Giải mã các điệu bộ của tay và mặt
Bill Clinton trước ban hội thẩm – theo bạn thì ông ta đang nghĩ gì?
Nếu chỉ nói toàn sự thật hay nói toạc ra những suy nghĩ trong đầu với hết thảy những người bạn gặp gỡ thì sẽ dẫn đến hậu quả gì đây? Ví dụ:
Bạn nói với sếp: “Xin chào sếp – Ông là kẻ bất tài.”
Nhân viên nam nói với một khách hàng nữ: “Cám ơn cô đã mua hàng, cô Susan. Cô có một bộ ngực mới săn chắc và tuyệt vời làm sao”.
Người phụ nữ nói với anh hàng xóm: “Cám ơn anh đã mua giúp tôi mấy món đồ tạp hóa. Anh có một cái mông rắn chắc thật hấp dẫn, nhưng kẻ chết tiệt nào đã cắt mái tóc của anh vậy?”.
Bạn nói với mẹ vợ: “Rất vui được gặp lại mẹ - bà già hay chõ mũi vào chuyện của người khác.”
Khi được một người phụ nữ hỏi: “Cái áo đầm này làm tôi trông mập lắm phải không?” thì bạn trả lời ra sao? Nếu là đàn ông và biết điều gì tốt cho mình thì chắc hẳn, bạn sẽ nói cô ấy trông rất đẹp. Nhưng thực ra bạn lại nghĩ: “Cái áo đầm này không làm cô trông béo hơn mà chính bánh ngọt và kem mới làm cho cô béo ra đấy.”
Nếu chỉ toàn nói sự thật với mọi người thì kết cục là không những bạn sẽ cô đơn, mà thậm chí bạn có thể nhập viện hoặc ở tù. Nói dối là thứ dầu bôi trơn mối tương tác của chúng ta với người khác, cho phép chúng ta duy trì quan hệ xã giao thân thiện. Nó được gọi là lời nói dối vô hại, bởi nó làm cho người khác cảm thấy thoải mái thay vì nói với họ sự thật lạnh lùng, tàn nhẫn. Các cuộc nghiên cứu cho thấy những người nói dối xã giao được mọi người yêu thích hơn những người luôn nói thật, cho dù chúng ta biết là họ đang nói dối chúng ta. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lời nói dối đầy ác ý khi ai đó cố tình lừa chúng ta vì lợi ích cá nhân của họ.
Nghiên cứu về lời nói dối
Những dấu hiệu khó phát hiện nhất khi nói dối là những dấu hiệu được người nói kiểm soát nhiều nhất, chẳng hạn như lời nói, bởi vì người ta có thể tập đi tập lại chúng nhiều lần. Ngược lại, các manh mối đáng tin cậy nhất chứng tỏ người khác đang nói dối chính là những điệu bộ mà họ thực hiện một cách vô thức, ít kiểm soát hoặc không thể kiểm soát được do chúng là những điều quan trọng nhất đối với họ xét về phương diện cảm xúc.
Robert Feldman thuộc trường Đại học Massachusetts ở Amherst đã nghiên cứu 121 cặp khi họ trò chuyện với người thứ ba. Một phần ba được yêu cầu làm ra vẻ có năng lực. Và những người còn lại được yêu cầu hãy là chính mình. Sau đó Robert Feldman cho tất cả những người tham gia xem lại băng ghi hình về chính họ và yêu cầu họ xác định những lời nói dối của họ trong suốt cuộc trò chuyện, bất kể điều đó lớn hay nhỏ. Có một số lời nói dối vô hại, chẳng hạn như họ nói thích ai đó nhưng thực tế là không. Trong khi ấy, cũng có những lời nói dối khác nghiêm trọng hơn, như có những người tự phong mình là ngôi sao nhạc rock! Nhìn chung, Feldman đã phát hiện ra rằng có 62% những người tham gia nghiên cứu cứ trung bình 10 phút lại nói dối khoảng 2 3 lần. Tác giả của cuốn sách The Day America Told the Truth (Ngày nước Mỹ nói sự thật), James Patterson, cũng đã phỏng vấn hơn 2.000 người Mỹ và phát hiện 91% số người này thường xuyên nói dối cả ở nhà lẫn cơ quan.
“Nói thật luôn là cách xử sự tốt nhất, dĩ nhiên trừ phi bạn là người nói dối rất tài tình” J.K.JEROME
Vậy làm thế nào để biết được ai đang nói dối, nói quanh co hoặc đơn giản là đang suy nghĩ kỹ càng? Bạn có thể học một số kỹ năng quan sát cơ bản để nhận biết các điệu bộ dối trá, câu giờ, chán nản hay đánh giá của người khác. Trong chương này, bạn sẽ tìm hiểu những dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể mà người ta vô tình để lộ. Phần đầu của chương trình sẽ đề cập đến hành vi nói dối và sự lừa dối.
Ba con khỉ khôn ngoan
Ba con khỉ ở trên ảnh tượng trưng cho những người không nghe, không nhìn và không nói điều ác. Các cử chỉ đơn giản bằng tay và mặt của chúng là nền tảng cho những điệu bộ dối trá của con người. Nói cách khác, khi chúng ta nhìn, nghe hay nói những lời dối trá, có thể chúng ta sẽ lấy tay che miệng, bịt mắt hoặc tai.
Không nghe lời tồi tệ, không nhìn thứ xấu xa, không nói lời độc ác
Những người nghe tin xấu hoặc chứng kiến một tai nạn khủng khiếp thường dùng tay che mặt, tượng trưng cho việc tự ngăn mình hoặc nghe tin tức hay tai nản khủng khiếp đó. Đây là điệu bộ được mọi người thực hiện nhiều nhất trên thế giới khi nghe thấy tin máy bay đam vào Tòa tháp đôi vào ngày 11/09/2001.
