Ngược Về Thời Minh

Quyển 3 - Chương 105: Chính Đức Xử Án

Sau khi Hoàng Đế Chính Đức chỉ trỏ loạn xạ một trận, có kẻ vội vã dập đầu hành lễ, có người thì muốn lấy lòng nhưng lại không biết Hoàng Thượng muốn dẫn ai lên, lôi ai xuống. Đang trong lúc hỗn loạn, Nghiêm Tung chớp được thời cơ, đột ngột đứng lên quát lớn:
- Tất cả yên lặng!!!


Tiếng quát này so với thanh âm Chính Đức đập phách gỗ "bộp bộp" còn có tác dụng hơn. Đám người đang chạy nháo nhào đều lập tức dừng lại, chỉ có gã Lục Ân Lỗ điên điên khùng khùng vẫn ôm cứng một vị Kiểm hiệu ( ) của bộ Hình mà cười hì hì hà hà, la hét thăng quan phát tài.


Lúc trước Dương Lăng vẫn không kịp để ý tới mấy vị khâm sai đại nhân. Bây giờ thấy cái vóc cao kều, gầy gò của Nghiêm Tung thì y mới chợt nhớ ra hắn, liền nghĩ đến chuyện mình đã an toàn vượt qua vụ việc “nghiệm thổ đế lăng” một cách kỳ lạ, trong lòng Dương Lăng thấy ngạc nhiên và ngờ vực mãi.


Hoàng Đế Chính Đức đưa mắt nhìn Nghiêm Tung, tán thưởng:


- Khanh làm tốt lắm! Người đâu! Mau dọn chỗ cho bốn vị ái khanh Dương Lăng. Bốn vị ái khanh, giờ đây chân tướng đã rõ, bốn vị ái khanh quan phục nguyên chức, đợi sau khi kết thúc hãy về phủ dưỡng thương, rồi tiếp tục đảm đương trách nhiệm kiến tạo Đế Lăng. Về phần những kẻ vu cáo hãm hại...


Chính Đức chỉ gã Lục Ân Lỗ vẫn đang nói cười lảm nhảm, lạnh lùng nói:
- Lôi cái tên điên này đi cho trẫm. Dẫn toàn bộ tất cả các nhân chứng, phạm nhân lên công đường. Hôm nay trẫm sẽ đích thân xử án!


Hoàn Thượng sắm vai quan Chủ thẩm lâm thời, bên dưới nào dám không ra sức tuân theo. Thế là lập tức có mấy nha dịch ba chân bốn cẳng khiêng gã điên đó ra, quăng cái "thịch" vào trong phòng hậu thẩm ( ) đầu tiên, lại có người dẫn bảy vị công tử nổi danh kinh thành đang run lập cập cùng nhóm Hàn Ấu Nương và những kẻ có liên quan lên công đường.


Ba tốp nha dịch lấy sức hô vang "uy vũ" ( ). Chính Đức ngồi thẳng trên chính đường, trước mặt là hai hộp đất vàng, bắt đầu tự mình thẩm án. Thị lang bộ Công là Lý Kiệt vừa thấy Chính Đức nhìn về phía lão, thân thể liền như thấp đi một nửa. Lão khóc lóc tâu:


- Hoàng Thượng, là thần nhất thời hồ đồ. Tên điên đó thường ngày vẫn nói năng tỉnh táo rành mạch, vi thần trong phút chốc đã không xem xét kỹ, lại do chuyện Đế Lăng trọng đại, quan hệ đến vận mệnh hưng thịnh của quốc gia...


Lão cũng biết bây giờ mà còn biện bạch thêm thì đơn giản là tìm chết, chi bằng cứ thẳng thắn nhận tội, dùng Đế Lăng để chứng minh rằng lão xem trọng lăng tẩm của Tiên đế. Một khi Hoàng Thượng mềm lòng thì tội trạng lão sẽ nhẹ đi nhiều.


Hắn nào biết vừa rồi ở hậu đường "thầy bói" họ Mạc đã bịa ra mấy câu đoán mò. Thế nên vừa nhắc đến Đế lăng, Chính Đức chợt nhớ lại mười sáu chữ "lôi kích cung đình, ứng tại Thái lăng, vô đoan đình công, cự sanh thiên tượng". Lời đó vừa thốt ra, trong lòng Chính Đức tức thì dấy lên sự oán ghét. Y vung ống tay áo, phách gỗ liền biến thành ám khí, bay “vèo” một phát về phía Lý Kiệt.


