnh công công bảy lần hạ tây dương, đi qua các phiên quốc như Cổ Lý, Lưu Sơn, Ma Lâm, Lạt Tát, Thiên Phương ( ). Sự tích của ông ấy người Giang Nam chúng tôi khi nói đến đều có thể kể rõ như lòng bàn tay.
Dương Lăng gật đầu, nhìn hai hàng cây thân vừa người ôm cao ngất trời, tuổi đời ít nhất cũng phải đến mấy chục năm, hàng rừng cây mênh mông bát ngát song lại cách nhau tăm tắp như được con người trồng nên, thì không khỏi lấy làm lạ: người xưa cũng biết trồng cây gây rừng sao?
Tiểu Lâu thấy y chăm chú nhìn mấy gốc cây thì lập tức hiểu ý, nói:
- Những gốc cây ấy đều là do triều đình trồng vào năm Hồng Vũ, ban đầu định trồng cây trăm tuổi để sau này có thể dùng làm vật liệu đóng thuyền sẵn tại chỗ, song giờ lại mặc cho chúng sinh trưởng, không ai ngó ngàng đến nữa. Nghe nói xưởng đóng thuyền Long Giang hiện nay chỉ đóng mấy con thuyền hai cột và bốn cột nho nhỏ, vả lại nhu cầu về thuyền bè của triều đình có hạn, những thợ đóng thuyền gia truyền không sống nổi, đa số đều tìm kế mưu sinh khác ở ven sông...
Dương Lăng không khỏi lắc đầu thở dài nói:
- Đáng tiếc, thủy quân của Đại Minh ta năm ấy có thể xưng danh đứng đầu thiên hạ, thế mà bây giờ... Ôi! Lúc ở Hải Ninh ta thấy đám giặc Oa cưỡi vài con thuyền cũ kỹ mục nát mà vẫn từ ngàn dặm xa xôi đến cướp bóc, nếu như chúng ta có một đội thuỷ quân lợi hại thì nào còn có chỗ cho bọn chúng hung hăng?
Tiểu Lâu thấy y tỏ vẻ thất vọng, không khỏi cười mỉm, nói:
- Bây giờ Đại Minh cũng có thuỷ quân mà, chỉ có điều... có điều dùng để bình định lãnh hải, truy đuổi và tiêu diệt ngư dân và thương nhân phạm cấm lệnh rời bến ra khơi, thuyền đó chỉ có thể tuần tra ven biển, không chịu được sóng gió giữa biển cả đâu.
Dương Lăng nhớ lại thái độ của Ngô Tế Uyên đối với việc thông thương trên biển, dường như phong tục tập quán của thân sĩ và dân chúng vùng Giang Nam khá cởi mở, ý thức tiên tiến cho nên đa số đều có thái độ ủng hộ hủy bỏ lệnh bế môn tỏa cảng.
Sau khi trở về kinh, nếu như mình kiến nghị với hoàng thượng cho thông thương thì phỏng chừng trong triều sẽ gặp phải cản trở không nhỏ. nhưng nếu các tầng lớp giai cấp vùng Giang Nam giữ thái độ ủng hộ hủy bỏ lệnh bế môn tỏa cảng thì sẽ có thể tăng thêm sức thuyết phục cho mình.
Phần lớn người Tiểu Lâu tiếp xúc là danh sĩ Giang Nam, nhất định là rất hiểu biết về việc này. Hỏi thăm nàng ta để biết thêm một chút, việc thuyết phục hoàng thượng cũng nắm chắc hơn một phần.
Tuy nhiên y thấy Tiểu Lâu nói chuyện cẩn thận, rõ ràng có ý xem thường năng lực thuỷ quân Đại Minh nhưng lại không dám không kiêng dè mà nói thẳng; có lẽ chỉ khi nào mình tỏ rõ thái độ trước nàng ta mới sẽ thẳng thắng nói ra.
