Dương Lăng theo sau công chúa Vĩnh Thuần đi thẳng đến Thập Vương phủ. Cấm cung của nội cung vô cùng nghiêm ngặt. Ngoài cung, tuy y được công chúa Vĩnh Thuần dẫn theo, thị vệ trong cung vẫn bước đến ngăn lại. Chỉ đến khi thấy được ngọc bội hình rồng của Hoàng Đế thì mới kinh hoảng thi lễ lui ra.
Dương Lăng đang mặt mày ủ dột lẽo đeo theo sau cô nàng tiểu công chúa, đột nhiên nhìn thấy trước ao nước nơi có ngọn giả sơn ở phía xa hiện ra một bóng dáng màu vàng nhạt. Y nhận ra đó là công chúa Vĩnh Phúc đang dẫn hai cung nữ rắc đồ ăn xuống nước sau lan can mái hiên, trong lòng không nén được mừng rỡ. Như thấy được cứu tinh, y rảo bước nhanh tới, đứng cách thật xa cất tiếng gọi lớn:
- Vi thần Dương Lăng tham kiến trưởng công chúa điện hạ.
Công chúa Vĩnh Phúc kinh ngạc quay người, trông thấy Dương Lăng, đầu tiên lộ vẻ hân hoan, tiếp đó ngơ ngác hỏi:
- Dương tướng quân, sao ngươi lại ... vào hậu cung?
Nàng liếc sang hoàng muội, cả kinh thốt lên:
- Là muội dẫn Dương tướng quân vào ư? Còn không mau... mau đưa Dương tướng quân về đi. Chốn cung cấm này sao có thể tuỳ tiện bước vào.
Vĩnh Thuần đắc ý nói:
- Muội đến chỗ hoàng huynh cáo ngự trạng dùm Ninh Thanh cô cô. Là hoàng huynh sai Dương Lăng đến giúp cô cô trút giận đấy, Có phải vậy không Dương đại nhân?
Công chúa Vĩnh Phúc nhìn muội muội, lại ngó bộ dáng liên tục cười gượng của Dương Lăng, không khỏi vừa bực mình vừa buồn cười. Vị hoàng huynh này của nàng luôn làm việc cẩu thả. Bây giờ chuyện riêng của hoàng gia không giao cho phủ Tông Nhân xử lý lại phái vị tướng quân đến tra án. Không phải muốn đánh giặc chứ?
Công chúa Vĩnh Phúc lại nghĩ đến cảnh ngộ sau khi kết hôn của những công chúa trong hoàng gia, không khỏi thở dài, cất giọng xa xăm:
- Ôi, thanh quan khó xử việc nhà, quy củ tổ tiên truyền xuống thì ai có thể thay đổi được? Muội cần gì phải làm khó Dương tướng quân như vậy?
Công chúa Vĩnh Thuần ngạc nhiên nói:
- Sao tỷ tỷ lại nói vậy? Chẳng phải tỷ đã nói với muội tình cảnh hoàng cô hôm nay sẽ là tương lai của tỷ và muội sau này. Đến khi đó một mình đơn độc trong thâm cung, như chim trong lồng, đừng nói là nghĩ đến trời cao biển rộng, thậm chí ban đêm gối chiếc đơn côi khó bề nhắm mắt, ngay cả một người tri kỷ bầu bạn trò chuyện bên giường cũng không có đó ư? Giờ muội tìm hoàng huynh trút giận giúp cô cô, áp chế sự kiêu căng của bọn chúng, tránh có một ngày chúng ta cũng sẽ chịu những cơn cáu giận vô lối của chúng thì có gì là không phải?
Lời tâm sự riêng của con gái, giờ để cho cái “loa kèn nhỏ” lắm điều này rêu rao như vậy, công chúa Vĩnh Phúc vừa giận vừa thẹn. Nàng oán giận giậm chân, chỉ muội muội u uất nói:
- Muội... muội...
Dương Lăng nhìn hai tỷ muội cãi nhau, nén cười ho khan vài tiếng rồi thưa:
- Công chúa điện hạ, hoàng thượng lệnh cho vi thần đi đến chỗ của Ninh Thanh công chúa để thẩm tra sự tình. Nhưng... suy cho cùng đây là chuyện hoàng gia, vi thần thật sự không tiện xen vào. Nếu như công chúa thấy tiện, vi thần muốn mời công chúa đi đến đó làm chứng, vi thần cũng dễ bề thưa lại với hoàng thượng.
Công chúa Vĩnh Phúc liếc mắt nhìn Dương Lăng, thấy ánh mắt y ngó vội Vĩnh Thuần rồi nháy máy ra hiệu với mình, trong lòng lập tức hiểu ra mấy phần. Nàng cắn môi thoáng nghĩ ngợi, rồi giãn mày cười nói:
- Được thôi, bản công chúa cũng đang muốn đi gặp cô cô một lát, tiện thể đi cùng tiểu muội vậy.
Vừa nói nàng vừa bước đến kéo tay Vĩnh Thuần, quay đầu mỉm cười với Dương Lăng rồi đi trước dẫn đường. Có công chúa Vĩnh Phúc đi cùng, Dương Lăng không khỏi thở phào nhẹ nhõm. Tính tình của vị tiểu công chúa điêu ngoa giống hệt như người anh của nàng, bốc đồng lỗ mãng, bất chấp hậu quả. Nếu làm cho cô ả phiền lòng, có khi thật sự sẽ bị hãm hại cũng không chừng. Có công chúa Vĩnh Phúc đi cùng suốt hành trình, thật sẽ an toàn hơn nhiều.
Công chúa Vĩnh Thuần nắm tay tỷ tỷ hiên ngang đi vào cung điện của công chúa Ninh Thanh trong phủ Thập Vương. Vừa vào đến chính điện nàng liền lạnh giọng quát đám thị nữ ra đón:
- Gọi tổng quản ra gặp ta!
Công chúa Vĩnh Thuần rất có tình cảm với công chúa Ninh Thanh, thường hay qua lại phủ đệ nên người trong phủ công chúa đều nhận ra nàng. Vừa thấy tiểu công chúa đến, tất cả đều hoảng sợ hành lễ. Chỉ một lát sau, nữ quan phủ công chúa Ninh Thanh nhận được tin liền thong dong bước ra nghênh đón. Từ xa nhìn thấy hai vị công chúa, mụ liền vội bước lên mấy bước, nhanh nhẹn quỳ sụp xuống hô:
- Nô tỳ bái kiến Đại trưởng công chúa, trưởng công chúa điện hạ. Hai vị điện hạ muốn gặp Ninh Thanh công chúa phải không?
Động tác đi đứng, bái lạy của nữ quan này liền mạch lưu loát, tựa nước chảy mây trôi, tư thế gọn gàng nhanh nhẹn, lộ vẻ tự nhiên tao nhã, hết sức dễ coi.
Vĩnh Thuần hừ mũi một tiếng, hất cằm xẵng giọng:
- Không cần vội gọi cô cô ra, bản công chúa hôm nay đến đây là để gặp ngươi.
Vị nữ quan đó vừa đứng dậy, nghe thế không khỏi kinh ngạc nói:
- Công chúa điện hạ muốn gặp nô tỳ? Điện hạ sao có thể nói lời này. Người có chuyện gì, chỉ việc gọi một tiếng, nô tỳ còn không vội vã chạy đến ư, nào dám nhọc công người. Nô tỳ thực không đáng được như vậy.