Như chúng ta thường thấy, khi nói dối, trẻ con hay dùng các động tác tay và mặt một cách lộ liễu. Khi không muốn cha mẹ khiển trách, nó dùng tay bịt tai lại; còn nếu nhìn phải điều gì đó không muốn nhìn, nó dùng cả bàn tay hoặc cánh tay bịt mắt lại. Khi đứa trẻ lớn hơn, các điệu bộ của tay và mặt xảy ra tinh tế hơn. Nhưng mỗi lúc nó nói dối, cố che giấu sự thật hoặc nhìn thấy điều dối trá thì những điệu bộ này vẫn xuất hiện.
Những điệu bộ của tay và mặt này cũng thường gắn với sự nghi ngờ, không chắc chắn hoặc cường điệu. Trong một tình huống đóng vai, Desmond Morris đã tiến hành một cuộc nghiên cứu mà theo đó, các y tá được yêu cầu nói dối bệnh nhân về tình trạng sức khỏe của họ. Kết quả cho thấy, những y tá nói dối sử dụng điệu bộ của tay và mặt nhiều hơn những y tá nói thật. Cả đàn ông và phụ nữ đều tăng số lần nuốt nước bọt khi họ nói dối, nhưng cử chỉ thường chỉ nhận thấy ở đàn ông vì trái cổ của họ to hơn.
“Tôi không có quan hệ tình dục với người phụ nữ đó”, chính trị gia vừa nói vừa nuốt nước bọt và xoa mũi.
Như đã đề cập ở phần đầu cuốn sách, chúng ta sẽ phân tích và thảo luận các điệu bộ đơn lẻ, nhưng cần chú ý đây không phải là cách mà chúng xuất hiện. Các điệu bộ thường là một phần của cụm điệu bộ nên chúng ta cần nghiên cứu chúng như nghiên cứu các từ ngữ trong 1 câu, nghĩa là liên hệ chúng với từ khác và ngữ cảnh chung, nơi chúng được sử dụng. khi ai đó dùng điệu bộ của tay và mặt thì không có nghĩa là lúc nào họ cũng đang nói dối. Tuy nhiên, điều ấy cho thấy có khả năng họ đang giấu thông tin. Hãy quan sát thêm những cụm điệu bộ khác để có thể khẳng định hay bác bỏ phán đoán của bạn. Quan trọng là bạn nên tránh giải thích điệu bộ của tay và mặt một cách độc lập.
Mặc dù không có một động tác đơn lẻ, một biểu hiện hay một cử động nào của gương mặt đáng tin cậy đến độ khẳng định được ai đó đang nói dối nhưng bạn có thể học một số cụm điệu bộ để làm tăng cơ hội và nhận ra lời nói dối.
Cách gương mặt tiết lộ sự thật
Để che giấu lời nói dối, chúng ta sử dụng những biểu hiện trên gương mặt nhiều hơn những bộ phần khác trên cơ thể. Chúng ta thường cười, gật đầu và nháy mắt khi muốn lấp liếm điều gì đó nhưng không may là các dấu hiệu trên cơ thể của chúng ta lại tiết lộ sự thật. Bởi những điệu bộ cơ thể và các dấu hiệu cảm xúc thể hiện trên gương mặt thiếu sự hòa hợp với nhau mà chúng ta không hề hay biết.
Những điểm không hòa hợp xuất hiện thoáng qua trên gương mặt tiết lộ sự mâu thuẫn trong cảm xúc.
Nếu chúng ta cố che giấu một lời nói dối hoặc một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, hành động đó có thể được biểu hiện trên gương mặt của chúng ta trong giây lát. Chúng ta thường biểu hiện việc ai đó sờ mũi thật nhanh là vì ngứa, chống tay lên mặt nghĩa là họ rất quan tâm đến chúng ta mà chẳng hề nghi ngờ rằng chúng ta đang làm họ chán ngấy. Chẳng hạn, chúng tôi đã quay phim cảnh một người đàn ông đang nói về việc ông ta và mẹ vợ hợp ý nhau như thế nào. Nhưng mỗi lần nhắc đến tên của bà mẹ vợ thì mép trái của ông ta lại nhếch lên trong tích tắc. Điều đó đã hé lộ cho chúng tôi biết cảm xúc thật của ông ta.
Phụ nữ nói dối giỏi nhất và đó là sự thật
Trong cuốn sách Why Men Lie & Women Cry (Tại sao đàn ông nói dối và phụ nữ khóc) (Nhà xuất bản Orion), chúng tôi có nói rằng nhờ giỏi đọc cảm xúc hơn nam giới nên phụ nữ dễ dàng thuyết phục người khác bằng một lời nói dối nghe lọt lỗ tai. Đặc điểm này có thể được nhìn thấy ở những bé gái cùng khóc theo các bé khác lúc ban đầu, sau đó chúng làm cho các bé khác khóc chỉ bằng cách òa khóc bất cứ lúc nào. Tiến sĩ Sanjida O’Connell, tác giả của cuốn sách Mindreading (Đọc được ý nghĩ), đã tiến hành một cuộc nghiên cứu kéo dài trong 5 tháng về cách chúng ta nói dối. Cuối cùng, bà cũng đưa ra kết luận tương tự, phụ nữ nói dối giỏi hơn và tinh vi hơn đàn ông rất nhiều. Nam giới hay nói dối bằng vài câu đơn giản như “Anh lỡ xe bus” hoặc “Điện thoại của anh hết pin, đó là lý do tại sao anh không gọi điện cho em”. Ngoài ra, bà còn phát hiện những người hấp dẫn dễ chiếm được lòng tin hơn những người không hấp dẫn. Đó là lý do giải thích việc các nhà lãnh đạo như John F Kennedy và Bill Clinton có thể thoát tội sau tất cả những chuyện tày đình mà họ đã gây ra.
