Ít ra trong lúc này chúng tôi có thể ngủ ngon ở nhà, Henryk và tôi không phải trú tạm suốt đêm trong phòng mổ của bác sĩ là nơi đỡ lo lắng nhất. Ở đó không thoải mái một chút nào, Henryk ngủ trên bàn mổ, tôi ngủ trên bàn khám phụ khoa, sáng sáng khi thức giấc, mắt tôi lại thấy những bức ảnh chụp X quang treo trên đầu cho khô, chụp các bệnh tim, những lá phổi bị lao, sỏi mật, xương gẫy, vân vân. Tuy vậy, ông bạn bác sĩ của chúng tôi, người đứng đầu hiệp hội y tế, đã có lý khi nói rằng ngay trong những cuộc lùng sục bắt bớ trong đêm tàn bạo nhất, chưa lần nào bọn cầm đầu Gestapo khám xét phòng mổ, cho nên đây là nơi trú ẩn an toàn nhất đối với chúng tôi.
Nhìn bên ngoài, vẻ hoàn toàn bình thường này kéo dài đến một ngày thứ sáu hạ tuần tháng Tư, một cơn sợ hãi bất ngờ lan khắp ghetto. Có vẻ như vô lý vì ngay sau đó nếu bạn hỏi mọi người vì sao hoảng hốt và sợ hãi như vậy, và họ cho là sắp xảy ra một chuyện gì, không ai có thể trả lời cụ thể, ấy thế mà ngay sau giờ trưa, tất cả mọi cửa hàng đều đóng cửa và mọi người đều ở nhà.
Tôi không biết chắc chuyện gì đã xảy ra ở tiệm cà phê. Tôi đến Sztuka như thường lệ, nhưng nó cũng đóng cửa nốt. Trên đường về nhà, tôi đặc biệt cảm thấy căng thẳng khi bất chấp mọi câu vặn vẹo vẫn hỏi những người quen biết thạo tin, tôi thấy không thể biết chuyện gì sắp xảy ra. Không ai có thể biết được.
Tất cả chúng tôi ở nhà, mặc nguyên quần áo cho đến 11 giờ, đến lúc đó chúng tôi quyết định đi ngủ, vì bên ngoài mọi vật đều yên tĩnh. Chúng tôi hầu như tin rằng sự sợ hãi chỉ là kết quả của những tin đồn vô căn cứ. Đến sáng, cha tôi là người đầu tiên ra ngoài. Vài phút sau ông trở về, tái xanh và hoảng hốt, đêm qua bọn Đức đã ập vào rất nhiều ngôi nhà, lôi khoảng 70 người đàn ông ra phố và bắn chết. Chưa ai dám ra nhặt xác.
Như thế là nghĩa gì? Những người ấy đã làm gì bọn Đức? Chúng tôi ngạc nhiên và công phẫn.
Không có câu trả lời cho mãi đến trưa, nhiều tấm áp phích được dán trên các phố vắng tanh vắng ngắt. Nhà cầm quyền Đức thông báo có trách nhiệm tẩy rửa khu vực của chúng tôi trong thành phố này, vì những “lý do không mong muốn”, nhưng hành động của họ không ảnh hưởng đến lòng tin của dân chúng: các cửa hiệu và tiệm cà phê phải mở cửa lại ngay lập tức, dân chúng phải trở lại nếp sống bình thường, sẽ không có chuyện gì nguy hiểm.
Tháng tiếp theo trôi qua êm ả. Đang là tháng Năm, tử đinh hương bừng nở đó đây trong các mảnh với nhỏ, trong lúc các chùm hoa keo rủ lòng thòng hé nở, mỗi ngày một nhợt nhạt hơn. Lúc những bông hoa hé nở rực rỡ, thì bọn Đức nhớ đến chúng tôi. Nhưng lần này thì khác hẳn: chúng không muốn tự tay xử lý. Thay vào đó, chúng giao việc săn người cho cảnh sát Do Thái và vụ lao động Do Thái.
Henryk có lý khi anh từ chối gia nhập cảnh sát và mô tả chúng như những tên kẻ cướp. Chúng được tuyển mộ từ những thanh niên trẻ thuộc tầng lớp khá giả hơn trong xã hội, một số người quen của chúng tôi ở trong số này. Chúng tôi kinh hoàng khi thấy những người chúng tôi thường bắt tay, cư xử như bạn bè, giờ đây trở nên hèn hạ đến thế. Có thể nói họ đã nhiễm tinh thần của Gestapo. Ngay khi mặc bộ đồng phục, đội mũ cảnh sát và tay cầm dùi cui cao su, bản chất của họ đã thay đổi. Lúc này tham vọng tối thượng của họ là giữ mối quan hệ gần gũi với Gestapo, trở thành hữu ích cho bọn sĩ quan Gestapo, tuần hành trên phố với chúng, thể hiện khả năng nói tiếng Đức và ganh đua quyết liệt với bọn chủ trong việc xử lý tàn bạo người Do Thái. Điều đó không ngăn cản bọn chúng thành lập ban nhạc jazz cảnh sát và ngẫu nhiên là rất xuất sắc.