Vĩnh Thuần ngồi lên đôn gấm, cười gằn một tiếng nói:
- Ngươi có gì mà không dám chứ? Ngươi đuổi phò mã gia ra khỏi phủ, còn dám chạy đến chỗ Thái hoàng thái hậu cáo trạng công chúa, hại hoàng cô chỉ có thể nuốt lệ vào lòng. Bản lĩnh lớn như vậy ta nào dám gọi ngươi?
Dương Lăng vốn nghĩ vị nữ quan phủ công chúa này nhất định là một bà già xấu xí xảo trá. Nhưng nhìn vị nữ quan này, tuổi tác bất quá chỉ khoảng bốn mươi, da dẻ chăm sóc rất tốt, nõn nà khoẻ khoắn thướt tha, trông vô cùng đoan trang thanh tú, khi cười thì hoà nhã chân thành, không hề có chút ác độc xảo trá, bất giác hơi cảm thấy bất ngờ.
Nữ quan vừa nghe Vĩnh Thuần nói vậy thì hé môi cười, duyên dáng đáp lời:
- Nô tỳ đang lấy làm kỳ quái, công chúa điện hạ sao lại như đang bực bội ai, hoá ra là vì cho rằng nô tỳ lấy phận nô tài lấn át chủ.
Nói đoạn nữ quan thu lại nụ cười, quỳ xuống khấu đầu, mặt đầy vẻ oan ức:
- Nô tỳ năm tuổi vào cung, tập lễ nghi vũ nhạc cung đình, hầu hạ Thái hoàng thái hậu lão nhân gia người. Khi Ninh Thanh công chúa gả cho phò mã, tiên đế Hoằng Trị đã khâm mệnh cho nô tỳ nhậm chức nữ quan phủ công chúa, coi sóc cuộc sống thường ngày của công chúa, xử lý các sự vụ trong phủ. Nô tỳ quả thực đã chăm sóc cho công chúa từng li từng tí. Nói đến phò mã, chuyện của thiên tử gia nô tỳ vốn không nên lắm lời. Nhưng quy củ của người thực không thể đem so với dân gian. Hoàng thượng còn có Kính Sự phòng trông nom mọi việc, lẽ nào phủ công chúa có thể qua loa hay sao? Phò mã gia chưa được cho phép đã thường xuyên vào cung. Hơn nữa còn hay say rượu mà về. Nếu rêu rao ra ngoài, bị những thần tử nhìn vào há chẳng sẽ mất thể diện hoàng gia ư? Nô tỳ tuy là phận nữ lưu, nhưng cũng là phụng thánh dụ. Tiên đế người đã tín nhiệm, giao cho nô tỳ chức vụ này, nô tỳ cũng biết đây là chức vụ đắc tội với mọi người, trong ngoài đều không ưa. Nhưng cho dù bị đánh chết cũng không dám giả câm giả điếc, nhắm mắt làm ngơ. Tiểu tỳ hầu hạ Thái hoàng thái hậu, lại hầu hạ Ninh Thanh điện hạ, vẫn luôn cẩn thận kỹ lưỡng, không dám qua loa chuyện gì. Nếu công chúa điện hạ cho rằng nô tỳ làm sai, vậy hãy đánh chết nô tỳ đi.
Nữ quan này vừa nói vừa rơi lệ, quay đầu nói với đám thái giám và cung nữ trong điện:
- Đi, lấy roi ra. Nô tỳ đã mạo phạm công chúa điện hạ Vĩnh Thuần, hôm nay hãy để công chúa điện hạ đánh chết đi. Thể diện hoàng gia quan trọng, các ngươi không được ra ngoài rêu rao bậy bạ.
Đám cung nữ thái giám đó nghe xong lập tức quỳ xuống, cầu xin không ngừng:
- Xin công chúa điện hạ tha mạng. Lư tổng quản một lòng hầu chủ, chúng nô tài đều tận mắt nhìn thấy, xin công chúa điện hạ hãy khai ân!
Công chúa Vĩnh Thuần nghe xong giận không nói nên lời. Vị Lư nữ quan này luôn miệng liến thoắng "Thái hoàng thái hậu" và "tiên hoàng", điệu bộ giống hệt như thủ đoạn của Dương Lăng trên Kinh Diên, khiến cho công chúa Vĩnh Thuần không tài nào gây được khó dễ cho mụ.
Dương Lăng vừa nhìn tướng mạo bộ dạng, lời nói ngữ khí của mụ, vốn thật sự tin mụ một lòng gìn giữ lễ nghi hoàng gia. Nói không chừng vị phò mã gia nọ thật sự có điều quá đáng. Đáng tiếc vị nữ quan này mặc dù trông thấy Dương Lăng, lại nghĩ đó là Cẩm y vệ do Vĩnh Thuần kiếm tạm đến để xử lý ả, mà không biết thân phận thật của y, thành thử diễn hơi quá lố.
Dương Lăng tỏ vẻ lạnh lùng thờ ơ quan sát, thấy ánh mắt của đám cung nữ và thái giám khi nhìn về phía nữ quan luôn mồm liến thoắng “nô tỳ” này “nô tỳ” nọ còn khϊế͙p͙ sợ hơn lúc nhìn công chúa Vĩnh Phúc, trong lòng y đã hiểu ra vài phần.
Y mỉm cười, chậm rãi bước đến trước mặt nữ quan họ Lư, cúi người nói:
- Xin Lư tổng quản hãy đứng dậy đi. Chỉ vì công chúa điện hạ nhìn thấy Ninh Thanh công chúa đau lòng, cho nên nhất thời nóng nảy. Ngươi vâng theo ý chỉ của tiên đế, giữ gìn tôn nghiêm, chẳng những không có tội, mà còn có công. Có điều... ngươi một lòng vì chủ, song cách làm lại hơi quá quyết liệt, sao không khiến Ninh Thanh công chúa mất thoải mái chứ? Trở về ngươi vẫn nên thỉnh tội với công chúa mới phải.
Lư tổng quản vốn tính làm bộ làm tịch, ra vẻ nô bộc trung thành để mắng vị quan quân Cấm quân này không biết tôn ti, tranh phát biểu trước mặt công chúa. Song khi nghe giọng điệu y dường như lại nói đỡ cho mụ, thế là nở ruột nở gan, vội nói:
- Đại nhân là thị vệ trong cung sao? Đại nhân nói rất phải, nô tỳ sợ Tiết phò mã phá hỏng quy củ, nhất thời nóng lòng nên đã kiên quyết đuổi người ra khỏi cung, thật đã làm tổn hại thể diện của công chúa điện hạ. Nô tỳ sẽ hướng tới công chúa điện hạ thỉnh tội ngay.
Nói rồi cũng không đợi công chúa Vĩnh Thuần cho phép, liền thuận thế đứng lên.
Khi mụ ta đứng lên, Dương Lăng ngửi thấy trên người mụ thoang thoảng có mùi rượu. Nhưng y cũng không vạch trần mụ ngay mà thẳng lưng lên, một mặt đưa tay ra sau lưng xua xua, ra dấu bọn họ đừng lên tiếng, một mặt nói:
- Bổn quan là Dương Lăng, Tham tướng Tả tiêu quân Thần Cơ doanh, không phải là thống lĩnh thị vệ trong cung. Hoàng thượng nghe nói việc này nên sai bổn quan đến tra rõ mà thôi.
