Lãnh thổ và không gian riêng
“Xin lỗi, ông đang ngồi chỗ của tôi!”
Đã có hàng nghìn cuốn sách hay bài báo viết về sự tranh gianh, canh giữ lãnh địa của các con thú, chim chóc, cá và động vật linh trưởng. Nhưng chỉ trong thời gian gần đây, người ta mới khám phá ra rằng con người cũng có lãnh địa riêng. Hiểu được ý nghĩa của điều này, bạn sẽ thấu hiểu hơn về hành vi của bản thân cũng như có thể phán đoán được các phản ứng trực diện của người khác. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20, nhà nhân chủng học người Mỹ Edward Hall, một trong những người tiên phong trong công cuộc nghiên cứu về nhu cầu không gian của con người, đã đặt ra từ “proxemics” có gốc từ “proximity”, nghĩa là “lân cận”. Cuộc nghiên cứu của Edward Hall về lĩnh vực này đã mang lại cho nhân loại nhiều hiểu biết mới mẻ về mối quan hệ giữa người với người.
Mỗi một quốc gia có một lãnh thổ riêng được đánh dấu bằng đường biên giới và đôi khi có lực lượng vũ trang bảo vệ. Ở những quốc gia theo chế độ liên bang thường tồn tại những đơn vị hành chính là bang và hạt. Trong các bang và hạt này, có những đơn vị lãnh thổ nhỏ hơn gọi là thành phố và thị trấn. Thành phố và thị trấn gồm những khu dân cư được giới hạn bởi những con đường bao quanh. Trong rạp chiếu phim, chúng ta ngầm tranh giành cái tay ghế với người nào cố chiếm lấy nó. Tương tự, cư dân từng vùng có chung lòng trung thành vô hình đối với lãnh thổ của mình và để bảo vệ nó, họ không từ cả hành động bạo lực.
Lãnh thổ cũng là khi vực hay không gian xung quanh một người mà người đó tự cho là của mình, như thể đó là phần nới thêm từ cơ thể họ. Mỗi người đều có lãnh thổ riêng bao gồm khu vực chung quanh tài sản của người đó, ví dụ như không gian từ bờ rào vào nhà, không gian bên trong chiếc xe hơi, giường ngủ hoặc ghế dành riêng cho người đó… Theo như tiến sĩ Hall đã phát hiện thì nó còn là phần không gian xung quanh cơ thể người đó.
Chương này chủ yếu đề cập đến ý nghĩa của không gian này, cách con người phản ứng khi nó bị xâm phạm và tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ “có khoảng cách nhất định” (arms-length relationship) trong một số trường hợp.
Không gian riêng
Hầu hết các con vật đều có một không gian nhất định xung quanh cơ thể mà chúng tự cho là không gian riêng của mình. Không gian đó mở rộng hay thu hẹp tùy thuộc chủ yếu vào tình trạng sống đông đúc của loài vật đấy và mật độ cư dân ở nơi mà nó sinh trưởng. Một con sư tử sống ở những vùng hẻo lánh của châu Phi có thể có không gian lãnh thổ trong vòng bán kính 50km hoặc xa hơn, tùy thuộc vào mật độ sư tử sống trong vùng. Và nó đánh dấu lãnh thổ của mình bằng cách tiểu tiện hoặc đại tiện quanh các đường ranh giới này. Trong khi đó, không gian riêng của một con sư tử bị giam chung với các con sư tử khác có thể chỉ có vài mét, đây là hệ quả tất yếu của điều kiện sống đông đúc.
Không gian riêng – “quả bong bóng” mà tất cả chúng ta đều mang theo quanh mình.
Giống như hầu hết loài vật, mỗi người đều có “bong bóng khí” (air bubble) riêng mang theo quanh mình. Kích thước “bong bóng khí” tùy thuộc vào mật độ dân số nơi người đó sinh trưởng. Vì vậy, không gian riêng do văn hóa quy định. Ở một số nước như Nhật Bản, người ta quen với cảnh đông đúc trong khi những nơi khác lại thích những “không gian mở” hơn. Ở những nơi đó, người ta muốn bạn giữ khoảng cách.