Lý do tại sao nói dối rất khó
Như chúng tôi đã nói ở Chương 3, đa số mọi người đều tin rằng khi ai đó nói dối thì họ mỉm cười nhiều hơn thường lệ. Nhưng nghiên cứu lại cho kết quả ngược lại, nghĩa là người ta mỉm cười ít đi. Trở ngại khi nói dối là suy nghĩ tiềm thức luôn hoạt động độc lập với lời nói dối, vì thế ngôn ngữ cơ thể đã vô tình vạch trần chúng ta. Đây là lý do tại sao những người hiếm khi nói dối dễ dàng bị phát hiện, bất kể câu chuyện của họ nghe có vẻ thuyết phục đến mức nào. Ngay giây phút họ bắt đầu nói dối, ngôn ngữ cơ thẻ của họ sẽ phát ra các dấu hiệu mâu thuẫn, mang đến cho chúng ta cảm giác rằng họ không nói thật. Trong khi nói dối, suy nghĩ tiềm thức phát ra một thứ “Tác nhân hồi hộp”, nó được thể hiện dưới dạng những điệu bộ mâu thuẫn với lời nói. Những người nói dối chuyên nghiệp như các chính trị gia, luật sư, diễn viên và phát thanh viên truyền hình đã trau chuốt những điệu bộ cơ thể của họ đến mức khó mà “nhận biết” được đó là lời nói dối và người ta bị hớp hồn vào đó.
Những người này nói dối theo một trong hai cách sau. Cách thứ nhất, họ tập luyện các điệu bộ “tạo cảm giác” như thật khi họ nói dối, nhưng cách này chỉ có tác dụng nếu họ tập nói dối thường xuyên trong một thời gian dài. Cách thứ hai, họ hạn chế sử dụng các điệu bộ để không phải thể hiện bất cứ điệu bộ tích cực hay tiêu cực nào khi nói dối. Nhưng cách này cũng không đơn giản!
Thông qua luyện tập, những người nói dối có thể trở nên có sức thuyết phục, hệt như các diễn viên.
Hãy làm thử bài kiểm tra nhanh này: cố ý nói dối với người đối diện cũng như cố tỉnh táo để kìm nén tất cả các điệu bộ cơ thể của bạn. Dù bạn cố gắng che giấu chúng thì nhiều điệu bộ vô cùng tinh vi vẫn được bộc lộ. Những điệu bộ này bao gồm các cơ mặt co giật, sự giãn nở và thu hẹp con ngươi, đổ mồ hôi, má đỏ, tốc độ nháy mắt tăng từ 10 lên 50 lần trong một phút cùng nhiều dấu hiệu tinh vi khác cho thấy sự dối trá. Nghiên cứu từ băng hình ghi chậm cho thấy, các điệu bộ này chỉ xảy ra trong chớp mắt và chỉ những người phỏng vấn chuyên nghiệp, nhân viên bán hàng hay người rất mẫn cảm mới có thể nhận biết chúng.
Rõ ràng để nói dối thành công, bạn cần phải “giấu” đi cơ thể của mình. Đó là lí do tại sao trong các buổi thẩm vấn, người ngồi xét hỏi phài ngồi vào một cái ghế không bị che khuất hoặc ngồi ánh đèn, sao cho người phỏng vấn có thể nhìn thấy toàn bộ cơ thể của người bị thẩm vấn, lúc này những lời nói dối của họ sẽ dễ bị phát hiện hơn. Việc nói dối cũng suôn sẻ hơn nếu bạn ngồi tại bàn, ngó qua hàng rào hoặc nhìn từ phía sau cánh cửa khép kín vì lúc đó cơ thể bạn được che khuất một phần. Tuy nhiên, cách tốt nhất để nói dối là nói qua điện thoại hoặc viết email!
Tám điệu bộ nói dối thường gặp nhất
1. Che miệng
Ở điệu bộ này, não điều khiển bàn tay che miệng lại một cách vô thức nhằm ngăn chặn những lời nói dối đang được thốt ra. Đôi khi người ta che miệng chỉ bằng vài ngón tay thay vì cả một bàn tay khép chặt nhưng ý nghĩa của chúng đều giống nhau.
Một số người cố ngụy trang điệu bộ che miệng bằng cách giả vờ ho. Những diễn viên thủ vai kẻ cướp hoặc tội phạm thường dùng điệu bộ này trong các cảnh bàn tính kế hoạch hành động cùng đồng bọn hoặc khi bị cảnh sát tra khảo. cố ý để khán giả thấy rằng họ đang giấu giếm điều gì đó hoặc không thành thật.
Nếu một người che miệng khi đang nói, rất có thể họ đang nói dối. Còn nếu họ dùng điệu bộ này trong lúc bạn đang nói thì có khả năng, họ cảm thấy bạn đang che giấu điều gì đó. Một trong những tình huống gây bối rối tại hội nghị mà người diễn thuyết có thể gặp phải là lúc nhìn thấy các thính giả che miệng khi ông ta đang phát biểu. Lúc này, người thuyết trình nên ngừng lại dể hỏi: “Có quý vị nào thắc mắc gì không?” hoặc “Tôi thấy một số người không đồng ý. Xin hãy nêu câu hỏi?” Cách cho phép khán giả đưa ra ý kiển phản hồi sẽ tạo cơ hội cho người thuyết trình nói rõ quan điểm và giải đáp thắc mắc. Trường hợp thính giả ngồi khoanh tay thì diễn giả cũng nên hỏi tương tự.