Lư tổng quản nghe y xưng là Dương Lăng, không khỏi vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Quả nhiên là người mình. Nghe đâu quan hệ giữa mấy vị công công Mã tổng quản, Cốc tổng quản và y hết sức tốt đẹp. Hoàng thượng phái một ngoại thần như y đến tra xét chuyện này, khẳng định là vì Mã tổng quản đã dâng lời lên hoàng thượng rồi. Ha ha, có y nói đỡ cho mình trước mặt hoàng thượng, Thái hoàng thái hậu thì chỉ nghe lời phiến diện từ phía mình, cho dù có thêm bảy, tám công chúa nữa đến thì làm được gì?
Lư tổng quản không giấu được sự đắc ý trong lòng, liếc nhìn hai vị tiểu công chúa với ánh mắt khiêu khích. Công chúa Vĩnh Thuần thấy vậy lửa giận bốc lên ngùn ngụt, thiếu chút nữa đã bộc phát. Công chúa Vĩnh Phúc ở bên cạnh khẽ ngắt hông nàng một cái, lúc này Vĩnh Thuần mới sực tỉnh, nén giận hừ một tiếng.
Vừa rồi công chúa Vĩnh Phúc nhìn thấy Dương Lăng dùng tay ra hiệu, lại nghe y nói thì biết y ắt có dụng ý, nên sớm đã âm thầm căn dặn muội muội chớ nên hành động khinh xuất. Rõ ràng tất cả mọi người trên dưới phủ công chúa đã bị Lư tổng quản mua chuộc và khống chế, cho dù hoàng đế đích thân đến đi chăng nữa, e rằng cũng sẽ không có ai nói giúp cho công chúa Ninh Thanh. Vụ kiện cáo mơ hồ này căn bản là không thể thắng, nói không chừng vị Dương tham tướng này thật sự có biện pháp cũng nên.
Dương Lăng cười càng thêm tươi, chắp tay nói với Lư tổng quản:
- Hoàng thượng phái đến tra hỏi nên mong tổng quan đem đầu đuôi sự tình nói cho bản quan, bản quan cũng dễ bề thưa lại với hoàng thượng.
Lư tổng quản vốn không phải là kẻ cả tin như thế. Nhưng Dương Lăng và đám người Mã Vĩnh Thành có quan hệ rất tốt với nhau là chuyện mà trong triều ngoài phố ai ai cũng biết. Chuyện nhà Hoàng đế lại phái ngoại thần đến điều tra càng là chuyện xưa nay chưa từng có. Trừ phi vì hai vị công chúa cáo ngự trạng cho nên Mã Vĩnh Thành đã dâng lời trước mặt hoàng thượng, bằng không loại chuyện kỳ lạ này nói nghe không lọt. Cộng vào ngữ điệu lời nói của Dương Lăng lại công khai thiên vị cho mụ, Lư tổng quản đã sớm vứt sạch nghi ngờ. Thế là bèn thêm mắm thêm muối kể lại một lượt chuyện phò mã gia không giữ quy củ trong cung thế nào, thường xuyên ra vào cung đình khi chưa được ả cho phép ra sao. Thậm chí mụ còn dám bịa chuyện phò mã vào cung mượn rượu giả say đùa bỡn cung nữ trước mặt hai vị công chúa.
Dương Lăng nghe mà thầm cười nhạt: ngoại trừ vị phò mã gia này chán sống lắm rồi chứ khó khăn lắm mới được gặp thê tử một lần thì làm gì có tinh thần mà trêu ghẹo mấy cung nữ tầm thường bên cạnh vợ mình. Không lẽ ngoài cung không có gái đẹp sao?
Dương Lăng nén giận nghe mụ nói xong, lập tức cười bảo:
- Hoá ra là như vậy. Giờ bản quan sẽ về bẩm lại với Hoàng thượng. Có điều Lư tổng quản tận trung chức vị, cũng nên chú ý đến cách làm. Hoàng thượng trăm công nghìn việc, bận rộn vô cùng, đại sự triều chính còn chưa xử lý xuể, về sau đừng để mấy chuyện này làm cho công chúa nổi giận, khiến Hoàng thượng phải lao tâm theo.
Lư tổng quản hiểu ý liền cười, vội đáp ngay:
- Dạ, dạ, dạ, đại nhân cứ việc yên tâm.
Dương Lăng khoan thai xoay người, nháy mắt một cái thật nhanh với công chúa Vĩnh Phúc, sau đó hành lễ nói:
- Hai vị điện hạ, vi thần đã tra hỏi xong, giờ sẽ quay về bẩm báo với Hoàng thượng.
Công chúa Vĩnh Thuần tuy đầy bụng nghi hoặc, song khi nghe vậy vẫn giận tím mặt. Nàng đỏ bừng mặt la lên:
- Ngươi tra hỏi cái... cái... Ngươi chỉ nghe lời phiến diện của mụ ấy liền đã quay về bẩm báo với hoàng huynh sao?
Dương Lăng trừng mắt với nàng một cái, rồi vội quay sang nháy mắt với công chúa Vĩnh Phúc, nhếch nhếch môi, sau đó ra vẻ tự tin hùng hồn nói:
- Hoàng thượng phái vi thần đến tra xét việc này. Việc tra hỏi đương nhiên là hỏi người của phủ công chúa, vi thần sao dám mời Ninh Thanh công chúa ra đối chất? Bây giờ cung nữ, thái giám hầu hạ công chúa điện hạ đều là nhân chứng, sao có thể nói là lời phiến diện của Lư tổng quản chứ? Điện hạ, Hoàng thượng vẫn đang chờ vi thần, vi thần xin cáo lui.
Nói rồi Dương Lăng liền bước ra khỏi điện. Lư tổng quản thấy Dương Lăng không thèm để ý đến hai vị công chúa, trong lòng càng thêm đắc ý. Dương Lăng vừa ra khỏi điện, khuôn mặt thanh tú khoan thai nọ của mụ liền lộ ra vẻ mỉa mai. Mụ vờ kính cẩn nói:
- Công chúa điện hạ thực muốn gặp Ninh Thanh công chúa sao? Ôi chết, hai vị công chúa vừa vào cửa thì đã xông lên hỏi tội nô tỳ, nô tỳ hoảng quá, quên cả dâng trà cho hai vị điện hạ mất rồi. Mau, mau, cái thứ không biết điều chúng bây, mau đi dâng trà cho người!
Lần này thì ngay cả người hiền hoà là công chúa Vĩnh Phúc cũng nổi giận. Nàng phất tay áo, hừ một tiếng, rồi kéo tay muội muội mình bảo:
- Chúng ta đi!
Hai người xoay người ra khỏi đại điện, Lư tổng quản nhanh nhẹn như mây bay nước chảy đuổi theo đến cửa, quỳ xuống làm lễ thưa:
- Nô tỳ kính tiễn hai vị công chúa điện hạ, công chúa điện hạ đi thong thả.
Công chúa Vĩnh Thuần ức muốn rách phổi, vừa ra khỏi phủ Thập Vương lập tức ngóng mắt khắp nơi hét lên:
- Cái tên khốn khϊế͙p͙ Dương Lăng kia đâu? Cái tên khốn khϊế͙p͙ Dương Lăng kia đâu?
Phía sau một cánh cổng vòm, Dương Lăng bỗng ló đầu ra, cười đáp:
- Dương Lăng ở đây!
Công chúa Vĩnh Thuần giật ra khỏi tay tỷ tỷ, lao qua đốp ngay:
- Rốt cuộc vừa rồi ngươi nhấp nháy mắt với tỷ tỷ ta là có ý gì? Mau nói ngay! Nếu như ngươi thật sự dám giúp mụ Lư tổng quản đó hãm hại cô cô ta, bản công chúa quyết sẽ không tha cho ngươi.
