Nghệ Thuật Sống

- 28. 29. 30 -

Lo lắng và sợ hãi là một sự lãng phí thời gian, và không nêu gương tốt cho kẻ khác. Điều này đặc biệt đúng đối với uy tín và ảnh hưởng của bạn. Tại sao lại sống trong sợ hãi về những điều như: "Liệu tôi có được công nhận trong nghề nghiệp hay cộng đồng của mình?”. Hay: "Liệu tôi có những cơ hội và đặc quyền mà những người khác có?”.

Đừng bận tâm về những điều như: “Người ta không nghĩ tốt về tôi”, và “Tôi là một kẻ vô danh tiểu tốt”. Cho dẫu uy tín của bạn thực sự là quan trọng thi bạn cũng không chịu trách nhiệm về những điều mà kẻ khác nghĩ về mình. Nếu bạn có một địa vị nhiều thế lực, hay được mời đến những bữa tiệc linh đình, thì nó có tạo ra sự khác biệt thực sự nào đối với tính cách và sự an vui của bạn? Không có chút khác biệt nào cả. Vậy thì có gì là “mất thể diện” nếu bạn không là một kẻ có quyền lực hay danh tiếng? Và tại sao bạn lo lắng về việc mình là một kẻ vô danh tiểu tốt, khi điều quan trọng là trở nên một kẻ đắc lực trong những lãnh vực của đời mình, mà ở đó bạn có quyền kiểm soát và có thể tạo ra một sự khác biệt thực thụ?

Có thể, bạn sẽ nói: “Nhưng nếu không có quyền lực và uy tín thì tôi sẽ không thể giúp đỡ bạn bè tôi”. Đúng là bạn sẽ không tặng cho họ cơ hội để làm giàu và những mối giao du với giới có quyền lực. Nhưng bạn không có bổn phận phải tặng họ những cái đó: Làm sao bạn có thể tặng người khác cái mà bạn không có?

“Tuy nhiên, thật tuyệt vời nếu tôi có tiền bạc, quyền lực và có thể chia sẻ chúng với các bạn của mình”. Nếu tôi có thể trở nên giàu có và thế lực trong khi vẫn gìn giữ được danh dự của riêng mình; vẫn chung thủy với gia đình, bạn hữu, với những nguyên tắc và lòng tự trọng, thì hãy bày cho tôi cách thức và tôi sẽ làm như thế. Nhưng nếu tôi phải hy sinh sự liêm chính cá nhân của mình thì việc xúi giục tôi làm như vậy quả là ngu xuẩn và ngớ ngẩn. Vả lại, nếu bạn phải chọn giữa việc có một số tiền nhất định và việc có một người bạn trung thành và đáng kính, thì bạn chọn cái nào? Sẽ tốt hơn nếu bạn giúp tôi trở thành một người tốt, hơn là thúc giục tôi làm những điều mà nó đe dọa cá tính tốt lành của mình.

“Được rồi, vậy còn về những bổn phận của tôi đối với đất nước mình thì sao?”. Bạn muốn nói gì? Nếu bạn đang nói về việc hiến tạng nhiều tiền bạc cho công tác từ thiện, hay xây dựng những tòa nhà tráng lệ thì đó có phải thực sự là một vấn đề? Một người thợ kim khí không đóng giày và một thợ giày không làm vũ khí. Là đủ, nếu mọi người làm tốt cái mà y phải làm. “Vậy, nếu một ai khác cũng làm cùng một điều giống như tôi thì sao?”. Cái đó là tốt. Nó không khiến cho sự đóng góp của bạn bớt giá trị. “Còn về địa vị của tôi trong xã hội thì sao?”, bạn hỏi. Bất cứ địa vị nào mà bạn có thè nắm giữ trong khi gìn giữ danh dự và trung thành với những bổn phận của mình, đều tốt. Nhưng nếu niềm mơ ước của bạn - muốn đóng góp vào xã hội - làm phương hại đến trách nhiệm đạo đức của mình, thì làm thế nào bạn có thể phục vụ đồng bào của mình, khi bạn đã trở thành kẻ vô trách nhiệm và vô liêm sỉ?