Nghĩ đến đây, Dương Lăng bèn nói:
- Đúng vậy, nếu mở cửa thông thương trên biển thì sẽ dân giàu nước mạnh, đồng thời mọi lúc đều có thể nắm được tình hình nước khác, tai mắt triều đình cũng sẽ không bị bưng bít. Như lúc này đây, con dân Đại Minh ta bị kềm hãm trong lục địa, rợ ngoại tuần tiễu trên biễn, đến khi thuyền biển của rợ ngoại có năng lực vẫy vùng ngàn dặm rồi thì hải phận kéo dài ngun ngút như rãnh trời của Đại Minh sẽ bị biến thành ngõ cụt thôi. Biên thùy phương bắc quanh năm bị giặc Thát quấy nhiễu, khó mà đề phòng cho đặng. Bờ biển dài dằng dặc này nào chỉ gấp mấy lần biên giới phía Bắc? Nếu như trên biển có giặc kéo vào thì dù có bố trí bao nhiêu quân đội cũng không thể nào bảo vệ được.
Tiểu Lâu cười nói:
- Đại nhân nhìn xa trông rộng, muốn đất nước giàu mạnh, không thể không để ý đến hải dương. Tài phú lấy từ trong biển, nguy hiểm cũng từ biển mà ra.
Dương Lăng kinh ngạc dừng bước, nhìn nàng nói:
- Hay! Nói rất hay! Một lời trúng đích - Y nói quanh co nửa ngày trời chẳng qua là muốn biểu đạt cái ý này, không ngờ người con gái này lại chỉ nói một câu giản dị mà ý lại sâu xa, trúng ngay điểm cốt yếu.
Tiểu Lâu mỉm cười nói:
- Đó không phải là lời của thảo dân. Thảo dân là phụ nữ... nào có kiến thức như vậy? Đó chính là lời mà Trịnh Hoà Trịnh công công năm xưa từng nói.
Dương Lăng nghe Tiểu Lâu nói trăm năm trước Trịnh Hoà đã có kiến thức và tầm nhìn xa như vậy thì không khỏi bội phục vị thái giám Tam Bảo này không thôi. Tuy ông ta là hoạn quan nhưng chỉ với phần kiến thức này thôi thì bao nhiêu học giả uyên thâm có thể sánh bằng ông ấy đây?
Đi qua rừng cây um tùm, mọi người thấy nơi nối tiếp bờ đê hiện ra vài xưởng đóng thuyền. Mỗi xưởng rộng từ mười đến ba mươi trượng không đồng đều, sâu vào độ một trăm sáu đến trăm bảy mươi trượng. Bên trong xưởng đóng thuyền trống không, cả một chiếc thuyền cũng không có. Trên xưởng có đập nước, cầu gỗ, thành đá, tuy nhiên nhìn khắp nơi đều là cỏ dại mọc um tùm, hoang vắng cô liêu, cả một bóng người cũng không có.
Dương Lăng thấy mà sững sờ, không dám tin bèn hỏi:
- Đây là xưởng đóng thuyền Long Giang à? Nơi đóng ra những chiếc bảo thuyền dài cả trăm mét đó ư? Không lẽ nơi này đã bị dỡ bỏ rồi sao? Sao ngay cả một người cũng không có?
Trịnh Bách hộ nghe vậy vội vàng dẫn theo mấy người tìm kiếm chung quanh, không lâu sau liền phát hiện một ông già tóc hoa râm đang ngồi xổm câu cá ở dưới xưởng. Trịnh Bách hộ vui mừng quá đỗi vội gọi lão ta lại.
Dường như đã lâu lắm rồi không thấy quan viên đến, ông già nọ trông thấy Dương Lăng được tiền hô hậu ủng rầm rộ, đoán hẳn phải là quan rất to, thế là ông lão sợ đến suýt ngất, vội vàng vất cần câu, lập tức chạy ù sang nghênh đón.
Dương Lăng nhíu mày hỏi:
- Ông lão, ông là người của xưởng đóng thuyền này à? Ta hỏi ông, xưởng đóng thuyền này có phải là đã dỡ bỏ rồi không? Sao không có lấy người nào đóng thuyền, cũng không thấy thợ thuyền nào cả?
Lão hán gật đầu khom lưng đáp:
- Đại nhân, tiểu nhân là quản đốc phường dây thừng, thợ đóng thuyền thế tập (gia truyền). Xưởng đóng thuyền này của chúng tôi không hề bị dỡ bỏ, nhưng nha môn Đô Thủy ty của bộ Công gần hai năm nay đã không có mệnh lệnh đóng thuyền nào. Đám thợ thuyền không có thuyền đóng, không có tiền công, mà dù thế nào vợ con cũng phải sống nữa. Cho nên... bình thường không có việc gì làm thì chở mấy chuyến đò, làm thuê làm mướn, phụ nữ con nít thì vào rừng trồng rau trồng cải thả dê. Nhưng chúng tôi cũng không dám tuỳ tiện bỏ bê xưởng đóng thuyền này, cho nên tiểu nhân đã cùng mấy quản sự của phường bánh lái, phường gỗ, phường buồm, phường mạn thuyền, phường thừng chão luân phiên trông chừng. Hôm nay đến phiên tiểu nhân cai quản, không biết đại nhân đây là...?
