Nghìn lẻ một ngày

Chương 5 (B)

NGÀY THỨ HAI MƯƠI HAI.

Bà hoàng hậu xứ Tây Tạng và nhà vua Trung Quốc cùng đưa mắt dõi theo người cưỡi ngựa. Bỗng lại thấy một kỵ sĩ khác đang ra sức thúc ngựa phi nhanh tới. Chàng trai này mặc áo quần rất sang trọng, tay cầm một thanh đại đao vấy máu. Nhìn bộ dạng ấy, đủ rõ chàng đang ra sức đuổi bắt cho được người cưỡi ngựa chạy trước. Tuy nhiên điều lạ lùng nhất là chàng kỵ sĩ này giống như in người cưỡi ngựa kia, đến mức bà hoàng hậu nhác trông, lại không thể không kêu lên:

Ôi trời đất! Lại cũng chính vương phu tôi đấy!

Chàng kỵ sĩ mải mê đuổi, thành ra chẳng để ý đến nàng. Nhà vua Trung Quốc ngạc nhiên:

Thưa bà, thật chẳng có gì kỳ quặc hơn thế.

Bà hoàng hậu tiếp lời vua:

Vâng, thưa ngài, qua những điều trông thấy trước mắt, hẳn ngài không cho câu chuyện tôi vừa kể hầu ngài là bịa đặt

Trong khi hai người chưa hết ngạc nhiên về những gì vừa xảy ra, chợt xuất hiện một kỵ sĩ thứ ba. Người này cho dù cũng thúc ngựa chạy như bay chẳng kém hai người trước, vẫn kịp để ý thấy hoàng hậu cùng quốc vương đứng cạnh nhau. Kỵ sĩ thứ ba này chính là tể tướng Aly Ben Haytam. Ông và bà hoàng cùng lúc nhận ra nhau. Tể tướng vội vàng xuống ngựa, đến quỳ xuống trước mặt bà hoàng và thưa:

Ôi, thưa hoàng hậu! Có đúng là mắt tôi được nhìn bà đây chăng? Tạ ơn trời đấy đã giữ cho bà bình yên vô sự. Nếu có lúc nào trời từng để cho cái ác tạm thời có cơ lấn loát cái thiện, và người vô tội có khi cam chịu hàm oan, ấy là đẻ rồi sau đấy mọi người càng thấy rõ hơn luật trời bao giờ cũng hết sức công minh. Quả vậy, con mụ kẻ thù nguy hiểm của bà đã chết mất kiếp. Chính tay quốc vương đã trừng trị mụ; thanh long đao của người còn vấy máu mụ kia. Và để trả hoàn toàn mối hận lớn, hoàng thượng đang đuổi theo sát tên khốn nạn dám đội lột vua. Tôi muốn có nhiều thời giờ hơn mới có thể thuật lại hầu bà mọi sự xảy ra trong triều kể từ ngày bà buộc phải rời bỏ hoàng cung ra đi, vậy xin gác việc ấy lại chờ một dịp khác. Hoàng thượng đã đi xa chúng ta quá rồi, mời bà hãy mau mau lên ngựa, chúng ta phải theo ngay mới kịp người.

Nhà vua Trung Quốc vội ngăn:

Không nên, thưa ngài, xin chớ làm hoàng hậu phải mệt sức. Ngài hãy ở lại đây cùng bà. Tôi xin đảm đương việc theo kịp quốc vương và mời nhà vua trở lại chốn này.

Nói xong, vua Trung Quốc nhẹ nhành bay lên mình ngựa và nhanh chóng thúc ngựa đuổi theo nhà vua xứ Tây Tạng, chẳng buồn nghe hết những lời chúc tụng và cảm tạ của bà hoàng. Nhà vua đi khỏi, tể tướng hỏi hoàng hậu chàng trai trẻ ấy là ai. Ông hết sức ngạc nhiên được biết chính nhà vua cả nước Trung Hoa đấy. Bà hoàng nói thêm:

Giờ xin tể tướng hãy cho tôi được rõ, bằng cách nào con mụ phù thủy ấy bị lột mặt na?

Giờ xin tể tướng hãy cho tôi được rõ, bằng cách nào mụ phù thủy ấy bị lột mặt nạ?