Dương Lăng ló đầu nhìn ra phía sau bọn họ, ở trong phủ Thập Vương kín cổng cao tường này không chỉ có một vị công chúa, Lư tổng quản không thể phái người đuổi theo rình trộm, nhưng Dương Lăng vẫn cảnh giác bảo:
- Đi, chúng ta vừa đi vừa nói.
Dương Lăng bước cạnh hai vị công chúa, vừa đi vừa phân tích:
- Số bạc chi tiêu hàng tháng của toàn bộ phủ công chúa đều do Lư quản gia nắm giữ phải không? Ừm, thảo nào có thể khống chế cả phủ trong tay. Trong vụ này, bây giờ khắp phủ công chúa đều là nhân chứng của mụ ta, còn công chúa và phò mã thì ngay cả một người chịu nói lời công đạo cho bọn họ cũng không có. Lư quản gia lại cứ luôn mồm đưa ra quy củ tổ tiên và tiên hoàng, xử lý mụ ta thế nào đây? Cho dù hai người cầu xin để hoàng thượng đổi quản gia cho phủ công chúa, điện hạ cho rằng sẽ có thể tốt hơn chăng? Lợi ích của bọn họ vốn được xây dựng từ việc gây khó dễ cho công chúa. Vì vậy ở điểm này bọn họ tất nhiên sẽ "cùng chung kẻ thù".
Công chúa Vinh Phúc nhớ lại khi nãy Lư tổng quản mở lời thì vâng vâng dạ dạ, thật ra thái độ lại cực kỳ kiêu ngạo, trong lòng không khỏi nguội lạnh. Nàng buồn bã nói:
- Vậy... vì lẽ gì Dương tướng quân lại khua tay ra ý bảo chúng ta đừng mở miệng chứ?
Rồi nàng chợt dừng bước ngóng nhìn Dương Lăng hỏi:
- Tướng quân nhất định đã có biện pháp hay rồi phải không?
Dương Lăng khẽ cười đáp:
- Điện hạ thật là anh minh sáng suốt. Ha ha, quả thực vi thần đã có chủ ý, chẳng qua nhất thời vẫn chưa nghĩ thấu triệt tới như vậy.
Y thấy Vĩnh Thuần lại sắp sốt ruột, vội nói tiếp:
- Cách làm thì thần đã nghĩ ra rồi, nhưng thần vẫn chưa nghĩ ra làm sao để trước lúc đó không lâu có thể cho Hoàng thượng biết. Song biện pháp chỉnh đốn loại tiểu nhân tham lợi này thì thần vẫn có...
Dương Lăng thấp giọng giải thích tỉ mỉ một lượt, sau đó cười nói:
- Hai vị công chúa vốn thường hay ra vào phủ công chúa Ninh Thanh, cho nên thích hợp để làm chuyện này nhất. Vả lại dẫu gì cũng chỉ là một nô tỳ, cho dù bại lộ Hoàng thượng cũng sẽ không nổi giận.
Công chúa Vĩnh Phúc nhìn y bằng cặp mắt long lanh như nước thật lâu không chớp, rồi chợt cười phì một tiếng, yêu kiều nói:
- Phương pháp này của Dương tướng quân thật là... thật là... ờ... nhất định hữu hiệu.
Nét giận dữ trên khuôn mặt của công chúa Vĩnh Thuần đã sớm tan biến, nàng hớn hở gật đầu phụ hoạ:
- Đúng vậy, đúng vậy. "Ác nhân phải lấy ác nhân trị". Bây giờ bản công chúa đã bắt đầu tin lời Trương quốc cữu nói với mẫu hậu rồi. Cái tên nhà ngươi thật sự là một đại đại ác nhân!
************
“Đại ác nhân” Dương Lăng giúp hai đại, tiểu công chúa đề ra "chiêu thức" hại người xong, vô cùng đắc ý trở về cung Càn Thanh. Chẳng ngờ Hoàng đế Chính Đức đã sớm quên béng chuyện phái y đi điều đình việc nhà của công chúa, vừa thấy y liền hào hứng nói ra kế hoạch điên rồ của mình. Dương Lăng nghe xong lập tức ngây ra như phỗng.
Y đờ người một hồi lâu, nhìn bốn người Lưu Cẩn đang đỏ mắt vì hâm mộ, lại thấy Thiên tử Chính Đức mũi hất lên trời, bèn lấy làm kinh ngạc hỏi:
- Hoàng thượng muốn vi thần thành lập nội tập sự xưởng sao? Không phải Nội tập sự xưởng trước nay vẫn luôn do ty Nội Quan đảm nhiệm ư?
Chính Đức cười nói:
- Không hẳn. Chẳng qua đúng là vào thời Tĩnh Nạn nội quan đã dốc ra nhiều sức cho Vĩnh Nhạc đại đế cho nên Đông xưởng mới do nội quan nắm giữ. Vì vậy về sau khi thiết lập tiếp Tây xưởng cũng theo lẽ đó mà để nội quan nhậm chức xưởng đốc. Nhưng trẫm lại muốn thay đổi cách làm, ngoài mọi dự liệu. Như vậy mới có thể xuất thần nhập hoá, chiến thắng bất ngờ.
Hắn đắc ý:
- Nếu như nội xưởng của trẫm lại cử nội quan làm xưởng đốc, chẳng phải sẽ vẫn quy về dưới sự cai quản của Vương Nhạc ư? Hiện tại Cẩm y vệ là ngoại thần thân quân, được giám sát bởi Đông xưởng của Ti lễ giám, mà Tây xưởng thuộc ty Lễ Giám lại giám sát Đông xưởng. Nay trẫm lại điều ngoại thần thiết lập nội xưởng, giám sát ty Lễ Giám, như thế sẽ liền mạch không chút sơ hở. Cho nên nhất thiết phải dùng ngoại thần. Trẫm tin tưởng nhất là khanh, đương nhiên sẽ để khanh làm. Khanh không muốn làm thượng thư bộ Hình, trẫm đã phê chuẩn nên việc này không cho phép khước từ nữa.
Dương Lăng khổ sở nói:
- Nhưng mà thần... thật sự không có kinh nghiệm gì cả.
Y nghĩ bụng: mặc dù những kẻ đứng đầu hai xưởng một vệ mà không có được cái chết yên lành thực ra không nhiều, nhưng thanh danh vệ, xưởng thật sự không được tốt đẹp cho lắm. Hơn nữa Cẩm y vệ kết hợp với Đông xưởng hết lòng nâng đỡ mình như vậy, chính là sợ mất đi thánh quyến. Giờ đang tốt lành, mình lại thoát ly khỏi bọn họ tự lập môn hộ, Trương Tú và Phạm Đình liệu có chịu ngậm bồ hòn làm ngọt không?
Chính Đức lại không nghĩ vậy, y nói:
- Trẫm làm Hoàng thượng cũng chưa có kinh nghiệm đây, khanh xem trẫm chẳng phải đã làm rất tốt ư? Có trẫm chống lưng cho khanh, khanh còn sợ gì chứ?
Dương Lăng hít sâu một hơi, xấu hổ hỏi:
- Vậy... chẳng hay Hoàng thượng muốn thần thiết lập nội xưởng ở nơi nào? Nhân lực đó lấy từ đâu ra? Xây dựng nha môn phủ đệ, bố trí phòng ốc, mua gì cũng phải có bạc đúng không? Bộ Hộ chịu bỏ ra sao? Chức trách chủ yếu của nội tập xưởng là gì?