Nghe ngữ khí của lão, xưởng đóng thuyền này được phân công khá là tỉ mỉ, thậm chí thừng chão, buồm đều có xưởng chuyên môn phụ trách, đủ thấy quy mô không nhỏ. Có điều nhìn xưởng đóng thuyền giờ đây bỏ phế hoang vu, khắp nơi cỏ leo mọc rậm, trong xưởng có thể câu cá, nào còn bóng dáng xưởng đóng thuyền từng hạ thủy hạm đội Tam Bảo khổng lồ giương buồm rong ruổi vạn dặm?
Dương Lăng thấy lão quản đốc khúm núm khom lưng, áo quần cũ kỹ, đôi giày vải lộ cả ngón chân cũng không nỡ khiển trách lão. Y thở dài một hơi, thất vọng nhìn xưởng đóng thuyền to lớn đồ sộ, nhất thời không còn hứng thú dạo chơi nữa.
Lão quản đốc nọ không biết y có lai lịch như thế nào, thấy y thừ người như vậy cũng không dám mở lời, chỉ ngoan ngoãn đứng một bên. Dương Lăng định vào trong thành đá xem một chút, nhưng đi được vài bước, y bỗng dừng chân rồi quay người nói:
- Không cần nữa, bản quan đi đến nơi này chỉ là tùy ý ghé qua xem một chút. Giờ thì đi thôi.
Dương Lăng dẫn người lên đường quay về, lặng lẽ không nói tiếng nào, vẻ mặt hơi nghiêm trọng. Tiểu Lâu trộm quan sát thần sắc của Dương Lăng, rồi suy xét về thái độ của y, dần dần lần ra được chút manh mối.
Nàng dò hỏi:
- Thật ra vùng duyên hải chỉ có vài đám giặc Oa gây loạn, chưa đủ làm lay động đến căn cơ Đại Minh. Những tiểu quốc rợ ngoại trong bốn biển đó cũng không có thực lực xâm phạm giang sơn Đại Minh ta. Cớ chi đại nhân lại phiền lòng?
Tuy Tiểu Lâu có kiến thức, nhưng dẫu sao nàng cũng không thể nhìn xa đến như vậy. Nàng nào biết mấy mươi năm sau những phiên bang tiểu quốc không đáng lo trong mắt nàng đó sẽ bắt đầu không chút kiêng dè mà kẻ trước người sau nườm nượp kéo đến muốn thôn tính cái thị trường Trung Quốc này.
Nay dùng mọi biện pháp bọn họ cũng không thể đạt được giao lưu thương nghiệp với thiên triều thượng quốc. Sự xuất hiện đúng lúc của thuyền to pháo lớn sẽ tạo ra cho bọn họ cơ hội có được sức mạnh quân sự, khiến cho những quốc gia bé nhỏ này có thể xưng bá trên biển và bắt đầu xưng bá thế giới.
Đạo lý này phải đến mấy trăm năm sau, từ trong hàng loạt những bài học mất nước nhục nhã thì Trung Quốc mới hiểu ra được. Bây giờ ngoài Dương Lăng đến từ đời sau ra thì còn ai biết được bài học đó nó đau thương như thế nào, và cái giá phải trả to lớn biết bao nhiêu?
Xưởng đóng thuyền Long Giang mà hơn trăm năm trước đã đóng ra đại hạm đội xưng bá thế giới giờ đây chỉ còn lại một đống hoang tàn. Qua một hai trăm năm sau, một Trung Nguyên bừng bừng sức sống bây giờ có phải rồi cũng sẽ bước vào cảnh hoang vu lạc hậu hay không?
Dương Lăng sớm biết lệnh cấm biển của nhà Minh sẽ trực tiếp khiến cho sức mạnh trên biển của Trung Quốc suy yếu nghiêm trọng, gián tiếp tạo ra sự trì trệ về phát triển khoa học và kinh tế của cả quốc gia. Nhưng nhìn thấy cảnh tượng ngày hôm nay, y mới biết được rằng sự tình trước mặt đã nghiêm trọng đến mức độ nào.
