Những người mà trong quá khứ từng có những niềm vui nào đó thường cố gắng tìm kiếm lại những trải nghiệm ấy. Những kí ức vui vẻ nhất và bén rễ sâu nhất thường là từ thưở ấu thơ, và trong tiềm thức thường liên hệ với hình ảnh người cha hoặc mẹ. Hãy mang con mồi trở về thời điểm ấy bằng cách đặt mình vào tam giác phức cảm Oedipus (phức cảm người con ghen với cha hoặc mẹ mình) và xem họ như đứa trẻ đang thiếu thốn tình cảm. Không nhận thức được nguyên nhân sự đáp lại tình cảm của mình, họ sẽ phải lòng bạn. Nếu không thì, bạn cũng có thể đóng vai trò hồi tưởng, để họ làm người cha hay mẹ bảo vệ, chăm nom bạn. Trong cả hai trường hợp bạn đều đang cho họ niềm hạnh phúc tột cùng: Đó là cơ hội được quan hệ thân mật với cha hoặc mẹ, con trai hoặc con gái của mình.
Sự hồi tưởng nhục dục
Người lớn chúng ta thường đánh giá cao về tuổi thơ của mình. Vì bị phụ thuộc và không có quyền gì nên trẻ con thật sự phải chịu đựng, thế nhưng khi lớn lên ta lại quên mất điều đó và tình cảm hóa cái thiên đường đã để lại sau lưng. Ta quên những nỗi đau mà chỉ nhớ những niềm vui. Tại sao? Bởi lẽ gánh nặng trách nhiệm của một người lớn đôi khi quá nặng nề làm ta thầm mơ ước quay lại tình trạng phụ thuộc như thời thơ ấu, ước có được người chăm sóc mỗi một nhu cầu của ta, gánh giùm ta những lo lắng thường ngày. Giấc mơ hão huyền này của ta có một phần nhục dục mạnh mẽ vì cảm giác phụ thuộc của đứa trẻ đối với cha hoặc mẹ thường tích một chút dục tính. Cho một người cảm giác giống cảm giác phụ thuộc, được bảo vệ ấy của thời thơ ấu, họ sẽ chiếu toàn bộ những tưởng tượng lạc thú vào bạn, kể cả cảm giác yêu đương và hấp dẫn tình dục. Ta không muốn thừa nhận điều đó nhưng ta mong muốn được hồi tưởng lại, được trút bỏ lớp vỏ người lớn và thể hiện tình cảm trẻ con luôn đang chờ chực bên dưới lớp da.
Khi mới vào nghề, Sigmund Freud phải đối mặt với một vấn đề kì lạ: Rất nhiều bệnh nhân nữ phải lòng ông. Ông nghĩ mình giải thích được điều đang xảy ra: Được Freud khích lệ, người bệnh chìm sâu vào thời thơ ấu, dĩ nhiên đó chính là nguyên nhân gây bệnh cho họ. Họ sẽ nói về mối quan hệ với cha mình, kinh nghiệm đầu tiên về sự dịu dàng và tình yêu, và cả những thờ ơ và bỏ bê nữa. Quá trình này gợi nhớ đến những cảm xúc và kí ức mạnh mẽ. Ở một góc độ nào đó, họ được đưa ngược về thời thơ ấu. Hiệu ứng này càng tăng thêm khi chính Freud trở nên ít nói và tỏ vẻ hơi lạnh lùng, xa cách, mặc dù ông vẫn rất quan tâm – nói cách khác, giống như hình ảnh người cha thường gặp. Trong khi đó nạn nhân nằm trên ghế nệm, trong một tư thế thụ động và chơ vơ, tình huống đó lại càng làm tăng gấp đôi vai đóng của người cha và đứa con. Cuối cùng người bệnh hướng những tình cảm rối rắm đang cần được giải quyết này đến chính Freud. Không nhận thức được những gì đang diễn ra, họ sẽ liên hệ ông với cha mình. Họ sẽ hồi tưởng và phải lòng ông. Freud gọi hiện tượng này là “chuyển giao” và là một phần tích cực trong liệu pháp chữa trị của ông. Bằng cách khiến người bệnh chuyển những cảm giác bị đè nén sang bác sĩ, ông đã đưa vấn đề rắc rối của họ ra ngoài để chúng được điều trị ở cấp độ có ý thức.
Tuy nhiên, hiệu ứng chuyển giao quá mạnh mẽ đến mức Freud thường không thể khiến các bệnh nhân vượt qua sự đam mê ấy. Thực ra chuyển giao là một cách hiệu nghiệm để tạo ra gắn kết tình cảm – mục tiêu của bất kì cuộc quyến rũ nào. Phương pháp này có những ứng dụng vượt trội ngoài lĩnh vực phân tích tâm lí. Để thực tập nó ngoài đời, bạn cần đóng vai bác sĩ tâm lí, khích lệ người khác nói về tuổi thơ của họ. Hầu hết chúng ta rất thích được nói về điều đó chứ không hề là bắt buộc; và những kí ức của ta thì sống động và cảm xúc đến độ một phần trong ta chỉ hồi tưởng lại khi nói về những năm tháng đầu đời. Hơn nữa, trong khi nói, những bí mật nho nhỏ bị lộ ra: Ta để lộ toàn những thông tin quí giá về nhược điểm và bản chất tâm hồn ta, những thông tin bạn cần chú ý và ghi nhớ. Không cần quan tâm đến giá trị bề mặt của lời nói của con mồi; họ thường khoác thêm lớp áo ngọt ngào hay kịch tính cho những sự kiện trong quá khứ. Nhưng hãy chú ý đến giọng nói của họ, đến bất kì một thoáng bối rối nào, và đặc biệt là những điều họ không muốn nói ra, những gì họ chối bỏ hay làm họ đầy xúc cảm. Nhiều câu thực ra mang nghĩa ngược lại: Chẳng hạn như nếu họ nói mình rất ghét cha, bạn có thể chắc chắn rằng họ đang che dấu sự thất vọng – thật ra chỉ vì họ yêu cha quá nhiều và có lẽ đã không nhận được từ ông những gì mình muốn. Nghe kĩ những chủ đề hay câu chuyện lặp lại nhiều lần. Quan trọng nhất là hãy học cách phân tích phản ứng tình cảm và xem đằng sau đó là gì.
Khi nói chuyện hãy đứng ở góc độ người bác sĩ tâm lí – chú ý nhưng yên lặng, thỉnh thoảng nhận xét khách quan. Tỏ ra quan tâm nhưng vẫn xa cách – đúng hơn là không biểu lộ cảm xúc – rồi họ sẽ chuyển tình cảm và chiếu những ảo tưởng vui thú lên bạn. Với những thông tin thu được về tuổi thơ của họ và sợi dây tin tưởng đã tạo được, giờ đây bạn có thể bắt đầu tạo hiệu ứng hồi tưởng. Có lẽ bạn đã khám phá được mối quan hệ mật thiết với một người nào đó trong gia đình hay thầy giáo hay bất kì niềm say mê thời thơ ấu nào, một người ảnh hưởng đến tận cuộc sống hiện thời của họ. Khi biết được điều gì ở con người này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến họ như vậy, bạn sẽ đóng vai con người đó. Hoặc có thể bạn đã biết được khoảng trống lớn trong tuổi thơ của họ – chẳng hạn như một người cha vô trách nhiệm. Giờ bạn có thể đóng vai người đó nhưng thay vì vô trách nhiệm thì phải tỏ ra quan tâm và tình cảm, điều mà cha hoặc mẹ họ đã không thể cho họ. Ai cũng có những chuyện chưa hoàn thành trong thời thơ ấu – thất vọng, thiếu thốn, kí ức đau buồn. Hãy hoàn thành nốt những điều ấy. Khám phá những gì con mồi chưa bao giờ có, rồi bạn sẽ có được công thức cho một cuộc quyến rũ sâu xa.