Thưa bà,- tể tướng đáp- vương quân của bà, sau khi nghe triều thần ai nấy đều quả quyết người đàn bà kia đúng là hoàng hậu Naimani, vua đã sống chung với người đàn bà ấy hoàn toàn hòa hợp. Vài hôm trước, vua cùng người mà vua ngỡ là vợ mình đến nghỉ tại tòa lâu đài mà bà đã rõ, cách kinh đô chừng chín, mười dặm. Sáng hôm nay, hoàng thượng và tôi định đi săn, chỉ cho mỗi tên nô lệ theo hầu. Chúng tôi đi cũng đã khá xa, chợt hoàng thượng sực nhớ là quên dặn hoàng hậu một điều gì đó rất quan trọng. Chúng tôi liền quay trở lại. Đến cổng tòa lâu đài, nhà vua xuống ngựa, bảo tôi chờ, rồi theo cầu thang phụ lên thẳng phòng riêng. Lát sau, tôi thấy từ đấy hớt hãi chạy bổ xuống một người đàn ông gần như trần truồng, đầu không đội khăn, mặt mũi trông giống như in nhà vua chúng ta. Tôi ngỡ đấy chính là quốc vương nên vô cùng thảng thốt:

Ôi, tâu hoàng thượng, do đâu ngài ra nông nỗi này?

Người ấy không buồn đáp lời tôi, mà chạy vội đến nhảy lên lưng ngựa, trông có vẻ hốt hoảng lắm. Tôi vẫn nghĩ chắc có một tai nạn gì ghê gớm lắm vừa xảy ra nên trong lòng như có lửa đốt. Tôi định thúc ngựa theo, cố gắng bắt kịp để hỏi cho tường, chợt nghe có tiếng gọi đằng sau:

Hãy chờ, tể tướng, hãy chờ ta!

Lập tức tôi kìm cương dừng ngựa, quay lại nhìn, thấy quốc vương đang từ tòa lâu đài chạy bổ xuống, đôi mắt nảy lửa, long đao tuốt trần cầm ở tay. Vua chạy vội đến, vừa chạy vừa nói với tôi:

Tể tướng à, chúng ta đã sai lầm khi đuổi bà hoàng hậu thật đi, và giữ lại một con mụ khốn nạn đã dùng yêu thuột đội lốt bà hoàng. Ta vừa giết chết con mụ khốn khiếp ấy, giờ ta phải lấy đầu thằng khốn nạn dám đội lốt ta đây. Hãy trao con ngựa của mày cho ta- hoàng thượng bảo tên nô lệ theo hầu- ta muốn đuổi theo tên súc sinh ấy, nó đừng hoàng thoát khỏi tay ta.

Vừa nói, vừa nhảy phóc lên mình ngựa của tên nô lệ, theo dấu chân con ngựa trước, rược đuổi đến tận chốn này.

Trong thời gian hoàng hậu nghe tể tướng thuật chuyện thì vua Ruvansat đã thúc ngựa đuổi kịp vua Tây Tạng, đuổi hăm hở chẳng kém lần trước, khi bén gót theo con hươu cái trắng. Về phần mình, trong lòng thội thúc bởi hận thù, quốc vương Tây Tạng không ngừng ra roi thúc con tuấn mã. Bởi vua là tay kỵ sĩ thành thạo hơn nhiều người đang bị vua đuổi, thành thử chẳng mấy chốc đã bắt kịp. Vua vung đao chém một nhát vào vai tên khốn kiếp, nó ngã lăn xuống đất. Lập tức nhà vua cũng xuống ngựa định kết liễu đời kẻ thù, nhưng tên khốn nạn ấy đã kịp ngỏ lời cầu van, xin tha mạng sống. Vua nói với hắn:

Ta chấp nhận, với điều kiện mày thưa rõ mày là ai, tại sao và bằng cách nào mày dám đội hình dạng ta; nếu mày không làm sáng tỏ được tất cả những điều ta muốn biết thì mày mất mạng.

- Thưa ngài, - tên khốn nạn đáp – bởi hoàng thượng đã tha cho tội chết, tôi đâu dám giấu diếm điều gì. Tôi xin thành thật tâu trình ngài rõ tất cả mọi sự. Để ngài tin chắc, trước hết tôi xin được lấy lại hình dạng tự nhiên ban đầu của mình.