Thêm mấy năm nữa, không chỉ xưởng đóng thuyền suy tàn mà e rằng ngay cả thợ thuyền có năng lực cũng sẽ tìm không ra. Những thợ thuyền gia truyền này lại không theo học trường lớp chuyên nghiệp, tay nghề của bọn họ đều là cha truyền cho con, con truyền cho cháu, từng đời truyền xuống. Nếu như không có thuyền để đóng, nếu như học đóng thuyền còn không kiếm đủ cơm ăn thì còn có ai mà dạy mà học nữa?
Suy nghĩ một chút về lịch sử mà mình biết, nếu không phải vì bây giờ triều đình cấm đi biển, cấm đóng thuyền thì Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục xưng hùng vùng biển Đông Á, vậy sẽ có thể luôn đảm bảo được sự văn minh tiên tiến thông qua tiếp xúc và va chạm với các quốc gia khác, không đến nỗi mấy trăm năm sau bỏ ra vô vàn ngân lượng mua chiến hạm thiết giáp mà vẫn bị Nhật Bản đánh chìm.
Nếu như hải quân Trung Quốc bây giờ đủ mạnh, chủ động khai thác mậu dịch hải ngoại và thuộc địa, vậy còn dám nói mấy trăm năm sau mấy quốc gia mà diện tích gộp lại còn không bằng Nam Trực Lệ ( ) sẽ trở thành bá chủ trên biển không? Còn có chuyện dùng pháo đài thô sơ trên đất liền nghênh tiếp những cuộc công kích không chống đỡ được của chiến hạm hải quân nước ngoài không?
Hiện nay không chỉ triều đình tự mãn bảo thủ mà đại đa số các thương nhân và thân sĩ trong dân gian có chút tầm nhìn xa khi ra biển cũng không chủ trương mở rộng ra nước ngoài. Thật ra lực lượng này khá lớn, cho dù mình là hoàng đế, muốn thay đổi tình hình này e cũng gặp phải trùng trùng khó khăn, huống hồ hiện giờ ngay cả triều chính mình cũng không có tiếp xúc bao nhiêu.
Tuy mình biết kết quả phát triển của lịch sử nhưng điều đáng buồn chính là, cho dù là biết rõ song nhiều khả năng là mình sẽ chỉ có thể trơ mắt đứng nhìn bài học và tai ương diễn ra một lần nữa, nhìn cái thảm cảnh quốc gia dần dần trở nên suy nhược, máu chảy thành sông xuất hiện. Mình có thể nào ngăn chặn được nó không?
Dương Lăng vừa đi vừa nghĩ ngợi, tâm trạng càng thêm nặng nề, cũng không còn tinh thần ngắm cảnh và trò chuyện cười đùa cùng Tiểu Lâu.
Tiểu Lâu tưởng rằng y vẫn là vì cái họa giặc Oa vùng duyên hải mà ưu sầu, nào biết được tâm tư người này đang trôi đến tận mấy trăm năm sau. Nàng thở dài một tiếng nói:
- Tục ngữ có câu "dựa núi thì sống nhờ vào núi, giáp biển thì sống nhờ biển", muốn ép buộc dân chúng duyên hải đoạn tuyệt với biển cả là điều không thể.
Triều đình không cho phép, nhưng vì món lợi kếch sù, tất sẽ vẫn có phú thương dân gian tự lập đội nhóm giao dịch với ngoại bang. Nhưng thương nhân các nước hải ngoại đều có quân lực bảo hộ, hơn nữa đi biển rất không an toàn, những thương nhân đi biển này giao dịch cùng ngoại bang mà không có vũ khí sẽ không cách gì tự bảo vệ, nếu thành lập lực lượng vũ trang thì sẽ lại bị triều đình vì kiêng kị mà vây diệt. Kết quả... triều đình càng cấm biển, trừ biển, thương nhân đi biển chịu bao khốn đốn trong ngoài mà ra khơi làm giặc sẽ càng nhiều. Duyên do nhân quả trong đó, vốn là một nút thắt không thể gỡ, khó trách đại nhân cảm thấy khó xử.
Dương Lăng lắc đầu nói:
- Cũng không hẳn là vậy. Nếu như chúng ta không cấm buôn bán bằng đường biển, nếu không trói buộc thủy quân quanh quẩn trong nội địa, lại mở đường vượt biển thì có thể tháo gỡ được cái nút thắt đó không?
