Nghệ Thuật Sống

- 9. 10 -

Đừng bao giờ lệ thuộc vào sự thán phục của kẻ khác. Không có sức mạnh nào trong nó cả. Công trạng cá nhân không thể được phái sinh từ một nguồn ngoại tại. Nó không thể được tìm thấy trong những giao du cá nhân của bạn, cũng như không thể được tìm thấy trong sự nể trọng của người khác. Một sự kiện của đời là, những người khác, ngay cả những người yêu mến bạn, sẽ không nhất thiết đồng ý với những ý kiến của bạn, hiểu bạn, hay chia sẻ sự tâm huyết của bạn. Hãy trưởng thành! Hơi đâu mà quan tâm đến những gì mà người khác nghĩ về mình[29]!

Hãy tạo ra công trạng của riêng bạn.

Công trạng cá nhân không thể đạt được qua việc giao du của bạn với những con người kiệt xuất[30]. Bạn đã được giao cho công việc của riêng mình để làm. Hãy bắt tay vào làm ngay bây giờ, làm hết sức mình và đừng bận tâm là ai đang quan sát bạn.

Hãy làm công việc có ích và không màng đến niềm vinh dự hay sự thán phục mà những nỗ lực của bạn có thể giành được từ người khác. Không có cái gọi là công trạng “ăn theo”.

Những thắng lợi và kiệt xuất của người khác, chúng thuộc về họ. Cũng như vậy, những vật sở hữu của bạn có thể có sự kiệt xuất, nhưng chính bạn không thu được sự kiệt xuất từ chúng.

Hãy nghĩ về điều đó. Cái gì thực sự là của riêng bạn? Cách bạn sử dụng những ý kiến, những tài nguyên nội tại và những cơ hội đến với mình. Bạn có những cuốn sách? Hãy đọc chúng. Hãy học từ chúng. Hãy áp dụng sự minh triết của chúng. Bạn có kiến thức chuyên môn? Hay đưa nó vào sử dụng một cách đầy đủ và tốt đẹp. Bạn có những dụng cụ? Hãy đem nó ra và chế tạo hay sửa chữa đồ đạc. Bạn áo một ý kiến hay? Hãy làm theo nó tới cùng. Hãy tận dụng những gì mà bạn có, những cái thực sự là của mình.

Bạn có thể hài lòng một cách chính đáng với chính mình và thanh thản, khi bạn đã hòa điệu những hành động của mình với tự nhiên, bằng cách nhận ra cái gì thực sự là của riêng mình.

 

10

HÃY TẬP TRƯNG VÀO BỔN PHẬN

CHÍNH YẾU CỦA BẠN

Có một thời gian và một nơi chốn cho sự vui chơi giải trí, nhưng bạn không bao giờ nên để cho chúng lấn lướt những mục đích chân thực của đời mình. Nếu bạn ở trên một chuyến hải trình và con tàu thả neo tại một hải cảng, bạn có thể lên bờ tìm nước uống và tình cờ nhặt được một cái vỏ ốc[31] hay một thảo mộc nào đó. Nhưng hãy cẩn thận; hãy lắng tai để nghe tiếng gọi của vị thuyền trưởng[32]. Hãy giữ sự chú ý của bạn hướng về con tàu.

Rất dễ dàng bị xao lãng bởi những cái vặt vãnh của trần gian. Nếu vị thuyền trưởng gọi thì bạn phải sẵn sàng rời bỏ những thứ đó và chạy trở về, thậm chí không nhìn lại đằng sau[33].

Nếu bạn đã già thì đừng đi xa khỏi con tàu; nêu không, bạn sẽ không về kịp khi được thuyển trưởng gọi.

Chú thích:

 (29) Có nên quan tâm đến dư luận không? Có hai loại dư luận: dư luận đúng và dư luận sai. Nhìn chung, dư luận thường sai nhiều hơn đúng. Tuy nhiên, phớt lờ dư luận và quá nô lệ vào dư luận, cả hai đều không tốt. Tốt nhất nên “tham khảo” dư luận: Thấy nó đúng thì theo; thấy không đúng thì không theo.

(30) Đây là tâm lý chung của nhiều người: Khi được giao du với những người “quan trọng" thì họ thấy mình cũng “quan trọng” lây. Chẳng hạn một người sau khi làm quen được với nhiều người “quan trọng” trong lãnh vực nào đó của xã hội, thì họ có ảo tưởng rằng cái “tầm vóc” của họ cũng được... nâng lên so với trước!

31 Những thứ mà ta “thu nhặt" được trong cuộc đời - như tiền tài, danh vọng... thì cũng ví như những “vỏ ốc" mà ta nhặt được bên bờ biển.

32 Có thể là Định mệnh hay Thượng đế. Đây là Thượng đế vô ngôi vị của Phiếm thần luận, chứ không phải là vị Thượng đế có ngôi vị của Ki-tô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo. Thượng đế của Phiếm thần luận chính là Thiên nhiên, Vũ trụ, không có quyền thưởng phạt... Sự phân biệt hai loại Thượng đế này rất quan trọng; nếu không, ta dễ hiểu lầm tư tưởng của Epictetus và nhiều nhà tư tưởng khác.

33 Với một kẻ tích lũy quá nhiều của cải thì họ sẽ từ bỏ trần gian với nhiều tiếc nuối; bởi vì, họ sẽ không đem theo được một chút gì trong cái kho của cải đó.