Bí quyết là không chỉ nói về kí ức – rất yếu ớt. Điều cần làm là khiến con mồi hành động ở hiện tại giống những chuyện trong quá khứ mà họ không nhận thức được chuyện gì đang diễn ra. Sự hồi tưởng bạn tạo ra có thể chia làm bốn loại.
Hồi tưởng thời sơ sinh. Sợi dây đầu tiên – giữa mẹ và đứa trẻ sơ sinh – là sợi dây mạnh mẽ nhất. Khác với loài vật, đứa bé phải trải qua một thời gian dài không tự lo cho mình được mà phải phụ thuộc vào người mẹ, tạo ra một gắn kết ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống sau này của đứa bé. Tạo hiệu ứng hồi tưởng này là tái tạo cảm giác tình yêu không điều kiện mà người mẹ dành cho con mình. Chớ có phán xét con mồi – cứ để họ làm cái gì họ muốn, kể cả cư xử hư hỏng; đồng thời bảo bọc họ bằng tình yêu thương, quan tâm chăm sóc. Một phần trong họ sẽ hồi tưởng lại thời còn bé xíu khi mẹ chăm sóc cho họ mọi việc và hiếm khi nào để họ một mình. Điều này hiệu quả với hầu hết mọi người vì tình yêu không điều kiện là iểu tình yêu hiếm có và quí giá nhất. Thậm chí bạn không cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thơ của họ vì ai cũng đã từng có kinh nghiệm với kiểu quan tâm này. Cùng lúc đó, hãy tạo môi trường củng cố tình cảm bạn đang tạo dựng – không khí ấm áp, những hoạt động vui đùa, màu sắc tươi sáng.
Hồi tưởng Oedipus. Sau sợi dây tình cảm mẹ con là tam giác phức cảm Oedipus giữa mẹ, cha, và con (phức cảm trong đó con trai ghen với cha hoặc con gái ghen với mẹ). Tam giác này được tạo ra trong quá trình đứa bé hình thành những khái niệm đầu tiên về tính dục. Bé trai muốn mẹ là của riêng mình, bé gái cũng vậy với cha, nhưng chúng không thể nào có được điều đó vì cha mẹ luôn có mối gắn kết rất chặt chẽ với nhau hoặc với những người lớn khác. Tình yêu không điều kiện đã qua đi; không thể tránh được giờ đây người cha hoặc mẹ phải từ chối một số đòi hỏi của đứa bé. Đưa con mồi về lại thời điểm này. Đóng vai người cha hoặc mẹ – hãy yêu thương nhưng đôi khi cũng rầy la và đặt ra một số kỉ luật. Trẻ con luôn thích một chút kỉ luật vì khiến chúng cảm thấy người lớn có quan tâm đến mình. Và những người lớn làm trẻ con sẽ cực kì vui sướng nếu bạn pha lẫn dịu dàng với một chút cứng rắn và hình phạt.
Khác với hồi tưởng thời sơ sinh, hồi tưởng Oedipus phải được điều chỉnh phù hợp với con mồi. Điều đó phụ thuộc vào thông tin bạn đã thu thập được. Nếu biết chưa đầy đủ có thể bạn cư xử với con mồi như với một đứa trẻ, thỉnh thoảng còn la mắng họ, rồi cuối cùng khám phá ra rằng mình đang khơi dậy những kí ức tồi tệ – thời bé họ đã chịu đựng quá nhiều kỉ luật. Hoặc bạn có thể khơi gợi kí ức về người cha hoặc mẹ mà họ vô cùng căm ghét và họ muốn chuyển những tình cảm ấy lên bạn. Không tạo hiệu ứng hồi tưởng đến khi nào bạn đã biết những điều cần thiết về con mồi – cái gì họ đã có quá nhiều, cái gì còn thiếu, v.v. Nếu con mồi gắn kết chặt chẽ với người cha hoặc mẹ nhưng gắn kết vẫn có phần không tốt thì hồi tưởng Oedipus vẫn khá hiệu quả. Chúng ta luôn có cảm giác yêu ghét lẫn lộn đối với cha hoặc mẹ; thậm chí khi ta rất yêu họ, ta vẫn ghét phải phụ thuộc vào họ. Không cần thiết khơi dậy những tình cảm này vì chúng không giúp gắn kết cha mẹ và con cái. Hãy nhớ thêm vào một chút tính dục khi đóng vai người cha hoặc mẹ. Giờ đây con mồi không chỉ có được cha hoặc mẹ cho riêng họ mà còn hơn thế nữa, điều trước đây bị cấm đoán nhưng bây giờ lại được cho phép.
Hồi tưởng người lí tưởng. Thời trẻ con ta thường hình dung ra một người lí tưởng. Trước hết ta muốn mình trở thành con người lí tưởng đó. Ta tưởng tượng mình là những nhân vật phiêu lưu dũng cảm, những người lãng mạn. Sau đó ở tuổi dậy thì ta bắt đầu chú ý đến người khác, chiếu những lí tưởng của mình lên người đó. Người đầu tiên ta yêu dường như có những phẩm chất ta muốn chính mình có, hoặc là họ làm ta cảm thấy như được đóng vai lí tưởng đó khi quan hệ với họ. Hầu hết chúng ta mang theo mình những lí tưởng này, để chúng ngay dưới lớp da của mình. Ta thầm thất vọng thấy mình đã thỏa hiệp đến thế nào, đã hạ thấp đến mức nào so với lí tưởng thời nhỏ. Giúp con mồi cảm thấy như đang sống dậy những lí tưởng thời trẻ và tiến gần đến làm mẫu người họ muốn, bạn sẽ tạo được một kiểu hồi tưởng khác, tạo cảm giác nhớ lại giai đoạn dậy thì. Mối quan hệ giữa bạn và con mồi ở thời điểm này bình đẳng hơn những kiểu hồi tưởng trước – giống như tình cảm anh chị em. Thật ra những lí tưởng ấy thường được liên hệ với anh, chị hoặc em. Để tạo được hiệu ứng này, hãy cố tái tạo tâm trạng ngây thơ, sôi nổi của những đam mê thời trẻ.
Hồi tưởng ngược. Ở đây bạn là người hồi tưởng. Bạn cố ý đóng vai một đứa bé xinh xắn, dễ thương nhưng cũng gợi cảm. Người lớn tuổi luôn cảm thấy người nhỏ hơn quyến rũ đến khó tin. Trước sự hiện diện của tuổi trẻ, họ cảm thấy như một phần tuổi trẻ của mình quay lại; nhưng thật ra là già hơn nữa, và lẫn trong cảm giác sôi nổi khi có một người trẻ tuổi bên cạnh là niềm vui được đóng vai cha hay mẹ họ. Nếu đứa bé có cảm giác tính dục với cha hoặc mẹ mình, cảm giác ấy lập tức được kìm nén, thì người cha hoặc mẹ ngược lại cũng vậy. Hãy giả vờ đóng vai đứa con của con mồi và họ sẽ hành động lộ ra ngoài những tình cảm tính dục bị kìm nén ấy. Chiến thuật này dường như đòi hỏi phải có sự khác biệt tuổi tác nhưng thật ra cũng không cần thiết lắm. Những phẩm chất trẻ con được Marilyn Monroe cường điệu hóa vẫn có tác dụng tốt đối với những người đàn ông cùng tuổi. Cố ý để con mồi thấy điểm yếu ớt của mình sẽ cho họ cơ hội đóng vai người bảo vệ.
Những trường hợp điển hình
1. Cha mẹ nhà thơ Victor Hugo li thân không lâu sau khi ông ra đời. Mẹ ông, Sophie, đã có mối quan hệ lăng nhăng với một vị tướng là cấp trên của chồng bà. Bà đem ba đứa con nhà Hugo bỏ cha chúng lên Paris để nuôi dưỡng một mình. Bấy giờ các cậu bé có một cuộc sống rất xô bồ, vật lộn với đói nghèo, thường xuyên chuyển nhà, còn người mẹ thì tiếp tục quan hệ với vị tướng nọ. Trong ba người con, Victor là đứa gắn kết với mẹ nhất, tiếp thu những ý tưởng và tính bẳn hẳn như chó con của bà, đặc biệt là sự thù hận cha mình. Nhưng với tất cả những xáo động ấy thời thơ ấu, ông chưa bao giờ cảm thấy mình có đủ tình yêu thương, quan tâm từ người mẹ mà ông yêu quí. Khi bà mất năm 1821, nghèo khổ và nợ nần, thì ông suy sụp.