Tiểu Lâu giật mình, buột miệng hỏi:
- Làm vậy sao được?
Dương Lăng nhướng mày, trông như cười mà không phải cười, nói:
- Tại sao lại không được? Nếu cái nút thắt này là do con người thắt lại thì chỉ có thể do con người tháo gỡ nó. Vả lại cái nút thắt này sớm muộn cũng phải tháo ra, chỉ là nếu đợi đến ngày bị buộc phải tháo ra thì không biết sẽ có bao nhiêu người dân chịu phải tai ương. Dương mỗ nhận lộc của vua, san sẻ lo âu với vua, tại sao lại không thể thử tháo gỡ nó ra sớm chút nhỉ?
Sau khi Tiểu Lâu trở về thuyền của mình, thân hình và dáng điệu mới trở lại dáng vẻ nữ nhân.
Nàng bước vào khoan thuyền ngồi, khẽ thở dài một hơi. Một tỳ nữ xinh đẹp mặc đồ đỏ dâng lên chén trà, nhẹ nhàng đấm vai cho nàng, yêu kiều cười nói:
- Sao tiểu thư lại thở vắn than dài thế? Đều tại chính tiểu thư thôi, Giang Nam đệ nhất giai nhân thì không làm, khi không lại muốn cải trang thành nam nhân, vậy làm sao mà khiến y mê tiểu thư đây? Tiểu tỳ thấy tiểu thư là thấy một vị công tử anh tuấn tiêu sái, thiếu niên đầy triển vọng nên hơi bị choáng váng đầu óc rồi.
Tiểu Lâu khẽ lắc đầu, ánh mắt có phần mê mang:
- Nếu như y chịu mê ta, thì đã mê từ lâu rồi, còn đợi đến hôm nay ư? Nha đầu ngốc này, nếu ta thật sự ăn mặc nữ trang, y không lánh xa ta ngàn dặm mới lạ đó. Đạo hạnh của ngươi còn kém lắm.
Đúng lúc này, chợt có một người tiểu tỳ áo đỏ hầm hầm bước vào trong khoang nói:
- Tiểu thư, cái tên khâm sai đó thật không khách khí chút nào. Hắn vừa mới hạ lệnh cho thuộc cấp, một khi vào thành liền lập tức hộ tống chúng ta đi trước một bước. Hừ, nếu không phải nhờ tiểu thư giúp đỡ hắn thì chuyện ở Giang Nam hắn có thể được thuận lợi như vậy sao? Thật là đồ vong ơn bạc nghĩa.
Tiểu Lâu cười chua chát, thở dài nói:
- Thôi đi, người ta không ném đá xuống giếng, không mượn gió bẻ măng thì đã là chính nhân quân tử hiếm có rồi. Nếu đổi lại là người khác, hừ, cho dù trong lòng hắn chỉ mong sao nuốt trọn được ta thì trước mặt người khác còn không biết giả vờ muốn tránh xa để chứng tỏ mình trong sạch ư.
Nàng đảo mắt, suy nghĩ một chút rồi nói:
- Sở Yến, bảo nhà thuyền rằng, sau khi vào thành thì vượt lên thuyền quan của đại nhân mà vào thành trước. Còn nữa... đợi ta tạ ơn khâm sai đại nhân, nói không cần nhọc y sai người đưa tiễn nữa.
Tỳ nữ xinh đẹp tên là Sở Yến đó ngạc nhiên nói:
- Tiểu thư, không lẽ tiểu thư không tính... tính... có muốn tiểu tỳ dò hỏi hành dinh của y không?
Tiểu Lâu mỉm cười đáp:
- Không cần hỏi, Nam Kinh lục bộ, Vương Quỳnh đứng đầu. Bọn họ sẽ không ra nghênh đón khâm sai đâu. Nghênh đón Dương đại nhân hẳn sẽ là thái giám trấn thủ Nam Kinh Phùng công công. Phùng công công có tư dinh ở ngõ Ô Y, nghênh đón thượng quan tới tư dinh mình, đó là cơ hội đón tiếp lấy lòng. Cho nên... y hẳn sẽ trọ ở ngõ Ô Y.
Sở Linh cười hì hì nói:
- Vậy chúng ta cũng dọn đến ngõ Ô Y, để làm ra vở tài tử giai nhân ngẫu nhiên tương phùng.