Nghiên cứu cho thấy những người bị giam cầm dường như cần không gian riêng rộng hơn so với đa số những người khác trong cộng đồng, do đó các phạm nhân hay có thái độ gây hấn khi người khác đến gần họ. Những khu biệt giam, nơi không có ai khác ngoài tù nhân, luôn luôn có tác dụng giúp họ trấn tĩnh. Người ta đã nhận thấy, nạn bạo lực gây ra bởi các hành khách đi máy bay tăng lên trong những năm 1990, khi mà các hãng hàng không bắt đầu dồn hành khách vào với nhau trong các ghế ngồi để bù đắp khoản doanh thu thâm hụt do giảm giá vé.
Vùng khoảng cách
Bây giờ, chúng ta sẽ bàn về bán kính của “bong bóng khí” quanh những người thuộc tầng lớp trung lưu ở vùng ngoại ô Úc, New Zealand, Anh, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Scandinavia, Canada hoặc những nơi có nền văn hóa bị “Âu hóa” như Singapore, Guam và Ireland. Đất nước bạn sống có thể có lãnh thổ (cá nhân) rộng hơn hoặc nhỏ hơn những nơi chúng tôi bàn đến, nhưng xét theo tỷ lệ tương ứng thì chúng tương tự nhau. Trẻ em được học về các phân vùng này lúc 12 tuổi, ta có thể chia chúng thành 4 vùng khoảng cách riêng biệt:
1. Vùng thân mật:
Từ 15 – 46cm. Trong tất cả các vùng khoảng cách thì vùng này là quan trọng nhất, vì đây là vùng mà người ta canh giữ như thể nó là tài sản riêng của họ. Chỉ những người gần gũi với chúng ta như người yêu, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn thân, họ hàng và vật cưng mới được phép bước vào. Khu vực cận dưới cách cơ thể 15cm chỉ cho người khác bước vào trong các va chạm ở mức độ thân mật. Đây được gọi là vùng tối thân mật.
2. Vùng riêng tư:
Từ 46cm – 1,22m. Đây là khoảng cách giữa ta và mọi người trong các bữa tiệc rượu cocktail, những buổi liên hoan ở cơ quan, giao tiếp xã hội và các buổi họp mặt thân mật.
3. Vùng xã giao
Từ 1,22m – 3,6m. Chúng ta giữ khoảng cách này với những người lạ như thợ sửa ống nước hoặc thợ mộc đang sửa chữa quanh nhà, người đưa thư, người bán hàng ở địa phương, nhân viên mới tại cơ quan và những người chúng ta quen biết sơ.
4. Vùng công cộng
Trên 3,6m. Những khi phát biểu trước nhiều người thì đây là khoảng cách thoải mái mà chúng ta chọn đứng.
Tất cả những vùng khoảng cách này có khuynh hướng thu hẹp giữa hai người phụ nữ và giãn ra giữa hai người đàn ông với nhau.
Các ứng dụng thực tế của vùng khoảng cách
Thường thì một người khác bước vào vùng thân mật của chúng ta (từ 15 – 46cm) vì một trong hai lý do. Thứ nhất, người xâm phạm kia là người họ hàng gần, bạn thân hoặc đang có những cử chỉ khêu gợi tình dục. Thứ hai, người kia là kẻ hiếu chiến và có thể sắp tấn công bạn. Chúng ta có thể chịu đựng được những người lạ đi vào phạm vi giữa vùng riêng tư và vùng xã giao của chúng ta, còn việc xâm phạm vào vùng thân mật sẽ dẫn đến những thay đổi sinh lý xảy ra bên trong cơ thể. Tim đập nhanh hơn, chất adrenalin chảy vào mạch máu, máu được bơm lên não và đưa tới các cơ để cơ thể sẵn sàng trong trường hợp xảy ra đánh nhau hoặc chạy trốn.
Điều này có nghĩa là việc bạn choàng cánh tay một cách thân mật lên một người mới quen có thể khiến người đó có suy nghĩ tiêu cực về bạn, cho dù ngoài mặt họ mỉm cười và tỏ vẻ đồng tình để không làm bạn phật lòng.
Phụ nữ đứng gần nhau hơn, đối mặt với nhau và chạm vào nhau nhiều hơn là đàn ông với đàn ông.