Một năm sau Hugo lấy người yêu thời thơ ấu của mình là Adèle, người có bề ngoài giống mẹ ông. Cuộc hôn nhân hạnh phúc được một thời gian nhưng rồi Adèle lại trở nên giống mẹ ông không chỉ vẻ bề ngoài: Năm 1832 ông phát hiện bà có tư tình với nhà phê bình văn học Pháp Sainte-Beuve, lúc đó là bạn thân của ông. Bấy giờ Hugo đã trở thành một nhà văn nổi tiếng nhưng ông không phải là loại người thận trọng. Nói chung ông là kiểu người ruột để ngoài da. Tuy nhiên ông không thể tiết lộ với ai chuyện Adèle ngoại tình; điều đó thật nhục nhã. Giải pháp duy nhất là bản thân ông cũng ngoại tình, với các diễn viên, gái bao, phụ nữ có chồng. Hugo có sở thích kì lạ, đôi khi đến với ba người phụ nữ trong cùng một ngày.
Gần cuối năm 1832, vở kịch đầu tiên của Hugo bắt đầu được sản xuất nên ông phải giám sát diễn xuất. Một nữ diễn viên hai mươi sáu tuổi tên là Juliette Drouet đến thử giọng cho một vai nhỏ. Bình thường vốn rất khéo lóe với phụ nữ bỗng Hugo thấy mình cứ lắp ba lắp bắp trước Juliette. Rõ ràng đây là người phụ nữ đẹp nhất Hugo từng gặp, điều này và cả tính cách điềm tĩnh của cô làm Hugo thấy sợ hãi. Dĩ nhiên Juliette được nhận vai diễn. Ông thấy mình lúc nào cũng nghĩ đến cô ấy. Dường như lúc nào cô cũng được một nhóm đàn ông hâm mộ vây quanh. Rõ ràng cô không quan tâm đến ông, hoặc giả ông nghĩ vậy. Thế nhưng vào một buổi tối sau buổi diễn, ông theo chân cô trên đường về và thấy cô không tức giận cũng chẳng ngạc nhiên – thật ra cô còn mời ông lên nhà. Ông qua đêm ở đó và sau đó thì ở đó mỗi đêm.
Hugo đã tìm lại được hạnh phúc. Ông vui mừng khi Julliet bỏ nghiệp nhà hát, đoạn giao với bạn bè cũ và học nấu ăn. Trước đây cô yêu thích quần áo đẹp và giao tiếp xã hội nhưng giờ thì thành thư kí riêng của Hugo, hiếm khi rời khỏi căn hộ ông đã sắp đặt cho cô và dường như chỉ sống với sự lui tới của ông. Tuy nhiên chỉ một thời gian rồi Hugo lại quay lại con đường cũ và có những chuyện tình linh tinh khác bên ngoài. Cô không phàn nàn gì – miễn là ông vẫn quay về với cô. Và thật ra Hugo đã trở nên khá phụ thuộc vào cô.
Năm 1843, đứa con gái yêu quí của Hugo chết vì tai nạn khiến ông chìm vào đau khổ. Cách duy nhất ông có thể làm để vượt qua nỗi đau là đi hẹn hò với một người mới. Và vì vậy sau đó không lâu ông phải lòng một cô quí tộc đã có gia đình tên là Léonie d’Aunet. Càng lúc ông càng ít đến với Juliette. Vài năm sau khi chắc chắn rằng mình là người được yêu nhiều hơn, Léonie đưa ra một tối hậu thư cho ông: Hoặc đoạn tuyệt hoàn toàn với Julliette hoặc kết thúc với cô ta. Hugo không đồng ý. Thay vì vậy ông quyết định đưa ra một cuộc thi: Ông sẽ tiếp tục hẹn hò với cả hai người phụ nữ trong một vài tháng và con tim ông sẽ quyết định xem ông thích ai hơn. Léonie rất phẫn nộ nhưng cô không còn cách nào khác. Chuyện ngoại tình với Hugo đã khiến cô đổ vỡ hôn nhân và không còn chỗ đứng trong xã hội; cô bị phụ thuộc vào ông. Dù sao đi nữa thì làm sao cô thua được – cô đang thì xuân sắc còn Juliette giờ đây tóc đã điểm bạc. Vì thế cô vờ đồng ý tham gia cuộc thi nhưng càng lúc nỗi giận dữ trong cô càng lớn dần và cô bắt đầu oán trách. Còn Juliette thì vẫn cư xử với thái độ như không có gì xảy ra. Mỗi khi ông đến thăm, bà vẫn cư xử bình thường như trước, bỏ qua mọi chuyện để an ủi và chăm sóc ông.
Cuộc thi kéo dài nhiều năm. Vào năm 1851, Hugo gặp rắc rối với Louis-Napoleon, một người bà con với Napoleon Bonaparte, Tổng thống Pháp đương thời. Hugo vạch trần những khuynh hướng độc tài của ông trên báo chí với lời lẽ hơi coi thường vì Louis-Napoleon là một người thù dai. Lo sợ cho cuộc sống của nhà văn nên Juliette đã tìm cách giấu ông ở nhà một người bạn và chuẩn bị cho ông một tấm hộ chiếu giả, tìm cách cải trang đưa ông trốn sang Brussel. Mọi việc đã diễn ra theo đúng kế hoạch vạch ra, một vài ngày sau Juliette cũng đi theo ông, mang theo những tài sản có giá trị nhất của ông. Rõ ràng chính những hành động dũng cảm đó đã giúp bà giành được chiến thắng trong cuộc thi.
Tuy nhiên, sau khi kịch tính của cuộc sống mới đã qua đi thì bản tính lăng nhăng của ông lại trỗi dậy. Cuối cùng, lo lắng cho sức khỏe của ông và sợ rằng mình không còn đủ sức cạnh tranh với một cô nàng hai mươi tuổi nào nữa, rất bình tĩnh nhưng cương quyết bà đã đưa ra một yêu cầu: Không được thêm một phụ nữ nào nữa cả hoặc bà sẽ ra đi. Vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng chắc rằng bà đang rất nghiêm túc, Hugo sụp xuống thổn thức. Giờ đã là một ông già, ông quì xuống và thề, trên Kinh Thánh và trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Những người cùng khổ của mình, rằng sẽ không lăng nhăng nữa. Cho đến khi Juliette mất vào năm 1883, bùa mê của bà đối với ông hoàn toàn trọn vẹn.
Giải thích. Cuộc sống yêu đương của Hugo là do mối quan hệ giữa ông và mẹ mình quyết định. Ông chưa bao giờ cảm thấy mẹ yêu mình đủ nhiều. Hầu hết những phụ nữ ông quan hệ có hình dáng giống bà; ông muốn được bù đắp gấp nhiều lần tình yêu người mẹ đã không dành cho ông. Khi Juliette gặp ông, có lẽ bà đã không biết hết tất cả những điều này, nhưng chắc chắn bà cảm nhận được hai vấn đề: Ông hoàn toàn thất vọng về vợ mình và ông chưa thực sự trưởng thành. Sự bộc phát cảm xúc và đòi hỏi được chăm sóc và chiều chuộng của ông khiến ông trông giống như một đứa trẻ hơn là người đàn ông. Bà sẽ có được quyền lực đối với phần còn lại của cuộc đời ông nếu cho ông thứ ông chưa bao giờ có được, đó là tình yêu trọn vẹn, vô điều kiện của người mẹ.