Tiểu Lâu trừng mắt với cô nàng một cái, nói:
- Không, đừng chuốc phiền cho người ta. Chúng ta sẽ dọn đến phố Trường Can. Phố Trường Can cũng nằm ở phía nam thành, cách ngõ Ô Y lại không xa. Mấy năm trước ta nghe người ta nói rằng, nơi đó có một thuyền vương từng tung hoành trên biển đang ẩn cư, ta muốn đến tìm người này một chút.
Sở Yến lấy làm lạ hỏi rằng:
- Thuyền vương gì chứ? Còn không phải là hải tặc quy ẩn à. Mấy kẻ này kị nhất có người dò hỏi về quá khứ bọn họ, tiểu thư không phải tính dọn đến phương bắc sao, tìm hắn làm gì. Chẳng lẽ... lại muốn ra biển ư?
Tiểu Lâu thoáng cười nhạt, đứng dậy bước đến bên cửa sổ khoang thuyền nhìn ra dòng sông cuồn cuộn, khóe miệng hơi nhếch lên, nửa cười nửa không nghĩ thầm: “Lúc mi dùng sắc đẹp mê hoặc người, mi cảm thấy mình tâm cao khí ngạo, lấy đó làm sỉ nhục. Bây giờ người này không mê sắc đẹp của mi, thì phải xem thử mi có tài cán gì hay không. Xem ra y rất xem trọng việc dỡ bỏ lệnh cấm biển và bình định giặc Oa, nếu như mình có thể giúp y giải quyết cái vấn đề nan giải này... Ái chà, lâu rồi không động não, mới nghĩ một chút đã nhức đầu rồi. Từ từ mà nghĩ... từ từ mà nghĩ, mình không tin mình nghĩ không ra...”
* * *
"Lục đại đế vương quốc, Tam Ngô giai lệ địa." (Vùng đất xinh đẹp Tam Ngô, đất nước của sáu đời vua chúa)
Con thuyền quan của Dương Lăng đã đến ven bờ sông Tần Hoài. Thái giám trấn thủ Nam Kinh Phùng Thừa Thực cùng quan thủ bị Nam Kinh Quan Kiến Công, trấn phủ sứ Nam trấn phủ ty của Cẩm Y Vệ là Thiệu Tiết Vũ dẫn một đám quan viên thân sĩ đứng ở bến thuyền chờ đón.
Thuyền vừa vào thành Dương Lăng liền đã nhận được bẩm báo trấn phủ sứ đại nhân của Nam trấn phủ ty cũng đến bến thuyền chào đón. Tin tức này khiến y suy đoán cả nửa buổi.
Chuyến đi đến Nam Kinh của y và Cẩm Y Vệ không có liên quan với nhau. Tuy thế lực của Nam trấn phủ ty kém xa Bắc trấn phủ ty nhưng cũng là nha môn quan trọng trong Cẩm Y Vệ, nếu không được chỉ huy sứ Trương Tú của Cẩm Y Vệ gợi ý thì Thiệu trấn phủ với thân phận mẫn cảm như vậy sao dám đến nghênh đón chứ?
Tri thức quan trường của người Trung Quốc thật sự rất nhiều, phải bày một chiếc ghế như thế nào, rót một chén rượu ra làm sao, kính một chén trà như thế nào đều có thể hàm ẩn ngụ ý sâu xa. Đường đường trấn phủ sứ hạ mình đến đón, có phải đại biểu rằng vị đề đốc Cẩm Y Vệ Thiên Tân Trương đại nhân đó có ý với mình không?
Nghĩ đến đây, Dương Lăng cũng hơi nóng lòng muốn biết. Nếu có thể tranh thủ được Cẩm Y Vệ, vậy đúng là thắng lợi thêm một việc nữa. Hiện giờ quá cần quyền lực đi, cần quyền lực tuyệt đối, cần rất nhiều người mang tâm nguyện của y bôn ba khắp nơi, ngấm ngầm thay đổi. Từ từ thay đổi đương nhiên là tốt nhất, nhưng lời của Trương thiên sư cũng không biết là thật hay giả. Nếu như bây giờ có thể làm thêm một việc vậy thì có lẽ nên làm cho tốt một chút.