Nếu bạn muốn người khác cảm thấy thoải mái khi ở gần bạn thì nguyên tắc vàng là “hãy giữ khoảng cách”. Mối quan hệ của chúng ta với người khác càng thân mật thì họ sẽ cho phép chúng ta bước vào các vùng khoảng cách của họ sâu hơn. Chẳng hạn, một nhân viên mới ban đầu có thể cảm thấy mọi người lãnh đạm với mình. Kỳ thực, những người này chỉ là đang giữ nhân viên đó ở trong vùng xã giao cho đến khi họ hiểu rõ anh ta hơn. Khi nhân viên này trở nên quen thân thì khoảng cách giữa họ ngắn lại cho đến khi người này được phép bước vào các vùng riêng tư của họ trong vài trường hợp là vào đến vùng thân mật.
Ai bước vào khu vực của ai?
Khoảng cách giữa hông của hai người khi họ ôm nhau tiết lộ các manh mối về mối quan hệ giữa họ. Những người yêu nhau ép sát thân hình vào nhau và bước vào vùng tối thân mật của nhau. Việc này khác với nụ hôn bạn nhận được từ một người lạ vào đêm Giao thừa, từ vợ chồng người bạn thân hoặc từ bà dì Sally hom hem yêu dấu, tất cả họ đều giữ vùng khung chậu của mình cách hông bạn tối thiểu 15cm.
Ngoại lệ của nguyên tắc về khoảng cách và sự thân mật xảy ra khi khoảng cách không gian được phân định dựa trên địa vị xã hội của người đó. Ví dụ, giám đốc điều hành của một công ty có thể là người bạn thân hay câu cá chung cuối tuần với một nhân viên cấp dưới. Khi họ đi chơi chung thì người này có thể bước vào vùng thân mật hoặc vùng riêng tư của người kia. Tuy nhiên, tại công ty, vị giám đốc điều hành đó vẫn giữ khoảng cách xã giao với người bạn mình để duy trì nguyên tắc bất thành văn về giai tầng xã hội.
Lý do chúng ta không thích đi thang máy
Sự đông đúc tại các rạp hát, rạp chiếu phim, trong xe lửa hoặc xe buýt dẫn đến sự xâm phạm không thể tránh khỏi vào vùng thân mật của người khác, và việc quan sát phản ứng của mọi người rất thú vị! Có một danh sách các quy luật bất thành văn mà hầu hết các nền văn hóa đều tuân thủ một cách cứng nhắc khi đối mặt với tình trạng đông người, chẳng hạn như trong thang máy chật kín, lúc xếp hàng tại cửa hàng bán sandwich hoặc trên các phương tiện công cộng.
Đây là những nguyên tắc thường gặp khi đi thang máy:
1. Đừng bắt chuyện với bất cứ ai, kể cả người bạn quen biết.
2. Luôn tránh tiếp xúc bằng mắt với người khác.
3. Giữ khuôn mặt “lạnh như tiền” – không biểu lộ cảm xúc.
4. Nếu bạn mang theo sách hoặc báo, hãy giả vờ mải mê đọc.
5. Trong đám đông, không được phép cử động cơ thể.
6. Bạn phải luôn dán mắt vào số tầng lầu đang thay đổi trên bảng hiển thị.
Kiểu cư xử này được gọi là “làm mặt lạnh” và có thể thấy ở khắp mọi nơi. Việc này đơn giản là giấu kín cảm xúc của mình bằng cách khoác một bộ mặt dửng dưng.
“Khốn khổ”, “không vui nổi” hay “tuyệt vọng” là các từ được dùng để mô tả cái nhìn vô cảm, thờ ơ trên gương mặt những người thường đi làm bằng các phương tiện giao thông công cộng vào giờ cao điểm. Thực ra chúng ta những lời nhận xét chưa thấu đáo của người quan sát. Bộ mặt dửng dưng mà người quan sát nhìn thấy chỉ là cách người ta tuân thủ các nguyên tắc về vùng khoảng cách khi có sự xâm phạm không thể tránh khỏi vào vùng thân mật ở chỗ đông người.
Không phải những người đi tàu điện ngầm không vui mà họ chỉ đang che đậy cảm xúc của mình.