Nói xong hắn rút chiếc nhẫn đeo ở ngón tay ra, ngay lập tức nhà vua chỉ còn thấy một lão già xấu xí khủng khiếp.

NGÀY THỨ HAI MƯƠI BA.

Quốc vương xứ Tây Tạng khá ngạc nhiên trước sự đổi hình thay dạng ấy, càng hiếu kỳ muốn rõ ngay những điều lão già sắp kể. Tên khốn nạn ấy nói:

- Thưa ngài, đây chính là hình dạng nguyên của tôi như bình thường. Xin phép cho tôi được thuật lại hầu ngài từ đầu chí cuối toàn bộ câu chuyện cuộc đời tôi.

Tôi là con trai một người thợ dệt thành phố Đamat. Mocben là tên tôi. Thân sinh tôi ngày trước khá giàu và là người tằn tiện, chỉ sinh hạ có mỗi tôi, thành ra sau khi cụ qua đời, tôi thừa hưởng một khoản tài sản khá lớn so với những người cùng địa vị chúng tôi. Đáng ra phải noi gương cần kiệm của cha, hay ít cũng chớ nên tiêu xài quá đáng, đằng này tôi lại nghĩ đến chuyện chơi bời. Tính tôi vốn thích đàn bà; sau khi cha mất, sớm chiều tôi chỉ lo có mỗi việc là làm sao lấy lòng người thiếu phụ bên nhà hàng xóm. Người đàn bà ấy xinh đẹp và khôn ngoan nhưng cũng là một con người gian xảo, có nhiều nết xấu. Không ít đàn ông theo đuổi thị; anh chào nào cũng ngỡ thị yêu mình hơn hết thảy, bởi thị biết cách đối xử với bất kỳ chàng trai nào cũng có vẻ như mình quý trọng đặc biệt mỗi một người ấy. Tôi cũng bị thị lừa như nhiều người khác. Thế mà đầu óc mê muội, tôi cứ tưởng cô nàng yêu đương mình hơn cả, chỉ có mình là người may mắn nhất trong cả lũ; còn tất cả bọn tình địch kia đều bị thị lừa dối tất. Ý nghĩ ấy càng làm tăng thêm sự si mê của tôi, khiến tôi tiêu xài phung phí khủng khiếp. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi đều mang biếu Đinuzê một tặng vật mới – Đinuzê là tên của thị, thưa ngài. Tôi cho thị rất nhiều tặng phẩm đắt tiền đến nỗi chỉ sau có ba, bốn năm, tôi hoàn toàn khánh kiệt. Các tình địch của tôi vẫn đua nhau đổ tiền của cho thị để được thị yêu thương; bằng cách đó con mụ giàu sụ lên trên sự khánh kiệt của tất cả bọn tình nhân chúng tôi.

Sau khi làm tiêu tan hết tài sản của mình. Tôi nghĩ sắp bị thị ruồng bỏ tới nơi, và rất buồn vì thực lòng tôi vẫn rất yêu thương thị. Mặc dù Đizunê xưa nay là một con người thích làm dáng và chỉ biết vụ lợi, một hôm thị nói với tôi:

- Mocben ạ, chắc hẳn anh nghĩ rằng em sắp đuổi anh khỏi nhà em, bởi anh không còn có điều kiện cho em tặng vật nữa. không, không phải thế đâu, anh yêu ạ. Anh là người si mê em nhất trong tất cả bọn tình nhân, và bởi anh là người bị khánh kiệt sớm nhất, em muốn đến lượt mình, tỏ cho anh thấy em cũng là con người hào hiệp. Em có ý định chia sẻ với anh tất cả những gì em sẽ nhận được từ các tình địch của anh, và trả lại cho anh sòng phẳng những gì tình yêu của anh đối với em đã khiến anh tiêu pha không tiếc của.