Chiếc thuyền quan đầu tiên nhẹ nhàng chạy qua, đập vào mắt là lá cờ rồng màu vàng sẫm của thiên tử và là cờ to có chữ Dương cắm sừng sững trên đuôi thuyền. Thuyền quan cập bến, trên thuyền lần lượt đặt ván xuống bến thuyền, thuyền phu ném thừng xuống liền tự có bộ dịch chạy đến nhặt lên, buộc chặt vào cọc đá trên bến.
Thái giám trấn thủ Nam Kinh Phùng Thừa Thực tươi cười cùng Quan thủ bị và Thiệu trấn phủ bước tới đón. Người của ty tuần kiểm bố trí vừa âm thầm lẫn công khai rất nhiều người ở gần đó để đề phòng bất trắc.
Trong các thân binh do Quan thủ bị dẫn đến có một vị tướng tá cũng đang nhìn chằm chằm vào đầu thuyền, khi trông thấy bóng Dương Lăng, hắn không khỏi nở một nụ cười thân thiết.
Người này cao lớn rắn chắc, da dẻ ngăm đen, mặt mày sáng sủa, trông anh tuấn bất phàm, chính là huynh trưởng của Hàn Ấu Nương - Hàn Vũ. Lúc Dương Lăng còn chưa rời kinh đã an bài cho y đến phương nam nhận chức trong quân đội. Y là người do Xưởng đốc Nội xưởng tiến cử, mà phẩm hàm ban đầu lại không cao khiến cho quan viên địa phương thật sự khó xử.
Nếu an bài cho chức quan nhỏ tức là địa phương thu xếp không tốt, vậy là làm mất mặt Dương Lăng. Nhưng nếu đề bạt y làm quan to thì sẽ khó khiến cho nhiều người im miệng. Suy nghĩ kỹ một phen, Đô chỉ huy sứ bèn đưa y đến chỗ Thủ bị Kim Lăng là Quan Kiến Công làm thủ hạ. Tuy chỉ là một chức bách hộ nhưng làm quan ở cái chốn này lợi lộc không nhỏ, chắc hẳn cũng sẽ hợp với tâm ý của Dương Xưởng đốc.
Kim Lăng không giống với những nơi khác. Thái giám trấn thủ Nam Kinh, Nam trấn phủ sứ và Dương Lăng không có quan hệ thuộc chức, hơn nữa tuy rằng ở trước mặt Hoàng thượng có sự khác biệt về đối đãi thân sơ song địa vị lại ngang nhau cho nên Dương Lăng cũng không dám thất lễ. Sớm đã đứng trên đầu thuyền, ván thuyền vừa hạ y liền tươi cười đi đến nghênh đón ba người.
Lúc này phía sau bến thuyền, trên lầu ba của một tửu lâu rộng lớn khang trang hoa lệ, trong một căn phòng trang nhã phủ rèm bông màu xanh biếc, trên chiếc bàn cạnh cửa sổ bày biện các món ăn tứ sắc, bên cạnh là một bầu Trúc Diệp Thanh, một công tử trẻ tuổi khôi ngô tuấn tú đang ngồi.
Chàng ta mặc một bộ quần áo trắng tinh màu trăng non, thân thể cao thon mảnh dẻ, mái tóc đen mượt chỉ dùng trâm gỗ khảm vân hoa đính dây tua màu trắng tinh cài lên. Tuổi tác trông chỉ chừng mười sáu mười bảy, mặt như ngọc sáng, mắt tựa suối trong, chiếc mũi cao tinh xảo như ngà, còn có bờ môi hơi vểnh, dường như lúc nào cũng mang một vẻ tươi tắn nửa cười nửa không, trong vô ý liền có thể lộ ra một vẻ đẹp lả lướt làm say lòng người. Chàng trai xinh đẹp như thế, thật không biết sẽ làm say mê biết bao đại cô nương.
Trông thấy chiếc thuyền quan mang lá cờ lớn chữ Dương từ xa xa rẽ vào, chàng ta bỗng đứng bật dậy, dán người vào khung cửa sổ phủ rèm hồi hộp mở to cặp mắt ra nhìn. Thuyền đã cập bến, mỏ neo được thả xuống, chàng đã trông thấy Dương Lăng, Dương Lăng đang mỉm cười bước xuống thuyền.