Lần sau, hãy chú ý cách cư xử của bạn khi đi một mình vào rạp chiếu phim đông người. Khi bạn ngồi giữa những người xa lạ, hãy chú ý cách bạn bắt đầu tuân thủ các nguyên tắc bất thành văn về việc mang bộ mặt dửng dưng ở nơi công cộng như một người máy được lập trình sẵn. Khi bạn giành quyền đặt tay lên thành vịn với người bên cạnh thì bạn sẽ bắt đầu nhận ra được tại sao, những người đi một mình lại không ngồi xuống ghế mãi cho đến khi đèn tắt và phim bắt đầu chiếu. Tại những nơi đông đúc như trong thang máy, rạp chiếu phim hay trên xe bus, những người ở xung quanh chúng ta đều trở thành tượng gỗ, nghĩa là đối với chúng ta thì họ không hề tồn tại. Vì thế, chúng ta không phản ứng theo kiểu tự vệ nếu có ai đó vô ý xâm phạm vào lãnh thổ chúng ta.
Lý do tại sao đám đông trở nên tức giận
Một đám đông đang giận dữ hoặc một nhóm người phản chiến vì một mục đích nào đó phản ứng khác với cách một cá nhân hành xử thì lãnh thổ của anh ta bị xâm phạm. Khi đám người dần đông lên thì không gian riêng của mỗi cá nhân bị thu hẹp và họ bắt đầu phát sinh thái độ thù địch. Lúc này, đám đông trở nên tức giận, xấu tính hơn và có thể bộc phát các trận ẩu đả. Việc cảnh sát giải tán đám đông giúp mỗi người lấy lại không gian riêng và trấn tĩnh lại.
Chỉ trong thời gian gần đây, chính phủ và những người quy hoạch đô thị mới dần hiểu được các dự án nhà ở có mật độ cao sẽ tước đi lãnh thổ riêng của các cá nhân. Kết quả này được người ta ghi nhận khi nghiên cứu về đàn hươu ở đảo James, một hòn đảo cách bờ biển Maryland vịnh Chesapeake, Mỹ khoảng 2km. Hươu chết hàng loạt cho dù vào thời điểm đó thức ăn rất dồi dào, không có dấu vết tấn công của các dã thú cũng như lây nhiễm dịch bệnh. Các cuộc nghiên cứu trong những năm gần đây về loài chuột và thỏ cũng cho thấy kết quả tương tự. Điều tra sâu hơn, người ta phát hiện rằng khi mật độ hươu tăng lên, lãnh thổ riêng mỗi cá thể hươu bị thu hẹp lại. Do bị căng thẳng nên các tuyến adrenalin trong cơ thể hươu hoạt động quá mức dẫn đến việc hươu chết hàng loạt. Tuyến adrenalin đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa sự phát triển, sinh sản và khả năng phòng vệ của cơ thể. Như vậy, hươu chết là do phản ứng sinh lý của cơ thể chứ không phải vì đói, vì bị lây nhiễm bệnh hay vì gây hấn với những con hươu khác. Đây là lý do giải thích tại sao các khu vực có mật độ dân cư cao nhất cũng có tỷ lệ tội phạm và bạo lực cao nhất.
Một trong những thôi thúc thầm kín nhất của chúng ta là có vùng đất của riêng mình. Sự thôi thúc này xuất phát từ việc vùng đất đó cho chúng ta không gian tự do mà chúng ta khao khát.
Những người thẩm vấn thường dùng các chiến thuật xâm nhập lãnh thổ nhằm bẻ gãy sự ngoan cố của các tên tội phạm. Họ cho tội phạm ngồi vào ghế cố định, không có tay vịn, đặt ở khu vực lộ thiên của căn phòng, xâm nhập vào vùng thân mật và tối thân mật của tên tội phạm lúc đang tra khảo và cứ đứng đó cho đến khi nào tên tội phạm chịu khai. Thường thì chỉ mất một khoảng thời gian ngắn là đủ để tên tội phạm khuất phục!