Trong cuộc săn người hồi tháng Năm, chúng vây những đường phố cùng với bọn SS thuần chủng và thạo nghề. Chúng sải bước trong những bộ quân phục bảnh bao, la hét thật to những tiếng cục súc bắt chước bọn Đức và đánh đập dân chúng bằng dùi cui.
Tôi ở nhà trong lúc mẹ tôi chạy vào mang tin về cuộc săn người: chúng đã tóm Henryk. Tôi quyết đưa anh trốn ra bằng bất cứ giá nào, dù tôi chỉ trông mong vào việc tôi là một nghệ sĩ dương cầm có tiếng, vì giấy tờ của riêng tôi không hợp lệ. Tôi lên đường xuyên qua một loạt đồn bốt, bị bắt rồi lại được tha, cho đến lúc tới được toà nhà của Vụ lao động. Cảnh sát như những con chó chăn cừu đang dong những người đàn ông từ mọi hướng trước nhà vào bên trong. Đám người cứ lớn mãi lúc nhiều tốp khác từ mọi ngả đường đổ dồn đến. Rất khó khăn tôi mới gặp được vụ phó Vụ lao động và được hứa rằng Henryk sẽ được thả về nhà trước lúc trời tối.
Anh được thả ra thật, tuy nhiên anh rất cáu với tôi làm tôi thật sự ngạc nhiên. Anh cho là tôi đã hạ mình xin xỏ những kẻ thấp hèn như cảnh sát và nhân viên trong bộ lao động.
Thế anh bị đưa đi thì hay hơn sao?
Đấy không phải là việc của mày! – anh gầm lên – đấy là việc chúng nó muốn làm với tao chứ không phải mày! Sao mày lại can thiệp vào việc người khác?
Tôi nhún vai. Tranh cãi với một người điên làm gì?
Đêm hôm ấy, giờ giới nghiêm hoãn đến nửa đêm, để gia đình của những người “được gởi đi lao động” có thời gian mang cho họ chăn mền, đồ lót để thay đổi và đồ ăn dọc đường. Sự “hào hiệp” này về phía người Đức thật đáng cảm động, và cảnh sát Do Thái cũng ra sức giành lại lòng tin của chúng tôi.
Không lâu sau tôi được biết rằng hàng ngàn đàn ông bị vây bắt trong ghetto và đưa thẳng đến trại Treblinka để bọn Đức thử nghiệm hiệu quả của phòng hơi ngạt và các lò thiêu người mới xây.
Một tháng yên lặng nữa trôi qua rồi vào một đêm tháng Sáu, một trận tắm máu đã diễn ra trong ghetto. Còn lâu chúng tôi mới nghĩ là chuyện ấy sắp xảy ra. Trời rất nóng, sau bữa tối chúng tôi kéo rèm cửa che phòng ăn và mở toang các cửa sổ để thở hít không khí ban đêm mát mẻ hơn. Xe Gestapo lái nhanh qua ngôi nhà đối diện vẫn giữ nguyên tốc độ, nhiều phát súng cảnh cáo nổ nhanh đến mức chúng tôi chỉ kịp bật khỏi bàn chạy đến cửa sổ, thấy cánh cửa ngôi nhà ấy mở toang, tiếng bọn SS quát tháo khắp trong nhà. Cửa sổ nhà họ cũng mở nhưng tối om, nhưng chúng tôi nghe thấy tiếng xáo trộn sau đó. Nhiều bộ mặt hoảng hốt hiện ra lờ mờ rồi biến mất ngay. Lúc tiếng ủng của bọn Đức lên cầu thang, đèn bật sáng hết tầng này đến tầng khác. Trong ngôi nhà đối diện với nhà chúng tôi có gia đình một thương gia, chúng tôi nhận ra họ rất rõ. Lúc đèn bật sáng, bọn SS ùa vào phòng, súng máy sẵn sàng nhả đạn, họ đang ngồi quanh bàn ăn hệt như chúng tôi lúc trước. Họ đờ người vì kinh hoàng. Tên sĩ quan cầm đầu toán SS cho đó là sự xúc phạm cá nhân. Giận tím người, hắn đứng im đó, nhìn khắp mọi người quanh bàn. Giây lát sau hắn mới quát, thịnh nộ đến cực điểm:
Đứng dậy!