Đã nửa năm không gặp... bỗng nhiên trông thấy, cảm giác như đã cách xa cả đời. Y đã khôi ngô tuấn tú hơn thuở trước, giữa hàng lông mày đã hiện lên thêm mấy phần thành thục và uy nghiêm, còn nữa... người y đã cao hơn, vóc người cũng săn chắc hơn, nhưng mặt mũi dung mạo lại vẫn quen thuộc với mình.
Người công tử trẻ tuổi chớp chớp hàng mi cong, một lớp sương mù nhanh chóng phủ trước cặp mắt trong veo. Từ từ, chầm chậm, lớp sương mù tụ lại thành hai giọt nước mắt long lanh trong suốt, từ trong cặp mắt đẹp như trăng nhỏ xuống, chầm chậm xuôi theo gò má trắng ngà không chút tì vết lăn xuống chiếc cằm thon rồi rơi xuống bàn.
Chàng ta khịt mũi, cố nén không để nước mắt trào ra thêm, ánh mắt đã hơi nhòe đi, lại cách bởi một lớp rèm, con người đang ở trong mắt cũng đã trở nên lờ mờ, giống như bóng dáng mà chàng ta đã vô số lần nhìn thấy trong mơ.
Có điều... người ấy khi đó nhìn không có rõ như bây giờ. Người ấy trong mơ nhìn không rõ tướng mạo, nhìn không rõ trang phục, chỉ nghe được hơi thở của y, mình nằm dựa vào lòng y, cuộn mình trong hố tuyết lạnh buốt nhưng tai, mặt, đều ép sát vào ngực y đến nóng bừng.
Người ấy bây giờ đã có thể nhìn thấy thật rõ ràng, y mặc chiếc áo vạt mở màu hồng cánh sen, bên trên chiếc đai ngọc giắt một miếng ngọc bội, ngọc bội khẽ đong đưa theo từng bước chân của y. Dưới chiếc áo dài lộ ra đôi giày đen đế mềm thêu hoa văn kim tuyến. Thật là một vị công tử anh tuấn phong lưu, thật khiến người ta động lòng, yêu thích...
Đợi chút, đằng sau là ai thế? Mỹ nữ áo xanh có dáng người xinh đẹp, cử chỉ nhàn nhã đó là ai thế?
Con mắt sáng ngời của người công tử trẻ tuổi giận dữ dời sang người Dương Lăng. Dương Lăng đang cười, đang hướng mặt về phía những kẻ ra đón mà mỉm cười, nụ cười của y... khuôn mặt của y... quần áo của y, sao nhìn lại muốn đập thế cơ chứ?
Một đám quan viên quây lại, che cái bản mặt đáng đánh đó của y vào trong.
Cao, thấp, mập, béo, trong chớp mắt một đám người đã bao phủ lấy bóng dáng của Dương Lăng. Vốn không muốn ngó cái bản mặt đáng ghét đó của Dương Lăng nữa nhưng khi không thấy được y, người công tử trẻ tuổi chợt trở nên nôn nóng. Chàng ta kiễng chân dán người vào rèm cửa để nhìn, nhưng ngoại trừ mấy cái đầu người ra, không còn thấy diện mạo của y nữa. Sau đó những cái đầu người đó vây quanh y đi về phía hàng kiệu quan đặt trên bến thuyền.
Công tử trẻ tuổi giậm chân, chụp lấy cái chén sứ trên bàn lên, nốc sạch một hơi chén rượu trong veo thơm ngát vào miệng, rồi dằn mạnh chén rượu xuống bàn, hừ một tiếng nói:
- Dương khâm sai, Dương đại nhân! Quan uy thật lớn, bản lãnh thật to, ta thật muốn xem coi lúc nào thì huynh mới chịu tới gặp ta. Hừ!
Chú thích:
溜山: quần đảo Maldives nam Ấn Độ dương, tiếng hoa nay gọi là 马尔代夫. 溜山 có lẽ phiên từ tên cũ Lakshadweepa.
麻林: Malindi: thành phố nằm trên bờ biển nước Kenya, Phi châu.
天方: Mecca, thánh địa hồi giáo ở Saudi Arabia. Tên tiếng hoa là Mạch Gia (麥加). Thiên Phương có nghĩa là hướng thiên đàng, theo tín ngưỡng hồi giáo.
Đoán mò:
刺薩: tên đầy đủ: 蘇刺薩儻那: Surestan/suristan: tên xưa của vùng đất nay thuộc về Syria.
Cám ơn bạn Mumo về chú thích này.