Juliette không bao giờ phán xét hay chỉ trích những thói hư của Hugo. Bà quan tâm chăm sóc ông không đòi hỏi; đến với bà giống như về lại lòng mẹ. Thật ra trước mặt bà, ông trở thành cậu bé nhỏ hơn bao giờ hết. Làm sao ông có thể từ chối bà điều gì hay rời bỏ bà? Và cuối cùng khi bà dọa sẽ ra đi, ông chỉ còn là một đứa bé yếu đuối khóc đòi mẹ. Cuối cùng bà đã có toàn bộ quyền lực đối với ông.
Tình yêu không điều kiện rất hiếm và khó tìm nhưng đó là điều mà ai cũng ao ước có được vì đó là điều tuyệt vời ta đã trải qua hoặc khao khát. Bạn không cần phải đi quá xa như Juliette Drouet; chỉ cần là những ngầm ý về sự quan tâm hết lòng, chấp nhận họ cho dù họ là ai, luôn đáp ứng nhu cầu của họ, bạn sẽ đặt họ vào vị trí một đứa bé sơ sinh. Cảm giác bị phụ thuộc có thể làm họ hơi sợ, khiến họ ngầm lưỡng lự và đôi khi thấy cần phải tự khẳng định mình, như Hugo đã có những cuộc tình khác. Nhưng sợi dây bạn cột họ sẽ rất mạnh mẽ nên họ sẽ quay lại để được nhiều hơn nữa vì bị ám ảnh bởi ảo giác rằng họ đang tìm lại được tình yêu người mẹ những tưởng đã mãi mãi mất đi, hoặc chưa bao giờ có.
2. Vào những năm sắp bước sang thế kỉ hai mươi, hiệu trưởng một trường đại học dành cho nam giới ở một thị trấn nhỏ ở Đức, Giáo sư Mut, bắt đầu cảm thấy ngày càng ghét các sinh viên của ông. Mut đã gần sáu mươi tuổi và đã làm việc ở trường này trong nhiều năm. Ông dạy tiếng Hy Lạp và La Tinh và là một học giả cổ điển tài giỏi. Ông luôn cảm thấy cần phải đặt ra những kỉ luật nhưng bây giờ càng ngày càng bậy: Rõ ràng sinh viên không còn quan tâm đến Homer nữa. Họ nghe nhạc bậy và chỉ thích văn học hiện đại. Mặc dù họ chống đối, Mut cảm thấy họ mềm yếu và vô kỉ luật. Ông muốn dạy họ một bài học và làm họ khổ sở; cách ông thường đối phó với những đợt quậy phá của họ là đàn áp họ thẳng thừng, và thường là có hiệu quả.
Một ngày có một sinh viên mà Mut ghét – một thanh niên kiêu ngạo, ăn mặc đẹp tên Lohmann – đứng lên giữa lớp và nói, “Tôi không thể tiếp tục học trong lớp này, thưa Giáo sư. Nghe mùi bùn khủng khiếp.” Bùn là tên họ đã đặt cho Giáo sư Mut. Vị giáo sư chộp lấy tay Lomann, vặn mạnh rồi đuổi cậu ra khỏi phòng. Sau đó ông để ý thấy Lomann còn để quên cuốn tập lại trên bàn, lật qua ông thấy một đoạn viết về một nữ diễn viên tên Rosa Frohlich. Một âm mưu nảy ra trong đầu Mut: Ông sẽ bắt quả tang Lomann đang lơn tơn với cô diễn viên này, rõ ràng là một người đàn bà hư hỏng, và sẽ tống cổ cậu chàng ra khỏi trường.
Trước hết ông phải tìm ra cô ả biểu diễn ở đâu. Ông tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng thấy tên cô bên ngoài một câu lạc bộ gọi là Thiên Thần Xanh. Ông bước vào. Đó là một nơi nồng khói thuốc, toàn dạng dân lao động mà ông vẫn coi thường. Rosa đang trên sân khấu. Cô đang hát; cách cô nhìn khán giả rất trâng tráo nhưng không hiểu sao Mut thấy ánh mắt ấy làm ông quên hết mọi tức giận. Ông nghỉ ngơi một chút, uống một chút rượu. Khi cô diễn xong, ông tìm đến phòng thay đồ, quyết tra hỏi cô chuyện Lomann. Vậy mà khi đã vào trong ông bỗng cảm thấy khó chịu kì lạ nhưng cũng cố lấy hết dũng cảm kết cô tội dụ dỗ những nam sinh và dọa sẽ báo cảnh sát đóng cửa câu lạc bộ này. Nhưng Rosa không hề e sợ. Cô lật ngược mọi câu nói của Mut: Có lẽ ông mới chính là người khiến bọn học sinh lầm đường lạc lối. Giọng điệu của cô phỉnh phờ và châm biếm. Vâng, thì Lomann đã mua rượu và hoa cho cô – vây thì sao? Chưa ai dám nói chuyện với Mut kiểu này; giọng nói uy quyền của ông thường làm người khác phải chịu thua. Lẽ ra ông phải cảm thấy xúc phạm: Cô ta ở tầng lớp thấp và là đàn bà, còn ông là một hiệu trưởng, vậy mà cô nói chuyện như thể họ đồng đẳng với nhau. Tuy nhiên ông không nổi giận cũng chẳng bỏ đi – có gì đó khiến ông ở lại.
Giờ thì cô im lặng. Cô nhặt chiếc vớ lên và cứ phớt lờ ông, bắt đầu mạng nó lại; mắt ông thì cứ dõi theo mỗi cử động của cô, đặc biệt là kiểu cô xoa cái đàu gối trần của mình. Cuối cùng ông lại nhắc chuyện Lomann và chuyện cảnh sát. “Ông không hề biết cuộc sống là như thế nào,” cô nói. “Mọi người đến đây đều nghĩ mình là viên sỏi nhỏ trên bãi biển. Nếu ông không cho họ cái họ cần, họ sẽ lấy cảnh sát ra đe dọa ông.” “Tôi vô cùng hối hận đã làm tổn thương một phụ nữ,” ông ngượng ngập. Khi cô đứng dậy khỏi ghế, đầu gối họ chạm nhau, ông thấy lạnh xương sống. Giờ cô lại tỏ ra tử tế, rót cho ông một chút rượu. Cô mời ông quay lại, rồi bỏ đi để diễn một tiết mục khác.
Ngày hôm sau ông vãn cứ nghĩ về những lời cô nói, và cả ánh nhìn. Nghĩ về cô ta khi đang dạy làm ông có một cảm giác sung sướng hư hỏng. Tối đó ông quay lại câu lạc bộ, vẫn quyết bắt quả tang Lomann, rồi lại thấy mình đang ở trong căn phòng ấy, uống rượu và trở nên thụ động kì lạ. Cô nhờ ông giúp mặc đồ; dường như đó là một vinh hạnh và ông đã giúp. Giúp cô mặc áo ngực và trang điểm, ông quên bén chuyện Lomann. Ông thấy mình đang dấn thân vào một thế giới khác. Cô véo má và xoa cằm ông, đôi khi để ông liếc ngắm cặp chân trần khi cô kéo vớ lên.
Giờ thì Giáo sư Mut xuất hiện hết đêm này đến đêm khác, giúp cô thay quần áo, xem cô biểu diễn, với sự tự hào kinh ngạc. Ông đến đó thường xuyên đến độ Lomann và các bạn cậu không xuất hiện nữa. Ông đã thay chỗ của họ – ông là người tặng hoa cho cô, trả tiền rượu cho cô, là người phục vụ cho cô. Vâng, một người đàn ông như ông đã thắng anh chàng Lomann trẻ tuổi vốn cứ nghĩ anh ta quyến rũ lắm! Ông rất thích mỗi khi cô xoa cằm khen ông làm tốt nhưng ông còn thích thú hơn nữa khi cô quở trách, ném bông phấn vào mặt hay xô ông ngã xuống ghế. Điều đó có nghĩa là cô thích ông. Vậy là dần dân ông chi trả cho tất cả những thất thường của cô. Cũng khá nhiều tiền nhưng giữ được cô tránh xa những gã đàn ông khác. Cuối cùng ông cầu hôn cô. Họ cưới nhau rắc rối nối tiếp nhau kéo đến: Ông mất việc, nhanh chóng hết tiền và cuối cùng vào tù. Tuy nhiên cuối cùng lại ông vẫn không hề giận Rosa. Ông lại còn cứ thấy áy náy: Mình chưa làm được gì nhiều cho cô ấy.