Ngoài ra các điệu bộ che miệng cũng có thể xuất hiện dưới hình thức tưởng như vô nghĩa là điệu bộ “suỵt”, khi ấy một ngón tay được đặt thẳng đứng che ngang môi. Đây là điệu bọ rất có thể đã được cha, mẹ một đứa trẻ sử dụng khi nó còn nhỏ. Lớn lên, đứa trẻ ấy sử dụng điệu bộ này nhắm tự nhủ bản thân đừng tiết lộ những cảm nhận của mình. Vấn đề là điệu bộ “suỵt” đã báo cho bạn biết rằng có điều đó đang được giữ lại.
Nếu cha mẹ hoặc người giám hộ dùng điệu bộ này khi bạn còn nhỏ thì có nhiều khả năng là bạn sẽ sử dụng nó lúc trưởng thành.
2. Sờ mũi
Điệu bộ sờ mũi đôi khi chỉ là động tác xoa nhanh bên dưới mũi vài lần hoặc chỉ một lần và nhanh đến mức gần như không nhìn thể nhìn thấy. Phụ nữ thường vuốt mũi nhanh hơn đàn ông, có thể là để tránh làm trôi mất lớp phấn trang điểm.
Điều quan trọng cần nhớ là động tác sờ mũi phải được hiểu theo cụm và ngữ cảnh, bởi những người bị dị ứng với phấn hoa hay bị cảm lạnh cũng làm điệu bộ này.
Những nhà khoa học thuộc Cơ sở Nghiên cứu, Điều trị Thính giác và Vị giác ở Chicago phát hiện ra rằng khi bạn nói dối, một chất hóa học có tên là catecholamin sẽ được tiết ra, làm cho các mô bên trong mũi sưng lên. Các nhà khoa học trên đã sử dụng các máy ghi hình đặc biệt để quay lại đường máu lưu thông trong cơ thể. Kết quả cho thấy, việc cố ý nói dối còn làm tăng huyết áp. Như vậy, nghiên cứu này đã chứng minh được mũi của con người nở phồng lên khi nói dối là do máu lưu thông, đây được gọi là “Hiệu ứng Pinocchio”. Huyết áp tăng làm mũi bị căng phồng lên khiến cho các đầu dây thần kinh trong mũi ngứa ran và dẫn đến hành động xoa mũi thật mạnh để đỡ “ngứa”.
Tuy chỗ sưng lên không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có vẻ đây là nguyên nhân gây ra điệu bộ sờ mũi. Triệu chứng này cũng xảy ra khi ai đó đau khổ, lo lắng hoặc tức giận.
Chuyên gia thần kinh học người Mỹ Alan Hirsch và chuyên gia tâm thần học Charles Wolf đã phân tích lời khai của Bill Clinton trước ban hội thẩm về chuyện ông lăng nhăng với Monica Lewinsky. Kết quả cho thấy khi nói thật, Bill Clinton hiếm khi sờ mũi, còn khi nói dối thì ông nhíu mày trong giây lát trước lúc trả lời câu hỏi và cứ cách 4 phút lại sờ mũi 1 lần, cả thảy là 26 lần.
“Tôi không có quan hệ tình dục với người phụ nữ đó!”
Những cuộc nghiên cứu được thực hiện bằng các máy quay chiếu vào cơ thể cũng cho thấy, dương vật của một người đàn ông sẽ cương cứng lên vì máu lưu thông khi anh ta nói dối. Lẽ ra ban hội thẩm nên tụt quần ông Bill xuống thì hơn.
Công tố viên của ban hội thẩm hỏi: “Thưa ngài Clinton, tại sao con gà lại băng qua đường?”
Bill Clinton trả lời: “Ý ông nói “gà” là sao? Ông làm ơn định nghĩa từ “gà” ở đây? Và tôi đã không băng qua đường với con gà đó.”
3. Ngứa mũi
Một người bị ngứa mũi thường cố ý xoa hoặc gãi mũi cho đỡ ngứa. Hành động này không giống với hành động vuốt nhẹ của điệu bộ sờ mũi. Cũng tương tự như điệu bộ che miệng, điệu bộ sờ mũi được cả người nói sử dụng để che đậy những lời dối trá, lẫn người nghe thực hiện khi họ nghi ngờ lời người nói. Trong khi đó, ngứa mũi thường là điệu bộ độc lập, được lặp đi lặp lại và không liên quan gì đến toàn bộ cuộc trò chuyện.
4. Giụi mắt
Như hình minh họa ở phần trước, một trong ba con khỉ khôn ngoan bịt mắt khi nói: “Không nhìn điều gì xấu xa”. Khi trẻ em không muốn thấy điều gì đó, chúng sẽ dùng một hoặc cả hai tay để che mắt lại. Còn người lớn khi tránh nhìn một điều không vừa ý, rất có thể họ sẽ giụi mắt. Não điều khiển tay giụi mắt nhằm cố ngăn việc nhìn thấy điều dối trá, đáng nghi, không hài lòng hoặc để tránh nhìn vào mặt của người đang bị lừa dối. Đàn ông thường dụi mắt rất mạnh và quay mặt đi nếu đó là lời nói dối trắng trợn. Phụ nữ ít dùng điệu bộ này hơn. Thay vào đó, họ sẽ chạm nhẹ vào ngay bên dưới mắt bởi 2 lý do: hoặc là bản năng của phái nữ khiến họ tránh thể hiện những điệu bộ thô kệch, hoặc là họ không muốn làm phai đi lớp trang điểm. Nữ giới cũng tránh cái nhìn chằm chằm của người nghe bằng cách quay mặt đi.