Lý Kiệt bị phách gỗ đập trúng trán kêu "bốp", bầm ngay thành cục, đau quá phải "ui da" một tiếng. Chính Đức mắng:
- Đế lăng, Đế lăng!!! Ngươi hại khiến Đế lăng phải đình công, thiên lôi cảnh báo đánh xuống hoàng cung của trẫm, giờ còn dám nhắc tới Đế lăng sao? Lột áo quan, tước mũ mão của hắn!


Lập tức có hai sai dịch nhanh nhẹn kéo Lý Kiệt lại, lột áo quan và mũ mão của hắn rồi đạp sau gối bắt quỳ xuống. Dương Lăng thấy vậy hơi có chút bất an. Dẫu gì thì Kim Tỉnh Đế lăng đích thực đã bị giở trò, Lý Kiệt không hẳn đã đổ oan cho y. Y lại lo lão ta bị ép đến cùng đường, chó cùng rứt giậu, một mực quả quyết Kim Tỉnh thấm nước là thật, không chừng sẽ mang phiền phức đến cho mình.


Thị lang bộ Lễ là Lý Đạc thấy mặt y có vẻ không nỡ liền rỉ tai nhắc khẽ:
- Dương đại nhân không thể mềm lòng. Cậu cho rằng hắn sẽ vì vậy mà cảm kích bỏ qua sao? Đánh rắn không chết sẽ hậu hoạn vô cùng!


Bình thường nếu nói ra câu này, Dương Lăng tất sẽ không để trong lòng. Nhưng vừa rồi mới dạo một vòng ở Quỷ Môn quan nên y đã rút ra được kinh nghiệm xương máu, hiểu được vài điều về sự nguy hiểm trên chốn quan trường “cười nói chuyện trò mà trên thân lăm lăm đao kiếm”. Sau khi nghe Lý Đạc nói xong thì y khẽ gật đầu, nhớ lại vì chuyện này mà thiếu chút nữa y và Ấu Nương hai người đã âm dương chia cắt, ánh mắt không tự chủ tìm về phía nàng.


Hàn Ấu Nương vẫn xinh đẹp như vậy, chỉ có đôi mắt vốn trong veo như nước đã hơi sưng đỏ. Nhưng đôi mắt dịu dàng đó vẫn nhìn y chăm chú với một tình cảm nồng nàn. Dương Lăng cố mỉm cười trấn an.


Hàn Ấu Nương cũng nhoẻn miệng cười đáp lại, khuôn mặt xinh xắn ấy ngập tràn niềm hân hoan và thoả mãn. Dương Lăng nhìn thấy Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai ở sát bên cạnh Hàn Ấu Nương, nghĩ đến hai người con gái này trọng tình trọng nghĩa, thấy mình gặp phải đại nạn, không những bỏ mặc mà còn giúp đỡ Ấu Nương. Y lấy làm cảm kích liền gật đầu cảm tạ.


Không nghĩ tới Dương Lăng vừa gật đầu tỏ ý thì gò má hai người con gái lại bất chợt ửng đỏ lên, thẹn thùng nhìn đi chỗ khác khiến y không khỏi có chút lấy làm kỳ lạ. Dương Lăng vẫn chưa biết ngày đó vì cảm kích, Hàn Ấu Nương đã cùng tam nữ kết bái, thề rằng "đồng thuyền hợp mạng, họa phúc cùng chia".


Đồng chiếc thuyền nào? Đương nhiên là "chiếc thuyền" mang tên Dương đại lão gia này rồi. Hai nha đầu đó thông minh lanh lợi hơn người, nghe xong đã sớm hiểu được tâm ý của Ấu Nương. Chỉ có điều lúc đó bọn họ cũng ôm lòng tin chắc đại sự sẽ không thành, quyết tâm lấy thân phận thê thϊế͙p͙ của Dương Lăng mà cùng chết theo, thật sự không có mấy hy vọng sẽ cứu được y. Bây giờ Dương Lăng chết đi sống lại, phần tâm tư kia trỗi dậy, trong lòng mới thẹn thùng như thế.