Giải thích. Giáo sư Mut và Rosa Frohlich là những nhân vật trong tiểu thuyết Thiên Thần Xanh của Heinrich Mann viết năm 1905, sau đó chuyển thể thành phim do Marlene Dietrich đóng vai chính. Cách Rosa quyến rũ Mut là theo kiểu hồi tưởng Oedipus cổ điển. Trước tiên, người nữ đối xử với người nam giống kiểu mẹ với con trai. Cô la rầy ông nhưng kiểu rầy la không dữ tợn mà dịu dàng pha chút chọc ghẹo. Là người mẹ, bà biết mình đang cư xử với một người yếu thế hơn, một người cứ hư hỏng không kìm chế được. Bà pha lẫn trong quở trách những lời khen ngợi và động viên. Một khi người đàn ông đã bắt đầu hồi tưởng, bà lại thêm vào yếu tố thể chất – một chút đụng chạm thân thể khiến ông thích thú, tinh tế gợi một chút nhục dục. Nếu người đàn ông hồi tưởng, họ có thể sẽ có được phần thưởng rất sung sướng, đó là ngủ với mẹ mình. Nhưng phải luôn có một yếu tố cạnh tranh mà người mẹ phải cố tình nhấn mạnh. Người đàn ông phải dành được mẹ cho riêng mình, điều ông đã không làm được khi có cha, nhưng trước hết ông phải dành được bà từ những người khác.
Bí quyết của kiểu hồi tưởng này là xem con mồi như con trẻ. Không gì về họ làm bạn sợ cho dù họ có quyền lực hay vị thế trong xã hội đến thế nào đi nữa. Kiểu cách của bạn phải cho thấy bạn là bên mạnh hơn. Để được vậy có lẽ nên tưởng tượng họ khi còn nhỏ; bỗng nhiên những kẻ quyền lực dường như không còn uy quyền và đáng sợ nữa khi bạn tưởng tượng lúc họ còn nhỏ. Hãy nhớ rằng có những người dễ rung động hơn đối với hồi tưởng Oedipus. Hãy tìm những người, giống Giáo sư Mut, bên ngoài có vẻ rất trưởng thành – khắt khe, nghiêm trọng, hơi tự mãn. Họ đang cố gắng kìm nén khuynh hướng hồi tưởng để khỏa lấp những nhược điểm của mình. Thường người dường như có thể tự điều khiển mình nhất là những người dễ hồi tưởng nhất. Thật ra họ thầm ao ước điều đó vì quyền lực, vị thế, trách nhiệm họ đang mang là gánh nặng hơn là niềm vui.
3. Sinh ra năm 1768, nhà văn Pháp Francois René de Chateaubriand lớn lên trong tòa lâu đài thời trung cổ ở Britany. Tòa lâu đài lạnh lẽo và u ám như thể có thể có những con ma quá khứ cư ngụ. Cả gia đình sống gần như ẩn dật ở đó. Chateaubriand hầu như suốt ngày ở cùng với người chị tên Lucile và gắn kết với chị đến độ xung quanh đồn đãi họ loạn luân. Nhưng khi ông khoảng mười lăm tuổi, một người phụ nữ mới tên Sylphide bước vào cuộc đời ông – một phụ nữ ông tự tưởng tượng ra, một tổng hợp tất cả những anh hùng, vị thánh, gái bao ông đã đọc trong sách. Ông thường xuyên hẹn hò với hình ảnh của bà trong tưởng tượng và nghe cả giọng nói của bà. Sau đó bà còn đi dạo, nói chuyện với ông. Ông tưởng tượng bà trong sáng và thanh cao, nhưng đôi khi họ cũng làm những chuyện không trong sáng lắm. Ông tiếp tục mối quan hệ này trong hai năm, đến khi ông đi Paris và thay thế Sylphide bằng những phụ nữ bằng da bằng thịt.
Công chúng Pháp, đang mệt mỏi sau những trận khủng bố những năm 1970, chào đón nồng nhiệt quyển sách đầu tiên của Chateaubriand, cảm nhận trong đó một tinh thần mới. Tiểu thuyết của ông đầy những lâu đài lộng gió, những anh hùng cô độc và những nữ anh hùng đầy tình cảm. Chủ nghĩa lãng mạn lên ngôi. Chính Chateaubriand giống những nhân vật trong tiểu thuyết của ông, và cho dù có ngọai hình không quyến rũ lắm, phụ nữ vẫn điên cuồng chạy theo ông – với ông họ có thể trốn khỏi những cuộc hôn nhân chán ngắt của mình để sống kiểu tình yêu lãng mạn sôi động như trong tiểu thuyết ông viết. Tên mọi người thường gọi Chateaubriand là Bùa Mê, và dù ông đã có vợ và là một tín đồ ngoan đạo của Thiên Chúa giáo, số chuyện ngoại tình của ông tăng lên theo năm tháng. Nhưng ông có bản chất không ngơi nghỉ – ông du lịch đến Trung Đông, đến Mỹ rồi khắp cả châu Âu. Đến bất kì đâu ông cũng không thể tìm được thứ mình cần và cả người phụ nữ thật sự của mình nữa: Khi những kịch tính ban đầu của một cuộc tình qua đi, ông lại ra đi. Cho đến năm 1807 ông đã có quá nhiều chuyện tình, nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn, đến độ ông quyết định rút lui về tòa lâu đài ở vùng quê của mình gọi là Vallée aux Loups. Ở đây ông bắt đầu trồng các loại cây từ khắp thế giới, biến vùng đất này thành một nơi như trong tiểu thuyết của ông. Cũng tại đây ông bắt đầu viết tự truyện mà ông mường tượng sẽ là kiệt tác của mình.
Tuy nhiên đến năm 1817, cuộc đời Chateaubriand bắt đầu xuống dốc. Vấn đề tài chính buộc ông phải bán Vallée aux Loups. Đã trạc lục tuần, ông chợt cảm thấy già, cảm hứng cạn kiệt. Năm đó ông đến thăm nhà văn Phu nhân Stael, bị bệnh nặng và đang cận kề cái chết. Ông ở bên giường bệnh nhiều ngày, cùng người bạn thân của bà là Juliette Récamier. Chuyện tình của Phu nhân Récamier cũng rất nổi tiếng. Bà được gả cho một người đàn ông hơn nhiều tuổi nhưng họ không sống với nhau trong một thời gian; bà đã làm tan vỡ trái tim nhiều người đàn ông danh tiếng ở châu Âu, trong đó có Hoàng tử Metternich, Công tước Wellington và nhà văn Benjamin Constant. Còn có cả tin đồn đại rằng mặc cho những yêu đương lăng nhăng bà vẫn còn là một trinh nữ. Giờ đây đã gần bốn mươi nhưng bà vẫn là loại người dường như ở độ tuổi nào cũng trẻ trung. Gần gũi nhau hơn khi cùng lo lắng cho cái chết của Stael, bà và Chateubriand đã thành bạn bè. Bà luôn chăm chú lắng nghe, thông hiểu tâm trạng của ông, làm ông cảm thấy như cuối cùng mình đã gặp được người phụ nữ hiểu mình. Phu nhân Récamier có gì đó rất thanh tao. Dáng đi, giọng nói, ánh mắt – nhiều đàn ông đã so sánh bà với những thiên thần siêu trần. Không lâu sau Chateubriand bị thiêu đốt bởi khao khát muốn sở hữu bà trọn vẹn.