Những thói quen về không gian
Khi một người nào đó muốn tìm một không gian hoặc một khu vực giữa những người lạ, ví dụ như chỗ ngồi tại rạp chiếu phim, ở bàn hội nghị hoặc một chỗ treo khăn ở câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe, thường anh ta hành động theo một cách có thể dự đoán được, đó là tìm khoảng trống rộng nhất giữa hai người khác rồi chọn lấy một ghế ở chính giữa. Tại rạp chiếu phim, anh ta sẽ chọn ngồi ở khoảng giữa từ ghế đầu dãy đến ghế người gần nhất. Tại câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe, anh ta chọn cái móc khăn ở chỗ trống rộng nhất, giữa hai chiếc khăn khác hoặc giữa chiếc gần nhất và đầu giá treo khăn. Mục đích của việc này nhằm tránh gây khó chịu cho người khác do ngồi quá gần hoặc quá xa họ.
Bác sĩ và thợ làm đầu được phép bước vào vùng thân mật của chúng ta. Chúng ta cũng cho phép các con vật cưng vào vùng này bất cứ lúc nào bởi vì chúng không đe dọa chúng ta.
Tại rạp chiếu phim, nếu bạn ngồi cách quá xa nửa khoảng cách tính từ ghế đầu dãy tới ghế người ngồi gần nhất, người đó có thể phật ý vì bạn ngồi cách họ quá xa, hoặc cảm thấy bị đe dọa nếu bạn ngồi quá gần. Mục đích chính của thói quen về khoảng cách này là để giữ sự hòa hợp, nó có vẻ là hành vi có được do tiếp thu chứ không phải do bản năng.
Một ngoại lệ của nguyên tắc này là khoảng cách không gian trong nhà vệ sinh công cộng. Chúng tôi phát hiện rằng có đến 90% số người sử dụng chọn những buồng vệ sinh ở cuối dãy. Chỉ khi nào những phòng này không còn trống, nguyên tắc chỗ giữa mới được áp dụng! Đàn ông luôn cố tránh đứng cạnh người lạ tại bồn tiểu công cộng cũng như luôn tuân thủ quy luật bất thành văn là “Thà chết còn hơn nhìn nhau!”.
Hãy thử bài kiểm tra sau đây tại bữa ăn trưa
Hãy thử làm bài kiểm tra đơn giản này vào lần tới lúc bạn dùng bữa cùng ai đó. Có một nguyên tắc ngầm về lãnh thổ quy định rằng bàn tại nhà hàng được sắp đều ở giữa và lọ muối, tiêu, đường, bình hoa cùng các phụ liệu khác cũng được đặt giữa bàn ăn. Khi ăn, bạn hãy khéo léo dời lọ muối qua phía người kia, sau đó là lọ tiêu, bình hoa,… Chẳng mấy chốc, sự xâm phạm lãnh thổ tinh tế này sẽ gây ra phản ứng ở người cùng bàn. Hoặc họ ngồi lùi ra sau để bảo toàn không gian của mình, hoặc bắt đầu đẩy mọi thứ trở lại vị trí cũ.
Các yếu tố văn hóa ảnh hưởng tới các vùng khoảng cách
Một cặp vợ chồng trẻ người Ý sang định cư tại Sydney, Úc và được mời tham dự câu lạc bộ giao lưu của địa phương. Vài tuần sau khi họ tham gia, có ba thành viên nữ than phiền rằng người đàn ông Ý cứ theo tán tỉnh họ khiến họ cảm thấy không thoải mái khi tiếp xúc với anh chàng này. Các thành viên nam trong câu lạc bộ cũng cảm thấy người phụ nữ Ý kia cư xử như cô ta sẵn sàng quan hệ tình dục vậy!
Tình huống này minh họa cho tình trạng bất đồng văn hóa khi những nền văn hóa có nhu cầu khác nhau về khoảng cách gặp nhau. Vùng khoảng cách thân mật của nhiều người ở Nam Âu chỉ từ 20 – 30cm và thậm chí còn ngắn hơn ở một vài nơi. Cặp vợ chồng người Ý này cảm thấy dễ chịu và thoải mái khi đứng cách người Úc một khoảng 25cm, nhưng họ hoàn toàn không hay biết là họ đã xâm phạm vào vùng thân mật 46cm của người Úc. Người Ý cũng nhìn nhau và động chạm nhau nhiều hơn người Úc, điều này làm phát sinh thêm những nghi vấn về động cơ của họ. Cặp vợ chồng người Ý kia đã vô cùng sửng sốt khi biết được điều này và họ đã tập đứng lại để giữ một khoảng cách chấp nhận được về văn hóa.