Quả vậy, đã không để cho tôi phải thiếu thốn vật dụng hằng ngày, thị còn cho tôi thêm bao nhiêu là vàng bạc. Thành thử tôi có vẻ như giàu có hơn cả ngày trước. Ngoài ra, thị lại tin cậy ở tôi hoàn toàn, thị không làm việc gì mà không hỏi ý kiến tôi. Chúng tôi chung sống hòa thuận với nhau theo cung cách ấy trong nhiều năm.

Mặc dù chẳng để ý, Đizunê dĩ nhiên mỗi ngày một già đi. Thế là số tình nhân của thị mỗi ngày mỗi giảm bớt. Và cuối cùng, thời gian đã không để lại cho thị một mảnh tình nào. Với một người đàn bà lúc nào cũng thích có đàn ông cặp kè bên cạnh, chuyện ấy thật đau đớn buồn bã xiết bao! Đizunê chẳng thể nào khuây nguôi khi thấy mình bị tất cả các chàng trai rẻ rúng. Thị tâm sự với tôi:

- Này, anh Mocben ạ, em thú thật cái già không sao chịu đựng nổi. Từ thuở bé, em đã quen được bọn con trai vuốt ve nuông chiều. Bây giờ em không sao chịu đựng nổi chúng nó dè bỉu. Bây giờ chỉ còn cách hoặc là em chết đi để tự giải phóng khỏi nỗi buồn sâu sắc đang dày vò, hoặc là em phải đi đến tận sa mạc Pharan, tìm cho được bà pháp sư Bedra. Đấy là bà thánh có pháp thuật cao cường nhất châu Á. Cả trái đất này đều cúi đầu khuất phục trước các phù phép của bà. Bà đã muố thì sông cũng phải chảy ngược dòng; nghe tiếng bà mặt trời cũng phải tái mặt mà đi thụt lùi, còn mặt trăng thì ngừng lại giữa bầu trời. Em quyết tìm gặp cho được bà ta. Em đã rõ chỗ bà ấy ở trong sa mạc. May ra bà ấy sẽ bày cho em một bí quyết nào đó để làm sao cho dù già nua, em vẫn được cánh đàn ông bám theo quý yêu chiều chuộng.

Tôi đáp:

- Em nghĩ thế là phải. Anh sẵn sàng theo em, nếu em muốn.

Thị nhờ tôi cùng đi với thị. Chúng tôi chuẩn bị mang theo thức ăn nước uống cùng một vài tặng phẩm dâng thánh Bêdra, rồi dắt nhau tìm đường đến vùng sa mạc khô cằn.

Tới nơi, chúng tôi còn phải đi trên đồng cát suốt hai ngày trời. Lúc này, Đinuzê mới chỉ cho tôi nhìn thấy đằng xa có một quả núi, bảo rằng bà thánh sống ở đấy. Chúng tôi tiếp tục đi nữa cho đến tận chân quả núi. Chúng tôi nhận ra một cái hang rất rộng, rất sâu, từ trong hang bay ra cả ngàn con chim xấu xa kinh dị, hay đúng hơn những con quỷ biết bay mang nhiều khuôn mặt khác nhau. Chúng vút cao tận mây xanh, vừa bay vừa rít lên những tiếng kêu tang tóc. Đến sát cửa hang, chúng tôi nhìn vào, thấy dưới ánh sáng một ngọn đèn bằng thép rọi xuống cái hang, có một cụ già bé nhỏ ngồi trên một tảng đá lớn. Đấy chính là bà thánh Bêdra. Bà pháp sư ấy đang đọc dở một cuốn sách lớn đặt trên đầu gối. Trước mặt có cái lò bằng vàng, trên lò đặt một cái chảo bằng bạc đựng đầy một chất trông như đất đen cứ sôi sùng sục dù chẳng thấy có lửa đốt trong lò.

Chúng tôi hiểu ngay đã gặp được người mình cần gặp. Chúng tôi rón rén bước vào hang, tiến đến gần bà cụ và cất lời chào hết sức kính cẩn. Chúng tôi dâng tặng bà những vật phẩm mang theo. Rồi Đinuzê thưa với bà những lời như sau:

- Kính thưa bà thánh Bedra quyền lực vạn năng, con đến đây cầu xin sự cứu giúp của mẹ. Con chẳng cần phải nói điều gì đã xui con đến đây, bởi với pháp thuật cao cường mẹ đã rõ hết tất cả.