“Lying through your teeth” (Nói dối một cách trơ trẽn) là cụm từ thường được dùng để ám chỉ cụm điệu bộ nghiến răng và mỉm cười giả tạo, kết hợp với giụi mắt. Đây là điệu bộ hay được các diễn viên điện ảnh sử dụng để diễn tả sự không thành thật và xuất hiện khá phổ biến ở những nền văn hóa “lịch sự” như văn hóa Anh. Người Anh không thích nói cho bạn biết chính xác điều họ đang nghĩ.
5. Nắm lấy tai
Hãy hình dung tình huống khi bạn nói với ai đó: “Cái này giá chỉ có 300 bảng thôi” mà người ấy giật tai của họ rồi quay sang một bên và lẩm bẩm: “Nghe có vẻ bộn tiền đấy!” Điệu bộ này là một nỗ lực nhằm “không nghe điều không hay” bằng cách đặt tay ở đâu đó xung quanh tai, bên trên tai hay giật mạnh dái tai. Đây là phiên bản của điệu bộ đặt tay lên che cả hai tai mà trẻ con sử dụng khi không muốn nghe những lời khiển trách của cha mẹ. Các biến thể khác của điệu bộ này gồm có: xoa phía sau tai, ngoáy tai, kéo dái tai hoặc bẻ cong vành tai về phía trước để che lỗ tai.
Ngoài ra, điệu bộ nắm lấy tai cũng có thể hàm ý người nào đó đã nghe đủ hoặc đang muốn nói. Và giống như điệu bộ sờ mũi, điệu bộ này cũng hay được những người đang lo lắng sử dụng. Thái tử Charles thường nắm lấy tai lẫn sờ mũi mỗi khi ông bước vào căn phòng chật ních người hoặc đi ngang đám đông. Điệu bộ này cho biết ông đang lo lắng, bởi chúng ta chưa bao giờ thấy ông dùng chúng khi đã yên vị trong xe hơi.
Tuy nhiên ở Ý, điệu bộ nắm lấy tai dùng để chỉ một người không nam tính hoặc đồng tính nam.
6. Gãi cổ
Trong điệu bộ gãi cổ, ngón trỏ - thông thường ở bàn tay thuận – gãi một bên cổ ở dưới dái tai. Theo quan sát của chúng tôi, trung bình một người gãi cổ 5 lần, ít khi dưới 5 lần và hầu như không bao giờ hơn 5 lần. Đây là dấu hiệu chỉ sự nghi ngờ, không chắc chắn và là điệu bộ đặc trưng của những người hay nói “Tôi không chắc là tôi đồng ý.” Rất dễ nhận thấy điệu bộ gãi cổ khi lời nói mâu thuẫn với điệu bộ. Ví dụ, nếu ai đó gãi cổ khi nói các câu đại loại như: “Tôi có thể hiểu cảm giác của anh” thì thực chất anh ta không hiểu gì cả!
7. Kéo cổ áo
Desmond Morris là một trong những người đầu tiên phát hiện ra rằng lời nói dối gây cảm giác ngứa ran tại một số mô nhạy cảm trên mặt và cổ. Do đó, người ta thường phải cọ hoặc gãi để bớt ngứa. Điều này giải thích tại sao những người cảm thấy không chắc chắn thường gãi cổ hay những người đang nói dối, sợ bị bắt bẻ lại kéo cổ áo. Khi một người nói dối nào đó cảm thấy bạn đang nghi ngờ anh ta thì huyết áp của anh ta tăng lên, gây đổ mồ hôi ở cổ.
Điệu bộ kéo cổ áo cũng xảy ra khi ai đó cảm thấy tức giận hoặc không hài lòng và cần kéo thấp cổ áo xuống cho thoáng cổ. Khi thấy người nào sử dụng điệu bộ này thì bạn hãy hỏi: “Xin anh vui lòng lặp lại điều đó” hoặc “Xin anh vui lòng làm rõ điểm đó” để cho người sắp lừa dối phải từ bỏ ý định.
8. Đút ngón tay vào miệng
Đây là hành động vô thức ở những người muốn tìm lại cảm giác an toàn như đứa trẻ đang bú vú mẹ khi họ cảm thấy căng thẳng. Trẻ con ngậm ngón cái hay mép chăn thay cho vú mẹ, còn người lớn thì đút tay vào miệng, ngậm điếu thuốc, tẩu thuốc, cây viết, mắt kính hoặc nhai kẹo cao su.
Người trong hình cần cảm giác an toàn
Hầu hết các động tác của tay và miệng đều có liên quan đến hành vi nói dối hay lừa dối, nhưng điệu bộ đút ngón tay vào miệng là biểu hiện bên ngoài của nhu cầu trấn tĩnh bên trong. Vì vậy, động thái tích cực với một người đang làm điệu bộ này là đem lại sự tin cậy và cảm giác an toàn.