Một năm sau bà có một ngạc nhiên cho ông: Bà đã thuyết phục một người bạn mua Vallée aux Loups. Người bạn có việc đi xa vài tuần nên bà mời Chateubriand cùng bà đến khu nhà cũ của ông một thời gian. Ôngười vui vẻ nhận lời. Ông dẫn bà đi xem xung quanh, kể bà nghe từng mảnh đất nhỏ có ý nghĩa với ông đến mức nào, những kí ức mà khu nhà gợi ông nhớ lại. Ông lại cảm thấy trong mình dậy lên cảm giác tươi trẻ, cảm giác mà dường như ông đã quên mất. Ông chìm sâu vào quá khứ, kể lại những chuyện thời thơ ấu. Giây phút này, dạo bộ cùng Phu nhân Récamier, nhìn vào đôi mắt ấm áp ấy, ông chợt run rẩy nhận thấy điều gì đó, nhưng ông vẫn chưa định hình được đó là gì, chỉ biết rằng ông phải ngược về những kí ức đã bị xếp lại. “Tôi định dùng ít thời gian còn lại để tường thuật lại tuổi thanh xuân của mình,” ông nói, “miễn là tôi còn cảm thấy được cái chất ấy trong mình.”
Dường như Phu nhân Récamier cũng đáp lại tình yêu của Chateubriand nhưng như mọi khi, bà cố gắng giữ cho nó chỉ là một chuyện tình về tinh thần. Tuy nhiên ông rất xứng đáng với biệt danh Bùa Mê. Thơ của ông, vẻ âu sầu và sự kiên nhẫn cuối cùng đã chiến thắng và bà chịu thua cuộc, có lẽ là lần đầu tiên trong đời. Giờ đây đã là tình nhân, họ không thể chia rẽ nữa. Nhưng như mọi khi đối với Chateaubriand, qua một thời gian thì một người phụ nữ dường như chưa đủ. Bản chất không ngơi nghỉ dường như lại quay trở lại. Ông lại bắt đầu ngoại tình. Không lâu sau hai người không hạn hò nhau nữa.
Năm 1832 Chateubriand đang chu du khắp Thụy Điển. Một lần nữa cuộc đời ông lại xuống dốc; đến lần này ông mới thật sự cảm thấy già đi, cả cơ thể và tinh thần. Tại dãy Anpơ, những ý tưởng kì lạ thời trẻ lại ồ ạt kéo về, những kí ức trong lâu đài ở Brittany. Ông nghe đâu Phu nhân Récamier lúc đó cũng đang ở trong vùng này. Ông đã không gặp bà nhiều năm nên vội vã đến ngay quán trọ bà đang ở. Bà vẫn đối tốt với ông như mọi khi; cả ngày họ cùng nhau đi dạo, rồi đêm đến cùng thức thật khuya, nói chuyện.
Một ngày kia, Chateubriand bảo Récamier rằng cuối cùng ông đã quyết định kết lại cuốn hồi kí. Và ông có một điều phải thú nhận: Ông kể bà nghe chuyện Sylphide, người tình trong tưởng tượng thời đang lớn. Ông từng hy vọng được gặp Sylphide trong đời thật nhưng những phụ nữ ông gặp so ra lại quá nhạt nhòa. Năm tháng qua đi ông quên mất người tình trong tưởng tượng này, nhưng giờ đây khi đã già, ông không chỉ nghĩ về cô ấy trở lại mà còn thấy được khuôn mặt, nghe được giọng nói của cô ấy. Và những kí ức ấy giúp ông nhận thấy thật ra mình đã gặp Sylphide trong đời thật – đó là Phu nhân Récamier. Khuôn mặt và giọng nói ấy rất gần gũi. Quan trọng hơn nữa là tư chất điềm tĩnh, phẩm chất trinh nữ, thanh cao. Đọc cho bà nghe những lời cầu nguyện ông viết cho Sylphide, ông bảo ông muốn được trẻ lại, và hẹn hò với bà mang lại cho ông tuổi thanh xuân. Làm lành với Phu nhân Récamier, ông lại tiếp tục viết tiếp cuốn hồi kí, và cuối cùng xuất bản với tựa đề Kí ức từ Bên ngoài Nấm mồ. Hầu hết các nhà phê bình công nhận đây là một tuyệt tác của ông. Cuốn hồi kí được đề tặng cho Phu nhân Récamier, người mà ông cận kề đến lúc ông mất vào năm 1848.
Giải thích. Chúng ta ai cũng mang theo mình một mẫu người lí tưởng mà ta mơ ước được gặp, được yêu. Thường thì mẫu người này tập hợp những phẩm chất tốt đẹp từ nhiều người ta gặp khi còn nhỏ, thậm chí từ cả những nhân vật trong truyện hay phim. Những người thường xuyên tác động đến ta – chẳng hạn như một giáo viên – cũng có nhiều ảnh hưởng. Những nét tính cách này chẳng liên quan đến những thói quen thông thường mà thường là vô thức, khó diễn đạt thành lời.
Ở tuổi dậy thì khi thường lí tưởng hóa mọi việc ta thường cố công tìm kiếm mẫu người này. Thường tình yêu đầu đời của ta mang những nét tính cách này nhiều hơn là những chuyện tình sau đó. Đối với Chateubriand, sống kiểu nửa ẩn dật trong tòa lâu đài thời thơ ấu, tình yêu đầu đời của ông là người chị Lucile, người ông yêu quí và lí tưởng hóa. Nhưng vì yêu chị là không thể được nên ông tạo ra trong trí tưởng tượng một người có tất cả những nét tính cách của chị mà ông thích – tinh thần thanh cao, trong sáng, dũng cảm.
Phu nhân Récamier có thể không biết chuyện mẫu người lí tưởng của Chateubriand nhưng bà biết một điều về ông, biết rõ ngay cả trước khi gặp ông. Bà đã đọc hết những cuốn sách ông viết, và những nhân vật trong truyện lại mang tính tự truyện cao. Bà biết nỗi ám ảnh về tuổi xuân đã mất của ông; và ai cũng biết những chuyện tình không dứt và không biết mệt mỏi của ông, tinh thần không hề muốn ngơi nghỉ của ông. Phu nhân Récamier biết cách phản chiếu người khác, đi vào tâm hồn họ, và một trong những bước đầu tiên của bà là đưa Chateubriand về lại khu nhà Vallée aux Loups, nơi ông cảm thấy mình đã để lại một phần tuổi xuân nơi đó. Những kí ức sống lại, ông hồi tưởng xa hơn về thời thơ ấu, về những ngày ở lâu đài. Bà tích cực khuyến khích điều này. Điều quan trọng nhất, bà là hiện thân cho một tinh thần đến với bà một cách tự nhiên nhưng lại hợp với lí tưởng thời trẻ của ông: Trong sáng, thanh cao, tốt bụng. Chuyện rất nhiều người đàn ông phải lòng bà cho thấy họ cũng có những lí tưởng tương tự như vậy.) Phu nhân Récamier là Lucile/Sylphide. Phải mất nhiều năm sau ông mới nhận ra điều đó và khi nhận ra thì bùa mê của bà đối với ông trở nên trọn vẹn.
Gần như không thể hiện thân hoàn toàn cho lí tưởng của ai đó. Nhưng nếu càng giống, nếu khơi gợi được những lí tưởng đó, bạn sẽ dẫn dụ được người đó dấn sâu vào vòng quyến rũ của mình. Muốn tạo hiệu ứng hồi tưởng, bạn phải đóng vai một bác sĩ tâm lí. Khiến con mồi mở cánh cửa quá khứ, nhất là những cuộc tình đã qua và đặc biệt nhất là tình yêu đầu tiên của họ. Hãy để ý mọi biểu hiện thất vọng, người này người kia đã không đáp ứng được những gì họ muốn như thế nào. Dưa họ đến những nơi có thể khơi gợi lại tuổi trẻ. Hồi tưởng kiểu này không khơi gợi nhiều đến sự phụ thuộc và chưa trưởng thành mà gợi nhớ đến tinh thần tươi mới của tình yêu đầu đời. Có một nét trong sáng trong mối quan hệ này. Cuộc sống của người lớn có quá nhiều thỏa hiệp, quỷ quyệt và một chút khắc nghiệt. Tạo môi trường lí tưởng bằng cách loại bỏ những thứ đó, đưa người kia vào một mối quan hệ yếu ớt, tạo lại cảm giác trinh nguyên. Chuyện tình này phải mang chút tính chất như trong mơ, như thể con mồi đang sống lại tình yêu đầu đời của mình nhưng không thể tin được điều đó. Hãy khiến tất cả những lí tưởng này dần dần được hé mở Cảm giác được sống lại những vui vẻ thời quá khứ rõ ràng là điều không thể từ chối được.