Chính Đức trừng mắt nhìn Lý Kiệt, nhất thời không nghĩ ra được phải xử trí như thế nào, nhịn không được bèn quay sang Hồng Chung để hỏi:
- Hồng Chung! Lý Kiệt vu cáo đại thần, mưu hại khâm sai, bịa đặt chuyện Đế lăng thấm nước thì đáng xử tội gì?


Lúc trước Chính Đức quát Hồng Chung một câu, dọa cho Hồng lão thượng thư luôn biết thời biết thế này phải ngoan ngoãn lui xuống hạ đường, chạy đi trốn sau lưng Mạc Đạo Duy. Bây giờ vừa nghe Hoàng Thượng đích thân hỏi, Hồng Chung liền "thụ sủng nhược kinh" (được quan tâm mà nơm nớp lo sợ), còn tưởng rằng Hoàng Thượng không truy cứu tội của lão nữa.


Thế là lão lật đật chạy lên vài bước, tâu:
- Thần khải bẩm Hoàng Thượng, theo luật Đại Minh, nếu một khi bị tra ra sự thật thì kẻ vu cáo sẽ chịu phản tọa ( ).
Chính Đức mất kiên nhẫn, giục:
- Bớt nói lời thừa thãi đi, rốt cuộc xử trí như thế nào?
Hồng Chung vội đáp:


- Hoàng Thượng minh giám, vu cáo bị phản tọa chính là, quan viên mà hắn vu cáo phải chịu hình phạt gì thì hắn sẽ chịu hình phạt ấy.
Hồng Chung nói tiếp:
- Quan viên mà hắn vu cáo bị phán tội “chém không tha”. Người đâu, lôi hắn xuống, chém không tha!


Lý Kiệt quýnh quáng lên. Hắn còn tưởng Hồng Chung có thể cứu vớt, nào ngờ lão ta lại "giậu đổ bìm leo". Lý Kiệt chỉ mặt Hồng Chung mà mắng:
- Hồng thượng thư! Ta vu cáo đại thần ư? Nếu không phải do ông xin thánh dụ dùng hình thì há sẽ có chuyện bức cung mà khai sao?
Hồng Chung lật lọng, mỉa mai:


- Nếu không phải vì ngươi cố ý hại người thì lẽ ra sau khi nghe được tin tức sẽ phải bẩm báo với Hoàng Thượng để xin người kiểm tra, cớ gì lại tìm một tên điên giả làm nhân chứng chứ? Ta đã bị ngươi dối gạt mà thôi!
Lý Kiệt tức khí, hổn hển mắng:


- Ta cùng mấy vị đại nhân không thù không oán, cớ gì phải hại bọn họ? Ta nghe thấy chuyện Đế lăng thấm nước đã bẩm báo cho Từ thượng thư. Là do Từ thượng thư bảo ta chưa được công khai mà cần thu thập nhân chứng, vật chứng nên ta mới tạm thời không nói. Thượng thư đại nhân, có phải là vậy không?


Từ Quán vừa nghe hắn muốn kéo mình theo, lập tức lắc đầu quầy quậy:


- Nói xằng! Lão phu chỉ kêu Đế lăng thấm nước là chuyện lớn vô cùng, sao có thể tố cáo bừa bãi, cần sai ngươi điều tra sự thật rồi báo cáo tiếp chứ ai bảo ngươi thu thập nhân chứng, vật chứng? Ngươi và các vị đại nhân không có thù, chẵng lẽ lão phu lại có hay sao?


Mấy người Lưu Kiện, Tạ Thiên vốn còn muốn xin tha cho bọn họ, vừa thấy bọn họ vào thời khắc nguy cấp chỉ cố đùn đẩy trách nhiệm, không khỏi lộ vẻ khinh bỉ. Vương Quỳnh xem trò hề của ba người mà giận dữ đến cùng cực, quát lớn:
- Đủ rồi!!!


Lão quát ngăn ba người bọn họ cãi nhau xong, liền xoay người quỳ thẳng xuống đất, cất giọng lẫm liệt:
- Hoàng Thượng, hạ thần không tra xét kỹ, tố cáo sai lầm, có tội ngộ cáo, chỉ xin thánh thượng ân giảm!