Chính Đức nghe thế ngẩn ra, một lúc sau mới nói:
- Việc này... việc này cũng phải hỏi trẫm sao? Nơi chốn thì khanh tự lựa lấy cho mình. Nhân lực thì khanh tự tuyển chọn. Bạc thì...
Hoàng đế Chính Đức nghĩ ngợi một chút, dường như có chút nhức đầu:
- Khanh thử nghĩ xem có thể lấy bạc từ đâu rồi nói cho trẫm nghe, trẫm chuẩn tấu được. Còn về phần chức trách, điều chủ yếu chính là thay trẫm trông coi hai xưởng một vệ, còn cái khác... Phải rồi, bạc… Quyền giám thuế của ty Lễ Giám nhất định phải thu hồi lại.
- Ừm...
Hoàng đế Chính Đức lại nghiêm túc nghĩ ngợi một lát, rồi nhún vai nói:
- Trẫm tạm thời chỉ nghĩ ra bấy nhiêu, nếu khanh nghĩ ra được gì thêm thì hãy nói với trẫm.
Dương Lăng trố mắt nhìn Chính Đức một hồi lâu, rồi mới thưa:
- Vậy... không phải là vi thần phải tham dự chủ trì đại hôn của Hoàng thượng sao? Hay là đợi sau đại hôn hãy xúc tiến được không? Bằng không vi thần e sẽ không cách nào để phân chia thời gian ạ.
Chính Đức cười:
- Chuyện này được thôi. Thế thì sau đại hôn của trẫm hãy tuyên bố thành lập nội xưởng vậy. Trước hết khanh hãy đến bộ Lễ, nghe nói quy củ của bọn họ rất là nhiều. Khanh là sứ thần thiên tử do trẫm đích thân tuyển chọn, chớ làm mất mặt trẫm đấy.
Dương Lăng đành phải đáp ứng:
- Dạ, vi thần tuân chỉ.
Y vừa mới rời khỏi cung Càn Thanh được mấy bước, Lưu Cẩn đã đuổi theo sau lưng, vừa đuổi đến nơi liền vội kêu lên:
- Dương đại nhân, thiết lập nội xưởng là việc vô cùng trọng đại, sao ngài không sốt sắng vậy. Nếu để hai xưởng một vệ biết được, nói không chừng sẽ ngấm ngầm thọc gậy bánh xe đó. Chuyện này phải nên nắm chắc mới được.
Chính Đức đã mở miệng rồng, nói rõ nội xưởng sẽ giám sát thái giám hai xưởng Đông Tây cho nên kiên quyết không dùng thái giám. Lưu Cẩn cũng đã hết hy vọng. May mắn thay vị xưởng đốc nội xưởng tân nhiệm này lại là huynh đệ tốt của lão, "không cá thì tép tôm" cũng tốt. Dù sao cũng hơn là để người ngoài làm. Cho nên khi trông thấy bộ dạng thờ ơ hờ hững của y thì lão rất đỗi sốt ruột.
Dương Lăng thấy hoàng đế Chính Đức này làm việc bộp chà bộp chộp, sớm nắng chiều mưa, trong đầu còn mong sau lễ đại hôn thì hắn sẽ quên đi ảo tưởng về việc thiết lập nội xưởng, cho nên lần lữa được thì cứ lần lữa. Còn việc phòng bị hai xưởng một vệ, đơn giản là chuyện đùa. Việc này sao có thể sánh được với việc Hoằng Trị bí mật mở ra Tây xưởng, có ty Lễ Giám phối hợp, lại dùng Ngự mã giám làm nòng cốt thuyên chuyển tinh anh mà xây nên, cho nên mới có thể che giấu được nhất thời.
Trong khi mình, cần người chẳng có người, cần tiền thì không có một xu, cần chỗ thì không có chỗ, một chút cơ sở cũng không có. Chỉ cần bên này vừa khởi động, tin tức được giữ kín nhất định sẽ lập tức truyền đến tai hai xưởng một vệ. Thay vì giấu giếm khiến bọn họ nghi kỵ, chi bằng đến lúc mở ra cứ công khai cho bọn họ có thời gian chuẩn bị.
Dương Lăng nghĩ đến đây, trong lòng chợt máy động nổi lên một ý nghĩ: nòng cốt của Cẩm Y vệ là thân quân Cẩm Y năm đó. Lịch sử của Đông xưởng lâu đời, nha sai và bộ đầu phần lớn được chiêu nạp từ dân gian, Tây xưởng thì lại lấy Ngự mã giám làm cơ sở. Nếu quả thực muốn thành lập nội xưởng, vậy năm trăm thân quân của Thần Cơ doanh, thậm chí là toàn bộ nhân mã của Tả tiêu quân mà mình đích thân mang ra...
Vừa nghĩ đến đây, Dương Lăng trong lòng tràn ngập hưng phấn. Vốn còn mù tịt chẳng biết phải làm sao, bây giờ ngược lại y đã hạ quyết tâm. Nếu lấy thân quân của mình làm thành viên nòng cốt, thì cả nhân thủ lẫn địa bàn đều đã có cả, nói là thành lập chẳng qua chỉ là treo biển hợp thức hoá thôi.
Chẳng phải Hoàng thượng đã nói cần người nào thì cho người ấy sao? Hoàng Kỳ Dận - huyện thừa Kê Minh, Thiên hộ Ngô Kiệt - Cẩm Y vệ trước giờ vẫn không được toại ý. Những người này đều là quan lại có kinh nghiệm phong phú nhưng quan trường lận đận. Nếu lôi kéo bọn họ vào, có bọn họ bày mưu vạch kế, chẳng phải mình sẽ có thể tiếp tục bon chen sao?
Nghĩ đến đây, Dương Lăng hớn hở vỗ vai Lưu Cẩn. Lần đầu tiên thấy y có động tác thân mật như vậy, Lưu Cẩn sững người ra, lại nghe Dương Lăng mỉm cười nói:
- Lưu công công quan tâm đến Dương mỗ, Dương mỗ trong lòng biết rõ. Có điều việc này có giấu cũng sẽ không giấu nổi. Vậy cứ để tự nhiên cho bọn họ biết đi. Có ý chỉ của thánh thượng, còn ai dám gây phiền toái sao? Ha ha ha...
Lúc này Dương Lăng đột nhiên cảm thấy trong lòng thoải mái, thầm nghĩ nếu Hoàng thượng khăng khăng muốn mở nội xưởng, không bằng tung tin này ra trước, lấy tĩnh chế động, xem thử phản ứng của hai xưởng một vệ. Vả lại mình trù trừ không hành động, thế nào cũng khiến bọn họ nghĩ năng lực mình có hạn, trầy trật tính toán tổ chức, cho dù thật sự có người nổi lòng kiêng kị, ắt cũng sẽ vì thế mà đâm ra xem thường. Khi đó chớp nhoáng thành lập nội xưởng, những trở ngại ngầm nhất định sẽ giảm đến mức tối thiểu.
Vì thế, Dương Lăng gạt bỏ tâm sự, hết sức phấn khởi chạy đến bộ Lễ làm người chủ trì hôn lễ. Lưu Cẩn vẫn đứng ngây ra ở đó thật lâu chưa tỉnh.