Điệu bộ đánh giá sự chần chừ
Người diễn thuyết giỏi được xem là người có thể dựa vào “Trực giác” để biết khi nào thính giả đang chú ý và khi nào thính giả đã nghe đủ. Một nhân viên bán hàng giỏi phải nhận biết được mối quan tâm của khách hàng, đồng thời biết cách đánh trúng “điểm yếu” của họ. Bất kỳ người dẫn chương trình nào cũng đều cảm thấy trống trải khi thuyết trình trước những thính giả kiệm lời hoặc chỉ ngồi im quan sát. May thay, một số điệu bộ bằng tay và cằm có thể được sử dụng làm nhiệt kế để kiểm tra độ nhiệt tình hay thờ ơ của người khác, cũng như cho người diễn thuyết biết họ đang làm tốt công việc đến mức nào.
Sự buồn chán
Khi người nghe chống tay lên cằm thì đó là dấu hiệu cho biết họ bắt đầu cảm thấy chán. Trong điệu bộ này, bàn tay nâng đầu lên ngăn họ không ngủ gật, đồng thời cách cánh tay và bàn tay chống cằm tiết lộ mức độ buồn chán của họ. Hành động này thường bắt đầu bằng việc nâng cằm bằng ngón cái, đến khi mất dần sự thích thú thì dùng nắm tay để đỡ cằm. Trong trường hợp người nghe dùng cả bàn tay đỡ láy đầu (Hình minh họa) điều đó có nghĩa, họ đã mất hết hứng thú. Dấu hiệu buồn chán tột bậc xuất hiện lúc họ lấy cả hai tay đỡ toàn bộ đầu, đồng thời ta có thể nghe rõ tiếng ngáy!
Tay chống đỡ đầu để ngăn không ngủ thiếp đi
Việc các thính giả gõ ngón tay lên bàn và nhịp chân liên tục trên sàn thường làm cho những diễn giả chuyên nghiệp hiểu nhầm là dấu hiệu của sự buồn chán. Nhưng thật ra, nó thể hiện thái độ thiếu kiên nhẫn. Nếu dấu hiệu này xuất hiện trong lúc bạn nói chuyện với một nhóm người thì bạn cần phải áp dụng một động thái chiến lược là buộc người gõ ngón tay hoặc nhịp chân tham gia vào cuộc trò chuyện để họ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người khác. Bất kỳ thính giả nào thực hiện các dấu hiệu vừa nêu cũng có ý báo cho diễn giả biết là đến lúc ông ta nên kết thúc bài nói chuyện.
“Ông nói mớ phải không?” Người nghe hỏi.
“Không phải”, người nói đáp lại.
“Vậy xin vui lòng đừng nói trong khi tôi ngủ.”
Tốc độ gõ ngón tay hoặc nhịp chân có liên quan tới mức độ sốt ruột của người nghe. Nhịp gõ càng nhanh nghĩa là họ càng thiếu kiên nhẫn.
Các điệu bộ đánh giá
Điệu bộ đánh giá được thể hiện bằng bàn tay nắm lại tựa vào cằm hoặc má và thường thì ngón trỏ chĩa lên. Tư thế này sẽ chuyển thành tư thế lòng bàn tay đỡ lấy cằm khi người thực hiện bắt đầu mất hứng thú nhưng vẫn muốn tỏ ra quan tâm vì phép lịch sự.
Điệu bộ đánh giá tỏ vẻ quan tâm – giữ vững đầu và bàn tay tựa vào má.
Những người quản lý cấp trung thường dùng điệu bộ đánh giá để giả vờ quan tâm đến chủ tịch công ty mỗi khi ông này trình bày các bài phát biểu buồn chán, tẻ nhạt. Tuy nhiên, không may là hành động bàn tay bắt đầu đỡ lấy đầu (theo bất cứ hình thức nào) đã tiết lộ sự thật và rất có thể sẽ khiến vị chủ tịch nhận thấy một số nhân viên của mình không thành thật hoặc đang dùng chiêu tâng
bốc giả tạo.
Có những suy nghĩ tiêu cực.
Bàn tay tựa nhẹ vào má nhưng không đỡ lấy đầu biểu lộ sự quan tâm đích thực. Còn khi ngón trỏ chỉ thẳng lên má và ngón cái đỡ cằm, có nghĩa người nghe đang có suy nghĩ tiêu cực hoặc chỉ trích về người nói hay đề tài của họ. Trong vài trường hợp, ngón trỏ có thể dụi mắt hoặc đẩy mắt lên cho thấy người nghe vẫn còn nghĩ những ý nghĩ tiêu cực.
Người ta thường hiểu nhầm điệu bộ đánh giá là điệu bộ thích thú, nhưng thực ra, ngón cái chống cằm lại bộc lộ thái độ chỉ trích của người nghe. Việc giữ một cụm điệu bộ có liên quan đến thái độ người thực hiện nên người nào duy trì cụm điệu bộ đánh giá càng lâu thì thái độ chỉ trích của họ sẽ càng kéo dài. Có thể xem cụm điệu bộ này là dấu hiệu cho thấy người nói cần có hành động tức thì, hoặc lôi kéo người nghe vào câu chuyện hoặc kết thúc cuộc nói chuyện. Ngoài ra, một biện pháp đơn giản làm thay đổi thái độ người nghe là đưa vật gì đó cho họ để người đó đổi tư thế.
Ông ta đã nghe đủ hoặc không thấy bị thuyết phục
Bức tượng nhà tư tưởng Rodin thể hiện thái độ suy xét, trầm tư, đồng thời, tư thế của cơ thể và điệu bộ bàn tay chống cằm cũng tiết lộ sự chán nản.