Vương Quỳnh dỡ mũ mão đặt sang một bên, khấu đầu không dậy. Chiêu "lấy tiến làm lùi" này của lão thực cao minh hơn nhiều so với ba người Hồng Chung. Đầu tiên là cải biến tội danh thành "giám sát thiếu trách nhiệm và ngộ cáo", sau đó cột toàn bộ ba thượng thư và một thị lang chung vào một con thuyền, tin rằng tân hoàng mới đăng cơ, ngôi vị còn chưa ổn, liệu có dám tùy ý xử trí nhiều trọng thần như vậy không?


Chính Đức thấy bốn kẻ đang quỳ lại có đến ba người là thượng thư, thực sự có chút lúng túng. Y đưa mắt nhìn sang mấy vị đại học sỹ cầu cứu. Lưu Kiện thừa dịp liền tâu:


- Hoàng Thượng, thần cho rằng Hồng lão thượng thư lạm dụng trọng hình, bức cung ép khai, hại bốn vị khâm sai suýt trầm mình nơi tử địa. Hơn nữa, tin tức triều đình muốn dời Đế lăng truyền ra khiến dân tâm bất an, quả thực là có tội. Nhưng Hồng thượng thư cũng chỉ vì bị kẻ khác che giấu nên xử án không thoả đáng chứ không phải vì ham muốn cá nhân. Thần cho rằng bắt ông ta... bắt ông ta bãi quan hồi hương là được!


Hồng Chung nghe vậy bủn rủn cả người. Lão vất vả gian nan lắm mới leo lên vị trí quan nhất phẩm, giờ đây chỉ một câu nói mà hết thảy liền đã trở thành hư không. Cực khổ mấy mươi năm, không ngờ lại như giấc mộng.


Còn Lý Kiệt nghe mà ruột gan lại như muốn đứt rời. Lưu Kiện nói vậy là muốn "thí tốt" để "giữ tướng", ngay cả lão là người đứng đầu nội các mà cũng còn mang suy nghĩ như vậy thì hắn còn có thể sống được sao?
Chính Đức nghe xong, gật đầu bảo:


- Vậy làm theo lời tấu của đại học sỹ đi, Hồng Chung bộ Hình sẽ bị bãi chức hoàn hương.
Lưu Kiện lại nói:


- Thượng thư bộ Công là Từ Quán, nghe thấy công trình Đế lăng có sự cố nhưng lúc đó vì quá thận trọng, biết chuyện mà không báo, sau lại chưa tra thực hư mà đã tố cáo đại thần, quá đỗi trù trừ lười nhác, đã phụ chức phận. Thần thấy rằng nên cho...


Lưu Kiện vừa muốn nói "giảm lương phạt bổng" (bổng ở đây là bổng lộc), nhưng Chính Đức đã tự cho mình thông minh, cướp lời luôn:
- Được, cho bãi quan luôn đi.
Lưu Kiện tức thời nghẹn họng, mãi một hồi lâu không nói được gì. Chính Đức lấy làm ngạc nhiên, bảo:


- Kiến nghị của Lưu ái khanh rất có lý, khanh hãy nói tiếp đi.
Lưu Kiện hít sâu một hơi, nói tiếp rất nhanh:


- Thượng thư bộ Lễ là Vương Quỳnh, lấy thi lễ giáo hoá thiên hạ, đức cao vọng trọng, tài đức vẹn toàn, khiến cho lòng người cảm động ( ). Ông ta vốn không liên quan đến vụ án này, chỉ bởi tin lầm lời người, vì muốn thanh trừng lại trị ( ) nên mới giục xin Hoàng Thượng xử phạt quan viên tham ô, tội có thể tha thứ. Nhưng Vương Quỳnh không phải là ngôn quan lại đi nghe lời đồn mà dâng tấu, cũng nên bị trừng phạt, có thể phạt ba năm bổng lộc để cảnh cáo.


Lão sợ Chính Đức giữa chừng sẽ lại chen miệng vào, cho nên lần này nói vừa nhanh vừa gấp, rào rào như rang đậu. Chính Đức không vui, nói:


- Vương Quỳnh lạm quyền vượt quá chức vụ của mình, suýt nữa đã gây ra tội lớn. Lỗ mãng như vậy thì sao cai quản việc khoa cử, tế tự, lễ nghi, bang giao được? Phạt bổng lộc có phần quá nhẹ, vậy... chuyển làm thượng thư bộ Lễ ở Nam Kinh đi.