Việc bước vào vùng thân mật của người khác phái là một cách biểu hiện sự quan tâm đến người đó và thường được gọi là “động tác thăm dò” (advance). Nếu không chấp nhận cho đối phương tiến vào vùng thân mật thì người kia sẽ bước lùi ra sau để bảo toàn không gian của mình. Ngược lại, nếu chấp nhận thì người kia sẽ đứng im và cho phép người xâm phạm ở lại vùng thân mật. Để thăm dò tình cảm của một người đàn ông, người phụ nữ sẽ bước vào vùng thân mật của anh ta rồi sau đó lùi lại. Nếu người đàn ông có quan tâm, hành động trên phát tín hiệu cho anh ta bước vào không gian của cô gái bất cứ lúc nào anh ta cho là cần thiết.
Khoảng cách trò chuyện có thể chấp nhận được đối với hầu hết những người dân thành thị sống ở Tây Âu, Bắc Âu và Scandinavia.
Người đàn ông với nhu cầu về không gian ngắn hơn đang tiến đến gần, buộc người phụ nữa phải ngả ra sau để bảo vệ không gian của mình.
Những người càng gần gũi nhau càng đứng gần nhau hơn.
Những gì mà cặp vợ chồng người Ý kia xem là cử chỉ xã giao thông thường thì lại bị những người Úc hiểu lầm là sự ve vãn. Ngược lại, hai người Ý thì lại nghĩ rằng người Úc thật lãnh đạm và không thân thiện, vì họ đứng cách xa để giữ một khoảng cách thoải mái.
Hình minh họa ở trên cho thấy phản ứng tiêu cực của một phụ nữ khi bị người đàn ông xâm phạm vào lãnh thổ của mình. Cô ta ngả người ra sau, cố giữ một khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, người đàn ông kia có thể xuất thân từ nền văn hóa có vùng riêng tư hẹp và anh ta đang tiến đến vùng khoảng cách mà anh cho là thoải mái. Trong khi đó, người phụ nữ lại coi đây là một động thái hàm ý gợi tình.
Lý do tại sao người Nhật luôn luôn dẫn trước khi họ nhảy điệu van
Tại các hội nghị quốc tế, dân thành phố ở Mỹ thường đứng cách nhau trong khoảng 46cm – 1,2m và tụm vào một chỗ khi nói chuyện. Nếu bạn quan sát một người Nhật và một người Mỹ nói chuyện với nhau, bạn sẽ thấy hai người họ bắt đầu di chuyển dần dần khắp phòng. Người Mỹ bước lùi ra sau cách xa người Nhật, còn người Nhật thì dấn tới trước. Đây là nỗ lực của cả người Nhật lẫn người Mỹ nhằm điều chỉnh khoảng cách thoải mái giữa mình với người kia. Người Nhật với vùng thân mật nhỏ hơn la 25cm, liên tục bước lên phía trước để điều chỉnh nhu cầu về không gian của mình. Nhưng hành động này lại xâm phạm vào vùng thân mật của người Mỹ, buộc họ phải đứng lùi lại để điều chỉnh không gian. Băng thu hình hiện tượng này được phát lại với tốc độ nhanh tạo ảo giác như là hai người này đang nhảy điệu van khắp căn phòng và người Nhật bước trước. Đây là một trong những lý do tại sao khi đàm phán kinh doanh, người châu Á và người châu Âu hoặc người Mỹ thường nhìn nhau với vẻ ngờ vực. Người châu Âu hoặc người Mỹ cho là người châu Á “nóng vội”, “suồng sã”, còn người châu Á nhận xét người châu Âu hoặc Mỹ là “lãnh đạm”. “lừng khừng” và “thờ ơ”. Việc thiếu hiểu biết về sự khác biệt của khu vực thân mật dễ dẫn đến những quan niệm sai lầm và các giả định không chính xác khi đánh giá một nền văn hóa khác.