Sẽ là tốt hơn nếu trở thành một người tốt và chu toàn những bổn phận của bạn, thay vì có danh tiếng và quyền lực.

 

29

MỌI THUẬN LỢI ĐỀU CÓ CÁI GIÁ CỦA CHÚNG

Một ai đó đang hưởng những đặc quyền, cơ hội hay vinh dự mà bạn mơ ước? Nếu những thuận lợi mà người đó đã đạt được là tốt thì hãy chia vui cùng người ấy. Đó là thời hưng thịnh của đương sự. Nếu hóa ra, những thuận lợi đó thực sự là khống tốt thì đừng phiền não rằng chúng không đến với bạn.

Hãy nhớ: Bạn sẽ không bao giờ kiếm được những phần thưởng y hệt như những người khác, mà không dùng cùng những phương pháp và sự đầu tư như họ. Không hợp lý nếu ta nghĩ rằng ta có thể kiếm được những phần thưởng mà không sẵn long trả cái giá tương xứng với chúng. Những ai mà thắng lợi ở một điều gì đó, họ không thực sự thuận lợi gì hơn bạn; bởi vì họ đã phải trả giá cho phần thưởng đó.

Ta có mong ước trả giá cho những phần thưởng của đời ta hay không, việc ấy luôn luôn là chọn lựa của ta. Và thường khi, tốt nhất là không trả giá; bởi vi cái giá đó có thể là sự liêm chính, nhân cách của ta[58]. Ta có thể bị cưỡng bách phải ca ngợi một ai đó mà ta không nể trọng.

 

30

HÃY BIẾN Ý CHÍ CỦA TỰ NHIÊN THÀNH

Ý CHÍ CỦA RIÊNG BẠN

Hãy học để biết ý chí của tự nhiên. Hãy nghiên cứu nó, chú tâm tới nó, và rồi hãy biến nó thành ý chí của riêng bạn.

Ý chí của tự nhiên được tiết lộ cho chúng ta thông qua những kinh nghiệm hằng ngày, chung cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, nếu đứa con của một người láng giềng đánh vỡ một cái bát, hay một điều tương tự, chúng ta sẵn sàng nói: “Những điều đó thường xảy ra”. Khi chính cái bát của mình vỡ, bạn cũng nên lý luận cùng một cách như thế.

Hãy mang sự hiểu biết này sang những vấn đề có tầm quan trọng lớn hơn về mặt cảm xúc và có hậu quả lớn hơn trong thực tế. Một đứa con, hoặc người phối ngẫu, hoặc một người thân nào đó của một người khác qua đời? Trong hoàn cảnh như thế, không ai sẽ không nói, “Chu kỳ của sự sống là thế. Ai cũng phải chết. Một số điều là không thể tránh được”.

Nhưng nếu chính đứa con hay người thân yêu của mình qua đời, ta có khuynh hướng kêu to: “Khổ thân tôi! Tôi khốn khổ làm sao!”.

Hãy nhớ bạn cảm thấy ra sao khi nghe điều tương tự liên quan đến những người khác. Hãy chuyển cảm nhận đó sang hoàn cảnh hiện tại của chính mình. Hãy học cách chẫp nhận những biến cố, ngay cả cái chết, với sự thông minh.

Chú thích:

(57) “Tính cách" là cái phần lớn do ta rèn luyện, tạm gọi là “của ta"; còn “uy tín" dù sao, cũng lệ thuộc vào kẻ khác. Dĩ nhiên, cái “của ta" phải quan trọng hơn cái có được nhờ người khác!

(58) Cách đây mấy ngàn năm, Epictetus đã thấy được cái chân lý: “Cái gì cũng phải trả giá". Hãy nhìn vào thực tế cuộc sống: Không ít kẻ có địa vị trong xã hội là do họ đã “đánh mất mình" trên nhiều phương diện - dĩ nhiên, kể cả việc đi bằng hai đầu gối của mình!