Các bậc uyên bác hẳn sai lầm nếu trách cứ dịch giả sao lại lãng phí thời gian vào những việc vớ vẩn như thế, bởi những câu chuyện này không chỉ thú vị mà bổ ích nữa. Quả vậy, tác giả đã chú ý ghi chính xác địa danh những nơi xảy ra sự việc, và qua các câu chuyện, mô tả phong tục, tập quán nhiều dân tộc khác nhau ở châu á. Chẳng hạn, nếu khung cảnh câu chuyện diễn ra tại xứ Tarta, độc giả sẽ nhận thấy người dân ở đấy sinh hoạt khác hẳn người sống ở Batđa hoặc ở Ai Cập. Món ăn, thức uống, trang phục mỗi nơi đều thể hiện những đặc trưng của từng dân tộc nơi ấy.
Ngoài ra, tất cả đạo lý của Hồi giáo được bàn bạc trong sách. Người đọc có thể hiểu được lý thuyết thần học của họ; hơn nữa người dịch đã cẩn thận chú thích thêm vô số những nhận xét lý thú; dịch giả đã hết sức cẩn trọng, làm sao để được người đọc tha thứ cho cách mua vui của mình, và để trong chừng mực có thể, cứu tác phẩm khỏi sự khinh rẻ của những vị độc giả nghiêm trang nào đó, các vị này không sao chịu đựng nổi các câu chuyện hư cấu cho dù tài tình đến đâu; đối với các vị ấy cuốn sách hay nhất cũng chỉ có thể mang lại niềm vui cho người đọc nếu nội dung của nó bảo đảm đúng sự thật hoàn toàn.
Vậy thì ớ đây không phải là một mớ những ý tưởng lập dị, hay là sự tuỳ tiện trong việc mô tả phong tục tập quán.Nếu sức tưởng tượng của Tu sĩ Môclet đã sáng tạo nên nhiều tình tiết trong các truyện này, thì trí suy đoán của ngài gắn chặt chúng với hình ảnh những điều có thật và cuộc sống bình thường. Tóm lại, cỏ thể coi Nghìn lẻ một ngày như những câu chuyện do những người đi xa về thuật lại, tức là một tác phẩm chứa đựng rất nhiều điều quan sát chân thực, xứng đáng với sự hiếu kỳ của công chúng.
Chú thích.
(°) Lời thưa này được đặt lên đầu tập II bộ Nghìn lẻ một ngày, in năm 1711, bắt đầu vào ngày thứ 37 (PQ).