Khu vực thông gian giữa nông thôn và thành thị
Như đã đề cập, khoảng không gian riêng mà một người nào đó cần có liên quan đến mật độ dân cư nơi họ sinh sống. Chẳng hạn, những người lớn lên ở các vùng thôn quê thưa thớt cần không gian riêng rộng hơn so với những người trưởng thành trong các đô thị đông đúc. Quan sát một người đưa cánh tay ra bao xa để bắt tay cũng có thể đoán biết anh ta đến từ thành phố lớn hay từ quê ra. Những người sống ở thành phố thường có “vùng bong bóng” riêng là 46cm, đây cũng là khoảng cách đo được giữa cổ tay và khung chậu cơ thể khi họ bắt tay nhau.
Điều này cho phép hai bàn tay gặp nhau ở lãnh thổ trung gian giữa hai người. Những người lớn lên ở thị trấn có thể cần “bong bóng” không gian lên tới 1m hoặc lớn hơn. Đây cũng là khoảng cách trung bình được đo từ cổ tay đến cơ thể khi họ bắt tay nhau.
Hai người đàn ông ở thành thị chào hỏi nhau. bàn tay của họ chìa ra 46cm.
Hai người đàn ông ở thị trấn chìa tay ra 1m.
Những người sống ở thôn quê hay đứng tại chỗ và cúi người về phía trước để đón lấy cái bắt tay của bạn, trong khi người thành thị sẽ bước lên phía trước để chào. Những người lớn lên ở các vùng hẻo lánh có thể có nhu cầu về không gian riêng rộng tới khoảng 6m. Do vậy, họ thường không thích bắt mà chỉ đứng ở xa vẫy tay.
Những người ở vùng thưa dân cư đứng giữ khoảng cách với nhau.
Thông tin này khá hữu ích với các nhân viên bán thiết bị nông nghiệp sống ở thành phố trong việc mời chào các nhà nông sống ở thôn quê. Ví dụ, đối với những người nông dân có “vùng bong bóng” từ 1 – 2m hoặc lớn hơn thì cái bắt tay gần sẽ bị xem như hành vi xâm phạm lãnh thổ khiến họ có phản ứng tiêu cực hoặc phòng thủ. Các nhân viên bán hàng thành công ở nông thôn hầu như đều nhất trí rằng điều kiện thương lượng tốt nhất được hình thành khi họ chào hỏi khách hàng ở quê bằng cái bắt tay với cánh tay dang rộng và vẫy tay từ xa với nhà nông sống trong vùng hẻo lánh.
Lãnh thổ và quyền sở hữu
Tài sản sở hữu của một người hoặc không gian mà người đó sinh sống hình thành một lãnh thổ riêng, và cũng giống như bong bóng khí của họ, họ sẽ đấu tranh để bảo vệ nó. Nhà ở, văn phòng và xe hơi của một người tượng trưng một vùng lãnh thổ, chúng đều có đường ranh giới bao quanh được đánh dấu cụ thể dưới dạng các bức tường, cánh cổng, hàng rào hay cửa ra vào. Mỗi lãnh thổ có thể chứa vài lãnh thổ nhỏ hơn. Ví dụ, trong một ngôi nhà, lãnh thổ riêng của một người có thể là nhà bếp và họ sẽ phản đối bất kỳ ai xâm phạm khi họ ở trong lãnh thổ đó. Một doanh nhân có nơi quen thuộc tại bàn hội nghị, các thực khách có chỗ ngồi ưa thích trong quán ăn, cha, mẹ có cái ghế ưa thích tại nhà. Họ thường đánh dấu những khu vực này bằng cách hoặc để lại các vật dụng cá nhân ở nơi đó hay gần đó, hoặc thường xuyên lui tới địa điểm đó. Thực khách thậm chí còn khắc các ký tự đầu tên họ lên chỗ ưa thích tại bàn ăn, trong khi đó, doanh nhân đánh dấu lãnh thổ của mình tại bàn hội nghị bằng cách bày bìa kẹp hồ sơ cá nhân, bút, sách và quần áo trong phạm vi vùng thân mật 46cm của mình.
Các cuộc nghiên cứu do Desmond Morris tiến hành về vị trí chỗ ngồi trong thư viện cho thấy, việc đặt một cuốn sách hoặc vật dụng cá nhân trên bàn thư viện giữ được chỗ ngồi đó trung bình trong 77 phút, khoác áo vét lên thành ghế giữ được chỗ ngồi đó trong 2 giờ. Trong gia đình, một thành viên có thể đánh dấu cái ghế ưa thích của mình bằng cách đặt túi xách hoặc cuốn tạp chí lên trên gần cái ghế này để khẳng định quyền sở hữu không gian ấy.