***********
Dương Lăng vẫn chưa biết trong đại hôn của hoàng đế thì kẻ chủ trì như mình đây phải làm những gì. Dù sao cũng có bộ Lễ và phủ nội vụ ở đó, mình chắc chủ yếu là thu xếp châm đèn đốt pháo đêm đại hôn là được. Ai ngờ lễ nghi đại hôn của Hoàng đế phức tạp rườm rà, thủ tục nhiều như lá mít. Tuy tác dụng của y ở trong đó có hạn, nhưng những chuyện cần tham dự thật sự cũng không ít.
Hiện nay thượng thư bộ Lễ là Vương Hoa. Vương Hoa lại không có thành kiến gì với y, nhất là khi Vương Hoa nghĩ rằng trong vụ án Đế Lăng Dương Lăng vì muôn dân trăm họ nên mới liều chết không dâng tấu, là trung thần có tâm huyết, vì vậy đối đãi với y cực kỳ khách khí. Thị lang bộ Lễ Lý Đạc và y thì lại “chung một giàn”, vì thế quan văn trên dưới bộ Lễ không ai dám gây khó dễ cho y.
Hồng Lư Quan kiên nhẫn giảng giải tỉ mỉ từng bước một cho Dương Lăng về nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ, thân nghênh ( ), nghi lễ sắc phong hậu, phi, song song cùng với phương pháp "Tam thẩm" (Ba lần kiểm tra) dùng để tuyển nạp cung nữ mới, khiến Dương Lăng nghe đến độ hoa mắt nhức đầu.
Đến lúc cuối cùng Dương Lăng chỉ nhớ những hậu, phi này đều là các tiểu thư quan lại đọc sách hiểu lễ, thân thế thanh bạch. Có điều quá trình tuyển chọn so với việc sỹ tử vào kinh thi cử còn nghiêm khắc và quyết liệt hơn.
Các cô nương mà bọn thái giám tuyển chọn chẳng những phải được quan sát dung mạo, nghe giọng nói, còn phải được cung nữ kiểm tra kỹ lưỡng tóc tai, thân thể, ngũ quan của bọn họ. Bất cứ chỗ nào không hợp mắt đều là không hợp cách. Lúc "nhị thẩm" lại lấy thước đo cánh tay, eo, chân và vóc người, không đủ cân đối cũng không được. Đến "tam thẩm", nữ quan trong cung sẽ cởi đồ ra kiểm tra, nếu cơ thể có mùi, da dẻ trên thân có chỗ nào có sẹo cũng không xong. Tiếp đó dựa trên cơ sở này lại kiểm tra tiếp phong thái, dáng vẻ, rồi còn phải ở lại trong cung học phép tắc lễ nghi, quy củ trong cung. Trong quá trình này nếu phát hiện dáng ngủ bất nhã lại đuổi về một nhóm lớn. Sau cùng những tinh anh còn lại mới được Thái hoàng thái hậu, Hoàng hậu và phủ Nội vụ tiến hành tuyển chọn nhân tài.
Dương Lăng nghe xong âm thầm tặc lưỡi, quá trình tuyển chọn này còn nghiêm ngặt hơn cả tuyển chọn hoa hậu Hồng Kông, đủ biết nữ nhân được chọn ra sẽ đẹp đến cỡ nào rồi. Y không nhịn được bèn buột miệng hỏi:
- Có phải đã chọn được nhân tuyển làm Hoàng Hậu rồi không?
Hồng Lư Quan cười nói:
- Đúng vậy. Thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu đã chọn trúng trưởng nữ của Đô đốc đồng tri phủ Hạ Nho Hạ đại nhân làm Hoàng hậu. Đồng thời cũng đã chọn ra hai người con gái của kinh quan làm phi tử, ngày đại hôn sẽ đồng thời nhập cung. À đúng rồi, ngày kia đại nhân sẽ phải đi nạp thái, vấn danh cùng với hạ quan. Đại nhân hẳn chưa quen với những lễ tiết này, cầm tạm những quyển sách này về xem một chút vậy.
Cầm lấy hai chồng sách dày cộp, Dương Lăng không khỏi trợn mắt hỏi:
- Những... những thứ này đều ghi chép nội dung đại lễ sao?
Hồng Lư Quan nói:
- Đúng vậy. Trong đó là những nội dung có liên quan mà ngài phụ trách. Đại nhân nhất định phải cẩn thận một chút, làm sứ giả cho thiên tử, chớ để mất lễ nghi.
Dương Lăng chỉ biết gật đầu vâng dạ rồi ôm lấy hai chồng sách lên kiệu chạy về nhà. Trong kiệu y tuỳ ý mở ra xem một chút. Những chữ li ti đều là viết dọc từ trên xuống dưới, ngay cả dấu chấm câu cũng không có. Ngày thường xem vài công văn còn có thể cố kiên nhẫn chứ mấy thứ cổ ngữ xem vốn đã choáng mắt, kiệu lại lắc tới lắc lui, Dương Lăng mới nhìn một chút liền thấy nhức cả đầu, thật sự không xem tiếp được nữa.
Dương Lăng ôm đống sách trở về đến phủ thì trời đã quá chiều. Để sách vào trong thư phòng, thấy mấy người Ấu Nương không có ở trong phòng, y hỏi tỳ nữ mới biết mọi người đều đã ra hậu viên, bèn thay thường bào rồi lững thững bước ra hậu viên.
Sân này không nhỏ, chu vi vây quanh chừng ba mẫu, vốn không có dùng để làm gì, ngoại trừ mấy cây ăn quả, khắp nơi đều là cỏ dại. Nay được Dương Lăng phân phó, gian đầu của hậu viên đã được san bằng thành một mảnh đất chuẩn bị dùng làm diễn võ trường. Trên mặt đất được dãy cỏ còn chất vài gò đất vàng, xem chừng vẫn chưa làm xong.
Đi tiếp vào trong, bên phải chính là vườn rau mà Ấu Nương chăm bón. Đầu tiên là một dãy những giàn đậu mắc cao hơn đầu người, vào trong nữa là giàn dưa leo, sau cùng mới là các loại rau dưa hành tỏi.
Dương Lăng bước qua giàn đậu. Vừa bước qua hai giàn dưa leo liền trông thấy một bóng người đang khom nửa lưng xuống ruộng chăm bón mầm dưa non. Nhìn kỹ hoá ra là Ấu Nương. Y liền khấp khởi cúi người chui vào. Đám dưa này được chăm bón rất tốt, đã cho ra rất nhiều trái dưa leo mọng nước, trên đầu trái còn nở những đoá hoa rất đẹp.
Ấu Nương nghe thấy tiếng lá xào xạc, ngoái đầu nhìn thì thấy tướng công đã về, liền vội ngẩng đầu cười thật tươi:
- Tướng công, chàng đến đây làm gì? Đừng làm dơ quần áo đó.
Dương Lăng trông thấy Ấu Nương đã thay một bộ áo vải thô, tay cầm kéo, chắc hẳn đang cắt tỉa dưa non, thì cười:
- Nàng nhé, trời nóng như vầy, chui vào trong ruộng dưa kín mít không gió để bị nóng như vậy. Giờ đây tướng công đã có thân phận vương hầu rồi, nàng lại có phúc mà không hưởng.
Hàn Ấu Nương đưa ống tay áo lên quệt mồ hôi trên mặt, tươi roi rói nói:
- Ở không cũng khó chịu lắm. Tướng công bây giờ là tước gia chứ không phải là vương hầu. Chúng ta ở đây nói thế thì không sao, nhưng ở bên ngoài chàng ngàn vạn lần đừng nói như vậy, tránh để đám tiểu nhân bươi móc khuyết điểm của chàng.
