loret De Mar đón tôi bằng cái nắng chói chang như táp vào mặt, cái nắng chỉ có ở những vùng biển Tây Ban Nha dễ làm chóng mặt những ai đến từ những nước phương Bắc xa xôi đầy mưa phùn. Đôi bạn trẻ khách du lịch người Đức dẫn tôi tìm đường đến nơi ở chìa cánh tay ra, bảo "Mới mấy ngày mà tụi này đã bị cháy da rôi đây, cẩn thận nhé nắng không chừa ai đâu".
Hành trình đến Lloret De Mar mệt hơn tất cả những chuyến đi trong đời. Bị lỡ chuyến bay ở sân bay London Stansted, tôi phải đóng thêm tiền và ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ để bay một chuyến khác đến Reus - cách nơi tôi muốn đến gần ba trăm cây số. vừa tiếc tiền, vừa mệt vì phải đổi tàu và xe buýt suốt một ngày tròi, đến Lloret De Mar tôi không thiết tha gì ngắm cảnh mà nằm ngủ li bì.
Khi tôi thức dậy, thành phố trông cũng không khá hơn mấy. Trước khi tôi qua, mọi người báo trước "Đã đi du lịch biển ở đó thì không có gì "văn hoá" đâu nhé, chỉ toàn thấy khách du lịch người Anh và Đức nốc sangria suốt ngày thôi!" Vốn quen tản bộ trên những thành phố êm đềm vời những ngôi nhà xưa hoa nở trên bệ cưả sổ, tôi choáng ngay trên đường ra bờ biển Lloret De Mar, với những con đường hẹp ồn ào đầy những cửa hàng bán đồ lưu niệm và quần áo rẻ tiền khắp nơi. Bờ biển nắng chói chang, chật chội với những cây dù đủ màu sặc sỡ và khách du lịch nằm sắp lớp phơi nắng. Tôi thở dài, đeo kính đen tránh ánh nắng chiếu thẳng vào mặt rồi lôi cuốn sách đem từ nhà sang nằm trên cát đọc.
Lloret De Mar nằm phí Nam Costa Brava (có nghĩ là "Bờ biển gồ ghề" trong tiếng địa phương), cùng với Costa Blanca cà Costa del Sol là ba vùng biển thu hút nhiều du khách Châu Âu nhất Tây Ban Nha. Trải dài từ Blanes đến biên giới nước Pháp, Costa Brava vốn nổi tiếng với những mỏm đá cao cút, núi non cây cối xanh um, bờ biển trải dài nước trong xanh như lọc. Nhưng từ khi phát triển du lịch, Những toà nhà xấu xí đua nhau mọc lên, du khách kéo đến đông như kiến, vùng biển cũng mát đi nét nguyên sơ ngày trước. Tôi ngao ngán bảo Daniel cũng đang chán nản ngồi bên cạnh nhìn khách du lịch ồn ào xung quanh "Có những nơi mình đi nhưng biết chắc chắn sẽ có ngày trở lại: Paris hay Vienna chẳng hạn. Cũng cs nhưng nơi mình đi nhưng biết chắc chắn sẽ không bao giờ quay lại lần nữa..." Tôi bỏ dở câu nói, nhưng anh hiểu ý ngay, gật đầu đồng tình.
Nhưng đến khi nắng bắt đầu tàn và mọi người xếp khăn tắm, cuốn dù rải rác ra về, bờ biển tĩnh lặng hơn và cũng đáng yêu hơn phần nào. Gió biển thổi hiu hiu mang theo vị mặn rất đặc trưng mà lâu lắm tôi không có dịp cảm nhận. Ánh nắng hoàng hôn lấp loáng rọi xuống mặt nước biển xanh và sâu thẳm sõng tung bọt trên những mỏm đá gần bờ cát. Chúng tôi tản bộ trên một con dốc bậc thềm lát đá phía tay phải bờ biển. Từ trên dốc đá, có thể nhìn thấy những cơn sóng buổi chiều lăn tăn bên đươi, cạnh những quả bóng màu vàng thả bập bềnh trên biển đến tận bờ để thuyền bè biết đường cập bãi cát. Dưới nắng hoàng hôn, những ngôi nhà cao tầng mới xây trên con đường doc bãi biển trông cũng dễ nhìn hơn ban sáng.