Tạ Thiên, Lý Đông Dương nghe xong đang muốn bước lên cãi lẽ cho Vương Quỳnh, không ngờ lão nghĩ rằng mình một lòng vì nước mà Hoàng Thượng lại hồ đồ không hay, không biết nên trong lòng tràn ngập bi thương cùng phẫn uất, dập đầu nói:


- Hoàng Thượng thương cảm lão thần, lão thần cảm kích không thôi!
Chính Đức nghe giọng điệu phẫn uất của lão thì cả giận, quát:


- Ngươi vẫn không phục sao? Ngươi cai quản bộ Lễ, giáo hoá thiên hạ, thế mà ngay cả con mình cũng dạy không xong. Hắn bức bách tỳ nữ người khác hãm hại gia chủ, đó cũng là việc mà đường đường phủ thượng thư bộ Lễ có thể làm sao?
Rồi y cười gằn, quay sang thị lang bộ Hình là Ngụy Thân hỏi:


- Ngụy thị lang! Dân tố quan, bịa chuyện hãm hại thì đáng bị phạt gì?
Nguỵ Thân vốn thiết diện vô tư, trong mắt chỉ có vương pháp không có nhân tình, nghe lời lập tức khom người, đáp:


- Hồi bẩm hoàng thượng! Dân tố quan, bịa chuyện phỉ báng, một khi tra ra sự thật thì tước công danh, đày đi biệt xứ. Song theo thần thấy, nghi án Đế lăng tuy rằng không đúng nhưng việc tố cáo Dương Lăng cưỡng ép mua tỳ nữ, nếu chỉ dựa vào lời nói từ phía nàng ta thì vẫn chưa đủ tin cậy, cần cho kiểm chứng mới có thể khép tội.


Chính Đức ngửa mặt lên trời cười ha hả, rồi lại cười nhạt nói:


- Không cần tra nữa, việc này trẫm biết rõ ngọn ngành. Chuyện này bắt nguồn bởi gia nhân của Thọ Ninh hầu ỷ thế hϊế͙p͙ người, mưu đoạt ba cô gái của Thì Hoa quán. Khi ấy trẫm vẫn còn là thái tử Đông cung, sau khi nghe chuyện đã sai thị độc Dương Lăng cứu giúp bọn họ. Số bạc của y cũng không phải tham ô mà có, mà là của trẫm cấp cho. Ngươi không phải là vẫn muốn tra xem lời trẫm nói là thật hay không đó chứ?


Nguỵ Thân lật đật quỳ xuống, thưa:
- Thần không dám. Nếu hoàng thượng đã làm chứng cho Dương Lăng, vậy tội danh vu cáo này đã xác thực.


Vương Quỳnh nghe Hoàng Thượng muốn tước bỏ công danh của con mình rồi lưu đày biệt xứ thì sắc mặt lập tức trắng bệch, cũng không còn dám ương bướng chống cãi nữa, chỉ dập đầu xin tha cho con. Mấy công tử hào phú cũng hoàn toàn mất sạch vẻ kiêu ngạo, chỉ quỳ mọp dưới đất mà run rẩy.


Lý Đông Dương nghe xong thì rất lo ngại. Bảy cậu công tử này tuy không tính là nhân vật gì, nhưng sau lưng mỗi người đều có cha già là trọng thần trong triều. Hôm nay Lục Bộ nhoáng một cái đã bãi chức một nửa quan viên, trong triều lòng người đã bất ổn, nếu như lại có thêm mấy vị đại thần ôm hận bất mãn thì bọn họ sẽ quản lý triều chính như thế nào đây?


Vụ án Đế lăng đã vứt bỏ một Lý Kiệt để giữ lại ba vị thượng thư. Hôm nay xem ra vụ án Dương Lăng cưỡng đoạt dân nữ chỉ có thể thí bỏ Vương Cảnh Long, cứu lấy sáu người còn lại thôi. Lý Đông Dương quyết định dứt khoát, lập tức nhanh miệng tâu:


- Hoàng Thượng! Mua chuộc nữ tỳ Dương phủ, hãm hại Dương đại nhân chỉ có một mình Vương Cảnh Long, những thư sinh khác nhỏ tuổi không hiểu chuyện, chỉ là ham muốn hư vinh, hùa theo náo nhiệt, không nên xử nặng.