Người dự phỏng vấn đang nói dối
Chúng tôi đã phỏng vấn một người đàn ông nước ngoài đến xin dự tuyển vào công ty chúng tôi. Suốt cuộc phỏng vấn, anh ta cứ bắt chéo chân và khoanh tay (dùng cụm điệu bộ đánh giá phê phán), lòng bàn tay khép lại đồng thời thường xuyên quay mặt đi. Rõ ràng là anh ta lo lắng điều gì đó, nhưng trong phần đầu cuộc phỏng vấn, chúng tôi không có đủ thông tin để đánh giá chính xác những điệu bộ tiêu cực của anh ta. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về người chủ trước, thời gian anh ta làm việc ở quê nhà, anh ta trả lời kèm theo một loạt điệu bộ giụi mắt, sờ mũi và tránh nhìn thẳng. Cuối cùng, chúng tôi quyết định không tuyển dụng người này vì những điều chúng tôi nhìn thấy đều mâu thuẫn với điều anh ta nói. Tuy nhiên, vì hiếu kỳ về các điệu bộ giả tạo đó nên chúng tôi đã kiểm tra thông tin từ những người cung cấp tin ở nước ngoài và phát hiện rằng anh ta đã khai man về quá khứ của mình. Chắc hẳn, anh ta cho rằng nhà tuyển dụng ở một nước khác sẽ không nhọc công kiểm tra thông tin từ những người cung cấp ở nước ngoài. Nếu không hiểu được các dấu hiệu cơ thể, có lẽ chúng tôi đã phạm sai lầm vì thuê anh ta.
Vuốt cằm
Lần tới, nếu có cơ hội thảo luận với một nhóm người, bạn hãy quan sát họ thật cẩn thận trong khi đưa ra ý kiến. Có thể bạn sẽ thấy rằng đa số họ đều đưa một bàn tay lên mặt và dùng điệu bộ đánh giá. Khi gần kết thúc bài thuyết trình, bạn hãy yêu cầu họ phát biểu hoặc đưa ra đề xuất. Lúc này, họ sẽ dừng điệu bộ đánh giá và bắt đầu điệu bộ vuốt cằm. Đây là dấu hiệu cho thấy họ đang suy nghĩ để đưa ra quyết định.
Đưa ra quyết định Kiểu vuốt cằm của phụ nữ
Khi bạn yêu cầu người nghe đưa ra quyết định và họ bắt đầu vuốt cằm thì các điệu bộ theo sau đó sẽ cho bạn biết họ đồng ý hay phản đối. Lúc này, tốt nhất là bạn giữ im lặng, đồng thời quan sát những điệu bộ kế tiếp của họ. Chúng báo hiệu họ đã quyết định! Chẳng hạn, nếu sau điệu bộ vuốt cằm là điệu bộ khoanh tay, bắt chéo chân và ngồi thụt vào trong ghế, thì chắc chắn rằng câu trả lời của họ sẽ là “không”. Sự quan sát này sớm mách bảo bạn nêu lại các đề nghị trước khi người nghe từ chối và làm cho cuộc thỏa thuận diễn biến xấu đi.
Ngược lại, nếu sau động tác vuốt cằm là điệu bộ cúi về phía trước, cánh tay mở rộng, hoặc tiếp tục nghe lời đề nghị của bạn hoặc xem hàng mẫu, thì có khả năng bạn sẽ nhận được câu trả lời “đồng ý” và có thể tiến tới thỏa thuận.
Cụm điệu bộ trì hoãn
Với người đeo mắt kính, thay vì dùng điệu bộ vuốt cằm khi đưa ra quyết định, người này sẽ thực hiện nối tiếp cụm điệu bộ đánh giá bằng cách gỡ mắt kính ra và đút một gọng kính vào miệng. Còn người hút thuốc lá sẽ rít một hơi thuốc. Hành động ngậm viết hoặc ngón tay của người nào đó khi được yêu cầu đưa ra quyết định là dấu hiệu cho biết họ đang cảm thấy phân vân và cần được trấn an. Vật ngậm trong miệng cho phép họ trì hoãn cũng như xoa dịu cảm giác bị hối thúc phải đưa ra câu trả lời ngay lập tức.
Đôi khi các điệu bộ buồn chán, đánh giá và đưa ra quyết định được kết hợp lại, mỗi điệu bộ bộc lộ những thái độ khác nhau của người thực hiện.
Hình minh họa sau đây cho thấy điệu bộ đánh giá chuyển sang cằm hoặc bàn tay có thể tạo thành động tác vuốt cằm. Người này đang đánh giá lời đề nghị, đồng thời rút ra kết luận.
Cụm điệu bộ đánh giá/đưa ra quyết định
Khi người nghe mất dần hứng thú với người nói thì đầu của họ bắt đầu tựa lên tay. Hình minh họa bên dưới thể hiện thái độ thờ ơ của người nghe thông qua điệu bộ đánh giá với ngón cái đỡ cằm.
Cụm điệu bộ đánh giá, quyết định và chán ngán
Arnold Schwarzenegger đang cố làm rõ quan điểm của mình trong khi người dẫn chương trình truyền hình suy xét điều đó.
Điệu bộ xoa và vỗ đầu
Khi bạn nói ai đó “đang làm tôi chán ngấy đến tận cổ” (a pain in the neck) nghĩa là bạn đề cập đến phản ứng cương lên của các cơ nhỏ trên cổ, thường được gọi là hiện tượng nổi da gà. Lúc này, lớp da có dính lông ở cổ - thực ra không hiện hữu – bị dựng đứng lên, tạo cho bạn vẻ đáng sợ, bởi vì bạn đang cảm thấy bị đe dọa hoặc tức giận. Điều này tương tự phản ứng “xù lông” của một con chó đang tức giận khi phải đương đầu với con chó khác có khả năng sẽ là kẻ thù của nó. Phản ứng nêu trên làm cho bạn cảm thấy ngứa ran ở sau cổ mỗi khi bạn tức giận hay sợ hãi. Thông thường, bạn sẽ xoa tay lên cổ để giảm bớt cảm giác ngứa ngáy này.