Dương Lăng trừng mắt với nàng, trách:
- Ta chính là có ý như vậy đó, không nói vương hầu chẵng lẽ nói là công hầu, bá hầu à?
Nói đoạn y cũng không nén bật cười bảo:
- Nếu ta thật sự thăng đến công hầu, nàng chẳng phải sẽ là mẫu hầu (khỉ cái) đó ư?
Hàn Ấu Nương phát ngượng, không thèm nghe nói:
- Tướng công lại nói bậy nữa, lúc nào cũng thích trêu người ta.
Lúc này nàng bước tới phía trước. Dương Lăng sợ đụng phải dưa leo mà luống ruộng dưới chân lại xốp nên y đứng không vững, vừa ôm lấy người Ấu Nương liền "úi da" một tiếng, té phịch mông xuống bờ ruộng, đè dập mất một mầm dưa.
Hàn Ấu Nương bèn trách:
- Tướng công, nhìn chàng kìa. Chàng đó, trời sinh đã không phải là người vào ruộng rồi.
Dương Lăng đã ngồi bệt dưới đất, cũng không vội đứng lên. Y kéo tay Ấu Nương để nàng ngồi trên đùi mình, rồi cảm khái than:
- Ài, tướng công cũng biết, trong phủ nàng cũng không có chuyện gì làm. Nhưng với thân phận của tướng công bây giờ, đừng nói là nàng ra ngoài tìm việc, cho dù tuỳ ý đi lại trên đường cũng không dễ, cả ngày nằm dí trong phủ cũng thật khó chịu. May mà có mấy người Ngọc Nhi, bằng không nàng sẽ còn buồn hơn.
Nói rồi y mới sực nhớ là mình vẫn chưa thấy mấy người Ngọc Nhi, Tuyết Nhi và Cao Văn Tâm đâu, lấy làm lạ hỏi:
- Mấy người bọn họ đâu rồi?
Hàn Ấu Nương đáp:
- Bọn họ không cắt tỉa nên đã lên phía trước hái rau rồi.
Dương Lăng ừm một tiếng rồi hôn phớt lên vành tai Ấu Nương, nói:
- Nếu chúng mình có con sớm một chút thì đã tốt rồi. Con nít đứa nào cũng nghịch ngợm cả ngày không để ai nghỉ, như vậy cô vợ của ta sẽ không phải buồn nữa.
Khuôn mặt Hàn Ấu Nương thoáng đỏ lên, trong lòng lại hơi bất an. Nàng có chút chán nản liếc sang Dương Lăng, rụt rè nói:
- Tướng công thích có con, nhưng Ấu Nương giờ vẫn chưa...
Dương Lăng thấy đã chạm vào tâm tư của nàng, liền vội an ủi:
- Không gấp, không gấp, nàng còn nhỏ, vả lại...
Y kề sát vào tai Ấu Nương thủ thỉ:
- Chúng mình mới chung chăn gối bốn tháng mà, nương tử nhà ai lợi hại vậy chứ, một tên có thể trúng đích ngay? Ha ha.
Hàn Ấu Nương nghe vậy lúng túng vặn vẹo bờ vai, có phần mắc cỡ. Dương Lăng thấy vẻ ngượng ngùng của nàng, không khỏi hơi động tình. Nhìn quanh thấy không có ai, y bỗng kề sát vào tai Ấu Nương khẽ hát:
- Bà xã ơi bà xã ta yêu nàng, cầu trời phật chở che cho nàng, mong nàng có được một thân thể tốt, khoẻ mạnh và xinh đẹp. Bà xã ơi bà xã ta yêu nàng, cầu trời phật chở che cho nàng, mong nàng mọi sự đều như ý, chúng mình mãi không chia ly. Tình yêu của ta, chính là nàng, nàng có biết, ta yêu nàng lắm không... ( )
Vào thời đó, bài hát như thế bảo đảm có thể coi như bài dân ca ở thôn quê, nhưng ca từ của nó lại chan chứa cảm xúc ấm áp và ngọt ngào khiến Hàn Ấu Nương nghe mà hai mắt sáng rỡ. Nàng thích thú kéo tay Dương Lăng hỏi:
- Bài ca này nghe hay quá. Tướng công nghe được ca khúc hay như vậy từ đâu thế?
Dương Lăng cười:
- Nghe hay không? Tuy "bà xã" là cách xưng hô dân dã, nhưng ta cảm thấy so với cách xưng "nương tử" văn nhã nó càng tỏ rõ tình yêu của tướng công với nàng hơn. Chỉ cần đem đổi chữ này thành ông...
Dương Lăng chợt sực nhớ chữ "ông xã" hình như cũng là một cách gọi thái giám (trong tiếng Trung "lão công" cũng có nghĩa là thái giám, như "công công"), liền vội sửa lời:
- Chỉ cần đem đổi chữ này thành tướng công, nàng cũng có thể hát cho tướng công nghe. Tướng công dạy nàng, nàng hát cho tướng công nghe có được không?
Hàn Ấu Nương xấu hổ nói:
- Tướng công, người ta... người ta chưa hát bao giờ, sợ hát không hay đâu.
Dương Lăng khó có dịp ngồi cùng một chỗ với Ấu Nương chuyện trò thân mật như thế này, nên cũng không nề hà trong vườn oi bức ngột ngạt, y nắm lấy tay nàng nói:
- Dễ lắm, lại đây, ta sẽ hát trước vài lần, nàng nghe bài này nhiều lần sẽ quen thôi.
***********
Ăn tối xong, Dương Lăng chui vào thư phòng chăm chỉ xem nửa ngày trời. Hai chồng sách đều là nói chi tiết về những khâu nạp thái, vấn danh, nạp trưng, thỉnh kỳ. Từng hạng mục, cử hành giờ nào, đội nghi trượng cần bao nhiêu thái giám, bao nhiêu cung nữ, mấy chuyện vặt vãnh như chủ sứ giả và phó sứ giả ai cầm ấn tín, ai cầm chiếu thư vân vân, nhìn hoa cả mắt.
Dương Lăng thấy trong hai quyển sách dày như vậy, những thứ mà mình cần chú ý đến không nhiều lắm, nếu như chọn lọc chép ra cộng với ghi nhớ thì sẽ dễ hơn rất nhiều, bèn nghĩ đến chuyện đi tìm mấy người Ngọc Nhi, Tuyết Nhi đến giúp.
Dương Lăng biết buổi tối bọn họ thường thích hóng mát ngoài hành lang cong ở vườn hoa. Y men theo giàn nho bước được mấy bước, chợt nghe phía sau góc quanh hành lang có một giọng khe khẽ ngâm nga:
- Lão gia - lão gia thϊế͙p͙ yêu chàng, mong trời phật chở che cho chàng, cầu chàng có được một thân thể tốt, khoẻ mạnh và xinh đẹp...
Dương Lăng nghe xong suýt tý nữa thì đã té xỉu. Hồi chiều ở trong vườn dưa dụ dỗ cỡ nào Ấu Nương cũng không chịu mở miệng ra hát, không ngờ bây giờ lại chạy ra chỗ không người học hát, "bà xã" sửa lại thành "lão gia" coi như không tính đi, lại còn... "khoẻ mạnh và xinh đẹp"...