Phía bên kia đồi, cách khoảng mười lăm phút đi bộ là một quán cà phê cheo leo trên vách đá. Khách du lịch đang vừa uống nước vừa ngắm hoàng hôn buông xuống biển. Chúng tôi không đến đó mà xuống đồi, tiếp tục đi bộ trên bãi cát ướt mịn màng cho những con sóng mơn man trên bàn chân. Tôi sục chân xuống cát, nhớ những ngày về Nha Trang cũng cát vàng biển xanh thế này, thỉnh thoảng còn bắt gặp những con còng gió chân dài chạy lăng xăng trên bãi cát và những vỏ ốc trắng muốt sóng đánh dạt vào bờ. Ở đây tuyệt nhiên không thấy một vỏ ốc nào, có lẽ tất cả đã nằm trong những cửa hàng bán đồ lưu niệm, bán cho khách du lịch với giá cắt cổ 7 euro một túi (khoảng 140 000đ). Chỉ an ủi một điều tuy Lloret de Mar và biển Tây Ban Nha nói chung đông đúc ồn ào nhưng mọi người ý thức không xả rác nên khắp bãi biển vẫn sạch sẽ.
Ngày hôm sau, chúng tôi qua con dốc phía bên kia, không có bậc thềm mà thay bằng con đường lát đá quanh co phía trên biển, với một bên đại dương, một bên vách núi mọc đầy thông xanh. Cheo leo trên đồi là toà lâu đài qua mấy trăm năm nắng gió xứ Catalan còn đứng đó, in bóng lên nền trời xanh. Tôi đứng im lặng, tưởng tượng hàng mấy thế kỉ trước những gia đình hoàng gia cũng đứng nơi này, tự hào nhìn toà lâu đài kiêu hãnh được bao bọc bằng tường đá, với nắng hoàng hôn dát vàng và gió biển làm lao xao những cây thông xanh ngắt xung quanh. Thỉnh thoảng một trái thông rớt xuống thềm đá làm giất mình con chim hải âu đang đứng tư lự trên mỏm núi.
Xung quanh chúng tôi tren con đường đá rất vắng người. Lúc đó, tôi nghiệm ra ắt hẳn Lloret de Mar trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ toà lâu đài đẹp như trong truyện cổ tích này. Nhưng du khách đến đây 99% chỉ cắm dù trải khăn xuống cát tắm biển từ trưa tới chiều. Tối thì vào những quán bar Bogeda nốc sangria như nước lã, xong vào discotheque đến rạng sáng mới về phòng, ngủ đến trưa rồi lại mang dù và khăn ra biển. Chẳng ai buồn leo dốc lên thăm mỏm đá chênh vênh và toà lâu đài bị bỏ quên. Những ai khi trước vốn yêu toà lâu đài và hoàng hôn êm đềm trên con đường đá thì từ lâu đã bỏ phố biển xứ Catalan ồn ào náo nhiệt này để đến những nơi khác thanh bình hơn. Vì vậy chúng tôi một mình hít căng hơi gió biển hè mát rượi, nhìn con thuyền buồm xa xa và cành thông vắt ngang đu đưa trong nắng chiều.
Những ngày ở phố biển qua nhanh, buổi sáng khi xách hành lý ra bến xe buýt, tự nhiên tôi hơi buồn, cái buồn khi quay lưng lại một nơi mình biết sẽ không bao giờ trở lại lần nữa. Biết đâu một ngày nào đó Lloret de Mar sửa sang lại những ngôi nhà bê tông xây cẩu thả, khách du lịch đến đây bớt uống sangria thâu đêm, bãi biển vắng bớt người. Biết đâu những cửa hàng bán quần áo và đồ bơi rẻ tiền nhốn nháo dọc đường được thay bằng những quán ăn thanh bình có hoa tươi trên đầu, và toà lâu đài vẫn còn đó, nơi đại dương vẫn vỗ những cơn sóng bất tận vào bờ... Nhưng tất cả những điều "biết đâu" ấy sẽ không b ao giờ thành sự thật nên tôi kéo tay Daniel bước lên xe buýt. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi sẽ đến Barcelona...