Giả sử bạn nhờ ai đó giúp bạn một việc nhỏ và họ quên thực hiện nó. Khi bạn hỏi họ kết quả, họ vỗ trán hoặc sau cổ như thể họ đang đánh chính mình. Mặc dù vỗ ở vị trí nào đều biểu thị sự quên khuấy đi mất, nhưng quan trọng là họ vỗ ở trán hay sau cổ. Nếu vỗ trán thì đây là dấu hiệu cho thấy họ không sợ bạn nhắc đến sự đãng trí của họ. Còn nếu họ vỗ ở sau cổ để làm dịu các động tác cơ cương đang dựng lên thì điều đó có nghĩa là bạn đã khiến họ “chán ngấy đến tận cổ” theo đúng nghĩa đen vì đề cập đến việc mà họ quên làm. Còn nếu họ vỗ mông thì…
Gerard Nierenberg thuộc Học viện Đàm phán New York (Negotiation Institute) phát hiện rằng người hay xoa sau cổ thường có khuynh hướng tiêu cực hoặc chỉ trích, trong khi người hay xoa trán để diễn tả lỗi lầm của mình thường cởi mở và dễ gần hơn.
(Thành ngữ “a pain in the neck” (ND))
Để hiểu chính xác các điệu bộ của tay và mặt trong tình huống nhất định cần phải mất rất nhiều thời gian quan sát. Khi thấy một người thực hiện bất kỳ điệu bộ của tay và mặt nào đã được bàn đến trong chương này thì nhiều khả năng, họ đang có suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là suy nghĩ tiêu cực ấy có ý nghĩa gì? Đó có thể là sự nghi ngờ, dối trá, không chắc chắn, cường điệu, lo lắng hay nói dối một cách trơ trẽn. Kỹ năng thực sự chính là khả năng nhận biết thái độ tiêu cực nào mới đúng là thái độ của họ. Để đạt được điều này, tốt nhất là phân tích những điệu bộ xuất hiện trước điệu bộ của tay và mặt, đồng thời hiểu chúng theo đúng ngữ cảnh.
Lý do tại sao Bob luôn thua cờ
Chúng tôi có một đồng nghiệp tên là Bob, ông ấy rất thích chơi cờ. Chúng tôi đã thách đấu với Bob rồi bí mật quay phim lại trận đấu để phân tích ngôn ngữ cơ thể của ông ấy. Cuộn phim cho thấy Bob thường xoa tai hoặc sờ mũi mỗi khi ông ấy không chắc về bước đi kế tiếp. Ngoài ra, lúc chúng tôi thể hiện ý định di chuyển một quân cờ bằng cách chạm hờ nó thì ngôn ngữ cơ thể Bob tiết lộ suy nghĩ của ông ấy về nước đi dự kiến này. Nếu cảm thấy có thể đánh bại nước cờ đó và nghĩ ra nước phản công thì Bob sẽ biểu hiện sự tự tin bằng điệu bộ chắp tay hình tháp chuông. Ngược lại, nếu không chắc chắn hoặc không hài lòng, ông ấy sẽ dùng điệu bộ che miệng, nắm lấy dái tai hoặc gãi cổ. Mọi việc xảy ra theo dự đoán khi chúng tôi bí mật giải thích các dấu hiệu của Bob cho những thành viên khác trong nhóm chơi cờ của chúng tôi. Chẳng bao lâu sau, đa số họ đều có thể đánh bại ông bạn Bob tội nghiệp bằng cách đoán trước suy nghĩ của ông ấy thông qua ngôn ngữ cơ thể của ông. Bob đã không được tặng 1 bản của cuốn sách này.
Ý nghĩa kép
Trong cuộc phỏng vấn phân vai có quay video, người được phỏng vấn đột nhiên che miệng và xoa mũi sau khi nghe chúng tôi hỏi một câu. Điệu bộ này diễn ra trong vài giây ngay trước khi trả lời, sau đó anh ta trở lại tư thế thoải mái. Từ đầu cho đến lúc đó, người được phỏng vấn vẫn giữ tư thế thoải mái: không cài khuy áo khoác, để lộ lòng bàn tay, gật đầu và cúi về phía trước mỗi khi trả lời câu hỏi. Vì vậy, chúng tôi đã nghĩ đây là các điệu bộ đơn lẻ hoặc không liên quan đến ngữ cảnh. Khi chúng tôi hỏi anh ta về điệu bộ này, anh ta trả lời rằng khi được đặt câu hỏi, anh ta nghĩ đến hai hướng trả lời: một là tiêu cực, hai là tích cực. Lúc nghĩ đến câu trả lời tiêu cực và khả năng người phỏng vấn phản ứng lại với nó, anh ta che miệng lại. Tuy nhiên, khi nghĩ đến câu trả lời tích cực, anh ta bèn bỏ tay ra và tỏ vẻ thoải mái. Sự hoài nghi của anh ta về phản ứng có thể có của người phỏng vấn đối với câu trả lời tiêu cực đã dẫn đến điệu bộ che miệng đột ngột.
Điều này giải thích lý do tại sao điệu bộ của tay và mặt rất dễ bị hiểu nhầm, vì thế người ta dễ đưa ra kết luận sai lầm.