Họ đứng dậy nhanh hết mức, chỉ trừ ông chủ nhà là một người què chân. Tên sĩ quan giận sôi sùng sục, hắn đến bên bàn, đứng chống hai tay lên đó, nhìn trừng trừng vào người què và gầm lên lần thứ hai:
Đứng dậy!
Ông già vịn vào tay ghế và gắng hết sức đến tuyệt vọng để đứng dậy nhưng vô ích. Chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện xảy ra, bọn SS đã túm lấy ông già yếu đuối, nhấc bổng cả ông già lẫn chiếc ghế rồi lôi ra ban công ném từ tầng ba xuống đường phố.
Mẹ tôi rú lên và nhắm nghiền mắt. Cha tôi lùi ra xa cửa sổ, rút vào trong phòng. Halina vội đỡ lấy ông còn Regina vòng tay ôm lấy mẹ tôi, chị nói rất to và rất rõ ràng, giọng quyết đoán “Im lặng!”.
Henryk và tôi không rứt khỏi cửa sổ được. Chúng tôi nhìn thấy ông già vẫn mắc trong cái ghế bành trong không khí một giây, sau đó ông ta rơi ra khỏi ghế. Chúng tôi nghe thấy tiếng chiếc ghế rơi một mình xuống mặt đường, tiếng thân người đập chát lên các mặt đá lót vỉa hè. Chúng tôi đứng đó, im lìm như mọc rễ tại chỗ, không thể lùi lại hoặc rời mắt khỏi cảnh đang diễn ra.
Trong lúc đó bọn SS đã lùa khoảng hai chục người trong ngôi nhà đó ra đường. Chúng bật đèn pha xe hơi lên, bắt các tù nhân đứng trong luồng ánh sáng, nổ máy và bắt họ chạy trước mũi xe trong luồng ánh sáng trắng lóa hình chóp nón. Chúng tôi nghe thấy tiếng la hét náo loạn từ các cửa sổ trong toà nhà và một tràng súng máy trên xe. Những người đang chạy trước đầu xe gục ngã, hết người này đến người khác, họ bật lên trong không khí vì trúng đạn, xoay lộn nhào thành vòng tròn, như thể chuyển từ sự sống qua cái chết bằng cú nhảy quá ư khó khăn và phức tạp này. Chỉ có một người trong bọn họ thành công bằng cách tránh ra khỏi luồng ánh sáng hình chóp nón. Anh ta chạy bán sống bán chết và sắp đến chỗ đường cắt ngang phố chúng tôi. Nhưng chiếc đèn pha bất ngờ xoay trên giá đỡ. Nó xoè rộng tia sáng tìm người chạy trốn, lại một tràng súng máy nữa, và lúc này đến lượt anh ta nảy lên trên không khí. Hai tay giơ quá đầu, vung thành vòng cung lúc anh ta nảy lên và ngã ngửa.
Tất cả bọn SS lên xe và chiếc xe cán lên trên các xác chết. Chiếc xe lắc lư trằn qua họ, như thể cán phải các ổ gà nông.
Đêm hôm ấy trong ghetto có khoảng một trăm người bị bắn chết nhưng không gây được ấn tượng mạnh như lúc ban đầu. Ngày hôm sau các cửa hàng và tiệm cà phê vẫn mở cửa như thường lệ.
Lần này có một điều nữa liên quan đến rất nhiều người: trong các hoạt động hàng ngày của bọn Đức, chúng quay phim. Chúng tôi không hiểu vì sao. Chúng ào vào một nhà hàng và bảo những người hầu bàn xếp một bàn đầy những món ăn và đồ uống ngon nhất. Sau đó chúng ra lệnh cho các thực khách cười vui và ăn uống rồi chụp cảnh vui cười của họ. Bọn Đức quay cả những buổi biểu diễn những vở nhạc kịch ở rạp chiếu bóng Femina trên phố Lezno, những buổi hoà nhạc giao hưởng do Marian Neuteich chỉ huy ở cùng phố trên, mỗi tuần một lần. Chúng nhất quyết bắt Chủ tịch cộng đồng Do Thái tổ chức một buổi tiếp tân lộng lẫy và mời các nhân vật danh tiếng trong ghetto rồi quay phim. Cuối cùng, chúng bắt một số đàn ông và đàn bà lùa vào trong một phòng tắm công cộng, bắt họ cởi bỏ quần áo và quay cảnh khiêu dâm ấy thật chi tiết. Chỉ mãi sau này tôi mới phát hiện ra những bộ phim ấy định dùng cho dân Đức ở quê chúng, vùng Reich và ở nước ngoài, buộc tội những tin đồn là dối trá, nếu tin tức về những hành động tàn bạo của chúng lọt ra thế giới bên ngoài. Chúng sẽ trưng ra cảnh dân Do Thái ở Warsaw sống sung sướng ra sao, họ cũng vô đạo đức và đáng khinh biết chừng nào, cho nên mới có cảnh đàn ông đàn bà Do Thái tắm chung, trần truồng vô liêm sỉ trước mặt nhau.