4. Khoảng mùa hè năm 1614, nhiều thành viên giới quí tộc Anh, trong đó có Tổng Giám mục thành phố Canterbury, họp lại để bàn xem phải đối phó thế nào với Bá tước Somerset, người được vị vua James đệ nhất lúc này đã bốn mươi tám tuổi sủng ái. Sau tám năm được sủng ái, vị bá tước nọ đã thâu tóm được nhiều quyền lực và của cải, và cả những tước vị, đến mức chẳng còn gì cho người khác. Nhưng làm sao tống khứ được con người giờ đã đầy quyền uy này? Lúc bấy giờ những người đang bày mưu tính kế này không tìm được câu trả lời.
Một vài tuần sau, khi nhà vua kiểm tra chuồng ngựa hoàng gia, ông thấy một thanh niên mới vào triều: Chàng thanh niên George Villiers hai mươi hai tuổi, một người thuộc tầng lớp thấp. Các quan chức tháp tùng nhà vua ngày hôm đó quan sát thấy ánh mắt nhà vua cứ dõi theo Villiers và ông hỏi han về người thanh niên này với thái độ quan tâm đến thế nào. Thật ra ai cũng phải thừa nhận rằng đây là một thanh niên rất đẹp, có khuôn mặt thiên thần và dáng vẻ trẻ con rất lôi cuốn. Khi tin nhà vua quan tâm đến Villiers đến tai những người đang bày mưu, họ biết ngay rằng mình đã tìm được điều cần tìm: Một thanh niên có thể quyến rũ được đức vua và thay thế ke rdj sủng ái đáng sợ kia. Tuy nhiên để tự nhiên thì việc quyến rũ sẽ không thể nào xảy ra. Họ phải giúp xúc tiến điều đó. Vì vậy họ làm bạn với Villiers mà không cho anh ta biết kế hoạch của mình.
Vua James là con trai của nữ hoàng Mary triều đại Scots. Tuổi thơ của ông là một cơn ác mộng: Cha ông, người được mẹ ông sủng ái nhất, và toàn bộ ê kíp của ông bị sát hại; mẹ ông lúc đầu bị đày, sau bị hành hình. Khi James còn nhỏ, để tránh bị nghi ngờ ông phải giả vờ bị tâm thần. Ông căm ghét hình ảnh thanh gươm và không chịu được một dấu hiệu nhỏ nhất của việc tranh cãi. Khi người em họ là Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất qua băng hà năm 1603 không người nối dõi, ông trở thành vua Vương Quốc Anh.
James tập trung quanh mình những thanh niên vui vẻ, sáng sủa và dường như thích nam giới hơn. Năm 1612, con trai ông là hoàng tử Henry mất. Đức vua không thể nào nguôi ngoai được. Ông cần tiêu khiển và được cổ vũ mà người được ông sủng ái, Bá tước Somersest, thì giờ không còn trẻ trung và quyến rũ nữa. Thời cơ cho một cuộc quyến rũ đã chín muồi. Vì vậy những người bày mưu bắt đầu huấn luyện Villiers dưới danh nghĩa giúp anh tiến thân trong triều đình. Họ cho anh ta một tủ quần áo lộng lẫy, trang sức, một cỗ xe sang trọng, những thứ mà nhà vua thường để ý. Họ tập anh ta cưỡi ngựa, đấu kiếm, chơi quần vợt, chơi chim cảnh, chó cảnh. Anh được dạy nghệ thuật nói chuyện – làm thế nào để tâng bốc, kể chuyện hài, thở dài đúng lúc. Cũng may Villiers là người tiếp thu tốt; bản chất anh ta vui vẻ và dường như không gì làm anh ta bận tâm nhiều. Cùng năm đó, những người bày mưu sắp xếp để anh được chọn làm người rót nước trong cung điện: Mỗi tối anh ta rót rượu cho nhà vua để ngài nhìn anh ta gần hơn. Sau một vài tuần nhà vua đã phải lòng anh ta. Anh chàng dường như cầu xin được quan tâm và nhẹ nhàng chăm sóc, chính là những gì ngài muốn ban phát. Thật tuyệt vời khi uốn nắn và dạy dỗ anh ta! Và anh ta có một vóc dáng thật hoàn hảo!
Những người bày mưu thuyết phục Villiers hồi hôn với một cô gái trẻ; nhà vua là người một lúc chỉ quan hệ tình cảm với một người và không chịu được việc phải tranh giành trong tình cảm. Không lâu sau nhà vua lúc nào cũng muốn quanh quẩn bên Villiers vì anh có những tính cách mà ngài ao ước: Ngây thơ và một tinh thần vô tư lự. Nhà vua chọn Villiers làm người chăm sóc phòng ngủ cho ngài để họ có thể ở riêng với nhau. Điều đặc biệt lôi cuốn James là Villiers không hề đòi hỏi một điều gì.
Cho đến năm 1616 Villiers đã hoàn toàn thay thế được người được sủng ái cũ. Giờ anh ta là Bá tước Buckingham và là thành viên trong Hội đồng cơ mật. Tuy nhiên trước sự sửng sốt của những người bày mưu, anh ta nhanh chóng thâu tóm các đặc quyền đặc lợi thậm chí còn nhiều hơn cả Bá tước Somerset trước đây. Nhà vua thường gọi anh ta là người yêu trước công chúng, sửa áo hay chải tóc cho anh ta. James sốt sắng bảo vệ người mình yêu quí, lo lắng gìn giữ sự trong sáng chàng thanh niên. Ngài chăm sóc từng ý thích của anh ta, thực tế là biến thành nô lệ của anh ta. Thực ra nhà vua dường như đang hồi tưởng; mỗi khi Steenie, tên ngài đặt cho anh ta, bước vào phòng, anh ta hành động như một đứa trẻ. Hai người không thể tách rời nhau cho đến khi nhà vua mất năm 1625.
Giải thích. Chúng ta bị in đậm dấu ấn của cha mẹ theo kiểu mà ta không thể nào hoàn toàn hiểu được. Nhưng cha mẹ cũng bị đứa con ảnh hưởng và quyến rũ tương tự như vậy. Có thể họ đóng vai người bảo vệ nhưng trong quá trình đó lại tiếp thu tinh thần và năng lượng của đứa con, sống lại một phần tuổi thơ của họ. Và cũng giống như đứa trẻ đấu tranh chống lại cảm giác nhục dục đối với cha mẹ, cha mẹ cũng phải đè nén cảm giác ấy dưới sự dịu dàng chăm sóc con. Cách tốt nhất và ngấm ngầm nhất để quyến rũ người khác là tự đặt mình ở vị trí đứa trẻ. Cứ nghĩ mình mạnh mẽ hơn, quyền uy hơn, họ sẽ bị lôi vào lưới của bạn. Họ sẽ cảm thấy không có gì đáng sợ. Tôn lên vẻ chưa trưởng thành và yếu ớt của bạn để họ có được niềm vui bảo vệ, nuôi dưỡng bạn – một khao khát mạnh mẽ khi người ta có tuổi. Điều họ không nhận ra là bạn đã luồn lách dưới lớp da của họ – chính đứa bé là người điều khiển người lớn. Sự ngây thơ của bạn làm họ muốn bảo vệ bạn và lại là quan hệ có tích dục tính. Ngây thơ có tính quyến rũ cao; một số người thậm chí còn ao ước được đóng vai người hủy hoại tính ngây thơ. Khuấy động cảm giác nhục dục tiềm ẩn trong họ và bạn có thể dẫn dụ họ lầm đường lạc lối vì họ luôn hy vọng có được lạc thú bấy lâu bị kìm nén: Được ngủ với đứa trẻ. Trước mặt bạn họ cũng bắt đầu hồi tưởng vì bị tiêm nhiễm bởi sự trẻ con, vui đùa của bạn.