Đám người Tạ Thiên, Lưu Kiện, Vương Hoa biết rõ nếu trừng phạt quá nặng sẽ không có lợi cho triều đình, vì vậy lần lượt quỳ xuống cầu xin. Chính Đức bực bội nói:


- Thôi được, sáu tên hùa theo trẫm có thể không so đo tính toán. Nhưng cái tên Vương Cảnh Long thêu dệt tội danh, nếu tha cho hắn thì thể diện triều đình vứt đi đâu? Lột bỏ công danh kẻ này, lưu đày Quý Châu, cả đời không được tuyển dụng!


Vương Quỳnh nghe thấy thế thì hoàn toàn tuyệt vọng. Vương Cảnh Long quỳ dưới đất mà như kẻ mất hồn, cuộc đời này của hắn coi như đã xong rồi. Một lúc lâu sau hắn mới dần tỉnh lại, tựa hồ nghe thấy Hoàng Thượng đã phán Lý Kiệt tội chết, sai người giải đi.


Vương Cảnh Long cười thê lương “Tội chết ư? Thà cũng phán mình một tội chết, còn hơn là đày đoạ như vậy. Mình vốn là con nhà thế gia, tiền đồ rực rỡ, nếu không phải do bị con tiểu tiện nhân đó lừa gạt thì sao có thể đến nông nỗi sống không bằng chết thế này?” Trong lòng Vương Cảnh Long đột nhiên nảy sinh một ý niệm ác độc “Tiểu tiện nhân! Không phải ngươi xu nịnh tên Dương Lăng đó mà tính kế ta sao, cho dù ta bị lưu đày đến Quý Châu thì cũng sẽ mua chuộc đám trộm cướp cố làm nhục ngươi cho đến chết, khiến ngươi phải hối hận về việc đã làm...”


Thái giám của ty Lễ Giám là Đới Nghĩa thấy Hoàng Thượng đã khâm phán xong vụ án mà Vương Quỳnh vẫn chưa chịu từ bỏ, vẫn còn quỳ ở đó để tận lời, kiệt sức cầu khẩn cho con trai của mình thì vội bước ra khỏi ghế, quỳ xuống tâu:


- Hoàng Thượng! Quý Châu hoang vu cằn cỗi, cách đó lại là quan ải trùng trùng, chướng khí khắp nơi, lưu đày đến nơi đó quả thực khó lòng sống được. Theo nô tài thấy, nếu các vị đại nhân đã thỉnh cầu, chi bằng Hoàng Thượng hãy đày hắn đến Thái Lăng làm một tên khổ dịch, sửa lăng lót đường cho Tiên đế để chuộc lấy tội nghiệt, vừa là trừng phạt hắn mà lại vừa thể hiện sự nhân hậu của hoàng thượng.


Vương Cảnh Long đang thầm cân nhắc cái ý nghĩ ác độc thì nghe người ta muốn đưa hắn đi Thái Lăng làm khổ dịch, mặc dù khổ thì có khổ một chút, nhưng dẫu sao nơi đó vẫn gần kinh sư. Phụ thân hắn tuy bị đày đi Kim Lăng làm quan nhưng môn sinh, bạn cũ còn rất nhiều, đến lúc đó hắn tìm người ra tay một chút thì còn sợ không được việc hay sao?


Nhưng lúc hắn vừa ngẩng đầu thì vừa vặn trông thấy Đới Nghĩa đang nhìn mình cười nham hiểm. Thấy nụ cười không có ý tốt lành đó, Vương Cảnh Long liền như bị dội một thau nước lạnh từ đầu đến chân, trái tim lập tức trở nên lạnh ngắt.
Chính Đức vui vẻ nói:
- Tốt lắm, cứ làm vậy đi!


Vương Quỳnh biết rõ con mình đi Thái Lăng nguy hiểm còn hơn đi Quý Châu bội phần, lo lắng đến độ muốn phát điên. Mấy người Lưu Kiện cùng lão làm việc chung với nhau đã lâu năm, thấy vậy trong lòng không nỡ, đành phải bước lên dìu dậy, sau khi nhỏ giọng nhận lời chiếu cố cho Vương Cảnh Long thì Vương lão phu tử mới rơi lệ lui xuống công đường.