Vào khoảng thời gian này, những tin đồn gây hoang mang lan rộng trong ghetto. Từng khoảng thời gian ngắn hơn từ trước đến giờ, dù cho chúng vô căn cứ như thường lệ và không bao giờ tìm ra nguồn tin, hoặc không người nào có thể khẳng định một chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ có hôm dân chúng xì xào về những điều kiện khủng khiếp nhất trong ghetto Lódz, nơi người Do Thái bị bắt đem tiền sắt của họ vào lưu hành, không thể mua bất cứ thứ gì bằng tiền ấy, và hiện giờ hàng ngàn người Do Thái ở đấy đang chết đói. Một số người suy nghĩ rất nhiều về tin này; còn với những người khác tin ấy chỉ thoảng qua tai. Sau khi hết xầm xì về Lódz ít lâu lại bắt đầu về Lublin và Tarnów là những nơi người Do Thái bị đầu độc bằng hơi ngạt, dù chẳng ai tin chuyện ấy là có thực. Đáng tin hơn là các tin đồn về ghetto Do Thái sẽ bị giới hạn thành bốn nơi: Warsaw, Lublin, Cracow và Radom. Rồi để thay đổi, có tin là dân ở Warsaw sẽ bị tái định cư ở phía Đông, mỗi ngày sẽ chuyên chở sáu ngàn người. Theo ý kiến một số người, việc này đã tính trước từ lâu, nhưng một cuộc họp bí mật giữa Hội đồng Do Thái đã thuyết phục thành công bọn Gestapo (chắc chắn là hối lộ) không đưa chúng tôi đi tái định cư.
Ngày 18 tháng 7, Goldfeder và tôi đang chơi đàn tại một buổi hoà nhạc tại tiệm cà phê Pod Fontana trên phố Lezno, ủng hộ nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Leon Borunski đã có thời đoạt giải trong cuộc thi mang tên Chopin. Ông đang bị lao và sống cơ cực trong ghetto Otwock. Khu vườn của tiệm cà phê chật ních, có khoảng bốn trăm người thuộc tầng lớp thượng lưu và sắp thượng lưu tham dự. Hầu như ai cũng có thể nhớ lại buổi họp mặt cuối cùng ấy, chỉ ở mức độ khác nhau mà thôi, nhưng trong đám khán giả ấy nếu có sự kích động thì lại vì một lý do khác hẳn: tất cả qúy bà xinh đẹp thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và những kẻ giàu phất nhờ khôn khéo đều nóng lòng muốn biết liệu hôm nay bà L có nói chuyện với bà K không. Cả hai bà đều tham gia công việc từ thiện, đóng vai trò tích cực trong các nhà tế bần, tổ chức tại nhiều ngôi nhà phát đạt để giúp đỡ người nghèo. Cuộc từ thiện này rất thú vị vì hay kèm theo các buổi khiêu vũ, tại đó người ta nhảy múa, vui cười và uống rượu, quyên góp tiền cho các mục đích từ thiện.
Nguyên nhân bất hoà giữa hai quý bà là vụ xô xát xảy ra ở tiệm cà phê Sztuka mấy hôm trước. Cả hai bà đều xinh đẹp theo kiểu khác nhau, và thật tâm thì không ưa gì nhau, người nào cũng ra sức lôi kéo những người hâm mộ chung quanh mình. Nhân vật quan trọng nhất trong đám hâm mộ là Maurycy Kohn, chủ sở hữu đường sắt và là đại diện Gestapo, có gương mặt hấp dẫn và nhạy cảm của một nghệ sĩ.