Tất cả những điều này dường như đến với Villiers một cách tự nhiên nhưng bạn phải có tính toán một chút. Cũng may là chúng ta ai cũng có trong mình khuynh hướng trẻ con có thể dễ dàng khơi gợi lại và cường điệu hóa lên. Hãy làm như những cử chỉ của mình tình cờ và tự nhiên. Những yếu tố nhục dục phải tỏ ra ngây thơ. Vô thức. Giống như Villiers đừng vội đòi hỏi điều gì. Cha mẹ hay thích làm hư những đứa trẻ không đòi hỏi điều gì. Tỏ vẻ không nhận xét, chỉ trích những gì diễn ra xung quanh sẽ làm bạn dường như tự nhiên và ngây thơ hơn. Hãy sống vui vẻ, thoải mái nhưng có một chút bỡn cợt. Tôn lên những điểm yếu của mình, những điều bạn không thể kiểm soát được. Hãy nhớ: Hầu như ai cũng nhớ lại thời thơ bé với sự trìu mến nhưng nghịch lí là những người có mối gắn kết chặt chẽ với thời thơ ấu chính là những người có tuổi thơ khó khăn nhất. Thật ra hoàn cảnh không cho họ được làm trẻ con nên họ không thể lớn lên và ao ước cái thiên đàng mình chưa được nếm trải. James đệ nhất rơi vào trường hợp này. Những loại người này là những con mồi thích hợp nhất cho chiến thuật hồi tưởng ngược.
Biểu tượng
Cái Giường. Nằm một mình trên giường, đứa bé cảm giác không được bảo vệ, sợ sệt, cần có người chăm sóc. Ở phòng bên cạnh có chiếc giường của ba mẹ. Nó lớn nhưng bị cấm đoán, nơi có những chuyện mà bạn không được phép biết. Hãy cho con mồi cả hai cảm giác – cần được chăm sóc và vượt giới hạn cho phép – khi đặt họ lên giường và ru họ ngủ.
Điểm yếu
Đảo ngược các chiến thuật hồi tưởng, các bên trong quá trình quyến rũ đều sẽ phải làm người lớn. Điều này không chỉ hiếm có mà còn chẳng vui vẻ lắm. Quyến rũ là nhận thấy những lạc thú nào đó. Làm một người lớn chín chắn và trách nhiệm không phải là một lạc thú, đó là trách nhiệm. Hơn nữa, một người lớn trong quan hệ với bạn khó quyến rũ hơn nhiều. Trong các kiểu quyến rũ – chính trị, truyền thông, cá nhân – con mồi phải hồi tưởng. Nguy hiểm duy nhất là đứa bé quá sợ cảm giác bị phụ thuộc sẽ quay lại nổi loạn, chống lại người đóng vai cha hay mẹ chúng. Bạn phải chuẩn bị điều này, nhưng đừng giống cha mẹ thực sự, đừng bao giờ làm nghiêm trọng điều đó.
[Ở Nhật,] cách nuôi dạy trẻ truyền thống dường như nhấn mạnh tính phụ thuộc thụ động. Đứa bé, ngày hay đêm, không bao giờ bị bỏ một mình ví nó thường được ngủ với mẹ. Khi ra ngoài, đứa bé không được đẩy trong xe nôi để nó đối mặt với thế giới mà được buộc chặt trên lưng mẹ bằng một tấm khăn ấm áp. Khi người mẹ cúi chào ai, đứa bé cũng làm theo vì vậy sự duyên dáng trong xã hội có được một cách tự nhiên khi nó cảm nhận nhịp tim đập của mẹ. Vì vậy cảm giác an toàn dường như phụ thuộc hoàn toàn vào sự có mặt của người mẹ.
…Trẻ con biết rằng thể hiện sự phụ thuộc thụ động cách tốt nhất để có được tình cảm hay điều mình muốn. Có một từ cho điều này trong tiếng Nhật: Amaeru, được dịch là “đoán chừng được tình cảm của người khác; hành động như trẻ con”. Theo bác sĩ tâm lí Doi Takeo đây là điểm mấu chốt để giải thích tính cách của người Nhật. Điều đó còn tiếp tục đến cuộc sống sau này khi trưởng thành: Người nhỏ hơn thường cung kính người lơn hơn, hay trong bất kì nhóm người nào trong xã hội, phụ nữ thường cung kính đàn ông, đàn ông thì cung kính mẹ và đôi khi cả vợ…
…Tạp chí Phụ Nữ Trẻ (trên số báo Tháng 01/1982) có một bài đặc biệt về “cách tự làm đẹp”, nói cách khác là làm thế nào hấp dẫn đàn ông. Tiếp theo, một tạp chí Mỹ hay châu Âu thường sẽ cho độc giả biết cách làm thế nào để gây thèm muốn tình dục, dĩ nhiên là đề nghị các loại bông phấn, kem dưỡng da và nước hoa. Nhưng Phụ Nữ Trẻ thì không thế. Nó cho biết, “Những phụ nữ hấp dẫn nhất là những người có tình mẹ bao la. Những phụ nữ không có tình mẹ là loại người không nam giới nào muốn lấy làm vợ… Phải nhìn đàn ông dưới con mắt một người mẹ.”
Ian Buruma, Sau chiếc mặt nạ: Về những con quỉ tình dục, những người mẹ thiêng liêng, những tay găngxtơ, những kẻ lang bạt và những anh hùng khác trong văn hóa Nhật
Tôi đã nhấn mạnh rằng người ta yêu phải là người thay thế cho cái bản ngã lí tưởng của ta. Hai người yêu nhau là đang hoán đổi cái lí tưởng của mình. Họ yêu nhau chính là họ yêu cái lí tưởng của chính mình ở người kia. Sẽ không có tình yêu trên trái đất nếu không có nguyên tắc đó. Chúng ta yêu vì không thể có được cái tôi tốt hơn của chính mình. Khái niệm này cho thấy rõ ràng tình yêu chỉ có được trong một bối cảnh văn hóa nào đó hoặc khi sự phát triển nhân cách đã đạt đến một giai đoạn nhất định. Việc tạo ra bản ngã lí tưởng đánh dấu một bước tiến triển của loài người. Khi người ta hoàn toàn hài lòng với cái tôi thực tại của mình, sẽ không thể có tình yêu. Việc chuyển cái tôi lí tưởng sang một người khác là đặc điểm cơ bản nhất của tình yêu.
Theodore Reik, Tình yêu và Tình dục
Tôi cho [Sylphide] đôi mắt của một cô gái trong làng, làn da tươi mát của một cô gái khác. Chân dung của những phụ nữ vĩ đại thời Francis I, Henry IV và Louis XIV treo trong phòng tranh cho tôi mượn những đặc điểm khác, thậm chí tôi còn mượn nét đẹp trong những bức tranh chụp Madonna trong nhà thờ. Nhân vật ảo thuật này tàng hình theo tôi mọi nơi, tôi nói chuyện với
cô ấy như với một người thật; cô thay đổi hình dáng tùy theo tính điên rồ của tôi; Aphrodite không đeo mạng che mặt, Diana khuất sau bầu trời xanh và hoa hồng, Thalia trong chiếc mặt nạ cười, Hebe với chiếc ly tuổi xuân – hoặc cô ấy biến thành một nàng tiên, cho tôi cái quyền được điều khiển cả thiên nhiên… Ảo giác này kéo dài cả hai năm, suốt quãng thời gian đó tâm hồn tôi đã đạt được đến đỉnh cao nhất của cảm giác ở trên mây.
Chateaubriand, Hồi kí từ Bên ngoài Nấm mồ, trích trong Friedrich Sieburg, Chateaubriand, do Violet M. MacDonald dịch