Sau khi Chính Đức đuổi tất cả mọi người đi hết chỉ giữ lại một nhà Dương Lăng, hắn mới ngại ngùng đến bên người y, nói:
- Dương thị độc! Trẫm... trẫm suýt nữa đã phụ khanh rồi.


Trong lòng Dương Lăng cũng khá hậm hực. Y không tin phong thuỷ quan trọng hơn ngàn vạn tính mạng của bá tánh nên giúp bọn Đới Nghĩa che giấu chuyện Đế lăng thấm nước. Nhưng dù sao cũng đã giấu chuyện với tiểu hoàng đế này nên y vội khom người vái, đáp:


- Hoàng Thượng chớ nói như vậy. Bất luận lấy thân phận vua một nước hay con của Tiên đế thì người xử trí như vậy đều là làm theo trách nhiệm. Thần không lời oán hận.
Chính Đức cười thẹn nói:


- Ái khanh! Khanh hãy bớt muộn phiền mà dưỡng thương cho thật tốt, đợi khi thương thế lành lặn thì trẫm sẽ trọng dụng khanh. Khanh hãy trở về trước, ba lão già lắm chuyện đó vẫn còn đang chờ trẫm ở bên ngoài, khi nào về trẫm sẽ trốn đến phủ thăm khanh.
Dương Lăng vội nói:


- Đa tạ Hoàng Thượng quan tâm. Xin Hoàng Thượng hãy đừng tuỳ tiện rời cung kẻo ba vị đại học sỹ biết được sẽ lại dâng tấu sớ lên can gián. Giờ vi thần về đây.


Tuy y đã được tháo bỏ cùm tay, xích chân nhưng hai mắt cá chân vẫn bầy hầy máu thịt, muốn bước ra khỏi công đường dài dằng dặc này cũng đau như xát muối, đâm kim. Y được Hàn Ấu Nương và Ngọc Đường Xuân một trái một phải dìu, lại thêm Tuyết Lý Mai cùng Cao Văn Tâm đi theo bên cạnh, sau khi hành lễ với Hoàng Đế xong liền xoay người bước đi.


Chính Đức thấy khuôn mặt xinh đẹp của Hàn Ấu Nương nghiêm lại, tuy chưa thất lễ nhưng không hề thân thiết như lúc trước đã đối đãi với mình. Trong lòng hơi cảm thấy khó chịu, Chính Đức bất chợt gọi giật lại:
- Khoan đã!


Dương Lăng ngạc nhiên quay người, chỉ thấy Chính Đức vừa bước tới vừa nói:
- Nếu không nhờ Ấu Nương tỷ tỷ cầm bức vẽ của phụ hoàng ngăn cản, trẫm suýt nữa đã mất đi một vị trung thần. Ấu Nương tỷ tỷ có công với xã tắc, trẫm nên phong thưởng.
Y hơi trầm ngâm rồi nói:


- Trẫm muốn hạ chỉ, khâm phong Ấu Nương tỷ tỷ làm “Cáo Mệnh phu nhân”( ), Ấu Nương tỷ tỷ đừng giận trẫm nữa nhé?
Hàn Ấu Nương thấy đường đường là thiên tử lại nhận lỗi với mình, cũng không dám được voi đòi tiên, vội cúi mình vái một vái rồi nói:


- Thần thϊế͙p͙ nào dám giận Hoàng Thượng chứ? Đa tạ Hoàng Thượng ban thưởng.


Thân phận là mối tâm bệnh của Hàn Ấu Nương. Khi trượng phu là tú tài, nàng vẫn luôn cảm thấy một cô con gái của gia đình thợ săn như mình đã không xứng với người ta. Bây giờ có được lệnh phong của Hoàng Thượng, trong lòng sao mà không vui chứ.