Tối hôm đó cả hai bà đang vui chơi ở Sztuka. Họ ngồi bên quầy rượu, mỗi người có một vòng người hâm mộ vây quanh, và cố vượt người kia bằng cách gọi những thứ đồ uống kén chọn nhất, đòi nhạc công chơi đàn arcooc chơi những giai điệu du dương nhất cho bàn của họ. Bà L ra về trước. Bà không hình dung được là trong lúc bà còn ở tiệm, một phụ nữ đói lả đang lê bước trên hè phố, rồi ngã gục và chết ngay bên ngoài quán bar. Lóa mắt vì ánh sáng trong tiệm cà phê, bà L vấp phải người đàn bà đã chết lúc bà ra về. Lúc thấy cái xác, bà bị lên cơn co giật và không thể trấn tĩnh nổi. Bà K lúc này đã được nghe kể về việc bất ngờ kia. Lúc bước ra khỏi cửa, bà thét lên kinh hoàng, nhưng ngay lập tức, có lẽ do lòng thương cảm sâu sắc, bà đến chỗ người chết, rút năm trăm zloty trong xắc tay ra và đưa tiền cho Kohn đang đứng ngay sau bà:
Nhờ ông làm việc này hộ tôi – bà ta nói – Chôn cất bà ta cho tử tế.
Rồi thì một trong những quý bà hâm mộ bà K nói khẽ, nhưng cũng đủ to cho tất cả mọi người nghe thấy:
Một thiên thần, như mọi khi!
Bà L không tha thứ cho bà K về chuyện này. Ngày hôm sau, bà miêu tả bà K như “một mụ đàn bà hạ lưu” và nói bà sẽ không bao giờ nói chuyện với bà K nữa. Hôm nay cả hai bà đều có mặt tại tiệm Pod Fontanna, và giới giàu xổi của ghetto tò mò đợi xem sẽ xảy ra chuyện gì khi họ gặp nhau.
Lúc này phần đầu của buổi hoà nhạc đã kết thúc, Goldfeder và tôi ra phố hút thuốc trong lúc rỗi rãi. Chúng tôi là bạn bè và đã biểu diễn chung với nhau suốt một năm nay. Hiện giờ anh đã chết, mặc dù hồi đó triển vọng sống còn của anh có vẻ thuận lợi hơn tôi. Anh là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và cũng là một luật sư. Anh tốt nghiệp nhạc viện và khoa luật đại học tổng hợp cùng một lúc, nhưng anh quá tự ti khi nghĩ rằng anh không bao giờ thực sự trở thành nghệ sĩ dương cầm hàng đầu, nên anh hành nghề luật. Chỉ trong thời chiến, anh mới trở thành nhạc sĩ dương cầm.
Trong thời gian trước chiến tranh ở Warsaw, anh nổi tiếng là người có hiểu biết, có sức mê hoặc và tính tình tao nhã, và được nhiều người hâm mộ. Sau này anh cố trốn thoát khỏi ghetto và ẩn trú tại nhà của nhà văn Gabriel Karski. Sống thêm được hai năm nữa. Một tuần trước khi quân đội Xô viết tràn tới, anh bị bọn Đức bắn chết ở một thị trấn nhỏ không cách xa đống đổ nát của Warsaw là mấy.
Chúng tôi hút thuốc và nói chuyện, mỗi hơi thuốc lại cảm thấy đỡ mệt hơn chút ít. Hôm đó thời tiết rất đẹp. Mặt trời đã khuất hẳn sau các toà nhà, chỉ có các mái nhà và cửa sổ tầng trên cùng vẫn ánh lên màu đỏ thắm. Bầu trời xanh thẳm đang nhạt dần, những con chim nhạn bay lượn qua lượn lại. Đám đông trên phô; thưa dần, trông họ đỡ nhem nhuốc và khổ sở hơn thường lệ lúc họ bước đi, tắm trong màu xanh lơ, đỏ thắm và ánh chiều màu vàng đục.
Lúc đó chúng tôi nhìn thấy ông Kramstzyk đang đi đến chỗ chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều hài lòng, chúng tôi sẽ mời ông vào phần hai của buổi hoà nhạc. Ông đã hứa vẽ chân dung tôi, tôi muốn gặp ông để bàn bạc thêm chi tiết.
Song chúng tôi không thể thuyết phục nổi ông. Ông trông có vẻ chán nản, chìm trong những suy nghĩ ảm đạm của riêng mình. Ông vừa được nghe từ một nguồn đáng tin cậy rằng cuộc tái định cư sắp tới của ghetto là không thể tránh khỏi, đội biệt kích huỷ diệt của Đức ở bên kia tường đã sẵn sàng làm việc, sẵn sàng bắt đầu cuộc truy kích, săn lùng.