Dương Lăng dở khóc dở cười, vội vã chạy vòng qua. Trông thấy một bóng hình xinh đẹp đang ngồi bên lan can, tay cầm hòn đá nhỏ vứt xuống ao một cách nhàm chán, miệng vẫn đang ngâm nga, y vội đi tới gọi:
- Ấu Nương...
Bóng người đó vừa nghe thấy tiếng động liền giật bắn người như thỏ trúng tên, thét lên một tiếng chói tai, sau đó định thần lại mới run rẩy nói:
- Lão... lão gia?
Dương Lăng vừa nghe giọng nói, nhìn kỹ lại một lượt, thấy vị cô nương chúc mình "khoẻ mạnh và xinh đẹp" này không ngờ lại là Tuyết Lý Mai, thế là cũng không khỏi sững người.
Hồi chiều Tuyết Lý Mai bận rộn đến khát khô cả họng nên đã chạy qua vườn dưa hái dưa leo ăn, đúng lúc nghe được lão gia đang dạy phu nhân hát ở ngoài bờ ruộng. Vì y hát đến nhập tâm, âm thanh lại lớn, bị nàng nghe hai lượt đã nhớ hết. Bây giờ nhàn rỗi không gì làm nên thuận miệng hát một chút, không ngờ bị lão gia bắt gặp tại chỗ khiến nàng không khỏi ngượng chín cả người, hận không thể quay người lại nhảy ùm xuống ao chết phứt cho xong.
Xa xa trong góc đình, Hàn Ấu Nương, Ngọc Đường Xuân và Cao Văn Tâm nghe thấy tiếng thét vội vàng chạy lại, vừa thấy Dương Lăng và Tuyết Lý Mai đang đứng đó, Tuyết Lý Mai thì vẫn còn rụt rè sợ hãi, không khỏi lấy làm nghi ngờ hết nhìn người này một chút, lại ngó người kia một tẹo.
Dương Lăng thấy thế thì biết đã hỏng bét, sợ mấy người con gái này sẽ hiểu lầm, vội ho một tiếng nói:
- Ta đang có chuyện cần các nàng giúp đỡ cho nên đi hơi vội, không ngờ Tuyết Nhi cô nương đang đứng ở đây, nên đã doạ cho cô ấy giật mình.
Hàn Ấu Nương nghe xong mới thư thái trở lại, song Ngọc Đường Xuân lại không tin. Nhìn Tuyết Lý Mai trong đêm cả người đỏ bừng như sắp bốc lửa, còn lâu nàng mới tin đó là do bị doạ. Trong lòng cô bé này không khỏi dấy lên một sự chua xót. “Có phải là lão gia thích Tuyết Nhi hơn mình? Không lẽ... mình không đủ đẹp ư?”
Cao Văn Tâm liếc nhanh mấy vị cô nương đang mang những tâm trạng khác hẳn nhau này một cái, đoạn chỉnh đốn trang phục, hành lễ, rồi điềm đạm nói:
- Lão gia có gì phân phó cho tiểu tỳ làm sao?
Dương Lăng thở phào một hơi, vội nói:
- Là như vầy, Hoàng thượng sai ta làm sứ giả cho đại hôn, cầm chiếu thư đi đến phủ của Hoàng Hậu vừa tuyển để làm lễ nạp thái và vấn danh. Nhưng sách lễ tiết thật sự quá hỗn tạp, ta muốn sắp xếp những việc mà phó sứ của thiên tử cần chú ý và làm ở trong đó, ngày mai sẽ học cho thuộc, để tránh đến lúc đó lại xảy ra chuyện.
Mấy nữ tử vừa nghe có việc để làm, lập tức vứt chuyện vừa rồi qua một bên rồi theo Dương Lăng đến thư phòng. Loại sách đóng chỉ đó dễ tháo, Dương Lăng tháo ra thành bốn phần chia cho bọn họ sắp xếp lại, còn bản thân thì pha trà thảnh thơi nhấm nháp ngồi chờ.
Qua một hồi, Tuyết Lý Mai lại kinh hãi kêu lên một tiếng, ánh mắt mấy người không khỏi tập trung trên người nàng. Dương Lăng vốn còn hơi mất tự nhiên vì chuyện ban nãy thấy vậy không khỏi cả mừng. "Ha ha, thì ra cô ấy có tật như vậy. Lần này Ngọc Đường Xuân sẽ không vừa chép sách vừa ngó mình như ngó đặc vụ nữa đó chứ?"
Hàn Ấu Nương không nhịn được bèn cười hỏi:
- Tuyết Nhi, sao hôm nay lúc nào muội cũng kêu hoảng hốt lên thế, đang chép sách mà cũng bị hù dọa à?
Tuyết Lý Mai đỏ mặt, ngượng ngập đáp:
- Tỷ tỷ, muội... muội chỉ không ngờ phó sứ của thiên tử còn... còn phụ trách những thứ này, cho nên nhất thời ngạc nhiên...
Hàn Ấu Nương, Ngọc Đường Xuân và Cao Văn Tâm nghe vậy đều lấy làm hiếu kỳ sáp gần lại. Không ngờ mới xem một chút, Cao Văn Tâm đã khẽ mỉm cười, trở về bên bàn chép tiếp phần của nàng. Hàn Ấu Nương và Ngọc Đường Xuân chớp mắt xem một hồi, cũng đỏ bừng mặt mà lẩn ra.
Dương Lăng nổi tính tò mò, liền vội đứng dậy, hứng thú chen cổ qua hỏi:
- Có gì cần ta làm à? Để ta xem thử nào.
Dương Lăng giành lấy quyển sách ngó vào, chỉ thấy trên đó ghi "Phần nhân luân (luân lí làm người): trên phụng dưỡng tông miếu, dưới kế tục đời sau." Tiếp đó lại là mấy bức xuân cung đồ.
Phim cấp ba "súng thật ống thật" Dương Lăng cũng đã coi rồi nên thứ đồ "con nít" này đương nhiên không để vào mắt. Y khinh thường xem tiếp, nội dung hoạt động bên dưới lại nói đến việc thờ cúng trong cung có thờ Hoan Hỉ phật ( ) có thể chuyển động được. Vào ngày nào tháng nào đó, phó sứ lễ đại hôn sẽ đi cùng thái tử đến đại điện thờ Hoan Hỉ phật, rồi dựa theo sự biểu thị của tượng phật, phó sứ sẽ giảng giải cho thái tử kiến thức về giao hợp.
Dương Lăng xem xong không khỏi cười lớn nói:
- Hoá ra là mấy thứ này. Dào, tưởng là thứ gì, cái này có gì đáng dạy chứ. Ai mà chẳng biết thứ này, nhớ hồi ta mười ba tuổi... ớ...
- Hử?
Bốn cặp mắt mang những vẻ mỹ lệ bất đồng lập tức đổ dồn lên người Dương Lăng. Bốn ánh mắt đều tràn ngập sự tò mò "hiếu học". Mặt Dương Lăng nóng bừng, y cố tạo ra vẻ uy nghiêm của lão gia, ho khan vài tiếng rồi cất giọng khô khốc:
- Sắc trời chưa tối, chúng ta không nói chuyện phiếm nữa. Ta thấy mọi người nên mau chóng sao chép cho tốt đi.
Chú thích:
Lễ nạp thái: sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy.
Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái.
Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi.
Lễ nạp trưng (hay nạp tệ): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, minh chứng cho sự hứa hôn chắc chắn.
Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới.
Và sau cùng là lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang sính lễ đến để rước dâu về.