Thấy chân mày Hàn Ấu Nương hiện lên chút hân hoan, Chính Đức mới yên tâm, vui vẻ cười nói:


- Trẫm không những muốn thưởng tỷ tỷ, còn muốn thưởng Dương thị độc nữa. Chẳng phải là Vương Cảnh Long nói khanh bỏ ra vạn lượng bạc trắng mua tỳ nữ là không hợp tình hợp lý sao? Ha ha, số bạc đó là của trẫm bỏ ra, vậy coi như trẫm mua về tặng khanh làm thϊế͙p͙ là được rồi. Phủ nội vụ đã xác định Hoàng Hậu cho trẫm, còn tuyển chọn ra hai Hoàng Phi. Ừm... (hiện) đang định ngày đại hôn của trẫm. Đến ngày đó trẫm sẽ hạ chỉ ban thưởng hai người bọn họ làm thϊế͙p͙ của khanh rồi động phòng thành thân.


- Hả?


Dương Lăng nghe xong giật mình thất kinh, Hàn Ấu Nương cũng khá bất ngờ, còn Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai thì ngạc nhiên pha lẫn mừng rỡ. Ánh mắt hai người vừa chạm nhau liền lập tức dời đi, gò má không kìm được mà đỏ lựng, nhưng trong đôi mắt trong veo lại đầy vẻ thẹn thùng và vui sướng không nói thành lời.


Cao Văn Tâm chỉ hơi cụp mi, thần sắc bình tĩnh, nhìn không thấy vẻ gì khác thường. Tuy rằng Hàn Ấu Nương đã ngầm chấp thuận cho phép chung chồng, nhưng nàng tự biết thân phận nô tỳ khó bỏ, trước giờ chưa từng ôm vọng tưởng này nên không suy tính thiệt hơn với hai người Ngọc Đường Xuân.


Tiểu hoàng đế vỗ vai Dương Lăng một cái, trịnh trọng nói:
- Ngày trẫm thành hôn sẽ chính là ngày khanh thành hôn. Trẫm nguyện thề cùng khanh cùng vui tiệc chúc, cả đời tin nhau, từ nay về sau vừa là vua tôi, vừa là bạn tốt.
Đoạn y vui vẻ nói tiếp:


- Lần trước ở trong núi bắn pháo hoa trông thật đẹp, trẫm vẫn luôn mong muốn có thể xem lại. Chờ đến ngày đại hôn của trẫm sẽ không còn ai có thể mượn cớ ngăn trẫm nổi lửa đốt pháo nữa. Ha ha ha!!! Trẫm thật sự đã trông đợi lễ đại hôn này lâu lắm rồi. Ừm, đêm đại hôn của trẫm, khanh hãy vào trong cung giúp trẫm đốt pháo cho thoả thích.


Y vung tay, cười nói:
- Trẫm phải xem pháo hoa cả đêm, thâu đêm suốt sáng...
Cao Văn Tâm nghe xong cái mệnh lệnh hồ đồ này, thiếu chút nữa thì đã cười phì. Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai liếc mắt nhìn nhau, khoé miệng đang cười cũng không khỏi ngầm mang một nỗi thất vọng...
Chú thích:


( ) chức thẩm tra đối chiếu lời khai với sự thật.
( ) phòng chờ thẩm vấn.
( ) "wèi... wù..." tiếng hô kéo dài của nha dịch khi bắt đầu thăng đường xử án. Xem Bao Thanh Thiên sẽ rõ.
( ) phản tọa là thuật ngữ chỉ việc lấy tội danh và hình phạt của người bị vu cáo ghép cho kẻ vu cáo


( ) nguyên văn "đào lý thành hề" trích từ câu "đào lý bất ngôn, hạ tự thành hề". Đào và mận không cần biết nói để thu hút người khác (đào lý bất ngôn), nhưng hoa thơm quả ngọt của chúng đủ lôi cuốn người ta nườm nượp tới lui, tạo thành một con đường nhỏ dưới gốc của chúng (hạ tự thành hề). Câu thành ngữ này xuất xứ từ "Sử ký Lý tướng quân liệt truyện" này ví von rằng, chỉ cần là người chân thành và trung thực thì sẽ có thể cảm hoá người khác.


( ) tác phong và uy tín của quan lại.
( ) Người nào là vợ quan cũng được gọi là "phu nhân” cả, nhưng đó là "phu nhân danh phận", dựa theo chồng, không oai bằng tước "phu nhân" do vua ban thưởng. "Cáo Mệnh phu nhân" là tước do vua ban cho phụ nữ có công, tước này có bổng lộc, không có thực quyền.


thì từ ngũ phẩm trở lên mới gọi là "cáo", từ lục phẩm xuống cửu phẩm gọi là "sắc".