Nếu chủ nhà mời khách ngồi mà người này vô tình ngồi sai chỗ thì vị thế gia chủ có thể nổi giận và lui vào thế phòng thủ. Một câu hỏi đơn giản như “Ghế nào của anh vậy?” có thể tránh được những kết quả tiêu cực do xâm phạm lãnh thổ như trên.
Lãnh thổ trên xe hơi
Những người lái xe hơi có thể phản ứng hoàn toàn khác với cách cư xử xã giao thông thường về lãnh thổ của họ.
Chiếc xe hơi dường như có tác dụng phóng đại vùng riêng tư của một người. Trong một vài trường hợp, lãnh thổ này được phóng lớn gấp 10 lần kích thước bình thường, vì thế người tài xế cảm thấy mình có duyên trong phạm vi khu vực từ 8 – 10cm ở phía trước và phía sau xe. Khi bị người khác cắt ngang xe anh ta, cho dù điều đó không gây nguy hiểm nhưng có thể, anh ta sẽ trải qua một quá trình chuyển biến tâm lý, trở nên giận dữ và thậm chí tấn công người lái xe kia. Tình trạng này ngày nay được gọi là “Road rage” (cơn thịnh nộ trên đường phố). Hãy so sánh tình huống này với khi cũng chính người tài xế đó ở trong thang máy và bị một người khác đứng trước mặt, nghĩa là bị xâm phạm lãnh thổ riêng. Phản ứng của anh ta trong những tình huống ấy thường là thông cảm và cho phép người kia đi trước, điều này khác hẳn khi cũng chính người đó cắt ngang phía đầu xe của anh ta trên đường phố rộng thênh thang.
Ngồi trong xe hơi, nhiều người nghĩ rằng không ai nhìn thấy họ. Đó là lý do tại sao họ điều chỉnh vùng riêng tư trước mắt mọi người.
Đối với một số người, xe hơi trở thành cái tổ kén bảo vệ và giúp họ lẩn tránh sự soi mói của thế gian. Khi họ lái xe chầm chậm bên lề đường, hầu như là lái vào trong rãnh nước, thì họ đáng ngại chẳng kém gì người lái xe có vùng riêng tư bị phóng đại trên đường phố. Người Ý với nhu cầu về không gian nhỏ hơn thường bị buộc tội là những kẻ hay bám đuổi và nóng vội trên đường, bởi họ lái xe gần hơn khoảng cách được chấp nhận ở các nền văn hóa khác.
Hãy làm bài kiểm tra sau đây
Hãy nhìn hình minh họa dưới đây và chỉ dựa vào khoảng cách không gian của họ để đoán xem giữa họ đang xảy ra chuyện gì. Một vài gợi ý đơn giản sau đây cùng việc quan sát kỹ hai người này có thể tiết lộ câu trả lời, giúp bạn tránh đưa ra những giả định không chính xác.
Họ là ai và từ đâu đến?
Chúng ta có thể đưa ra bất kỳ suy đoán nào trong những giả định sau đây về hai người này:
1. Cả hai đều là người thành thị và người đàn ông đang tiếp xúc thân mật với người phụ nữ.
2. Người đàn ông có vùng thân mật nhỏ hơn người phụ nữ và vô tình xâm phạm vùng thân mật của cô ta.
3. Người phụ nữ đến từ nền văn hóa có nhu cầu về vùng thân mật nhỏ hơn.
4. Cả hai người có quan hệ gần gũi với nhau về mặt tình cảm.
Tóm tắt
Việc người khác chào đón hay từ chối bạn tùy thuộc vào sự tôn trọng của bạn đối với không gian riêng tư của họ. Đây là lý do tại sao một người vô tâm nào đó cứ vỗ vào lưng bất cứ ai anh ta gặp hoặc liên tục chạm vào người khác trong suốt cuộc trò chuyện sẽ dễ bị mọi người ghét ngầm. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến khoảng cách không gian của một người đối với những người khác. Vì thế, điều quan trọng là phải xem xét nhiều tiêu chí trước khi đưa ra lời nhận xét tại sao một người cứ giữ một khoảng cách nhất định nào đó.